Skip directly to content

SƠ LƯỢC ĐƯỜNG LỐI TU HỌC PHẬT GIÁO

Đây là đại cương đường lối tu học Phật giáo. Một giáo trình tu học từ cư sĩ tới tu sĩ.

Thầy thấy muốn giúp đỡ cho người tu học Phật giáo thì cần thiết phải soạn thảo một giáo trình tập luyện từ lớp thấp trong chiếc áo người cư sĩ cho tới lớp chuyên sâu trong chiếc áo của người tu sĩ. Giáo trình này phải có đủ 8 giai đoạn học tập tu luyện theo đúng chân lý của 8 Chánh Đạo thì mới đúng đường lối Phật Giáo.

Người cư sĩ sẽ vào học đầu tiên là lớp Chánh Kiến, xây dựng cho người cư sĩ có cái nền cuộc sống đạo đức. Các oai nghi tế hạnh cũng chỉ bắt đầu có từ lớp Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Giáo trình những lớp đó dựa vào những bài kinh nào. Thí dụ muốn soạn giáo trình cho lớp Chánh Kiến thì ta thấy trong những bộ kinh Nguyên Thuỷ đâu có phân chia sẳn những bài kinh nào thuộc lớp Chánh Kiến. Phải đọc rồi phải tư duy xem bài kinh nào là Chánh Kiến, bài nào là Chánh Tư Duy,... rồi lấy những bài kinh đó ra. Sau khi kết hợp những bài kinh đó thành một nhóm thuộc lớp Chánh Kiến rồi lập thành một giáo trình. Việc này không phải là việc dễ dàng của chỉ một vài người. Công trình này không khác gì công trình của Bộ Giáo Dục. Nếu giáo trình này được hoàn tất thì nó sẽ mang lại lợi ích lớn cho mọi người.

Người cư sĩ vào học những lớp này khi ra lại đời sống thế gian thì gia đình họ rất hạnh phúc. Đạo Phật là chân lý của cuộc đời, nếu được triển khai và đưa vào áp dụng trong đời sống thì quá hay. Nhưng từ xưa cho đến giờ các Tổ, Thầy của chúng ta đi lạc đường nên không làm. Chứ phải chi đạo Phật từ khi ra đời đã có người làm cái này thì bây giờ công việc nhẹ nhiều lắm. Giờ đây Thầy mới bắt đầu khởi sự để Phật giáo đi vào cái có nề nếp thật sự, không còn bị sai lạc nữa.

Ngày xưa người ta nghĩ tu rồi người ta ảnh hưởng thế này thế khác, trong khi đó đức Phật đưa ra chân lý Đạo Đế có 8 lớp thì người ta lờ đi, không dùng 8 Chánh Đạo này. Người ta cũng nói 8 Chánh Đạo nhưng nói trong cái chung chung, cho nên mọi người không biết đâu là đường hướng để tu học. Bây giờ, sau khi tu xong rồi, Thầy mới thấy trách nhiệm quá nặng mà nếu Thầy không chỉnh đốn thì tội nghiệp cho nhân loại, mà chỉnh đốn thì Thầy phải chịu vất vả. Nếu Thầy không làm thì không ai làm đâu vì đâu ai biết mà làm.

Thầy sẽ khởi đầu rồi sau này sẽ có người tiếp tục, chứ công việc này là việc lớn lao. Đây là công trình giáo dục con đường giải thoát, nhưng hiện giờ không có người có khả năng làm. Thật sự thì có nhiều người có khả năng tổ chức như các chùa, trình độ họ đủ để làm những việc đó. Nhưng đường giải thoát là đứng trong ngành đào tạo giáo dục, không phải ngành tu trong các chùa như hiện giờ.

Nếu đợi cho các con tu xong thì thật ra giới là điều quá khó đối với các con vì nó khép chặt các con trong khuôn khổ. Đó là điều mà đức Phật đã nói “Đừng buông bỏ gánh nặng thiện pháp” , phải ôm cái thiện này mà đi. Thiện pháp nặng lắm cho nên dễ buông bỏ. Ví như ăn ngày một bữa nó nặng lắm, ngủ thức giờ giấc nghiêm chỉnh, nó nặng lắm chứ đâu phải nhẹ; sống độc cư trầm lặng cũng nặng lắm. Tất cả những cái như thế là những thiện pháp, chúng rất nặng, chúng làm cho người ta khó theo. Người tu bây giờ không chịu nổi gánh nặng thiện; nếu là gánh nặng ác pháp thì chắc chắn ai cũng sợ, không ai không buông; đằng này gánh nặng thiện cho nên họ không ôm được, dễ buông ra.

Thật sự đó là thiện pháp, nên từ ngày mở Tu Viện Thầy mong đào tạo chừng 5, 10 người để phụ giúp với Thầy xây dựng giáo trình này mà mọi người đều “buông bỏ gánh nặng thiện pháp” cho nên không có người chứng đạo, thành ra cuối cùng Thầy phải chịu một mình.

Bây giờ Thầy xây dựng đạo đức cho con người tại vì chưa có người để cùng Thầy xây dựng giáo trình tu học Tám Chánh Đạo, từ Chánh Kiến đến Chánh Định. Chưa có người, thôi thì Thầy soạn bộ sách “Đạo Đức Làm Người” này may ra người ta biết được đạo đức nhân bản nhân quả thì chắc cũng đỡ được phần nào. Thầy chỉ hi vọng vậy thôi. Các con tu xong được rồi thì đó là cái phước rất lớn cho chúng sanh. Lúc đó sẽ chia công tác ra làm. Những người đó đều chứng Tam Minh, đưa cho mỗi người cả 4 bộ kinh: Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ. Lúc đó người này chọn bài kinh nào là thuộc về Chánh Kiến, còn người khác thì chọn bài kinh nào là thuộc về Chánh Tư Duy... Mỗi người nghiên cứu tạng kinh Nguyên Thủy, xáo trộn hết và sắp xếp lại, rút ra những bài kinh nào liên quan lớp nào của Bát Chánh, gom lại để đưa cho người nào phụ trách lớp đó. Rồi mỗi người soạn thảo giáo trình của từng ngành Bát Chánh. Người nào làm phần nấy. Ai lãnh phần Chánh Kiến thì soạn giáo trình lớp Chánh Kiến; ai Chánh Tư Duy thì lo giáo trình lớp Chánh Tư Duy; rồi Chánh Ngữ; Chánh Nghiệp; Chánh Mạng; Chánh Tinh Tấn; Chánh Niệm; Chánh Định, để dạy người ta thông hiểu sao gọi là Chánh Kiến, sao là Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Người nào muốn vào lớp Chánh Định thì phải học vậy học vậy, nhưng phải qua lớp Chánh Niệm mới vô lớp Chánh Định được. Lớp Chánh Niệm có những gì thì đã được người phụ trách soạn ra rồi. Đấy, đi như vậy thì cuối cùng người ta phải đến giải thoát thôi.

Như vậy là lập ra sơ đồ con đường tu học, đầy đủ các lớp, đầy đủ nội dung từng lớp.

Thầy dạy cho các con tập luyện là đúng với Chánh Pháp của Phật. Thực tế và trực tiếp, ngay trên tham, sân, si mà đẩy lui nó bằng sức tĩnh giác, bằng sự tĩnh giác rõ ràng, chứ không phải lơ mơ, không phải ức chế để không niệm. Tâm đi dần cho đến không niệm thì nó thanh tịnh.

Trong vấn đề tập luyện, các con phải rõ, không nên mù mờ. Các con tu như hiện giờ là vô ngang mà thôi chứ không phải có trường lớp hẳn hòi, từ lớp thấp lên lớp cao. Lẽ ra người mới vào thì phải đi từ lớp Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ... phải học từng bước mỗi cái đó, chứ không phải mới vô mà đưa ngay Chánh Niệm và tập luyện ngay Định Niệm Hơi Thở liền. Không phải vậy. Như vậy là sai, là mất căn bản. Nhưng bây giờ tạm thời dạy như vậy để người nào quyết chí giữ gìn đúng những đức hạnh thì đưa những người này đi tới, cũng như những người này vượt lớp. Còn những người nào phạm giới thì chẳng khác gì là những người lót đường cho người đi sau. Nghĩa là những người sau mà không chấp nhận phải có giới như vậy mới tập luyện thành công được thì chỉ cho họ thấy gương những người đi trước này đã phạm giới như thế nào và sự tập luyện của họ bị thất bại như thế nào.

Không phải mình bắt người đó hi sinh lót đường, nhưng khi vô trong Tu viện tu tập là họ tự ý phải giữ giới. Họ không giữ giới là tự làm vật lót đường cho người sau. Có vậy thì Phật giáo mới bật sáng lên được. Đó là sự khéo léo hiểu biết của Thầy ở điểm này. Thầy nghĩ tới đâu, làm tới đâu thì nó đúng y, rõ ràng lắm. Thầy biết cách để chuẩn bị trước mọi việc. Cho nên có người nói trước kia Thầy dạy khác, bây giờ Thầy dạy khác. Không phải vậy. Thầy dạy trước sau như một, không khác. Nếu người nào vô đây cũng giữ đúng hạnh, đúng giới luật hết thì làm sao có những chuyện thất bại đã xẩy ra được. Cái thất bại của người đi trước lại là cái gương sáng cho người đi sau.

Còn pháp quán bất tịnh, quán xương trắng tức tư duy, suy nghĩ Chánh Kiến thì nó ở lớp thứ hai rồi. Đây là ở chỗ ngăn ác diệt ác của 4 Chánh Cần. Nó thuộc Định Vô Lậu mới tư duy quán xét. Nó không nằm trong 4 Niệm Xứ, nên nếu tập luyện theo 4 Niệm Xứ thật sự thì sai. Tuy quán thân bất tịnh thì cũng phải trên thân quán thân, tức ở trên 4 Niệm Xứ, nhưng quán này thuộc Định Vô Lậu tức là nằm trong lớp Chánh Kiến, chớ không phải là lớp Chánh Niệm.

Phật pháp rất rõ ràng. Khi nào giáo trình và giáo án viết xong thì tất cả các thứ lớp mới hiện ra rõ. Chưa ai soạn nên người ta không thấy. Tuy Thầy biết như thế, nhưng trong lúc này chưa làm hết công việc được.

Trong Tương Ưng có kinh nói về tham dục. Bây giờ mình nói thân, thọ, tâm, pháp này không phải của mình. Nói như vậy được nhưng không phải chỉ nói như thế mà tham dục diệt. Không diệt được tham dục đâu. Không diệt được thì tham dục là của mình, tức có ngã rồi. Cho nên đức Phật nói chỉ cần hết tham dục thôi thì ngay đó quả A-la-hán tới liền. Vì khi thân, thọ, tâm, pháp không còn là của mình nữa thì đó là chứng quả.

Thí dụ bây giờ tâm khởi muốn đi, muốn nói chuyện tức là dục. Đó là tham dục. Tham dục có là có cái ngã của mình liền, chứ không thể vô ngã được. Cho nên phải chận tham dục, phải cắt đứt tham dục ngay liền thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức này cũng sẽ bị hủy diệt luôn, không còn có nữa, không còn tác động gì được hết. Cái đó rất hay mà ngắn gọn.

Tu, phải nói rất là tuyệt vời. Khi đã tu rồi thì thấy bài kinh nào cũng hay, pháp nào cũng tuyệt; mà không tu thì thấy mấy bài đó cô đọng quá, chỉ có một đoạn ngắn như vậy thì hay chỗ nào. Không hiểu nổi kinh để áp dụng tập luyện đâu.

Muốn đạt kết quả đường tu thì các con cần tập luyện Định Vô Lậu là định quán xét phải xong trước. Sau đó mới tới những định khác, từ Định Niệm Hơi Thở cho tới Thân Hành Niệm, thì mới thấy pháp Phật thật là quá tuyệt vời! Nếu cái căn bản là quán Định Vô Lậu không có, thì ngăn chặn tham dục không nổi, không thấy được tham dục nữa chứ nói chi đến ngăn chặn. Đức Phật đúng là người đầy đủ kinh nghiệm trong sự ngăn chặn tham dục.

Lớp quán bất tịnh phải quán cho xong trước. Nó là lớp đầu tiên. Khi bắt đầu mới vô người ta dạy cho mình cách thức quán, dùng tưởng để quán. Mặc dù đoạn kinh đó nằm bên 4 Niệm Xứ nhưng là 4 Niệm Xứ của giai đoạn 4 Chánh Cần, tức là lúc mới bắt đầu tập luyện.

Nói chung con đường tập luyện đều nằm trên 4 Niệm Xứ hết. Nhưng 4 Niệm Xứ ở giai đoạn đầu thì có 4 Chánh Cần (ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp), có Định Vô Lậu.

Cho nên khi phân nhóm pháp tập luyện để dạy trong các cấp lớp thì cần biết pháp đó nằm trong nhóm nào, rồi lấy nó ra, đưa vào đúng lớp đó.

Đây là 4 Niệm Xứ nhưng nằm trong nhóm 4 Chánh Cần. Rồi 4 Niệm Xứ nằm trong nhóm Niệm Hơi Thở. Bởi hơi thở cũng nằm trên thân. Do đó mình phân các pháp ra thành từng nhóm cho rõ ràng.

Theo pháp Phật thì có: Định Thư Giãn, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Vô Lậu, Định Niệm Hơi Thở. Đức Phật dạy trong bài kinh 4 Niệm Xứ thì các cái này đều nằm trong 4 Niệm Xứ đó. Tất cả đều nằm trên 4 Niệm Xứ.

Bây giờ con học các kinh thì thấy dường như tu hành dẫm chân tại chỗ, không biết đường nào để tập luyện lên. Nhưng khi giáo trình được soạn xong, con sẽ thấy rõ ràng vô cùng. Thí dụ căn cứ vào chân lý 4 Diệu Đế thì chúng ta xác định được phương pháp của tất cả 37 phẩm Trợ Đạo đều nằm trong Đạo Đế, tức 8 Chánh Đạo.

Bốn Niệm Xứ cũng nằm trong 8 Chánh Đạo, chớ không ngoài. Nên nhớ khi nói 4 Niệm Xứ thì đức Phật xác định nó là Chánh Niệm, mà Chánh Niệm là một trong 8 Chánh Đạo. Khi nói 4 Thiền hay 4 Thánh Định thì đức Phật nói định trong Chánh Định. Còn nói 4 Chánh Cần thì đức Phật nói Chánh Tinh Tấn. Thật là quá rõ ràng.

Tu tập 4 Chánh Cần, cũng như tu tập Chánh Niệm thì có nhiều pháp trong đó; nhưng mỗi pháp lại ở trong nhiều nhóm, chứ không phải chỉ ở trong một nhóm. Mỗi nhóm có cách thức tập luyện riêng của nhóm đó. Nếu không biết thì cứ tập luyện lẫn lộn, tới lui hoài. Cứ lúc nào cũng ngồi quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp, rồi nói tu chứng. Đâu biết phân chia các pháp tu theo từng giai đoạn.

Không phải hiểu theo kiểu như thế rồi cứ ngồi tập luyện nhóm đó hoài. Cần phải biết nhóm đó tập luyện ở giai đoạn nào, lúc khởi đầu hay cuối cùng. Không phải muốn tập luyện là ngồi tập luyện ngang thế được. Tại người ta không (có) kinh nghiệm tu chứng mà chỉ phân tích chữ nghĩa rồi cứ tập luyện theo kiểu hiểu chữ nghĩa thành ra không đi tới đâu hết. Cuối cùng không ông nào biết đường, đành dẫm chân tại chỗ, tập luyện không kết quả.

Khi đã được chia nhóm rồi thì ở trên 4 Niệm Xứ lúc này đức Phật nói vậy thì phải tu học như thế nào. Rồi tới bài Thân Hành Niệm thì phải biết khởi đầu tu tập Thân Hành Niệm như thế nào, đến cuối của Thân Hành Niệm tu tập như thế nào; 4 Niệm Xứ khởi đầu là những pháp gì, đến cuối là những pháp gì. Phải phân nhóm ra, nhóm đó học ở lớp nào. Nhóm 4 Niệm Xứ này thì ở lớp Chánh Kiến; nhóm 4 Niệm Xứ này lại ở lớp Chánh Tư Duy; nhóm 4 Niệm Xứ này lại ở lớp Chánh Ngữ...

Chúng ta sẽ đưa ra chương trình như vậy. Chứ đâu phải tập luyện lộn xộn như hiện nay. Tập luyện 4 Niệm Xứ mà cứ tập lung tung, không ở trong 8 Chánh Đạo. Chánh Đạo thì phải trong 8 Chánh Đạo, chứ không thể nằm ngoài 8 Chánh Đạo được.

Cho nên các con cần nhớ khi tu tập đến 4 Niệm Xứ mà thật sự là 4 Niệm Xứ thì không phải ngồi mà quán. Bởi vì hiện giờ người ta dạy tập luyện 4 Niệm Xứ thì quán nào bất tịnh, nào thực phẩm trái cây bất tịnh, nào xương trắng bất tịnh, này kia đủ thứ... Rồi tới pháp Thân Hành Niệm thì cũng dạy vậy. Kinh Hành Tĩnh Giác thì đi kinh hành tới lui đủ thứ này kia. Định Niệm Hơi Thở thì chỉ có nói phần hơi thở thôi. Vì họ căn cứ vào văn từ chữ nghĩa. Ở trong 4 Niệm Xứ cũng dạy hơi thở, mà ở bài Thân Hành Niệm cũng dạy hơi thở. Thấy cái nào cũng gần giống nhau hết. Cho nên người ta bị rối ren, không biết ở trên 4 Niệm Xứ phải tập luyện như thế nào, hoặc tập luyện Định Niệm Hơi Thở, hay Thân Hành Niệm phải như thế nào. Người ta tổng hợp hết tất cả mọi cái, cái nào cũng tương tự nhau, cũng quán xương trắng, cũng quán bất tịnh thì biết tập luyện làm sao.

Thật ra không phải thế. Khi đức Phật nói Thân Hành Niệm cấu kết như cỗ xe thì nó khác rồi. Nó không còn ở trong 4 Niệm Xứ theo kiểu 4 Niệm Xứ ngồi chơi. Không còn tập luyện như vậy nữa đâu.

Vì thế, công việc của Thầy quá nhiều. Sau khi bộ Đạo Đức Làm Người tức là nền tảng đạo đức của Phật Giáo được ra đời xong rồi thì Thầy mới soạn thảo giáo trình các lớp.

Nhóm nào ở trong 4 Niệm Xứ mà được học ở lớp Chánh Kiến. Thầy mới lấy ra, đưa vào trong lớp Chánh Kiến. Nhóm nào của 4 Niệm Xứ mà thuộc lớp Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định, Thầy đưa ra đủ từng cấp lớp hết để người ta tập luyện. Sau khi đạt kết quả của nhóm đầu mới được vào tập luyện nhóm kế. Cũng như ngoài đời các trẻ học lớp 1 xong, nhờ căn bản lớp 1 này mới vào học lớp 2 và lần lượt các lớp kế tiếp. Lớp này xong mới lên lớp trên. Có vậy mới học được. Giáo trình đạo Phật cũng thế, cũng có từng lớp, từng cấp; tu học xong lớp thấp mới lên lớp cao hơn; tu học xong lớp cao mới lên lớp cao hơn nữa. Khi các con tu học xong các lớp Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng thì người ta không làm động các con được, mà các con cũng không làm động người ta.

Vì thế khi tu xong Thầy thấy như đứng trên chóp núi nhìn xuống. Thấy từ ngàn xưa, sau khi đức Phật nhập diệt, cho đến ngày nay, nếu có người thật sự tu chứng đạt 3 Minh thì chúng ta đã có giáo trình 8 lớp đúng theo 8 Chánh Đạo để tập luyện rồi. Chúng ta khỏi bị điên đảo như hiện giờ. Vì chưa có người tu chứng nên không có người làm được. Bây giờ Thầy là người mới khởi sự đầu tiên cho nên công việc rất nhiều, rất bề bộn. Thầy ráng giữ gìn sức khoẻ để kéo dài tuổi thọ đến đâu hay tới đó. Thầy mong có một vài người tu xong sớm để cùng Thầy làm việc này và nhiều việc khác nữa.