Skip directly to content

A.- ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ

Luyện đề mục trước có kết quả rồi mới nên chuyển qua đề mục kế tiếp. Nếu đề mục trước chưa kết quả mà chuyển lên tập luyện đề mục sau thì không thể có kết quả, chỉ tu tập chơi thôi, không lợi ích đâu. Có kết quả của đề mục trước làm nền tảng để tập luyện đề mục sau. Rồi đề mục sau này có kết quả, mới dùng kết quả đó tập luyện cho đề mục kế nữa. Không theo cách như vậy thì sự tu tập không có kết quả nào hết. Đó là sai.

Đây là bảng liệt kê 19 đề mục của Định Niệm Hơi Thở. Con khởi tập với đề mục số 1.

Đề Mục 1: Tĩnh Giác Đếm Không Lộn

1.- Giải Thích Căn Bản

Khi tập đề mục 1 của Định Niệm Hơi Thở, chỉ nhắm vào đếm không lộn. Nếu có niệm hiện khởi trong trí, trong tâm thì kệ nó, đừng lưu ý. Tâm chỉ bám vào hơi thở, biết hơi thở, đếm đủ số 5 hơi, nín thở tác ý. Không quan trọng về niệm mà quan trọng về pháp dẫn, tức pháp tác ý. Mục đích của pháp dẫn hơi thở là đếm đừng lộn, tức là tĩnh giác, chứ không phải ức chế cho tâm hết vọng tưởng. Nếu cố gắng làm cách này hay cách khác cho không có vọng tưởng, cho hết vọng tưởng là sai, là ức chế tâm. Không cần lưu ý có hay không có vọng tưởng, mà chỉ một bề theo dõi hơi thở và đếm số hơi thở, đủ năm hơi lặp lại câu tác ý của đề mục. Đó là dùng hơi thở, dùng tĩnh giác trong hơi thở để chế ngự tâm. Con nên hiểu pháp Phật là pháp chế ngự, không phải ức chế. Hai pháp khác biệt nhau rất xa.

Niệm vọng tưởng là một sự tự nhiên đối với người mới tập luyện. Có “vọng tưởng” hay không có “vọng tưởng” không quan trọng, không quan hệ gì. Vọng tưởng có xẩy tới trong khi đếm hơi thở thì khi tác ý chắc chắn vọng tưởng phải bị cắt đoạn, phải bị tiêu trừ. Thí dụ đếm đến hơi thở thứ ba thì có niệm vọng tưởng xen vô, nếu tĩnh giác tác ý ở hơi thở thứ năm thì vọng tưởng bị ngưng, hết vọng tưởng. Vì khi tác ý thì tĩnh giác trong câu tác ý, rồi tĩnh giác biết hơi thở. Tĩnh giác ở chỗ nhớ đếm, và tĩnh giác biết hơi thở vô ra. Cứ như vậy mà tập luyện.

Người ta bị lầm lạc bằng cách dùng hơi thở để tác ý cho hết vọng tưởng. Đo là sai. Con cứ để tự nhiên, chỉ biết hơi thở vô ra và đếm đừng lộn. Đừng cố gắng cùng lúc tập trung đếm hơi thở và tập trung giữ không niệm. Hãy để tâm tự nhiên, chỉ giữ đúng 5 hơi thở thì lặp lại câu tác ý.

Đừng quên nhắc câu tác ý. Quên lập lại câu tác ý thì ý thức bị chìm vào trong tưởng thức, do kẽ hở đó Ma Tưởng xen vào. Cũng không nên đếm kéo dài lên tới 10 hay 20 hơi thở, vì chắc chắn sẽ bị tưởng chi phối. Chỉ chăm chú năm hơi thở thôi, phải tác ý để hoàn toàn tĩnh giác. Lúc này có hay không có niệm không quan trọng bởi tới đề mục thứ 7 là phương pháp dẫn tâm vào yên tịnh, không niệm khởi.

2.- Thực Hành Tập Luyện Đề Mục 1

Hãy để tâm nhẹ nhàng biết hơi thở vô ra và tập gom tâm.

Hãy làm như vầy: Ngồi kiết già (ngồi tréo chân). Nếu ngồi kiết già chưa được thì tạm thời bán già, (và rảnh rỗi thì tập ngồi kiết già cho quen. Khi ngồi kiết già lâu khoảng 30 phút không thấy tê chân thì mới được ngồi kiết già để tập hơi thở). Hai tay úp trên đầu gối; hoặc buông thỏng trước hai ống chân; hoặc đặt trên hai gót chân, bàn tay để ngửa chồng lên nhau tựa sát bụng. (Khi đã an trú tâm vào hơi thở thì hai tay để ngửa chồng lên nhau sát bụng là tư thế tốt nhất). Nói chung tay để đâu cũng được miễn thấy thoải mái. Không nhúc nhích động đậy, nhưng không được gồng cứng cơ bắp. Ngồi như thế và giữ yên tịnh toàn thân thoải mái từ 2 tới 5 phút.

Bắt đầu từ từ hít vào một hơi thở chậm, nhẹ và dài, đầy ngực (hơi nâng người lên, không phình bụng). Khi hít vào hết sức thì thở ra cũng chậm nhẹ và dài. Hơi thở này nhằm mục đích gom tâm về một điểm và làm cho đầu, thân và lưng thẳng đứng mà không ưỡn tới trước hay khòm xuống theo thói quen. Giữ tư thế này của thân trong suốt buổi ngồi thiền. Sau đó thì trở lại hơi thở bình thường.

Mắt nhìn phớt chót mũi nhưng tập trung hoàn toàn sự chú ý vào một điểm ở nhân trung, gần chân mũi, tâm nhẹ nhàng biết hơi thở vô ra ngang qua điểm này. Con nên lưu ý: Trong khi chưa quen với sự tập trung trong hơi thở – nói chung đối với mọi người mới tập – lúc đầu phải tập trung hai mắt nhìn chóp mũi và ý tập trung ở nhân trung để thấy hơi thở ra vô – nếu bị nhức mắt do điều tiết mạnh thì có thể lâu lâu nhìn điểm nối thẳng từ mắt-chót-mũi xuống mặt sàn, hay nhìn thẳng tới trước mặt một lúc nhưng tâm thì vẫn gắn chặt vào điểm ở nhân trung. Nhờ đó mà bớt căng mặt, mà sức gom lại mạnh hơn là cứ nhìn chăm chăm vào chóp mũi.

Nín thở và tác ý thầm: "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra". Tác ý xong thì đếm "Một". Để cơ thể hít vô thở ra một cách tự nhiên và theo dõi nhận biết hơi thở đi vô, rồi hơi thở đi ra. Chú ý kĩ luồng hơi đi vô khi hít vô, đi ra khi thở ra, cảm nhận biết luồng hơi thở đi ngang qua điểm ở nhân trung gần chân mũi (không được dẫn sự chú ý chạy theo hơi thở vào lồng ngực rồi từ lồng ngực chạy ra). Ngắn gọn là tập trung tinh thần, chú ý vào hơi thở đi vô, đi ra ngang qua nhân trung, hoàn toàn không lưu tâm đến bất kì điều gì khác. Tâm phải tỉnh táo sáng suốt biết rất rõ và theo dõi kĩ từ lúc hơi thở bắt đầu đi vô cho đến khi hơi thở đi ra chấm dứt. (gọi là tĩnh giác nhận biết rõ hơi thở vô, ra).

Sau khi dứt hơi thở ra thì đếm “Hai” (đếm ngay trước khi hít vô), và tiếp tục theo dõi hơi thở đi vô rồi đi ra như hơi thở số “Một”. Theo dõi và đếm như vậy 5 lần. Sau mỗi 5 lần hít thở thì lại nín thở lập lại thầm câu tác ý: "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra". Rồi lại đếm từ “Một” tới “Năm”. Chỉ nên hít thở nhẹ nhàng bình thường, lưu ý gom tâm biết rõ hơi thở đi ngang qua điểm nhân trung và đếm không lộn. Cứ đếm đủ 5 hơi, tác ý; không quên là đúng.

Hơi thở chỉ dài vừa sức nghĩa là hơi thở như thế nào thì giữ như vậy, không nên thay đổi dài ra ngắn, ngắn ra dài; mạnh làm yếu đi, yếu làm mạnh lên. Không làm gì đăc biệt. Hãy để tự nhiên, không làm mất tự nhiên. Không thay đổi thói quen.

Nếu thấy câu tác ý “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra” dài, phải nín thở lâu, cảm thấy khó chịu thì tuỳ nghi cắt bớt cho ngắn để có thể nín thở tác ý mà không thấy thân có khó khăn gì. Thí dụ con có thể tác ý như vầy “Hít vô.
Thở ra”
hay “Hít vô, tôi biết. Thở ra, tôi biết”. Nếu câu tác ý dài, cần nín thở lâu để tác ý cho hết câu, thì đến khi hít vô và thở ra sự chú tâm theo dõi hơi thở đi vô và hơi thở đi ra kĩ hơn, rõ sát hơn. Câu tác ý dù như thế nào, dài hay cắt ngắn bớt, khi tác ý xong, thì:

Tâm theo dõi kĩ hơi thở đang hít vô, rồi hơi thở đang thở ra, từ lúc khởi động vô, kéo dài cho đến khi ngưng hít vô, rồi bắt đầu thở ra, kéo dài cho đến khi hết thở ra.

Phải tác ý đủ cả câu “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra”, đừng cắt làm hai, phần hít vô, rồi phần thở ra. Nếu cắt làm hai, con nín thở tác ý phần hít vô xong hít vô, lại nín thở để tác ý phần thở ra. Nín thở và tác ý trong khi ngực đầy hơi sẽ sinh ra sự tồn hơi trong ngực, lâu ngày sẽ sanh bệnh. Ở đây nín thở tác ý khi ngực hết hơi sẽ không có hại gì mà tâm bám sát được hơi thở đi vào và đi ra.

Nhớ phải giữ đúng 5 hơi thở vô ra tác ý một lần, đều đặn như vậy, không được đếm lố lên 6, 7. Đếm lố lên 6, 7 hơi thở là thiếu tĩnh giác. Phải tĩnh giác trong từng hơi thở, trong suốt 5 hơi thở. Chỉ khi thiếu tĩnh giác, bị quên, mới đếm thiếu, đếm lộn, đếm dư.

Khi mới tập thì chỉ nên tập từ 1 đến 5 phút, nghỉ 5 phút rồi tập tiếp. Khi nghỉ xả giữa hai lần tập thì ngồi thoải mái, không làm gì khác, không suy nghĩ gì nhiều. Trong khi tập phải kiểm soát xem cơ thể có trạng thái khác lạ khó chịu gì xảy ra không, như nặng đầu, nặng mặt, choáng váng, ù tai... Nếu có thì ngưng tập vì đó là hiện tượng ức chế tâm sinh rối loạn hệ thần kinh, cơ bắp.

Hãy luyện như vậy một thời gian cho quen thuộc, cho thuần thục ít nhất cũng một tuần lễ. Khoan thay đổi gì hết dù cái biết hơi thở không bị gián đoạn do tạp niệm xen vào trong thời gian 5 phút đó.

Một ngày tập luyện bốn thời: sáng, chiều, tối, khuya. Khi đang tập hơi thở mà cảm thấy sắp buồn ngủ thì đứng dậy đi. Thí dụ thời sáng con lưu ý thấy đúng vào một giờ nào đó trạng thái buồn ngủ xảy tới thì trước lúc tới giờ đó, độ 1, 2 phút, con đứng dậy đi kinh hành. Kinh hành nhưng vẫn giữ pháp môn Định Niệm Hơi Thở. Đừng chờ cho đến khi buồn ngủ, ngủ gục rồi mới đứng dậy đi là quá trể. Lúc đó con đi mà tâm trí vẫn ở trạng thái mê mê, bước cao bước thấp, lũi qua lũi lại.

3.- Tập Hơi Thở Khi Ngồi Buồn Ngủ

Khi bị buồn ngủ, ngủ gật, con sử dụng cách đi để tập Định Niệm Hơi Thở. Phối hợp giữa hành đi và hít vô, thở ra đều đặn, phối hợp tác ý sau mỗi 5 hơi thở. Đó là cách thức thiện xảo trong bước đi và hơi thở. Do ngồi bị buồn ngủ nên phải tập Định Niệm Hơi Thở trong khi đi, vì đi làm thân động nên tỉnh táo hơn ngồi, ích lợi nhiều hơn. Sử dụng được thân hành đi và hơi thở nhịp nhàng thì tránh được buồn ngủ, ngủ gật (hôn trầm), mất hay không chú ý (vô ký) và lười biếng.

Trước khi cơn buồn ngủ tới thì đứng dậy đi nhưng tập thì giống như khi đang ngồi. Khi đó tâm bị phân ra vừa biết hơi thở mà cũng vừa biết bước đi. Phải tập như thế nào để tâm chỉ biết hơi thở thôi, chứ không để nó vừa biết bước đi mà cũng biết hơi thở.

Trước khi đi, phải tác ý: “Tâm phải biết hơi thở, không được biết bước đi!”, rồi mới tập trung vào hơi thở. Khi đi mà tập trung nhìn ở nhân trung thì khó đi, nên phải nhìn ra bên ngoài, hãy nhìn tới trước, trên đường đi kinh hành một khoảng độ 2 thước, nhưng tâm hoàn toàn tập trung vào hơi thở. Đó là điều đức Phật thường dạy “thiện xảo”. Cứ mỗi lần thấy tâm bị phân ra vừa biết hơi thở, vừa biết bước chân đi thì nhắc câu tác ý để nó quay trở về với hơi thở. Vừa đi chậm chậm vừa nhiếp tâm vào trong hơi thở. Như vậy con vẫn giữ đúng thời gian tập luyện hơi thở và đồng thời huấn luyện được pháp hướng tâm nữa.

Pháp Định Niệm Hơi Thở, đề mục 1 kết quả của nó chỉ là sự tĩnh giác thôi. Nhưng khi chuyển sự tĩnh giác đó qua kinh hành thì nó phụ trợ cho bước đi kinh hành để phá buồn ngủ. Khi đếm đến 6, 7 là bị quên, thiếu tĩnh giác. Không lộn là đã tĩnh giác. Khi đã được tĩnh giác trong hít thở rồi thì ứng dụng kết quả qua Chánh Niệm Tĩnh Giác tức đi kinh hành. Nhờ tĩnh giác đó mà đi càng được tỉnh. Vậy nên khi bị buồn ngủ, ngủ gật, hãy đi để động thân và dùng pháp tác ý để phá cho được. Khi luyện như thế sẽ có nội lực, dùng nội lực quét cho hết si, cho thật được tĩnh giác.

Con cứ đi tới đi lui nhưng vẫn tu tập Định Niệm Hơi Thở, vẫn dùng các câu tác ý của Định Niệm Hơi Thở mà tập. Các đề mục 1, 2, 3, đó mang lại kết quả ở trong tâm chứ không phải ở trong chỗ ngồi yên lặng. Ngồi chỉ là điều kiện để gom tâm cho dễ mà thôi, không phải ngồi để tâm thanh tịnh. Đi hoặc ngồi đều là điều kiện tốt giống nhau để tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là do chỗ xả tâm.

Giai đoạn này con cần luyện li dục li ác pháp ở trong tâm chứ không phải ở trong thân, cho nên đi hoặc ngồi không là vấn đề quan trọng, mà mục đích làm sao tập gom tâm cho được (tức an trú tâm vào hơi thở). Khi tập luyện tới thân thì giới là định, lúc đó con cần dừng một hành nào đó của thân. Thí dụ hành thân thuộc về tầm tứ, giờ muốn dừng nó thì mắt, tai, mũi, miệng không được hoạt động nữa. Pháp đó thuộc về thân thì bắt buộc thân phải ngồi, chứ thân đứng hay đi thì không làm sao tu tập được. Hành dừng thì thân làm sao đi được. Còn bây giờ pháp tu tập là cái tâm, con đi thì cũng tập luyện cái tâm, con ngồi thì cũng tu tập cái tâm. Hiểu như vậy thì không tập luyện sai đâu. Cứ ôm đúng pháp mà tu tập, khi đi cũng giống như khi ngồi. Cần phải tĩnh giác trong khi tập luyện.

Luyện Định Niệm Hơi Thở trong khi đi thì hơi thở động mà thân cũng động nữa. Tâm phải phân trên hai hành động đó nên tu tập hơi khó. Tập để tâm chỉ biết hơi thở mà thân vẫn đi thì hơi thở không còn bình thường như khi ngồi, vì khi ngồi tâm dễ gom và hơi thở nhẹ nhàng hơn. Còn khi đi, luôn luôn có tướng động của thân do đó tâm khó gom hơn so với khi ngồi. Nhưng nương vào hơi thở khi đi là để luyện các đề mục hơi thở này cho có kết quả trong khi ngồi bị buồn ngủ, ngủ gật. Mặc dù hơi thở có thay đổi nhưng con chỉ nương vào hơi thở thôi. Hơi thở là phụ mà những đề mục trong Định Niệm Hơi Thở là chánh.

Nếu bị buồn ngủ quá nặng trong khi tập luyện hơi thở thì nên tập ngược trở lại. Ngồi được một tác ý không buồn ngủ thì ngồi. Khi có buồn ngủ thì đứng dậy đi. Ngồi được hai tác ý không buồn ngủ thì ngồi hai tác ý... Cứ vậy mà tập cho đến chừng ngồi mà không còn buồn ngủ, ngủ gật nữa là thành công ngồi suốt thời khóa. Tập như vậy là thiện xảo. Khi tập luyện nên thiện xảo khéo léo trong mọi trường hợp, linh động để đạt cho được mục đích của pháp đang luyện. Không phải pháp này ngồi là phải ngồi; pháp kia đi là phải đi. Không bắt buộc như vậy.

Khi bị buồn ngủ thì đi theo cách thức như sau: Đưa chân thẳng tới, dở cao, hạ xuống, và tác ý câu:  “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi đi kinh hành” trong khi đi. “Biết” tác ý cho mạnh. Nếu sử dụng câu này trong khi đi mà đã có hiệu quả, có kết quả tỉnh táo thì trong khi ngồi bị buồn ngủ, con cũng tác ý câu đó: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô; với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra”. Tác ý và cố giữ tâm cho tỉnh táo. Thật ra thì tâm lúc đó đã bị mê mờ. Tuy nhiên cố gắng làm sao để càng được tỉnh táo càng hay. Cứ mỗi một hơi thở tác ý một lần rồi thở cho thật sạch thì có thể phá buồn ngủ được nhưng không bằng cách đi kinh hành. Kinh hành dễ phá buồn ngủ hơn. Tuy nhiên nếu đi nhẹ nhẹ cũng khó phá được. Thí dụ như khi thức dậy, không còn buồn ngủ nhưng có uể oải, lười biếng, thì con ra sân đi kinh hành dở cao chân và đạp mạnh xuống, chỉ độ 20 lần cũng phá được lười biếng này rồi. Đó là những cách cần thiết để phá trạng thái si ám trong người. Người nào cũng có cái si này.

Tu tập đúng pháp thì lấy pháp để trị chứ không lấy gì khác. Trị buồn ngủ, ngủ gật mà chạy thì không đúng pháp. Phải tác ý “Không buồn ngủ nữa nghe! Phải tỉnh! Đi phải biết bước đi!” . Cứ nhắc câu tác ý hoài cho có lực. Tập tĩnh giác và tác ý để hai pháp này kết hợp với nhau ta mới dẹp được giặc si này, đó là giặc sanh tử, đối tượng của sự tu tập. Khi tu tập thì sự buồn ngủ, ngủ gật là lực của giặc sanh tử hiện ra đánh mình.

4.- Phá Trừ Cảm Giác Tưởng

Dù cho không có trạng thái khó chịu gì xẩy ra, nhưng cũng đừng gom tâm nhiều. Khi gom nhiều thì có thể có cảm giác ở nhân trung nằng nặng. Nếu bị vậy thì tác ý bảo “Nhân trung không được có cảm giác nặng gì hết! Hãy bình thường đi!”. Tác ý vậy thì cảm giác nạng đó biến mất, không bị sanh ra cảm giác tưởng. Cái tưởng dựa vào chỗ mình gom tâm tạo thành cảm giác tưởng. Thí dụ nó làm cho mình càng lúc càng cảm giác nặng nhiều lên; càng ngày càng nặng nhiều thêm ở chỗ đó. Nếu không biết cách giải trừ thì nó bành trướng ra. Do vậy, khi thấy cái gì không đúng thì dùng ý thức lực mà giải trừ, mà ngăn chặn. Con tác ý “Cảm giác nặng này hãy dừng, không được hiện ra”, xong mới tác ý đề mục 1 Định Niệm Hơi Thở. “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra”

Trên đường tu tập từ đây về sau, con thấy trong người có hiện tượng gì lạ thì dùng ý thức tác ý cho nó hết. Luôn luôn phải ở trong pháp thôi, còn các trạng thái hỉ lạc, khinh an gì gì, đừng quan trọng với nó. Chỉ ôm pháp thôi, cho tới khi luyện các đề mục tạo ra cảm giác nào mà có cảm giác đó thì mới là kết quả thật của đề mục. Bây giờ con cần biết hơi thở vô và hơi thở ra, cứ 5 hơi tác ý và chỉ biết hơi thở thôi, không biết cảm giác nào khác.

Trong khi tập luyện Định Niệm Hơi Thở đề mục 1 và 2 hay 3 cũng như đề mục 4, không nên ngồi nhiều mà phải đi, vì ngồi nhiều sẽ bị tưởng. Khi đi, thân hoạt động nên tưởng không xuất hiện được. Con ôm chặt các đề mục của Định Niệm Hơi Thở mà luyện cho có kết quả để nó đem lại lợi ích rất lớn sau này khi gặp chướng ngại trên thân, thọ, tâm, pháp khi tu tập 4 Niệm Xứ. Nếu cứ ngồi yên lặng để gom tâm thì sẽ bị tưởng, không sao tránh khỏi. Đó là tập luyện sai pháp. Khi đã tu tập sai pháp thì bất kỳ lúc nào muốn nhiếp tâm vào hơi thở, tưởng cũng dễ dàng xuất hiện.

5.- Cẩn Thận Khi Tập Luyện

Con tập hơi thở dài được thì rất tốt. Tập luyện hơi thở được thì sự tu tập nói chung sẽ tiến bộ nhanh. Tuy nhiên cần phải nhận định đúng theo tình trạng cơ thể của mình, đừng gò bó, đừng dằn ép.

Đạo Phật là đạo giải thoát, cho nên trong khi tập luyện có chướng ngại thì phải ngưng liền, tìm cách thay đổi cách tu tập . Bất kỳ lúc nào thấy thân tâm không an ổn thì phải ngưng. Làm đúng vậy thì sẽ không bao giờ có trở ngại. Vì có người thiếu nhận xét, không thay đổi cách tập luyện kịp thời cho nên bị tu tập sai lầm thành một chướng ngại lớn, mỗi khi họ khởi tập pháp môn hơi thở thì hơi thở bị rối loạn, phải ngưng. Họ chỉ có thể đi kinh hành thôi, mà kinh hành thì chỉ có ngoại lực vì đó là pháp môn luyện thân hành ngoại. Tập hơi thở là luyện thân hành nội mới có nội lực. Tập luyện hơi thở không được thì không tạo thành nội lực. Đường tu tập cần phải kết hợp nội lực và ngoại lực mới thành tựu kết quả.

Pháp Phật lúc nào cũng đúng, chỉ do mình áp dụng thực hành không đúng mới nảy sinh chướng ngại. Tu tập phải rút kinh nghiệm. Thí dụ hơi thở dài ta hít rất dài và thở rất chậm nhưng nó làm rối loạn cơ thể. Vậy phải tìm cách nào để cũng thở chậm dài nhưng không đưa lại rối loạn cơ thể như tức ngực, nặng đầu...

6.- Điểm Gom Tâm

Giai đoạn đầu cần tập gom tâm cho nên cần thiết có một điểm để gom tâm vào đó. Không có một điểm nhất định thì rất khó gom tâm. Điểm tại nhân trung thích hợp. Chỗ đó hơi thở đi vô đi ra đều phải đi ngang qua và nó nằm ngoài thân, khi gom tâm vào đó sẽ không trở ngại gì cho cơ thể. Khi gom tâm được và thuần thục thì sẽ có cảm tưởng như là hơi thở từ đó đi vào thân và từ đó đi ra ngoài. Phải bằng mọi cách làm cho tâm gom được trên tụ điểm nhân trung . Phần lớn người nào có thần kinh yếu mà gom như vậy sẽ bị nặng đầu.

Khi nhắc câu tác ý “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra” là để nới bớt sự gom tâm mà lại phá được các niệm khởi, sẽ không bị nhức đầu hay đau đầu. Khi luyện gom tâm, cứ mỗi 5 hơi thì tác ý. Có hay không có niệm khác xen vô không sao, miễn đúng 5 hơi phải tác ý và đếm không lộn lần nào.

Khi gom tâm được thì có cảm giác của sự gom này. Có gom tâm được mới có cảm giác. Phải gom tâm cho kỹ, cho chặt vào điểm đó trong suốt 30 phút. Cứ 5 hơi lại tác ý. Vậy mà lúc đầu có người còn bị nặng đầu, huống nữa là chỉ gom tâm mà không tác ý thì chắc chắn không ai mà không bị nặng đầu. Khi gom mà thấy nặng đầu là do pháp tu tập. Còn khi gom không thấy nhưng khi xả ra mới thấy cảm giác nặng đầu là do khi xả không tác ý xả cho nên thần kinh vẫn còn làm việc, còn gom tâm.

Điểm tại nhân trung chỉ sử dụng để gom tâm theo đề mục 1 và 2 hay 3 của Định Niệm Hơi Thở. Qua đề mục khác thì không còn gom tâm tại chỗ đó nữa, bởi vì đâu chỉ có biết hơi thở vô ra tại đó đâu, mà còn những điều kiện khác để chế ngự tâm trong Định Niệm Hơi Thở. Ví dụ tới đề mục 4 “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, thì khi hít thở đâu còn cảm giác hơi thở vô ra tại nhân trung nữa mà phải cảm giác từ trên đầu xuống tới chân. Như vậy hơi thở hay tâm đâu còn dính ở mũi nữa. Nếu tạo một cái gì ở chỗ mũi thì làm sao cảm giác tới dưới chân được.

Mỗi đề mục đều cần phải thay đổi cách tập luyện, vậy không nên tạo dính mắc vào điều kiện của một đề mục cứng ngắc nào. Đề mục 1 chỉ luyện một thời gian cho đến khi đếm không lộn là đã thuần thục nó, đi tới đề mục thứ 2 hay 3. Đề mục 2 hơi thở dài hay đề mục 3 hơi thở ngắn, thì tâm theo dõi độ dài, độ ngắn của hơi thở. Đề mục 4 cảm giác toàn thân thì tâm ở thân. Đề mục 6 cảm giác tâm hành thì tâm đã ở tâm rồi. Tất cả mọi đề mục, tâm đều ở những vị trí khác nhau, tâm đâu còn ở nhân trung nữa đâu. Như vậy tập luyện Định Niệm Hơi Thở, tâm không cố định ở một chỗ chung cho tất cả các đề mục. Người ta không hiểu cách tu tập Định Niệm Hơi Thở, họ cứ bắt buộc người tập tập trung ở mũi hay ở bụng hay ở đâu đó. Bắt buộc nó ở suốt mãi một chỗ là ức chế. Đức Phật đã xác định tập luyện Định Niệm Hơi Thở không cho tâm ở một vị trí nào hoài, phải thay đổi liên tục. Nó không ở hoài chỗ nào nhưng ta phải  nương  hơi thở vô ra chứ không phải chỉ  biết hơi thở vô ra cho tất cả mọi đề mục.

Khi luyện đề mục 1 này xong rồi thì từ đây cho tới giai đoạn chót không còn tập trung tâm tại nhân trung nữa.

Trong khi tập Định Niệm Hơi Thở mà đi thì con hãy gom tâm ở tại một điểm ở nhân trung, đừng cho nó bung ra. Nếu gom không chặt thì nó sẽ bung ra vừa biết bước đi vừa biết hơi thở làm sức gom tâm bị yếu. Con hãy tác ý “Tâm gom lại tại tụ điểm nhân trung!”. Khi gom mạnh, có cảm giác nặng cả vùng rộng thì cần tác ý “Cái tưởng này hãy đi đi, không có nặng nữa”. Đó không phải là cảm giác đâu. Nó là tưởng dưới hình thức cảm giác. Cứ tác ý hoài cho đến chừng nào không có cảm giác như thế nữa mới thôi. Bền chí tập luyện và tác ý cho tâm gom lại, cho đến khi chỉ còn biết hơi thở, bằng không thì nó bung ra, phân ra chạy xuống biết bước đi.

Trong trường hợp có nhịp tim đập ngoài vị trí của tim thì đó là cảm giác tưởng. Hãy tác ý để dẹp trừ cảm giác tưởng này bằng câu tác ý “Nhịp tim hãy trở về tim, không xuất hiện ngoài tim” hay “Cảm giác tưởng tim đập này hãy dừng, không xuất hiện nữa”. Con phải bắt buộc tưởng ngưng để hoàn toàn chú tâm vào pháp tu tập. Cứ 5 hay 3 hơi thở tác ý bảo nó dừng, tạm thời không tác ý hơi thở, tức là không tác ý “Tôi thở tôi biết tôi thở” nữa mà phải nương hơi thở tác ý tưởng phải dừng. Chừng nào nó dừng, chừng đó mới trở về với pháp luyện hơi thở, bằng không thì trạng thái tưởng cứ trở lui trở tới hoài.

Khi tu tập Định Niệm Hơi Thở, trong khi ngồi hít thở mà con không cảm nhận hơi thở vô ra, trường hợp này cũng xẩy ra cho một vài người khi họ tu tập hơi thở một thời gian thì bổng nhiên không thấy hơi thở nữa, mất hơi thở. Con đừng quan tâm tới hiện tượng này. Có người muốn dán một miếng keo ở mũi để biết hơi thở vô ra. Làm như vậy sẽ tạo nên một sự ức chế tâm không đúng đâu. Cứ để tự nhiên. Chỉ cần nghĩ tưởng tâm bám ngay tụ điểm ở chỗ nhân trung đó và đừng quan tâm thấy biết hay không thấy biết hơi thở vô ra. Thấy hơi thở vô ra cũng tốt, không thấy hơi thở vô ra cũng chẳng sao. Có cảm giác mát tại đó để biết có hơi thở hay không cảm nhận gì hết cũng đừng quan tâm, chỉ cần biết con đang hít thở và hơi thở vô ra tại điểm ở nhân trung. Chỉ tập trung sự chú tâm tại chỗ đó. Đừng tạo thế này hay thế khác. Đừng tạo thành một đề mục tại chỗ đó để khỏi bị gom tâm trong ức chế. Cứ một mực tác ý “Tâm phải biết hơi thở! Không được không biết!”. Cứ nhắc tâm như vậy rồi tác ý đề mục “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra”. Rồi lắng nghe. Nếu vẫn còn chưa thấy hơi thở thì tác ý cho mạnh câu “Tâm phải biết hơi thở! Phải thấy hơi thở! Không được không thấy!”. Cứ tác ý sau mỗi 5 hơi thở, hay 3 hay 2 hơi thở một lần, cho đến khi nào thấy lại hơi thở. Không biết, không thấy hơi thở là do tâm cảm nhận của con mất đi, tức là một trạng thái nào đo làm cho không thấy hơi thở. Hơi thở không thể mất được, chỉ bị mất cảm nhận thôi. Đừng nghĩ tưởng sai là con ngưng được hơi thở (tịnh chỉ hơi thở) hay hơi thở tự ngưng. Không đúng đâu.

Bình thường ta thấy luồng hơi thở vô ra ở điểm đó hoặc ấm, hoặc mát hoặc như thế nào đó theo cảm nhận của ta. Khi tập luyện mà thấy dường như mất hơi thở là vì có một trạng thái tưởng che đậy. Vậy bằng những câu tác ý, con dùng ý thức để lôi nó trở lại không cho tưởng che khuất nữa thì sẽ biết rõ lại hơi thở vô ra. Thầy đâu nghe đức Phật bảo chúng ta làm gì. Đức Phật bảo chúng ta tác ý thì chúng ta cứ tác ý. Bất cứ cái gì cản trở thì chúng ta cứ tác ý cho cái đó biến mất đi, hoặc tác ý để giữ trạng thái đó không bị biến đổi. Đó là phương pháp đức Phật dạy. Giờ không thấy hơi thở thì con tác ý cho thấy hơi thở. Đó là đúng đường lối đức Phật dạy mà không tạo thêm những phương pháp khác.

7.- Định Diệt Tầm Giữ Tứ

Nếu có khó khăn để nhiếp tâm trong hơi thở thì làm như thế này: Trong Thân Hành Niệm lệnh truyền tới đâu thì thân hành động theo tới đó. Còn trong hơi thở thì tùy theo đặc tướng từng người. Nếu ai tập Định Niệm Hơi Thở đề mục 1, theo cách thức đã hướng dẫn mà trong suốt buổi tập luyện không có niệm vọng tưởng, không có niệm tạp xen vô, trong khi biết rõ hơi thở là họ không bị loạn tưởng.

Còn ngược lại, nếu bị loạn tưởng, cách đó không thích hợp, thì cần thay đổi cách khác: Cũng nhìn chóp mũi, cũng tập trung chú ý vào tụ điểm ở nhân trung, cũng tác ý câu “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra”như thế, nhưng khi chú ý vào hơi thở thì tập luyện từng hơi. Hít vô thì ra lệnh hơi vô “Hít!”; thở ra thì ra lệnh hơi ra “Thở!”, ngay trước mỗi chặng hít vô, mỗi chặng thở ra. Hít vô thở ra theo lệnh một cách rất tự nhiên, liên tục.

Tác ý liên tục mỗi chặng hít vô thở ra như vậy cho đủ số 5 hơi thở thì nín thở tác ý lại “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra” rồi tác ý ra lệnh tiếp “Hít”, hít vô. “Thở”, thở ra. “Hít”, hít vô. “Thở”, thở ra. Làm sao cho sự ra lệnh, đếm, và hít thở được đều đặn tự nhiên. Trong lúc đầu có bận tâm một chút xíu, nhưng sau khi quen thì sự ra lệnh và hít thở nhịp nhàng. “Một, Hít”, “Thở”; “Hai. Hít”, “Thở”; “Ba. Hít”, “Thở”... thì sẽ chủ động điều phục, nhiếp phục được tâm vào hơi thở qua tác ý.

Đó là thiện xảo nhiếp phục tâm không có một niệm nào xen vô được, bởi khi tác ý liên tục và chú tâm kĩ vào hơi thở như vậy thì không thể khởi niệm khác được. Đây là Định Diệt Tầm Giữ Tứ.

Trong suốt thời tập luyện, cứ tập hít thở như thế, theo khả năng, theo sức của con. Mỗi khoảng thời gian chừng 3 hay 5 phút, xả nghỉ, rồi tập lại, đừng tu tập quá lâu. Cứ kiên trì tập. Khi đã quen, con sẽ thấy lệnh tới đâu hít thở tới đó, loạn tưởng không vô được. Sau khi không còn bị loạn tưởng, lúc đó con bỏ lệnh “Hít”, “Thở”, chỉ còn tác ý “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra”, theo dõi kĩ toàn bộ hơi thở vô ra của mỗi 5 hơi hít thở. Cứ làm kĩ như vậy con sẽ đạt được kết quả nhiếp tâm rồi an trú tâm vào hơi thở.

Thật ra thì trong kinh không dạy rõ ràng mà chỉ nói lên danh từ “Định Diệt Tầm Giữ Tứ”. Nếu người nào không hiểu danh từ này thì họ có thể không hiểu cách thức tập luyện Định Diệt Tầm Giữ Tứ như thế nào. Ý nghĩa Định Diệt Tầm Giữ Tứ là phải giữ TỨ liên tục thì TẦM không vô được. Đó là thiện xảo. Đến khi thuần thục, kết quả của Định đạt được thì không còn tác ý “Hít” – “Thở” liên tục nữa, mà nó vẫn yên lặng vậy. Con ngồi xuống hít thở là cái tâm bám vào hơi thở liền, không còn đi trật đường nữa, là vì nó đã quen rồi. Khi tâm chưa biết cách bám vào hơi thở mà muốn bám vào thì bám trật vuột. Nó tức hơi nên cứ nhảy vô, nhảy ra mà có niệm.

Đề Mục 2 Và Đề Mục 3: Hơi Thở Chuẩn Là Hơi Thở Bình Thường

Khi luyện đề mục thứ nhất thuần thục, đếm hơi thở không lộn trong suốt thời ngồi thiền và thời nào cũng được như vậy là đã đạt được kết quả bước đầu của đề mục 1. Lúc đó, hơi thở sẽ thông suốt không bị chướng ngại và nó sẽ hiện tướng khi dài khi ngắn. Nếu là hơi thở dài thì hơi thở chầm chậm đi vô, đi ra, độ dưới 10 hơi thở một phút. Còn hơi thở ngắn thì nó như con thoi, hít vô thở ra nhanh, trên 10 hơi thở một phút. Khi nhận ra trạng thái đó của hơi thở thì chuyển qua tập đề mục 2 hay đề mục 3 tùy theo hiện tướng của nó.

Khi biết độ ngắn, độ dài của hơi thở và nương vào hơi thở dài, hay hơi thở ngắn thì thì chỉ tác ý câu dài “Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài; thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài” đối với hơi thở dài, hay “Hít vô ngắn, tôi biết tôi hít vô ngắn; thở ra ngắn, tôi biết tôi thở ra ngắn” đối với hơi thở ngắn, và chú ý vào mức độ dài hay ngắn của hơi thở. Không còn bám chỗ tụ điểm nhân trung nữa, chỉ quan sát hơi thở thôi. Theo dõi độ dài hay độ ngắn của hơi thở trong khi hít thở chầm chậm và hãy nhớ cứ mỗi 5 hơi thở tác ý một lần.

Đề mục số 2 Định Niệm Hơi Thở hít thở dài, hay số 3 hít thở ngắn là để giữ hơi thở ổn định, không được dài quá, ngắn quá mà phải theo đặc tướng. Hai đề mục này để giữ hơi thở ổn định. Khi biết được hơi thở đặc tướng, nghĩa là khi con thấy hơi thở đó là an ổn, không có gì chướng ngại cho thân thì lấy hơi thở đó làm chuẩn. Từ đây giữ hơi thở duy nhất này mà tập luyện. Không được cho nó trở thành dài hơn cũng không được cho nó ngắn bớt, không được thay đổi nó hay để nó tự thay đổi, vì sẽ làm rối loạn hơi thở hoặc rối loạn cái tưởng, tưởng tức sẽ hiện ra phá, do đó bị ma chướng của tưởng. Hơi thở phải ở trong dạng con đang luyện. Khi luyện đã ổn định độ dài hay độ ngắn của hơi thở rồi thì về sau này có bất kỳ hơi thở nào khác lạ tới con lấy pháp Như Lý Tác Ý mà lôi nó trở về ngay liền hơi thở của đề mục này (tức hơi thở dài hay hơi thở ngắn).

Đó là hơi thở bình thường. Người có tu tập mới biết hơi thở bình thường của mình.

Đề Mục 4: Cảm Giác Toàn Thân

Sau khi đã có hơi thở chuẩn, hơi thở bình thường của đề mục số 2 hay 3 rồi, đã chủ động được nó, quan sát được nó, không cho nó thay đổi nữa, lúc bấy giờ mới qua đề mục 4. Trong đề mục này tụ điểm không còn trụ ở mũi nữa mà dời đi trùm khắp cơ thể. Tâm không bám vào đâu hết mà chỉ nương hơi thở vô ra và cảm nhận toàn thân.

Con nín thở tác ý “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Khi hít vô thì có độ rung động của thân theo hơi thở (dao động, máy động, phình xọp, nâng lên hạ xuống từng phần hay cả người,...), con quan sát, hay cảm nhận, hay lắng nghe độ rung động hay cảm giác đó. Nương vào sự rung động của thân. Lúc hít vô cảm giác rung động từ trên đầu tới chân và lúc thở ra cảm giác rung động từ chân lên đầu. Dường như khi tập như vậy con thấy tâm theo hơi thở quét từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên. Tương tự như lấy mắt nhìn từ trên xuống dưới theo hơi thở vào, rồi ngó từ dưới lên trên theo hơi thở ra.

Dùng tâm quét suốt từ trên đầu xuống tới chân, rồi ngược lại từ chân lên đầu, xem có cảm thọ gì. Nếu không có cảm thọ gì thì đó là cảm thọ bất lạc bất khổ, còn nếu có cảm giác mát, lạnh, nóng hay đau nhức chỗ nào thì đó là cảm thọ khổ. Chỉ ghi nhận thôi, tức là biết thôi, không làm gì hết, có thế nào ghi nhận như vậy. Không cảm thấy gì hết, cũng không cảm nhận gì hết, thì ghi nhân không có. Thấy có cảm giác gì, cảm nhận gì thì ghi nhận có. Có lạc hay có khổ hay có không lạc không khổ. Chỉ tập thấy rất rõ ràng bất kỳ cảm giác nào của toàn thân. Bất kỳ hiện tượng gì, cảm giác gì xẩy ra tại đâu trên thân, từ đầu cổ xuống tay chân, thân mình, chỉ ghi nhận cảm giác đó, dù đó là cảm thọ gì.

Đó là cách ghi nhận cảm nhận. Mới đầu tập như vậy. Khi tập đã quen rồi thì sẽ cảm thấy như có một làn sóng chạy lên chạy xuống theo sự quét của tâm. Nhưng có người lại có cảm giác ngược hướng, hít vào thì có cảm giác luồng sóng chạy từ dưới lên trên, thở ra thì cảm giác luồng sóng đi từ trên xuống.

Đừng dùng tưởng, dùng là trật. Cẩn thận đừng để hơi thở trở thành hơi thở tưởng cho nên từng lúc con thay đổi cách cảm nhận cảm giác đó. Thí dụ như tập trung cảm nhận trong toàn người, suốt từ trên đầu xuống tới ngón chân hay từ ngón chân lên đỉnh đầu. Những phần đối xứng thì đi liền cặp với nhau, như bên trái cảm nhận cùng lúc với bên mặt, đằng trước cảm nhận cùng lúc với đằng sau. Sau một lúc thì thay đổi, chỉ tập trung trong từng phần một của thân thể: khởi từ trên đầu, xuống vai bên mặt, tay mặt từ đầu vai ra tới các ngón tay, qua vai trái, tay trái từ đầu vai ra tới các ngón tay, ngực, bụng, lưng, mông, chân mặt từ đùi xuống tới các ngón chân, chân trái từ đùi xuống tới các ngón chân. Rồi cảm nhận ngược lên. Hay có thể chỉ lưu ý cảm nhận một vài phần của thân. Nội thân và ngoại thân cùng lúc. Nhưng vẫn nương vào hơi thở. Làm như vậy thì cái tưởng sẽ không xẩy ra. Khi cảm nhận như vậy thì không bó buộc chỉ cảm nhận toàn thân nương trong một hơi thở, mà có thể cảm nhận từng phần cơ thể nương trọn đủ một hơi thở vô ra.

Hồi Thầy tu tập, khi cảm nhận toàn thân theo đề mục này Thầy thấy hơi khó vì lúc hít vô thì cảm nhận thấy dường như một luồng sóng từ dưới đi lên, rồi thở ra thì luồng sóng từ trên đi xuống, làm như ngồi võng đu đưa nhè nhẹ. Tất cả những gì xảy ra trên thân Thầy thấy biết rất rõ, ghi nhận rất rõ. Nhưng Thầy cũng cẩn thận để không bị cảm giác tưởng hay hơi thở tưởng bằng cách tác ý theo từng hơi thở để cảm nhận toàn thân, có sự chủ động điều khiển thân và tâm của mình.

Thí dụ để cảm giác toàn thân thì Thầy tác ý thế này “Tâm hãy theo dõi khắp trong cơ thể nương vào từng hơi thở!”. Xong tác ý “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biêt tôi thở ra”. Rồi Thầy hít vô coi thử nó ra sao trên khắp thân. Hít vô thở ra lần thứ nhất; lần thứ hai; lần thứ ba; lần thứ tư; lần thư năm. Rồi nhắc lại câu tác ý.

Đó là cách thức huấn luyện tâm như là huấn luyện voi, như đức Phật đã nói. Nếu không tác ý thì có niệm khác xen vô. Cho nên “cảm giác toàn thân” là cả vấn đề dùng ý thức điều khiển cả thân và hơi thở. Phải hiểu như vậy mới tập luyện đúng lời dạy của Phật. Thầy triển khai vấn đề điều khiển cả thân và hơi thở  để nhiếp phục tâm bằng ý thức như đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú:

    “Tâm chủ tâm tạo tác.
    “Tâm dẫn đầu mọi pháp”

thì phải dẫn tâm, nhiếp phục tâm lần lần cho quen, sau đó hít vô thở ra thì thấy cảm giác rõ ràng.

Cảm giác toàn thân thì hít vô cảm nhận cho được trong toàn thân, chứ không tập trung bất kì điểm nào. Phải tập luyện cảm nhận cho được. Hơi thở đầu cảm nhận, hơi thở kế không cảm nhận. Năm hơi thở nhưng chỉ có 2, 3 hơi thở cảm nhận được, còn 3, 2 hơi thở kia không cảm nhận mà cũng tính là 5 hơi thở cảm nhận như vậy là không kĩ.

“Tập cảm nhận thì tôi phải cảm nhận cho được. Bắt đầu mới vào thấy khó quá nhưng phải làm cho bằng được. Hít vô cảm nhận bắt đầu từ trên đầu xuống tới chân; thở ra cũng cảm nhận được toàn thân từ chân lên đầu. Vậy là tôi tập luyện có chất lượng, mỗi hơi thở đều phải cảm nhận cho được”. Con tự nói như thế.

Khi dẫn như vậy thì suốt thời gian phải tư duy để dẫn nó từng chút từng chút:  “Thân và hơi thở này tâm phải theo dõi sát nghe!” – Tác ý “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biêt tôi thở ra”. Cứ nhiếp ghi vào trong đó. Cứ nói thầm thầm trong đó. Đó là ý thức chủ động để cảm giác cho được thân theo hơi thở. Khi đã nhiếp phục được như vậy và không còn cần phải dẫn tâm lên xuống theo hơi thở nữa thì sẽ có trạng thái an tịnh xuất hiện. Hơi thở nào cũng cảm nhận toàn thân nghĩa là cảm nhận có trạng thái an lạc của toàn thân . Khi luyện cảm giác được như vậy rồi thì rất tuyệt vời là suốt thời gian 30 phút không niệm khởi, tức là nhiếp phục được tâm vào thân. Lúc đó những tư niệm sẽ tự động dẫn tâm và hơi thở để chúng nhiếp chặt chẽ vào với nhau. Nhưng trạng thái an lúc này chưa thật sự an đâu, chừng đến khi tập tới đề mục 5 bấy giờ mới bắt đầu dẫn an vô tâm.

Nếu cảm nhận không được thì nương qua câu tác ý của Thân Hành Niệm. Bài dạy về Thân Hành Niệm thì đức Phật dạy “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra” bởi vì ở bài này dạy về cảm nhận thân hành nương theo hơi thở. Còn bài Định Niệm Hơi Thở, Nhập Tức Xuất Tức, thì Phật dạy “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” cho nên hơi khó hơn bài Thân Hành Niệm. Nếu khi tác ý cảm giác thân hành và lúc hít vô thở ra cảm nhận cơ thể có nhịp rung nhè nhẹ nhịp nhàng, ăn khớp với chuyển động của hơi thở đi vào đi ra thì nương vào đó mà cảm nhận thân. Khi luyện đề mục 1 và đề mục 2 hay đề mục 3 có kết quả rồi thì có sự thanh tịnh nên lắng nghe sự rung động này dễ lắm.

Khi cảm nhận toàn thân được rõ ràng mà cũng cảm thấy luồng hơi thở vô, luồng hơi thở ra của từng hơi thở rõ ràng nữa thì đó là đạt kết quả, tức là đã nương vào được trong hơi thở để cảm nhận toàn thân một cách ổn định. Trong khi tập luyện rất tinh cần như vậy, rất kĩ như vậy thì không có niệm nào vô được đâu. Tập luyện ít mà nhiệt tâm tinh cần thì bảo đảm có chất lượng và kết quả đến nhanh. Nếu không tinh cần, không nhiệt tâm thì niệm sẽ vô.

Và trong giai đoạn này, sức tập trung của con còn yếu, không thể kéo dài lâu sức tinh cần được. Vậy phải nhớ kĩ: Khi nhiếp phục tâm như vậy, vận dụng như vậy thì hao năng lượng, cho nên thời gian tập luyện phải ít, nghỉ phải nhiều. Nếu buồn ngủ, ngủ gật thì phải đi ngủ để phục hồi lại năng lượng đã tiêu hao.

Như vậy trong khi luyện đề mục này thì tâm di chuyển từng phần cơ thể hay trùm khắp thân, không còn bám ở chỗ mũi như trong khi tập luyện đề mục 1, 2 hay 3 nữa, và tập để biết được cách thức quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp trước khi thật sự tập luyện 4 Niệm Xứ sau này. Đến khi thực hành sự quan sát (tức giai đoạn ‘quán’) nếu trên bốn chỗ đó có đối tượng cảm thọ tham ưu gì thì phải dùng đề mục nào cho đúng với cảm thọ ở nơi đó để khắc phục đẩy lui.

Đề Mục 5: An Tịnh Thân, Đẩy Lui Cảm Thọ

Mục đích nhắm đến của đề mục 5 này là tập cho tâm an trú ổn định bằng cách nương vào hơi thở và dùng câu tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Vì tướng trạng an trú đã có sẳn lúc nhiếp phục tâm, nên khi tác ý an trú thì con dẫn đi và nó từ từ hiện ra.

An tịnh thân hành là khi hít vô thở ra thấy thân an thật sự chứ đừng nghĩ tưởng. Nghĩ tưởng sẽ sanh ra xúc tưởng hỉ lạc, là không tốt. Cứ cảm nhận sự an ổn của thân và sự yên tịnh (yên lặng) của tâm không có niệm. Hai cái, khi hít vô thì cảm thấy thân an, không bị động đậy, không bị rung động; khi thở ra thấy tâm không niệm, yên tịnh. Cứ hai cái đó mà cảm nhận thôi. Nếu nhanh thì chỉ trong 4, 5 hơi thở nó sẽ hiện tướng trạng thân an tịnh ra rất rõ. Bất động mà rất thanh tịnh. Thân rất an ổn. Con chỉ ngồi và tác ý như vậy mà không có cái gì làm cho thân đau được, làm cho tâm bất an được.

Trạng thái an ổn hay an tịnh đó lớn dần lên theo pháp hướng tác ý và sự lắng nghe. Nếu tác ý mãi đến 5, 10 lần nó mới hiện ra thì đó là chậm, chưa được. Con cần còn tiếp tục tập cho đến khi nó lớn dần lên đến mức độ mà mới chỉ tác ý một hay hai lần, trạng thái an ổn ấy xuất hiện liền. Đó là nhanh, là đúng, là được. Như vậy là đạt được kết quả của đề mục 5 này. Suốt trong khoảng thời gian từ 5 hay 10 phút mà tâm nhiếp thì trạng thái an ổn đó liên tục lớn dần lên. Tập cho đạt mức sung mãn an tịnh này.

Trong khi ngồi nghỉ xả thư giản mà tác ý xả tâm thì tâm sẽ được thanh tịnh cho nên khi tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”, chỉ mới 5 hơi thở thôi thì đã thấy tướng trạng an tịnh hiện ra rồi. Nếu tâm còn chạy theo dục, chạy theo cái này, cái kia, còn lăng xăng thì phải tác ý nhiều phút, phải có thời gian để tướng trạng an tịnh nương vào trong hơi thở. Nó chưa nương vào hơi thở thì chưa hiện ra được.

Lúc luyện đề mục 5 này sẽ có sự an ổn nhẹ nhẹ là đúng, chưa phải sự an ổn nhiều. Nếu có sự an ổn nhiều là sai, phải chấm dứt bằng tác ý bảo nó dừng lại “An ổn này hãy dừng lại. Ta chưa cho an ổn”. Con phải nhắc, phải biết nhiếp phục trong hơi thở. Nếu không tác ý bảo ngưng thì sự an ổn này làm con có một niệm khác hơn là niệm của thân hành trong hơi thở. Chỉ niệm thân hành trong hơi thở mới thật là niệm mục đích của đề mục 5 (tức niệm thấy thân an tịnh nhẹ trong tác động của hơi thở).

Ở giai đoạn này chưa được sử dụng sự an ổn để tăng thêm năng lượng mà chỉ để nhiếp phục cho được tâm thôi, nên phải vận dụng năng lượng của con để nhiếp phục tâm. Tăng thêm năng lượng bằng cách không chủ động thì không được. Sau khi tâm an trú rồi thì con được giảm buồn ngủ, tức là năng lượng đã được phục hồi. Sau này, khi thân có cảm thọ khổ gì, dù ở mức vi tế, thì dùng kết quả đề mục 5 này mà đẩy lui.

Cảm thọ ở mức vi tế rất lợi ích. Người thường chỉ nhận ra được cảm thọ khi nào nó tới mạnh nhiều, lúc mới khởi sự thì không hay biết gì hết. Còn người tu tập cảm nhận toàn thân thì cảm thọ chỉ mới báo động thôi đã biết rồi. Tất cả bệnh đau gì cũng đều có báo động trước. Nhưng người thường luôn luôn bị đời chi phối, tâm chưa tĩnh giác nên không nhận ra, cho đến một hai ngày sau, khi đã thành bệnh, chừng đó mới biết, vì lúc đó đau quá. Nhưng người tu tập có cảm giác rất vi tế, khi ngồi hít thở sẽ cảm nhận thân rõ ràng. Trong thân sắp sửa có bệnh gì đang ủ, đang hình thành, ba bốn ngày nữa mới phát ra, thì ngay bây giờ đã nhận ra được. Khi nhận ra được như vậy con dùng đề mục thứ 5 tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” (cùng với tác ý đẩy lui chướng pháp của thân) thì có cái lực tác ý của đề mục đẩy chướng pháp đó đi. Khi đó chưa phải là bệnh, được khỏi bệnh do ngừa trước, nhẹ nhàng hơn, dễ hơn. Thí dụ sắp có cái nhọt ở đây thì nó có những cảm giác báo động trước, biết liền từ khi nó chỉ mới báo động, không phải đợi đến khi sưng u đỏ lên. Ở giai đoạn này đẩy lui bệnh dễ lắm, chứ khi nó đã tập trung nặng nề thì khó khăn nhiều, có khi không đẩy lui được.

Lúc đầu thì con phải tập luyện từng đề mục. Luyện đề mục 4 cho thành thục, cho nhuần nhuyển. Qua đề mục 5 cũng vậy. Sau đó thì mới phối hợp cả hai đề mục đó lại để đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân. Việc phối hợp cả hai đề mục để đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân đòi hỏi phải có thời gian tập luyện để có được năng lực mạnh mới đạt kết quả. Không có việc mới tập đề mục 4 lại kèm thêm đề mục 5.

Đề Mục 6: Cảm Giác Tâm Hành

Đây là đề mục tập luyện về tâm.

Khi luyện đề mục 5 Định Niệm Hơi Thở nếu tác ý một hay hai lần thôi mà đã có trạng thái thân an tịnh liền thì đó là kết quả an tịnh thân hành đã đạt được rồi. Chừng đó mới qua đề mục 6 “Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Nhờ có trạng thái an tịnh của thân nên mới nhận ra được tâm dễ dàng. Khi thân an tịnh sẽ phát sinh hai trạng thái: trạng thái an lạc và trạng thái hoan hỉ. Nhận ra tâm là nhận ra trạng thái hoan hỉ đó.

Khi luyện tới đề mục này mới thấy mình điều khiển tâm chứ không phải ức chế, bởi vì mình nhận ra tâm hành hay tâm không hành và làm cho tâm trở nên không hành. Tâm có hai hành là tịnh và động. Nó khởi ra niệm này niệm kia, nó ở trong cái động. Đó là hành động, là tâm động. Còn tâm không hành là không khởi niệm; không khởi niệm là tâm tịnh. (Thân cảm thấy đau nhức, nóng, lạnh,... là thân hành).

“Cảm giác tâm hành” là xem tâm có hành động gì không. Thí dụ ngồi hít thở mà có niệm khởi thì đó là tâm động, hành động; còn khi hít thở hoàn toàn không niệm khởi là tâm tịnh, hành tịnh. Chỉ ghi nhận cảm giác hành tịnh hay hành động của tâm thôi, chỉ nhận rõ tâm đang tịnh hay đang động.

Bây giờ nương vào chỗ không khởi niệm là nương vào hành tịnh chứ không phải hành động. Khi tác ý  “Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra” thì mới thấy rõ cái an, cái hoan hỉ của tâm, cảm thấy rất vui. Nếu chưa có cảm giác vui thì con không nhận ra được cái gọi là cảm giác hỉ đó. Khi ở trong trạng thái an tịnh của tâm thì có niềm hoan hỉ, thích lắm. Thích thú y như khi làm được tốt đẹp cái gì, khiến mình cảm thấy có sự hân hoan mừng rỡ. Tự trong tâm có sự hoan hỉ vui thích. Tập luyện mà tâm thích, ham tập. Khi tác ý cảm giác tâm hành thì con nhận ra niềm hoan hỉ này rất rõ.

Đề Mục 7: An Tịnh Tâm Hành

Sau khi cảm giác tâm hành rõ ràng rồi nghĩa là đã có cảm giác niềm hoan hỉ rất rõ rồi thì con tác ý đề mục 7 “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra” để đưa tâm vào trạng thái an tịnh. Lúc đó tâm hoàn toàn tịnh. Ngồi yên lặng rồi quan sát tâm, con sẽ cảm thấy im phăng phắc, cảm thấy tâm ở trong một trạng thái vắng lặng tuyệt vời đặc biệt.

Cứ mỗi lần tác ý là con cảm nhận như tâm có sự an ổn trong im lặng và mỗi lần hơi thở ra vô là thân và tâm tràn ngập sự hoan hĩ an ổn. Chính trạng thái này là năng lực đẩy lui dễ dàng các cảm thọ về tâm.

Khi đạt được kết quả an tịnh tâm hành rồi thì con nên tạo điều kiện để trở về Tu Viện sử dụng pháp 4 Niệm Xứ đẩy lui các chướng ngại pháp. Bốn Niệm Xư tập luyện trong Định Niệm Hơi Thở sẽ đẩy lui hết các tham ưu chướng ngại. Lúc đo thì con chỉ còn luyện duy nhất pháp 4 Niệm Xứ thôi.

Các Đề Mục Thứ 8 Đến 17

Rồi đến đề mục thứ 8 đến 11 về phần hơi thở quán thân, quán thọ, quán tâm vô thường; sau đó, các đề mục thứ 12 đến 17 quán li, quán từ bỏ, quán đoạn diệt tâm tham, tâm sân, đều ở trong trạng thái an tịnh của tâm. Đây là những đề mục mà trong kinh nói là “đẩy lui các chướng ngại pháp”. Ta trở về 4 Niệm Xứ để tập luyện đẩy lui các chướng ngại pháp thì đúng phương pháp.

Sau khi thân tâm đã an trú được ổn định rồi thì lúc đó mới đúng lúc có đầy đủ năng lực để quán 4 Niệm Xứ vô thường “Quán thân (thọ, tâm, pháp) vô thường, tôi biết tôi hít vô”. “Quán thân (thọ, tâm, pháp) vô thường, tôi biết tôi thở ra”(đề mục thứ 8 đến 11); quán tâm tham, tâm sân để li, đoạn, diệt: “Quán li tham tôi biết tôi hít vô; quán li tham tôi biết tôi thở ra”... (đề mục thứ 12 đến 17). Đó là pháp xả tâm. Do nhờ xả tâm như thế con mới có thể bắt đầu nhiếp tâm được.

Đề Mục Thứ 18: Phá Buồn Ngủ

“Quán tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô; quán tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra” mặc dù nó là đề mục thứ 18 nhưng bây giờ con cũng tập tác ý đề mục này khi buồn ngủ trong lúc tập luyện Định Niệm Hơi Thở. Hoặc nếu trong khi đi kinh hành mà không tỉnh táo thì con tác ý “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi đi kinh hành”. Cho dù bây giờ chưa buồn ngủ nhưng cũng nên tập đề mục này để khi bị buồn ngủ con tác ý tới liền có hiệu quả, sẽ tỉnh. Nếu bây giờ không luyện, tới chừng bị buồn ngủ con tác y sẽ không có hiệu quả gì đâu.

Đức Phật đưa ra đề mục gì đều nhằm đối trị lại thân hành để thân được an ổn (“Quán thân trên thân...; quán thọ trên thọ...; quán tâm trên tâm...;quán pháp trên pháp dể khắc phục tham ưu ở đời”). Điều cần là phải biết cách tập luyện thì no mới đưa lại lợi ích lớn, kết quả cụ thể.

Đề Mục Thứ 19: ???