DUYÊN ĐỘ CHÚNG SINH
Khi chưa li hết dục thì dục sai mình làm bậy. Mấy người tâm còn dục, tâm chưa li dục li ác pháp hoàn toàn mà ra làm Thầy thì làm sao dạy đạo được. Khi nào li dục li ác pháp hết, tức là hoàn mãn 4 Niệm Xứ , 4 Thiền nhập được, thực hiện được 3 Minh. Chừng nào có 3 Minh, thì lúc đó mới quan sát xem nhân duyên của mình có làm thầy được hay không, độ chúng sanh được hay độ không được. Nếu có duyên thì làm việc có ích lợi cho Phật pháp, làm lợi ích cho người dễ dàng.
Nếu chưa chứng đạt 3 Minh mà cũng dạy đạo cho người thì coi chừng cả đám dẫn nhau đi vào chỗ chết mà cuối cùng không ai được lợi ích gì hết. Thí dụ con cất chùa thì coi chừng cái dục của con là ma, nó sai con làm tầm bậy. Ngoại đạo thường thường bị kẹt chỗ này hết.
Cũng có thể tạo duyên hóa độ chúng sanh được nhưng rất cực khổ. Thương chúng sanh mà tạo duyên thì phải chấp nhận khổ, không hạnh phúc gì đâu. Bởi vì cái danh lợi hết rồi mà bây giờ tạo duyên tức tạo danh thì phải thọ khổ, không thể thoát được. Có danh mới là duyên thuận lợi để dạy chúng sanh. Còn duyên tức là duyên của mình với chúng sanh có, vì vậy phải trả cho hết. Đó gọi là trả nợ.
Khi không có duyên mà muốn độ người ta, dù mình dạy đúng nhưng họ tập luyện cũng thành trật. Họ làm theo kiểu của họ, họ nhận ra cái khác, không nhận ra điều mình dạy. Chẳng hạn như Thầy nói độc cư, người ta nghe có hiểu nhưng xem nhẹ, coi thường, không sống theo. Đó là vì không duyên. Họ phải đi từ cái sai rồi sửa dần lên, sửa dần cho đến khi họ độc cư trọn vẹn mới được. Không duyên thì phải giảng tới giảng lui, nói đi nói lại cho đến khi họ thấm nhuần, họ tập luyện rồi thấy được cái tướng trạng do tập luyện có được, chừng đó họ mới tin. Không duyên, họ tập luyện trật lên trật xuống, sanh tưởng này kia đủ loại. Mình phải trải qua thời gian dài cực khổ với họ.
Còn nếu có duyên thì độ nhanh lắm. Khi nghe nói độc cư là vậy thì người ta ôm chặt độc cư, tu tập cho đến kết quả. Có duyên thì người ta chờ mình sẳn, mình chỉ khảy móng tay là họ nghe, họ ôm chặt pháp là đi vô được liền, họ chứng đạo nhanh lắm. Cũng như trong thời đức Phật, các tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất), Moggallàna (Mục Kiền Liên), Rahula (La Hầu La), Kassapa (Ca Diếp), Anuruddha (A Na Luật Đà)... Tất cả những vị này có duyên với Phật nên chờ khi đức Phật tu chứng, chỉ khảy móng tay là họ tu chứng, họ tu nhanh.
Khi tu chứng 3 Minh rồi thì Thầy biết được duyên của mình với chúng sanh như thế nào bằng cách dùng tuệ 3 Minh quan sát chúng sanh hiện nay có hay không có duyên với mình ở quá khứ của mình. Khi có duyên thì biết người này đang chờ, tức là họ cũng đã tu đến mức độ sắp sửa chứng, đã sẳn sàng rồi. Đó là có duyên với nhau, cho nên gặp nhau, khảy móng tay là chứng, nói một lời là ngộ liền. Họ ôm chặt pháp trong vòng nửa tháng, một tháng, hay 7 tháng là tu xong.
Nếu nói mình không duyên rồi không độ chúng sanh thì ai là người co duyên đây? Phải tạo cho họ cái duyên. Đời quá khổ, không lẽ mình tu xong, rồi bỏ đi thì tội cho đời, tội cho chúng sanh, cho nên Thầy cố gắng để dựng lại. Nhưng cố gắng thì cũng phải tạo cho có duyên chứ không phải cố gắng mà làm đại.
Nếu Hoà Thượng Thanh Từ không yêu cầu Thầy ở lại thì Thầy đã ra đi rồi. Bởi Hoà Thượng nói lời quá tha thiết “Một người tu mà chứng Đạo thì Phật pháp mới còn, chứ dù trăm vạn người tu mà không có người chứng Đạo thì cũng coi như Phật pháp không có”. Lời nói quá tha thiết. Hoà Thượng đã thấy sự lợi ích của sự tu chứng. Bây giờ mình đã làm được, lẽ nào đành lòng ra đi. Đó là cái duyên đã gieo từ khi Thầy tu chưa xong, làm cho Thầy mạnh dạn mà tu. Nếu không có duyên đó thì khi Thầy tu xong: “Ôi đời này khổ quá, không có gì đáng lưu luyến”.
Bởi vì có duyên đó nên trong tiềm thức của Thầy có một dấu ấn tình cảm, không thể bỏ đi được. Thầy mà còn ngồi đây, các con cần biết là ơn của Hoà Thượng rất lớn. Mặc dù mấy lâu nay Hoà Thượng nói Thầy đủ lời (không hay) chứ ơn của Hoà Thượng rất lớn: sách tấn Thầy tu và khi tu xong lại không bằng lòng để Thầy bỏ đi. Phải nói cái duyên hay thiệt. Người tu xong rồi thì người ta suy nghĩ cái duyên qua khía cạnh tốt thôi, không bao giờ có ý nghĩ xấu.
Thật sự ra câu nói của Hoà Thượng cũng chỉ vô tình thôi. Hoà Thượng nói theo cảm nghĩ của Hoà Thượng trong một lúc Thầy trò đang ngồi nói chuyện tâm tình như Thầy và con bây giờ chứ không phải Hòa Thượng chủ ý sách tấn riêng Thầy hay ai khác, mà thầm ý nói Hoà Thượng cũng là người sẽ tu chứng trong pháp môn Hoà Thượng đang giảng dạy. Thường người dẫn đường đã đến nơi hay biết rõ đường mới dẫn người khác đi. Nhưng khi nghe Hoà Thượng nói vậy Thầy mới quyết tâm vì Phật pháp mà nỗ lực tu tập.
Còn bây giờ chính Thầy chủ ý, chủ tâm sách tấn các con đó. Bằng mọi cách lúc này lúc khác, hình thức này hình thức khác để các con thấy được Chánh Pháp của Phật mà nỗ lực tập luyện.