Skip directly to content

I-TỪ VÔ LƯỢNG

Từ vô lượng là lòng mến thương vô cùng, vô tận của chúng ta đối với tất cả chúng sanh, từ con người đến con vật, cây cỏ. Lòng từ ban rải khắp tất cả thì ta sẽ tránh (vô tình) gây đau khổ cho chúng sanh, và đem lại cho chúng sanh cái vui chân thật. Cái vui do chính lòng từ mang đến sẽ làm cho vạn vật vui mừng, cỏ cây tươi tốt, trong đó có ta. Đức Phật khi đi còn không giẫm đạp lên cây cỏ sợ nó héo úa, thậm chí còn không bỏ thức ăn lên cỏ vì sợ thức ăn mặn làm chết cỏ, còn ta thì cứ đạp bừa lên, nhổ tận gốc rễ. Bởi vậy, chúng ta cần phải thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm.

Nói về lòng từ thì trong đời sống của chúng ta có hai cái vui:

1- Cái vui bền bỉ chân thật. Đây là lòng từ, bi, hỷ, xả của ta ban rải khắp mọi loài chúng sanh trong mọi hoàn cảnh, khiến cho tất cả đều được an vui.

2- Cái vui ngắn ngủi giả tạm. Đây là cái vui còn bị phiền não chi phối vì có tham, sân, si đòi hỏi. Cái vui này là vui theo dục lạc, được thì vui, mất thì buồn, và dục lạc không bao giờ có thể thỏa mãn hoàn toàn được. Phật dạy: “Kẻ ngu si, vô minh mới chạy theo dục lạc. Nó là thứ dục lạc ảo giác, không có thật, chỉ có người trí mới hiểu biết mà thôi”. Bởi vậy, theo lộ trình mà Thầy hướng dẫn, thì phật tử phải đi theo đúng đường để thoát khỏi phiền não tham, sân, si và không bị dục chi phối. Nó không ồn ào sôi nổi, mà yên lặng, nhẹ nhàng. Một bóng, một mình mà vui trong cảnh giới siêu phàm, khi hòa mình cùng cái vui của vũ trụ, vạn hữu, trong niềm vui bất diệt của vạn pháp; thấy ta có vẻ cô đơn mà thực sự không cô đơn. Ta phải so sánh để chọn lấy một nguồn vui chân thật. Muốn tìm được nguồn vui chân thật thì hàng ngày quý vị phải trau dồi thân tâm của mình trong ba hành động của nó; nghĩa là hằng ngày trau dồi ba hành động của thân bằng pháp môn cụ thể.

Trong người của ta có ba cái hành khác nhau là thân hành, khẩu hành và ý hành. Ta phải lấy tứ vô lượng tâm để trau dồi ba cái hành này:

a) Thân hành có hai: chân hành và tay hành;

b) Khẩu hành gồm có hai: ăn và nói;

c) Ý hành gồm có ba: ý thiện, ý ác và ý không thiện không ác.

✿✿✿

 

A) Trau dồi từ tâm nơi Thân hành

1- CHÂN HÀNH: Khi đi thì ta phải theo sát hành động đi và có pháp hướng tâm (Như Lý Tác Ý), để gợi lên lòng thương yêu của ta đối với chúng sanh. Đây không phải là tu Chánh Niệm Tĩnh Giác Định, mà là mượn cái hành động chân đi để thực hiện tâm từ ở dưới bàn chân, trong mỗi bước đi của chúng ta. (Mỗi người có thể tùy theo đặc tướng riêng của mình, soạn thêm những câu pháp hướng tương tự cho phù hợp với mình)

a- ĐI: Cần phải phân biệt thế nào là tâm và thế nào là ý?

Ý là nhân, tâm là quả, cho nên ý làm mà tâm chịu (Ý làm ác tâm chịu khổ, ý làm thiện tâm hưởng phước).

Kinh Pháp Cú có câu:

Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý ô nhiễm

Nói lên hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như xe, theo vật kéo”

Ý thì có ý căn (óc não), còn tâm thì không có tâm căn, vì tâm là quả của ý, ý là nhân của tâm. Nếu gọi tâm mà bảo là ý thì cũng như đánh trâu kéo cày vừa la “thá”, vừa la “ví”, thì con trâu biết đường đâu mà đi? Bởi vậy nên có người mới thắc mắc mà hỏi: tại sao dùng pháp hướng nhắc tâm mà nó vẫn trơ trơ không có kết quả. Tại vì ta đặt không đúng chỗ, không đúng tên, không đúng trường hợp của nó thì làm sao có kết quả được?

Bây giờ các bạn đã phân biệt được ý và tâm, nhờ đó chúng ta dùng ý dẫn tâm để thực hiện tâm từ nơi bước đi:

Dưới bước chân ta đi, có rất nhiều sinh vật nhỏ bé và thảo mộc đang sống. Ta phải đi cẩn thận để tránh thương tổn, hoặc giết hại các sinh vật”.

Nhờ nhắc như vậy mà tâm ta tỉnh thức và lưu ý ở bàn chân. Đi một lúc, sợ nó quên thì ta lại nhắc nữa. Nhờ nhắc nhở hoài, nó gây cho ta tâm thương yêu thắm thía. Nếu hàng ngày trau dồi tu tập như thế thì lòng từ của ta huân tập thành thói quen thương xót và ban rải khắp chúng sanh. Khi tâm từ ta ban rải thì ngọn cỏ ta cũng không nỡ đạp lên, sợ nó mềm yếu, héo úa. Khi ta trau dồi lòng từ như vậy, thì nếu người ta có chửi mắng ta, ta cũng không giận. Bấy lâu nay nếu ta không trau dồi thì dù có nghe, có lập lại “phải quán từ bi để diệt tâm sân” nhưng ta không tập, hoặc tập không rốt ráo thì khó mà thành công. Quán thì ngồi im lìm, đó là tịnh; còn ĐI là động, ta phải trau dồi trong hành động.

Trên đây là cách tập luyện thực tiễn của người cư sĩ. Đợi đến khi thành Bồ tát rồi mới trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm là một điều sai lầm. Người cư sĩ phải học tập và trau dồi ngay tâm từ, bi, hỷ, xả để cuộc sống an vui, xã hội tốt đẹp hơn, và đất nước thanh bình, không có tranh chấp, chống đối nhau. Còn các tỳ kheo thì học tập để giữ gìn giới luật và tu tập thiền định.

b- ĐỨNG: Khi đứng ta cũng nhắc: “Chúng sanh chung quanh ta có rất nhiều, nếu ta đứng trên chúng thì chúng có thể bị tổn thương, héo úa, hoặc bị đè bẹp mà chết”. Từ nay mỗi ngày ta phải ráng thực tập ít ra vài ba lần. Có tu tập như vậy thì lòng ta mới thấm nhuần yêu thương vạn vật muôn phương.

c- NẰM: Khi nằm ta cũng nhắc như vậy. Do đó, trong ngày nếu có bao nhiêu lần ta đi, đứng, nằm, ngồi thì ta được bấy nhiêu lần trau dồi. Cũng như người thợ vót tên, mỗi ngày cứ chăm chỉ vót mũi tên cho nhọn và đều thì cuối cùng cũng sẽ đạt như ý muốn. Thân ta cũng phải trau dồi như vậy thì tâm ta mới được an vui.

Đây là câu pháp hướng khi nằm: “Tất cả chúng sanh sẽ ở dưới lưng ta. Ta hãy xem xét kỹ chỗ nằm có chúng sanh ở dưới đó không rồi mới nằm”. Nhiều lúc ta quá mệt mỏi và ta không để ý có các sinh vật ở dưới, nếu ta vô tình nằm lăn qua lăn lại là ta đã giết chết chúng sanh (kiến, nhện, gián, bò cạp, v.v... Nó rên la đau đớn mà ta nào có hay. Bởi vậy khi lăn qua, lăn lại ta phải nhắc tâm, lưu ý và thực hiện cho được từ, bi, hỷ, xả. Muốn trau dồi lòng từ thì hàng ngày ta phải siêng năng, nỗ lực tu tập thì mới có kết quả. Tâm ta dần dần sẽ thấm nhuần, rộng lớn bao la.

d- NGỒI: Khi ngồi ta cũng nhắc như vậy: “Khi ngồi ta có thể đè bẹp chúng sanh ở phía dưới. Vậy ta phải cẩn thận, quan sát xem có chúng sanh ở chỗ ngồi không. Nếu không để ý, khi ngồi lắc qua lắc lại ta có thể làm đau khổ và chết chóc chúng sanh”.

Trau dồi tứ vô lượng tâm là thể hiện tâm từ vô lượng, mà còn là phòng hộ sáu căn. Người tu sĩ mà ngồi lắc lư thì mất trang nghiêm; mắt láo liên ngó qua, ngó lại là không đoan trang. Người tu sĩ thì không nên nhìn người khác phái, mà phải nhìn xuống dưới đất để tránh gây đau khổ, chết chóc cho chúng sanh.

Trên đây là trau dồi hành động của thân khi đi, đứng, nằm, ngồi; tức là ta tỉnh thức để tránh gây đau khổ, chết chóc cho chúng sanh. Trau dồi hành động của thân khiến ta càng ngày càng tăng thêm tình thương đối với chúng sanh để có sức tỉnh thức lớn, lòng thương yêu nhiều; nhờ đó mới diệt trừ được tham, sân, si và dứt trừ ngũ triền cái.

Khi tứ vô lượng tâm ngự trị ở tâm ta thì ngũ triền cái sẽ không còn đeo đẳng theo ta nữa. Sự thật không phải đơn giản, mà chính ta phải ra sức tu tập bền chí siêng năng mới thắng được. Mình nói mình thương chúng sanh, mà thực tế là mình thương mình, chứ chưa có thương ai hết. Xưa, có câu chuyện của Hoàng Hậu Vi Đề Hy hỏi vua Bình Sa Vương (Bimbisara) rằng: “Bệ hạ có thương thần thiếp không?”. Vua rất đỗi ngạc nhiên, đáp rằng:

“Trẫm không thương ái khanh thì còn thương ai nhất trên đời này?”

Hoàng Hậu đáp: “Hoàng Thượng nói vậy chứ thật ra Hoàng Thượng thương Hoàng Thượng nhất!”

“Sao lạ vậy?”

“Thí dụ bây giờ thần thiếp yêu một ông quan nào trong triều, thì Hoàng Thượng có còn thương thần thiếp nữa không, hay là bắt giam thiếp vào trong ngục hoặc đem xử tử? Đó là Hoàng Thượng thương Hoàng Thượng chứ đâu có thương thần thiếp!”

Quả thật, nếu hay tin vợ mình lấy một người khác thì người chồng sẽ nổi cơn thịnh nộ ngay. Vậy thì yêu ở chỗ nào? Nếu là yêu thật sự thì phải để cho người mình yêu được hạnh phúc chứ? Là đệ tử Phật khi bị một con vật cắn đau (dù là con bò cạp), ta cũng không nỡ giết hại nó. Chính vì lòng ích kỷ nhỏ nhen đó mà xã hội mới có tranh chấp, bất an; chứ nếu lòng thương yêu của chúng ta rộng lớn, chắc chắn không có sự bất an đó.

Cho nên bài học đầu tiên trong Phật pháp là Tứ Vô Lượng Tâm. Tại sao thế? - Vì muốn con người biết thương yêu nhau, và xây dựng một xã hội tốt đẹp, có trật tự, an ninh. Hình thức bên ngoài thì ta thấy các quốc gia, xã hội có trật tự, mà bên trong thì chưa có. Đời sống ngày càng khó khăn thì lòng người càng ly tán. Đức Phật dạy ta phương pháp để trau dồi tâm từ. Khi ta đang đi thiền hành và biết dùng pháp hướng nhắc tâm tức là ta đang trau dồi tâm từ. Còn nếu trong bước đi mà ta thấy trong ta có tình thương yêu rộng lớn, và luôn luôn tránh né để không giẫm đạp lên kiến hay bất cứ một loại côn trùng nào, tức là ta viên mãn lòng từ vô lượng. Với tâm từ như vậy thì ta không nỡ đạp lên cỏ, ngắt một ngọn lá, bẻ một cành cây, hay hái một cành hoa. Tâm ta phủ trùm, thương yêu khắp vạn vật. Chỉ cần một pháp này cũng đủ để giải thoát. Khi có lòng thương rộng lớn thì không tham, không giận, và ngã chấp cũng không còn; thương yêu cá nhân thì ngã mới có. Không phải chờ đến khi nhập Tứ Thiền, đắc Tam Minh mới diệt hết lậu hoặc; chẳng phải chờ đến khi nhập Niết Bàn mà lòng ta đã là Niết Bàn sau một năm tu tập tinh chuyên!

Giờ đây chúng ta mới hiểu vì sao Phật cấm các tỳ kheo trồng cây cối, hoa kiểng, không làm một nghề nào cả. Còn làm là còn động đến chúng sanh, là làm cho chúng sanh đau khổ. Không phải ta ích kỷ, mà vì ta muốn thực hiện lòng yêu thương phủ trùm vạn vật. Tóm lại, hàng ngày chúng ta phải trau dồi tâm từ trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi bằng pháp hướng tâm.

2- TAY HÀNH: Trau dồi tâm từ trong hành động tay là khi đang cầm, nắm, bắt tất cả những vật dụng; hoặc khi mặc áo, ăn cơm... ta phải luôn luôn như lý tác ý. Thí dụ như câu: “Tất cả những vật dụng, cơm ăn, áo mặc, thuốc thang đều do mồ hôi, nước mắt của người; vậy ta phải biết ơn, thương yêu họ và thương yêu mọi người; dù người đó có hay không có cúng dường cho ta”. Thậm chí nếu có người đánh, mắng, chửi rủa ta, ta cũng không bao giờ đánh, mắng, chửi rủa, hay to tiếng với họ, làm cho họ khổ sở. Ta phải nói lời nhẹ nhàng cho người vui và không buồn khổ nữa.

Khi cầm, nắm, bắt, tay ta cũng phải nhẹ nhàng, từ tốn, vì trên đồ vật ấy có thể có chúng sanh, nếu ta mạnh tay là ta có thể giết chết sinh vật ấy. Tập luyện như vậy là tập luyện tỉnh thức trong hành động để trau dồi tâm từ, bi, hỷ, xả; chứ không phải là Chánh niệm tĩnh giác định.

Muốn trau dồi tâm từ trong các hành động nơi tay thì ta phải tác ý thường xuyên để không vô ý làm đau khổ chúng sanh. Khi tinh tấn, siêng năng tu tập, tức là ta thực tập tĩnh giác, dần dần ta mới thật sự thương yêu chúng sanh. Khi chúng sanh đang mạnh giỏi mà ta thương yêu là ta ban lòng từ rộng lớn; còn khi chúng sanh bị nạn, đau khổ mà ta săn sóc, giúp đỡ là ta thực tập lòng bi. Hàng ngày ta phải tránh né để cho chúng sanh sống an vui, ca hát. Đó là ta trau dồi lòng từ.

Từ thuộc về nhân, khi chúng sanh không bị đau khổ; bi thuộc về quả, khi chúng sanh đang bị đau khổ. Người ta đang sợ hãi mà ta đến trấn an là bi. Nhường chỗ ngồi cho một bà già đang đi trên xe đò là từ. Lòng từ biến mãn khắp mười phương, khiến cho cỏ cây, vạn vật sống an vui, không có sự sát hại, gây khổ đau, dù là vô tình giẫm đạp lên côn trùng. Có lòng từ thì không có tâm chấp chặt, chỉ có sự bình đẳng, thương yêu nhau xuất phát từ trong đáy lòng của ta.

Nếu ta không trau dồi lòng từ thì nó chỉ là hình thức suông, là những danh từ hoa mỹ: “từ bi, bác ái”. Bấy lâu nay ta nghe thấy các danh từ ấy, nhưng ta chưa thực hiện đúng mức giữa người và người, cũng như giữa người và vật. Nói cho cùng, chúng ta lầm chấp thân tâm này là ngã (của ta); bao giờ ta còn lầm chấp như thế là ta không có lòng từ bi thật sự. Muốn được thật sự có lòng từ bi thì hàng ngày ta phải trau dồi nó, thì ta mới có được. Nhờ đó mà bản ngã ta mới tiêu mòn và ta thấy trong vạn vật có mình, mà như không có mình. Ta cần phải có câu pháp hướng để thực tập. Đây là điều rất quan trọng, nó là ngọn đuốc soi đường ta đi.

Khi nắm, bắt lấy một vật gì, ta phải hành động nhẹ nhàng, từ tốn. Đây là oai nghi, tế hạnh của thầy tu. Mỗi hành động của tay, chân đều hướng tâm, nhắc tâm ta thương yêu mọi loài. Từ đó tâm ta mới thấm nhuần sâu tận xương tủy, và biến mãn ra thân mình đầy lòng thương yêu chân thật.

Cần ghi nhớ ở đây không phải ta tu tập Chánh niệm tĩnh giác định, mà là tu tập hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng; tu tập tỉnh thức để thể hiện lòng từ bi. Người có lòng từ bi không bao giờ biết sợ hãi trước ác thú, hiểm nguy. Loài vật chung quanh ta cũng biết sợ hãi (cọp, beo, voi, gấu). Do sợ hãi mà nó nhìn ta chăm chăm (vì mắt ta có vẻ hung dữ?). Con vật thấy người tu, mắt nhìn xuống thì nó an tâm và không sợ hãi. Người không tu khi thấy con vật lớn thì lo cao chạy xa bay, khi thấy con vật nhỏ thì đánh, bắt, giết. Bởi vậy, họ có thể bị ác thú giết hại (vì trong người họ toát ra từ trường ác). Người có tâm từ thì không hãm hại thú dữ mà còn thương yêu nó nữa. Tu sĩ sống trong rừng hài hòa với thú là do lòng từ, chứ không phải là do công phu thiền định. Những con vật nhỏ hơn như rắn, rết, bò cạp có chất độc là để bảo vệ thân nó khi nó bị tấn công, mạng sống bị đe dọa. Khi có lòng từ thì đi trên xe đò ta cũng không sợ (bị móc túi), vì đã ban rải lòng từ cho họ. Người thường, nếu có cái gì quý giá thì họ nơm nớp lo sợ, còn ông thầy tu thì có cái gì mà sợ mất trộm?

Để kết luận, ta có thể nói rằng trau dồi lòng từ không phải là chuyện đơn giản. Đạt được phân nửa là ta đã sống an vui, thanh thản. Nếu muốn đạt lòng từ trọn vẹn một trăm phần trăm thì ta phải vứt bỏ hết tất cả tài sản, của cải thế gian. Khi ta thật sự có tâm từ thì trong lòng không còn sợ hãi nữa.

✿✿✿

 

B) Trau dồi tâm từ nơi miệng (Khẩu hành)

1- KHI ĂN, UỐNG, NHAI, NUỐT: Phải cẩn thận trong khi ăn uống, kẻo nhai nuốt lầm chúng sanh. Thí dụ khi ta vội vã ăn một cái bánh có mấy con kiến là ta nuốt chúng luôn. Ta phải từ từ, lấy que nhỏ đưa con vật (kiến, sâu) ra khỏi thức ăn của ta (rau cải, trái cây, bánh, v.v...). Người tu sĩ cũng như cư sĩ đều phải thực tập như thế. Luôn luôn phải như lý tác ý: “Khi ăn, uống, nhai, nuốt ta phải cẩn thận để không nhai nuốt chúng sanh. Làm cho chúng sanh đau khổ, chết chóc trong khi ta ăn uống là một điều tội lỗi”.

2- KHI NÓI: “Muốn nói một điều gì phải cân nhắc, suy tư chín chắn rồi mới nói”. Lấy đó làm câu pháp hướng để không nói lời làm khổ mình, khổ người. Lời nói ác độc, nói đùa, mỉa mai cũng làm cho người ta đau khổ. Hầu hết chúng ta không biết trau dồi lời nói, khi muốn nói là cứ nói tùy thích, không hề nghĩ đến hậu quả của nó. Không nên đặt điều nói lời oan ức cho người khác (chuyện có nói không, chuyện không nói có); nếu mình không muốn người ta nói lời oan ức cho mình thì mình cũng đừng nói lời oan ức cho người.

Phải gìn giữ lời nói đúng đắn, không làm khổ mình, khổ người”, để trau dồi tứ vô lượng tâm.

Ta là người hay nhiều chuyện, lắm mồm, vậy hàng ngày ta phải trau dồi miệng”. Tùy theo nhược điểm của mình mà đặt thêm cho mình những câu pháp hướng tương tự cho phù hợp với đặc tướng của mình.

Ách giữa đàng, mang vào cổ, chuyện người người biết, chuyện mình mình hay; đừng có tài khôn mà chuốc lấy họa vào thân”. Thật là vô ích khi mình đến can thiệp vào chuyện của người để rồi tranh chấp, đôi co.

Nếu thường xuyên hướng tâm thì ta rất tỉnh táo, khi nói sẽ cẩn ngôn (suy tư rồi mới nói) và giảm tốc độ (có thì giờ suy nghĩ trước khi nói). Nếu gặp chuyện xảy ra mà nói lia lịa, lỡ nói rồi làm sao lấy lại được? Nếu ta không khéo, nói phóng theo tư tưởng ngã chấp thì có ngày sẽ chuốc họa vào thân.

Từ nay ta phải yên lặng, sống trầm lặng (độc cư), không được lắm mồm trước mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng”.

Do miệng lưỡi nói ra mà kẻ sân, người khổ, kẻ quyên sinh. Do miệng lưỡi mà gia đình ly tán, bè bạn tránh xa. Do miệng lưỡi nói ra mà vạn vật, sinh linh phải chết (đến nhà người bạn chơi, khen con gà tốt quá, nếu làm thịt ăn thì ngon tuyệt). Do miệng lưỡi nói ra mà có người bị tù đày, biệt xứ. Miệng lưỡi nói ra mà gia đình người ta xào xáo, anh em chia lìa, tăng đoàn tan rã, v.v... Nói chung, sự đau khổ của con người ta ở thế gian này phần đông là do miệng lưỡi. Vậy hàng ngày chúng ta phải trau dồi miệng lưỡi để nói lời lành, lời thiện. Phải thường xuyên như lý tác ý câu này:

Ta không nói thì thôi, mà nói ra thì phải làm vui lòng người”.

Nói ra mà làm vui lòng người là ta thương người”.

Làm người ta phải thương người, thấy sự đau khổ của người như chính sự đau khổ của ta”.

✿✿✿

 

C) Trau dồi tâm từ nơi Ý hành

Muốn trau dồi ý, ta phải tư duy: “Thân tất cả chúng sanh cũng như thân ta, thường đau khổ, đói khát. Ta hãy thương yêu và chăm sóc chúng như chăm sóc con ta vậy”.

Sự tư duy được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần khi nhìn hoạt động các loài vật (một đàn kiến đi qua): nó có buồn, vui, đau khổ (nó ra sức bảo vệ khi bị con vật khác tấn công). Từ đó ta tư duy đến đời sống của các sinh vật. Khi có con vật bị gặp tai nạn ta phải ra tay cứu nó. Con kiến té xuống nước mà ta vớt lên là hành động của từ tâm. Khi nghe con nhái bị con rắn cắn thì ta phải mau mau chạy ra can thiệp để cứu nó. Khi một bầy chó hùa nhau tấn công một con chó khác trong xóm thì ta phải can ngăn; một con chim nhỏ bị con chim lớn mổ, cắn thì ta phải ra tay cứu giúp nó.

Khi để ý, quan sát đời sống của loài vật thì ta mới thương yêu, cảm thông chúng. Lúc ngồi nghỉ ngơi mà có thể giúp đỡ được cho chúng thì lòng ta thấy vui mừng, tâm ta tỉnh táo và ta cũng tu tập thiền định nhanh hơn là cứ ngồi yên một chỗ luyện tập hơi thở.

Sự quan sát còn làm cho tri kiến ta ngày càng rộng lớn hơn. Từ đó ta tư duy mới thấy hạnh phúc ở trần gian chỉ là giả tạo.

Ngồi thiền nhập định để làm chủ sanh tử mà không trau dồi tâm ý là một điều thiếu sót lớn. Thế nên, mỗi ngày chúng ta cần phải bỏ ra vài ba phút, hoặc hai ba chục phút để quan sát mọi loài, lắng nghe tiếng kêu khổ, cầu cứu của chúng sanh. Hành động như vậy sẽ giúp cho sự tu tập của ta rất nhiều. Từ trước đến nay, chúng ta tu tập mà không có người hướng dẫn cặn kẽ, không biết phải tu TỨ VÔ LƯỢNG TÂM như thế nào, trau dồi ra sao, nên lấy cái sau tu phía trước, lấy cái trước đem tu phía sau.

Trau dồi lòng từ là “tu” cái tham, sân, si; chứ không phải diệt tham, sân, si rồi mới tu tập lòng từ. Cứ mãi lo nén tâm, tập hơi thở, ngồi thiền làm cho dứt sanh tử luân hồi; trong khi tham, sân, si chưa dứt thì làm sao có lòng từ? Đức Phật dạy các tu sĩ và cư sĩ tu tập để sống một đời an vui, xã hội có trật tự an ổn. Nếu ta tu một, hai năm và trau dồi tứ vô lượng tâm qua thân, khẩu, ý thì chắc chắn ta sẽ có hạnh phúc rất lớn, hạnh phúc chân thật cho ta và gia đình ta. Hãy tự hỏi bấy lâu nay ta tu tập: 5 năm, 10 năm, 20 năm mà gia đình ta có an vui, giải thoát không; hay là như ngục tù đau khổ? Nơi nào đạo Phật đến thì phải có giải thoát thật sự; nếu không thấy giải thoát thật sự thì đó không phải là đạo Phật chân chánh.

Có bao giờ quý vị nhìn cỏ cây, ngắm hạt sương đọng trên cỏ vào buổi sáng tinh mơ? Có bao giờ quý vị để ý đến ngọn cỏ non mấy bữa trước, hôm nay đã bung ra thành lá cỏ không? Hãy theo dõi cuộc sống đang diễn biến trước mắt chúng ta, rồi ta mới thấy thương yêu cỏ cây, loài vật. Cỏ cây và loài vật mà ta thương được thì làm sao mà ta không thương được con người? Dù cho người có oán ghét ta, ta cũng không để dạ, mà phải sống buông xả và thanh thản. Do đó đời ta không có người thù, mà chỉ có người đã hiểu và người chưa hiểu ta mà thôi.

Khi ta trau dồi được ý thì thân và khẩu sẽ không còn khó khăn nhiều.

✿✿✿