Chánh Tín - Mê Tín. Kì 33 (105-109)
NHÂN DUYÊN, THỨC NÀO LÀ LINH HỒN?
Hỏi: Kính bạch Thầy, xin Thầy chỉ dạy “thức” trong mười hai nhân duyên và “thức” nào mà người vô minh cho là linh hồn? Họ dựa vào gì?
Đáp: Trong mười hai nhân duyên có ba thức:
1- Thức là thức uẩn (thức thức).
2- Danh là tưởng uẩn còn gọi là tưởng thức (cái thức trong giấc mộng).
3- Sắc là sắc uẩn còn gọi là sắc thức, sắc thức gồm có sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
Người đời vô minh không rõ cho tưởng thức là linh hồn. Dựa vào những hiện tượng phi không gian và thời gian của tưởng thức tạo ra sắc tưởng như ánh sáng, lửa hay những hình bóng mờ mờ ảo ảo, v.v… thanh tưởng như âm thanh tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng rên, v.v… hương tưởng như mùi thơm, mùi thối, v.v… vị tưởng như mùi vị ngon ngọt, cay, đắng xuất phát từ trong miệng của mình, v.v… xúc tưởng như cảm giác mát mẻ, nóng nực, khinh an, hỷ lạc, v.v… pháp tưởng như sự hiểu biết về các pháp tưởng v.v…
Như Tổ Long Thọ tưởng ra trí tuệ Bát Nhã Chân Không, Phật Tánh, v.v… hoặc nói chuyện quá khứ vị lai của người chết hay người đang sống rất đúng. Do những hiện tượng này nên tưởng tri của loài người dựng ra có thế giới siêu hình và cho tưởng thức là những con người vô sắc (linh hồn) sống trong thế giới đó.
Trong mười hai nhân duyên thì duyên “danh sắc” là một duyên mà chiếm hai thức, đó là sắc thức và tưởng thức. Do sự tu tập nhập Tứ Thánh Định, tịnh chỉ các thức mới biết rõ mười hai nhân duyên có ba thức chứ không có nhiều thức như các nhà Duy Thức phát triển chia chẻ đặt ra làm cho người sau khó hiểu.
Các nhà kinh sách phát triển cho ý thức không niệm thiện niệm ác là Phật Tánh, đó là một điều lầm lạc và quá sai do lạc vào tưởng tuệ tạo ra Tánh thấy, Tánh biết, Tánh nghe, ... Xin quý vị cứ suy ngẫm kỹ, nếu xét đúng thì tin chúng tôi, còn nếu thấy chúng tôi nói sai thì đừng tin.
Chúng tôi nói ở đây không phải tự nói mà không thấy, chúng tôi thấy biết rất rõ mới nói và nói ra không phải chỉ có một mình chúng tôi nói mà Đức Phật đã nói cách đây 2550 năm. Vì vậy những điều chúng tôi nói là lập lại của Đức Phật qua sự chứng thật của mình. Vì vậy quý vị tin là có lợi ích cho quý vị, còn không tin thì thôi và quý vị sẽ bị người khác lừa đảo “Tiền mất tật mang và phí công vô ích.”
Tóm lại: thân người có ba thức, không có linh hồn. Khi người chết đều tan hoại tất cả không còn một vật gì tồn tại, chỉ còn nghiệp thiện ác do trong lúc sống gây tạo ra do lòng ham muốn.
106. CHỮ “VONG LINH”
Hỏi: Kính bạch Thầy, kinh Tăng Chi, phẩm “Nghiệp Các Công Đức” trang 680, Phật dạy cho ngài Cấp Cô Độc: “Vị Thánh đệ tử với tài sản... thu hoạch đúng pháp... tổ chức năm loại lễ hiến cúng... hiến cúng cho các vong linh quá khứ...” để đạt được đi đến hưởng thọ đúng phương xứ. Con phải hiểu và hành theo ý kinh này như thế nào cho đúng?
Đáp: Con có đọc bài kinh Pháp Môn Căn Bản chưa? Ba mươi ba cõi trời là ba mươi ba cõi tưởng. Con có đọc bài kinh Mười Hai Nhân Duyên chưa? Khi mười hai duyên tan rã thì không còn một duyên nào cả. Vậy thì linh hồn ở chỗ nào mà có? Ở đoạn kinh này con phải hiểu nghĩa cho chính xác:
1- Nghĩa thứ nhất của nó sai là do người biên soạn viết ra hoặc người dịch không hiểu ý Phật nên dịch là vong linh.
2- Nghĩa thứ hai là kinh sách Phật không bao giờ dạy có mâu thuẫn nhau.
3- Nghĩa thứ ba trong bài kinh Tăng Chi Phật dạy đạo đức làm người nên phải dành ra một số tiền đã thu hoạch được để sửa sang mồ mả và nơi thờ tự để tưởng nhớ công ơn Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ, đó là lời dạy của Phật về đạo đức làm người tỏ lòng biết ơn của những người quá cố.
Đừng có hiểu theo nghĩa của ngoại đạo “vong linh” mà phải hiểu theo nghĩa nhân quả “Cây có cội nước có nguồn” mới đúng nghĩa đạo đức làm người. Vì thế thờ cúng Tổ Tiên không có nghĩa là thờ cúng những vong linh người chết.
107. TỤNG KINH ĐỊA TẠNG
Hỏi: Kính thưa Thầy, trong kinh Địa Tạng có nói khi sanh nở không được sát hại để tìm vật bổ dưỡng cho sản mẫu ăn và biết trai giới chí thành trì tụng kinh này hoặc niệm danh hiệu ngài Địa Tạng một muôn biến v.v... đại khái là khi sanh cũng như lúc tử đều được lợi ích như ý.
Như vậy, chúng con thành tâm trai giới và trì tụng kinh Địa Tạng cùng niệm danh hiệu của ngài muôn muôn biến để cầu cho con của chúng con đặng thông minh được không? Và như vậy thì sự tương ưng nhân quả sẽ giải thích như thế nào? Và kinh Địa Tạng có phải là kinh Phật thuyết không? Chúng con cúi xin Thầy khai thị.
Đáp: Kinh Địa Tạng là một loại kinh mê tín của Đại Thừa, những điều trong kinh này dạy đều là ảo tửởng, không thực như:
"Muốn sinh con dễ nuôi, kiếp sau không sinh làm thân gái, không sinh vào hàng bần tiện, tướng hảo xinh đẹp ... hoặc đem chén nước trong để trước tượng một ngày một đêm bưng lấy uống một phen ngủ dậy đặng thông minh v.v... rồi kinh ấy dạy không được sát hại ... phải chí thành cúng dường trì tụng kinh Địa Tạng cùng tán thán công đức ... và niệm danh hiệu ngài Địa Tạng một muôn biến v.v..." (Trong kinh Địa Tạng đầy dẫy những đoạn dạy như thế...). Với những việc làm như vậy thì các bạn thấy có liên can gì đến đời sống, tướng hảo và sự thông minh của đứa bé không?
Ví dụ: Cha mẹ đứa bé này đều u tối, kém thông minh, đần độn trí nhớ, học trước quên sau... thì khi sinh đứa con, đứa con nầy do gen của cha mẹ kết hợp thành thai nhi. Như vậy đứa bé nầy có thông minh không các bạn? Cứ dựa theo lời dạy trong kinh này, không sát hại, ngày đêm chí thành cung kính cúng dường và trì tụng kinh Địa Tạng ...
Chúng tôi tin chắc rằng những việc làm này là không tương ưng với sự thông minh, nên đứa bé này vẫn u tối. Vì gen của cha và mẹ là gen không thông minh. Cho nên việc trai giới và tụng kinh là việc làm không tưởng đối với đời sống và sự thông minh của đứa bé.
Ngược lại hai vợ chồng người này là nhà bác học, có kiến thức sâu rộng, có đạo đức, có nhiều phát minh giúp ích cho nhân loại thì chắc chắn đứa con của họ phải thông minh, vì gen của hai người này là gen thông minh. Cho nên họ đâu cần tụng kinh cầu khẩn mà con họ vẫn thông minh. Có đúng như vậy không các bạn?
Nếu làm cha mẹ muốn cho con mình được thông minh thì cha mẹ phải siêng năng học tập, cha mẹ siêng năng học tập tức là huân tập sự thông minh. Do huân tập sự thông minh như vậy nên mới thi đỗ bằng cấp cao học, tiến sĩ và trở thành những nhà bác học. Do sự huân tập, học tập như vậy nên cha mẹ đã tạo ra những gen thông minh. Tạo ra những gen thông minh có sự tương ưng với chủng tử thông minh của đứa con, vì thế khi sinh con ra đời, đứa con phải thông minh.
Hành động học tập của cha mẹ, sinh con ra thông minh là đúng. Đó là tạo nhân thông minh tương ưng với các nhân quả thông minh của đứa con mình, có đúng như vậy không các bạn?
Còn hành động không sát hại và tụng kinh Địa Tạng cầu xin... các bạn xét với việc làm này có tương ưng với sự thông minh không? Như vậy, lời dạy trong kinh này phi lý, lừa đảo người nhẹ dạ dễ tin. Vì thế, kinh Địa Tạng dạy những điều đầy ắp những ảo tưởng gây mê tín, lạc hậu biến tư tưởng con người tiêu cực cầu xin tha lực, thường tựa lưng vào thế giới siêu hình, do đó sức tự lực của con người lần lần đã tiêu tan hết sạch…
Thưa các bạn! Khi chúng ta đọc kinh sách, dù kinh sách nào dạy một điều gì thì chúng ta cũng đều phải lưu ý: bất cứ một việc làm nào cũng phải có sự tương ưng với kết quả mục đích của nó, nếu nó không tương ưng với mục đích kết quả của nó thì đó là kinh tưởng giải tà kiến dạy sai.
Muốn cho con mình thông minh thì cha mẹ phải thông minh. Cha mẹ muốn thông minh thì cha mẹ phải siêng năng học tập. Đó là quy luật nhân quả rất tự nhiên, không thể có một điều nào khác hơn ngoài quy luật này. Ngoài quy luật nhân quả là ảo tưởng, không tưởng. Vì thế, chúng tôi khẳng định kinh Địa Tạng là kinh ảo tưởng của tà giáo ngoại đạo chứ không phải là kinh Phật.
Đây, các bạn hãy lắng nghe Đức Phật xác định:
"Như vậy, này Vàsettha lời nói của những Bà La Môn tinh thông ba tập kinh Vệ Đà người đầu không thấy, người giữa không thấy, người cuối cùng cũng không thấy "Phạm Thiên." Giống như lời nói mù quáng, lời nói của những Bà La Môn tinh thông ba tập kinh Vệ Đà như vậy là lời đáng chê cười, là lời nói suông, là lời nói không tưởng, là lời nói trống rỗng...”
Qua lời dạy trên đây chúng ta xét về kinh Địa Tạng, thì kinh Địa Tạng không đáng cho chúng ta tin cậy, vì kinh Địa Tạng là lời nói suông, là lời nói không tưởng, là lời nói trống rỗng…
108. CHO VỢ SINH NON THEO SỐ TỬ VI
Hỏi: Kính thưa Thầy, hiện giờ có một số người tin vào Tử Vi: "Nếu đứa bé ra đời đúng vào ngày giờ năm tháng như lá số đã chấm..." thì sẽ đem lại phước lộc cho gia đình, như thăng quan tiến chức, làm ăn khắm khá v.v... và tương lai của đứa bé sau này cũng thành đạt công danh hiển hách... Vì thế một số người trong ngành y và những người giàu có tin tưởng, đưa vợ mình sanh sớm đúng ngày giờ bằng phẫu thuật có lúc phải nuôi con trong lồng kính... Như vậy có đúng không? Cúi xin Thầy giải thích.
Đáp: Theo nơi Tử Vi thì đứa bé ra đời phải đúng ngày giờ năm tháng ... thì sẽ đạt được phước lộc cho gia đình và bản thân đứa bé sau này sẽ thành đạt hiển hách vv... có phải vậy không ?
Do sự lợi ích lớn như nêu trong số Tử Vi nên có người đưa vợ mình vào khoa sản để mổ xẻ cho đứa con ra đời sớm đúng ngày giờ năm tháng theo thầy tử vi (có nghĩa là phải sinh non và có lúc phải nuôi con trong lồng kính tại các nhà bảo sanh).
Thưa các bạn! Trường hợp số tử vi này chấm ngày giờ tốt cho đứa bé ... sẽ có lợi ích lớn cho cha mẹ và ngay cả bản thân nó. Thế mà đứa bé này phải chịu sinh non và người mẹ phải chịu mổ xẻ, thì đây là tai hoạ hay phước báu? Xin các bạn vui lòng trả lời cho!?
Số tử vi nói phước báu lớn, thế mà phước báu đâu không thấy, mà chỉ thấy sinh con non, mẹ phải chịu phẫu thuật, như vậy là tai hoạ cho gia đình phải không các bạn? Như vậy thì tử vi chấm không đúng mà còn khiến cho tâm tham vọng của con người phát khởi nên mới chịu cảnh mổ xẻ đau thương!
Tham vọng là ác pháp nên luật nhân quả không tha thứ, do đó gia đình này phải nhận lãnh quả khổ cả mẹ lẫn con và còn hao tốn tiền bạc. Như vậy số tử vi có đúng không xin các bạn vui lòng trả lời?
Nếu đúng sao mấy ông thầy tử vi không chấm số cho con cháu mình thăng quan tiến chức làm giàu, ăn trên ngồi trước với thiên hạ, có đâu lại đi hành nghề chấm tử vi, xem bói, là những nghề lừa đảo mọi người, các bạn nên lưu ý: Họ là những người hành tà nghiệp, sống bằng miếng cơm manh áo, làm ra tiền của hằng ngày không chân chánh.
109. CHỌN NGÀY GIỜ ĐỂ SINH CON NHƯ TRẠNG
Hỏi: Kính bạch Thầy, theo khoa dịch học lý số thì người cha và mẹ muốn sinh con xuất chúng như Lê Quý Đôn, như Trạng Trình thì phải biết lựa mùa tiết năm tháng ngày giờ nào hạp với ngũ hành v.v... để vợ chồng giao hợp, như thế có đúng không?
Vậy thì Dịch Lý và Phật lý có trái ngược nhau không? Vì Phật lý căn cứ trên luật nhân quả? Kính xin Thầy giải thích.
Đáp: Một lần nữa câu hỏi này cũng thuộc về khoa lý số. Cha và mẹ muốn cho con mình thông minh xuất chúng như: Lê Quý Đôn và Trạng Trình là phải lựa mùa tiết ngày giờ... hạp với ngũ hành để giao hợp v.v…
Thưa các bạn! Nếu như khoa lý số mà đúng như vậy thì các nhà lý số đều sinh con thông minh như Trạng Trình, như Lê Quý Đôn hết và như vậy luật nhân quả không còn công bằng, vì do lý số mà người ta cải hoán nhân quả!? Luật nhân quả thì phải có thiện có ác, mà đã có thiện, có ác thì phải có hành động tương ưng, chớ không phải như lý số. Cho nên con người thông minh hay u tối, đều do hành động nhân quả thiện ác của chính họ, chớ không phải dựa vào lý số cải ác vi thiện.
Vì vậy trí tuệ thông minh là phải do sự tu học huân tập nhiều đời, do nhân huân tập nhiều đời mà ngày nay đứa bé mới thông minh. Đó là một lý đúng mà không ai dám bảo rằng sai được. Còn theo lý số chọn ngày giờ... hạp thời tiết ngũ hành để giao hợp đặng có con thông minh, điều đó là tham vọng không đúng chánh pháp. Muốn đặng thông minh thì phải siêng năng tu học huân tập như trên đã nói ... "Vì Nhân nào Quả nấy."