Chánh Tín - Mê Tín. Kì 22 (70-72)
70. TỆ NẠN MÊ TÍN
Hỏi: Kính thưa Thầy, ở nước ta (VN) hiện nay tệ nạn mê tín dị đoan như cầu siêu, cầu an, xin xăm, bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu, cúng sao, giải hạn, lên đồng, nhập xác… đang là hiểm họa tệ nạn xã hội, là một gánh nặng của con người. Kính thưa Thầy, để đẩy lùi những tệ nạn này ra khỏi loài người và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng con cần phải làm những gì?
Đáp: Muốn đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan thì người cư sĩ đệ tử của Đức Phật phải sáng suốt nhận định và thông suốt những gì mà Đức Phật đã dạy, đừng quá vội tin vào những người khác. Hễ nghe nói Phật thuyết là bất cứ cái gì cũng vội vàng tin ngay liền, tin như vậy là tin mù quáng dễ bị kẻ khác lừa đảo. Đó là một bằng chứng thật sự hiện giờ các tệ nạn mê tín xảy ra chung quanh trong các ngôi chùa là do phật tử quá tin theo các thầy Tổ của mình. Thầy Tổ của mình đang chịu ảnh hưởng của tà giáo ngoại đạo đã biến trở thành những người đang dối trá, mượn sắc áo của Phật giáo để kinh doanh tôn giáo làm giàu trên mồ hôi nước mắt của tín đồ.
Bởi vậy, người tín đồ Phật giáo phải tin vào đạo đức nhân quả làm người, không làm khổ mình khổ người là một điều lợi ích rất lớn, hãy dep bỏ lòng tham vọng, ích kỷ nhỏ mọn của mình, những mơ ước thiếu thực tế. Hãy tự lực sống đúng đạo đức nhân quả là đã thấy hạnh phúc ngay liền, dẹp bỏ những sự cầu cạnh tha lực nương tựa vào thần quyền, đó là những hy vọng mơ tưởng hão huyền, đừng tin và làm theo những điều phi đạo đức nhân quả mà trong thế giới siêu hình tưởng thường bày vẽ ra thì tệ nạn mê tín trong xã hội sẽ được đẩy lùi ngay tức khắc. Giáo lý của đạo Phật có những tiêu chuẩn đã được xác định:
1- Đạo đức nhân bản.
2- Không có thế giới siêu hình.
3- Người chết năm uẩn tan hoại tất cả chỉ còn lại nghiệp lực thiện ác (nhân quả) tiếp tục tái sanh.
4- Pháp môn tu tập của đạo Phật duy nhất chỉ có Giới, Định, Tuệ.
5- Ngoài Giới, Định, Tuệ thì không phải giáo pháp của Đức Phật nữa.
6- Giới định tuệ là chỉ cho một tâm duy nhất của ba trạng thái kết hợp tạo thành một nguồn sống giải thoát chứ không phải ba pháp.
7- Giới là đạo đức nhân bản nhân quả.
8- Định là tĩnh giác.
9- Tuệ là sự hiểu biết.
Ba vấn đề này gom chung vào một tâm, nếu tâm có hiểu biết tĩnh giác trong đạo đức nhân bản nhân quả thì tâm liền có giải thoát. Đó là một vấn đề (giới, định, tuệ) duy nhất của đạo Phật giúp cho con người vượt qua khổ đau của kiếp làm người, ngoài vấn đề này thì không có giáo pháp nào của Đức Phật dạy cầu tha lực cả. Nếu có giáo pháp cầu tha lực là giáo pháp của ngoại đạo, đó là một sự xác định nghiêm túc của đạo Phật.
Đạo Phật cấm kị nhất là thần thông và thế giới siêu hình, thần thông đạo Phật cho là huyễn hóa, thế giới siêu hình đạo Phật cho là thế giới ảo tưởng. Thần thông và thế giới siêu hình là hai phương tiện dùng để lừa đảo gây sự mê tín dị đoan trong lòng người, khiến cho người ta đi vào tội lỗi. Bởi vậy những người hiểu biết cần phải triệt tiêu và quét sạch nó trên hành tinh này.
Người ta gán cho đạo Phật có nhiều pháp môn từ thấp đến cao để tùy theo căn cơ của mỗi chúng sanh mà tu tập, đó là lối biện luận lừa đảo của những người mạo danh Phật giáo. Ngoài Bát Chánh Đạo để thực hiện giới, định, tuệ thì không còn pháp môn nào được gọi là của đạo Phật nữa, đừng đem những tà pháp mê tín dị đoan mà gán cho đạo Phật, đó là một việc làm tội lỗi đối với con người trên hành tinh này.
Khi quý vị đã rõ thấu giáo pháp của Đức Phật là giới, định, tuệ thì bất cứ một ngôi chùa nào mà dạy khác pháp môn giới, định, tuệ thì quý vị không chấp nhận, không nghe theo, không cúng dường, không đến chùa đó nữa, không thọ nhận hoặc tu tập theo giáo pháp ngoại lai đó.
Từ khi Đức Phật tịch, giáo đoàn Phật giáo bị phân hóa chia thành nhiều bộ phái do những vị tu sĩ lãnh đạo tham danh đắm lợi đã nỡ tâm giết Phật giáo chết, từ đó các Ngài đưa vào những giáo pháp của ngoại đạo để lừa đảo tín đồ Phật giáo. Do đó mới có những kinh sách dạy cầu siêu, cầu an, xin xăm, bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu, cúng sao, giải hạn, lên đồng, nhập xác… làm đủ mọi điều mê tín dị đoan, nó được xem là một hiểm họa rất lớn, một tệ nạn xã hội. Các chùa đang hành những nghề nghiệp này là đã tạo một gánh nặng cho xã hội loài người.
Muốn đẩy lùi những tệ nạn này thì trong các chùa quý thầy trụ trì phải đình chỉ ngay liền những nghề nghiệp lừa đảo phi đạo đức thì tệ nạn mê tín dị đoan sẽ được chấm dứt. Đó là dứt trừ tận gốc phát sanh ra nó.
Muốn đẩy lùi tệ nạn này thì quý vị cư sĩ không nên tin và không làm theo những giáo pháp mê tín, phi đạo đức, bằng cách không đến những ngôi chùa có hành nghề như vậy và cũng không cúng dường cho các vị Tăng ở đây. Có như vậy mới có thể đẩy lùi và dẹp sạch những tà giáo phi nhân quả thì loài người mới thoát khỏi gánh nặng khổ đau.
71. LÀM LỄ QUY Y CHO NGƯỜI CHẾT
Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong kinh Mười Hai Nhân Duyên, Đức Phật đã xác định rõ ràng không có thế giới siêu hình, tức là không có linh hồn, thần thức sau khi chết. Vậy mà tại sao chúng con thấy quý thầy, quý cô và quý cư sĩ Phật giáo lại dựa vào đâu mà cho rằng có thế giới siêu hình?
Bằng chứng quý thầy, quý cô và quý cư sĩ đứng ra bày vẽ tổ chức lo toan đám ma, cúng vong, tiễn linh, chẩn tế cô hồn giải oan bạt độ, thậm chí còn có rất nhiều quý thầy ngang nhiên ngồi trên pháp tòa để thuyết pháp giảng đạo làm lễ quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới cho những vong linh.
Những việc làm của quý thầy, quý cô và quý cư sĩ đã đi ngược lại lời dạy chân thật của Đức Phật và làm lệch lạc đường đi chân chánh của đạo Phật, khiến cho mọi người có hiểu biết sẽ nghi ngờ Phật giáo. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ và khiến cho mọi người không còn nghi ngờ Phật giáo nữa.
Đáp: Người ta không rõ mục đích quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới là gì cho nên mới dám làm những điều mê tín lừa đảo con cháu người đã chết. Quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới cho người đã chết là để lấy lòng phật tử trong khi người phật tử đang đau khổ vì mất mát những người thân thương, họ không còn sáng suốt nhận định nên hễ quý thầy bày vẽ làm điều gì thì cứ làm ngay liền để mãn nguyện lòng thương yêu của mình đối với những người thân.
Mục đích quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới là để sống và thực hiện một đời sống đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người, sống trong thiện pháp, sống biết tha thứ và thương yêu mọi người, mọi loài, chứ không phải quy y Tam Bảo là để được làm đệ tử của Phật, để ở cõi Diêm Đình vua Diêm Vương nể mặt, quỷ sứ, ngục tốt Ngưu Đầu, Mã Diện không dám hành hạ. Hiểu như vậy là mê tín, là sai không đúng chánh tri kiến của đạo Phật.
Còn nếu bảo rằng quy y Tam Bảo là để gieo duyên với Phật pháp thì lại còn sai hơn nữa, khi cha mẹ còn sống không bằng lòng thọ Tam Quy Ngũ Giới, đến khi chết con cháu nhờ sư, thầy làm lễ Quy Y Tam Bảo thì vấn đề này không phải tự tâm nguyện của ông bà mà là một sự ép buộc của con cháu, như vậy thử hỏi làm sao có sự gieo duyên cho được khi mà tâm không thành, ý không muốn.
Các sư thầy ngang nhiên ngồi lên pháp tòa thuyết pháp giảng đạo hoặc làm lễ quy y Tam Bảo cho những vong linh này là một việc làm mê tín, vô minh không thông hiểu đạo Phật, làm một điều phi Phật giáo, vì Phật giáo là một tôn giáo tự lực cánh sinh chứ không nhờ vào tha lực nào cả mà phải tự mình khi còn sống có một sự thành tâm ước muốn để trở thành một con người có đạo đức làm người, không làm khổ mình khổ người, để trở thành một con người sống toàn thiện và để trở thành một con người sống với một tâm hồn thanh thản, an lạc, bất động trước các pháp. Và có sự ước muốn như vậy thì quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới mới có giá trị và ý nghĩa đúng nghĩa chân chánh của đạo Phật.
Còn ngược lại là không có ý nghĩa tự lực. Trên con đường cầu đạo giải thoát thì không có một người nào đi thay thế cho ai được mà phải chính nơi người đó, vì thế quy y cho người đã chết là một việc làm sai, gây mê tín dị đoan, lạc hậu trong đạo Phật, đó là một việc làm tội lỗi.
Đạo Phật không chấp nhận sự thường hằng của linh hồn, thế mà sư, thầy lên pháp tòa thuyết pháp quy y Tam Bảo và truyền ngũ giới cho vong linh thì đó là một việc làm của ngoại đạo lừa đảo lòng hiếu hạnh và tình thương yêu của tín đồ Phật giáo đối với người quá cố. Việc làm này chẳng có ích lợi gì cho người chết mà còn khiến cho tín đồ hao tiền tốn bạc một cách si mê.
Khi cha mẹ hay những người thân thương qua đời, lòng thương yêu của chúng ta đối với những người này chỉ có một cách duy nhất là làm ích lợi cho người chết, cũng như giúp cho họ gieo duyên với Phật pháp thì chỉ có việc ấn tống kinh sách dạy về đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người. Nhờ có kinh sách này mà người sống có lợi ích rất lớn thì người chết cũng có lợi ích rất lớn. Tại sao vậy?
Tại vì người chết nghiệp lực sẽ tiếp tục tái sanh luân hồi ngay liền sau khi chết và đã trở thành một người mới, có nghĩa là chết đây sanh kia cũng giống như cây đuốc, cây đuốc này vừa tắt thì cây đuốc kia cháy sáng ngay liền để giữ ánh sáng liên tục không bị gián đoạn. Luật nhân quả cũng vậy, thân này mất thì có thân khác ngay liền để giữ đạo luật nhân quả không bị gián đoạn.
Vì thế, kinh sách đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người được ấn tống và được phổ biến khắp cùng thì mọi người ai cũng đều được đọc kinh sách này giúp cho họ có một đời sống đạo đức toàn thiện, một đời sống giải thoát an lạc. Sự ấn tống kinh sách đạo đức nhân quả mới là gieo duyên quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới cho những người thân thương đã quá cố. Đó là sự báo hiếu rất lớn của chúng ta khi cha mẹ đã qua đời, những việc làm này đem đến lợi ích ngay liền là những người chung quanh chúng ta đang sống họ trở thành những người sống có đạo đức làm người, biết mang lại sự không đau khổ cho nhau, đó là chân hạnh phúc của loài người thiết thực và cụ thể hơn.
72. THẾ GIỚI SIÊU HÌNH
Hỏi: Kính thưa Thầy, trong Giáo Án … tập 3, Thầy nói: khi còn sống mọi hoạt động của con người đều “lưu lại” ở từ trường trong không gian, và chỉ người nào có tưởng thức mạnh mới giao cảm được với tần số của từ trường ấy mà “thấy và nghe được” những sự việc đã diễn ra của người chết. Như cô Khang bị rút móng tay…
Tóm lại, vậy là “có” linh hồn người chết, nhưng người thấy người không, chứ nói “không có” linh hồn thì mọi người không ai chịu tin hết Thầy ạ! Rồi họ đưa ra việc cầu hồn, thấy ma…
Thưa Thầy: Hay là Phật nói không có linh hồn vì nó có nhưng không thật; hay để con người không nhớ thương, không ỷ lại nương tựa tha lực?
Đáp: Không phải vậy, không phải vì lý do nhớ thương hay ỷ lại mà Đức Phật nói không có thế giới siêu hình mà thật sự hoàn toàn thế giới siêu hình không có. Trong vấn đề linh hồn người chết có hay không, điều này đã mang nặng một dấu ấn trong tâm của mọi người là có linh hồn người chết.
Muốn xác định cho rõ ràng điều này thì không có cách nào hay hơn bằng chính người ấy phải tự nhập Tứ Thánh Định, an trú trong ấy rồi dùng Trạch Pháp Giác Chi hướng tâm đến Thiên Nhãn Minh quan sát thế giới siêu hình thì chừng đó mới xác quyết chắc chắn rằng: người chết không còn có linh hồn tồn tại hay là không có sự sống sau khi chết.
Ở đây, Thầy đã giải thích rất nhiều về vấn đề thế giới siêu hình, nhưng ai là người hiểu vấn đề này. Người tri âm khó gặp, tri kỷ khôn tìm. Người nghe được tiếng đàn của Bá Nha chỉ có Tử Kỳ mà thôi. Nhưng Tử Kỳ chết, Bá Nha đập nát chiếc đàn. Vì trên đời này còn có ai nghe được tiếng đàn của mình. Thầy cũng vậy, chỉ có người nào tu chứng quả A-la-hán mới hiểu được tiếng nói của Thầy. Thầy sẽ không phụ lòng những câu hỏi của các con, Thầy cố gắng trả lời cho các con hiểu.
Các con nên hiểu thế giới mà loài người đang sống là một thế giới sắc tướng, có sự sống, có vạn vật hiện hữu, thế mà Đức Phật gọi nó là thế giới tưởng thì chúng ta có tin không?
Thế giới của chúng ta đang sống không phải do “tưởng uẩn làm ra” như thế giới siêu hình mà do các duyên hợp lập thành. Vì thế không có một vật gì thường hằng, luôn tan hoại theo thời gian năm tháng. Thế mà chúng ta điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo tình, điên đảo kiến chấp thủ, cho mọi vật là có thật, là ta, là của ta v.v…
Thế giới hiện hữu là không có thật, vì thế mọi vật thường vô thường. Trên thế gian không có một vật gì là trường cửu, vậy mà mọi người cho nó là có thật thì không phải đó là điên đảo sao? Do cho nó có thật, nên mọi người cố làm ra cho nhiều, cố làm ra cho nhiều nên làm ra nhiều điều ác. Do làm nhiều điều ác nên phải thọ chịu những quả khổ đau.
Với đôi mắt của Phật nhìn mọi vật trên thế gian này như bong bóng nước, như hoa phù du sớm nở tối tàn, đó là một bằng chứng thật sự. Vì thế Đức Phật cho rằng thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới của tưởng tri. Vậy mà có ai tin đâu. Chúng ta lại một lần điên đảo nữa, cái hình bóng của thế giới hiện tượng hữu hình tưởng tri này lại cho là thế giới siêu hình.
Ví dụ: Một cuộn băng video thu những hình ảnh núi, sông, nhà cửa, người và vạn vật đang sinh hoạt nhảy múa. Với những hình ảnh này chúng ta cho đó là thế giới siêu hình sao?
Những hình ảnh núi, sông, đất đá, cây cỏ, người và thú vật trong băng video hiện ra và hoạt động được là nhờ dòng điện, đầu máy và màn hình.
Còn thế giới siêu hình cũng vậy, nó được hiện ra và hoạt động là nhờ tưởng uẩn của chúng ta bắt gặp và lập thành, chứ nó không có thật. Các con cũng nên biết và phân biệt tưởng cho rõ ràng. Tưởng có hai phần cụ thể:
1- Ý thức tưởng là chúng ta dùng ý thức mà tưởng tượng ra một vật mà vật đó không có ở trước mắt.
2- Tưởng thức tưởng là do năng lực hoạt động của tưởng uẩn khiến cho những hình ảnh của thế giới sắc tướng hiện hữu của loài người đang sống đã được lưu lại trong không gian trở thành linh động, khiến cho mọi người chưa đủ trí tuệ sáng suốt, đang sống trong điên đảo tâm, điên đảo kiến, điên đảo tưởng, điên đảo tình mới cho những hình ảnh ấy là có thật, thế giới siêu hình thật. Vì thế mới có việc cầu cơ, cầu hồn, thấy ma, thấy quỷ v.v…