GIỚI HÀNH THỨ HAI MƯƠI BỐN: GIỚI HÀNH SẮC TRẦN
Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống GIỚI HÀNH SẮC TRẦN nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của giới hành sắc trần là gì?
Giới đức giới hành sắc trần là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh nghiệp.
Giới hạnh, giới hành sắc trần là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua giới hành sắc trần như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh nghiệp.
Vậy con mắt để làm gì? Con mắt dùng để trông thấy hình sắc của các pháp trần. Vậy pháp trần là gì?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy La Hầu La: “Này La Hầu La, con nghĩ thế nào? Sắc trần là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn, là vô thường.
- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
- Bạch Thế Tôn là khổ.
- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”.
- Thưa không vậy, bạch Thế Tôn”.
Tất cả pháp trần đều gồm có không ngoài sáu pháp:
1/ Sắc trần
2/ Thinh trần
3/ Hương trần
4/ Vị trần
5/ Xúc trần
6/ Pháp trần
Khi quán thấy sáu pháp trần này là vô thường, là khổ, là chịu sự biến hoại, nó không phải là ta, của ta, bản ngã của ta. Vậy ta còn ưa thích nó làm gì; nó là pháp khổ, mang đến khổ cho ta. Cho nên từ đây chúng ta phải có đôi mắt nhìn thấy các pháp trần là thấy sự khổ đau; nó chẳng hạnh phúc gì mà chấp nhận, mà dính mắc; cần phải tránh xa và thường nhắc tâm chớ nên ưa thích, phải từ bỏ, phải đoạn lìa.
Nhờ sự tu tập thấy biết sáu pháp trần này là pháp khổ đau nên quyết tâm xa lìa, từ bỏ, vì thế chúng ta mới đủ can đảm sống và chấp nhận một đời sống ba y một bát, với tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không, chẳng còn một pháp nào làm vướng bận tâm ta. Chùa to, Phật lớn, nhà cửa cao rộng, tiền bạc châu báu nhiều cũng không mê hoặc ta, cũng không làm cho ta ưa thích. Danh lợi dù cao sang tột đỉnh, ta xem như mây khói giữa hư không, như nước chảy qua cầu.
Hiểu thấu rõ các pháp trần không phải của ta, là ta, là bản ngã, thì ta từ bỏ chúng xa lìa chúng dễ dàng, chẳng bao giờ còn nuối tiếc, luôn luôn sợ hãi chúng. Cho nên, mỗi lần có ai cúng dường cho mình một vật dùng gì, một món ăn gì hoặc tiền bạc y áo chúng ta đều sợ hãi, vì những vật đó là rắn độc sẽ giết ta chết trong giới luật, và làm ta mất đường đi đến sự giải phóng trong mặt trận sanh tử luân hồi.
Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp là những pháp đáng lưu ý và cần phải tránh xa, từ bỏ. Là người tu sĩ Phật giáo, ta phải sống như Phật “chứng đạo dưới gốc cây, chết nằm dưới gốc cây mà chết”. Sống được như vậy sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp trần mới không tác động tâm ta được.