Skip directly to content

TÀ THIỀN VÔ SẮC VÀ CHÁNH THIỀN HỮU SẮC

“Kính xin Thầy có thể cho con biết trong 9 năm Thầy tu theo pháp Tri Vọng đạt được Không Vô Biên Xứ rồi đạt luôn Thức Vô Biên Xứ; vậy công trình đó làm sao Thầy làm được, Thầy đã làm thế nào để lọt vào Không Vô Biên và Thức Vô Biên?”

Từ chỗ ức chế không niệm thiện niệm ác mà vào nên nó lọt vào Không. Không đó không nằm yên chỗ không mà sau đó chuyển tới Thức tức là cái biết của chúng ta, nhưng cái biết đó không phải là ý thức mà chỉ là tưởng thức, vì vậy nó có 6 cái tưởng hiện ra (sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng). Thức Vô Biên Xứ chẳng qua là pháp tưởng, nó hiện ra thì thông suốt hết tất cả, cái gì cũng ở trong sự thông suốt; kinh sách gì, câu nói gì khó hiểu, nó cũng hiểu qua được hết; công án nó cũng phá vỡ hết. Nó tuyệt vời thế đó, cho nên trong nhà thiền lầm tưởng cái trí tuệ siêu việt tưởng đó là trí tuệ thực. Thật ra nó chỉ hiểu biết trong cái tưởng thức mà thôi, không chân thực hiểu thật tướng của vạn pháp.

Để lọt vào Không Vô Biên thì khi ngồi tu cố gắng ức chế để không còn một niệm thiện niệm ác nào trong đầu của chúng ta, rồi kéo dài cái niệm đó mà không lặn vô buồn ngủ, ngủ gật, ngủ mê. (Ghi thêm: Trong Tạng Thư Sống Chết –bản dịch của Ni Sư Trí Hải- có giải thích cái Định là kéo dài khoảng hở giữa niệm đi trước và niệm đi sau. Kéo dài và trú vào khoảng hở đó là đạt được định. Như vậy không khác với Không Vô Biên Xứ mà Trưởng Lão Thích Thông Lạc đã đạt).

- “Nhưng làm sao ức chế để không có niệm khởi. Con xin được hiểu cách thức”.

Muốn tu tập không niệm khởi, Thiền Tông có nhiều cách thức tu ức chế tâm như: Sổ tức, Tùy tức, Chỉ tức, Tri Vọng, Chăn trâu, Gọi ông chủ, Tham thoại đầu, Tham công án, Niệm Phật nhất tâm, v.v... Nam Tông có pháp môn ức chế Minh Sát Tuệ (phình xẹp nơi cơ bụng).

Thầy có cái duyên đặc biệt. Hồi ra Chơn Không tu, Thầy đang là một tăng sinh chưa bao giờ tu thiền, được Hoà Thượng dạy “Biết Vọng Liền Buông”, không phải nương vào hơi thở. Vậy mà ngay giờ đầu ngồi thiền đó Thầy đã đạt được suốt 30 phút không có một niệm khởi. Tự nhiên Thầy đã có căn bản cao vậy đó. Người ta ngay cả chỉ vài phút không niệm thôi mà họ còn làm không được dù có cố gắng cao, trong khi Thầy dễ dàng làm được trong suốt cả nửa giờ. Như vậy con thấy sức tập trung của Thầy cao như thế nào. Thầy đã có một hệ thần kinh vững vàng không ai biết. Cho nên nó đã thâm sâu sẵn rồi Thầy mới vô được vậy. Thế mà với căn bản đó, Thầy đã phải trải qua suốt 9 năm trời cật lực ra công tu tập thực hiện cho bằng được pháp Tri Vọng của Hoà Thượng. Đến khi nó xuất hiện đủ 18 loại hỉ tưởng thì lúc đó là lúc pháp tưởng xuất hiện ra. Thầy thấy toàn bộ các công án bị phá vỡ hết. Thầy hiểu tất cả. Khi đó Thầy biết đã tu xong pháp Tri Vọng rồi. Nhưng lúc xả thiền ra, nhìn lại thì tâm tham sân si vẫn còn. Thầy đau lòng hết sức, hận mình đã tu với toàn lực cố gắng, cuối cùng được kết quả này mà sao nó chẳng hết tham sân si.

- “Thưa Thầy, trạng thái tâm của Không Vô Biên Xứ có tương tự với trạng thái tâm thanh tịnh của bốn Thánh Định hay khác nhau?”

Không niệm của Bốn Thánh Định thì khác hơn. Trạng thái tâm thanh tịnh của bốn Thánh Định là trạng thái không niệm dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu của Bất Động Tâm chứ không phải không niệm thiện niệm ác. Không niệm thiện niệm ác chỉ là không niệm, là không. Trạng thái tâm thanh tịnh mà không do li dục li ác pháp thì đây chỉ là trạng thái ý thức không niệm. Từ ý thức không niệm này đi vào Không Vô Biên Xứ mới được. Người này tâm phàm tục vẫn còn, chỉ đạt được ý thức không khởi vọng niệm thôi. Từ chỗ ý thức không vọng niệm thì trạng thái Không mới hiện ra, chứ không phải khi đạt được trạng thái ý thức không niệm mà nó đứng đó hoài. Tới đó thì hiện ra trạng thái Không, là trạng thái Không Ngơ, hoàn toàn không có cái gì hết, nhưng ta vẫn biết cái Không đó. Nó không nhà, không cửa, không cây cối người vật. Không mọi thứ. Nó biết rõ hết nhưng nó chỉ biết Không, ngoài ra không còn biết gì nữa hết. Tự trạng thái đó làm cho ta thấy không hết, không có niệm, không có khởi ý ra, thí dụ “À, giờ tôi muốn biết cái này, hay cái kia”. Không khởi ý được. Không biết được. Không là nó không thôi. Ở đó chỉ còn cái biết Không thôi chứ không còn cái gì nữa hết.

- “Và trạng thái tâm thanh tịnh của Thân Hành Niệm khi xuất hiện và trạng thái tâm Không này?”

Khác xa nhau. Thân Hành Niệm không niệm mà có cái lực hiện ra. Khi tâm không niệm thanh tịnh, nó vắng lặng rồi, nhưng các pháp khác tác động ta vẫn nhận biết và còn xuất hiện lực của 7 Giác Chi ra nữa, nghĩa là con có cái tâm vắng lặng thanh tịnh mà nhận biết được tất cả mọi việc. Ví dụ: nước hồ mùa thu trong veo, nhìn thấy tận đáy: cá, tôm, rùa, ốc, sỏi đá đều thấy tất cả, không có một vật gì mà không thấy. Tâm vắng lặng thanh tịnh Thân Hành Niệm cũng trong sáng có cái biết đầy đủ rõ ràng như thế. Tâm của Thân Hành Niệm không khởi niệm, thanh tịnh mà nó còn nhận biết ra cái này cái kia được. Cái lực đẩy (lực của Tinh Tấn Giác Chi) nó cũng biết; nó biết lực đó ra sao, lực đó đẩy ra sao. Niệm khác ra sao nó cũng biết được rõ ràng. Khinh an, hỉ lạc xẩy ra trong thân ta ra sao nó cũng nhận biết rõ. Nó biết hết nhưng mà nó vắng lặng vì nó không khởi niệm. Ở mức này có thể hiểu được như là trạng thái thanh tịnh của tĩnh giác. Sự Thanh Tịnh Tĩnh Giác này có được là do công phu tu tập của nhiều pháp môn đưa lại kết quả này và đồng thời nó có lực là do pháp Như Lý Tác Ý sanh ra. Bởi vì trong pháp Thân Hành Niệm có pháp Như Lý Tác Ý, khi hướng tâm là ta làm chủ, ta muốn cái gì là làm được cái ấy. Trạng thái này đức Phật gọi là Tâm Bất Động hay Bất Tử Tâm.

Còn Không Vô Biên Xứ cho dù có cái lực đẩy đó (không thể có được, đây chỉ thí dụ thôi) nó cũng không biết. Nó chỉ biết không thôi, không nhận biết được cái gì cả. Toàn bộ chỉ biết không thôi, tại thức của ta lúc đó chỉ biết nhận biết Không mà không còn nhận biết được bất kỳ cái gì nữa. Cho nên mới gọi là Không Vô Biên Xứ.

Tâm Thanh Tịnh Tĩnh Giác và Không Vô Biên Xứ cách tu hoàn toàn khác xa nhau, hoàn toàn không có gì giống nhau, xa rời hoàn toàn. Vì thế người tu Không Vô Biên không có điều kiện để làm chủ sanh tử được. Bên Không Vô Biên Xứ vô Không rồi thì không thể khởi ý muốn cái gì được, không làm được cái gì cả vì nó chỉ nhận biết không thôi. Nó không có cái thức nhận ra được cái gì thì làm sao muốn làm cái gì được, và làm sao làm được cái gì. Đây chính là căn bản mà Đức Phật xem nó và tất cả các bậc thiền Vô Sắc là Tà (tà định: Không Vô Biên, Thưc Vô Biên, Vô Sở Hữu, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng) vì không đưa đến giải thoát luân hồi. Cho nên mặc dù đức Phật đã gia công tu tập chứng đạt tất cả các bậc thiền vô sắc này chẳng khác gì các vị thầy dạy đức Phật, nhưng Ngài đã vất bỏ tất cả để tìm đường khác và Ngài đã tự tìm ra Thiền Hữu Sắc, tức 4 Thánh Định gồm Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền, mới diệt tận tham sân si để giải thoát sanh tử luân hồi.

- “Thưa Thầy như vậy thì từ Không Vô Biên nó chuyển hướng về Thức Vô Biên; từ Thức Vô Biên nó chuyển về Vô Sở Hữu; từ Vô Sở Hữu nó chuyển về Phi Tưởng Phi Phi Tưởng?”

Chỉ đi hướng đó thôi, không có cách nào nữa hết. Mà lúc Thầy vào Thức Vô Biên, phải nói cái tưởng kinh thật, nó thực hiện kinh thật chứ không phải tầm thường...

Đức Phật nói khi chứng được Thiền Hữu Sắc rồi thì vào các Thiền Vô Sắc rất dễ. Quả đúng vậy. Bởi vì khi tác ý bằng Lệnh Tác Ý thì nó vào các trạng thái Thiền đó liền, rất dễ, rất đúng, không trật. Muốn vào Định nào thì nó vô ngay là vì ta có Định Như Ý Túc, ta có Lệnh Tác Ý, nói đúng cái tên Định nào thì nó vô ngay Định đó. Bảo “Vào Không Vô Biên Xứ” hay “Vào Thức Vô Biên Xứ” thì nó thực hiện cho ta vào ngay Không Vô Biên Xứ hay Thức Vô Biên Xứ. Chỉ nói tên của Định nào thì nó tự đưa ta vào dù ta chưa kinh nghiệm các trạng thái đó ra sao hết.

Trong tâm của ta đã cấu kết sẳn hết các trạng thái Định rồi. Khi tu xong Thầy mới thấy rõ các ông Tổ này...

–  HẾT PHẦN 1 –