Skip directly to content

TUỆ BA MINH

Túc Mạng Minh thuộc Tuệ 3 Minh (gồm có Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh) không có vấn đề thời gian và không gian. Cái biết của Túc Mạng Minh quá khứ cũng như hiện tại đều là HIỆN TẠI BIẾT. Người ta không hiểu điều này nên họ nói dùng trí tuệ Túc Mạng Minh nhớ lại. Họ nghĩ là dùng ý thức nhớ lại, tương tự như chuyện xẩy ra ngày qua, nay chúng ta nhớ lại. Đó là ý thức nhớ lại. Tuệ Túc Mạng Minh không nhớ lại như vậy.

Khi nói tuệ Túc Mạng Minh không có thời gian và không gian, điều này rất khó hiểu. Chẳng hạn khi muốn biết một việc gì ở quá khứ thì họ liền sống trong thời gian quá khứ đó. Vì họ là người đã tu chứng đạo nên tâm họ luôn sống trong trạng thái định bất động tâm của 4 NIỆM XỨ, chứ không phải sống như tâm trạng của người phàm phu. Cho nên khi ý thức họ muốn thực hiện TÚC MẠNG MINH trở về đời sống quá khứ thì liền đó họ sống trở lại ngay thời điểm đó trong quá khứ đó, họ biết rõ như thật sự việc đã xẩy ra, diễn ra, trong khi họ đang sống hít thở không khí trong đời sống hiện tại. Nói gọn là không phải nhớ mà sống trở lại. Cũng không phải như người đang ngủ nằm mộng vì người này đang sống trong mộng, đang sống trong tưởng thức. Cho nên nói khi thực hiện TÚC MẠNG MINH vị này nhớ lại là sai mà nói như sống trong mộng cũng là sai. Tuệ Túc Mạng Minh là tâm thức hoạt động, chứ không phải ý thức và tưởng thức . Ý thức và tưởng thức ngưng họat động thì tâm thức mới hoạt động. Thí dụ khi Thầy muốn biết về một sự việc nào vào thời điểm nào trong quá khứ, ở tại đâu thì Thầy là người chứng đạo đang ở trong định Bất Động Tâm nên hướng tâm sống lại trong lúc đó ở chỗ đó rất dễ dàng. Thầy dùng Túc Mạng Minh là Thầy sống lại trong thời đó mặc dù việc đó đã xẩy ra cách đây 100 năm hay 1,000 năm, nếu muốn biết nó thì Thầy sống trở lại thời gian đó ngay liền vào lúc sự việc đó đang xẩy ra. Đó gọi là tuệ Túc Mạng Minh. Vì thời gian của Tuệ Túc Mạng Minh không có nên nó rất nhanh, và muốn lúc nào tức thì nó trở về ngay thời điểm đó. Chỉ một tích tắc thôi là cả một đời sống trong đó.

Khi chứng 3 Minh thì nghiệp ác không còn, chỉ duy nhất còn có nghiệp thiện, nhưng nghiệp thiện ấy không phải thiện hữu lậu mà thiện vô lậu. Người chứng 3 Minh dù làm tất cả những việc thiện hữu lậu nhưng tâm luôn trở về thiện vô lậu. Nói như vậy con phải hiểu: MINH tức là VÔ LẬU. Với tâm vô lậu làm việc thiện thì việc thiện nào cũng trở thành thiện vô lậu. Con có biết thiện vô lậu là gì không? Là tâm thanh thản an lạc và vô sự. Đó là trạng thái LẬU TẬN MINH. Vì thế cái biết 3 Minh không liên quan chi tới nghiệp tái sanh, không liên quan chi tới cái thân nhân quả này.

Trong kinh Bát Thành có tám pháp độc nhất tu tập để chứng đạt chân lí. Tám pháp này tu tập dẫn đến đạt được mục đích tâm vô lậu hoàn toàn: “tâm vị ấy chưa giải thoát được giải thoát, và các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, và pháp vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt…” (Kinh số 52, kinh Bát Thành, Trung Bộ II, trang 34). Nói đến vô lậu là nói đến 7 Giác Chi; nói đến 7 Giác Chi là nói đến 3 Minh; nói đến 3 Minh là nói Tâm Vô Lậu. Chúng chỉ khác tên chứ tính chất không khác.

Trong bộ não của chúng ta có ba nhóm tế bào: nhóm tế bào não ý thức, nhóm tế bào não tưởng thức và nhóm tế bào não tâm thức. Cả ba nhóm tế bào não này chứa đựng và thực hiện cái biết của một người còn sống. Khi đang còn thân nhân quả này thì chúng ta sử dụng tế bào não thuộc tâm thức cho trí tuệ 3 Minh. Khi chúng ta chết rồi, tế bào não thuộc tâm thức vật chất chết rồi, cùng với các nhóm tế bào khác của não, thì cái biết của ý thức, của tưởng thức, của tâm thức không còn, tức là 3 Minh không còn. Nhưng lực không tham, sân, si, mạn, nghi là lực của 3 Minh vẫn còn. Lực không tham sân si này hoàn toàn do pháp Như Lý Tác Ý tạo thành. Khi tập luyện pháp môn Như Lý Tác Ý thì phải dựa vào bộ não (ý thức), mà khi thành tựu Lực Như Lý Tác Ý rồi thì nó là  Năng Lực 7 Giác Chi . Năng Lực 7 Giác Chi là 4 THẦN TÚC. 4 Thần Túc là 3 Minh.

Trong 3 Minh có LẬU TẬN MINH. Lậu Tận Minh là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ hay nói cách khác là  tâm thanh thản, an lạc, vô sự . Nhưng tâm thanh thản, an lạc, vô sự là DIỆT ĐẾ. Diệt Đế là một trong 4 chân lí KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO của Đạo Phật; trong đó Diệt Đế là NIẾT BÀN. Cho nên thân tâm có hoại diệt nhưng Niết Bàn không hoại diệt.

Khi chúng ta chết rồi, cái biết của ý thức, của tưởng thức và của tâm thức không còn vì chúng phụ thuộc bộ não, nhưng cái lực của tâm không tham sân si do ý thức tu tập theo pháp Như Lý Tác Ý thì vẫn còn, không mất. Điều này không khác với nghiệp lực tham, sân, si, mạn, nghi do thân tâm VÔ MINH tạo thành. Bởi lẽ khi thân tâm hoại diệt thì nghiệp lực do tâm tham, sân, si, mạn, nghi này tạo thành vẫn còn và nó tương ưng (trùng hợp và lôi cuốn) với từ trường thiện- ác mà tái sanh luân hồi. Cho nên khi lìa bỏ thân này thì cái 3 Minh vẫn còn, không biến mất theo với sự hủy hoại của tế bào não bộ (vì nó cũng là nghiệp nhưng là nghiệp toàn thiện). Lực của tâm không tham sân si chính là lực của 7 Giác Chi được tạo thành do ý thức tu tập như Thầy đã nói. Tuy thân này không còn, nhưng lực của tâm không tham sân si tức lực 7 Giác Chi điều khiển được cái biết. Lực của 7 Giác Chi là lực của tâm không tham sân si, là lực vô lậu. Trong 3 Minh có Lậu Tận Minh. Vì thế Lậu Tận Minh là cái TÂM VÔ LẬU.

Khi luyện 4 Niệm Xứ được hoàn toàn sung mãn rồi thì năng lực 7 Giác Chi xuất hiện ra. Năng lực 7 Giác Chi là lực của tâm không tham sân si. Cho nên tâm dù còn chỉ một chút xíu tham sân si thì năng lực 7 Giác Chi đúng mức không xuất hiện ra đâu. Lực của tâm không tham sân si là lực của 7 trạng thái Bồ Đề giải thoát, nó điều khiển bởi Trạch Pháp Giác Chi. Mặc dù lúc đó thân này đã bị hủy hoại rồi, nhưng lực 7 Giác Chi đó vẫn còn. Khi nó không cần thể hiện trong dạng này hay dạng khác thì nó thanh thản an lạc vô cùng. Nó tương ưng với mọi tâm không tham sân si, tức mười phương chư Phật, chư vị A-La-Hán.

Năng lực 7 Giác Chi của các tâm không tham sân si không khác nhau, như một, cho nên người ta lầm tưởng nó là Đại Ngã, rồi Tiểu Ngã là từng cá nhân. Nhưng không phải thế. Năng lực 7 Giác Chi của các tâm không tham sân si tương ưng nhau. Có giống nhau mới tương ưng. Khi hai người giống hệt nhau thì không có gì để nói có khác nhau.

Ba Minh cũng vậy, nó tương ưng với nhau nhưng vẫn hai người, vẫn là nhiều người chứ đâu có hoà lẫn nhau thành một khối được. Nó chung khối nhưng không hoà. Con không tham sân si, Thầy cũng không tham sân si, hai người vẫn là hai người chứ đâu thành một được. Chẳng khác gì hai đứa sanh đôi, gương mặt chúng không có gì sai khác nhau nhưng hai đứa chứ đâu phải một, nó chỉ giống nhau thôi. Ở đây ý thức phàm phu không thể hiểu được và cũng không có ngôn ngữ để diễn đạt “Mình với tôi tuy hai mà một, tôi với mình tuy một mà hai.”

Lực của 7 Giác Chi bằng nhau, không khác, không nhiều hay ít hơn. Trong 7 Giác Chi thì có Khinh An Giác Chi. Khi nó muốn biết khinh an thì nó dùng Trạch Pháp Giác Chi để trạch pháp cho Khinh An Giác Chi xuất hiện ra, thì nó biết khinh an. Khi không cần biết khinh an thì Khinh An Giác Chi vẫn còn đó. Cho nên nó hay lắm. Khi không cần thiết thì không có cái biết ở trong đó. Khi nó không thành cái biết thì nó không biết, nhưng khi nó trạch ra thành cái biết thì nó biết.

Khi lực 7 Giác Chi muốn biết một cái nó cần biết, thí dụ nó muốn biết khinh an thì nó xuất hiện trạng thái khinh an liền. Nó thực hiện các Giác Chi mà không cần cái thân nhân quả này đâu. Nó hay ở chỗ đó. Nó không có cái biết, nhưng khi muốn biết thì nó trạch pháp ra nó biết bởi vì trong 7 Giác Chi có Trạch Pháp Giác Chi mà Trạch Pháp Giác Chi thì có năng lực trạch ra các pháp.

Như bây giờ Thầy nhập Tứ Thiền thì trạng thái Tứ Thiền có trạng thái không thở, nghĩa là hơi thở tịnh chỉ. Chỉ người có năng lực 7 Giác Chi, trong đó có Trạch Pháp Giác Chi, mới nhập được Tứ Thiền. Khi Trạch Pháp Giác Chi tác ý ra hơi thở thì bắt đầu có hơi thở thở liền! Tại hơi thở là Pháp của 7 Giác Chi mà vì thân lúc bấy giờ đang không thở nên nó trạch pháp hơi thở là thân có hơi thở chút xíu, từ đó hơi thở bắt đầu, rồi thân bắt đầu thở chầm chậm.

Ngược lại, nghiệp lực tham sân si do ý thức bị vô minh chạy theo ngũ dục lạc tạo thành. Tham sân si thì có lực tham sân si. Lực tham sân si tương ưng với mọi người, mọi loài thú vật, tương ưng với tái sanh, vì còn có tham, sân, si thì còn tái sinh. Có tham, sân, si là có hợp duyên của cái biết trong vô minh. Và nghiệp lực  tham, sân, si điều khiển  cái nghiệp  tham, sân, si đi tái sanh . Nếu nó không tái sanh thì chắc chắn là nghiệp tham sân si này không có và nghiệp tham, sân, si này không thể tồn tại được ở trạng thái không tái sanh. Chung quanh nó toàn là nghiệp tham sân si vì thế nó tương ưng nhau cho nên hợp duyên sanh ra, mới có cái biết trong tham sân si. Khi hợp duyên đủ có thân người thì liền có ba cái biết (y thức, tưởng thức và thức thức). Cái có tham sân si thì nó cuốn theo tham muốn chứ không thể không tham muốn, không thể không tham sân si như 7 Giác Chi thanh tịnh được. Cho nên còn nghiệp tham sân si này thì không thể có lực 7 Giác Chi nên không có được cái biết của 7 Giác Chi. Chỉ khi có tu tập và tu tập đúng Chánh Pháp Phật mới thành tựu lực 7 Giác Chi. Lực không tham sân si, tức lực 7 Giác Chi, tuy không còn thân người nhưng vẫn có.