Skip directly to content

THỜI KHÓA TU TẬP (Trong thời Đức phật)

Trong kinh Nikaya thuộc tạng kinh Pali, chúng tôi tìm thấy được một thời khóa biểu tu tập trong thời đức Phật còn tại thế, mà Ngài đã hướng dẫn chúng tỳ kheo tu tập.

Thời khóa biểu này có một giá trị thực hành cụ thể rất lớn đối với những người tu tập theo Phật giáo hiện nay. Nó chỉ định cho chúng ta những pháp hành cụ thể rõ ràng, đúng chánh pháp của đức Phật: “Ngăn ác, diệt ác pháp”,và nếu nói về thiền định thì: “Ly dục, ly ác pháp”.

“Ngăn ác diệt ác pháp” và “Ly dục ly ác pháp”, so sánh với những từ trong thời khóa biểu này là: “Tẩy sạch tâm tư khỏi các chướng ngại pháp”.Chắc quí vị đã hiểu chướng ngại pháp là gì. Nó không khác dục và ác pháp, nhưng nó còn rõ nghĩa hơn.

Ví dụ như quí vị ngồi kiết già mà hai chân đau, đó là chướng ngại pháp; sáng quí vị muốn ăn, chiều quí vị muốn uống sữa, đó cũng là chướng ngại pháp, v.v...

Xưa đức Phật đã thành lập thời khóa biểu này cho chúng tỳ kheo Tăng cũng như tỳ kheo Ni tu tập, chúng tôi xét thấy không có lỗi thời, mà còn rất phù hợp vào thời đại của chúng ta, lúc mọi người đang hướng tâm về thiền định. Thiền định theo trong thời khóa biểu này là thiền định xả tâm, còn tất cả các loại thiền định của quí vị đang tu tập là thiền định ức chế tâm; đó là thiền tưởng, thiền của ngoại đạo mà xưa kia đức Phật đã sáu năm khổ hạnh tu tập không kết quả giải thoát.

May mắn thay, thời khóa biểu của đức Phật ngày xưa còn lưu lại là một bằng chứng chứng minh hùng hồn, cụ thể, xác định được pháp môn và sự tu tập của Phật giáo chân thật, mà không thể có một giáo pháp ngoại đạo nào mạo nhận của Phật giáo được.

Chúng tôi biên soạn thời khóa biểu này ra để quí vị thẩm xét lại con đường tu của mình có đúng là của đạo Phật hay không. Ðúng thì quí vị mới gọi là tu theo Phật giáo, bằng không thì quí vị đừng mượn danh Phật giáo mà biến nó thành một tôn giáo lừa đảo thì thật là đau lòng!

Theo thời khóa biểu này, quyền tu hay không là ở quí vị, còn riêng chúng tôi biên soạn ra đây để xét thấy cái đúng, cái sai hiện giờ trong Phật giáo; cái tu được, cái tu không được; cái đạo đức, cái phi đạo đức; cái không mê tín, cái mê tín; cái không trừu tượng, cái trừu tượng; cái không lừa đảo, cái lừa đảo, v.v... để quí vị suy ngẫm.

Cuối cùng, chúng tôi xin dừng lại nơi đây, hẹn gặp lại quí vị ở những tập sau: “Những lời gốc Phật dạy”, để chúng ta sẽ lần lượt vén lên những lớp bụi mù của Bà La Môn giáo, và những kiến giải của các nhà học giả xưa và nay đang phủ mờ Phật giáo.

Kính ghi

Thích Thông Lạc

Tu Viện Chơn Như, ngày 15/02/2000