Chánh Tín - Mê Tín. Kì 24 (76-77).
76. CÚNG DƯỜNG BỐ THÍ ĐÚNG CHÁNH PHÁP
Hỏi: Kính thưa Thầy, nhân dân trong nước ở các vùng bị thiên tai, dịch họa, Đảng và Nhà nước kêu gọi nhân dân ủng hộ, cứu trợ thì rất là khó khăn ít người hưởng ứng, còn nói đến cúng dường trai Tăng thì họ giành nhau để cúng. Thưa Thầy như vậy có đúng không?
Đáp: Hầu hết tín đồ phật tử bị tà sư ngoại đạo lừa đảo, lường gạt bằng cách kêu gọi tín đồ nên cúng dường trai Tăng sẽ được nhiều phước báo để cha mẹ được siêu sanh Tịnh Độ. Trên đời mọi người ai cũng mong được phước báo, hạnh phúc an vui nên khi nghe quý thầy dạy:
“Cúng dường trai Tăng sẽ được phước báo lớn, cha mẹ chết được vãng sanh Cực Lạc thì ai mà không cúng dường, không trai tăng.”
Nhưng phật tử đã lầm lạc vì đụng ông thầy nào cũng đầu tròn áo vuông, đắp áo cà sa, tay lần chuỗi là cúng dường trai Tăng tứ sự. Thật sự phật tử đã cúng dường cho những ma vương vì những người này không phải là kẻ tu hành mà là những người kinh doanh tôn giáo buôn thần, bán Thánh.
Khi vua Ba Tư Nặc hỏi: “Kính bạch Thế Tôn, chúng con là hàng cư sĩ cúng dường bố thí như thế nào đúng chánh pháp để được phước báo lớn?”
Đức Phật đáp: “Cúng dường bố thí cho cá nhân hay tập thể phải thanh tịnh thì mới có lợi ích phước báo lớn.”
Cá nhân thanh tịnh tức là cá nhân phải có đạo đức, là một tu sĩ Phật giáo thì giới luật phải được nghiêm chỉnh, không vi phạm, không bẻ vụn giới luật. Tập thể thanh tịnh tức là phải sống hòa hợp, phải giới luật nghiêm chỉnh. Cúng dường trai Tăng như thế mới có phước báo lớn, còn cá nhân (tu sĩ) và tập thể (Tăng đoàn) không thanh tịnh, không đoàn kết, không đạo đức, sống phá giới và phạm giới thì cúng dường trai Tăng không được phước báo mà còn tạo thêm tội là vì tiếp tay cho ma vương phá hoại Phật giáo.
Cho nên quý phật tử cảnh giác, đừng nghe nói cúng dường trai Tăng là có phước báo, là được vãng sanh mà không lưu ý đến đạo đức của các vị thầy đó. Cúng dường trai Tăng không đúng đối tượng đã không được phước mà còn mang thêm tội lỗi. Chi bằng làm việc nghĩa, từ thiện giúp người bất hạnh khi gặp thủy tai, hỏa hoạn còn được phước báo hơn nhiều và còn thực hiện được tình người, tình yêu nhân loại, tình yêu Tổ quốc quê hương.
Làm những việc nghĩa, công tác từ thiện còn được phước báo gấp trăm ngàn lần đem cúng dường trai Tăng cho các thầy tà giáo ngoại đạo tu hành bằng hình thức, buôn Phật bán pháp, tạo danh, tạo lợi để sống một đơi “Đế vương”. Trong khi quý phật tử làm ra đồng bạc rất khó để nuôi những người ngồi trong mát ăn bát vàng.
Quý phật tử nên đề cao cảnh giác! Cúng dường là nên cúng dường cho những bậc chân tu giới đức, còn không thì quý vị dành ra một ít tiền và thực phẩm giúp những người bất hạnh trong xã hội thì còn được phước báo lớn. Đó là hành động thiện của nhân quả, nó sẽ chuyển quả khổ bất hạnh của quý vị và từ đó cuộc sống của quý vị sẽ được an vui hạnh phúc, làm ăn càng ngày càng hưng thịnh, cơm ăn, áo mặc không thiếu, không có gặp thủy tai hỏa hoạn hoặc tai nạn hiểm nghèo.
Ở đời người ta rất khôn khéo, mượn chiếc áo tu sĩ để được học hành tới nơi tới chốn, tạo danh tạo lợi dễ dàng hơn ở người đời nhiều. Khi đỗ bằng tiến sĩ, được tấn phong Thượng Tọa, Hòa Thượng trong hàng giáo phẩm thì quý phật tử tưởng họ là bậc chân tu ư! Họ chỉ cần viết, soạn năm, mười cuốn kinh sách bằng tưởng giải là nổi danh lớn và có thể lường gạt phật tử dễ dàng bằng mọi cách.
Cho nên cúng dường trai Tăng cho các vị ấy thì quý phật tử tranh nhau mà cúng, còn đi làm việc từ thiện do Nhà nước kêu gọi hết sức thì quý vị làm ngơ không đếm xỉa đến cảnh màn trời chiếu đất của bao nhiêu người bất hạnh.
Những việc làm này quý vị có thấy sai không, quý vị đừng lầm tưởng Hòa Thượng, Thượng Tọa là Phật. Phật dạy cúng dường cho người thanh tịnh chứ không phải cúng dường cho người có chức tước.
Một chú Sa Di mới 8 tuổi mà đã là bậc Trưởng Lão vì đã tu tập thanh tịnh. Còn một vị tỳ-kheo 80 tuổi mà giới luật không thanh tịnh, dù thông suốt Tam tạng kinh điển vẫn không được gọi là Trưởng Lão.
Còn thời chúng ta, tu sĩ giới luật tu hành chẳng ra gì, chỉ có cấp bằng tiến sĩ Phật học, là Thượng Tọa, Hòa Thượng, chùa to tháp lớn, phật tử cúng dường tiền bạc cả khối, giầu hơn triệu phú, tỉ phú. Phật tử thì ganh nhau cúng dường. Thật là thời đại khoa học nhưng đạo đức đang xuống dốc.
77. LÊN ĐỒNG NHẬP CỐT
Hỏi: Kính thưa Thầy, có một vị tỳ-kheo đã thọ giới cụ túc, vị này là đại diện Phật giáo, là bậc thầy của tín đồ. Thế mà ra làm lễ trình đồng (tức là lên đồng nhập cốt) và bà vợ của ông ta là quan thầy sai đồng. Thưa Thầy như vậy có đúng không?
Đáp: Một vị tỳ-kheo đã thọ cụ túc giới mà còn làm rất nhiều điều sai trái, thọ giới tỳ-kheo và đại diện cho Giáo hội Phật giáo mà có bà vợ tại gia là một điều sai rất lớn. Đạo Phật dạy: “Cắt ái ly gia” thế mà đi tu thọ cụ túc giới mà còn có vợ con là điều không thể chấp nhận được.
Ở miền Nam, tại tỉnh Thầy ở có nhiều vị làm đến chức vụ Chánh trị sự Tỉnh hội Phật giáo, Trưởng Ban Đại diện Phật giáo của huyện và trong hàng giáo phẩm tấn phong Thượng Tọa, Hòa Thượng mà có vợ con hẳn hòi, sống trong chùa như một gia đình thế tục. Tín đồ ở đó gọi: bà Thượng Tọa, bà Hòa Thượng v.v... Thật là đau lòng cho Phật giáo hiện tại. Những ma vương đội lốt tu sĩ Phật giáo làm điều sai trái, diệt sạch Phật giáo làm cho Phật giáo không còn uy tín, không còn lòng tin với ai hết.
Còn tu sĩ hiện giờ lên đồng nhập cốt là thường, họ làm tất cả mọi nghề, nhất là nghề trị bệnh (gọi là Tuệ Tĩnh Đường). Họ trị bệnh bằng Nhân điện, Khí công, Hương công, Dưỡng sinh, gạo lứt muối mè, tiết thực, tuyệt thực, uống nước tiểu, châm cứu, bùa chú, thuốc thang, bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu, xem thiên văn, địa lý. Tất cả những nghề nghiệp này đều không đúng tính cách của người tu sĩ Phật giáo.
Trong kinh Phật dạy không được hành các nghề ngoại trừ nghề đi khất thực mà thôi. Vậy mà tu sĩ bây giờ làm mọi nghề, nhất là những nghề mê tín lại càng không chấp nhận được.
Đây, các con hãy đọc một đoạn kinh Phạm Võng để rõ thấu một vị tỳ-kheo đệ tử Phật phải sống và làm như thế nào cho đúng, còn những vị tỳ-kheo làm không đúng tức là những ma vương, quỷ quái đội lốt đệ tử Phật để diệt Phật giáo và lường gạt tín đồ. Các con hãy đọc bài kinh này để thấu rõ mà cảnh giác bọn tà sư ngoại đạo đang đầy rẫy trong Phật giáo:
1- “Sa Môn Gotama, (tức là Đức Phật) dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn phi thời (ăn uống lặt vặt).”
2- “Sa Môn Gotama từ bỏ không đi xem múa hát nhạc, diễn kịch.”
3- “Sa Môn Gotama từ bỏ không trang sức bằng vòng hoa hương liệu, dầu thoa và các thời trang.”
4- “Sa Môn Gotama từ bỏ không dùng giường cao rộng lớn (tủ bàn ghế sang đẹp).”
5- “Sa Môn Gotama từ bỏ không nhận vàng bạc của báu (tiền bạc vàng, ngọc ngà những vật quý báu và vô giá).”
6- “Sa Môn Gotama từ bỏ không nhận hạt giống (không trồng trọt vườn tược ruộng rẫy).”
7- “Sa Môn Gotama từ bỏ không nhận thịt sống hoặc thịt chín (thực phẩm động vật).”
8- “Sa Môn Gotama từ bỏ không nhận đàn bà con gái (không nhận giới phụ nữ trong khu vực tu hành).”
9- “Sa Môn Gotama từ bỏ không nhận nô tì gái và trai (không nhận người công quả nam hoặc nữ).”
10- “Sa Môn Gotama từ bỏ không nhận cừu và dê (chăn nuôi dê cừu lấy sữa và da).”
11- “Sa Môn Gotama từ bỏ không nhận gia cầm và heo (không nuôi gia súc).”
12- “Sa Môn Gotama từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái (phương tiện giao thông đi lại ngày xưa).”
13- “Sa Môn Gotama từ bỏ không nhận ruộng vườn, đất đai (bất động sản).”
14- “Sa Môn Gotama từ bỏ không nhận phái người làm môi giới hoặc tự mình làm môi giới (giao dịch móc nối).”
15- “Sa Môn Gotama từ bỏ không nhận buôn bán (nghề thương mại).”
16- “Sa Môn Gotama từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc, đo lường.”
17- “Sa Môn Gotama từ bỏ hối lộ, gian lận, gian trá, lừa đảo.”
18- “Sa Môn Gotama từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.”
19- ‘‘Sa Môn Gotama từ bỏ không cất chứa các vật món ăn, đồ uống, vải, xe cộ, đồ nằm, hương liệu, mỹ vị.”
20- “Sa Môn Gotama từ bỏ các loại du hý thế gian như múa hát, nhạc kịch, ngâm vịnh, nhịp tay, tụng chú. Đánh trống, diễn các tuồng thần tiên, múa võ, đấu voi, đua ngựa, đấu trâu, đấu bò đực, đấu dê, đấu cừu, đá gà, đá chim cút, đấu gậy, đấu quyền, đô vật, đánh giặc giã, dàn trận, thao dượt, diễu binh.”
21- ‘‘Sa Môn Gotama từ bỏ đánh bài, các loại giải trí như cờ tám hình vuông, cờ mười hình vuông, cờ trên không, trò chơi trên đất chỉ bước vào những ô có quyền bước, trò chơi găng thẻ rồi chụp nhưng không sụp đống thẻ, chơi súc sắc, chơi khăn, lấy tay làm viết, chơi banh, chơi thổi kèn bằng lá cây, chơi xem con, chơi đoán chữ viết trên không trên lưng, chơi đoán tư tưởng, chơi bắt chước điệu bộ làm hề.”
22- “Sa Môn Gotama từ bỏ không nói những câu chuyện vô ích tầm thường.”
23- “Sa Môn Gotama từ bỏ những cuộc biện luận tranh chấp.”
24- “Sa Môn Gotama từ bỏ không lừa đảo và siểm nịnh.”
25- “Sa Môn Gotama từ bỏ tránh xem những tà hạnh như xem tướng tay chân, chiêm tướng, hiện tướng, mộng tướng, thân tướng, dấu chuột cắn, tế lửa, dùng miệng phun hột cải vào lửa, tế vỏ lúa, tấm gạo, thục tô, dầm, tế máu, khoa xem tướng chi tiết, khoa xem địa lý, khoa xem mộng, khoa cầu tài ban phước, khoa cầu ma quỷ, khoa dùng bùa chú, khoa bắt rắn, bò cạp, thuốc độc, khoa đoán số mạng, khoa ngừa tên bắn, khoa biết tiếng thú cầm nói chuyện.”
26- “Sa Môn Gotama từ bỏ tránh xa các tà nghiệp nuôi sống tà mạng bằng những nghề xem ngày tốt xấu để rước dâu quy rể, lựa ngày giờ tốt xấu để hòa giải, để chia rẽ, đòi nợ, mượn tiền, tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người may mắn, dùng bùa chú khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú phá thai, làm cúng liễm khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến người bỏ tay xuống, lỗ tai điếc, hỏi gương, hỏi đồng cốt, hỏi thiên thần, địa thần...”
27- “Sa Môn Gotama từ bỏ tránh xa những nghề nghiệp trị bệnh tai, mắt, mũi, miệng, trị cho xổ, làm thầy thuốc mổ xẻ, chữa bệnh con nít, cho uống thuốc bằng các loại rễ cây.”
Với bài kinh Phạm Võng trên thì Đức Phật không chấp nhận làm những nghề nghiệp không chân chánh, không đúng chánh hạnh của đạo Phật huống là một vị tu sĩ thọ cụ túc giới mà còn lên đồng nhập cốt thì còn nghĩa lý gì là đệ tử của Phật nữa. Quý phật tử hãy đề cao cảnh giác! Đó là những đệ tử tà đạo Bà La Môn mượn danh đệ tử Phật để làm những điều sai phạm giới luật đức hạnh của những người tu sĩ đạo Phật.