LỜI TỰA
Sinh ra làm người là một điều khó, gặp được Chánh pháp còn khó hơn! Đúng vậy, hơn 2500 năm sau khi đức Phật nhập diệt, Chánh pháp của Ngài đã bị phủ lên bao lớp triết học trừu tượng, bao lớp tôn giáo ức chế, mơ hồ, tưởng giải, dựa dẫm vào tha lực. Bởi vậy, đạo Phật từ một phương pháp tu hành thực tế, dùng ý thức dẫn thân tâm vào Thiện pháp một cách tự nhiên để vượt qua nhân quả, làm chủ 4 nỗi khổ: sinh, già, bệnh, chết của đời người, bị biến thành một tôn giáo cầu, cúng, tụng, niệm, mong chờ khi chết được tái sinh vào các thế giới ảo tưởng, do tưởng tri của con người dựng lên; bị biến thành các pháp tu ức chế tâm không vọng tưởng, nhắm đến các trạng thái định tưởng, “Phật tánh”... các thần thông biến hóa, biết chuyện quá khứ, vị lai, v.v... Nhưng các kết quả này đâu giúp tâm con người hết tham, sân, si, mạn, nghi; cho nên tu mãi mà vẫn không thể nào làm chủ được sự sống chết, không thể chấm dứt tái sanh luân hồi.
May mắn thay cho nhân loại, khi giờ đây, Chánh pháp của Phật một lần nữa được trùng tuyên, sống dậy trở lại như những gì nó vốn có. Đạo Phật được dựng lại với một phương pháp tu tập rõ ràng, cụ thể, tỉ mỉ, có lớp lang từ thấp đến cao qua những bài giảng, qua những cuốn sách của đức Trưởng lão Thích Thông Lạc. Đó là những tác phẩm tâm huyết, kết quả kinh nghiệm từ cả một cuộc đời gian khổ tu hành, giành chiến thắng trước giặc sinh tử của Trưởng Lão.
Sau khi đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc nhập diệt, Tu Viện Chơn Như biên soạn tập sách nhỏ này, tập hợp bốn cuốn sách mỏng từ những tác phẩm của Thầy:
1- Pháp tu của Phật (từ Tứ Chánh Cần đến Tứ Niệm Xứ): chỉ rõ cách thức tu tập của đạo Phật được sinh ra từ kinh nghiệm tu hành giải thoát của chính đức Phật. Đó là một phương pháp do Ngài tự mình tìm ra, hoàn toàn khác biệt với cách thức tu hành của các tôn giáo khác.
(Nếu quý phật tử và bạn đọc muốn tìm hiểu toàn bộ quá trình tu hành của đức Phật, từ lúc xuất gia đi tìm đạo cho đến khi chứng quả Vô Lậu giải thoát, xin mời tìm đọc cuốn sách “Phật giáo có đường lối riêng biệt”, của đức Trưởng lão Thích Thông Lạc)
2- Thời khóa tu tập trong thời đức Phật: phân tích Thời khóa biểu tu tập mà đức Phật chế ra cho chúng tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni, từ đó chỉ ra pháp hành của đạo Phật là “xả tâm” khỏi các chướng ngại pháp.
3- (Trau dồi) Tứ Vô Lượng Tâm: pháp hành cụ thể để tu tập tăng trưởng bốn tâm Vô Lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả, mà đức Trưởng Lão thường nhắc đến bốn tâm này bằng một cụm từ thuần Việt là: “Yêu thương và tha thứ”.
4- (Niệm Phật) Tứ Bất Hoại Tịnh: phương pháp tu tập Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới theo đúng kinh sách nguyên thủy, để đạt đến sự giải thoát hoàn toàn như Phật, như Pháp, như chúng Thánh Tăng và như Giới luật.
Mong rằng tập sách nhỏ này giúp cho quý phật tử và bạn đọc nhìn nhận ra một Phật Pháp chân chánh, từ đó áp dụng vào đời sống và sự tu hành của bản thân, để vượt thoát được mọi sự khổ đau mà nhân quả đang vây quanh quý bạn.
Kính ghi
Tu Viện Chơn Như