THIẾU NGHỊ LỰC, NHIỆT TÂM VÀ ÁM THỊ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Tại sao con buông xả quá chậm, nay được mai mất, con chưa làm chủ được gì? Con không biết tìm biện pháp nào mạnh hơn? Dùng Định Vô Lậu, tu pháp Hướng Tâm sao chưa được thấy kết quả hay con đã quán xét, tư duy chưa thấu triệt, tu tập pháp hướng chưa đúng mức?
Đáp: Đúng vậy, tất cả sự tu tập của con chưa chuyên nhất.
1- Dùng pháp Hướng Tâm còn yếu, chưa nhạy bén.
2- Định Vô Lậu quán triệt chưa thông suốt lý các pháp, lý nhân quả.
3- Mức tỉnh thức chưa đủ sức.
4- Chánh niệm còn kém (thiện pháp).
5- Nghị lực và nhiệt tâm còn yếu kém, chưa dũng mãnh.
6- Chưa quán triệt thấu suốt kiếp sống của con người: “khổ như thật – thật khổ”.
7- Không có sự quyết định dứt khoát mạnh mẽ.
8- Không có sự tích cực trong sự dứt khoát xả bỏ thói quen.
Nói xả bỏ hay nói ly dục ly ác pháp là nói chứ chưa phải xả, đến khi xả là chúng ta mới thấy khó vô cùng.
Buông xả là một danh từ suông, thật sự xả bỏ một điều gì không đơn giản như chúng ta nói, nếu một người không quyết tử thì khó mà xả bỏ được.
Ví dụ, như ăn ngày một bữa để xả bỏ hai bữa ăn kia, nếu một người không quyết tử thì cũng khó mà ăn một bữa được, đó là cái ăn nó dễ dàng như vậy mà nó còn khó xả huống là xả dục và các ác pháp.
Ví dụ, như một người ăn thịt cá quen, bây giờ bắt đầu ăn chay, nếu không quyết tử thì việc ăn chay cũng không dễ dàng.
Ví dụ, như một người nghiện thuốc lá nếu anh ta không quyết tử thì cũng không bao giờ bỏ được thuốc lá. Đó là những sự buông xả tầm thường mà còn phải quyết tử huống là con quyết bỏ tâm tham, sân, si thì đâu phải là một việc dễ làm. Mỗi lần vấp ngã là mỗi lần đứng lên, dũng mãnh hơn, liều chết, cắn chặt răng, đưa lưỡi lên nóc họng quyết tử với tâm tham, sân, si của mình thì mới mong chiến thắng nó được. Đức Phật dạy: “Thắng trăm trận không bằng thắng mình, thắng mình mới là chiến công oanh liệt”. Có nghĩa lời xác định này, xả tâm rất khó, khó vô cùng, khó chứ không phải dễ, nếu không xem mình là một tử thi, thì không thể nào xả bỏ được tham, sân, si. Nhất là tâm si, trạng thái tâm si là hôn trầm, thùy miên, hôn tịch, vô ký, ngoan không, khi các hiện tượng này xảy ra nếu không có một nghị lực kiên cường, một ý chí dũng mãnh thì không bao giờ thắng chúng được. Hầu hết, các tu sĩ về đây tu tập, đều đầu hàng giặc si này, mọi người đều cuốn cờ rút chạy dài, đầu hàng vô điều kiện.
Người ta đọc câu Kinh Pháp Cú ai cũng thấy kinh này quá hay, nhưng cái hay của nó ở danh từ chứ việc làm của nó thì gần hết như con người trên hành tinh này, mấy ai là người đã làm được.
Con hãy quán xét thử khắp trong thế gian này, người ta có thể tu tập có thần thông, có sự linh thiêng huyền diệu, mầu nhiệm, có sự đình chỉ hơi thở thật sự, nhưng ít ai hoặc không có người đình chỉ tâm tham, sân, si.
Đình chỉ lòng tham, sân, si tức là ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp là một đạo đức tuyệt vời của con người. Đạo đức không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai.
Thế mà, một việc làm có lợi ích lớn như vậy, tại sao người ta không làm được?
Người ta nói tu, nhưng người ta không hiểu tu là làm gì? Phần đông người ta hiểu tu là tụng kinh, trì chú, ngồi Thiền, niệm Phật hoặc làm những việc lành từ thiện, bố thí cúng dường hoặc luyện bùa, niệm chú hoặc tập luyện Yoga hơi thở bằng cách này hoặc bằng cách khác để có thần thông, những việc làm như vậy họ gọi là tu.
Đối với đạo Phật sự tu không phải như vậy, mà là một cuộc sống, một hành động sống không làm khổ mình, khổ người.
Chúng ta sống như thế nào mà không làm khổ mình, khổ người, thì đó là một sự tu của đạo Phật. Sự tu ấy trong đạo Phật gọi là tịnh chỉ lòng tham, sân, si; còn gọi là xả bỏ ly tham đoạn diệt ác pháp.
Muốn đoạn diệt lòng ham muốn và các ác pháp đang làm cho đời sống của chúng ta đau khổ, nay chuyện này mai xảy ra chuyện khác thì phải có đầy đủ nghị lực và nhiệt tâm.
Nếu chúng ta biết đời là khổ mà không quyết tâm buông bỏ những sự đau khổ đó. Cũng như người ăn trộm cắp, biết trộm cắp là sẽ bị tù tội và sẽ bị người ta bắt được đánh đập mình và có khi còn giết mình, thế mà người ăn trộm cắp không bỏ được, không ly được thì quý vị nghĩ sao?
Biết ác pháp và lòng ham muốn là khổ, mà không chịu bỏ thì có ai bỏ dùm mình được không?
Ví dụ: Biết nói chuyện là tâm không ly dục ly ác pháp, tâm không bao giờ hết phóng dật, thế mà không bỏ được sự nói chuyện thì có ly dục ly ác pháp được không? Nếu không ly dục ly ác pháp thì làm sao hết tham, sân, si. Vậy mà, ngay bây giờ không chịu bỏ nói chuyện, thì tu làm gì, cho mất công và cũng chẳng có ích lợi gì.
Cho nên, tu là buông xả chứ không phải ngồi Thiền, niệm Phật, tụng kinh mà buông xả được. Chúng ta thử xem lại thời gian đã qua, các bậc Thầy Tổ của chúng ta từ xưa đến giờ, họ đã từng tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi Thiền, mà có người nào xả bỏ tham, sân, si được chưa? Ngoài hình thức bệ vệ trong chiếc áo cà sa, Thầy Tổ của chúng ta vẫn còn tham danh đắm lợi. Không tham danh đắm lợi sao họ lại xây cất chùa to Phật lớn như vậy? Không tham danh đắm lợi sao họ lại ăn uống phi thời, sống một đời vật chất quá đầy đủ như một nhà giàu có.
Phật dạy: “Ba y, một bát, sống không nhà cửa, không gia đình”. Thế mà, Thầy Tổ có sống được như vậy không?
Thưa các bậc tôn túc Tăng và Ni cũng như quý vị cư sĩ hãy thành thật với mình, với những tín đồ Phật Giáo, có phải chúng ta đã ly tham ly ác pháp? Có phải chúng ta sống đúng Phạm hạnh của những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni hay cuộc sống của chúng ta không khác gì với những người phàm phu, cũng danh, cũng lợi, cũng tham, cũng sân, cũng si mê dính mắc: sắc, danh, lợi, thực, thùy?
Có nghị lực, có nhiệt tâm xả bỏ, có chấp nhận một cuộc sống buông xả giải thoát; có chấp nhận Phạm hạnh giới đức của Phật Giáo; có biết rõ đời sống thiểu dục tri túc là đời sống đạo của đạo Phật, là đời sống giải thoát không?
Hỡi các vị tôn túc! Xin quý vị hãy nhìn lại đời sống của mình có xứng đáng là người tu sĩ đạo Phật hay không; có đầy đủ nghị lực; có nhiệt tâm xả bỏ ly tham ly ác pháp chưa?
Phải thành thật với mình, với tín đồ Phật Giáo, để làm sáng tỏ lại Phật giáo. Đừng vì danh, vì lợi, vì cuộc sống thế tục mà dựa theo kinh sách phát triển bưng bít những lỗi lầm đáng sợ, tai hại cho mình và cho Phật Giáo.
Trước khi làm những gì, chúng ta hãy suy nghĩ đến hậu quả của nó.
Hậu quả của những người tu, chúng ta trực tiếp đã thấy quá rõ ràng. Thầy Tổ của chúng ta trước khi chết phải thọ lấy sự đau khổ vô cùng, chỉ vì sống không đúng Phạm hạnh của đạo Phật nên phải gánh chịu sự đau khổ vô vàn. Đó là vì, chúng ta không nhìn thấy sự tu hành giả dối của chúng ta, nhân giả dối lừa đảo thì quả phải khổ đau.
Thưa quý vị, quý vị nói chứ quý vị có xả đâu, quý vị đừng ôm thêm, ôm thêm để mà khổ quý vị ạ!
Hãy buông xả! Buông xả với một nhiệt tâm nồng cháy; với một nghị lực kiên cường; với một sự hiểu thông suốt: “Dục và ác pháp là khổ”, thì quý vị mới xả bỏ được, mới tìm thấy sự giải thoát chân thật của đạo Phật.
“Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì
Thở ra chẳng lại còn chi nữa
Vạn pháp vô thường buông xuống đi
--o0o--
Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Tâm hồn thanh thản chẳng sầu bi
Cuộc đời ngắn ngủi trong chớp mắt
Còn có vui gì chẳng bỏ đi
--o0o--
Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Trò đời như mộng có còn chi
Tứ đại trả về cho tứ đại
Thanh nhàn an lạc lúc phân ly”
Muốn cho có một nội lực sung mãn, để khắc phục tâm tham ưu của mình; để có kết quả tâm bất động trước các pháp; để ly được dục ly được ác pháp; để tâm không phóng dật và cuối cùng tâm định trên thân, thì thường xuyên con nên dùng pháp Hướng Tâm - Như Lý Tác Ý, ám thị tâm con khi con muốn tâm con phải làm một điều gì như con muốn.
Ví dụ, như con muốn tâm con không còn giận hờn, thương ghét, hay không cho nó nói chuyện, để sống trầm lặng một mình, thì con nên trạch pháp một câu: “Tâm như cục đất, không nên nói chuyện với ai cả để sống đúng chánh hạnh, để được an vui, thanh thản và vô sự”.
Câu hướng tâm này, con phải sống với nó như bóng với hình, lúc nào, giờ nào con cũng phải nhớ ám thị, đừng nên quên thì sẽ có hiệu quả xả tâm rất tốt. Nhớ kỹ, ám thị cho đến chừng nào có hiệu quả mới thôi.