GIỚI HÀNH THỨ HAI MƯƠI MỐT: GIỚI VÔ THƯỜNG HÀNH
Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống GIỚI VÔ THƯỜNG HÀNH nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của giới vô thường hành là gì?
Giới đức giới vô thường hành là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh nghiệp.
Giới hạnh giới vô thường hành là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua giới vô thường hành như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh nghiệp.
Mọi vật trên thế gian này do các duyên hợp thành. Do các duyên hợp thành nên vạn vật thường thay đổi. Sự thay đổi ấy gọi là vô thường; sự vô thường là hiện tượng của sự đau khổ, sự hoại diệt, sự tan rã, sự không bền vững, sự mất mát, v.v..
Phần đông con người ở thế gian này đều cho các pháp là thường còn, thường hằng, bất biến, chứ ít ai nghĩ rằng các pháp là vô thường. Từ khi đạo Phật ra đời con người mới biết được bốn chân lý của loài người, mới biết được các pháp hiện có mặt do duyên hợp, mới biết được các pháp là vô thường khổ đau, mới biết được các pháp là vô ngã, không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Có quan sát như vậy chúng ta mới có cái nhìn tính chất các pháp vô thường như thật, không còn lầm lạc.
Muốn cho sự hiểu biết như thật thì chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy La Hầu La: “Này La Hầu La, hãy tu tập sự tu tập về vô thường. Này La Hầu La, do tu tập sự tu tập về vô thường cái gì thuộc về ngã mạn được diệt trừ”.
Bài kinh giáo giới La Hầu La này dạy: “tu tập về sự tu tập vô thường” thật tuyệt vời. Vậy cái gì là vô thường?
Thưa các bạn, tất cả các pháp trong thế gian này đều vô thường như trên đã nói, nhưng thấy các pháp vô thường như thật thì phải nhiệt tâm tu tập hết sức, nếu không tu tập hết sức thì chẳng bao giờ thấy các pháp vô thường như thật.
Người không tu tập về các pháp vô thường thì cho rằng các pháp là có thật. Do thấy các pháp có thật nên mới cho các pháp là của ta, là ta, là bản ngã của ta. Từ chỗ thấy hiểu biết sai lệch mới có sự chấp ngã; từ chỗ chấp ngã mới sanh ra ngã mạn; từ chỗ ngã mạn mới sanh ra tham, sân, si mạn, nghi. Biết thế đức Phật mới dạy giới hành các pháp vô thường để diệt ngã xả tâm ly ác pháp. “Này La Hầu La, do tu tập sự tu tập về vô thường cái gì thuộc về ngã mạn được diệt trừ”. Lời dạy này rất đúng, nếu ai đặt trọn lòng tin mà thực hiện lời dạy này thì sẽ chấm dứt khổ đau.