Skip directly to content

NHÂN QUẢ

Câu hỏi của Ngọc Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con có một số điều trăn trở, mong Thầy tháo gỡ giải tỏa cho con.

Đạo Phật dựa trên cơ sở nhân quả và luân hồi. Mặc dù con đã đọc các cuốn sách của Thầy viết, như cái niềm tin trong con nó chưa được lớn, vì vậy sự buông xả còn kém cỏi, sự tu tập còn lười biếng. Con từ nhỏ tới nay, vẫn cứ cho rằng: “Con người chỉ sống có một lần, sau khi chết tất cả đều tan hoại”, đó là vì con đã tiếp thu những tư tưởng duy vật biện chứng. Con đã đọc: “Kinh Nhân Quả Ba Đời” nhưng con vẫn thấy nó mơ hồ trừu tượng nên con không tin.

Đáp: Kinh sách Nhân Quả Ba Đời là kinh sách hệ phái phát triển, kinh sách này luận về nhân quả thiếu tính khoa học nên lý luận mơ hồ, không thực tế, có vẻ hoang đường, làm mất tính chất đạo đức nhân bản - nhân quả của luật nhân quả. Người có sự hiểu biết về khoa học và chuộng sự thật thì không thể nào tin nhân quả theo kiểu lý luận mơ hồ, trừu tượng, đầy sự hoang đường mê tín lạc hậu này được. Đọc kinh sách phát triển phần nhiều là những lý luận mơ hồ trừu tượng mê tín đẫy đầy không có cuốn kinh nào mà không có. Cho nên, kinh sách phát triển làm mất lòng tin của mọi người với Phật giáo. Con cũng bị ảnh hưởng đó, chính vì con đã học về triết học duy vật biện chứng, nên con không thể tin những điều mơ hồ trừu tượng được, Phải không con?

Muốn biết rõ nhân quả như thật thì chúng ta phải tự hỏi: “Khi người chết cái gì còn lại?”.

Đức Phật đã xác định điều này rất rõ ràng: “Khi người chết toàn bộ thân ngũ uẩn đều tan rã không còn một vật gì tồn tại”. Vậy, không còn một vật gì tồn tại, sao đạo Phật còn chủ trương thuyết tái sanh luân hồi và như vậy có mâu thuẫn nhau không?

Thưa các bạn! Đạo Phật không mâu thuẫn. Khi con người còn sống hằng ngày luôn luôn hoạt động theo tâm tham, sân, si của mình, do mỗi hành động thân, miệng, ý phóng xuất ra những từ trường thiện hay ác (từ trường là một danh từ vật lý tạm dùng để mọi người dễ hiểu, chứ nghĩa của danh từ “từ trường” chưa đúng hẳn) khắp nơi trong bầu khí quyển. Theo luật nhân quả thì từ trường ấy được gọi là nghiệp. Cho nên, con người chết là mất hết chỉ còn nghiệp (từ trường) thiện ác, nghiệp thiện ác không phải là linh hồn, thần thức hay Phật tánh.

Hầu hết mọi người, có tôn giáo hay không tôn giáo, luôn cả các nhà Đại Thừa hiện đang có mặt trên hành tinh này, đều không hiểu lý duyên hợp duyên sinh, do đó tưởng khi người chết còn có linh hồn, thần thức, Phật tánh, tiểu ngã, bản thể v.v.. là một vật thường hằng mang theo nghiệp đi tái sanh luân hồi, điều hiểu biết này là ảo tưởng, mê tín, không đúng sự thật, không có tính khoa học, là sai. Sự hiểu biết này, đức Phật gọi “Chấp thường”. Còn có một số người dựa vào duy vật biện chứng, cho con người mất là mất cả, chỉ có một đời này mà thôi. Sự hiểu biết như vậy, đức Phật gọi là “chấp đoạn”.

Những triết thuyết chấp thường, chấp đoạn là những triết thuyết còn mơ hồ chưa hiểu biết rõ về môi trường sống trên hành tinh này. Môi trường sống trên hành tinh này có nhiều chất liệu, có chất liệu có hình sắc, có chất liệu không hình sắc mà đức Phật gọi chung là “các duyên”. Cho nên, giáo lý nhà Phật gọi môi trường sống trên hành tinh này là “thế giới duyên hợp”. Có duyên hợp mới sinh ra muôn loài, muôn vật, có duyên hợp mới tạo thành thế giới, không duyên hợp thì không có thế giới. Do thuyết nhân duyên mà đạo Phật đã xác định được con người từ đâu sinh ra và chết đi về đâu rất khoa học mà không có một khoa học hay một triết học nào bắt bẻ được, vì đó là một sự thật, một sự thật do sự tu chứng đã thấy rõ như thấy những chỉ trong lòng bàn tay.

Đạo Phật chấp nhận thuyết tái sanh luân hồi, vì khi con người chết thì mất hết nhưng những nghiệp (từ trường) này không mất, do nghiệp này không mất nên tương ưng với tâm tham, sân, si của người khác hợp đủ duyên tạo thành thai nhi. Cho nên, đạo Phật gọi là “nghiệp tái sanh luân hồi”, chứ không gọi “nghiệp đi tái sanh luân hồi”. Kinh sách Đại Thừa gọi nghiệp đi tái sanh luân hồi là sai, vì nghiệp là từ trường nên bất cứ nơi đâu trong bầu khí quyển đều có nó, do đó từ trường không đến không đi, chỉ có hợp đúng thời, đúng duyên là tái sinh luân hồi tức khắc.