Skip directly to content

II. ABHEJJAVAGGO - PHẨM KHÔNG BỊ CHIA RẼ

1. CÂU HỎI VỀ CÁC ĐIỀU NHỎ NHẶT VÀ TIỂU TIẾT

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Ta thuyết giảng Giáo Pháp sau khi đã hiểu biết tận tường, không phải không do Thắng Trí.’ Và còn nữa, ở sự quy định về Luật Ngài đã nói như vầy: ‘Này Ānanda, sau khi Ta tịch diệt, Hội Chúng trong khi mong muốn hãy hủy bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết.’ Thưa ngài Nāgasena, về việc đức Thế Tôn bảo hủy bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết sau khi Ngài đã tịch diệt, phải chăng các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết đã được quy định sai, hay là đã được quy định khi không có sự việc (xảy ra), sau khi đã không nhận biết? Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Này các tỳ khưu, Ta thuyết giảng Giáo Pháp sau khi đã hiểu biết tận tường, không phải không do Thắng Trí,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này Ānanda, sau khi Ta tịch diệt, Hội Chúng trong khi mong muốn hãy hủy bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết’ là sai trái. Nếu ở sự quy định về Luật, đức Như Lai đã nói như vầy: ‘Này Ānanda, sau khi Ta tịch diệt, Hội Chúng trong khi mong muốn hãy hủy bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết,’ như thế thì lời nói: ‘Này các tỳ khưu, Ta thuyết giảng Giáo Pháp sau khi đã hiểu biết tận tường, không phải không do Thắng Trí’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, tinh vi, tế nhị, vô cùng khôn khéo, vô cùng sâu xa, khó phân giải. Nó được dành cho ngài. Ở đây, xin ngài hãy thể hiện sự triển khai về năng lực trí tuệ của ngài.”

2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Ta thuyết giảng Giáo Pháp sau khi đã hiểu biết tận tường, không phải không do Thắng Trí.’ Và ở sự quy định về Luật Ngài đã nói như vầy: ‘Này Ānanda, sau khi Ta tịch diệt, Hội Chúng trong khi mong muốn hãy hủy bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết.’ Tâu đại vương, đức Như Lai đã nói điều ấy trong khi thử thách các vị tỳ khưu rằng: ‘Sau khi Ta tịch diệt, các đệ tử của Ta, trong khi hết bị ràng buộc với Ta, thì sẽ loại bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết, hay là sẽ gắn bó?’ Tâu đại vương, giống như đức Chuyển Luân Vương có thể nói với các con trai như vầy: ‘Này các con, lãnh thổ rộng lớn này được bao bọc bởi đại dương ở tất cả các phương. Này các con, để duy trì chừng ấy (lãnh thổ) bằng binh lực là việc làm khó khăn. Này các con, sau khi ta băng hà các con hãy buông bỏ các khu vực biên địa.’ Tâu đại vương, phải chăng sau khi vua cha băng hà các hoàng tử có thể buông lơi tất cả các khu vực biên địa ấy là phần lãnh thổ đã nắm trong tay?”

“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, các vị vua còn ham muốn nhiều hơn. Các hoàng tử vì lòng tham đối với vương quốc có thể tóm thâu lãnh thổ hai lần ba lần hơn thế nữa, làm sao họ có thể buông lơi phần lãnh thổ đã nắm trong tay?”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai trong khi thử thách các vị tỳ khưu đã nói như vầy: ‘Này Ānanda, sau khi Ta tịch diệt, Hội Chúng trong khi mong muốn hãy hủy bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết.’  

Tâu đại vương, nhằm sự giải thoát hoàn toàn khổ đau, những người con trai của đức Phật với lòng tham muốn về Giáo Pháp có thể gìn giữ còn nhiều hơn một trăm năm mươi điều học, làm sao các vị lại buông lơi điều học đã được quy định theo truyền thống?”

“Thưa ngài Nāgasena, điều mà đức Thế Tôn đã nói về ‘các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết,’ ở đây đám người này là mê muội, bị sanh khởi nỗi phân vân, bị tác động, bị khởi lên sự nghi ngờ. Các điều học nhỏ nhặt ấy là các điều nào? Các điều học tiểu tiết là các điều nào?”

“Tâu đại vương, điều học nhỏ nhặt là tội dukkaṭa (đã làm sai trái). Điều học tiểu tiết là tội dubbhāsita (đã nói sai trái). Hai loại này là các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết. Tâu đại vương, các vị đại trưởng lão trước đây đã nêu lên sự phân vân về điều này. Do đức Thế Tôn mà câu hỏi này đã được nêu ra; nó cũng đã gây ra sự không đồng nhất trong cuộc thảo luận về việc duy trì Giáo Pháp bởi các vị ấy.”

“Thưa ngài Nāgasena, điều bí ẩn của đấng Chiến Thắng bị bỏ quên bấy lâu, vào lúc này hôm nay đã được mở ra, đã được làm rõ ràng ở thế gian.”

Câu hỏi về các điều nhỏ nhặt và tiểu tiết là thứ nhất.

*****

 

2. CÂU HỎI VỀ CÂU TRẢ LỜI NÊN ĐƯỢC ĐÌNH CHỈ

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Ānanda, không có bàn tay nắm lại của vị thầy ở các giáo lý của đức Như Lai.’ Và thêm nữa khi được trưởng lão Māluṅkyaputta hỏi câu hỏi, Ngài đã không trả lời. Thưa ngài Nāgasena, câu hỏi này có hai đầu mối và sẽ được nương vào một đầu mối: hoặc là do sự không biết hoặc là do việc che giấu. Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Này Ānanda, không có bàn tay nắm lại của vị thầy ở các giáo lý của đức Như Lai,’như thế thì do không biết mà đã không trả lời cho trưởng lão Māluṅkyaputta. Nếu trong khi biết mà đã không trả lời, như thế thì có bàn tay nắm lại của vị thầy ở các giáo lý của đức Như Lai. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Ānanda, không có bàn tay nắm lại của vị thầy ở các giáo lý của đức Như Lai,’và câu hỏi được hỏi bởi trưởng lão Māluṅkyaputta đã không được trả lời. Nhưng điều ấy không phải do sự không biết, không phải do việc che giấu. Tâu đại vương, đây là bốn cách trả lời câu hỏi. Bốn cách nào? ‘Câu hỏi nên được trả lời dứt khoát, câu hỏi nên được trả lời sau khi phân tích, câu hỏi nên được trả lời bằng sự hỏi lại, câu hỏi nên được đình chỉ.’

Tâu đại vương, câu hỏi nên được trả lời dứt khoát là câu hỏi nào? ‘Có phải sắc là vô thường?’ là câu hỏi nên được trả lời dứt khoát. ‘Có phải thọ là vô thường,’ ‘Có phải tưởng là vô thường,’ ‘Có phải các hành là vô thường,’ ‘Có phải thức là vô thường’ là câu hỏi nên được trả lời dứt khoát. Đây là câu hỏi nên được trả lời dứt khoát.  

Câu hỏi nên được trả lời sau khi phân tích là câu hỏi nào? ‘Chẳng lẽ sắc là vô thường’ là câu hỏi nên được trả lời sau khi phân tích. ‘Chẳng lẽ thọ là vô thường,’ ‘Chẳng lẽ tưởng là vô thường,’ ‘Chẳng lẽ các hành là vô thường,’ ‘Chẳng lẽ thức là vô thường’ là câu hỏi nên được trả lời sau khi phân tích. Đây là câu hỏi nên được trả lời sau khi phân tích.

Câu hỏi nên được trả lời bằng sự hỏi lại là câu hỏi nào? ‘Phải chăng nhận thức mọi thứ bằng con mắt?’ Đây là câu hỏi nên được trả lời bằng sự hỏi lại.

Câu hỏi nên được đình chỉ là câu hỏi nào? ‘Thế giới là thường còn’ là câu hỏi nên được đình chỉ. ‘Thế giới là không thường còn,’ ‘Thế giới là có giới hạn,’ ‘Thế giới là không có giới hạn,’ ‘Thế giới là có giới hạn và không có giới hạn,’ ‘Thế giới không phải là có giới hạn và cũng không phải là không có giới hạn,’ ‘Mạng sống là vật ấy thân thể là vật ấy,’ ‘Mạng sống là vật khác thân thể là vật khác,’ ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu ở nơi khác sau khi chết,’ ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết,’ ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết,’ ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết’ là câu hỏi nên được đình chỉ. Đây là câu hỏi nên được đình chỉ.

Tâu đại vương, đức Thế Tôn đã không trả lời câu hỏi nên được đình chỉ ấy của trưởng lão Māluṅkyaputta. Vậy thì vì lý do gì mà câu hỏi ấy là nên được đình chỉ? Không có nguyên nhân hay là lý do cho việc làm sáng tỏ nó, do đó câu hỏi ấy là nên được đình chỉ. Đối với chư Phật Thế Tôn, không có việc thốt lên lời nói không có lý do, không có nguyên nhân.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”

Câu hỏi về việc trả lời nên được đình chỉ là thứ nhì.

*****

 

3. CÂU HỎI VỀ VIỆC SỢ HÃI HAY KHÔNG SỢ HÃI SỰ CHẾT

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết.’ Và thêm nữa Ngài đã nói rằng: ‘Vị A-la-hán đã vượt qua mọi sự sợ hãi.’Thưa ngài Nāgasena, phải chăng vị A-la-hán không run sợ đối với mọi sự sợ hãi về hình phạt? Hay là các chúng sanh địa ngục bị đốt cháy, bị đun sôi, bị đốt nóng, bị đun nóng ở địa ngục, trong khi đang chết từ đại địa ngục có màng lưới lửa cháy rực ấy, mới sợ hãi sự chết?Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết,’như thế thì lời nói rằng ‘Vị A-la-hán đã vượt qua mọi sự sợ hãi’ là sai trái. Nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Vị A-la-hán đã vượt qua mọi sự sợ hãi,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”  

“Tâu đại vương, lời nói này đã được nói bởi đức Thế Tôn: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết’ là không liên quan đến các vị A-la-hán. Các vị A-la-hán là ngoại lệ trong sự việc này. Nhân gây sợ hãi đã được các vị A-la-hán trừ diệt. Tâu đại vương, những chúng sanh nào có phiền não, có tà kiến về bản ngã quá lố, có tính khí thăng trầm theo lạc và khổ, thì điều đã được nói bởi đức Thế Tôn: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết’ là liên quan đến những người ấy. Tâu đại vương, đối với vị A-la-hán tất cả cảnh giới tái sanh đã bị chặt đứt, nguồn sản xuất đã bị tiêu hoại, sự nối liền với việc tái sanh đã bị hủy diệt, khung sườn đã bị phá vỡ, tất cả các điều kiện của hữu đã bị tiêu hủy, tất cả các hành đã bị trừ tuyệt, thiện và bất thiện đã bị thủ tiêu, vô minh đã bị tiêu tan, thức không còn chủng tử đã được tạo lập, tất cả phiền não đã được đốt cháy, các pháp thế gian đã được vượt lên; vì thế vị A-la-hán không run sợ đối với tất cả các nỗi sợ hãi. Tâu đại vương, ở đây bốn vị quan đại thần của đức vua là trung thành, đã đạt danh tiếng, được tin cậy, được phong tước vị có quyền hành lớn lao. Rồi vào lúc có sự việc cần làm nào đó sanh khởi, đức vua ra lệnh đến tất cả dân chúng ở trong lãnh địa của mình rằng: ‘Hết thảy tất cả hãy nộp thuế cho trẫm. Các khanh, bốn quan đại thần, hãy hoàn thành sự việc cần làm ấy.’ Tâu đại vương, phải chăng sự run sợ do nỗi sợ hãi về thuế có thể sanh khởi cho bốn vị quan đại thần ấy?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Tâu đại vương, vì lý do gì?”

“Thưa ngài, bốn người ấy đã được đức vua phong tước vị tối cao. Không có thuế má đối với họ. Họ vượt qua khỏi các loại thuế má. Điều đã được đức vua ra lệnh: ‘Hết thảy tất cả hãy nộp thuế cho trẫm’ là liên quan đến những người còn lại.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế lời nói này đã được nói bởi đức Thế Tôn là không liên quan đến các vị A-la-hán. Các vị A-la-hán là ngoại lệ trong sự việc này. Nhân gây sợ hãi đã được các vị A-la-hán trừ diệt. Tâu đại vương, những chúng sanh nào có phiền não, có tà kiến về bản ngã quá lố, có tính khí thăng trầm theo lạc và khổ, thì điều đã được nói bởi đức Thế Tôn: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết’ là liên quan đến những người ấy. Do đó, vị A-la-hán không run sợ đối với tất cả các nỗi sợ hãi.”

“Thưa ngài Nāgasena, lời nói ấy không bao gồm phần còn lại, lời nói ‘tất cả’ ấy là trừ ra phần còn lại. Về việc ấy, xin ngài hãy nói cho trẫm thêm về lý do để xác định lời nói ấy.”

“Tâu đại vương, ở đây người trưởng làng ở ngôi làng có thể ra lệnh cho viên mõ làng rằng: ‘Này ông mõ làng, hết thảy tất cả dân làng ở trong làng hãy mau chóng tụ tập lại trước mặt tôi.’ Người ấy, sau khi chấp nhận: ‘Tốt lằm, thưa trưởng làng,’ đã đứng ở giữa làng thông báo ba lần rằng: ‘Hết thảy tất cả dân làng ở trong làng hãy mau mau tụ tập lại trước mặt trưởng làng.’ Sau đó, do lời nói của viên mõ làng, các dân làng đã cấp tốc tụ tập lại rồi báo cho ông trưởng làng rằng: ‘Thưa trưởng làng, tất cả dân làng đã tụ tập lại. Ngài có việc gì cần làm, xin hãy tiến hành điều ấy.’  

Tâu đại vương, người trưởng làng ấy, trong khi bảo những người chủ chốt tụ tập lại, thì ra lệnh cho tất cả dân làng như thế, và những người (dân làng) ấy dầu được ra lệnh nhưng không phải tất cả đều tụ tập lại, chỉ có những người chủ chốt tụ tập lại. Và người trưởng làng chấp nhận như thế: ‘Chỉ bấy nhiêu là dân làng của tôi.’ Những người khác đã không đến là nhiều hơn: đàn bà, đàn ông, tớ gái, tôi nam, người làm thuê, nhân công, khách lữ hành, người bệnh, bò, trâu, dê, cừu, chó; tất cả những ai không đến đều không tính. Điều đã được ra lệnh: ‘Tất cả hãy tụ tập lại’ chỉ liên quan đến những người chủ chốt. Tâu đại vương, tương tợ y như thế lời nói này đã được nói bởi đức Thế Tôn là không liên quan đến các vị A-la-hán. Các vị A-la-hán là ngoại lệ trong sự việc này. Nhân gây sợ hãi đã được các vị A-la-hán trừ diệt. Tâu đại vương, những chúng sanh nào có phiền não, có tà kiến về bản ngã quá lố, có tính khí thăng trầm theo lạc và khổ, thì điều đã được nói bởi đức Thế Tôn: ‘Tất cả run sợ hình phạt, tất cả sợ hãi sự chết’ là liên quan đến những người ấy. Do đó, vị A-la-hán không run sợ đối với tất cả các nỗi sợ hãi.

Tâu đại vương, có lời nói thiếu sót với ý nghĩa thiếu sót, có lời nói thiếu sót với ý nghĩa không thiếu sót, có lời nói không thiếu sót với ý nghĩa thiếu sót, có lời nói không thiếu sót với ý nghĩa không thiếu sót. Ý nghĩa nên được tiếp thu theo từng trường hợp một.

Tâu đại vương, ý nghĩa nên được tiếp thu theo năm cách: theo đoạn văn trích dẫn, theo nghĩa chính yếu, theo truyền thống của vị thầy, theo ý định, theo tính chất vượt trên lý do. Chính ở đây, ‘đoạn văn trích dẫn’ là đoạn Kinh thích hợp, ‘nghĩa chính yếu’ là phù hợp với Kinh, ‘truyền thống của vị thầy’ là học thuyết của vị thầy, ‘ý định’ là quan niệm của bản thân, ‘tính chất vượt trên lý do’ là lý do đã được tổng hợp từ bốn cách này. Tâu đại vương, ý nghĩa nên được tiếp thu theo năm lý do này. Câu hỏi ấy nên được giải quyết một cách khéo léo đúng y như thế.”

2. “Thưa ngài Nāgasena, hãy là như vậy, trẫm chấp nhận điều ấy. Xem như các vị A-la-hán là ngoại lệ trong sự việc này, và các chúng sanh còn lại run sợ. Trái lại, các chúng sanh địa ngục ở nơi địa ngục, trong khi cảm nhận các thọ khổ, sắc bén, nhức nhối, với tất cả các phần thân thể và tứ chi bị thiêu đốt, bị đốt cháy, với miệng khóc lóc, rên rỉ thảm thương, than vãn, van xin, bị nhận lãnh các nỗi khổ đau sắc bén không thể chịu đựng, không có sự bảo vệ, không nơi nương nhờ, ở tình trạng không có chốn nương nhờ, không ít sầu bệnh, có cảnh giới tái sanh tận sau cùng, chốn đến kế tiếp toàn là sầu muộn, có sự đốt cháy và chói sáng nóng bức, mãnh liệt, dữ tợn, và thô tháo, có các âm thanh ồn ào của tiếng gào thét gây ra sự khiếp đảm và sợ hãi, bị bao vây bởi màng lưới lửa sáu màu kết lại với nhau, với cường độ của ngọn lửa tỏa nóng đến một trăm do-tuần ở xung quanh, trong khi nói đến đại địa ngục cùng cực, nóng bức, có phải họ sợ hãi sự chết?”

“Tâu đại vương, đúng vậy.”

“Thưa ngài Nāgasena, chẳng lẽ địa ngục là phải chịu cảm thọ toàn là khổ đau? Hơn nữa, tại sao các chúng sanh địa ngục phải chịu cảm thọ toàn là khổ đau lại sợ hãi sự chết trong khi lìa khỏi địa ngục? Ở địa ngục có cái gì mà họ thích thú?”  

“Tâu đại vương, không phải các chúng sanh địa ngục ấy thích thú nơi địa ngục, chúng quả có mong muốn được giải thoát khỏi địa ngục. Tâu đại vương, điều ấy là oai lực của sự chết, vì điều ấy mà sự run sợ sanh khởi ở các chúng sanh ấy.”

“Thưa ngài Nāgasena, trẫm không tin điều ấy là việc sự run sợ sự chết sanh khởi ở những người có mong muốn được giải thoát. Thưa ngài Nāgasena, việc những người ấy đạt được điều đã mong mỏi; sự kiện ấy nực cười. Xin ngài hãy giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ.”

3. “Tâu đại vương, cái ‘sự chết’ này là cơ sở đem lại sự run sợ cho những người chưa nhìn thấy Sự Thật; hạng người này run sợ và bị kích động về việc này. Tâu đại vương, và người nào sợ hãi rắn mãng xà, người ấy trong khi sợ hãi sự chết thì sợ hãi rắn mãng xà. Và người nào sợ hãi voi, —(như trên)— sợ hãi sư tử, hổ, báo, gấu, chó sói, trâu rừng, bò mộng, lửa, nước, chông, gai. Và người nào sợ hãi gươm đao, người ấy trong khi sợ hãi sự chết thì sợ hãi gươm đao. Tâu đại vương, việc chúng sanh còn phiền não run sợ, sợ hãi sự chết, điều ấy là quyền lực của thực chất và bản thể của sự chết. Tâu đại vương, mặc dầu có mong muốn được giải thoát chúng sanh địa ngục cũng run sợ sự chết.

Tâu đại vương, ở đây có bệnh mỡ đóng cục sanh khởi ở thân thể của người đàn ông. Người ấy bị khổ sở vì căn bệnh ấy, có ước muốn được thoát khỏi hẳn cơn nguy kịch, nên cho mời người thầy thuốc phẫu thuật. Người thầy thuốc phẫu thuật, sau khi chấp nhận người ấy, sẽ đem lại dụng cụ để lấy đi căn bệnh ấy của người ấy, sẽ mài bén con dao mổ, sẽ đặt thanh dẹp cho việc đốt nóng ở ngọn lửa, sẽ cho nghiền nát chất kiềm và muối ở đá nghiền, tâu đại vương, phải chăng sự run sợ có thể sanh khởi ở người bệnh ấy do việc mổ xẻ bằng con dao bén, do việc đốt nóng bằng hai thanh dẹp, do việc đắp vào chất kiềm và muối?”

“Thưa ngài, đúng vậy.”

4. “Tâu đại vương, như thế người bệnh ấy, mặc dầu có ước muốn được giải thoát khỏi căn bệnh, cũng có sự run sợ do nỗi sợ hãi về cảm thọ sanh khởi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế các chúng sanh địa ngục, mặc dầu có ước muốn được giải thoát khỏi địa ngục, cũng có sự run sợ do nỗi sợ hãi về sự chết sanh khởi. Tâu đại vương, ở đây có người là kẻ phạm tội đối với chủ nhân bị bắt, bị tống vào phòng giam với sự trói lại bằng sợi xích, có ước muốn được tự do. Chủ nhân ấy, có ý muốn trả tự do, bảo đưa người ấy đến, tâu đại vương, phải chăng sự run sợ do việc nhìn thấy chủ nhân sẽ sanh khởi ở người ấy, là kẻ phạm tội đối với chủ nhân, trong khi biết rằng: ‘Ta đã làm quấy’?”

“Thưa ngài, đúng vậy.”

“Tâu đại vương, như thế người ấy, là kẻ phạm tội đối với chủ nhân, mặc dầu có ước muốn được tự do, cũng có sự run sợ do nỗi sợ hãi chủ nhân sanh khởi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với các người ở địa ngục, mặc dầu có ước muốn được giải thoát khỏi địa ngục, sự run sợ do nỗi sợ hãi về sự chết cũng sẽ sanh khởi ở nơi họ.”

“Thưa ngài, xin hãy nói thêm về lý do khác nữa, nhờ vào lý do ấy trẫm có thể xác định niềm tin.”

5. “Tâu đại vương, ở đây có người nam bị cắn bởi rắn độc có nọc độc ở nanh. Do tác động của nọc độc ấy, người ấy ngã xuống, té lên, lăn qua, lăn lại. Khi ấy, có một người nam khác với câu bùa chú có năng lực đem lại con rắn độc có nọc độc ở nanh ấy, rồi cho hút ngược trở lại nọc độc ở nanh ấy, tâu đại vương đối với người nam bị nhiễm nọc độc ấy, khi con rắn có nộc độc ở nanh ấy đang tiến đến gần với nguyên nhân tốt lành, phải chăng nỗi run sợ có thể sanh khởi ở người ấy?”

“Thưa ngài, đúng vậy.”

“Tâu đại vương, ở hình thức tương tợ như thế, trong khi con rắn đang tiến đến gần, mặc dầu với nguyên nhân tốt lành, nỗi run sợ cũng sanh khởi ở người ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với các chúng sanh ở địa ngục, mặc dầu có ước muốn được giải thoát khỏi địa ngục, sự run sợ do nỗi sợ hãi về sự chết cũng sanh khởi nơi họ. Tâu đại vương, đối với tất cả chúng sanh sự chết là điều không được mong muốn. Do đó, các chúng sanh ở địa ngục, mặc dầu có ước muốn được giải thoát khỏi địa ngục, cũng sợ hãi về sự chết.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”

Câu hỏi về việc sợ hãi hay không sợ hãi sự chết là thứ ba.

*****

 

4. CÂU HỎI VỀ SỰ THOÁT KHỎI CÁI BẪY CỦA THẦN CHẾT

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:

‘Không phải ở bầu trời, không phải ở giữa biển khơi, không phải đã đi vào khe của những ngọn núi mà Tử Thần không thể áp đảo người đứng ở nơi ấy, vì khu vực ấy ở trên trái đất không được tìm thấy.’

Và thêm nữa, các chú thuật hộ trì đã được đức Thế Tôn chỉ ra như là: ‘Ratanasutta, Khandhaparitta, Moraparitta, Dhajagga-paritta, Āṭānāṭiyaparitta, Aṅgulimālaparitta.’Thưa ngài Nāgasena, nếu cho dầu đi đến không trung, cho dầu đi đến giữa biển khơi, cho dầu đi đến tòa lâu đài, chòi, hang, động, sườn núi, hốc kẹt, khe núi, bên trong tảng đá mà cũng không được thoát khỏi gông cùm của Thần Chết, như thế thì công việc chú thuật hộ trì là sai trái. Nếu do công việc chú thuật hộ trì mà có sự thoát khỏi gông cùm của Thần Chết, như thế thì lời nói rằng: ‘Không phải ở bầu trời, —(như trên)— không được tìm thấy’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, bị thắt lại còn hơn nút thắt, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:

‘Không phải ở bầu trời, không phải ở giữa biển khơi, không phải đã đi vào khe của những ngọn núi mà Tử Thần không thể áp đảo người đứng ở nơi ấy, vì khu vực ấy ở trên trái đất không được tìm thấy.’  

Và các bài Kinh hộ trì đã được đức Thế Tôn chỉ ra. Tuy nhiên, điều ấy là dành cho người có tuổi thọ vẫn còn, đã đạt đến tuổi trưởng thành, sự ngăn cản của nghiệp đã được trừ khử, tâu đại vương nhưng không có việc áp dụng hay sự nỗ lực để duy trì đối với người có tuổi thọ đã cạn kiệt. Tâu đại vương, giống như đối với cây đã chết, khô héo, ráo nhựa, hết tươi tắn, sức sống đã bị ngưng lại, sự tạo tác của tuổi thọ đã qua, trong khi rưới nước dầu là một ngàn chậu cũng không thể trở nên tươi tắn hoặc có trạng thái đâm chồi mọc lá xanh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế không có việc áp dụng hay sự nỗ lực để duy trì đối với người có tuổi thọ đã cạn kiệt bằng thuốc men và việc làm chú thuật hộ trì. Tâu đại vương, những thuốc men chữa bệnh ở trên trái đất thì cũng không làm được phận sự gì đối với người có tuổi thọ đã cạn kiệt. Tâu đại vương, chú thuật hộ trì bảo vệ, gìn giữ người có tuổi thọ vẫn còn, đã đạt đến tuổi trưởng thành, sự ngăn cản của nghiệp đã được trừ khử. Vì sự lợi ích ấy mà các chú thuật hộ trì đã được đức Thế Tôn chỉ ra.

Tâu đại vương, giống như người nông dân có thể ngăn cản việc dẫn nước vào khi lúa đã chín đều, cọng lúa đã khô. Trái lại, khi cây lúa còn non, tương tợ như đám mây, đã đạt đến lúc trưởng thành, thì nó phát triển nhờ vào sự cung cấp nước. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với người có tuổi thọ đã cạn kiệt, các việc áp dụng thuốc men và chú thuật hộ trì bị đình chỉ, bị chối bỏ. Trái lại, những người có tuổi thọ vẫn còn, đã đạt đến tuổi trưởng thành, vì lợi ích cho những người ấy chú thuật hộ trì và thuốc men được đề cập đến. Những người ấy lớn mạnh nhờ vào chú thuật hộ trì và thuốc men.”

3. “Thưa ngài Nāgasena, nếu người có tuổi thọ đã cạn kiệt thì chết, người có tuổi thọ vẫn còn thì sống, như thế thì chú thuật hộ trì và thuốc men là không có lợi ích.”

“Tâu đại vương, có phải ngài đã được nhìn thấy trước đây một loại bệnh nào đó được đẩy lùi bởi các loại thuốc men?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Đã được nhìn thấy hàng trăm.”

“Tâu đại vương, như thế thì lời nói rằng: ‘Việc áp dụng chú thuật hộ trì và thuốc men không có lợi ích’ là sai trái.”

“Thưa ngài Nāgasena, các sự nỗ lực của các thầy thuốc gồm có thuốc men, thức uống, cao bôi được nhìn thấy, nhờ sự nỗ lực ấy của các thầy thuốc mà căn bệnh được đẩy lùi.”

“Tâu đại vương, trong khi những người đang tụng đọc các chú thuật hộ trì thì tiếng của họ được nghe, lưỡi bị khô, tim đập mạnh, cổ họng bị khan tiếng. Nhờ vào sự vận hành ấy của các chú thuật hộ trì mà tất cả các bệnh tật được tiêu trừ, tất cả các sự rủi ro qua đi. Tâu đại vương, phải chăng đại vương đã được nhìn thấy trước đây người nào đó bị rắn cắn đang tẩy trừ nọc độc, đang làm tiêu tan nọc độc, đang rửa sạch bên trên bên dưới nhờ vào câu chú thuật?”

4. “Thưa ngài, đúng vậy. Thậm chí vào lúc này hôm nay điều ấy vẫn tồn tại ở thế gian.”

“Tâu đại vương, như thế thì lời nói rằng: ‘Việc áp dụng chú thuật hộ trì và thuốc men không có lợi ích’ là sai trái. Tâu đại vương, bởi vì người có chú thuật hộ trì đã được thực hiện thì con rắn, có ý định cắn, vẫn không cắn và ngậm lại cái miệng đã há ra. Thậm chí cây côn của các kẻ trộm dầu đã được nâng lên cũng không có tác dụng; chúng buông rơi cây côn và thể hiện sự trìu mến. Ngay cả con long tượng bị lên cơn giận dữ đang lao đến cũng dịu lại. Khối lửa lớn đã phát cháy đang tiến gần cũng bị tắt ngấm. Thậm chí chất độc dữ tợn đã được ăn vào tự biến thành thuốc giải độc hoặc là phát tán theo dạng thức ăn. Những kẻ giết người có ý định giết chết sau khi đến gần thì trở nên trạng thái của người nô lệ. Ngay cả bẫy sập đã được bước lên cũng không hoạt động. Tâu đại vương, hơn nữa đại vương đã được nghe trước đây về con chim công có chú thuật hộ trì đã được thực hiện khiến người thợ săn trong bảy trăm năm đã không thể dụ đến gần bẫy sập. Khi chú thuật hộ trì không được thực hiện thì chính vào ngày ấy người thợ săn đã dụ được nó vào bẫy sập.”

“Thưa ngài, có được nghe. Tiếng đồn ấy đã được loan truyền ở thế gian có cả chư Thiên.”

5. “Tâu đại vương, như thế thì lời nói rằng: ‘Việc áp dụng chú thuật hộ trì và thuốc men không có lợi ích’ là sai trái. Tâu đại vương, hơn nữa đại vương đã được nghe trước đây về người khổng lồ, trong khi gìn giữ người vợ, liền cho vào vỏ bọc, nuốt vào, và mang theo ở trong bụng. Khi ấy, có người thầy pháp đã đi vào miệng của người khổng lồ ấy và vui thú với người vợ. Đến khi người khổng lồ ấy biết được thì ói ra cái bọc rồi mở nó ra. Khi cái bọc được mở ra thì người thầy pháp đã thoát thân theo như ý muốn.”

“Thưa ngài, có được nghe. Tiếng đồn ấy cũng đã được loan truyền ở thế gian có cả chư Thiên.”

“Tâu đại vương, không lẽ người thầy pháp ấy được thoát khỏi sự bắt giữ nhờ vào năng lực của chú thuật hộ trì?”

“Thưa ngài, đúng vậy.”

“Tâu đại vương, như thế thì có năng lực của chú thuật hộ trì.”

6. Tâu đại vương, hơn nữa phải chăng đại vương đã được nghe trước đây về một người thầy pháp khác gian díu với hoàng hậu ở nội cung của đức vua xứ Bārāṇasī, trong khi đang bị bắt giữ thì trong phút chốc đã trở nên không còn nhìn thấy nhờ vào năng lực của chú thuật?”

“Thưa ngài, có được nghe.”

“Tâu đại vương, không lẽ người thầy pháp ấy được thoát khỏi sự bắt giữ nhờ vào năng lực của chú thuật hộ trì?”

“Thưa ngài, đúng vậy.”

“Tâu đại vương, như thế thì có năng lực của chú thuật hộ trì.”

“Thưa ngài Nāgasena, có phải chú thuật hộ trì bảo vệ cho tất cả?”

“Tâu đại vương, bảo vệ một số người, không bảo vệ một số người.”

“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì chú thuật hộ trì là không có lợi ích cho tất cả.”  

“Tâu đại vương, phải chăng vật thực bảo vệ mạng sống cho tất cả?”

“Thưa ngài, bảo vệ một số người, không bảo vệ một số người.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, khi một số người ăn vào quá nhiều chính vật thực ấy thì bị chết vì bệnh ói mửa.”

“Tâu đại vương, như thế thì vật thực không bảo vệ mạng sống cho tất cả.”

“Thưa ngài Nāgasena, vật thực tước đoạt mạng sống vì hai lý do: Do đã ăn quá nhiều hoặc do năng lực yếu kém của lửa (tiêu hóa). Thưa ngài Nāgasena, vật thực là vật ban cho tuổi thọ, do việc sử dụng sai trái mà tước đoạt mạng sống.”

7. “Tâu đại vương, tương tợ y như thế, chú thuật hộ trì bảo vệ một số người, không bảo vệ một số người. Tâu đại vương, chú thuật hộ trì không bảo vệ vì ba lý do: Do sự ngăn cản của nghiệp, do sự ngăn cản của phiền não, do sự không có niềm tin. Tâu đại vương, chú thuật hộ trì là sự bảo tồn chúng sanh, nhưng buông bỏ sự bảo vệ do việc đã làm của bản thân. Tâu đại vương, giống như người mẹ nuôi dưỡng đứa con đã nhập thai, rồi sanh ra với sự chăm sóc tốt đẹp. Sau khi sanh ra, còn tẩy uế vật dơ, chất bẩn, và nước nhầy, rồi thoa hương thơm quý giá hạng nhất. Vào thời gian sau, khi những người con trai của những kẻ khác đang mắng chửi hoặc đánh (nó), nó đánh lại chúng. Những người ấy nổi giận với nó rồi lôi đến nơi tập thể, và nắm lấy nó đưa đến các vị chủ quản. Nếu người con trai của bà ấy là phạm tội, vượt qua luật lệ, thì đám người (ấy), trong khi lôi kéo nó đến các vị chủ quản, quất roi, đánh đập nó bằng gậy gộc, đùi cui, đầu gối, nắm tay. Tâu đại vương, đối với việc lôi đi, kéo lê, bắt giữ để thực hiện việc đưa đến gặp các vị chủ quản, phải chăng người mẹ của nó gánh chịu?”

8. “Thưa ngài, không đúng.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, vì sự phạm tội của bản thân (người con trai).”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế, sự bảo vệ các chúng sanh trở nên vô hiệu vì sự phạm tội của bản thân.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Câu hỏi đã khéo được giải quyết, bụi rậm đã được làm không còn bụi rậm, bóng tối đã được làm thành ánh sáng, mạng lưới tà kiến đã bị tháo rời, ngài đã tiến đến vị thế cao quý và ưu tú trong số các vị có đồ chúng.”

Câu hỏi về sự thoát khỏi cái bẫy của Thần Chết là thứ tư.

*****

 

5. CÂU HỎI VỀ SỰ CHƯỚNG NGẠI TRONG VIỆC THỌ NHẬN CỦA ĐỨC THẾ TÔN

1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Đức Thế Tôn có được sự thọ nhận về các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ nằm ngồi, và thuốc chữa bệnh.’ Và thêm nữa, ‘Đức Thế Tôn sau khi đi vào khất thực ở ngôi làng Bà-la-môn Pañcasālā đã không nhận được bất cứ vật gì, rồi đã trở ra với bình bát đã được rửa sạch như thế.’  

Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Thế Tôn có được sự thọ nhận về các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ nằm ngồi, và thuốc chữa bệnh, như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Thế Tôn sau khi đi vào khất thực ở ngôi làng Bà-la-môn Pañcasālā, đã không nhận được bất cứ vật gì, rồi đã trở ra với bình bát đã được rửa sạch như thế’ là sai trái. Nếu đức Thế Tôn sau khi đi vào khất thực ở ngôi làng Bà-la-môn Pañcasālā, đã không nhận được bất cứ vật gì, rồi đã trở ra với bình bát đã được rửa sạch như thế, như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Thế Tôn có được sự thọ nhận về các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ nằm ngồi, và thuốc chữa bệnh’cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, vô cùng quan trọng, khó tháo gỡ, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

2. “Tâu đại vương, đức Thế Tôn có được sự thọ nhận về các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ nằm ngồi, và thuốc chữa bệnh. Ngài sau khi đi vào khất thực ở ngôi làng Bà-la-môn Pañcasālā đã không nhận được bất cứ vật gì, rồi đã trở ra với bình bát đã được rửa sạch như thế. Tuy nhiên việc làm ấy có lý do là bởi Ma Vương ác độc.”

“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì thiện pháp của đức Thế Tôn, được tạo lập theo cách thức tính toán bằng kiếp sống đã trải qua, đã được hoàn tất như thế nào? Sự triển khai về tốc độ và năng lực của thiện pháp ấy đã bị Ma Vương ác độc, kẻ mới xuất hiện vào lúc này, đóng lại như thế nào? Thưa ngài Nāgasena, như thế thì trong việc này sự chỉ trích tiếp cận dựa trên hai cơ sở: Bất thiện pháp có sức mạnh hơn cả thiện pháp, năng lực của Ma Vương có sức mạnh hơn cả năng lực của đức Phật. Vì lý do gì mà cây cối lại có ngọn mang nặng hơn cả rễ? Và điều ác lại có sức mạnh hơn cả đức hạnh đã được tích tụ?”

3. “Tâu đại vương, đương nhiên chỉ với chừng ấy thì không thể nói là bất thiện pháp có sức mạnh hơn cả thiện pháp, năng lực của Ma Vương có sức mạnh hơn cả năng lực của đức Phật. Vậy thì lý do ở trường hợp này là được mong mỏi. Tâu đại vương, giống như có người đàn ông đem mật ong, hoặc bánh mật ong, hoặc tặng phẩm dâng lên đức Chuyển Luân Vương, người gác cổng của đức vua nói với người ấy như vầy: ‘Này ông, nay không phải là thời điểm để diện kiến đức vua. Này ông, như thế thì ông hãy cầm lấy tặng phẩm của ông và mau mau đi trở lui. Chớ để đức vua giáng hình phạt đến ông.’ Do đó, người đàn ông ấy bị run rẩy, bị chấn động do nỗi sợ hãi về hình phạt, liền cầm lấy tặng phẩm ấy và mau mau đi trở lui. Tâu đại vương, phải chăng chỉ với từng ấy sự việc không đúng thời điểm của tặng phẩm mà gọi là đức Chuyển Luân ấy có năng lực kém hơn người gác cổng, hay là đức Chuyển Luân còn có thể nhận bất cứ tặng phẩm nào khác nữa?”

4. “Thưa ngài, không đúng. Do bản chất ganh ghét mà người gác cổng ấy ngăn chặn tặng phẩm. Tuy nhiên tặng phẩm của đức vua, thậm chí có phẩm chất cả trăm ngàn lần, đi đến bằng cánh cửa khác.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do bản chất ganh ghét mà Ma Vương ác độc đã nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā. Trái lại, hàng trăm ngàn Thiên nhân mang theo thuốc bất tử, là dưỡng chất của cõi trời, đến gần lễ bái đức Thế Tôn rồi đứng chắp tay (thưa rằng): ‘Chúng tôi sẽ đặt dưỡng chất vào cơ thể của đức Thế Tôn.’”  

“Thưa ngài Nāgasena, hãy là vậy. Đối với đức Thế Tôn, bậc Tối Thượng Nhân ở thế gian, bốn món vật dụng là dễ dàng nhận được, chừng ấy thức ăn được thọ nhận theo như ước muốn. Được thỉnh cầu bởi chư Thiên và nhân loại mà đức Thế Tôn thọ dụng bốn món vật dụng. Tuy nhiên, ý định của Ma Vương có sự thành tựu liền tức thời, là việc Ma Vương đã tạo ra sự chướng ngại về vật thực đến đức Thế Tôn. Thưa ngài, trong việc này nỗi hoài nghi của trẫm không được cắt đứt. Trẫm bị sanh khởi nỗi phân vân, bị rơi vào sự nghi ngờ. Về việc ấy, tâm ý của trẫm không chấp nhận việc Ma Vương, là thây ma, hèn hạ, nhỏ nhoi, độc ác, không cao thượng, tội lỗi, đã tạo ra sự chướng ngại trong việc thọ nhận của đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, nhân vật cao quý tối cao ở thế gian có cả chư Thiên, cội nguồn của những phước báu cao quý về thiện pháp, không ai sánh bằng, không kẻ tương đương, không người tương xứng.”

5. “Tâu đại vương, quả là có bốn sự chướng ngại: Chướng ngại do chưa được nhìn thấy, chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận), chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong, chướng ngại về sự thọ dụng. Ở đây chướng ngại do chưa được nhìn thấy nghĩa là khi vật được làm xong còn chưa chỉ định (người nhận) do việc chưa nhìn thấy thì có người nào đó tạo ra sự chướng ngại rằng: ‘Có điều gì với việc cho đến người khác?’ Đây gọi là chướng ngại do chưa được nhìn thấy. Chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận) là thế nào? Ở đây, vật thực là được chuẩn bị dành cho, được chỉ định cho một cá nhân, rồi có người nào đó tạo ra sự chướng ngại cho người ấy. Đây gọi là chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận). Chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong là thế nào? Ở đây, bất cứ vật gì đã được chuẩn bị xong còn chưa được thọ nhận. Tại nơi ấy, có người nào đó tạo ra sự chướng ngại. Đây gọi là chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong. Chướng ngại về sự thọ dụng là thế nào? Ở đây là bất kỳ sự thọ dụng nào, tại nơi ấy có người nào đó tạo ra sự chướng ngại. Đây gọi là chướng ngại về sự thọ dụng. Tâu đại vương, đây là bốn sự chướng ngại.

Hơn nữa, việc Ma Vương ác độc đã nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā là vật thọ dụng còn chưa thuộc về đức Thế Tôn, chưa được đem đến gần, chưa được chỉ định (người nhận), và Ngài còn chưa đi đến, chưa ngự đến; chướng ngại đã được tạo ra đối với Ngài là do việc chưa được nhìn thấy. Hơn nữa, việc ấy không phải chỉ riêng một mình đức Thế Tôn. Vào thời điểm ấy, thậm chí tất cả những người đã rời khỏi, đã đi đến vào ngày hôm ấy cũng đã không nhận được vật thực. Tâu đại vương, tôi không nhìn thấy người nào ở thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, có thể tạo ra chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận), chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong, chướng ngại về sự thọ dụng đối với đức Thế Tôn ấy được. Nếu có kẻ nào đó do ganh ghét rồi tạo ra chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận), chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong, chướng ngại về sự thọ dụng (đối với đức Thế Tôn) thì sẽ khiến cho đầu của kẻ ấy vỡ ra thành trăm mảnh hoặc ngàn mảnh.

6. Tâu đại vương, đây là bốn đức tính không thể bị che lấp bởi bất cứ người nào của đức Như Lai. Bốn đức tính gì? Tâu đại vương, lợi lộc đã được chỉ định dành cho đức Thế Tôn, đã được chuẩn bị xong, thì không người nào có thể tạo ra chướng ngại cho Ngài. Tâu đại vương, ánh sáng hào quang của đức Thế Tôn là di chuyển dọc theo thân, không người nào có thể tạo ra chướng ngại. Tâu đại vương, bản thể Toàn Tri là vật báu trí tuệ của đức Thế Tôn, không người nào có thể tạo ra chướng ngại cho Ngài. Tâu đại vương, không người nào có thể tạo ra chướng ngại đến mạng sống của đức Thế Tôn. Tâu đại vương, đây là bốn đức tính không thể bị che lấp bởi bất cứ người nào của đức Như Lai. Tâu đại vương, tất cả các đức tính này chỉ có một phẩm chất, không bị bệnh, không bị chuyển dịch, không có sự sánh kịp bởi những người khác, là những sự việc không bị đụng chạm. Tâu đại vương, nhờ vào việc không nhìn thấy, Ma Vương ác độc đã ẩn núp rồi nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā. Tâu đại vương, giống như ở các vùng biên địa không bằng phẳng của đức vua, nhờ vào việc không nhìn thấy, các kẻ cướp đã ẩn nấp rồi làm hư hỏng con đường. Tuy nhiên, nếu đức vua nhìn thấy các kẻ cướp ấy, phải chăng những kẻ cướp ấy có thể đạt được sự bình yên?”

“Thưa ngài, không đúng. Đức vua có thể ra lệnh phanh thây bằng búa thành trăm mảnh hay ngàn mảnh.”

7. “Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhờ vào việc không nhìn thấy, Ma Vương ác độc đã ẩn núp rồi nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā. Tâu đại vương, hoặc là giống như người đàn bà có chồng nhờ vào việc không nhìn thấy, ẩn núp rồi gần gũi người đàn ông khác. Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhờ vào việc không nhìn thấy, Ma Vương ác độc đã ẩn núp rồi nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā. Tâu đại vương, nếu người đàn bà gần gũi người đàn ông khác trước mặt chồng, phải chăng người đàn bà ấy có thể đạt được sự bình yên?”

“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, người chồng có thể giết chết, hành hạ, giam cầm cô ấy, hoặc đem đi làm nô lệ.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhờ vào việc không nhìn thấy, Ma Vương ác độc đã ẩn núp rồi nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā. Tâu đại vương, nếu Ma Vương ác độc tạo ra chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận), chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong, chướng ngại về sự thọ dụng đối với đức Thế Tôn thì có thể khiến cho đầu của Ma Vương bị vỡ ra thành trăm mảnh hoặc ngàn mảnh.”

“Thưa ngài Nāgasena, Ma Vương ác độc đã làm điều ấy tương tợ như kẻ cướp. Ma Vương ác độc đã ẩn núp rồi nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā. Thưa ngài, nếu Ma Vương ác độc tạo ra chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận), chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong, chướng ngại về sự thọ dụng đối với đức Thế Tôn thì có thể khiến cho đầu của Ma Vương bị vỡ ra thành trăm mảnh hoặc ngàn mảnh, hoặc thân thể của Ma Vương có thể tan tác như là nắm trấu.

Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”

Câu hỏi về sự chướng ngại trong việc thọ nhận của đức Thế Tôn là thứ năm.

*****

 

6. CÂU HỎI VỀ VIỆC CÓ NHIỀU TỘI Ở HÀNH ĐỘNG ÁC CỦA NGƯỜI KHÔNG BIẾT

1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Người nào giết hại mạng sống trong khi không biết, người ấy tạo ra tội trầm trọng hơn.’ Và thêm nữa, ở phần quy định về Luật đức Thế Tôn đã nói như vầy: ‘Người không biết thì không vi phạm tội.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu người giết hại mạng sống trong khi không biết thì tạo ra tội trầm trọng hơn, như thế thì lời nói rằng: ‘Người không biết thì không vi phạm tội’ là sai trái. Nếu người không biết thì không vi phạm tội, như thế thì lời nói rằng: ‘Người giết hại mạng sống trong khi không biết thì tạo ra tội trầm trọng hơn’cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, khó vượt trội, khó vượt qua, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Người nào giết hại mạng sống trong khi không biết, người ấy tạo ra tội trầm trọng hơn.’ Và thêm nữa, ở phần quy định về Luật đức Thế Tôn đã nói như vầy: ‘Người không biết thì không vi phạm tội.’ Tuy nhiên, trường hợp ấy có sự khác biệt về ý nghĩa. Sự khác biệt về ý nghĩa ở đây là thế nào? Tâu đại vương, có loại tội vi phạm có sự nhận thức, có loại tội vi phạm không có sự nhận thức. Tâu đại vương, điều đã được đức Thế Tôn nói rằng: ‘Người không biết thì không vi phạm tội’ có liên quan đến loại tội ấy, là loại tội vi phạm có sự nhận thức.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”

Câu hỏi về việc có nhiều tội ở hành động ác của người không biết là thứ sáu.

*****

 

7. CÂU HỎI VỀ VIỆC QUẢN TRỊ HỘI CHÚNG TỲ KHƯU

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: - Này Ānanda, Như Lai không khởi ý như vầy: ‘Ta sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu’ hoặc là: ‘Hội chúng tỳ khưu là thuộc sự chỉ đạo của Ta.’ Và thêm nữa, trong khi làm sáng tỏ đức hạnh về bản thể của đức Thế Tôn Metteyya, Ngài đã nói như vầy: ‘Vị ấy sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều ngàn năm, cũng giống như Ta hiện nay quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều trăm năm.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: - Này Ānanda, Như Lai không khởi ý như vầy: ‘Ta sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu’ hoặc là: ‘Hội chúng tỳ khưu là thuộc sự chỉ đạo của Ta,’ như thế thì trong khi làm sáng tỏ đức hạnh về bản thể của đức Thế Tôn Metteyya, Ngài nói rằng: ‘Vị ấy sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều ngàn năm, cũng giống như Ta hiện nay quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều trăm năm,’ lời nói ấy là sai trái.  

Nếu trong khi làm sáng tỏ đức hạnh về bản thể của đức Thế Tôn Metteyya, Ngài đã nói như vầy: ‘Vị ấy sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều ngàn năm, cũng giống như Ta hiện nay quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều trăm năm,’ như thế thì lời nói rằng: - Này Ānanda, Như Lai không khởi ý như vầy: ‘Ta sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu’ hoặc là: ‘Hội chúng tỳ khưu là thuộc sự chỉ đạo của Ta’là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: - Này Ānanda, Như Lai không khởi ý như vầy: ‘Ta sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu’ hoặc là: ‘Hội chúng tỳ khưu là thuộc sự chỉ đạo của Ta.’ Và trong khi làm sáng tỏ đức hạnh về bản thể của đức Thế Tôn Metteyya, Ngài đã nói như vầy: ‘Vị ấy sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều ngàn năm, cũng giống như Ta hiện nay quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều trăm năm.’Tâu đại vương, ở câu hỏi này, một ý nghĩa có sự thiếu sót, một ý nghĩa không có sự thiếu sót. Tâu đại vương, đức Như Lai không phụ thuộc vào tập thể, trái lại tập thể phụ thuộc vào đức Như Lai. Tâu đại vương, điều này là quan niệm chung: ‘tôi,’ ‘của tôi,’ điều này không phải là ý nghĩa tuyệt đối. Tâu đại vương, đối với đức Như Lai việc được lìa xa là điều ưa thích, việc được lìa xa là điều yêu mến. Đối với đức Như Lai không có sự nắm giữ như là ‘của tôi.’ Tuy nhiên, do sự bám víu mà có sự nương nhờ. Tâu đại vương, giống như địa cầu đất là nơi nâng đỡ cho các chúng sanh có sự cư ngụ ở mặt đất. Và các chúng sanh này cư ngụ ở địa cầu. Nhưng đại địa cầu không có điều mong mỏi ở những người ấy rằng: ‘Họ thuộc về tôi.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai là nơi nâng đỡ cho tất cả chúng sanh, và ban cho chỗ ẩn náu. Và các chúng sanh này có đức Như Lai là chốn nâng đỡ. Nhưng đức Như Lai không có điều mong mỏi ở những người ấy rằng: ‘Họ thuộc về tôi.’

3. Tâu đại vương, hoặc là giống như đám mây to lớn khổng lồ trong khi đổ mưa thì ban cho sự tăng trưởng của cỏ, cây, thú vật, loài người, rồi duy trì sự tiếp nối. Và tất cả các chúng sanh này có sự sinh tồn nhờ vào mưa, nhưng đám mây lớn không có điều mong mỏi ở những người ấy rằng: ‘Họ thuộc về tôi.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai làm sanh ra và duy trì các pháp thiện đối với tất cả các chúng sanh, và tất cả các chúng sanh này có sự sinh tồn nhờ có đấng Đạo Sư, nhưng đức Như Lai không có điều mong mỏi ở những người ấy rằng: ‘Họ thuộc về tôi.’ Điều ấy có nguyên nhân là gì? Sự dứt bỏ đối với tà kiến về bản thân (tùy ngã kiến).”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Câu hỏi đã khéo được tháo gỡ bằng nhiều cách thức với nhiều lý lẽ, điều thâm sâu đã được làm rõ, nút thắt đã được mở ra, bụi rậm đã được làm không còn bụi rậm, bóng tối đã được làm thành ánh sáng, lời tuyên thuyết của ngoại đạo đã bị đổ vỡ, (Pháp) nhãn đã được sanh khởi cho những người con trai của đấng Chiến Thắng.”

Câu hỏi về việc quản trị hội chúng tỳ khưu là thứ bảy.

*****

 

8. CÂU HỎI VỀ VIỆC HỘI CHÚNG KHÔNG BỊ CHIA RẼ

1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Đức Như Lai có hội chúng không bị chia rẽ.’ Và còn có nói rằng: ‘Năm trăm tỳ khưu đã bị chia rẽ cùng một lúc bởi Devadatta.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai có hội chúng không bị chia rẽ, như thế thì lời nói rằng: ‘Năm trăm tỳ khưu đã bị chia rẽ cùng một lúc bởi Devadatta’ là sai trái. Nếu năm trăm tỳ khưu đã bị chia rẽ cùng một lúc bởi Devadatta, như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Như Lai có hội chúng không bị chia rẽ’ là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài, là thâm sâu, khó tháo gỡ, bị thắt lại còn hơn nút thắt. Ở đây, nhóm người này là bị ngăn cản, bị bưng bít, bị che đậy, bị bao trùm. Xin ngài hãy phô bày năng lực trí tuệ của ngài về các lời nói của những người khác.”

2. “Tâu đại vương, đức Như Lai có hội chúng không bị chia rẽ. Và năm trăm tỳ khưu đã bị chia rẽ cùng một lúc bởi Devadatta. Tuy nhiên, việc ấy là do năng lực của người chia rẽ. Khi người chia rẽ đang hiện hữu, tâu đại vương, không có việc không bị chia rẽ. Khi có người chia rẽ, mẹ cũng bị chia rẽ với con, con cũng bị chia rẽ với mẹ, cha cũng bị chia rẽ với con, con cũng bị chia rẽ với cha, anh em trai cũng bị chia rẽ với chị em gái, chị em gái cũng bị chia rẽ với anh em trai, bạn bè cũng bị chia rẽ với bạn bè, thậm chí con thuyền được kết hợp bởi nhiều thanh gỗ cũng bị chia rẽ bởi tốc độ và sự đập vỗ của sóng nước, cây cối có trái đầy đủ chất mật ngọt bị va chạm với sức mạnh và tốc độ của gió cũng bị chia rẽ, vàng có phẩm chất tự nhiên cũng bị chia rẽ bởi đồng.

3. Tâu đại vương, vả lại việc này không phải là ý định của những người hiểu biết, không phải là khuynh hướng của chư Phật, điều này không phải là ước muốn của các bậc sáng suốt, là việc ‘Đức Như Lai có hội chúng bị chia rẽ.’ Hơn nữa, ở đây còn có lý do, mà với lý do ấy đức Như Lai được gọi là ‘có hội chúng không bị chia rẽ.’ Lý do ở đây là thế nào? Tâu đại vương, ‘hội chúng bị chia rẽ’ do sự không bố thí đã làm, hoặc do lời nói không trìu mến, hoặc do việc thực hành điều không lợi ích, hoặc do tính cách không bình đẳng của đức Như Lai trong lúc Ngài đang thực hành đức hạnh về bất cứ việc nào ở bất cứ nơi đâu là điều chưa từng được nghe trước đây. Bởi lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘có hội chúng không bị chia rẽ.’ Tâu đại vương, đại vương cũng nên biết điều này: Trong lời dạy của đức Phật gồm chín thể loại, có bài Kinh được truyền thừa nào gọi là với lý do này, (nghĩa là) với việc đã làm của Bồ Tát, mà hội chúng của đức Như Lai bị chia rẽ?”

“Thưa ngài, không có. Điều ấy không được thấy, cũng không được nghe ở thế gian. Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”

Câu hỏi về việc hội chúng không bị chia rẽ là thứ tám.

Phẩm không bị chia rẽ là phẩm thứ nhì.

(Ở phẩm này có tám câu hỏi)

--ooOoo--