Kì 2: Chánh Tín - Mê Tín (6-12)
6. YỂU TỬ ĐƯỢC TÁI SANH KHÔNG?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Người ta bảo em bé mới sanh hoặc còn tuổi trẻ mà chết thì có được đi đầu thai không thưa Thầy? Chết như vậy thường không đi đầu thai, sống vơ vẩn làm cô hồn, các đảng, có đúng vậy không? Có em bé mới sanh không may bị chết, người ta bảo em bé đó chưa bị bệnh đậu mùa chết được đầu thai làm người ngay có phải không thưa thầy?
Đáp: Như các con đã học và biết đạo Phật chủ trương không có linh hồn, mọi pháp đều do duyên hợp mà thành nên không có vật thường còn, bất biến.
Đạo Phật cũng không chủ trương có một Đấng Tạo Hóa sinh ra vạn vật, tất cả đều do duyên hợp tùy theo môi trường sống mà vạn vật tùy đó sanh ra.
Đạo Phật chủ trương theo nghiệp lực do duyên nhân quả tạo ra vạn hữu, tùy theo môi trường sống mà cây cỏ vạn vật sinh nở.
Đạo Phật cũng không chủ trương đi tìm kiếm cái nguyên nhân ban đầu mà chỉ nhắm vào sự đau khổ hiện tại của con người giải quyết cho hết khổ mà thôi.
Đạo Phật chủ trương chết đây sanh kia tiếp tục luân hồi mãi mãi, vì thế ai tạo nhân yểu tử (sát hại chúng sanh nhiều) thì phải trả nợ yểu tử (chết còn tuổi trẻ) như kinh Tiểu Nghiệp phân biệt trang 475 thuộc Trung Bộ kinh tập 3 dạy:
“Ở đây này thanh niên Subha có người đàn bà hay người đàn ông, sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại, đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, hoặc bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục hoặc đi tái sanh loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoạn mạng, này thanh niên Subha, tức là sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại hữu tình.”.
Theo luật nhân quả ai giết hại, đoản mạng chúng sanh thì phải chịu yểu tử. Yểu tử có nhiều giai đoạn:
1- Vừa ở bào thai đã bị trôi thai hoặc 1, 2, 3, 4, 5, 6 tháng bị chết trong bụng mẹ.
2- Vừa sanh ra chết.
3- Được một tuổi chết.
4- Hai, ba, bốn, năm tuổi chết. Từ một tuổi đến sáu tuổi hoặc từ mười tuổi đến mười một, có khi đến 18 tuổi chết.
Chết vì bệnh đau, chết vì tai nạn giao thông, cọp ăn, chiến tranh, té sông, giếng, hồ, ao, chết vì tự tử, uống thuốc độc, thắt họng v.v… Nói chung toàn bộ chết tuổi còn trẻ đều gọi là chết yểu. Nhưng chết già hay chết yểu đều đi tái sanh luân hồi liền.
Nếu đã tạo nhân yểu mạng thì tiếp tục chết mãi cho đến khi trả xong nghiệp yểu tử mới kéo dài tuổi thọ ra được, chứ không có nghĩa chết chưa bệnh đậu mùa là được đi tái sanh, còn có bệnh đậu mùa tức là từ một, hai tuổi trở lên chết không đi tái sanh, làm cô hồn các đảng hay những hồn ma chết oan uổng vất vưởng cây cao bóng mát, đó là những quan niệm sai lầm không đúng luật nhân quả, luật nhân quả chết đây sanh kia không kẽ hở, nối tiếp nhau như ngọn đuốc này vừa tắt thì ngọn đuốc kia bắt đầu cháy ngay liền.
Vì thế Phật giáo gọi là “Vô Thường.” Chết, tức là sống, cho nên người đang sống, tức là người đang chết từng phút từng giây thế mà có ai biết. Đến khi thân này hoại diệt (chết) thì người ta cho rằng mất chứ có mất đi đâu, chỉ có thay lốt nghiệp mới. Và vì thế nên không có linh hồn oan vất vưởng.
7. NHÂN QUẢ XINH ĐẸP
Hỏi: Kính thưa Thầy! Kiếp này dâng hoa lên cúng dường Tam Bảo, nếu kiếp sau được làm người thì sẽ có thân xinh đẹp phải không thưa Thầy?
Đáp: Theo kinh nhân quả phát triển đã dạy: dâng hoa lên cúng dường Tam Bảo kiếp sau sinh làm người sẽ được thân xinh đẹp. Điều này không thực tế, không đúng theo tinh thần từ bi của đạo Phật. Cây hoa là một loài thảo mộc đang có một sự sống, thế chúng ta trực tiếp cắt hoa hoặc gián tiếp mua hoa làm cho bông hoa mất sự sống, rồi đem lên dâng cúng dường Tam Bảo thì còn ý nghĩa gì khi cành hoa đẹp lại bị cắt lìa thân mẹ của nó. Rồi chúng ta nghĩ tưởng rằng dâng cúng hoa như vậy thân sau sẽ đẹp xinh.
Luật nhân quả không cho phép làm điều ác đức này, vì ít hôm cành hoa sẽ rơi rụng, tàn úa, cành hoa sẽ hôi thối, rõ ràng là một sự chết của cành hoa, còn đâu là đẹp nữa. Ai đã làm cho cành hoa tàn úa và đem đến sự chết cho nó? Có phải là người dâng cúng hoa không? Hành động nhân quả như vậy là hành động ác, mà hành động làm ác như vậy thì làm sao có thân sinh ra đẹp đẽ được? Nếu người nào thường cắt hoa dâng cúng Phật thì thân sau phải xấu xí vì có hành động sát hại hoa làm cho hoa mau tàn héo úa (xấu xí). Như trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy:
“Ở đây này thanh niên Subha có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, nếu không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, được sanh làm người thì thân sắc xấu xí, con đường ấy đưa đến xấu sắc, này thanh niên Subha tức là, phẫn nộ, sân hận bất mãn.” Đoạn kinh này được rút ra từ kinh Trung Bộ tập 3 bài kinh Tiểu Nghiệp phân biệt trang 477.
Bông hoa cắt chưng làm đẹp cho con người, chứ không phải làm đẹp cho chư Phật. Khi nhìn cành hoa bị cắt nếu là chư Phật thì rất là đau lòng. Cỏ mà Đức Phật còn không nỡ giẫm đạp huống là cắt hoa.
Loài người không ý thức được nhân quả nên lấy sự chết của loài hoa làm đẹp cho mình. Là đệ tử của Phật, dù là cư sĩ hay tu sĩ, chúng ta hãy thực hiện lòng từ bi như Đức Phật, biết thương xót sự sống của muôn loài.
Loài người lấy sự chết của chúng sanh làm sự sống cho mình, làm đẹp đẽ cho mình thì bảo sao đời không khổ, trừ khi con người muốn thoát khổ thì hãy chấm dứt những hành động cực ác này. Nếu không chấm dứt, mãi mãi muôn đời thọ lấy tai ương, khổ nạn. Đó cũng chính là cái vô minh của con người từ muôn kiếp; đó cũng chính là thiếu lòng yêu thương sự sống của muôn loài vạn vật.
Hành động cắt hoa dâng lên cúng dường Tam Bảo là hành động ác đức, chỉ có kinh sách phát triển ngoại đạo là dạy những điều phi đạo đức đó, khiến cho sự cắt hoa chưng cúng trở thành một phong tục quá tàn nhẫn và ác đức. Cho nên hiện giờ mọi người đến chùa thường dâng hoa cúng Phật, thật là đau lòng.
Chúng ta là những người tu theo Phật giáo thì phải lấy lòng thương yêu đối với sự sống của muôn loài trên hành tinh này. Vì có thương yêu sự sống của muôn loài thì mới chính thương yêu mình.
8. HỐI LỘ PHẬT
Hỏi: Kính thưa Thầy! Kiếp này mang tiền vào cúng Tam Bảo, cúng một đồng mong được mười đồng có phải không thưa Thầy? Đây có phải là hành động cúng dường Phật không? Đây có phải là tư tưởng bán buôn, hối lộ không thưa Thầy?
Đáp: Những hướng dẫn trên đây cúng dường Tam Bảo đều do kinh sách phát triển dạy mà quý thầy trong các chùa đều theo đó hướng dẫn quý phật tử (tín đồ) cúng dường, chứ riêng quý thầy không phải không biết giới luật của Phật đã ngăn cấm người cư sĩ không được cúng dường tiền bạc cho Phật và chúng Thánh Tăng, chỉ được quyền cúng dường thực phẩm mà thôi.
Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài sống đời phạm hạnh của một tu sĩ buông xả nên Ngài đi khất thực (xin thực phẩm để sống) chứ không có xin tiền, bây giờ Ngài đã tịch rồi thì phật tử lại đến chùa cúng dường Ngài tiền bạc thì như vậy có đúng không? Lúc còn sống Ngài đã không nhận tiền bạc, còn bây giờ Ngài đã chết lại nhận tiền bạc sao?
Nếu những cư sĩ đem tiền cúng dường chư Phật thì đó là hành động phỉ báng Phật, một hành động cúng dường như vậy không đúng chánh pháp, cúng dường sai pháp thì Đức Phật có chứng minh lòng cúng dường như vậy của quý vị không?
Quý vị cúng sai không đúng phạm hạnh của người tu sĩ thì Ngài làm sao nhận lòng cúng dường của quý vị được? Cúng dường như vậy làm cho Phật giáo suy đồi, tội ấy về ai? Cúng dường như vậy quý vị xem ông Phật như ông thần ăn hối lộ. Cúng một đồng nhờ Tam Bảo gia hộ cho quý vị làm ăn được mười đồng. Người phật tử cúng dường như vậy là xem Phật giáo chẳng ra gì. Nếu không quá đáng thì bảo rằng quý vị không phải đệ tử của Phật, vì đệ tử của Phật phải hiểu Phật. Chẳng qua quý vị là đệ tử của ngoại đạo, của kinh sách phát triển Bà La Môn nên mới cúng dường Phật và chúng Tăng như vậy.
Đến với Phật giáo để làm gì? Để học cách hối lộ cho thần thánh. Ông Phật thời bây giờ giống như Thần trong miếu, ông quan ăn hối lộ. Làm quan ăn hối lộ dân chúng xem chẳng ra gì. Phật ăn hối lộ còn nghĩa lý gì là ông Phật nữa.
Cách thức cúng dường tiền bạc nhờ Tam Bảo gia hộ cho tai qua nạn khỏi, nhìn cảnh tượng này chúng tôi thật đau lòng cho Phật giáo ngày nay. Thế mà chùa nào hiện giờ cũng có thùng phước sương để nhận tiền cúng dường, chùa bây giờ giống như miễu bà Chúa Xứ, đền bà Chúa Kho.
Nhìn hiện tượng này chúng tôi chẳng biết nói làm sao bây giờ. Phật giáo hay là ngoại đạo? Mê tín dị đoan hay chánh tín chân chánh? Tóm lại, đây là cách thức cúng dường không đúng chánh pháp của Phật mà đúng theo giáo pháp của ngoại đạo.
Nếu là người tín đồ chân chánh của đạo Phật, khi cúng dường Tam Bảo thì nên cúng dường thực phẩm để giúp cho các vị tu hành sống ngày một bữa ăn, để giữ gìn đúng phạm hạnh không cất giấu tiền bạc.
Bởi vậy, cái sai của đạo Phật cũng chính quý thầy vì tham tiền dạy cho người tín đồ cúng dường sai pháp. Cúng dường sai và cũng chính các ông thầy ham tiền, ham bạc nên làm thinh để nhận tiền một cách phi giới luật. Các quý thầy chỉ là kẻ phàm phu tục tử mang lớp áo tu sĩ, chất chứa tiền bạc trở thành phú ông hơn là một người tu sĩ chân chánh tu hành.
Biết cúng dường tiền bạc Tam Bảo là sai thì từ đây về sau quý phật tử đừng làm sai nữa. Cúng dường sai pháp đã không được phước mà còn thêm tội với Tam Bảo mà còn tiếp tay cho ngoại đạo diệt Phật giáo nhanh chóng. Tội ấy về phía phật tử phải gánh chịu.
9. THÔNG MINH
Hỏi: Kính thưa Thầy! Kinh nhân quả dạy mang dầu, nến thắp sáng điện Phật (Tam Bảo) kiếp sau sanh ra làm người được thông minh, lời dạy ấy có đúng không? Xin Thầy dạy bảo.
Đáp: Người thông minh không phải do cúng dường đèn dầu, nến thắp sáng điện Phật mà người ấy phải chịu khó học tập những điều mình chưa biết. Hiện giờ chúng ta thấy có người học tốt, nhớ lâu, học mau thuộc ta cho họ thông minh, sự thật tiền kiếp họ đã gieo nhân học tập nên thời nay ta nói họ thông minh chứ họ đã học sẵn rồi.
Muốn thông minh ở kiếp sau thì kiếp này phải chăm học tập, theo luật nhân quả học tập là gieo nhân thông minh chứ không phải cúng dường đèn đuốc mà thông minh; đó là lối lừa đảo không thực tế của kinh sách phát triển, chúng ta không nên tin như vậy, tin như vậy chỉ có người vô minh mới tin, chúng ta tin cái gì thì cái đó phải cụ thể và thực tế rõ ràng.
Đời nay cố gắng chăm học tập đời sau thông minh, đó là lẽ đương nhiên không ai nói ta lừa đảo được. Bây giờ ta u tối phải cố gắng học “có công mài sắt có ngày nên kim.” Còn những người thông minh là do kiếp trước họ đã học rồi, bây giờ nhớ trở lại chứ không có thông minh gì cả.
Đức Phật dạy: “Cây ngả về hướng nào thì bóng ngả về hướng ấy.” Đúng vậy, khi ta làm một điều gì thì hậu quả của điều đó, sẽ đến với ta tốt hay xấu là do việc của ta làm ác hay thiện. Còn đốt đèn đuốc làm sáng bàn thờ Phật mà được thông minh thì không đúng.
Chúng tôi xin nêu lên một điều để quý vị được rõ: Hàng ngày quý vị đều đốt cây hương vỏ cây tượng trưng cho năm cây hương giải thoát: “giới hương, định hương, tuệ hương, tri kiến hương và giải thoát tri kiến hương” nhưng quý vị có thấy tâm mình giải thoát chưa? Có hết tham, sân, si chưa?
Tượng trưng là một lẽ và giải thoát là một lẽ, cho nên thắp đèn, đuốc, nến cho sáng thì có ai đốt đèn mà thông minh chưa? Nếu đốt đèn mà siêng năng chăm học thì thông minh là lẽ đúng, nếu đốt đèn để sáng bàn thờ Phật, không học mà thông minh, đó là lối lừa đảo của kinh sách phát triển để các chùa khỏi tốn tiền mua dầu thắp bàn thờ Phật vì có mấy đứa học sinh tối dạ mua dầu đèn thắp sáng.
Nhưng chúng cũng phải học chúi đầu chúi mũi mới có thuộc bài, chứ đâu có thắp đèn mà khỏi học bài bao giờ hay chư Phật học bài giùm cho. Đó là một lối lừa đảo gian xảo của kinh sách phát triển.
Kinh sách phát tiển nói về nhân quả có rất nhiều điều vô lý, thế mà người phật tử vẫn tin, tin trong mù quáng vô minh, tin mà không chịu suy nghĩ. Thắp đèn sáng cúng dường chư Phật là thông minh, học một biết mười, điều này không bao giờ có. Nếu việc làm này có được thì thế gian này không còn người u tối, đần độn, dốt nát và ngu si.
Chỉ cần mua dầu thắp đèn sáng cúng dường chư Phật là thông minh sáng suốt thì ai mà làm không được. Trong cuộc đời này có ai muốn mình không thông minh; có ai muốn minh u tối, dốt nát, ngu si, đần độn; có ai muốn mình thua kém mọi người. Phải không quý vị?
Nếu kết quả chỉ cần mua dầu thắp đèn sáng cúng dường chư Phật là thông minh sáng suốt thì chùa sẽ thắp đèn sáng ngày đêm quanh năm suốt tháng, nhưng hiện giờ đến chùa nơi điện thờ Phật chỉ có một ngọn đèn leo lét mờ mờ ảo ảo, như vậy chứng tỏ lời dạy này không có hiệu quả, chỉ là một trò lừa đảo.
10. MỜI ÔNG BÀ ĐÃ CHẾT VỀ ĂN TẾT
Hỏi: Kính thưa Thầy, hằng năm cứ đến ngày giỗ và sắp đến ngày Tết, người còn sống ra mồ mả mời ông bà, cha mẹ đa chết có từ 60, 70 năm nay về ăn Tết với con cháu, như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Câu hỏi này có hai cách trả lời để xác định:
1. Mê tín; 2. Chánh tín
Câu hỏi này mê tín như thế nào? Như trong các kinh phát triển dạy: “Người chết còn thần thức nên nghiệp dẫn thần thức đi luân hồi. Đó là hiện tượng thế giới siêu hình của tưởng tri.” Nếu còn có thần thức, tức là linh hồn đi luân hồi tái sanh thì đến ngày Tết, ngày giỗ ra mộ mời những người như ông bà, cha mẹ đã chết lâu rồi, về ăn Tết với con cháu, mà đã đi đầu thai rồi còn đâu về ăn Tết với con cháu, đó là sự mê tín của kinh sách phát triển.
Đối với Phật giáo Nguyên Thủy thì con người do các duyên hợp lại mà thành nên không có linh hồn và thần thức. Trong kinh Ngũ Uẩn đã dạy: “Thân người gồm có năm duyên: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi một người chết thì năm duyên này đều tan rã sạch, không còn sót một chút xíu nào cả. Cái còn lại để tái sanh luân hồi là Nghiệp.”
Nghiệp là những hành động thiện, ác của con người hằng ngày huân tập mà thành. Vì thế, khi chết con người chẳng còn sót cái gì cả thì làm sao về ăn Tết với con cháu được. Còn nghiệp là hành động thiện ác huân tập mà thành thì nghiệp làm sao về ăn Tết với những người thân được. Vì thế, mời ông bà, cha mẹ về ăn Tết với con cháu là mê tín không đúng tính cách “Chánh Tín” của đạo Phật.
Kinh sách phát triển cho người chết còn có thần thức nên có cầu siêu: làm tuần bảy ngày, hai mươi mốt ngày, bốn mươi chín ngày, một trăm ngày, giáp năm, ba năm v.v... Đó là lối mê tín lạc hậu của kinh sách phát triển, trong khi Phật giáo Nguyên Thủy xác định: không có thế giới siêu hình, thế giới siêu hình chỉ là thế giới tưởng tri.
Mê tín dân gian cho rằng: người chết là đàn ông có ba hồn bảy vía (tam hồn thất phách), đàn bà có ba hồn chín vía (tam hồn cửu phách). Khi người chết chỉ còn một hồn một vía sống tại mồ mả, còn tất cả các hồn vía khác đều xuống dưới địa ngục âm ti để thọ tội và tiếp tục đi tái sanh luân hồi. Do mê tín này trở thành một tục lệ đến ngày giỗ, ngày Tết con cháu ra mộ mời ông bà cha mẹ đã quá cố lâu xa về ăn Tết với con cháu. Từ mê tín của kinh sách phát triển đến mê tín của dân gian đều đi ngược lại đường lối của đạo Phật.
Mê tín của kinh sách phát triển là tạo ra nghề nghiệp tụng niệm, cầu siêu để kiếm miếng sống như các nghề nghiệp khác ngoài đời. Nhưng quý vị phải biết nghề tụng niệm cầu siêu là nghề lừa đảo lường gạt người, lấy hình thức báo hiếu cho những linh hồn ông bà, cha mẹ được siêu thoát về miền Cực Lạc Tây phương.
Kinh sách phát triển là loại giáo pháp mê tín có sách vở, có bài bản nên khó ai thấy được. Vì thế mọi người đều sa lưới bẫy của giáo pháp này. Nghề này đã trở thành một nghề cắt họng thiên hạ, tụng một ngọ có giá cả hẳn hòi không có mặc cả được.
Còn câu hỏi này về “Chánh Tín” như thế nào? Hằng năm nhớ lại ngày mất cha, mất mẹ, mất những người thân. Hoặc những ngày tư, ngày Tết cả gia đình cười đùa, vui chơi thì họ lại nhớ đến công ơn của những người quá cố nên đến nơi an nghỉ cuối cùng của những người thân thương này, tức là thăm mồ mả. Khi thấy mồ mả của những người thân, con cháu tưởng chừng những người khuất mặt đang ở đâu đây nên mới mời những người đó về vui chơi Tết với con cháu. Đó là lòng tưởng nhớ của những người còn sống, chứ người chết rồi còn những gì mà về ăn Tết vui chơi với con cháu.
Khi làm một việc gì mà không biết, không rõ, cứ theo phong tục thói quen xưa bày nay làm; hoặc tin theo các tôn giáo chỉ dạy, chẳng cần suy tư tìm hiểu gì cả thì sẽ mang ý nghĩa mê tín lạc hậu. Chính vì làm mà không thấu rõ là mê tín. Còn ngược lại, khi làm việc gì thì phải hiểu rõ, biết rõ việc mình đang làm, không bị ảnh hưởng phong tục, tập quán, không bị tôn giáo lừa đảo, đầy đủ ý nghĩa đạo đức làm người thì việc ấy là “Chánh Tín”.
11. CẦU PHÚC XIN LỘC
Hỏi: Kính thưa Thầy, đầu năm đi chùa để lễ bái cầu phúc, cầu lợi, có lợi lạc gì không thưa Thầy? Nhất là ngày rằm tháng giêng thì chùa nào cũng đông nghẹt, từ sáng sớm đến khuya, vì người ta nghĩ “Đi lễ quanh năm, không bằng đi ngày rằm tháng giêng!” Chúng con cúi xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Đó là phong tục mê tín từ lâu trong các chùa do kinh sách phát triển dạy cầu phúc, cầu lợi như vậy để lừa đảo tín đồ Phật giáo, đem phúc lợi cho những tu sĩ ngồi trong mát ăn bát vàng hơn là phúc lợi cho tín đồ.
Đi chùa để nghe pháp, nhớ lời Phật dạy về đạo đức làm người để sống toàn thiện. Nếu một người nghe lời Phật dạy, luôn luôn sống toàn thiện thì phước lộc đầy đủ, cần gì phải đi chùa cầu phước, cầu lợi? Nếu đi chùa quanh năm, hoặc nhân ngày rằm tháng giêng đến lễ Phật, cầu chư Phật ban phúc ban lộc mà chẳng làm một điều lành, luôn luôn làm khổ mình, khổ người, không hề tu tập nhẫn nhục, tùy thuận, vui lòng, lúc nào cũng có phiền não sân hận, bất toại nguyện v.v... thì có ích lợi gì?
Có Phật nào ban cho phúc lộc hay không? Đụng việc gì cũng làm to ra, la lối om xòm, chửi làng, mắng xóm, cuộc sống lúc nào cũng bỏn xẻn, ích kỉ, không hề giúp đỡ người bất hạnh thì dù có lạy Phật đến sói đầu, cầu phước, cầu lộc cũng chẳng có được chút nào. Đó là một việc làm mê tín, mơ hồ, phi đạo đức, không có thánh thần, chư Phật, chư Bồ Tát nào ban phước, ban lộc cho quý vị ấy được, vì những việc ban phước ban lộc như vậy, không đúng đạo đức công bằng và công lý.
Cầu phúc cầu lợi không bằng sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả. Không làm khổ mình khổ người thì cuộc sống sẽ có phước báo đầy đủ; đó chính là hành động đối xử với nhau biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng với mọi người.
Cầu phúc cầu lợi là một việc làm mê tín trừu tượng, ảo mộng. Vì chẳng có ai ban phước ban lộc cho mình mà chỉ có chính mình làm được những hành động thiện; thân, miệng, ý không làm khổ mình khổ người. Đó sẽ là sự ban phước, ban lộc cho mình cụ thể, thiết thực và rõ ràng.
Đi chùa cầu phước, cầu lộc là việc làm thiếu trí tuệ. Nếu chúng ta làm ác, bỏn xẻn, ích kỉ thì thử hỏi có ai dám đem phước lộc đến chúng ta chăng? Phước lộc không phải tự dưng mà đến với chúng ta. Nó đến với chúng ta bằng tâm niệm tốt của chúng ta, do chúng ta biết thương người, biết giúp đỡ người trong cảnh bất hạnh tai ương, biết ban phúc ban lộc cho người gặp cảnh khó khăn.
Phước lộc đến với chúng ta phải đến với sự công bằng và công lý. Nếu ta làm xấu ác, chẳng giúp người trong cảnh khổ nạn thì khi chúng ta gặp khổ nạn chẳng có thần thánh hay ai giúp chúng ta được, và chẳng bao giờ có phước lộc đến với chúng ta. Nếu chúng ta có ban phước lộc cho người thì phước lộc mới đến với chúng ta. Cho nên chẳng cần cầu khẩn ai ban phước lộc cho mình. Phước lộc đều do nơi mình. Thế nên Đức Phật đứng trong góc độ đạo đức nhân bản - nhân quả mà dạy chúng ta tu hành thiện pháp.
Đầu năm đi chùa, lễ bái, cầu phúc, xin lộc chẳng được phước lộc mà còn bị kẻ khác lừa đảo, lường gạt, tiền mất tật mang. Đầu năm đi chùa lễ bái cầu phúc xin lộc để rồi trở thành những tín đồ Phật giáo mê tín dị đoan, lạc hậu, bị người đời cười chê là những phật tử ngu si, mê muội.
Đầu năm đến chùa xin được đảnh lễ bậc chân tu giới đức, để học hỏi những đức hạnh của người thì đó là phước là lộc. Người chân tu hướng dẫn và chỉ dạy cho mình những hành động sống để được phúc lộc an vui thanh thản và hạnh phúc. Đầu năm đi chùa cầu phúc xin lộc như vậy mới là chân chánh vì ích lợi thiết thực cho mình, cho người, cho xã hội và cho đất nước quê hương.
Tóm lại, đi chùa lễ bái cầu phúc xin lộc là hành động mê tín dị đoan, thiếu đạo đức, thiếu trí tuệ, là ngu si mê mờ. Đi chùa lễ bái bậc chân tu, xin dạy đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người là chân chánh, không mê tín lạc hậu. Đó là người cư sĩ đệ tử Phật thông minh và trí tuệ, tìm học những điều phúc lộc chân chánh, cụ thể, thực tế, không mơ hồ, trừu tượng…
12. HÌNH ẢNH QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Hỏi: Kính thưa Thầy, gia đình con có thờ hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát. Khi nghe Thầy giảng trong băng: Bồ Tát Quan Thế Âm không có thật, mà chỉ là sự tưởng tượng của con người. Trước kia, con chưa được biết, nên được sư ở chùa cho về thờ gần hai năm nay. Bây giờ con rất áy náy trong lương tâm, điều này nên để thờ hay thay bằng tranh Phật khác? Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con được rõ.
Đáp: Bồ Tát Quan Thế Âm là một vị Bồ Tát tưởng tượng của kinh sách phát triển chứ không có một Bồ Tát trong lịch sử loài người. Cũng như Bồ Tát Di Lặc, chỉ là một Bồ Tát tưởng tượng. Khi thấy ai hay cười hề hề đều cho đó là Bồ Tát Di Lặc. Gần đây có một số nhà học giả dạy người tu hành luôn luôn tập một nụ cười. Vì thế, có nhà học giả dạy: “Hít vô, tôi mỉm miệng cười, thở ra tôi mỉm miệng cười.”
Cách thức cười như vậy cũng giống như người Hoa kiều buôn bán ở Chợ Lớn, luôn lúc nào cũng cười hề hề làm vui lòng khách hàng. Nhiều người tập vui cười ngoài mặt nhưng bên trong thì tham, sân, si còn hơn những người không tu. Đạo Phật chỉ duy nhất có một Đức Phật lịch sử trong loài người, đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Người đã tự tìm ra một giáo pháp tu hành để đi đến giải thoát sự đau khổ của kiếp người.
Là đệ tử của Đức Phật, các con nên thờ một vị Phật duy nhất để tỏ lòng biết ơn, đó là thờ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Muốn thay đổi hình tượng thờ phụng trong nhà thì hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát con nên đem gửi lại chùa hoặc đem thiêu đốt.
Nên thỉnh hình ảnh Đức Phật Thích Ca đang ngồi thiền tại cội bồ đề, bên dòng sông Ni Liên dưới ánh trăng đêm khuya về thờ phượng thì mới đúng tư cách là tín đồ Phật giáo.