GIỚI HÀNH THỨ HAI: GIỚI THÂN HÀNH NGHIỆP
Muốn đạt được một đời sống giới luật nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành là gì?
Giới đức là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh mạng.
Giới hạnh là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua những hành động sống như: đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh ấy được gọi là Chánh nghiệp.
Giới hành THÂN HÀNH NGHIỆPlà những phương pháp dùng để tu tập, rèn luyện thân tâm trở thành một thói quen tốt. Có thói quen tốt tức là có những hành động sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Muốn sống có đạo đức như vậy thì chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy La Hầu La giới hành:
“Này La Hầu La, con nghĩ thế nào? Mục đích của cái gương là gì?
- Bạch Thế Tôn mục đích của cái gương là để soi, để phản tỉnh lại mình.
- Cũng vậy, này La Hầu La, con phản tỉnh hay soi lại nhiều lần nơi thân hành nghiệp, khẩu hành nghiệp, ý hành nghiệp của con.
- Khi soi vào thân hành nghiệp và con muốn cho thân hành nghiệp của con phải làm gì, thì con phải soi lại thân hành nghiệp như sau: “Thân hành nghiệp này của con có thể đưa đến tự hại; có thể đưa đến hại người; có thể đưa đến hại cả hai; thân hành nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ’’.
Này La Hầu La, khi con nghĩ như vậy, nhất định con không nên làm, nhất định con từ bỏ, nhất định con cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ trình bày trước các vị đạo sư hay trước các vị đồng Phạm hạnh. Sau khi đã tỏ lộ trình bày cần phải phòng hộ trong tương lai.
- Còn ngược lại khi con soi lại thấy thân hành nghiệp này của con không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai, thì thân nghiệp này thiện, đưa đến an lạc. Một thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, con nên làm, cần phải tiếp tục làm. Do vậy, này La Hầu La, con phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục học ngày đêm trong các thiện pháp”.
Đọc đoạn kinh trên đây, nếu là người quyết tâm tu hành theo Phật giáo để tìm cầu sự giải thoát, thì người ấy thấy ngay liền sự giải thoát trong giới hành thứ hai này. Trong giới hành này muốn tu tập thì phải dùng Chánh tư duy trong mỗi hành động về thân hành của mình. Khi biết thân hành nào làm khổ mình hoặc làm khổ người hoặc làm khổ chúng sanh thì nhất định không làm theo thân hành đó, còn thân hành nào không làm khổ mình hoặc không làm khổ người thì nhất định làm, dù thân hành đó có khó khăn đến đâu, có gian nan cực khổ như thế nào chúng ta cũng quyết tâm làm cho bằng được như đức Phật thường dạy: “Đừng bỏ gánh nặng thiện pháp”.
Ví dụ 1: Dùng gậy, dao, giáo, mác để đánh hoặc đâm, giết người và tất cả loài vật khác thì nhất định không làm những hành động đó, thà chết chứ không để có những hành động quá ác độc ấy. Đây là giới hành thân hành nghiệp thực hiện đạo đức cao thượng mà các bạn cần phải ghi nhớ. Đó là những hành động thân hành nghiệp thiện mà ai cũng có thể làm được. Phải không các bạn?
Ví dụ 2: Hành động thân hành nghiệp của bạn là bạn đang cầm ly rượu uống hoặc hành động dâm dục (thủ dâm, tưởng dâm, giao hợp với người khác phái trong chiêm bao...), hành động tức giận, hành động tị hiềm, hành động hại người và loài vật, hành động lười biếng, hành động tham ăn, tham ngủ, hành động nói chuyện xấu người, v.v.. Nếu một người có quyết tâm tu hành thì tất cả những hành động này thà chết chứ không bao giờ làm những hành động độc ác này.
Trên đây là những giới hành có hành động đạo đức cao thượng không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh. Vậy các bạn cần phải ghi nhớ để trau dồi hằng ngày, để mỗi hành động thân nghiệp của bạn mỗi ngày cho được tốt đẹp hơn.
Nhờ có chánh tư duy tu tập giới hành như vậy thì giới cấm mới được giữ gìn nghiêm chỉnh không hề vi phạm.
Từ lâu các bạn đến với Phật giáo, nhưng các bạn chưa từng học và hiểu về giới hành. Có phải vậy không các bạn?
Hôm nay nhờ học bài kinh Giáo Giới La Hầu La ở rừng Am Bà La thì các bạn mới hiểu biết và thông suốt về giới hành, biết rõ giới hành là phương pháp tu tập rèn luyện để ngăn ác diệt ác pháp, để ly dục ly ác pháp, để thành tựu những hành động đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.
Giới hành là những hành động sống hằng ngày của các bạn; giới hành sẽ đem lại sự an vui hạnh phúc cho các bạn; giới hành là những hành động sống của những bậc Thánh mà trong giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa đã dạy. Đó là Mười Giới Đức Thánh Sa Di đã ghi chép rõ ràng. Xin các bạn vui lòng đọc lại để thấy mình có sống đúng mười giới luật này hay chưa? Nếu chưa sống đúng 10 giới luật này thì các bạn hãy đem giới hành ra áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình thì giới bổn ấy các bạn sẽ không hề vi phạm những lỗi lầm, dù là những lỗi nhỏ nhặt nhất.