Skip directly to content

II. SAMUDDAVAGGO - PHẨM BIỂN CẢ

1. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA DÂY BẦU

“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của dây bầu nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như dây bầu dùng những sợi tua đeo bám ở cọng cỏ, hoặc ở khúc cây, hoặc ở dây leo, rồi phát triển lên trên vật đó. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, có ước muốn tiến triển ở phẩm vị A-la-hán, thì nên dùng ý đeo bám ở đối tượng (đề mục thiền), rồi tiến triển ở phẩm vị A-la-hán. Tâu đại vương, điều này là một tính chất của dây bầu nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến:

‘Giống như cái gọi là dây bầu đeo bám ở cọng cỏ, ở khúc cây, hoặc ở dây leo bằng những sợi tua, rồi từ đó phát triển lên trên.

Y như thế ấy, người con trai của đức Phật, có ước muốn về quả vị A-la-hán, thì nên đeo bám ở đối tượng (đề mục thiền), rồi tiến triển ở quả vị Vô Học.’”

Câu hỏi về tính chất của dây bầu là thứ nhất.

*****

 

2. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA CÂY SEN

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của cây sen nên được hành trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như cây sen được sanh ra ở nước, được phát triển ở nước, không bị lấm lem bởi nước. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên bị lấm lem trong mọi trường hợp, ở gia đình, ở nhóm, về lợi lộc, về danh vọng, về sự tôn vinh, về sự nể vì, về các nhu cầu vật dụng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của cây sen nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, cây sen vững vàng sau khi vươn lên khỏi nước. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên chế ngự tất cả (các pháp) thế gian, nên vươn lên, và nên vững vàng ở các pháp xuất thế gian. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của cây sen nên được hành trì.

3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, cây sen bị run rẩy, lay động vì gió dầu chỉ chút ít. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thực hành sự tự chế ngự, nên sống có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi ở các phiền não dầu chỉ chút ít. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của cây sen nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:  

‘Người có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi ở các tội lỗi nhỏ nhoi thọ trì và học tập ở các điều học.’”

Câu hỏi về tính chất của cây sen là thứ nhì.

*****

 

3. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA HẠT GIỐNG

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của hạt giống nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như hạt giống dầu là ít ỏi, đã được gieo ở thửa ruộng tốt, trong khi trời ban cho cơn mưa đúng đắn, thì sẽ tạo ra được rất nhiều kết quả. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, giới đã được thực hành theo cách nào mà sẽ tạo ra được toàn bộ quả vị của Sa-môn, thì vị hành giả thiết tha tu tập nên thực hành đúng đắn theo cách như vậy. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của hạt giống nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, hạt giống đã được trồng ở thửa ruộng khéo được làm sạch sẽ thì phát triển vô cùng nhanh chóng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập khéo nắm giữ được ý, làm cho ý được thanh tịnh ở căn nhà trống vắng, rồi đặt ý vào thửa ruộng cao quý là sự thiết lập niệm, thì ý phát triển vô cùng nhanh chóng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của hạt giống nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Anuruddha nói đến:

‘Giống như hạt giống được thiết lập ở thửa ruộng sạch sẽ, kết quả của nó là dồi dào, và còn làm cho người nông dân mừng rỡ.

Y như thế ấy, tâm của vị hành giả đã được làm cho thanh tịnh ở căn nhà trống vắng thì phát triển vô cùng nhanh chóng ở thửa ruộng là sự thiết lập niệm.’”

Câu hỏi về tính chất của hạt giống là thứ ba.

*****

 

4. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA CÂY SĀLĀ XINH ĐẸP

“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của cây sālāxinh đẹp nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như cây sālā xinh đẹp tăng trưởng luôn cả ở bên trong trái đất đến hơn một trăm cánh tay. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên làm cho tròn đủ bốn quả vị Sa-môn, bốn Tuệ Phân Tích, sáu Thắng Trí, và toàn bộ pháp Sa-môn ở ngay tại ngôi nhà trống vắng. Tâu đại vương, điều này là một tính chất của cây sālā xinh đẹp nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Rāhula nói đến:

‘Loài cây có tên sālā xinh đẹp, mọc ở trái đất, tăng trưởng luôn cả ở bên trong trái đất đến một trăm cánh tay.

Giống như vào lúc thời điểm đã đến, với sự trưởng thành cây ấy vươn lên, tăng trưởng thậm chí một trăm cánh tay trong một ngày.

Bạch đấng Đại Hùng, tương tợ y như thế, con tiến triển một cách tự nhiên ở ngôi nhà trống vắng, tợ như cây sālā xinh đẹp tăng trưởng ở khoảng không.’”

Câu hỏi về tính chất của cây sālāxinh đẹp là thứ tư.

*****

 

5. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA CHIẾC THUYỀN

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của chiếc thuyền nên được hành trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như chiếc thuyền giúp cho nhiều người vượt qua nhờ vào sự tập hợp đã được kết nối lại bằng nhiều loại cây gỗ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập sẽ vượt qua thế gian luôn cả chư Thiên nhờ vào sự tập hợp đã được kết nối lại bằng nhiều hình thức Giáo Pháp như là cách cư xử, giới, đức hạnh, phận sự, và công việc. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của chiếc thuyền nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, chiếc thuyền chịu đựng lực đẩy gào thét của nhiều loại sóng, lực đẩy của dòng nước xoáy được lan rộng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên chịu đựng lực đẩy của nhiều loại sóng phiền não, lợi lộc, tôn vinh, danh vọng, danh tiếng, cúng dường, đảnh lễ, sự chê khen ở các gia tộc khác, và lực đẩy của nhiều loại sóng: sướng, khổ, kính nể, khinh khi, và sự sân hận. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của chiếc thuyền nên được hành trì.

3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, chiếc thuyền di chuyển ở biển cả to lớn, khổng lồ, vô lượng, vô biên, không bờ bên kia, không bị xáo trộn, sâu thẳm, có tiếng ồn lớn lao vĩ đại, có sự chen chúc của các bầy cá là cá ông, cá voi, cá đao. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên làm cho tâm ý di chuyển ở sự lãnh hội và thấu triệt bốn Chân Lý về ba luân, mười hai thể. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của chiếc thuyền nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Tương Ưng Bộ quý báu, Tương Ưng Sự Thật:

‘Này các tỳ khưu, trong lúc suy tư, các người nên suy tư về: ‘Đây là khổ,’ nên suy tư về: ‘Đây là Nguyên Nhân của Khổ,’ nên suy tư về: ‘Đây là sự Diệt Khổ,’ nên suy tư về: ‘Đây là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ.’”

Câu hỏi về tính chất của chiếc thuyền là thứ năm.

*****

 

6. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA CÁI NEO THUYỀN

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của cái neo thuyền nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như cái neo thuyền giữ chặt, duy trì con thuyền ở nơi biển cả to lớn khổng lồ, trên mặt nước bị hỗn độn, bị khuấy động bởi những đợt dồn dập của nhiều làn sóng, không cho lôi đi theo hướng chính hướng phụ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên giữ chặt tâm ở sự xung đột lớn lao vĩ đại của các suy tư, ở sự dồn dập của những làn sóng luyến ái, sân hận, si mê, không cho lôi đi theo hướng chính hướng phụ. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của cái neo thuyền nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa cái neo thuyền không nổi lên, nó chìm xuống thậm chí cả trăm cánh tay ở trong nước, nó giữ chặt con thuyền, duy trì ở vị trí. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên nổi lên ở trên đỉnh của lợi lộc, ở trên đỉnh của danh vọng, ở các sự lợi lộc, danh vọng, tôn vinh, kính nể, đảnh lễ, cúng dường, trọng vọng, nên duy trì tâm chỉ ở mỗi việc làm cho cơ thể được sống còn. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của cái neo thuyền nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến:

‘Giống như cái neo không nổi lên ở biển, mà chìm xuống, y như thế ấy các ngươi chớ nổi lên ở lợi lộc và tôn vinh, mà hãy chìm xuống.’”

Câu hỏi về tính chất của cái neo thuyền là thứ sáu.

*****

 

7. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA CỘT BUỒM

“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của cột buồm nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như cột buồm chịu đựng dây thừng, dây đai, và cánh buồm. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có đầy đủ niệm và sự nhận biết rõ, nên có sự thực hành việc nhận biết rõ trong khi đi tới trong khi đi lui, khi nhìn qua khi nhìn lại, khi co tay khi duỗi tay, trong việc mang y hai lớp, bình bát, và y phục, khi ăn, khi uống, khi nhai, khi nếm, ở hành động đại tiện tiểu tiện, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi ngủ, khi thức, khi nói, khi im lặng. Tâu đại vương, điều này là một tính chất của cột buồm nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:

‘Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nên sống, có niệm, có sự nhận biết rõ; đây là lời dạy của chúng ta cho các ngươi.’”

Câu hỏi về tính chất của cột buồm là thứ bảy.

*****

 

8. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA NGƯỜI THUYỀN TRƯỞNG

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của người thuyền trưởng nên được hành trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như người thuyền trưởng, ngày đêm, thường xuyên, liên tục, không xao lãng, gắng sức, ra sức, điều khiển con tàu di chuyển. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, trong khi kiểm soát tâm, nên kiểm soát tâm bằng sự tác ý đúng đường lối, ngày đêm, thường xuyên, liên tục, không xao lãng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của người thuyền trưởng nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Pháp Cú:[5]

‘Các ngươi hãy thích thú trong sự không phóng dật, hãy phòng hộ tâm của mình, hãy đưa bản thân ra khỏi chốn khổ đau, tợ như con voi bị vướng trong vũng bùn (cố gắng lê thân ra khỏi bãi lầy).’

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa đối với người thuyền trưởng bất cứ việc gì ở biển cả là tốt hay là xấu, tất cả các điều ấy đều được biết đến. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên nhận biết thiện hay bất thiện, có tội lỗi hay không tội lỗi, hạ liệt hay cao quý, tối hay sáng hay có sự xen lẫn. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của người thuyền trưởng nên được hành trì.

3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa người thuyền trưởng đánh dấu ở bộ phận điều khiển (nói rằng): ‘Chớ có người nào chạm đến bộ phận điều khiển.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên làm dấu ấn về sự thu thúc ở tâm rằng: ‘Chớ suy tư về bất cứ suy tư nào ác và bất thiện.’ Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của người thuyền trưởng nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Tương Ưng Bộ cao quý:

‘Này các tỳ khưu, các ngươi chớ suy tư về các điều suy tư ác và bất thiện, như là sự suy tư về ái dục, sự suy tư về oán hận, sự suy tư về hãm hại.’”

Câu hỏi về tính chất của người thuyền trưởng là thứ tám.

*****

 

9. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG

“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của người làm công nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”            

“Tâu đại vương, giống như người làm công suy nghĩ như vầy: ‘Là người làm thuê, ta làm công việc ở chiếc thuyền này, nhờ vào chiếc thuyền này mà ta đạt được thức ăn và tiền công, ta không nên tạo ra sự xao lãng, chiếc thuyền này sẽ được chuyển vận nhờ vào ta có sự không xao lãng.’  

Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên suy nghĩ như vầy: ‘Trong khi quán sát về thân tứ đại này, ta thường xuyên, liên tục không xao lãng, có niệm được thiết lập, có niệm, có sự nhận biết rõ, được định tĩnh, có tâm chuyên nhất, ta nên thực hiện sự không xao lãng (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ được hoàn toàn tự do đối với các sự sanh-già-bệnh-chết-sầu-bi-khổ-ưu-não.’ Tâu đại vương, điều này là một tính chất của người làm công nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến:

‘Ngươi hãy quán sát về thân này, hãy biết toàn diện (về nó) lần này lần khác. Sau khi nhìn thấy bản thể thật ở thân, ngươi sẽ thực hiện việc chấm dứt khổ đau.’”

Câu hỏi về tính chất của người làm công là thứ chín.

*****

 

10. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA BIỂN CẢ

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của biển cả nên được hành trì,’ năm tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như biển cả không sống chung với xác chết. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên sống chung với luyến ái, sân hận, si mê, ngã mạn, tà kiến, gièm pha, thù oán, ganh tỵ, bỏn xẻn, gian trá, xảo quyệt, lừa đảo, không hài hòa, hạnh kiểm xấu, và các bợn nhơ phiền não. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của biển cả nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, biển cả, trong khi cất giữ sự tích lũy nhiều loại châu báu là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, xà cừ, đá quý, san hô, pha-lê, bạc, vàng, ngọc ru-by, ngọc mắt mèo, thì che đậy lại, không vung vãi ở bên ngoài. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, sau khi chứng đắc nhiều loại châu báu đức hạnh là Đạo, Quả, thiền, sự Giải Thoát, định và sự chứng đạt, Minh Sát và sáu Thắng Trí thì nên che giấu, không nên đưa ra bên ngoài. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của biển cả nên được hành trì.

3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa biển cả sống chung với các chúng sanh to lớn vĩ đại. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên sống nương tựa vào vị đồng Phạm hạnh, là người bạn tốt lành, ít ham muốn, tự biết đủ, nói về pháp từ khước, có lối sống giảm thiểu, hội đủ tánh hạnh, có liêm sỉ, khéo cư xử, đáng kính, đáng trọng, vị tuyên thuyết, có sự nhẫn nại với lời nói, vị la rầy, có sự chê trách điều xấu, vị giáo giới, vị giáo hóa, vị giải thích, vị chỉ dạy, vị thức tỉnh, vị khuyến khích, vị tạo niềm phấn khởi. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của biển cả nên được hành trì.

4. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa biển cả mặc dầu được làm đầy bởi trăm ngàn con sông như là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī, v.v... chứa đựng nước nguồn, và bởi các cơn mưa ở không trung, cũng không tràn qua khỏi bờ của nó. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên thực hiện việc vi phạm các điều học một cách cố ý vì lý do lợi lộc, tôn vinh, danh tiếng, đảnh lễ, kính nể, cúng dường, thậm chí có nguyên nhân là mạng sống. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của biển cả nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:

‘Này Pahārāda, cũng giống như đại dương có pháp bền vững không tràn qua khỏi bờ, này Pahārāda, tương tợ y như thế điều học nào đã được Ta quy định cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu có nguyên nhân là mạng sống, cũng không vi phạm điều ấy.’

5. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa biển cả không bị tràn đầy bởi tất cả các dòng sông Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī, và bởi các cơn mưa ở không trung. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên được thỏa mãn với việc đọc tụng, việc vấn hỏi, việc nghe, việc xác định, việc nhận thức, việc đã được chuyên sâu về Luật và Vi Diệu Pháp, việc tranh luận về Kinh, sự quy định từ, sự liên kết từ, sự phân tích từ, và Giáo Pháp cao quý của đấng Chiến Thắng gồm chín thể loại. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ năm của biển cả nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Bổn Sanh Sutasoma:[6]

‘Giống như ngọn lửa đang thiêu đốt cỏ và củi, hoặc là biển cả không được thỏa mãn với những dòng sông, này vị vua hạng nhất, y theo như vậy những bậc sáng trí này, sau khi lắng nghe, không được thỏa mãn với điều đã được khéo nói.’”

Câu hỏi về tính chất của biển cả là thứ mười.

Phẩm Biển Cả là phẩm thứ nhì.

*****

 

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Dây bầu, và cây sen, hạt giống, cây sālā xinh đẹp, chiếc thuyền, và cái neo thuyền, cột buồm, người thuyền trưởng là tương tợ, người làm công, và biển cả, phẩm (này) được gọi với tên ấy.”

--ooOoo--