GIỚI HÀNH THỨ MƯỜI HAI: THỦY GIỚI HÀNH
Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống THỦY GIỚI HÀNHnghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của thủy giới hành là gì?
Giới đức thủy giới hành là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh mạng.
Giới hạnh thủy giới hành là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua thủy giới hành như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh mạng.
Trên đây tu tập tâm như đất, nếu đặc tướng của mình phù hợp như đất thì tu tập một thời gian tâm sẽ trở thành đất thật sự, nghĩa là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Còn nếu không hợp với đặc tính của đất thì ta chuyển qua tu tập tâm như nước, tức là ta tu tập giới hành thứ mười hai, Thủy giới hành.
Trước khi muốn tu tập thủy giới hành thì chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy La Hầu La tu tập thủy giới hành: “Này La Hầu La, hãy tu tập sự tu tập như tính của nước, này La Hầu La, do tu tập sự tu tập như nước, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này La Hầu La, ví như trong nước người ta rửa đồ bất tịnh, rửa đồ tịnh, rửa sạch phân uế, rửa sạch nước tiểu, rửa sạch nước miếng, rửa sạch mủ, rửa sạch máu, v.v.. tuy vậy nước không lo âu, không dao động, không nhàm chán”.
Khi tu tập tâm như tính của nước thì chúng ta nên quán xét lời dạy này, rồi dùng nó tác ý tu tập hằng ngày như tác ý câu: “Tâm như nước phải mát lạnh trước mọi ác pháp” hoặc “Tâm như nước phải rửa sạch tham, sân, si, như rửa sạch các chất bẩn vậy”. Khi tác ý như vậy thì chúng ta nên lắng tâm để cảm nhận tâm lúc bấy giờ nghe như mát lạnh, nghe như dễ chịu trong thanh thản, an lạc và vô sự.
Nếu lắng nghe tâm như nước thanh thản, an lạc và vô sự, đó là nước đã rửa đồ dơ uế trược, bất tịnh, nước đã rửa tất cả các ác pháp.