III. Vicāravaggo - Phẩm Sở Hữu Tứ
1. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, cái gì là cội nguồn của hành trình quá khứ? Cái gì là cội nguồn của hành trình vị lai? Cái gì là cội nguồn của hành trình hiện tại?”
“Tâu đại vương, vô minh là cội nguồn của hành trình quá khứ, của hành trình vị lai, và của hành trình hiện tại. Do duyên vô minh, các hành (sanh khởi). Do duyên các hành, thức (sanh khởi). Do duyên thức, danh sắc (sanh khởi). Do duyên danh sắc, sáu xứ (sanh khởi). Do duyên sáu xứ, xúc (sanh khởi). Do duyên xúc, thọ (sanh khởi). Do duyên thọ, ái (sanh khởi). Do duyên ái, thủ (sanh khởi). Do duyên thủ, hữu (sanh khởi). Do duyên hữu, sanh (sanh khởi). Do duyên sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như thế điểm mốc đầu tiên của toàn bộ hành trình khổ uẩn này không được nhận biết.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
2. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘điểm mốc đầu tiên không được nhận biết,’ xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như một người đặt xuống hạt giống nhỏ ở đất, từ đó mầm cây mọc lên, dần dần đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh, rồi cho trái. Cũng từ đó, sau khi lấy hạt giống rồi lại gieo trồng, cũng từ đó mầm cây mọc lên, dần dần đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh, rồi cho trái. Như vậy, phải chăng có điểm chấm dứt của tiến trình này?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế thậm chí điểm mốc đầu tiên của hành trình này không được nhận biết.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như ‘từ con gà mái có quả trứng, từ quả trứng có con gà mái, từ con gà mái có quả trứng.’ Như vậy, phải chăng có điểm chấm dứt của tiến trình này?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế thậm chí điểm mốc đầu tiên của hành trình này không được nhận biết.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
Vị trưởng lão đã vạch vòng tròn ở mặt đất rồi nói với đức vua Milinda điều này:
“Tâu đại vương, có điểm chấm dứt của vòng tròn này chăng?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế những vòng quay này đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Tùy thuận vào mắt và các cảnh sắc mà nhãn thức sanh lên. Sự hội tụ của ba điều này là xúc, do duyên xúc có thọ, do duyên thọ có ái, do duyên ái có nghiệp, từ nghiệp mắt lại được sanh ra.’ Như vậy, phải chăng có điểm chấm dứt của tiến trình này?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tùy thuận vào tai và các cảnh thinh —(như trên)— Tùy thuận vào ý và các cảnh pháp mà ý thức sanh lên. Sự hội tụ của ba điều này là xúc, do duyên xúc có thọ, do duyên thọ có ái, do duyên ái có nghiệp, từ nghiệp ý lại được sanh ra.’ Như vậy, phải chăng có điểm chấm dứt của tiến trình này?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế thậm chí điểm mốc đầu tiên của hành trình này không được nhận biết.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
3. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘điểm mốc đầu tiên không được nhận biết,’ và điểm mốc đầu tiên ấy là cái nào?”
“Tâu đại vương, cái nào là hành trình quá khứ, cái ấy là điểm mốc đầu tiên.”
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘điểm mốc đầu tiên không được nhận biết,’ thưa ngài, phải chăng hết thảy tất cả điểm mốc đầu tiên đều không được nhận biết?”
“Tâu đại vương, có điểm mốc được nhận biết, có điểm mốc không được nhận biết.”
“Thưa ngài, điểm mốc nào được nhận biết, điểm mốc nào không được nhận biết?”
“Tâu đại vương, từ đây trở về trước, với mọi hình thức, bằng mọi cách, vô minh đã không hiện hữu, điểm mốc đầu tiên ấy không được nhận biết. Còn (hành trình) nào từ không hiện hữu rồi được hình thành, sau khi hiện hữu rồi phân tán, thì điểm mốc đầu tiên ấy được nhận biết.”
“Thưa ngài Nāgasena, hành trình nào từ không hiện hữu rồi được hình thành, sau khi hiện hữu rồi phân tán, chẳng lẽ nó được cắt ở hai đầu thì biến mất?”
“Tâu đại vương, nếu (hành trình) được cắt ở hai đầu thì biến mất, có phải (điểm mốc) được cắt ở hai đầu thì có thể tăng trưởng?”
“Đúng vậy, nó cũng có thể tăng trưởng.”
“Thưa ngài, trẫm không hỏi điều này, phải chăng có thể tăng trưởng từ điểm mốc?”
“Đúng vậy, có thể tăng trưởng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
Vị trưởng lão đã làm ví dụ về cái cây cho đức vua (rồi kết luận): “Và các uẩn là các mầm mống của toàn bộ khổ uẩn.”[3]
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
4. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, phải chăng có các pháp hữu vi nào đó được sanh lên?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Có các pháp hữu vi được sanh lên.”
“Thưa ngài, chúng là những cái nào?”
“Tâu đại vương, khi có mắt và các cảnh sắc thì có nhãn thức; khi có nhãn thức thì có nhãn xúc; khi có nhãn xúc thì có thọ; khi có thọ thì có ái; khi có ái thì có thủ; khi có thủ thì có hữu; khi có hữu thì có sanh; từ sự sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như thế là sự sanh lên của toàn bộ khổ uẩn này. Tâu đại vương, khi không có mắt và không có các cảnh sắc thì không có nhãn thức, khi không có nhãn thức thì không có nhãn xúc, khi không có nhãn xúc thì không có thọ, khi không có thọ thì không có ái, khi không có ái thì không có thủ, khi không có thủ thì không có hữu, khi không có hữu thì không có sanh, khi không có sanh thì không có lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
5. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, phải chăng có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra?”
“Tâu đại vương, không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả. Tâu đại vương, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng cái nhà này, nơi mà đại vương đang ngồi, là chưa từng hiện hữu mà được sanh ra?”
“Thưa ngài, không có cái gì ở đây là chưa từng hiện hữu mà đã được sanh ra, chính vật từng hiện hữu là đã được sanh ra. Thưa ngài, những cây gỗ này quả đã có ở trong rừng. Và đất sét này đã có ở trong đất. Và do sự ra sức đúng đắn của những người đàn bà và đàn ông mà cái nhà này đã được hình thành như vầy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như các hạt giống và loài thảo mộc nào đó được đặt ở đất, dần dần đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh, rồi cho trái; các cây ấy không phải là chưa từng hiện hữu mà đã được sanh ra, chính các cây ấy từng hiện hữu mà đã được sanh ra. Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người thợ gốm lấy lên đất sét từ đất rồi làm ra nhiều loại thau chậu, các thau chậu ấy không phải là chưa từng hiện hữu mà đã được sanh ra, chính các vật ấy từng hiện hữu mà đã được sanh ra. Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như đối với cây đàn vīṇā, nếu không có khung đàn, nếu không có da bọc, nếu không có bầu đàn, nếu không có cần đàn, nếu không có cổ đàn, nếu không có dây đàn, nếu không có phím đàn, và nếu không có sự ra sức đúng đắn của con người, thì âm thanh có thể phát ra không?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, bởi vì đối với cây đàn vīṇā, nếu có khung đàn, nếu có da bọc, nếu có bầu đàn, nếu có cần đàn, nếu có cổ đàn, nếu có dây đàn, nếu có phím đàn, và nếu có sự ra sức đúng đắn của con người, thì âm thanh có thể phát ra không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể phát ra.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như nếu không có vật tạo lửa, nếu không có trục xoay, nếu không có dây kéo, nếu không có thanh gỗ ở trên, nếu không có giẻ bùi nhùi, và nếu không có sự ra sức đúng đắn của con người, thì ngọn lửa ấy có thể sanh ra không?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, bởi vì nếu có vật tạo lửa, nếu có trục xoay, nếu có dây kéo, nếu có thanh gỗ ở trên, nếu có giẻ bùi nhùi, và nếu có sự ra sức đúng đắn của con người, thì ngọn lửa ấy có thể sanh ra không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể sanh ra.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như nếu không có ngọc ma-ni, nếu không có tia nắng, nếu không có phân bò thì ngọn lửa ấy có thể sanh ra không?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, bởi vì nếu có ngọc ma-ni, nếu có tia nắng, nếu có phân bò thì ngọn lửa ấy có thể sanh ra không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể sanh ra.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như nếu không có tấm gương, nếu không có ánh sáng, nếu không có khuôn mặt thì hình người có thể sanh ra không?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, bởi vì nếu có tấm gương, nếu có ánh sáng, nếu có khuôn mặt thì hình người có thể sanh ra không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể sanh ra.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có các pháp hữu vi nào đó chưa từng hiện hữu mà được sanh ra cả, chính các pháp hữu vi từng hiện hữu mà được sanh ra.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
6. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải sự hiểu biết có thể đạt được?”
“Tâu đại vương, sự hiểu biết ấy là cái gì?”
“Thưa ngài, sự sống bên trong nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, nghe âm thanh bằng tai, ngửi mùi bằng mũi, nếm vị bằng lưỡi, chạm cảnh xúc bằng thân, nhận thức cảnh pháp bằng ý, giống như chúng ta ngồi ở đây, trong tòa lâu đài, muốn nhìn bằng cửa sổ nào thì có thể nhìn bằng cửa sổ ấy, chúng ta có thể nhìn bằng cửa sổ hướng đông, chúng ta cũng có thể nhìn bằng cửa sổ hướng tây, chúng ta cũng có thể nhìn bằng cửa sổ hướng bắc, chúng ta cũng có thể nhìn bằng cửa sổ hướng nam. Bạch ngài, tương tợ y như thế sự sống bên trong này muốn nhìn bằng cửa lớn nào thì nhìn bằng cửa lớn ấy.”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, tôi sẽ nói về năm cửa lớn (ngũ môn, năm giác quan). Đại vương hãy lắng nghe điều ấy, đại vương hãy khéo chú ý. Nếu sự sống bên trong nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, giống như chúng ta ngồi ở đây, trong tòa lâu đài, muốn nhìn bằng cửa sổ nào thì có thể nhìn cảnh sắc bằng cửa sổ ấy, chúng ta có thể nhìn cảnh sắc bằng cửa sổ hướng đông, chúng ta cũng có thể nhìn cảnh sắc bằng cửa sổ hướng tây, chúng ta cũng có thể nhìn cảnh sắc bằng cửa sổ hướng bắc, chúng ta cũng có thể nhìn cảnh sắc bằng cửa sổ hướng nam. Như vậy, với sự sống bên trong này, cảnh sắc có thể được nhìn thấy bằng mắt, phải chăng cảnh sắc có thể được nhìn thấy bằng tai, cảnh sắc có thể được nhìn thấy bằng mũi, cảnh sắc có thể được nhìn thấy bằng lưỡi, cảnh sắc có thể được nhìn thấy bằng thân, cảnh sắc có thể được nhìn thấy bằng ý; phải chăng âm thanh có thể được nghe bằng mắt, âm thanh có thể được nghe bằng mũi, âm thanh có thể được nghe bằng lưỡi, âm thanh có thể được nghe bằng thân, âm thanh có thể được nghe bằng ý; phải chăng mùi có thể được ngửi bằng mắt, mùi có thể được ngửi bằng tai, mùi có thể được ngửi bằng lưỡi, mùi có thể được ngửi bằng thân, mùi có thể được ngửi bằng ý; phải chăng vị có thể được nếm bằng mắt, vị có thể được nếm bằng tai, vị có thể được nếm bằng mũi, vị có thể được nếm bằng thân, vị có thể được nếm bằng ý; phải chăng cảnh xúc có thể được chạm bằng mắt, cảnh xúc có thể được chạm bằng tai, cảnh xúc có thể được chạm bằng mũi, cảnh xúc có thể được chạm bằng lưỡi, cảnh xúc có thể được chạm bằng ý; phải chăng cảnh pháp có thể được nhận biết bằng mắt, cảnh pháp có thể được nhận biết bằng tai, cảnh pháp có thể được nhận biết bằng mũi, cảnh pháp có thể được nhận biết bằng lưỡi, cảnh pháp có thể được nhận biết bằng thân?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, quả là đại vương không liên kết điều sau với điều trước, hoặc điều trước với điều sau. Tâu đại vương, hoặc là giống như chúng ta ngồi ở đây, trong tòa lâu đài nhìn thấy rõ rệt hơn cảnh sắc ở bên ngoài trước mặt qua bầu không gian bao la khi hệ thống các cửa sổ này được mở rộng, như vậy sự sống bên trong này có thể nhìn thấy cảnh sắc rõ rệt hơn cảnh sắc ở bên ngoài trước mặt qua bầu không gian bao la khi các nhãn môn này được mở rộng. Phải chăng có thể nghe âm thanh, có thể ngửi mùi, có thể nếm vị, có thể chạm rõ rệt hơn cảnh xúc ở bên ngoài trước mặt qua bầu không gian bao la khi các tai được mở rộng, khi mũi được mở rộng, khi lưỡi được mở rộng, khi thân được mở rộng?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, quả là đại vương không liên kết điều sau với điều trước, hoặc điều trước với điều sau. Tâu đại vương, hoặc là giống như vị Dinna này đi ra bên ngoài rồi đứng ở cổng bên ngoài cửa lớn, tâu đại vương, phải chăng đại vương biết vị Dinna này đã đi ra bên ngoài rồi đứng ở cổng bên ngoài cửa lớn?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Trẫm biết.”
“Tâu đại vương, hoặc là giống như vị Dinna này đi vào bên trong rồi đứng phía trước đại vương, tâu đại vương, phải chăng đại vương biết vị Dinna này đã đi vào bên trong rồi đứng phía trước đại vương?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Trẫm biết.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế khi vị nếm được đặt ở lưỡi, phải chăng sự sống bên trong này có thể biết được vị chua, hoặc vị mặn, hoặc vị đắng, hoặc vị cay, hoặc vị chát, hoặc vị ngọt?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể biết.”
“Khi các vị nếm ấy đã đi vào bên trong (cổ họng), phải chăng có thể biết được vị chua, hoặc vị mặn, hoặc vị đắng, hoặc vị cay, hoặc vị chát, hoặc vị ngọt?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, quả là đại vương không liên kết điều sau với điều trước, hoặc điều trước với điều sau. Tâu đại vương, ví như người nào đó bảo mang lại một trăm hũ mật ong, bảo đổ đầy máng mật ong, rồi bít kín miệng của một người đàn ông và đặt vào ở máng mật ong. Tâu đại vương, người đàn ông ấy có thể biết được có mật ong hay không có?”
“Thưa ngài, không thể.”
“Vì lý do gì?”
“Thưa ngài, bởi vì mật ong đã không đi vào miệng của người ấy.”
“Tâu đại vương, quả là đại vương không liên kết điều sau với điều trước, hoặc điều trước với điều sau.
“Thưa ngài, trẫm không có khả năng để trò chuyện với nhà diễn thuyết như ngài. Thưa ngài, lành thay xin ngài nói về ý nghĩa.”
Vị trưởng lão đã giúp cho đức vua Milinda hiểu được bằng sự thuyết giảng liên quan đến Vi Diệu Pháp: “Tâu đại vương, trong trường hợp này, tùy thuận vào mắt và các cảnh sắc mà nhãn thức sanh lên, như vậy các pháp này sanh lên do duyên. Xúc, thọ, tưởng, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý là đồng sanh với nó. Bởi vì ở đây sự hiểu biết có thể đạt được là không đúng. Tùy thuận vào tai và các cảnh thinh —(như trên)— Tùy thuận vào ý và các cảnh pháp mà ý thức sanh lên. Xúc, thọ, tưởng, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý là đồng sanh với nó, như vậy các pháp này sanh lên do duyên. Bởi vì ở đây sự hiểu biết có thể đạt được là không đúng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
7. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải nhãn thức sanh lên trước ý thức sanh lên sau, hay là ý thức sanh lên trước nhãn thức sanh lên sau?”
“Tâu đại vương, nhãn thức sanh lên trước ý thức sanh lên sau.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải nhãn thức ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy,’ hay là ý thức ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy’?”
“Tâu đại vương, không đúng. Chúng không có sự chuyện trò với nhau.”
“Thưa ngài Nāgasena, nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, là tính chất xuôi chiều, tính chất cửa lớn, tính chất tập quán, và tính chất thực hành.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế nào là tính chất xuôi chiều khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này, trong khi trời đang mưa, nước di chuyển theo lối nào?”
“Thưa ngài, lối nào là lối đi xuống thì đi theo lối đó.”
“Rồi vào lúc sau đó trời vẫn mưa thì nước ấy di chuyển theo lối nào?”
“Thưa ngài, nước lúc trước đã di chuyển theo lối nào thì nó cũng di chuyển theo lối đó.”
“Tâu đại vương, phải chăng nước lúc trước ra lệnh cho nước lúc sau rằng: ‘Tôi di chuyển theo lối nào thì anh cũng di chuyển theo lối ấy,’ hay là nước lúc sau ra lệnh cho nước lúc trước rằng: ‘Anh sẽ di chuyển theo lối nào thì tôi cũng sẽ di chuyển theo lối ấy’?”
“Tâu đại vương, không đúng. Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng di chuyển theo tính chất xuôi chiều.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tính chất xuôi chiều khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy. Nhãn thức không ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy.’ Ý thức cũng không ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy.’ Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất xuôi chiều.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế nào là tính chất cửa lớn khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này, thành ở biên địa của đức vua có tường vững chắc và cổng chào, và một cửa lớn, do đó một người đàn ông có ý định đi ra thì có thể đi ra theo lối nào?”
“Thưa ngài, có thể đi ra theo lối cửa lớn.”
“Rồi một người đàn ông khác ý định đi ra thì có thể đi ra theo lối nào?”
“Thưa ngài, người đàn ông trước đã đi ra theo lối nào thì người ấy cũng đi ra theo lối đó.”
“Tâu đại vương, phải chăng người đàn ông trước ra lệnh cho người đàn ông sau rằng: ‘Tôi đi theo lối nào thì anh cũng đi theo lối ấy,’ hay là người đàn ông sau ra lệnh cho người đàn ông trước rằng: ‘Anh sẽ đi theo lối nào thì tôi cũng sẽ đi theo lối ấy’?”
“Thưa ngài, không đúng. Họ không có sự chuyện trò với nhau. Họ đi theo tính chất cửa lớn.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tính chất cửa lớn khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy. Và nhãn thức không ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy.’ Ý thức cũng không ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy.’ Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất cửa lớn.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế nào là tính chất tập quán khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này, một xe tải hàng đi đầu, vậy xe tải hàng thứ nhì có thể đi theo lối nào?”
“Thưa ngài, xe tải hàng trước đã đi lối nào thì nó cũng đi theo lối đó.”
“Tâu đại vương, phải chăng xe tải hàng trước ra lệnh cho xe tải hàng sau rằng: ‘Tôi đi theo lối nào thì anh cũng đi theo lối ấy,’ hay là xe tải hàng sau ra lệnh cho xe tải hàng trước rằng: ‘Anh sẽ đi theo lối nào thì tôi cũng sẽ đi theo lối ấy’?”
“Thưa ngài, không đúng. Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng đi theo tính chất tập quán.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tính chất tập quán khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy. Và nhãn thức không ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy.’ Ý thức cũng không ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy.’ Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất tập quán.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế nào là tính chất thực hành khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như sự vụng về của người thợ mới trong các lãnh vực của nghề nghiệp về đo, đếm, tính, viết, rồi thời gian sau đó, với tính chất thực hành của sự làm việc cẩn thận khiến không còn vụng về. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tính chất thực hành khiến nhãn thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy. Và nhãn thức không ra lệnh cho ý thức rằng: ‘Tôi sanh lên ở nơi nào thì anh cũng sanh lên ở nơi ấy.’ Ý thức cũng không ra lệnh cho nhãn thức rằng: ‘Anh sẽ sanh lên ở nơi nào thì tôi cũng sẽ sanh lên ở nơi ấy.’ Và chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất thực hành.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải nhĩ thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy?” —(như trên)— tỷ thức sanh lên ở nơi nào —(như trên)— thiệt thức sanh lên ở nơi nào —(như trên)— thân thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Thân thức sanh lên ở nơi nào thì ý thức cũng sanh lên ở nơi ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải thân thức sanh lên trước ý thức sanh lên sau? Hay là ý thức sanh lên trước thân thức sanh lên sau?”
“Tâu đại vương, thân thức sanh lên trước ý thức sanh lên sau.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải —(như trên)— Chúng không có sự chuyện trò với nhau. Chúng sanh lên theo tính chất thực hành.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
8. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải ý thức sanh lên ở nơi nào thì xúc, thọ cũng sanh lên ở nơi ấy?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Ý thức sanh lên ở nơi nào thì xúc cũng sanh lên ở nơi ấy, thọ cũng sanh lên ở nơi ấy, tưởng cũng sanh lên ở nơi ấy, tư cũng sanh lên ở nơi ấy, tầm cũng sanh lên ở nơi ấy, tứ cũng sanh lên ở nơi ấy, tất cả các pháp có thọ đứng đầu cũng sanh lên ở nơi ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, xúc có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, xúc có sự chạm vào là hành tướng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như hai con cừu húc nhau. Trong hai con cừu ấy, một con cừu được xem như là mắt, con cừu thứ hai được xem như là cảnh sắc. Sự va chạm nhau của chúng được xem như là xúc.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như hai bàn tay được vỗ vào nhau. Trong hai bàn tay ấy, một bàn tay được xem như là mắt, bàn tay thứ hai được xem như là cảnh sắc. Sự va chạm nhau của chúng được xem như là xúc.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như hai chập chõa được vỗ vào nhau. Trong hai chập chõa ấy, một chập chõa được xem như là mắt, chập chõa thứ hai được xem như là cảnh sắc. Sự va chạm nhau của chúng được xem như là xúc.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
9. “Thưa ngài Nāgasena, thọ có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, thọ có sự cảm nhận là hành tướng và sự kinh nghiệm là hành tướng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó làm việc phục vụ cao quý đến đức vua, đức vua hoan hỷ ban phần thưởng cho người ấy. Với phần thưởng ấy, người ấy đạt được, có được, hưởng được năm phần dục lạc. Người ấy khởi ý như sau: ‘Trước đây, quả là ta đã làm việc phục vụ cao quý đến đức vua, đức vua hoan hỷ đã ban phần thưởng cho ta đây. Do nhân ấy ta đây nhận biết thọ này có hình thức như vầy.’
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nào đó đã làm việc thiện, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi trời. Tại đó, người ấy đạt được, có được, hưởng được năm phần dục lạc thiên đường. Người ấy khởi ý như sau: ‘Trước đây, quả là ta đã làm việc thiện. Do nhân ấy, ta đây nhận biết thọ này có hình thức như vầy.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế thọ có sự cảm nhận là hành tướng và sự kinh nghiệm là hành tướng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
10. “Thưa ngài Nāgasena, tưởng có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, tưởng có sự tự nhận biết là hành tướng. Tự nhận biết điều gì? Tự nhận biết màu xanh, tự nhận biết màu vàng, tự nhận biết màu đỏ, tự nhận biết màu trắng, tự nhận biết màu tím. Tâu đại vương, tưởng có sự tự nhận biết là hành tướng nghĩa là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như viên quan giữ kho của đức vua sau khi đi vào nhà kho nhìn thấy và tự nhận biết các vật thể, các của cải thuộc về đức vua, là có màu xanh vàng đỏ trắng tím. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tưởng có sự tự nhận biết là hành tướng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
11. “Thưa ngài Nāgasena, tư có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, tư có sự quyết định là hành tướng và có sự tạo tác là hành tướng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người nào đó tạo ra thuốc độc rồi tự mình uống, và cho các người khác uống. Bản thân người ấy bị khổ sở, những người khác cũng bị khổ sở. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ở đây có một người nào đó suy nghĩ với sự quyết định về điều bất thiện, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào chốn bất hạnh, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Luôn cả những người học tập theo người ấy, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, cũng bị sanh vào chốn bất hạnh, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nào đó tạo ra một hỗn hợp bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía rồi tự mình uống, và cho các người khác uống. Bản thân người ấy được khoái lạc, những người khác cũng được khoái lạc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ở đây có một người nào đó suy nghĩ với sự quyết định về điều thiện, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi trời. Luôn cả những người học tập theo người ấy, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, cũng được sanh vào chốn an vui, cõi trời. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tư có sự quyết định là hành tướng và có sự tạo tác là hành tướng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
12. “Thưa ngài Nāgasena, thức có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, thức có sự nhận biết là hành tướng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người giữ thành, ngồi ở ngã tư giữa thành phố, có thể nhìn thấy người đang đi đến từ hướng đông, có thể nhìn thấy người đang đi đến từ hướng nam, có thể nhìn thấy người đang đi đến từ hướng tây, có thể nhìn thấy người đang đi đến từ hướng bắc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế con người nhìn thấy cảnh sắc bằng con mắt và nhận biết sắc ấy bằng thức, nghe âm thanh bằng tai và nhận biết thinh ấy bằng thức, ngửi mùi bằng mũi và nhận biết hương ấy bằng thức, nếm vị bằng lưỡi và nhận biết vị ấy bằng thức, chạm cảnh xúc bằng thân và nhận biết xúc ấy bằng thức, nhận thức cảnh pháp bằng ý và nhận biết pháp ấy bằng thức. Tâu đại vương, tương tợ y như thế thức có sự nhận biết là hành tướng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
13. “Thưa ngài Nāgasena, tầm có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, tầm có sự áp vào là hành tướng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người thợ mộc áp thanh gỗ đã khéo được chuẩn bị trước vào chỗ ráp nối. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tầm có sự áp vào là hành tướng.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
14. “Thưa ngài Nāgasena, tứ có cái gì là hành tướng?”
“Tâu đại vương, tứ có sự áp sát là hành tướng.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như cái cồng được vỗ vào sau đó vang lên và dội lại. Tâu đại vương, sự vỗ vào là như thế nào thì tầm nên được xem như vậy, sự dội lại là như thế nào thì tứ nên được xem như vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
Phẩm về Sở Hữu Tứ là thứ ba.
(Trong phẩm này có mười bốn câu hỏi)
*****
[1] balakaraṇiyyā: dịch sát nghĩa sẽ là ‘cần phải làm bằng sức mạnh.’
[2] Về hai từ addhā và addhāna, HT. Giới Nghiêm dịch là ‘thời gian,’ bản dịch tiếng Anh của I. B. Horner cũng ghi là ‘time,’ còn Bhikkhu Pesala sử dụng cả hai nghĩa ‘time’ và ‘journey’ ở bản dịch của mình.
[3] Không nắm được ý nghĩa của phần câu hỏi này (ND).