Chánh Tín - Mê Tín. Kì 26 (81-85).
81. CÚNG KEM
Hỏi: Kính thưa Thầy, có một gia đình bệnh nhân ốm nặng nằm lâu ngày trên giường bệnh, mời các cư sĩ đến làm lễ cúng bái, các cư sĩ bầy thêm phần mua hoa quả, bánh, kẹo để cúng tế kem (kem tức là cái miệng của bệnh nhân lúc còn trẻ vì hoàn cảnh gia đình nghèo túng, không có tiền mua thức ăn đầy đủ nên thường nói dối là đã ăn rồi, ngày nay lúc sắp chết phải cúng kem là vậy).
Kính thưa Thầy, đây có phải là hình thức mê tín dị đoan không?
Đáp: Đúng vậy, đây là những trò mê tín dị đoan của một số thầy phù thủy Bà La Môn. Người ta đâu nghĩ rằng: thân tứ đại này là thân vô thường, liên tục thay đổi không lúc nào ngừng nghỉ. Do sự thay đổi mà thân nay bệnh, mai đau, chứ đâu phải do quỷ thần bắt hoặc giáng họa làm cho bệnh tật khổ đau mà cúng bái làm gì?
Thân tứ đại là thân từ nhân quả sinh ra, nên khi có thân này khó có ai tránh khỏi bệnh tật khổ đau hoặc tai nạn đâu. Vì nhân đời trước chẳng thiện thì đời nay phải chịu khổ đau. Đó là nhân quả trả vay, vay trả chứ đâu có ai quở trách gây cho ta đau khổ.
Những thầy phù thủy Bà La Môn lợi dụng sự sợ hãi và không hiểu biết được nhân quả nên bày ra cúng tế, tụng niệm, cầu khẩn, van xin. Đó là những người lừa đảo để kiếm tiền sống bằng cách vô lương tâm. Quý phật tử là đệ tử của Phật hãy cảnh giác đừng để những thầy cúng lường gạt, đừng nghe theo.
Sống chết, bệnh tật, tai nạn đều do nhân quả, mình đã gieo nhân nào thì phải gặt quả nấy chứ đừng có sợ hãi, đừng cầu cạnh, không ai phò hộ quý vị được bằng chính quý vị. Cố gắng đừng làm khổ mình, khổ người khác thì bệnh tật tai nạn sẽ lần lần chuyển sạch, chừng đó quý vị làm chủ sự sống.
Những việc làm mê tín dị đoan này đạo Phật không bao giờ dạy, chỉ có kinh sách phát triển Bà La Môn giáo mới có mà thôi. Các phật tử cần phải đề cao cảnh giác, đừng để họ lợi dụng.
82. LÀM LỄ NHẬP NHÀ MỚI
Hỏi: Kính thưa Thầy, có gia đình mới cất nhà mới, ăn khánh thành mời một số bạn đạo hữu đến tụng kinh làm lễ về nhà mới. Người chủ nhà lại mời thêm một ông thầy cúng, ông đến bảo mua một con ngựa bằng giấy thật to. Khi tụng kinh cầu nguyện xong, lấy 38 đồng tiền chinh để cắt giải rồi ông thầy ấy cưỡi ngựa giấy phi quanh nhà.
Thưa Thầy, gia chủ này không phải là không hiểu đạo pháp, thường đi đây đi đó để hoằng dương Phật pháp, thế mà làm những việc như vậy có gọi là cuồng tín không thưa Thầy. Hay tại vì lòng tham muốn giàu sang, phúc lộc hơn nữa mà làm việc không đúng chánh pháp?
Đáp: Khi cất được ngôi nhà mới, ăn tân gia mời bạn bè thân hữu đến ăn mừng thì đúng, nhưng bày ra tụng niệm thì không đúng. Tại sao vậy? Tại vì đó là mê tín dị đoan. Trong Kinh Bát Dương (thuộc kinh sách phát triển) có dạy điều mê tín này. Dùng 38 đồng tiền chinh và một con ngựa giấy cưỡi phi quanh nhà đó là kinh sách của ngoại đạo dạy những điều mê tín lạc hậu.
Vì lòng tin không đúng của con người nên bị kẻ khác lừa gạt bằng những hình thức tà kiến. Tại sao chúng ta theo đạo Phật mà không biết cái nào là chánh kiến, cái nào là tà kiến để lầm lạc biến Phật giáo thành tà kiến, biến Phật giáo thành một thứ Phật giáo mê tín dị đoan lạc hậu?
Từ đây về sau quý phật tử là đệ tử của Phật thì niềm tin chánh kiến phải sâu, không để kẻ khác lừa đảo và thẳng tay chỉ mặt những sự mê tín dị đoan chẳng đem lại ích lợi gì cho mình và cho cả gia đình mình. Phải nói đây là một trò bịp bợm, gạt người bằng những hình thức mê tín dị đoan một cách xảo thuật. Chỉ có những người không hiểu, tham danh lợi mới đi thỉnh bọn tà sư ngoại đạo làm điều chẳng ích lợi gì như trẻ con cưỡi ngựa chuối.
83. THẦY TỤNG
Hỏi: Kính thưa Thầy, các cư sĩ tại gia ngày nay học hỏi kinh sách phát triển dạy về tán tụng, cúng bái làm Bồ Tát hạnh. Các vị ấy tự xem mình tài giỏi hơn ai hết, hơn cả các thầy ở trong chùa nữa. Thưa Thầy như vậy có đúng không?
Đáp: Kinh sách phát triển chế ra Bồ Tát giới để cho hàng cư sĩ thọ giới Bồ Tát, làm việc từ thiện giúp mọi người cúng bái tế lễ. Đó là một hình thức của Bà La Môn giáo ngày xưa. Bà La Môn giáo chia làm ba giai đoạn:
1- Bà La Môn giáo thiếu niên thì phải học tập thông suốt kinh điển, cúng bái tế lễ, đây là giai đoạn học tập (giống như các thầy ứng phú của kinh sách phát triển).
2- Bà La Môn giáo trung niên chuyên cúng bái tế lễ, sống ăn mặc như người thế tục giống như cư sĩ bây giờ gọi là Phạm chí. Đây là giai đoạn làm từ thiện (Bồ Tát Hạnh).
3- Bà La Môn giáo tuổi già bỏ nhà cửa gia đình thân quyến xuất gia đi tu nhưng đầu không có cạo. Đây là giai đoạn tu hành của Bà La Môn giáo.
Người cư sĩ tụng niệm, cúng tế, làm Bồ Tát hạnh chính là Bà La Môn tụng niệm. Cho nên hình thức tổ chức của kinh sách phát triển là của Bà La Môn giáo. Người cư sĩ hành nghề cúng tế tụng niệm là một Bà La Môn. Họ không phải là một người tu mà là một người bình thường như thế tục, chỉ hơn người khác là có đọc kinh sách Vệ Đà và các nghi thức cúng tế.
Thọ giới Bồ Tát rồi tự xưng mình là Bồ Tát (giới Bồ Tát cũng tự họ đặt ra) nên bản chất ngã mạn tự kiêu của họ rất lớn.
Những người này chúng ta không nên trách vì họ là những cư sĩ Bà La Môn (khất thực). Đáng trách là trách quý vị tỳ-kheo đầu cạo trọc, mặc pháp y mà đi làm chuyện mê tín gạt người khác, chứ còn các vị cư sĩ Bà La Môn này họ hành nghề của họ thì không nên trách họ làm gì.
84. ÔNG TÁO
Hỏi: Kính thưa Thầy, sắp đến ngày 23 Tết Âm lịch, năm nào cũng vậy, mọi nhà lo mua ba bộ mũ, hia, giày và một con cá chép sống để cúng tiễn đưa ông Táo về Trời và ông Táo sẽ tâu trình với Ngọc Hoàng việc làm ác và thiện của gia chủ. Như vậy có không, xin Thầy chỉ dạy? Có người còn bảo, năm nào mà không mua mũ cho ông Táo, thì đêm đến nằm mơ thấy ông Táo về đòi. Như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Ông Táo là một chuyện mê tín của dân gian, mục đích là để răn người làm điều ác, vì làm điều ác là ông Táo sẽ về chầu Trời tố cáo tội ác trong năm và Ngọc Hoàng sẽ cho giáng họa người làm ác phải chịu biết bao nhiêu đau khổ. Mũ hia áo mão của ông Táo giống như mũ hia áo mão của một vị quan phong kiến.
Ông Táo không có thật mà chỉ là một tưởng tri của loài người để khiến cho người ta sợ mà không làm điều ác. Từ câu chuyện dân gian răn nhắc đừng làm ác, biến dần thành một phong tục đến cuối năm nhà nào cũng đều cúng ông Táo để ông về tâu bớt những chuyện làm ác của mình, để ông Trời không có gieo tai họa.
Câu chuyện biến dần thành câu chuyện lo lót hối lộ. Từ câu chuyện răn nhắc đừng làm ác thì dần dần biến thành phi công lý đạo đức (hối lộ mũ hia giày, quần áo, cá chép cúng bái thần linh là một hình thức hối lộ).
Nằm mộng thấy ông Táo về đòi, đó là tưởng mộng chứ ông Táo đâu có thật. Người ta huyền thoại nhiều câu chuyện về Táo quân “Một bà hai ông” bây giờ đã thành một phong tục truyền thống dân tộc cứ đến ngày 23 tháng chạp nhà nhà đều cúng đưa ông Táo về trời. Phật giáo phát triển cũng chịu ảnh hưởng nhưng lấy ngày đó làm ngày lễ đưa chư thiên về chầu trời. “Dân gian thì đưa Táo quân, Phật giáo thì đưa chư Thiên về trời.”
Qua câu chuyện ông Táo đã chỉ cho chúng ta thấy được Phật giáo phát triển có trí tuệ hay không trí tuệ, điều này chắc ai cũng rõ.
Câu chuyện mê tín dân gian mà Phật giáo phát triển lại biến thành Phật giáo mê tín. Bởi vậy Phật giáo phát triển có đáng cho chúng ta đủ niềm tin chăng? Phật giáo phát triển đi đến đâu cũng viên dung và viên thông, lấy tất cả các pháp của mọi tôn giáo và sự mê tín của dân gian làm giáo pháp của mình. Hay nói cách khác cho dễ hiểu hơn Phật giáo phát triển đi đến đâu đều gieo rắc mê tín đến đó.
Cho nên giáo pháp Phật giáo phát triển là giáo pháp lượm lặt của các tôn giáo khác, chỉ cần thay danh từ là biến thành giáo pháp của mình. Khi dân gian mê tín cúng Táo quân thì Phật giáo phát triển biến danh từ Táo quân thành danh từ chư Thiên. Nếu các nhà nghiên cứu Phật giáo phát triển xét kỹ, đừng kẹt trong danh từ thì thấy rất rõ giáo pháp đó là bã mía của các tôn giáo khác.
Đó là đứng về nội dung, còn đứng về hình thức thì giáo pháp phát tiển không có gì đặc biệt chỉ giống như chiếc áo nhiều mảnh vải kết lại mà thành. Cho nên câu chuyện Táo quân là câu chuyện tưởng tượng chứ không có thật Táo quân, chỉ có người không thông hiểu mới tin rằng có thật. Cúng lễ Táo quân ngày 23 là phong tục mê tín dân gian.
85. BÀ CHÚA BA
Hỏi: Kính bạch Thầy, câu chuyện công chúa Ba (chùa Hương Tích) có thật hay là chuyện huyền thoại để răn đời mà từ xưa tới nay mỗi năm vào đầu xuân không biết bao nhiêu người đổ về chùa tham quan vãng cảnh.
Điều này theo con nghĩ: vãng cảnh đẹp thiên nhiên là đúng, nhưng ngoài ra đa số lại đi chùa cầu xin tài lộc, cầu tự... là do lòng tin của mọi người đối với Bà Chúa Ba qua đức nhẫn nhục và lòng hiếu hạnh.
Vua cha đã làm nhiều điều ác độc, nhưng nhờ cô con gái thứ ba tu thành chánh quả dùng tay mắt của mình làm thuốc chữa trị bệnh cho cha, làm như vậy có trái luật nhân quả thiện ác không thưa Thầy?
Đáp: Câu chuyện Bà Chúa Ba là câu chuyện truyền thuyết huyền thoại, chứ không phải chuyện thật, câu chuyện này cũng giống như câu chuyện Quan Âm Thị Kính vậy. Những nhân vật trong truyện là những nhân vật tiểu thuyết giả tưởng của một tác giả xưa chịu ảnh hưởng Nho giáo và Phật giáo Đại Thừa.
Câu chuyện này là câu chuyện tội lỗi phi đạo đức của Phật giáo Đại Thừa mà từ lâu chưa có ai vén bức màn đen tối này lên nên mọi người đều lầm tưởng Bà Chúa Ba tu hành đã thành Phật. Câu chuyện này là câu chuyện phi đạo đức đệ nhất trong giáo lý Đại Thừa.
Trang Vương là một nhà vua vào thời Đông Chu Liệt Quốc bên Trung Hoa, tương đương ở Việt Nam vào thời Trưng Vương, vì xét qua lịch sử khi Trưng Vương nổi dậy chống quân xâm lăng vào thời nhà Đông Hán, như vậy câu chuyện này xảy ra trong lúc nước ta còn trong giai đoạn bộ lạc.
“Vua Trang Vương có ba người con gái, hai đứa con lớn đã lập gia thất, chỉ còn đứa con gái Út thứ ba là Diệu Thiện chưa lập gia đình, vì thế nhà vua rất thương cô gái Út nên khi nghe Diệu Thiện muốn đi tu là ông tìm mọi cách ngăn cản. Trước khi Bà Chúa Ba đi tu, nhà vua rất sùng kính Phật giáo, ông rất hiền lành, sống có đạo đức, lấy chánh pháp trị dân, thương dân như con một. Sau khi nàng công chúa Ba đi tu, nhà vua trở thành độc ác, ông nghĩ rằng: Các Tăng trong chùa quyến rũ con gái ông khiến ông khổ đau vì thương nhớ con, ông căm tức ra lệnh cho quân lính vây chùa giết Tăng và đốt chùa.
Do hành động ác độc này và sự buồn rầu nhớ thương con nên ông mang bệnh và căn bệnh rất nặng không có thuốc thang nào chữa trị được đành phải chờ chết, trong lúc đó có một vị Tăng xuất hiện xin trị bệnh cho vua. Sau khi xem xét bệnh tình, vị Tăng kê toa nhưng còn thiếu hai vị thuốc là mắt và tay của con người được đem nấu chung với các vị thuốc khác thì trị bệnh mới hết, nhưng mắt tay phải là của con nhà vua thì mới hiệu nghiệm, còn của người khác thì không hiệu nghiệm.
Hai đứa con gái đầu đã có chồng con nên không dám hy sinh mắt tay để làm thuốc cho cha, vì thế nhà vua không còn hy vọng sống chút nào, chỉ còn chờ ngày chết mà thôi. Tại động Hương Tích, nàng công chúa Ba được sứ thần đến xin mắt và tay để về làm thuốc cho vua cha. Khi nghe cha bệnh nặng và xin mắt tay, nàng bèn khoét mắt chặt tay giao cho sứ thần mang về làm thuốc trị bệnh, lúc bây giờ nàng đã thành Phật nên mắt tay đều lành lặn trở lại như xưa.”
Câu chuyện trên đây là câu chuyện cấu kết nhân vật giả tưởng, mới nghe qua thì tưởng là đạo đức nhưng sự thật câu chuyện này là phi đạo đức nhân quả và rất nhiều điều tội lỗi:
1- Nàng công chúa Ba chịu ảnh hưởng Đại Thừa giáo nên bỏ cha đi tu khiến cho vua cha buồn khổ thương nhớ, đó là tội thứ nhất làm khổ cha già là người sanh thành dưỡng nuôi lớn khôn, công lao trời biển đó thế mà nỡ tâm đành bỏ cha già đi tu thật là vô đạo đức bất hiếu thứ nhất.
2- Nàng công chúa Ba đi tu theo Đại Thừa giáo theo kiểu bất hiếu khiến cho vua cha căm tức đốt chùa giết Tăng tạo tội ác tày trời, đó là hành động tội lỗi vô đạo đức thứ hai, nếu công chúa Ba không bỏ đi tu thì người cha đâu có làm nên tội lỗi tày trời như vậy.
3- Chặt tay khoét mắt mình đó là làm khổ mình tức là vô đạo đức với mình, tội vô đạo đức thứ ba.
4- Dùng thần thông lừa đảo người (mắt tay lành lặn như xưa) để mọi người tỏ lòng cung kính ngưỡng mộ đó là háo danh, là tội lỗi phi đạo đức thứ tư, không phải là người tu hành chân chánh của đạo Phật.
Tóm lại Bà Chúa Ba được thờ tại chùa Hương Tích với một lịch sử tội lỗi và phi đạo đức như vậy thì có xứng đáng gì cho chúng ta thờ phụng và tỏ lòng tôn kính, đó chỉ là một sự mê tín trong dân gian mà tác giả dựa vào tư tưởng của Đại Thừa vẽ rắn thêm chân, vì thế câu chuyện này vô đạo lý nhân quả của Phật giáo. Từ đây về sau con người sẽ lần lượt vạch trần bộ mặt thật của kinh sách phát triển để mọi người không còn bị lường gạt nữa. Đối với Phật giáo Nguyên Thủy thì không chấp nhận những câu chuyện huyền thoại phi đạo đức như trên, đi ngược lại với đạo đức của đạo Phật.