CƠ BẢN
Đức Phật dạy từ chỗ thấp mới đến chỗ cao, chứ không phải đi ngang. Hiện giờ Thầy chưa có thời giờ nên chưa soạn giáo án cho người cư sĩ được. Chỉ khi trong vị trí của người cư sĩ tập luyện được kết quả rồi thì mới nên tiến qua giai đoạn của người tu sĩ. Có như thế mới hợp. Chứ khi đang còn mang bản chất tham, sân, si thô quá mà xuất gia và tu tập liền theo trình độ của một người tu sĩ thì căn bản chưa được đầy đủ, nên dễ đổ gãy, hoặc bị cái danh cái lợi của tôn giáo làm mờ mắt.
Nếu xuất gia với vị thầy đang đứng trong vị trí danh lợi, có chùa sang lớn, Phật tử vào các chùa đó họ kính trọng ông thầy có uy tín đó thì đám học trò của ông thầy cũng được hưởng cái danh cái lợi của thầy. Thế rồi họ cũng hãnh diện mình có ông thầy như vậy. Phần Phật tử đến chùa họ cũng nghĩ đệ tử của ông thầy này nhất định “phải hay, phải giỏi” thôi. Từ đó, do cái tâm của người tu sĩ này còn đời cho nên dễ nhiễm, bị nhiễm. Thay vì nhiễm vị giải thoát của đức Phật thì trái lại, họ nhiễm cái danh, cái lợi của ông thầy. Vì ông thầy này giàu sang, sung sướng, hưởng đủ thứ lợi, nên tâm các học trò cũng hướng về danh lợi giàu sang, muốn có Phật tử đông. Cho nên số người biết xuất gia tu hành lại nhiễm danh lợi mới. Họ quên đi con đường tu hành là làm chủ sự sống chết mà chỉ nhắm đạt những kết quả danh lợi như vị thầy của họ đang có. Danh lợi đời thì phải làm bằng nước mắt, mồ hôi của mình. Bây giờ vô trong danh lợi đạo thì chẳng thấy cực khổ gì hết, mà cứ phây phây học, rồi lên từng cấp của sự học mà ngạo mạn người ta và quý trọng mình. Cuối cùng thì lên hàng gọi là cao cấp của Phật giáo chứ công hạnh tu hành thì...
Phải chi người mới xuất gia đó nương vào được vị thầy khổ hạnh, sống tu giữ đúng giới luật thì nhờ căn bản đó vị đệ tử này có được ảnh hưởng tốt của thầy sẽ trở thành tốt. Nhưng làm sao được, trong hiện giờ con thấy những vị thầy có uy tín đều có những cơ sở lớn vĩ đại trong một khu rừng hay trong một vùng nhưng vị thầy đó chỉ có sở học mà không có chứng đắc được gì.
Vậy con là những cư sĩ khi muốn vào những cơ sở như thế để tu học thì phải chuẩn bị cho mình một giáo trình cư sĩ rồi học thật đầy đủ, từ Bốn Chánh Cần, ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, cho đến li dục li ác pháp, rồi tập luyện trong thế của người cư sĩ cho đến khi đạt được sự thuần thục từ ngăn ác diệt ác pháp cho đến pháp li dục li ác pháp thật vững vàng. Lúc xong rồi mới nên vào con đường tu học thật sự. Dù ở chỗ nào con cũng thấy dễ dàng tiến tu.
Nếu không chuẩn bị kĩ càng như vậy mà vào tập luyện ngay thì chắc chắn đổ vỡ sự tu hành. Ở đây, mấy năm nay, Thầy thấy sắp đặt vô giới thì đổ hết, nghĩa là người nào chịu được chỉ trong một năm thì họ đều đi vào đường tu tập ức chế sai lầm. Từ lâu họ bị đưa vào pháp sai lạc bởi lẽ bất kỳ ai tu tập lâu cũng đều ở trong pháp Đại Thừa là pháp ức chế. Họ ức chế cho hết vọng tưởng. Một số người vào đây tu họ cũng chỉ ngồi nhiếp tâm ức chế cho hết vọng tưởng.
Pháp của Phật đâu có phải như vậy. Pháp của Phật nhằm mục đích li tham dục. Trong lúc tu tập, pháp của Phật muốn cho không có vọng tưởng thì người ta dẫn tâm vào chỗ không có vọng tưởng, đâu cần phải ức chế tâm như vậy. Nhưng không có vọng tưởng đâu thành đạt cái gì. Trong pháp Định Niệm Hơi Thở có những câu tác ý tập luyện để cho hết vọng tưởng trong trường hợp tâm mình bị động mà muốn cho nó tịnh. Tịnh đó không thành đạt cái gì hết, chỉ ở trong trạng thái tịnh đó thôi. Thí dụ trong pháp đi kinh hành, kết quả nhiếp tâm trong khi đi là khi đi không niệm khởi; nhưng không khéo bước đi mà ức chế. Vậy làm sao để đi không niệm khởi mà không ức chế? Cũng như Định Niệm Hơi Thở, làm sao ngồi hít thở nhiếp tâm vào hơi thở mà không ức chế.
Đó là giai đoạn tập luyện của người cư sĩ. Người cư sĩ sống trong ác pháp nên họ có duyên để xả bỏ. Họ dùng Định Vô Lậu để quán xét, dùng tri kiến để giải quyết các chướng ngại. Họ thấm nhuần phương pháp của Phật, nên nhiếp tâm mà không ức chế.
Còn người tu sĩ thì họ đã nắm vững những cái này rồi, qua khỏi giai đoạn này rồi. Đến giai đoạn tu sĩ thì người tu sĩ đã quen, đã thành thục giai đoạn đầu, cho nên chỉ ngồi quét tâm trên thân, thọ, tâm, pháp. Trên bốn chỗ này, nếu chỗ nào có chướng ngại pháp xẩy ra thì người tu sĩ dùng câu pháp hướng của đề mục thích ứng để quét sạch chướng ngại pháp đó. Thí dụ có một thọ khổ nào xẩy ra trên thân thì người tu sĩ dùng câu pháp hướng của đề mục “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Thế mà thọ khổ trên thân được đẩy lui, được đoạn trừ, được tiêu diệt, và sẽ cảm thấy được an.
Thọ đến trên thân thì người tu sĩ ngồi thoải mái như thế này và tác ý câu trên. Cứ ngồi mà tác ý như vậy chứ không ức chế tâm chỗ nào hết, thế mà thân an, mà tâm tịnh. Đó là Định Niệm Hơi Thở. Cho nên Phật dạy chúng ta phương pháp 4 Niệm Xứ, quán thân trên thân, quán tâm trên tâm, quán thọ trên thọ, quán pháp trên pháp; suốt ngày cứ ngồi tác ý tâm như vậy mà ta được thân an, mà ta có niệm, ta có định, cuối cùng thiền định tới, rồi chuyển qua Thân Hành Niệm quét sạch vi tế tham, sân, si để 7 Giác Chi xuất hiện, tức 7 năng lực thiền định.
Hiện giờ con làm sao biết cách quét, làm sao con có khả năng để quét thọ trên thân hay tâm được. Mục đích chánh của giai đoạn đầu này là con cần tập thành thục thân hành nội tức ngồi tập chú ý vào hơi hít thở và thân hành ngoại tức khi đi thì chỉ lưu ý bước đi.
Lúc đầu thì có thể như vầy, khi ngồi tập luyện Định Niệm Hơi Thở con lưu ý khi nào sắp buồn ngủ tới thì trước lúc đó phải đứng dậy đi. Đi nhưng chỉ lưu ý hơi thở, chú ý vào hơi thở, đừng phân tâm xuống bước đi, nghĩa là sử dụng thân động để tâm không buồn ngủ, nhưng tâm bám chặt vào hơi thở, vì trong thời này con đang tập luyện Định Niệm Hơi Thở, chỉ biết hơi thở thôi.
Còn trong pháp môn thân hành ngoại, con đi; đi một lúc thì thấy chân mỏi. Con ngồi xuống một chỗ mà vẫn tập luyện thân hành ngoại bằng cách tay đưa ra đưa vào như vầy, tâm theo dõi tay, không theo dõi gì khác. Đi thì lưu ý bước đi, ngồi thì lưu ý chuyển động vào ra của cánh tay đưa vào đưa ra. Đó là tập luyện thân hành ngoại trong khi đi và trong khi ngồi.
Tập luyện thân hành nội hay thân hành ngoại cũng đều là tập luyện thân hành niệm, thân hành của mình trở thành niệm cho tâm của mình. Khi đi thì các bước đi đều đặn, bước nào cũng như bước nấy, đều đặn, nhịp nhàng. Còn hơi thở thì cũng đều đặn, không thở cái dài, cái ngắn. Hơi thở đều đặn như con thoi đưa tới, đưa lui, nhẹ nhàng. Thật ra chỉ khi nào Niệm Giác Chi xuất hiện thì mới được như vậy.
Khi vô thất, con tập luyện cho rốt ráo hạnh li dục li ác pháp, để đạt cho được bất động tâm, vào cho được bất động tâm, tức là tâm thanh thản an lạc vô sự. Hiện giờ tâm còn tham, sân, si, cho dù có cảm thấy thanh thản an lạc vô sự thì cái thanh thản an lạc vô sự đó chỉ là của tham, sân, si, chưa phải là của tâm giải thoát. Khi đã li dục li ác pháp thì tâm mới được giải thoát. Khi đó con cảm thấy tâm mình rỗng rang, thanh thản, nhẹ nhàng.
Trạng thái của cụm từ thanh thản an lạc vô sự có từng cấp, từng bậc. Tập luyện càng sâu, càng li dục li ác pháp thì mới kinh nghiệm được cái này. Li dục và li ác pháp càng nhiều thì tâm và thân mới đạt trang thái thanh thản an lạc vô sự ngày càng sâu. Người đời không thể biết được mùi vị của trạng thái tâm giải thoát này đâu. Người thật tu và có tu chứng thì thân tâm của họ nhẹ nhàng lắm.
Càng tập luyện thì cơ thể ít bị bệnh, nhưng có thọ hành. Ví như chân này bình thường như vậy, nhưng tự nhiên cảm thấy đau như bị bong gân. Thực sự không phải đau đâu, đó là thọ hành. Tập luyện Thân Hành Niệm thì có thọ hành.
Có cô Kim Tiên từ bên Mỹ về đây tập luyện, mỗi bước chân cô cảm thấy thốn từ gót lên tới đầu, đau chịu không nổi. Đó là thọ hành. Đây cũng có cô Nguyên Thanh, mỗi khi tập luyện Định Niệm Hơi Thở thì cô cảm thấy mặt bị ngứa rất khó chịu. Thầy bảo phải gan dạ, gan lì, không gãi, không quào. Thế mà nó hết.
Khi có những cảm thọ như vậy, con phải tác ý như vầy “Một là chết, hai là chứng quả Thánh. Ta không sợ đau đâu”, rồi bước đi thật mạnh, để chân thật mạnh thì nó sẽ hết. Hãy cắn răng chịu đựng một lúc, một thời tu. Nếu cứ sợ, chẳng dám đi mạnh, chẳng dám bước mạnh, chẳng dám chịu đựng thì còn đau hoài. Nội lực của con người kinh khủng lắm, cho nên đức Phật nói “Cảm thọ tận cùng của sinh mạng”. Phải gan dạ chịu dựng và thẳng mặt đối phó với cảm thọ thì nó sẽ chạy mất.
Thầy lưu ý đặc biệt điều này cho người quyết tâm tập luyện, quyết chiến đấu với mặt trận sanh tử. Thầy sẽ hướng dẫn tận tình cho những người đó. Còn những người chỉ vào đây tu cho biết, tu chơi, thì cứ để tự nhiên cho họ. Họ chỉ là người muốn tìm hiểu cho thỏa ý tò mò, thỏa sự hiểu biết. Dù vậy, Thầy cũng giảng cho họ thỏa mãn. Tu chưa tới mà cứ hỏi Tam Minh Lục Thông để làm gì. Chỉ tò mò, mất thì giờ thôi. Họ chỉ được sáng tỏ hiểu biết chứ không tu nổi.
Người nào đã tập luyện thuần thục phương pháp của vị thầy nào rồi, khi pháp tập luyện đã trở thành thói quen rồi thì không xả bỏ được. Thí dụ ở đây có người tập luyện theo pháp thiền phình xọp bụng của ngài Mahasi, hay pháp của người nào khác thì khó tập luyện pháp của Phật do Thầy triển khai. Cho nên thật may mắn cho người nào ngay từ lúc mới bắt mà tu tập đúng Chánh Pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thầy cũng bị dẫn lạc hướng bao năm trời.
Tuỳ theo đặc tướng của từng người mà Thầy dạy. Có những người có thể áp dụng theo cách thức Thầy dạy cho con, họ tập luyện có kết quả. Có người không có kết quả thì họ theo cách thức Thầy dạy cho người khác vì họ có đặc tướng riêng gần giống với người khác này. Sau này có thể tổng hợp những kinh nghiệm khác nhau Thầy đã dạy để giúp cho mọi người có định hướng mà tập luyện trong trường hợp không có ai hướng dẫn.