BUỒN CHÁN KHI XẢ TÂM KHÔNG ĐƯỢC
Hỏi: Kính bạch Thầy! Con đã học, đã biết nhất là khép mình trong giới luật sao con vẫn phạm, lương tâm con cắn rứt, khổ sở vô cùng. Ngày nào, giữ đúng con thấy tâm con được yên ổn, thanh thản, an vui.
Sự tu hành cũng có nhiều khó khăn, tâm còn yếu con không thể vượt qua được, đôi lúc con cũng chán nản. Thưa Thầy, những lúc này con phải tu như thế nào? Trạch pháp ra sao để tiến bước trên đường tu tập?
Đáp: Còn phạm tức là tỉnh thức chưa đủ, chánh niệm còn yếu, nên cố gắng tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Vô Lậu, siêng năng cần mẫn tập nhiều hơn, thì sẽ khắc phục được không còn phạm (còn phạm tức là còn tu, hết phạm tức là hết tu). Đường lối tu tập của đạo Phật rất cụ thể, tu tới đâu biết tới đó, có kết quả hay không có kết quả. Bởi vì, pháp tu xả tâm, xả ít kết quả ít, xả nhiều kết quả nhiều.
Con nên quan sát lại tâm mình, con sẽ thấy có những kết quả rất lớn, đời sống của con bây giờ so với lúc chưa tu thì có khác xa nhiều, tâm con cũng vậy nhưng chưa rốt ráo.
Gặp lúc tâm chán nản, con nên quán sát lại kiếp sống của con người “Con người sanh ra vốn để mà khổ”. Khổ thật, rồi con hướng tâm ám thị “Ta phải thoát ra cảnh khổ này, dù cho xương tan thịt nát, máu trong thân này có khô cạn, ta cũng quyết chiến thắng tận cùng để giành sự giải thoát cho mình”.
Đọc đến câu hỏi này, Thầy cảm thông nỗi lòng đau khổ của con: “Đạo cảm ứng giao nan tư nghì”. Xưa, đọc đến câu kinh này, Thầy rơi nước mắt. Đạo quá khó khăn không thể nghĩ lường, nên chư Phật đã cảm thông nỗi khắc khoải tu hành của những người đệ tử của mình.
Bây giờ Thầy cũng vậy, khi nỗi lòng con trút lên trang giấy, để cầu Thầy cứu con thoát ra kiếp trầm luân đau khổ. “Tâm còn yếu ớt, con không thể vượt qua được”, lời nói này khiến Thầy cảm thông, con như người đang chới với giữa dòng sông sắp chết đuối tới nơi. Tiếng kêu cứu của con thét lên: “Thưa Thầy những lúc này, con phải tu như thế nào? Trạch pháp ra sao để tiến bước trên đường tu tập?”. Nghe tiếng kêu cứu này Thầy quá bồi hồi, cảm ứng như Thầy đang chới với giữa dòng sông như con vậy. Thầy là một con người không phải là một cây đá. Tu hành không có nghĩa là trở thành cây đá, tu hành là dẹp bỏ những tâm ích kỷ, nhỏ mọn để không làm khổ mình, khổ người, không thương ghét trong sự đối đãi, chứ không thể nào làm mất tâm từ bi của một tu sĩ Phật giáo. Do đó, sự cảm thông của Thầy không phải đây là lần đầu tiên, mà là của bao nhiêu lần, khi mỗi người đệ tử của Thầy bỏ cuộc ra đi, Thầy biết họ đang chìm dưới dòng sông khổ đau. Lòng Thầy tê tái. Bởi vì, luật nhân quả công bằng và công lý nên quá khắt khe không ai cứu cho ai được cả, chỉ có mỗi người phải tự cứu lấy mình. Xưa, đức Phật cũng đã từng cảm thông, Ngài xót thương nói lên: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là người hướng đạo”.
Cách đây ba, bốn năm Thầy đã trả lời con câu hỏi này ngắn gọn để con có một chiếc phao mà vượt qua, lòng Thầy cũng giao cảm, se thắt và thương xót, đến giờ này con còn bám theo Thầy, nên khi nhuận lại tập sách này, một lần nữa Thầy đã xót xa, thương cảm và nhớ đến những người đệ tử của mình quá dại dột, nhẹ dạ, mềm lòng chạy theo những tà pháp cám dỗ bằng những dục lạc, ăn uống, ngủ nghỉ phi thời, chùa to Phật lớn, đời sống vật chất đầy đủ, tu hành sung sướng như một nhà giàu, sống thì được nuông chiều nâng niu, còn ở đây, thì quá khắt khe trong giới luật ăn, ngủ, độc cư mà còn bị nhiều thử thách nghịch duyên. Khiến cho tâm các con tan nát. Nếu không tu tập rèn luyện như vậy thì làm sao thấy tâm mình giải thoát. Hoa sen nở trong lò lửa, chứ hoa sen nở nơi bùn lầy nước hôi thúi thì ra gì. Người tu sĩ Phật giáo Nguyên Thủy như hoa sen nở trong lò lửa: “Thắng trăm trận không bằng thắng tâm mình, thắng tâm mình mới là chiến công oanh liệt”.
Thắng tâm mình tức là ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp không đơn giản, nó là một cuộc tranh đấu cam go giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa tội lỗi và không tội lỗi, giữa đau khổ và không đau khổ, giữa sống và chết, giữa thiên đàng và địa ngục.
Trong cuộc đời này, ai là người đã vượt qua dòng sông nhân quả, dòng sông đau khổ.
Tiếng kêu cứu từ tự thâm tâm của con, muốn vượt qua dòng sông đau khổ để đến bờ giải thoát, nhưng sóng gió bão bùng quá mạnh, sức con đã kiệt, hơi thở con đã tàn, con không thể vượt qua nổi, như các bạn con họ đã chìm tận đáy sông rồi còn mong gì Thầy cứu được. Hiện giờ, con còn đang lặn hụp chới với, sắp sửa chết đuối dưới dòng sông này nữa. Thầy cũng sẽ mất đi một người học trò, Thầy biết làm sao hơn để cứu con bây giờ, nếu không phải bằng sức lực của chính con thì còn ai hơn nữa. Thầy chỉ còn có chiếc phao cuối cùng, đó là pháp môn “Như Lý Tác Ý”: “Dòng đời là khổ đau, tâm ta hãy như cục đất, buông xuống! Buông xuống hết!”.
Suốt ngày đêm trong 24 tiếng đồng hồ, con thường nhắc tâm như cục đất thì may ra con sẽ đến bờ bên kia.
Con hãy nổ lực và dùng hơi thở cuối cùng để chiến đấu với nội tâm mình.
Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì
Thở ra chẳng lại còn chi nữa
Vạn sự vô thường buông xuống đi!”
Trước kia, hằng tuần Thầy thường gặp các con, là niềm an ủi trong khi bước chân của các con còn tập tễnh. Bây giờ, các con cứng cáp vững vàng hơn, Thầy không thể đưa tay dìu dắt cho các con từng bước nữa mà phải buông tay ra để các con tự bước vì sức Thầy đã già yếu, cứ một ngày qua là sức khỏe tàn tạ thêm theo năm tháng không thể dìu dắt như trước nữa, vì cơ thể là một phần vật chất vô thường. Thầy đã dùng nó tu tập khổ hạnh một đời để tìm ra ánh sáng của đạo Phật đã bị dìm mất từ xưa, khi tìm ra được thì sức lực đã yếu lắm rồi, nhờ nội lực tu tập Thầy đã phục hồi và duy trì cho đến ngày nay, Thầy gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người.
“Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, sống không gia đình, không nhà cửa”.
Trời! Lời nói thì đơn giản, sao mà chẳng ai sống được?
Bởi vì, người ta còn muốn sống, người ta chưa dám chết, nếu không dám chết một lần thì làm sao sống lại.
Tại vì con chưa dám chết, nên con phải sống, sống trong đau khổ, đau khổ muôn đời.
Con thử nghĩ hiện giờ, con đang sống mà như người đã chết thì ai chửi mắng con, con có giận không?
Lửa cháy, nước ngập con có sợ hãi không?
Nếu tâm con như cục đất tức là con đã chết, cái chết đó là cái sống muôn đời con ạ! Sanh tử luân hồi không còn nữa.
Hãy thử chết đi một lần con ạ! Thì con sẽ thấy được vũ trụ này không gì mà con không thông suốt.
Thầy lúc nào cũng bên các con, mỗi sự đau khổ của các con, Thầy đều cảm thông và chia sẻ, những nỗi nghẹn ngào, khi nước mắt của các con tuôn trào, các con có biết chăng? Lúc bây giờ, Thầy đều cảm thông những nỗi thống khổ này, lòng Thầy se thắt, nước mắt Thầy cũng tuôn trào như các con.
Hãy ráng vượt qua các con ạ!
Đường đi không còn xa nữa, chỉ có phút giây tận lực cuối cùng này mà thôi. Phút giây tử thần: “Sống mà như chết”.