TÂM BẤT AN
Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi làm xong việc, con vào cốc tu tập, tâm con cũng chưa được an?
Đáp: Khi vào cốc tu tập, tâm chưa được an, tức là xả tâm chưa được sạch. Nếu tâm xả chưa được sạch thì không nên tu Định Niệm Hơi Thở, mà phải tu Định Vô Lậu, quán triệt cho thông suốt lý chân thật của các pháp.
Ở đây, con làm xong việc, rồi mới vào thất tu, như vậy làm việc và tu là hai việc khác nhau, do hiểu như vậy và tu như vậy nên tâm con bất an là phải.
Thầy thường dạy: “Tu là sống, sốnglà tu” nghĩa là tu tập trong mỗi hành động, việc làm chứ không phải đợi vào cốc ngồi tu, thế mới là tu. Con không nhớ lời đức Phật dạy sao? Phải tu ngay trong thân hành niệm con ạ! Lúc nào thân có động dụng thì phải tu ngay trong hành động ấy, đó là tu tỉnh thức chánh niệm.
Ở đời, người ta thường hiểu tu là vào chùa cạo đầu, mặc áo tu sĩ là tu, hiểu như vậy là sai hoặc người ta thấy ai gõ mõ tụng kinh, niệm chú, lần chuỗi niệm Phật, ngồi Thiền họ cho đó là tu thì còn sai hơn nữa; đó là những hình thức của tôn giáo, chứ đâu phải tu hành là vậy.
Tu ở đây theo đạo Phật, có nghĩa là sửa đổi những thói hư tật xấu; sửa đổi những hành động ác, không làm ác nữa tức là không làm khổ mình, khổ người, không làm khổ mình, khổ người tức là tu, nhưng không muốn làm khổ mình, khổ người thì phải tu tập tỉnh thức trong mỗi hành động việc làm mà đức Phật gọi là “thân hành niệm”.
Tâm bất an tức là tâm vẫn còn trong chướng ngại pháp, tâm chưa xa lìa lòng ham muốn và các ác pháp; tâm chưa xa lìa lòng ham muốn và các ác pháp mà vào thất ngồi tu, đó là cách thức ức chế tâm, nén tâm. Tu như vậy làm sao có giải thoát được, con phải tu trở lại cho đúng pháp.
Muốn tu cho tâm được an, thì phải theo lời đức Phật đã dạy: “Tỉnh thức trong thân hành niệm ngoại”, tức là đi, đứng, nằm, ngồi, làm tất cả mọi việc đều phải tỉnh thức trong mọi hành động, việc làm của mình. Tỉnh thức trong hành động ngoại để làm gì? Để khắc phục tham ưu tức là lìa các chướng ngại pháp trong tâm. Lìa chướng ngại pháp trong tâm thì tâm được an ổn. Muốn được như vậy, thì tâm luôn luôn phải tỉnh thức trên thân hành, và luôn luôn phải tác ý ly tham, đoạn ác pháp.
Cho nên, tu trong thân hành niệm tức là lấy hành động của thân để tỉnh thức mà xả các niệm ác, xả các chướng ngại pháp để tâm không còn bất an.
Tâm con bất an thì Tổ Sư Thiền Đông Độ sẽ bảo: “Lấy tâm ra đây ta an cho” thì tâm con sẽ an liền, như Huệ Khả đã được Bồ Đề Đạt Ma an tâm cho, đó là một lối nói để người nghe dùng tưởng mà nhận ra tâm đã an, nhưng kỳ thật, không bao giờ có tâm an. Bởi vì, tâm đã huân thành nghiệp bất an lâu đời, nên hở ra một pháp nào va chạm vào tâm là tâm chướng ngại bất an liền, cho nên cần phải siêng năng tu tập xả tâm, chứ không phải nhìn lại chỗ bất an mà tâm an.
Ví dụ: khi chúng ta bị nhức đầu, tâm chúng ta bất an, bấy giờ chúng ta tìm chỗ tâm bất an, thì tâm chúng ta có hết bất an không? Khi mà đầu chúng ta còn đau nhức.
Bởi người ta hiểu tâm và nghiệp là hai, nhưng kỳ thực tâm và nghiệp là một, nghiệp là tâm, tâm là nghiệp. Các nhà học giả hiểu tâm và nghiệp là hai nên bảo rằng: “Nghiệp dẫn tâm đi tái sanh luân hồi”. Không có dẫn tâm đi luân hồi, mà nghiệp luân hồi, tức là nghiệp tạo duyên. Nghiệp tạo duyên vô minh.
Ví dụ: Như một người nam và một người nữ do đắm nhiễm tình dục, nên tạo thành nghiệp ái dục, nghiệp ái dục tức là sự ưa thích tình dục cho nên họ hành động gần gũi nhau để rồi tạo ra thức.
Họ không biết tình dục sau đó, là một sự khổ đau, sự khổ đau tức là ác pháp. Họ không biết ác pháp khổ đau nên họ lấy nhau, đó là vô minh của nghiệp ái dục tạo nên duyên hành “lấy nhau”. Do hành động lấy nhau, tạo duyên thức, thức này là thức nghiệp ái dục. Nên loài động vật sinh ra, không ai dạy dâm dục cho nó, nhưng con vật nào cũng dâm dục, con người cũng vậy. Dâm dục tức là nghiệp. Cho nên, người tu hành mà không đoạn dâm dục thì chẳng bao giờ có giải thoát.
Vì thế, tâm là nghiệp, nghiệp là tâm, nó không phải là hai. Nên đức Phật dạy: “lìa nghiệp ác, đoạn diệt nghiệp ác vì nghiệp ác tạo ra muôn thứ khổ đau, còn nghiệp thiện, không làm khổ mình, khổ người thì nên giữ và tăng trưởng nó”.
Ví dụ: Chúng ta tu pháp Như Lý Tác Ý như câu: “Tâm như cục đất” tức là tạo nghiệp thiện, mà nghiệp thiện đã có thì nghiệp ác không có. Nghiệp ác không có thì không có sự khổ đau tức là giải thoát (Niết Bàn).
Con người khổ vì nghiệp ác, nghiệp ác là những hành động ác đã lặp đi lặp lại nhiều lần và đã đắm nhiễm hay nói cách khác là đã thành thói quen khó bỏ, các nhà Đại Thừa gọi là “tập khí”.
Khi tu tập tâm bất an, là tu sai không đúng pháp. Pháp của đức Phật dạy, là pháp ngăn ác diệt ác pháp, cho nên tâm lúc nào cũng được an ổn, vì tâm không an ổn là tại không biết sử dụng pháp đúng cách.
Do chỗ đẩy lùi các ác pháp trong tâm nên đức Phật dạy: “Pháp Ta tu là có kết quả ngay liền không có thời gian, có khả năng hướng thượng”. Kết quả ngay liền là tâm không còn bất an.
Tâm còn bất an là còn không xả tâm, muốn xả tâm thì tu tập phải có đối tượng. Nhờ có đối tượng mà biết tâm xả hay chưa xả.
Người tu hành theo đạo Phật, mà tránh né đối tượng, thì tu chẳng bao giờ có giải thoát. Cho nên, muốn tu tập giải thoát thì ngay nơi ác pháp ngăn và diệt, ngăn và diệt là dùng pháp như lý tác ý, nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.
Giải thoát của đạo Phật không phải chỗ có thần thông phép tắc, chỗ thấy Tánh, chỗ ngồi Thiền năm, bảy ngày, một đôi tháng mà chỗ đẩy lui chướng ngại pháp trong thân và tâm.
Hằng ngày, từng phút, từng giây siêng năng chuyên cần đẩy lui các chướng ngại pháp thì làm sao tâm con bất an được. Tâm không còn bất an tức là giải thoát của đạo Phật hay gọi là tâm bất động.