VỊ MINH SƯ PHẬT GIÁO
Người vô duyên không được gặp Phật Pháp, cuộc đời trôi theo dòng nước dục lạc uế trược thế gian, bảy nổi ba chìm, khổ đau vô tận, từ kiếp này chuyển sang kiếp khác không bao giờ dứt, như con kiến đi quanh vòng miệng lu.
Người vô duyên không gặp Phật Pháp, lại gặp tà pháp, càng tu tự ngã càng cao, thường gạt người để mua danh cầu lợi, làm nhiều điều tội ác, thật là uổng phí cho một đời tu của một kiếp người.
Người hữu duyên gặp được Phật Pháp nhưng không gặp được minh sư, không thấu rõ lý chánh pháp của đạo Phật, tu tập theo kiến giải của các nhà học giả, giống như loài vật gặm xương, bỏ đi thì uổng, nhai lại thì chẳng có gì.
Người hữu duyên và có tâm quyết tu theo đạo Phật, để mong cầu thoát ra cảnh khổ trần lao thế tục, mà lại gặp những kinh sách phát triển ngoại đạo, hiện hành của các nhà học giả biên soạn ra, xưa và nay thì tu hành, dở sống dở chết chẳng ra gì. Đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo.
Để làm sáng tỏ trong giới tu sĩ Phật giáo hiện giờ, chúng ta có thể chia làm sáu loại tu sĩ như sau:
1/ Tỳ kheo chuyên cúng bái, tán tụng, kệ ngâm (ứng phú đạo tràng). Tỳ kheo này ít học giáo lý, chùa là nơi sinh sống như một gia đình, có vợ, có con, tự làm ăn mọi nghề nghiệp như một gia đình thế tục: làm ruộng, làm rẫy, làm vườn, chăn nuôi heo, gà, dê, bò v.v..Có ai thỉnh đi cúng bái, tụng niệm cầu siêu, cầu an v.v.., đều cất giá tiền công hẳn hòi.
2/ Tỳ kheo chuyên cúng bái tụng niệm, cầu siêu, cầu an, tổ chức lễ lộc, tổ chức hành hương, tổ chức từ thiện v.v.. Các vị Tỳ kheo này không có vợ con, có trình độ giáo lý và có học thức, đi đám tụng niệm không lấy tiền công, chỉ nhận tiền cúng dường trai tăng tứ sự v.v.. Chùa là nơi sinh hoạt của những Phật tử mê tín suốt ngày.
3/ Tỳ kheo chuyên học tập giáo lý, làm việc Giáo Hội, giảng sư dịch thuật, soạn kinh viết sách, các vị Tỳ kheo này có trình độ văn hóa cao, có kiến thức Phật giáo sâu rộng nhưng không có tu hành, họ thuộc về cấp lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo.
4/ Tỳ kheo vừa tu vừa thuyết giảng kinh điển Thiền, Mật và Tịnh cho tín đồ tu tập theo kiến giải của mình, những Tỳ kheo này tu theo Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh. Bốn hạng Tỳ kheo trên đây thuộc về Bắc Tông Đại Thừa Giáo.
5/ Tỳ kheo chuyên ăn thịt chúng sanh, đó là những Sư Nam Tông, tu theo kinh sách Nguyên Thủy, nhưng bị kiến giải của các nhà học giả có học thức cao trên đại học, thường phá giới, sống phi Phạm hạnh nên hiểu sai lời dạy của đức Phật đã trở thành những ác tri thức, mất chủng tử từ bi, xa lìa hạt giống chánh pháp, thường lý luận để ăn thịt chúng sanh: “Ăn không thấy, không nghe, không nghi”.
6/ Tỳ kheo cất thất, am, cốc riêng để tu một mình, đó là những tu sĩ tiêu cực, yếm thế, chỉ tìm sự an vui cho cá nhân. Họ tưởng tu như vậy là giải thoát, nhưng nào ngờ là trốn đời chạy theo tâm ham muốn sống cảnh yên tịnh.
Trên đây là sáu hạng Tỳ kheo:
a/ Nếu quý vị chọn loại một làm thầy thì quý vị tu theo Phật giáo Ứng Phú Đạo Tràng mê tín, chịu nhiều ảnh hưởng phong tục tập quán dân gian, những Tỳ kheo này phần đông phá giới, phạm giới, sống không bao giờ đúng giới hạnh, những tu sĩ này được xem là những cư sĩ trọc đầu.
b/ Nếu quý vị chọn loại hai làm thầy, thì quý vị tu theo Phật giáo thuộc Bà La Môn Giáo, tu phước hữu lậu.
c/ Nếu quý vị chọn loại ba làm thầy, thì quý vị tu theo Phật giáo danh lợi.
d/ Nếu quý vị chọn loại bốn làm thầy, thì quý vị tu theo Phật giáo Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông. Những pháp môn tu này giống như người nhai viên sắt, nuốt chẳng vô, nhả chẳng ra.
e/ Nếu quý vị chọn loại năm làm thầy, thì quý vị tu theo Phật giáo Nam Tông, trở thành ác tri thức, mất tâm từ bi, xa lìa đạo giải thoát.
f/ Nếu quý vị chọn loại sáu làm thầy, thì quý vị tu theo Phật giáo yếm thế trốn đời, tiêu cực. Cuộc đời tu hành chẳng tu tới đâu, chỉ có công mà chẳng lợi ích gì.
Trong đạo Phật có sáu loại tu sĩ như vậy, nếu quý vị không chấp nhận họ làm thầy của mình, thì quý vị chấp nhận ai làm thầy của mình?
Chúng tôi xin giới thiệu một vị minh sư của đạo Phật, để quý vị khỏi tìm kiếm đâu xa và khỏi bị tà sư ngoại đạo lường gạt. Vị minh sư ấy là ‘‘Giáo Pháp và Giới Luật của đức Phật’’. Xưa, đức Phật cũng nhờ nương vào giáo pháp và giới luật này, mà Ngài tu chứng đạo. Cho nên, khi thành đạo Ngài đã quỳ xuống đảnh lễ giáo pháp này và tôn xưng nó là Thầy của mình. Đến khi nhập diệt vào Niết Bàn, Ngài di chúc lại: “Sau khi Ta nhập Niết Bàn, các Thầy Tỳ kheo hãy lấy Giáo Pháp và Giới Luật của Ta làm Thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc tu hành…”
Chúng tôi cũng xin giới thiệu, kinh sách của chính đạo Phật để quý vị khỏi lầm kinh giả.
1. Bốn bộ kinh A Hàm.
2. Năm bộ kinh Nikaya.
Tuy rằng, bốn bộ kinh A Hàm và năm bộ kinh Nikaya là kinh gốc của đạo Phật, nhưng trong ấy các Tổ đã có sự thêm bớt rất nhiều, nhất là kinh A Hàm, các Tổ đã dịch làm lệch ý của Phật và còn soạn viết những bài kinh gạch nối giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa. Vậy, quý Phật tử khi nghiên cứu đừng tin trọn những kinh sách này, mà hãy nhớ lời đức Phật đã dạy:
“Này các Kàlàmà!
1- Chớ có tin vì nghe truyền thuyết,
2- Chớ có tin vì nghe truyền thống,
3- Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn,
4- Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng,
5- Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình,
6- Chớ có tin vì đúng theo một lập trường,
7- Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện,
8- Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình,
9- Chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền,
10- Chớ có tin vì bậc Sa Môn là Đạo Sư của mình, v.v..
Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào, tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”. Thời này, Kàlàmà hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.
Những lời dạy trên đây của đức Phật, là những lời nhắc nhở và cảnh cáo đệ tử của mình, đừng quá vội tin mà bị lừa đảo những pháp môn ngoại đạo giả mạo của Phật giáo.
Rút ra từ những lời dạy này, khi bước chân vào các tôn giáo thì chúng ta cần phải dè dặt cẩn thận nhiều hơn, không nên tin mù quáng mà phải chọn đúng chánh pháp dạy đạo đức làm Người, làm Thánh. Vì chính đạo đức làm Người, làm Thánh là sẽ không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả những loài chúng sanh.