I. GADUBHAVAGGO - PHẨM LỪA
1. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI LỪA
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của con vật có tiếng kêu ghê rợn (loài lừa) nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài lừa nằm ở bất cứ nơi đâu: ở đỉnh đống rác, ở ngã tư đường, ở giao lộ, ở cổng làng, ở đống trấu, và không nằm nhiều. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập có thể nằm sau khi đã trải xuống mảnh da ở bất cứ nơi đâu: ở tấm trải bằng cỏ, ở tấm trải bằng lá, ở chiếc giường nhỏ bằng cây gỗ, ở nền đất, không nên nằm nhiều. Tâu đại vương, điều này là một tính chất của con vật có tiếng kêu ghê rợn (loài lừa) nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:
‘Này các tỳ khưu, giờ đây các đệ tử của Ta, với gối kê đầu là khúc gỗ mục, sống không xao lãng, có nhiệt tâm trong việc nỗ lực.’
Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến:[1]
‘Đối với vị đang ngồi với thế kiết già, trời mưa còn chưa làm ướt đầu gối, vậy là quá đủ cho sự an trú thoải mái của vị tỳ khưu có bản tánh cương quyết.’”
Câu hỏi về tính chất của loài lừa là thứ nhất.
*****
2. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI GÀ TRỐNG
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của loài gà trống nên được hành trì,’ năm tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài gà trống đi nghỉ ngơi đúng lúc đúng thời. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên quét dọn sân của bảo tháp đúng lúc đúng thời, rồi nên cung cấp nước uống nước rửa, nên chăm sóc cơ thể, nên tắm rửa, nên đảnh lễ bảo tháp, nên đi đến thăm viếng các tỳ khưu trưởng thượng, rồi nên đi vào nơi trống vắng đúng lúc đúng thời. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài gà trống nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài gà trống thức dậy đúng lúc đúng thời. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thức dậy đúng lúc đúng thời, nên quét dọn sân của bảo tháp, rồi cung cấp nước uống nước rửa, nên chăm sóc cơ thể, nên đảnh lễ bảo tháp, rồi nên đi vào nơi trống vắng thêm lần nữa. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài gà trống nên được hành trì.
3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài gà trống sau khi bới đi bới lại mặt đất rồi nuốt miếng ăn vào. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập sau khi quán xét đi quán xét lại rồi mới nên nuốt vật thực vào: ‘Không phải để chơi giỡn, không phải vì đam mê, không phải để tô điểm, không phải để trang sức, mà chi nhằm để duy trì, để nuôi dưỡng thân thể này, để ngăn ngừa sự tổn hại, để hỗ trợ sự thực hành Phạm hạnh (nghĩ rằng): Như vầy ta tiêu diệt cảm thọ cũ và sẽ không làm sanh lên cảm thọ mới, và sự sống còn, sự không bị chê trách, và sự cư trú thoải mái sẽ có đến ta.’ Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của loài gà trống nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:
‘Ví như thịt của người con trai ở nơi sa mạc, giống như dầu bôi trơn cho trục xe, tương tợ như thế người đã ăn vào vật thực nhằm mục đích sống còn, không bị đắm say.’
4. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài gà trống dầu sáng mắt cũng bị mù mờ vào ban đêm. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, dầu không bị mù, cũng nên là như mù, dầu ở trong rừng hay đang khi đi khất thực ở khu vực làng mạc nên là như mù, điếc, câm đối với các sắc, thinh, hương, vị, xúc, và pháp quyến rũ, không nên nắm giữ hình tướng, không nên nắm giữ chi tiết. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của loài gà trống nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Mahākaccāyana nói đến:[2]
‘Người có mắt nên là như kẻ mù, người có tai nên là như kẻ điếc, người có lưỡi nên là như kẻ câm, người có sức mạnh tợ như kẻ yếu đuối, và khi có sự việc đã được sanh khởi, hãy nằm xuống ngủ như kẻ chết.’
5. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài gà trống dầu đang bị tấn công bởi các cục đất, cây gậy, cây côn, cái vồ, cũng không lìa bỏ cái chuồng của mình. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập dầu đang làm công việc may y, đang làm công việc xây dựng công trình mới, đang thực hành phận sự và công việc, đang đọc tụng, đang bảo người khác đọc tụng, cũng không nên lìa bỏ việc tác ý đúng đường lối. Tâu đại vương, bản thân điều này chính là ngôi nhà của hành giả, tức là sự tác ý đúng đường lối. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ năm của loài gà trống nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:
‘Này các tỳ khưu, cái gì là hành xứ của vị tỳ khưu? Là lãnh vực tu tập có tính chất truyền thống của bản thân, tức là bốn sự thiết lập niệm.’
Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến:
‘Giống như con voi đang ngủ, không dẫm đạp lên cái vòi của nó. Nó nhận thức được vật ăn được và vật không ăn được, (nhận thức được) hành vi và suy nghĩ của bản thân.
Y như thế ấy, người con trai của đức Phật, dẫu là không bị xao lãng, không nên xem thường lời dạy của đấng Chiến Thắng về sự tác ý cao quý tối thượng.’”
Câu hỏi về tính chất của loài gà trống là thứ nhì.
*****
3. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI SÓC
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của loài sóc nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài sóc, khi kẻ thù địch lao đến thì ve vẫy cái đuôi và làm cho lớn lên, rồi xua đuổi kẻ thù địch bằng cây côn chính là cái đuôi ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, khi kẻ thù phiền não lao đến, thì nên ve vẫy cây côn là sự thiết lập niệm và làm cho nó lớn lên, rồi xua đuổi tất cả phiền não bắng chính cây côn là sự thiết lập niệm ấy. Tâu đại vương, điều này là một tính chất của loài sóc nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Cullapanthaka nói đến:
‘Khi nào các phiền não phá hoại đức hạnh của đời sống Sa-môn lao đến, chúng nên bị tiêu diệt một cách liên tục bằng cây côn là sự thiết lập niệm.’”
Câu hỏi về tính chất của loài sóc là thứ ba.
*****
4. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI BEO CÁI
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của loài beo cái nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài beo cái đậu thai chỉ có một lần, không tiếp tục đi đến với con đực nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập sau khi nhìn thấy sự tiếp nối trong tương lai, sự tái sanh, việc nằm ở bào thai, sự chết, sự tan rã, sự hoại diệt, sự tiêu tan, nỗi sợ về luân hồi, khổ cảnh, sự không tương xứng, sự dằn vặt, nên thực hiện tác ý đúng đường lối rằng: ‘Ta sẽ không tiếp tục về việc sanh ra lần nữa.’ Tâu đại vương, điều này là một tính chất của loài beo cái nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Kinh Tập, bài Kinh Người Chăn Bò Dhaniya: (Suttanipāta - Kinh Tập, câu kệ 29).
‘Tợ như con bò mộng đã cắt đứt các sự trói buộc, tợ như con voi đã bứt lìa sợi dây rừng thối tha, Ta sẽ không đi đến việc nằm ở bào thai lần nữa. Này vị Trời, vậy nếu ngài mong muốn, thì ngài hãy đổ mưa.’”
Câu hỏi về tính chất của loài beo cái là thứ tư.
*****
5. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI BEO ĐỰC
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của loài beo đực nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài beo đực ẩn núp nương vào lùm cỏ um tùm hoặc khu rừng um tùm hoặc đồi núi um tùm rồi chộp lấy các con thú rừng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên tới lui nơi vắng vẻ là cánh rừng rậm, gốc cây, sườn núi, thung lũng, hang núi, bãi tha ma, khu rừng thưa, đồng trống, đống rơm, nơi ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh. Tâu đại vương, bởi vì trong khi tới lui nơi vằng vẻ, vị hành giả thiết tha tu tập chẳng bao lâu sau đạt được bản thể năng lực về sáu Thắng Trí. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài beo đực nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được các vị trưởng lão kết tập Giáo Pháp nói đến:
‘Cũng giống như con beo đực ẩn núp rồi chộp lấy các con thú rừng. Y như thế ấy người con trai này của đức Phật, vị có sự tu tập đã được gắn bó, vị hành minh sát, đi vào khu rừng rồi nắm lấy quả vị tối thượng.’
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài beo đực sau khi giết chết bất cứ con thú nào, nếu con thú rơi bị rơi xuống ở sườn bên trái thì nó không ăn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên thọ dụng vật thực đã được tạo ra do việc cho tre, hoặc do việc cho lá, hoặc do việc cho bông hoa, hoặc do việc cho trái cây, hoặc do việc nhường chỗ tắm, hoặc do việc cho đất sét, hoặc do việc cho bột tắm, hoặc do việc cho tăm xỉa răng, hoặc do việc cho nước súc miệng, hoặc do việc nịnh hót, hoặc do việc tâng bốc, hoặc do việc chiều chuộng, hoặc do việc chuyển tin bằng đôi chân, hoặc do công việc thầy thuốc, hoặc do công việc đầy tớ, hoặc do việc đi theo sự sai bảo, hoặc do thức ăn đổi thức ăn, hoặc do phát sanh bởi quà cáp, hoặc nhờ vào khoa địa lý, hoặc nhờ vào khoa chiêm tinh, hoặc nhờ vào khoa bói tướng, hoặc bởi bất cứ sự nuôi mạng sai trái nào khác đã bị đức Phật quở trách, tợ như con beo đực không ăn con thú rơi bị rơi xuống ở sườn bên trái. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài beo đực nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến:
‘Mật ong và cháo được phát sanh do việc lan truyền của sự biểu hiện bằng lời nói, nếu ăn vào thì tôi có thể bị chê trách về sự nuôi mạng của tôi.
Thậm chí, nếu nội tạng của tôi rơi ra lòng thòng ở bên ngoài, dầu cho đang từ bỏ mạng sống, tôi vẫn không làm đổ vỡ sự nuôi mạng (chân chánh).’”
Câu hỏi về tính chất của loài beo đực là thứ năm.
*****
6. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI RÙA
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của loài rùa nên được hành trì,’ năm tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài rùa là loài sống ở nước, sắp xếp chỗ trú ngụ ở ngay trong nước. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên lan tỏa toàn thể thế gian với tâm ý bao la, vĩ đại, không đo lường được, không thù oán, không hãm hại, đồng hành với từ ái, có lòng thương tưởng đến sự lợi ích của tất cả các cá nhân có mạng sống và đang hiện hữu, rồi an trú. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài rùa nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài rùa trong khi nổi lên ở trong nước thì ngước đầu lên nhìn xem, nếu nhìn thấy ai đó thì ngay tại nơi ấy lặn xuống, và chìm sâu (nghĩ rằng): ‘Chớ để những kẻ ấy nhìn thấy ta lần nữa.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, khi các phiền não xâm nhập thì nên lặn xuống hồ nước là cảnh giới (của đề mục thiền), và nên chìm sâu (nghĩ rằng): ‘Chớ để các phiền não nhìn thấy ta lần nữa.’ Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài rùa nên được hành trì.
3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài rùa sau khi đi ra khỏi nước thì sưởi ấm thân thể. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập sau khi đưa tâm ý ra khỏi việc ngồi, đứng, nằm, đi kinh hành thì nên sưởi ấm tâm ý ở sự nỗ lực đúng đắn. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của loài rùa nên được hành trì.
4. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài rùa sau khi đào đất thì sắp đặt chỗ ngụ ở nơi cô quạnh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên dứt bỏ lợi lộc, tôn kính, tiếng tăm, nên đi sâu vào nơi trống vắng, cô quạnh, khu rừng lớn, khu rừng thưa, sườn núi, thung lũng, hang núi, nơi ít âm thanh, ít tiếng ồn, được tách biệt, nên đi đến chỗ trú ngụ ở ngay tại nơi cô quạnh. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của loài rùa nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Upasena, con trai của Vaṅganta, nói đến:[3]
‘Vị tỳ khưu, vì nguyên nhân thiền tịnh, nên tới lui chỗ trú ngụ cô quạnh, ít tiếng ồn, được lai vãng bởi các thú dữ.’
5. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài rùa trong lúc đi lang thang, nếu nhìn thấy cái gì hoặc nghe được cái gì, thì thu giấu các chân và cái đầu là thứ năm ở trong cái vỏ của mình, không cử động, có trạng thái im lặng, giữ yên, trong khi hộ trì thân thể.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, ở tất cả các nơi, trong khi các sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp xâm nhập, thì không nên mở ra cánh cửa phòng hộ ở sáu căn, nên tập trung tâm trí, nên thực hành sự thu thúc, nên sống có niệm và có sự nhận biết rõ trong khi hộ trì Sa-môn pháp. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ năm của loài rùa nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Tương Ưng Bộ quý báu, bài Kinh Ví Dụ Con Rùa:
‘Tợ như con rùa đang thu lại các phần thân thể ở trong cái vỏ của mình, vị tỳ khưu trong khi tập trung lại các sự suy nghĩ của tâm, không bị lệ thuộc, không quấy rối kẻ khác, được hoàn toàn tịch tịnh, không chửi mắng bất cứ ai.’”
Câu hỏi về tính chất của loài rùa là thứ sáu.
*****
7. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA CÂY TRE
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của cây tre nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như cây tre nghiêng theo làn gió, không chạy theo hướng khác. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên tuân theo Giáo Pháp của bậc Đạo Sư gồm chín thể loại đã được đức Phật Thế Tôn giảng dạy, nên duy trì các điều cho phép và không bị chê bai, nên tầm cầu chỉ mỗi Sa-môn pháp. Tâu đại vương, điều này là một tính chất của cây tre nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Rāhula nói đến:
‘Sau khi luôn luôn tuân theo Giáo Pháp của đức Phật gồm chín thể loại, sau khi duy trì các điều cho phép và không bị chê bai, tôi đã vượt lên trên chốn đọa đày.’”
Câu hỏi về tính chất của cây tre là thứ bảy.
*****
8. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA CÂY CUNG
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của cây cung nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như cây cung, được khéo chuốt, được đo đạc, uốn cong thật đồng đều cho đến đầu trên và đầu dưới, không cứng ngắc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên tùy thuận đến các vị trưởng lão, mới tu, hoặc trung niên tương tợ như nhau, không tỏ ra đối nghịch. Tâu đại vương, điều này là một tính chất của cây cung nên được hành trì.
Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Bổn Sanh Vidhurapuṇṇaka:[4]
‘Vị sáng trí nên uốn cong tợ như cây cung, tợ như cây tre đang nghiêng theo, không nên hành xử điều nghịch lại, vị ấy có thể trú ở chỗ ngụ của đức vua.’”
Câu hỏi về tính chất của cây cung là thứ tám.
*****
9. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI QUẠ
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của loài quạ nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài quạ đi lang thang, dè dặt và e ngại, cẩn thận và đề phòng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên đi lại, dè dặt và e ngại, cẩn thận và đề phòng, với niệm được thiết lập, với các giác quan được thu thúc. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài quạ nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài quạ sau khi nhìn thấy bất cứ thức ăn nào thì chia xẻ với đồng loại rồi mới ăn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, đối với các lợi lộc hợp pháp, được thọ nhận hợp pháp, thậm chí phần đã được đặt vào bình bát, đối với các lợi lộc có hình thức như thế không nên là vị thọ dụng mà không san sẻ với các vị đồng Phạm hạnh có giới đức. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài quạ nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến:
‘Vào lúc ta có sự thực hành khổ hạnh, nếu họ đem lại cho ta phần đã đạt được theo khả năng, thì ta phân chia cho tất cả, sau đó mới thọ dụng phần ăn.’”
Câu hỏi về tính chất của loài quạ là thứ chín.
*****
10. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI KHỈ
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của loài khỉ nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài khỉ, trong khi đi đến chỗ trú, thì đi đến chỗ trú ở khoảng trống có hình thức như thế: là ở thân cây to lớn vĩ đại, được tách biệt, có cành lá ở mọi nơi, là chốn nương nhờ cho kẻ bị sợ hãi.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên sống nương tựa vào vị thầy, người bạn tốt lành, có hình thức như vầy: là vị có liêm sỉ, khéo cư xử, có giới hạnh, có thiện pháp, nghe nhiều, vị duy trì Giáo Pháp, đáng mến, đáng kính, đáng trọng, vị tuyên thuyết, có sự nhẫn nại với lời nói, vị giáo giới, vị giải thích, vị chỉ dạy, vị thức tỉnh, vị khuyến khích, vị tạo niềm phấn khởi. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài khỉ nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài khỉ đi đứng ngồi chỉ ở trên cây. Nếu nó rơi vào giấc ngủ thì nó trải qua việc trú đêm ở ngay tại chỗ ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có khuynh hướng ở rừng, nên đứng, đi, ngồi, nằm, và rơi vào giấc ngủ chỉ ở trong rừng, nên kinh nghiệm về sự thiết lập niệm ở ngay tại chỗ ấy. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài khỉ nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến:
‘Ngay cả trong khi đi kinh hành, trong khi đứng, hoặc với việc ngồi và việc nằm, vị tỳ khưu chiếu sáng ở khu rừng, chính khu rừng ấy được ca ngợi.’”
Câu hỏi về tính chất của loài khỉ là thứ mười.
Phẩm Lừa là phẩm thứ nhất.
*****
PHẦN TÓM LƯỢC
“(Loài lừa) có tiếng kêu khủng khiếp, và loài gà trống, loài sóc, loài beo cái, loài beo đực, loài rùa, cây tre, cây cung, và loài quạ, rồi loài khỉ.”
--ooOoo--