Skip directly to content

VII. KUMBHAVAGGO - PHẨM CHUM NƯỚC

1. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA CHUM NƯỚC

“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của chum nước nên được hành trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như chum nước đầy thì không làm thành tiếng vang. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập sau khi đạt đến sự toàn hảo về Kinh điển, về sự chứng đắc, về pháp học, về bản thể Sa-môn thì không nên làm thành tiếng vang, không nên thể hiện sự ngã mạn vì điều ấy, không nên phô bày sự kiêu ngạo, nên có sự ngã mạn được lắng xuống, nên có sự kiêu ngạo được lắng xuống, nên thẳng thắn, không nói nhiều, không có sự khoe khoang. Tâu đại vương, điều này là một tính chất của chum nước nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Kinh Tập:[15]

‘Cái gì thiếu kém cái ấy làm thành tiếng vang, cái gì được đầy cái ấy thật yên tịnh. Kẻ ngu tương tợ cái chum rỗng, bậc sáng trí tợ như hồ nước đầy tràn.’”

Câu hỏi về tính chất của chum nước là thứ nhất.

*****

 

2. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA SẮT ĐEN

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của sắt đen nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như sắt đen hoạt động khi đã được tẩm nước đầy đủ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tâm của vị hành giả thiết tha tu tập hoạt động khi được gắn chặt ở sự tác ý đúng đường lối. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của sắt đen nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, sắt đen một khi đã được tẩm nước thì không loại bỏ nước. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, một khi niềm tin đã được sanh khởi rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc Chánh Đẳng Giác cao cả, Giáo Pháp đã khéo được tuyên thuyết, hội chúng đã thực hành tốt đẹp,’ thì không nên để vuột mất lần nữa; một khi trí tuệ đã được sanh khởi rằng: ‘Sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, các hành là vô thường, thức là vô thường,’ thì không nên để vuột mất lần nữa. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của sắt đen nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:

              ‘Người đã được thanh tịnh về sự nhận thức,

              vững chãi, biết được đặc điểm ở Thánh Pháp,

              thì không bị lay chuyển về nhiều khía cạnh,

              và vị ấy có trạng thái đứng đầu so với tất cả.’”

Câu hỏi về tính chất của sắt đen là thứ nhì.

*****

 

3. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA CÁI LỌNG CHE

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của cái lọng che nên được hành trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như cái lọng che di chuyển ở phía trên đầu. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có sự di chuyển ở phía trên đầu của các phiền não. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của cái lọng che nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, cái lọng che là vật che chở cái đầu. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có trạng thái che chở sự tác ý đúng đường lối. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của cái lọng che nên được hành trì.

3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, cái lọng che ngăn cản gió, sức nóng, và các cơn mưa từ đám mây. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn phàm phu có tà kiến gồm nhiều loại, thì nên ngăn cản các làn gió suy nghĩ, sự đốt nóng của ngọn lửa gồm ba loại (tham sân si), và các cơn mưa phiền não của họ. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của cái lọng che nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp nói đến:

‘Cũng giống như cái lọng che rộng lớn, không lỗ thủng, vững chãi, chắc chắn che cản gió, sức nóng, và những cơn mưa lớn từ trên trời.

Y như thế ấy, người con trai của đức Phật, được trong sạch, cầm chiếc lọng che là giới, cản lại cơn mưa phiền não và ngọn lửa gồm ba loại có sự đốt nóng.’”

Câu hỏi về tính chất của cái lọng che là thứ ba.

*****

 

4. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA THỬA RUỘNG

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của thửa ruộng nên được hành trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như thửa ruộng có đầy đủ đường dẫn nước. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có đầy đủ đường lối về phận sự và công việc được hành xử tốt đẹp. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của thửa ruộng nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, thửa ruộng có đầy đủ bờ bao, và với bờ bao ấy bảo vệ nước và làm cho thóc lúa kết hạt. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có đầy đủ bờ bao về giới và sự hổ thẹn tội lỗi, với bờ bao về giới và sự hổ thẹn tội lỗi ấy nên bảo vệ bản thể Sa-môn rồi nên nắm lấy bốn quả vị Sa-môn. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của thửa ruộng nên được hành trì.

3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, thửa ruộng có đầy đủ khả năng sản xuất, là nguồn sanh lên niềm vui cho người nông dân, hạt giống được gieo dầu ít mà đạt được nhiều, được gieo nhiều thì đạt được nhiều hơn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có đầy đủ khả năng sản xuất, có sự ban cho các quả báu lớn lao, nên là nguồn sanh lên niềm vui cho các thí chủ để rồi vật được bố thí ít trở thành nhiều, vật được bố thí nhiều trở thành nhiều hơn. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của thửa ruộng nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Upāli, vị rành rẽ về Luật nói đến:

‘Nên giống như thửa ruộng có sự ban cho lớn lao về khả năng sản xuất, vị nào ban cho quả báu lớn lao, vị ấy gọi là thửa ruộng cao quý.’”

Câu hỏi về tính chất của thửa ruộng là thứ tư.

*****

 

5. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA THUỐC GIẢI ĐỘC

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của thuốc giải độc nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như các con giòi không tồn tại ở thuốc giải độc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên để cho các phiền não tồn tại ở tâm. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của thuốc giải độc nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, thuốc giải độc ngăn chận tất cả chất độc do đã bị cắn, bị chạm vào, bị ngộ độc, bị ăn vào, bị uống, bị nhai, bị nếm. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên ngăn chận tất cả chất độc luyến ái, sân hận, si mê, ngã mạn, tà kiến. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của thuốc giải độc nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:

‘Với ước muốn nhìn thấy bản thể và ý nghĩa của các pháp tạo tác, vị hành giả nên giống như thuốc giải độc trong việc tiêu trừ chất độc phiền não.’”

Câu hỏi về tính chất của thuốc giải độc là thứ năm.

*****

 

6. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA VẬT THỰC

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của vật thực nên được hành trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như vật thực là sự nâng đỡ cho tất cả chúng sanh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên là sự nâng đỡ về Đạo Lộ cho tất cả chúng sanh. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của vật thực nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, vật thực làm tăng trưởng sức mạnh của chúng sanh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên tăng trưởng sự phát triển của phước báu. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của vật thực nên được hành trì.

3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, vật thực là được mong mỏi đối với tất cả chúng sanh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên được mong mỏi bởi tất cả thế gian. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của vật thực nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Mahāmoggallāna nói đến:

‘Nhờ vào sự thu thúc, nhờ vào sự kềm chế, nhờ vào giới, nhờ vào sự thực hành, vị hành giả sẽ là được mong mỏi đối với tất cả thế gian.’”

Câu hỏi về tính chất của vật thực là thứ sáu.

*****

 

7. CÂU HỎI VỀ TÍNH CHẤT CỦA NGƯỜI CUNG THỦ

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Bốn tính chất của người cung thủ nên được hành trì,’ bốn tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như người cung thủ, trong khi bắn những mũi tên, thì thiết lập vững chắc hai bàn chân ở trái đất, giữ đầu gối ngay thẳng, đặt bao tên ở thắt lưng, kềm cứng thân hình, nâng hai bàn tay lên ở chỗ tiếp xúc, kìm chặt nắm tay, làm cho các ngón tay không có lỗ hổng, nâng cổ lên, khép lại mắt và miệng, ngắm thẳng mục tiêu, làm sanh khởi niềm vui rằng: ‘Ta sẽ xuyên thủng.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thiết lập hai bàn chân tinh tấn ở trái đất là giới, nên giữ sự kham nhẫn và khoan dung được ngay thẳng, nên đặt tâm ở sự phòng hộ, nên đưa bản thân vào sự thu thúc và sự kềm chế, nên kìm chặt ước muốn và sự say đắm, nên làm cho tâm không có lỗ hổng ở sự tác ý đúng đường lối, nên nâng sự tinh tấn lên, nên khép lại sáu cánh cửa (giác quan), nên thiết lập niệm, nên làm sanh khởi niềm vui rằng: ‘Ta sẽ xuyên thủng tất cả phiền não bằng mũi tên trí tuệ.’ Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của người cung thủ nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, người cung thủ mang theo vật uốn thẳng để làm ngay thẳng cây tên bị cong, bị vẹo, bị quẹo. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên mang theo vật uốn thẳng là sự thiết lập niệm ở thân này để làm ngay thẳng cái tâm bị cong, bị vẹo, bị quẹo. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của người cung thủ nên được hành trì.

3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, người cung thủ chuyên chú ở mục tiêu. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên chuyên chú ở thân này. Tâu đại vương, vị hành giả thiết tha tu tập nên chuyên chú ở thân này như thế nào? Nên chuyên chú là vô thường, là cơn bệnh, —(như trên)— là ghẻ, là mụt nhọt, là tai ương, là tật nguyền, là cái khác, là tiêu hoại, là tai họa, là bất hạnh, là sợ hãi, là nguy hiểm, là thay đổi, là mảnh mai, là không bền, là không nơi nương tựa, là không nơi trú ẩn, là không nơi nương nhờ, là trạng thái không có nơi nương nhờ, là rỗng không, là trống không, là bất lợi, là không có lõi, là gốc gác của tai ương, là kẻ giết hại, là có sự rò rỉ, là bị tạo tác, là có bản chất sanh ra, là có bản chất già, là có bản chất bệnh, là có bản chất chết, là có bản chất sầu muộn, là có bản chất than vãn, là có bản chất thất vọng, là có bản chất phiền não. Tâu đại vương, vị hành giả thiết tha tu tập nên chuyên chú ở thân này như thế. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của người cung thủ nên được hành trì.

4. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, người thợ săn chuyên chú sáng chiều. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên chuyên chú ở đối tượng (của đề mục thiền) sáng chiều. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của người thợ săn nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp nói đến:

‘Giống như người cung thủ chuyên chú sáng chiều, trong khi không bê trễ việc chuyên chú, đạt được bữa ăn và tiền lương.

Tương tợ y như thế, người con trai của đức Phật thực hành sự chuyên chú ở thân, trong khi không bê trễ việc chuyên chú ở thân, chứng đắc phẩm vị A-la-hán.’”

Câu hỏi về tính chất của người cung thủ là thứ bảy.

Phẩm chum nước là phẩm thứ bảy.

*****

 

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Chum nước, và sắt đen, cái lọng che, thửa ruộng, và thuốc giải độc, với vật thực, và người cung thủ, đã được các bậc hiểu biết nói đến.”

CÂU HỎI GIẢNG VỀ CÁC VÍ DỤ ĐƯỢC CHẤM DỨT.

--ooOoo--