Skip directly to content

SƠ LƯỢC VỀ BẢY GIÁC CHI

Nếu không hiểu rõ đức Phật thì mình sẽ tu sai. Nghe kinh nói tu tập 7 Giác Chi thì phải hiểu pháp này là pháp rất quan trọng bởi vì nó có phương pháp riêng và đồng thời có năng lực, vì vậy nó có tên là Bồ Đề. Nó giải thoát thì phải có năng lực. Nếu nó không có năng lực thì không giải thoát được. Nhưng chỉ khi tâm đã an trú kéo dài ổn định và cùng lúc sung mãn 4 Niệm Xứ thì 7 Giác Chi mới có năng lực của Bồ Đề Giải Thoát. Còn khi chỉ mới an trú, chưa tu tập đúng cách của 4 Niệm Xứ, thì 7 Giác Chi này chưa có năng lực gì cả.

Thí dụ bây giờ con nhiếp tâm, an trú được, nghĩa là dù chỉ an trú trong một phút thôi hay một giây thôi thì bảy Giác Chi cũng xuất hiện ngay lúc có an trú. Cùng lúc có đủ cả 7 Giác Chi chứ không phải chỉ một. Bằng không thì không an trú được. Không an trú thì không bao giờ có 7 Giác Chi . Khi cảm thấy được khinh an thì có đủ 7 Giác Chi vào lúc đó: Tinh tấn Giác Chi, Khinh an Giác Chi, Hỉ Giác Chi, Niệm Giác Chi, Định Giác Chi, Xả Giác Chi và Trạch Pháp Giác Chi.

Mới vô đầu thì con phải chọn pháp mà tu, đó là Trạch Pháp Giác Chi. Trạch pháp là chọn lựa pháp. Muốn tác ý câu gì thì phải chọn nó. Chọn là trạch pháp. Con tác ý là niệm câu đó, là Niệm Giác Chi. Niệm Giác Chi thành tựu thì sẽ cảm thấy được khinh an, là Khinh An Giác Chi. Có Khinh An Giác Chi thì có ngay Hỉ Giác Chi. Nhận ra Khinh An vì nó làm cho con thích thú. Khi con thích thú thì sẽ siêng năng tức Tinh Tấn Giác Chi. Khi tâm bám vào trong, con không còn lưu ý ra ngoài thì đó là Định Giác Chi. Khi tâm giữ trong trạng thái thanh thản nhẹ nhàng là Xả Giác Chi.

Như vậy nó kéo nhau ra liên tục 7 Giác Chi. Vậy đừng có hiểu tôi phải tu cho tới cuối cùng mới hiện ra 7 Giác Chi. Không phải vậy. Hễ an trú được một giờ thì có 7 Giác Chi một giờ. Cho nên 7 Giác Chi cùng xuất hiện, làm cho con có năng lực, mặc dù rất nhỏ. Tu càng cao thì năng lực càng lớn.

Bảy Giác Chi sẽ có lực mạnh chỉ khi nào ta viên mãn đầy đủ 4 Niệm Xứ, chừng đó nó mới xuất hiện Định Giác Chi của Sơ Thiền trở lên. Chữ Định không phải chỉ nói riêng về bốn Thánh Định. Bốn Thánh Định là Chánh Định, còn ở giai đoạn đầu bốn Niệm Xứ là Chánh Niệm, nhưng Chánh Niệm vẫn có Định cho nên đức Phật nói Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu... Như khi có một lời nói nào làm phiền não, cơn sân khởi lên, con quán cho hạ cơn sân xuống thì đó là Định Giác Chi của tâm định. Nhờ có nó thực hiện mới phá sân được. Nhờ có nó mới phá si được. Con nên biết Đức Phật dùng chữ Định có nghĩa rộng rãi lắm. Chữ định vừa nói ở trên không phải là Định Giác Chi của 4 Thiền, đó chỉ là Định Giác Chi nằm trong nhóm của Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, nghĩa là Định trong giai đoạn 4 Chánh Cần, là giai đoạn đầu của bốn Niệm Xứ.

Còn định thuộc thân định là định tướng, nó mới thật sự là Định Giác Chi của Chánh Định 4 Thiền. Bắt đầu có Chánh Định thì định đầu tiên là Định Sơ Thiền là định của tâm li dục li ác pháp, là Định của tâm “do li dục sanh hỉ lạc ”. Qua Định Nhị Thiền thì định thuộc về thân, nó thuộc về thân định cho nên kinh nói do định sanh hỉ lạc , không còn do li dục nữa: “diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỉ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm”. Tam Thiền, Tứ Thiền là định của thân cho nên từ những định này lần lượt tịnh chỉ các hành cho thân bất động “ly hỉ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba”; “xả lạc, xả khổ, diệt hỉ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh”. Tới Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở xong là hết giai đoạn Định, chừng đó qua giai đoạn Tuệ. Bắt đầu từ đây mới gọi là Tuệ (Tuệ đúng nghĩa của ba Vô Lậu Học: Giới-Định-Tuệ). Đó là tuệ 3 Minh: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh.

Do đó chúng ta thấy rõ trước tiên là Định trong Chánh Niệm, định trên niệm cho nên chúng ta nhiếp tâm trên niệm, chứ không phải định trong thân định. Cái tâm mình an ổn là định, hay là định tĩnh, tĩnh giác. Con cần phân biệt rõ, đừng để lộn xộn. Phải thông suốt đây là Định Tĩnh, đây là Thiền Định.

Nhưng khi con tu tập hoàn mãn 19 đề mục Định Niệm Hơi Thở, nghĩa là lúc viên mãn đầy đủ 4 Niệm Xứ, thì 7 Giác Chi sẽ có lực mạnh, chừng đó sẽ xuất hiện năng lực 7 Giác Chi.

Nếu khi tập luyện thấy năng lực của đủ 7 Giác Chi xuất hiện rõ; nghĩa là khi nào đi kinh hành mà thấy có cái lực của Tinh Tấn Giác Chi đẩy thân đi lướt lướt. Con bước nhịp nhàng bình thường cũng như người bình thường bước nhưng thân của con nhẹ quá, lực đẩy giống như có gió sau lưng thổi mạnh đẩy con đi lướt trên mặt đất, dường như chân không chạm mặt đất. Đó là Tinh Tấn Giác Chi xuất hiện làm thân nhẹ đi. Lúc đó con đi trong lực đẩy của Tinh Tấn Giác Chi. Khi có lực của Tinh Tấn Giác Chi thì đi trên đất bằng hay đi trên nước, lực đó cũng đẩy đi như vậy. Con có thể lướt đi trên mặt nước, chân không chạm mặt nước. Con cảm thấy đi trên mặt nước không có gì sai khác với khi đi trên đất bằng. Đi như vậy chứ trong tâm không hề khởi ham muốn thị hiện thần thông. Nhưng có người nghĩ người tập luyện đang thực hiện thần thông. Kỳ thật tại khi tập luyện đạt đến mức tâm an tịnh thì xuất hiện trạng thái Tinh Tấn Giác Chi. Đó chỉ là do lực của Tinh Tấn Giác Chi mà người tu thành tựu. Người luyện Thân Hành Niệm sung mãn, 7 Giác Chi xuất hiện thì đều thực hiện lực này được. Tập luyện 1 giờ chưa có thì 2 giờ, 3 giờ... cho đến khi lực Tinh Tấn Giác Chi xuất hiện, sẽ thấy nó đẩy đẩy. Con dở chân lên nó đẩy lên; để chân xuống nó hút xuống. Thấy rất rõ ràng, chỉ cần đi vài bước là nó xuất hiện rồi. Đó là Tinh Tấn Giác Chi.

Còn Khinh An Giác Chi làm cho con cảm thấy thân nhẹ nhàng sung mãn, làm cho thân không cảm thấy bị đau nhức, mỏi mệt chỗ nào hết.

Hỉ Giác Chi thì có niềm vui trong hành động của mình. Đi, hay ngồi, hay tập luyện bất kỳ pháp gì cũng thích lắm. Chỉ một mình mà vui thích. Ai làm gì cũng không thèm lưu tâm tới.

Niệm Giác Chi thì con ngồi mà thấy trong thân có những hành nhịp nhàng. Tự nó có cái trạng thái nhịp nhàng đó chứ con không vận dụng nó. Tự nó thở nhịp nhàng đều đặn. Thân của con hiện giờ thở không đều đặn đâu, khi vầy, khi khác. Niệm Giác Chi là niệm trên thân cho nên khi có Niệm Giác Chi thì các hành của thân đều đặn, hành động nhịp nhàng.

Khi Định Giác Chi xuất hiện thì tâm bám chặt vào thân, không còn bung ra ngoài, ai làm gì cũng không còn lưu ý. Thấy, nghe nhưng không lưu ý. Có Định Giác Chi thì tâm bám vào trong, định trong thân; tức tâm định trong hơi thở khi ngồi, định trên bước đi khi đi. Nó chỉ lưu ý trên thân nó thôi, giống như khi đang say mê làm việc gì đó, không biết gì bên ngoài hết. Nó say mê trên thân hành của nó là Định Giác Chi. Đây chỉ mới được định tĩnh theo hành thôi mà tâm bám chặt như vậy đó. Chưa phải là Chánh Định của 4 Thiền đâu. Trong khi có Định Giác Chi thì con ra lệnh cái gì nó liền làm theo cái ấy. Thí dụ con ra lệnh “Đi trên sông!” thì nó đẩy con đi trên sông mà không chìm. Nếu con bảo “Đi luôn qua bên kia sông!” thì nó đẩy đi luôn qua bên bờ kia sông, bước đi trên mặt nước (Người ta nói ông này là ông Thần rồi!). Trong thân có bệnh đau gì thì nó cũng đẩy bật ra hết, không còn đau bệnh nữa.

Cho dù Giác Chi nào sanh khởi thì cũng đừng lưu ý tới nó. Nó sanh ra thì cứ để tự nhiên cho nó sanh, con cứ ôm pháp mà tập luyện. Các trạng thái năng lực của Giác Chi trợ giúp con tập luyện thôi. Khi lưu ý tới nó, thấy nó hay hoặc dở là con bị phân tâm. Cứ theo hành động nhịp nhàng đó, ôm pháp mà tập luyện thì càng ngày lực 7 Giác Chi càng tăng trưởng.

Nhưng khi tâm chưa li dục li ác pháp hoàn toàn, nghĩa là luyện 4 Niệm Xứ chưa viên mãn, mà thấy lực đẩy xuất hiện, thì coi chừng bị ma. 10 Lực này là 10 Lực MA, nó làm cho mình bị nguy hại như thấy vui mừng, thích được nổi tiếng, muốn biểu diễn cho người ta biết. Đó là lục thông, ngũ thông của ngoại đạo. Những cái đó làm cản lối, không phát triển các Thần lực Thân Hành Niệm lên được. Nó chận đứng lại, không tăng thêm lực được nữa.

Khi thấy có lực như vậy thì phải dừng pháp Thân Hành Niệm lại vì chưa viên mãn 4 Niệm Xứ. Phải trở lại luyện 4 Niệm Xứ để quét sạch chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm, pháp cho xong rồi trở lại pháp Thân Hành Niệm thì mới được tốt đẹp. Sau khi hoàn mãn 4 Niệm Xứ nghĩa là khi tâm không còn phóng niệm nữa mà không phải bị ức chế, lúc nào cũng thấy thân tâm nhẹ nhàng thanh thản trong mọi tình huống oai nghi; đi thì biết đi, chẳng cần dụng ý mà ý chỉ như người gác cửa thôi. Lúc đó mới là lúc chuyển qua Thân Hành Niệm thì năng lực 7 Giác Chi xuất hiện ngay liền. Dùng tâm thanh thản thanh tịnh của hoàn mãn 4 Niệm Xứ mà luyện pháp Thân Hành Niệm thì lực truyền của nó giúp cho năng lực đủ 7 Giác Chi xuất hiện. Chỉ khi luyện pháp Thân Hành Niệm đúng thời thì nó mới thực hiện 10 Thần Lực Như Lai (tức 4 Như Ý Túc). Không phải luyện lâu đến 12 giờ đâu.

Tuy đức Phật nói pháp ta không dạy thần thông, nhưng sự thật có thần thông mà vì thần thông đó không phải là mục đích của đạo Phật. Các năng lực thần thông này được thực hiện chỉ để giúp tâm có đủ sức mạnh nhập các Định. Chỉ năng lực 7 Giác Chi mới đủ sức mạnh để diệt tầm diệt tứ, mới đủ sức mạnh để diệt được các trạng thái tưởng của tâm, mới đủ sức mạnh để tịnh chỉ hơi thở và tịnh chỉ các hành trong thân. Nếu không có năng lực 7 Giác Chi thì các cái đó không tịnh chỉ, không diệt được.