V. SĪHAVAGGO - PHẨM SƯ TỬ
1. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI SƯ TỬ
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Bảy tính chất của loài sư tử nên được hành trì,’ bảy tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài sư tử là (con thú) màu vàng nhạt, trắng trẻo, không vết nhơ, trong sạch. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có tâm màu vàng nhạt, trắng trẻo, không vết nhơ, trong sạch, nên xa lìa nỗi nghi hoặc. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài sư tử nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sư tử có bốn chân, có sự đi lại hùng dũng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có sự thực hành về bốn nền tảng của thần thông. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài sư tử nên được hành trì.
3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sư tử có bờm lông xinh đẹp, ưng ý. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có bờm lông là giới, xinh đẹp, ưng ý. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của loài sư tử nên được hành trì.
4. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sư tử, dầu ở vào trường hợp chấm dứt mạng sống, cũng không hạ mình đối với bất cứ ai. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, dầu ở vào trường hợp chấm dứt các vật dụng về y phục vật thực chỗ trú ngụ và thuốc men chữa bệnh, cũng không nên hạ mình đối với bất cứ người nào. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của loài sư tử nên được hành trì.
5. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sư tử có sự ăn vật thực theo tuần tự, (con mồi) rơi xuống ở chỗ nào, thì nó ăn cho đủ theo nhu cầu ngay tại chỗ ấy, không chọn lựa phần thịt ngon nhất. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có vật thực theo tuần tự, không nên chọn lựa các gia đình, không nên đi đến các gia đình sau khi đã bỏ qua căn nhà trước đó, không nên chọn lựa thức ăn, vắt cơm được để xuống ở chỗ nào thì nên thọ thực chỉ vừa đủ cho việc duy trì cơ thể ở ngay tại chỗ ấy, không nên chọn lựa thức ăn cao sang. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ năm của loài sư tử nên được hành trì.
6. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sư tử có thói không ăn đồ ăn tích trữ, sau khi ăn ở khu vực kiếm ăn một lần thì không đi đến nơi ấy lần nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có sự không thọ dụng vật tích trữ. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ sáu của loài sư tử nên được hành trì.
7. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sư tử không lo âu do đã không đạt được thức ăn, còn khi đã đạt được thức ăn thì thọ dụng không bị vướng mắc, không bị mê mẩn, không bị phạm tội. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên lo âu do đã không nhận được thức ăn, còn khi đã nhận được thức ăn thì nên thọ dụng không bị vướng mắc, không bị mê mẩn, không bị phạm tội, có sự nhìn thấy điều bất lợi, có tuệ về sự thoát ly. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ bảy của loài sư tử nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Tương Ưng Bộ cao quý trong khi tán dương trưởng lão Mahākassapa:
‘Này các tỳ khưu, vị Kassapa này tự biết đủ với đồ ăn khất thực loại này loại khác, là vị nói lời ca ngợi về sự tự biết đủ với đồ ăn khất thực loại này loại khác, không vì nguyên nhân đồ ăn khất thực mà phạm vào việc tầm cầu sai trái, không thích hợp, không lo âu do đã không nhận được thức ăn, và khi đã nhận được thức ăn thì thọ dụng không bị vướng mắc, không bị mê mẩn, không bị phạm tội, có sự nhìn thấy điều bất lợi, có tuệ về sự thoát ly.’”
Câu hỏi về tính chất của loài sư tử là thứ nhất.
*****
2. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI NGỖNG ĐỎ
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của loài ngỗng đỏ nên được hành trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài ngỗng đỏ cho đến lúc chấm dứt mạng sống không lìa bỏ bạn tình. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập cho đến lúc chấm dứt mạng sống không nên lìa bỏ sự tác ý đúng đường lối. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài ngỗng đỏ nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài ngỗng đỏ có vật thực là rong rêu ở nước, và đạt được sự vừa lòng với điều ấy. Và nhờ vào sự vừa lòng ấy nó không suy giảm về sức lực và sắc đẹp. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thể hiện sự hài lòng với lợi lộc có được. Tâu đại vương, được hài lòng với lợi lộc có được, vị hành giả thiết tha tu tập không suy giảm về giới, không suy giảm về định, không suy giảm về tuệ, không suy giảm về giải thoát, không suy giảm sự nhận thức về giải thoát, không suy giảm tất cả các thiện pháp. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài ngỗng đỏ nên được hành trì.
3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài ngỗng đỏ không hãm hại các sinh mạng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập có gậy đã được bỏ xuống, có dao đã được bỏ xuống, có liêm sỉ, đã đạt được lòng trắc ẩn, có lòng thương tưởng đến sự lợi ích của tất cả các chủng loại có sinh mạng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của loài ngỗng đỏ nên được hành trì.
Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Bổn Sanh Cakkavāka:[5]
‘Người nào không giết hại, không bảo giết hại, không thống trị, không bảo thống trị, do sự không hãm hại đối với tất cả chúng sanh, người ấy không có oán thù với bất cứ ai.’”
Câu hỏi về tính chất của loài ngỗng đỏ là thứ nhì.
*****
3. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI SẾU CÁI
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của loài sếu cái nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài sếu cái không nuôi dưỡng các chim con vì sự ghen ghét với chồng của mình (sếu đực). Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên ghen ghét các phiền não đã sanh lên ở tâm của mình, nên bỏ chúng vào cái hốc của sự thu thúc đúng đắn bằng sự thiết lập niệm, nên tu tập niệm đặt ở thân tại cánh cửa của ý (ý môn). Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài sếu cái nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sếu cái sau khi đi lại vào ban ngày ở khu vực kiếm ăn trong rừng, buổi chiều đi đến với bầy chim nhằm sự bảo vệ cho bản thân. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên lui tới nơi thanh vắng mỗi một mình nhằm sự giải thoát hoàn toàn khỏi các sự trói buộc, khi không còn thích thú nơi ấy thì nên trở về hội chúng nhằm hộ trì nỗi sợ hãi vì sự chê trách, và nên sống với sự bảo vệ của hội chúng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài sếu cái nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được Phạm Thiên Sahampati nói đến trong sự hiện diện của đức Thế Tôn:[6]
‘Nên lui tới các chỗ trú ngụ xa vắng.
Nên thực hành việc thoát khỏi các sự trói buộc.
Nếu không đạt được sự thích thú tại nơi ấy,
thì nên sống ở hội chúng, bản thân được bảo vệ, có niệm.’”
Câu hỏi về tính chất của loài sếu cái là thứ ba.
*****
4. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI BỒ CÂU NHÀ
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của loài bồ câu nhà nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài bồ câu nhà, trong khi cư ngụ tại nhà của những người khác, không nắm giữ đặc điểm của bất cứ đồ đạc nào của họ, dửng dưng, sống có nhiều suy tưởng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập đi đến gia đình của người khác, không nên nắm giữ đặc điểm của những người nữ, hoặc của những người nam, hoặc (đặc điểm) ở giường, hoặc ở ghế, hoặc về vải vóc, hoặc về đồ trang sức, hoặc về vật tiêu khiển, hoặc về vật sử dụng, hoặc về nhiều loại thức ăn ở gia đình ấy, nên dửng dưng, nên thiết lập sự suy tưởng của vị Sa-môn. Tâu đại vương, điều này là một tính chất của loài bồ câu nhà nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Bổn Sanh Cullanārada:[7]
‘Sau khi đi vào gia đình của người khác, nên ăn chừng mực, nên thọ dụng chừng mực về các thức uống hoặc các thức ăn, không nên để tâm đến cảnh sắc.’”
Câu hỏi về tính chất của loài bồ câu nhà là thứ tư.
*****
5. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI CHIM CÚ
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của loài chim cú nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài chim cú chống đối lại các con quạ, ban đêm đi đến bầy quạ, rồi còn giết chết nhiều con quạ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thể hiện sự chống đối lại sự thiếu trí, nên ngồi xuống một mình ở nơi vắng vẻ rồi nên nghiền nát hoàn toàn sự thiếu trí, nên cắt đứt tận gốc rễ. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài chim cú nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài chim cú là vô cùng cô tịch. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có sự ưa thích thiền tịnh, được thích thú thiền tịnh. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài chim cú nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Tương Ưng Bộ cao quý:
‘Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu có sự ưa thích thiền tịnh, được thích thú thiền tịnh, nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.’”
Câu hỏi về tính chất của loài chim cú là thứ năm.
*****
6. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI CHIM GÕ KIẾN
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của loài chim gõ kiến nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài chim gõ kiến kêu réo báo hiệu sự an toàn hoặc sợ hãi cho những kẻ khác. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập trong khi thuyết giảng Giáo Pháp cho những người khác nên chỉ cho thấy đọa xứ là sự sợ hãi, nên chỉ cho thấy Niết Bàn là sự an toàn. Tâu đại vương, điều này là một tính chất của loài chim gõ kiến nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Piṇḍolabhāradvāja nói đến:
‘Ở địa ngục có sự sợ hãi và run sợ, ở Niết Bàn có sự an lạc bao la, vị hành giả nên chỉ cho thấy cả hai ý nghĩa này.’”
Câu hỏi về tính chất của loài chim gõ kiến là thứ sáu.
*****
7. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI DƠI
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của loài dơi nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài dơi sau khi đi vào nhà, bay quanh, rồi đi ra, không chần chờ ở nơi ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập sau khi đi vào làng để khất thực, nên đi theo tuần tự, khi đã nhận được phần thì rời khỏi thật nhanh chóng, không nên chần chờ ở nơi ấy. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài dơi nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài dơi trong khi sống ở nhà của những người khác thì không làm việc phá hoại đến họ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập sau khi đi đến những gia đình, không nên gây ra cho họ bất cứ điều gì hối tiếc do sự xin xỏ quá mức, hoặc do nhiều sự yêu cầu, hoặc do nhiều sự sai trái của thân, hoặc do trạng thái nói quá nhiều, hoặc do trạng thái của lạc và khổ là tương đồng, cũng không nên khiến họ bỏ bê công việc căn bản của họ, nên ước muốn chỉ mỗi sự tiến triển về mọi mặt. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài dơi nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Trường Bộ quý báu, bài Kinh Lakkhaṇa:[8]
Vì niềm tin, vì giới, vì sự nghe, vì sự thông minh,
vì sự xả thí, vì Giáo Pháp, vì các điều tốt đẹp,
vì tài sản, vì lúa gạo, và vì ruộng vườn đất đai,
vì các con, vì những người vợ, và vì các gia súc,
vì các thân quyến, vì các bạn bè, và vì các bà con,
vì sức mạnh, vì sắc đẹp, và vì sự an lạc ở cả hai trường hợp,
ước muốn: ‘Làm thế nào để các kẻ khác không thoái hóa?’
và còn mong mỏi về sự thành tựu của mục đích.”
Câu hỏi về tính chất của loài dơi là thứ bảy.
*****
8. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI ĐỈA
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của loài đỉa nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài đỉa bám vào nơi nào thì bám chặt ngay tại nơi ấy rồi hút máu. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên khiến cho đối tượng mà tâm bám vào được thiết lập một cách chắc chắn theo màu sắc, theo vị trí, theo phương hướng, theo khoảng cách, theo ranh giới, theo đặc điểm, theo dấu hiệu, rồi nhờ vào chính đối tượng ấy nên uống trọn vẹn vị chất của sự giải thoát. Tâu đại vương, điều này là một tính chất của loài đỉa nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Anuruddha nói đến:
‘Nên thiết lập ở đối tượng bằng tâm thanh tịnh, nên uống vị chất trọn vẹn của sự giải thoát bằng tâm ấy.’”
Câu hỏi về tính chất của loài đỉa là thứ tám.
*****
9. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI RẮN
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của loài rắn nên được hành trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài rắn di chuyển bằng ngực. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên cư xử bằng tuệ. Tâu đại vương, tâm của vị hành giả cư xử bằng tuệ di chuyển ở trong khuôn khổ, tránh xa hiện tướng sai trái, phát triển hiện tướng tốt đẹp. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài rắn nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài rắn trong khi di chuyển thì di chuyển tránh xa loại dược thảo. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên hành xử, trong khi tránh xa ác hạnh. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài rắn nên được hành trì.
3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài rắn sau khi nhìn thấy loài người thì bực bội, sầu muộn, suy nghĩ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập sau khi suy tầm về sự suy tầm xấu xa, sau khi làm sanh khởi sự không thích thú, nên bực bội, nên sầu muộn, nên suy nghĩ rằng: ‘Do ta bị xao lãng, mà ngày đã trôi qua, nó không thể đạt lại được nữa.’ Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của loài rắn nên được hành trì.
Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến ở Bổn Sanh Bhallāṭiya về hai kinnara (loài có chim đầu người):[9]
‘Này người thợ săn, vào cái đêm chúng tôi đã sống cách biệt,
không như ý muốn, luôn tưởng nhớ nhau,
cả một đêm ấy, trong khi hối tiếc,
chúng tôi sầu muộn; đêm ấy sẽ không có lần nữa.’”
Câu hỏi về tính chất của loài rắn là thứ chín.
*****
10. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA LOÀI TRĂN
1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của loài trăn nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài trăn có thân hình to lớn khổng lồ, thậm chí trong nhiều ngày có bao tử thiếu thốn, hơn cả đáng thương, không đạt được vật thực làm đầy bụng, mặc dầu không được đầy đủ, nó tiếp tục sống dầu chỉ là duy trì cơ thể được tồn tại. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với vị hành giả thiết tha tu tập bị ràng buộc với hạnh khất thực, bị đi đến với đồ ăn khất thực ở những người khác, là người trông đợi vật bố thí từ những người khác, đã từ bỏ việc tự mình đoạt lấy, có vật thực làm đầy bao tử là việc khó đạt được, thêm nữa người con trai gia đình danh giá có sự đeo đuổi mục đích nên ngưng không ăn bốn năm vắt cơm (sau cùng), và nên làm đầy chỗ trống còn lại (của bao tử) bằng nước. Tâu đại vương, điều này là một tính chất của loài trăn nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp nói đến:[10]
‘Trong khi thọ dụng đồ ăn ướt và đồ ăn khô, không nên thỏa mãn một cách quá độ. Vị tỳ khưu du hành với bao tử thiếu thốn, với vật thực chừng mực, có niệm.
Nên ngưng không ăn bốn, năm vắt cơm (sau cùng) và nên uống nước. Vậy là đủ cho sự sống thoải mái đối với vị tỳ khưu có bản tánh cương quyết.’”
Câu hỏi về tính chất của loài trăn là thứ mười.
Phẩm sư tử là phẩm thứ năm.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
“Loài sư tử, và loài ngỗng đỏ, loài cò, loài bồ câu nhà, loài chim cú, và loài chim gõ kiến, loài dơi, và loài đỉa, loài rắn, và loài trăn nữa, vì thế phẩm được đặt tên.”
--ooOoo--