Skip directly to content

SO SÁNH GIỮA BỔN VÀ GIỚI KINH

Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống giới luật khẩu hành nghiệp nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành là gì?

Giới đức khẩu hành nghiệp là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh ngữ nghiệp.

Giới hạnh khẩu hành nghiệp là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua những khẩu hành nghiệp như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh khẩu nghiệp.

Như các bạn đã biết trong tạng kinh Nikaya, hầu hết những bài kinh Phật thuyết đều nói về cách thức ngăn ngừa và diệt trừ các ác pháp để luôn luôn giữ gìn và tăng trưởng thiện pháp tức là giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Đối với Phật Giáo, thiện pháp là giới luật của Phật, cho nên khi dạy ông Anan hay dạy ông La Hầu La..., những bài kinh ấy đều có tên là Giáo giới Anan hay giáo giới La Hầu La...; những bài pháp ấy gọi là “Giới kinh”. Còn một vài bài kinh khác chỉ dạy về sự sai lầm của giáo pháp Bà La Môn nên nó không được xem là giới luật mà thôi.

Như các bạn đã đọc Mười Giới Đức Thánh Sa Di, do từ bộ giới bổn Patimoka tôi biên soạn ra, tuy biết rằng bộ giới bổn này là của các Tổ biên soạn, nhưng tôi thấy các Tổ dựa vào những giới kinh Phạm Võng nên không có gì sai, chỉ sai một điều là biến giới đức, giới hạnh, giới hành thành bộ Giới cấm. Bộ Giới cấm Ba La Mộc Xoa Đề này đã làm mất hết ý nghĩa tự giác, tự nguyện sống đời sống Phạm hạnh của Phật giáo. Bởi vì giới cấm là bắt buộc người khác phải thi hành không được vi phạm hơn làđể mọi người tự nguyện, tự giác chấp nhận không phạm giới là vì lý do giải thoát mọi khổ ách cho chính mình.

 Phật giáo ra đời vì lợi ích cho loài người, nên Phật giáo không bao giờ dụ dỗ và cũng không bao giờ bắt buộc một ai giữ gìn cái này, tu tập cái kia. Bạn đến với đạo Phật là đến với sự giải thoát an vui cho chính bạn, chứ đạo Phật không có mong cầu bạn đến với đạo Phật để mang lợi ích gì cho đạo Phật. Đạo Phật không cần chùa to, Phật lớn, không cần cúng bái tụng niệm, v.v.. chỉ cần người đến với đạo Phật là không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ chúng sanh.

Cho nên, bộ giới cấm này thay vì là bộ giới đức, giới hạnh, giới hành, để trở thành một nếp sống có văn hóa, có đạo đức nhân bản làm người, nhưng các Tổ không hiểu ý Phật nên đã biến bộ Giới luật này thành pháp luật của một quốc gia để trừng trị những phạm nhân. Vì thế, khiến cho tu sĩ Phật giáo bị ức chế thân tâm trong giới cấm. Cho nên trong những tập Đường Về Xứ Phật tôi có nói: “Từ khi có giới cấm ra đời thì tu sĩ càng phạm giới nhiều hơn”là lý do này.

Tại sao khi có giới luật tu sĩ lại phạm giới nhiều hơn? Tại vì do giới cấm ức chế tâm tham dục, trong khi tu sĩ chưa có pháp tu tập ly tham dục. Do vì thế tu sĩ lén lút làm những điều phi pháp, không đúng Phạm hạnh, thường vi phạm vào giới cấm. Khi đã vi phạm thì họ rất xấu hổ với những người khác, với chính lương tâm họ, vì thế, họ tìm cách bẻ vụn giới ra để vi phạm mà không bị lương tâm cắn rứt và tránh khỏi bị mọi người chỉ trích. Xin các bạn đọc một kinh giới do các Tổ khéo luận để bẻ vụn giới ăn phi thời: “Chư thiên ăn trước giờ ngọ, Phật ăn giờ ngọ, chúng sanh ăn sau giờ ngọ, ngạ quỷ ăn đêm”. Đó là một đoạn giới bổn mà các Tổ sử dụng nó như một chiếc bùa hộ mạng đối với nam, nữ Phật tử.

Giới cấm uống rượu thì lại dạy rằng: “Cấm uống rượu say, chứ không cấm uống rượu”. Cho nên tu sĩ hiện giờ ăn uống phi thời, lại còn nghiện ngập thuốc lá, rượu, cà phê, trà, v.v..

Đạo Phật là đạo xả tâm, nhưng giới cấm là một phương pháp ức chế tâm, thành thử giới bổn đi ngược lại giới kinh hay nói cách khác là đi ngược lại giáo pháp của Phật khiến cho những người tu học theo Phật giáo không tìm thấy sự giải thoát, mà càng tu lại càng khổ đau hơn. Do thế hiện giờ tuy có giới bổn mà tu sĩ thì phạm giới bẻ vụn giới tan nát; còn giới đức, giới hạnh, giới hành thì chẳng ai biết đến. Trong khi ấy đức Phật dạy La Hầu La đầy đủ các giới, từ giới cấm mà không cấm, đến giới đức, giới hạnh và cuối cùng là giới hành. Như vậy tính ra giới luật của người Sa di mới vào tu phải tu học 104 giới cộng thêm 100 giới chúng học nữa là 204 giới, chứ không phải chỉ có thập giới Sa Di như các Tổ đã dạy.

Sau khi tu học xong bộ giới luật này, chúng tôi sẽ biên soạn tiếp bộ “Giới Hạnh Oai Nghi Thánh Sa Di”, giúp những ai mới bước chân vào đạo Phật, để có những oai nghi tế hạnh của một bậc Thánh đệ tử Phật.

vvv

 

HẾT PHẦN HAI