PHỤ LỤC II PHÁP MÔN NGUYÊN THỦY CHƠN NHƯ THEO PHÀM SUY
Bài viết của Từ Quang
Pháp môn Nguyên Thuỷ Chơn Như lấy năm bộ kinh Nikaya làm giáo pháp tu học. Đây là 5 bộ kinh theo chữ Pali và đã được H.T. Minh Châu dịch đầy đủ. Năm bộ kinh này, theo lịch sử kinh điển Phật giáo và ngày nay học giả Phật giáo khắp thế giới công nhận là những bộ kinh được kết tập, được ghi chép lại bằng văn tự Pali đầu tiên và có thể nói gồm toàn gần nguyên gốc những lời đức Phật giảng dạy chúng tỳ kheo và cư sĩ tại gia thời đức Phật còn tại thế. Đó là:
1)- Trường Bộ Kinh
2)- Trung Bộ Kinh
3)- Tăng Bộ Kinh
4)- Tương Ưng Bộ Kinh
5)- Tiểu Bộ Kinh
Các bộ kinh Trường Bộ, Trung Bộ và Tăng Chi Bộ được kết tập vào kỳ kết tập thứ 3, vào thời vua A-Dục, khoảng 325 nămsau ngày đức Phật nhập Niết Bàn. Hai lần kết tập đầu (100 ngày sau khi đức Phật nhập diệt và 123 năm sau) đều chỉ được khẩu truyền kết tập theo lời dạy của đức Phật lúc còn tại thế: “Pháp của ta để hành, không phải để thờ” (Đường Xưa Mây Trắng, thiền sư Nhất Hạnh), vì lúc bấy giờ Bà-La-Môn giáo thường thờ cúng các bộ kinh Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư. (Theo Bình Anson thì mãi đến kỳ kết tập thứ 5 (20 năm trước Công Nguyên), tại Tích Lan, mới được viết thành văn kinh). Lúc còn tại thế, Đức Phật không bao giờ khẳng định giáo pháp của Đức Phật không phải giáo pháp của Bà-La-Môn và Đức Phật rất khéo léo loại bỏ tất cả (mầm mống) những thái độ nào đem lại sự chống đối Đức Phật. Thường ngày Phật tiếp xúc với các Bà-La-Môn gia chủ, Giáo Trưởng, Đại Thần, Quốc Vương, và tất cả mọi người... thuyết giảng cho họ giáo pháp của Đức Phật để họ tự nhận thấy Giáo Pháp của đức Phật không có gì quá thâm sâu, quá trừu tượng mà trái lại, rất thực tế, dễ hiểu, lợi ích thiết thực trong cuộc sống, khả tu, khả chứng và họ tự ý qui thuận, xin làm đệ tử của Phật từ đó và trọn đời về sau. Năm anh em Tôn Giả Kiều Trần Như, là những đệ tử tỳ kheo đầu tiên của đức Phật, cũng là những Bà-La-Môn, đồng tu đồng chứng Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định như đức Phật trong cùng Giáo Pháp Bà-La-Môn của Ngài Ramaputta. Họ cũng noi gương đức Phật, khi tu chứng được định cao chót này của Ramaputta, vẫn không thấy trong giáo pháp này có con đường giải thoát làm chủ sanh tử luân hồi, nên đã theo chân đức Phật vào rừng cùng nhau học hỏi tự tìm đường tu để tiến tới cứu cánh giải thoát này. Nhưng chỉ một mình đức Phật tìm ra giáo pháp TỨ DIỆU ĐẾ bằng con đường THIỀN ĐỊNH HỮU SẮC: SƠ THIỀN, NHỊ THIỀN, TAM THIỀN, TỨ THIỀN và TAM MINH.Hoàn toàn khác biệt con đường ĐỊNH VÔ SẮC:Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định của các tôn giáo đương thời với đức Phật tức Bà-La-Môn Giáo với nhiều Bộ Phái.
Chính CON ĐƯỜNG đi đến kết quả và chính kết quả BẤT ĐỘNG TÂM,là ĐẠO PHẬT. Chỉ duy nhất đạo Phật có kết quả này. Những cái gì được thêm hay làm mất đi, thiếu đi con đường và kết quả này thì cái đó là PHI PHẬT GIÁO,không phải Phật giáo và thường trùng lặp với ngoại đạo. Dù những cái này có tự nhận là Phật giáo thì cũng không phải là Phật giáo do chính sự sai khác đó, nếu họ không đi cho hết con đường, thực hiện đầy đủ các kết quả mà duy nhất chỉ đạo Phật mới có, để mang bản chất Phật giáo, để là Phật giáo.
Trước thời Ngài Long Thọ, ý niệm về TÁNH KHÔNGđã được manh nha, đợi đến khi Ngài Long Thọ với Trung Quán Luận, ý niệm này mới hoàn chỉnh. Được sự tiếp tay trí tuệ của hàng hậu học có nguồn gốc hay chịu ảnh hưởng sâu đậm học thuyết Bà-La-Môn, như các ngài Thế Thân, Mã Minh,... triển khai ý niệm Tánh Không hàm chứa trong những lời giảng dạy của đức Phật nhưng có những nội dung hoàn toàn khác hẳn. Đi song hành với sự phát triển này là sự hình thành một hệ thống kinh sách, tạo nên Phật giáo phát triền với hình ảnh những vị Bồ Tát đã chứng đắc hoặc chưa chứng đắc Phật quả xông pha trong lục đạo hành Bồ Tát Đạo.
Đến đầu thế kỷ 21 này, trong các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,... phổ thông quần chúng chỉ biết Phật giáo phát triển là hình ảnh tiêu biểu của Phật giáo, trong đó Thiền Tông được xem là pháp môn của những hàng có căn cơ cao; trong khi tại các nước Âu Mỹ người ta thường biết Phật giáo qua hình ảnh những nhà sư Tây Tạng với Mật Tông làm giáo lý nòng cốt. Chỉ có một số các nước như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan,... thì về hình thức còn giữ được một số nét sinh hoạt của thời xưa nhưng bên cạnh thì có những ngôi chùa quá to lớn, nguy nga tráng lệ không khác gì cung vàng điện ngọc của vua chúa, và về nội dung thì tu tập theo những kinh sách của các tổ, trong đó Tổ Mahashi là ưu thế; gần đây có Ngài Ajan Chaah- người Thái Lan, lập ra pháp thiền “Mặt Hồ Tĩnh Lặng”, dần dần có những ảnh hưởng một số nơi trên thế giới.
Việt Nam ngày nay, Ân Sư A-La-Hán Thích Thông Lạc không phải khởi xướng lên cái gì mới lạ mà Ân Sư chỉ dựng lại cái gì đích thật của Phật giáo đã bị xô ngã, làm sáng lại cái gì đã bị che phủ lu mờ bởi những lý thuyết lạc lầm trong tưởng thức do tu luyện đi lầm qua tưởng tuệ của các Tổ từ hơn hai ngàn năm nay mà các Tổ không hề tự mình hay biết. Căn cứ vào năm bộ kinh Nikaya nói trên, A-La-Hán Thích Thông Lạc đã tự mình học được những gì Phật đã dạy chúng tỳ kheo; sống theo lối đức Phật và chúng tỳ kheo ngày xưa đã sống; tu theo pháp môn đức Phật đã tu và dạy chúng tỳ kheo tu, rồi cuối cùng Ân Sư chứng được những gì đức Phật đã chứng, cũng như chúng tỳ kheo thời đức Phật đã chứng. Đó là: Tứ Thiền và Tam Minh, khi đã làm chủ được sự sống chết và biết chắc chắn mình đã làm chủ đúng như thế, tức là làm chủ tái sanh luân hồi; biết chắc mình đã “thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu”; biết chắc “Ta đã giải thoát, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”.
Đọc suốt bộ sách Đường Về Xứ Phật, nghe xong bộ băng của Ân Sư thuyết giảng, con xin mạo phạm bắt chước vua A-Xà-Thế (Ajatasattu) tán thán đức Phật trong bài kinh Sa Môn Quả (kinh số 2, Samannaphala sutta, Trung Bộ Kinh), “Thật là vi diệu thay, thưa Ân Sư. Thật là vi diệu thay, thưa Ân Sư! Thưa Ân Sư, như người dựng đứng lại những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt thấy sắc. Cũng vậy, Chánh Pháp đã được Ân Sư dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích”.
Chánh Pháp mà Ân Sư chỉ dạy cho chúng ta, chính là những gì được đức Phật trong 45 năm giảng dạy cho chúng tỳ kheo. Bao gồm Tứ Diệu Đế, 37 Phẩm Trợ Đạo và bằng đời sống đúng Giới Luật cần thiết để thực hiện cho bằng được Tứ Thiền và Tam Minh. Giáo Pháp của đức Phật giảng dạy ngày xưa, mà ngày nay Ân Sư giảng dạy lại, không cao siêu, không trừu tượng không tưởng, hoàn toàn khả tu khả chứng bằng con đường GIỚI-ĐỊNH-TUỆ;đầy đủ pháp hành rút ra từ Kinh Sách Nguyên Thuỷ, đúc kết cùng kinh nghiệm sống tu bằng máu và nước mắt của Ân Sư trong suốt 9 năm đằng đẵng, thừa chết thiếu sống. Ân Sư cả quyết nếu những ai tin vào Ân Sư, tu tập theo đúng những gì Ân Sư chỉ dạy, không pha trộn với các kiến chấp khác, không tưởng giải tu sai, thưa trình mọi biến chuyển tiến bộ, thì sẽ đúng như đức Phật đã xác định trong bài kinh Tứ Niệm Xứ, thời gian tối thiểu 7 ngày, tối đa 7 năm, sẽ chứng Đạo, tức nhập được Tứ Thiền, đắc được Tam Minh.
Mỗi lời giảng của Ân Sư đều khế hợp, đều căn cứ, đều xuất phát nguồn gốc từ những bài kinh trong 5 bộ kinh Nykaya, đặc biệt là Trung Bộ Kinh. Có thể kể tên vàibàitiêu biểu: Đại Kinh Tứ Niệm Xứ (Kinh số 22, Trường Bộ Kinh); Sa Môn Quả (Kinh số 2, Trường Bộ Kinh); Kinh Nhập Tức Xuất Tức (Kinh số 118, Trung Bộ Kinh, hay có tên Xuất Tức Nhập Tức Niệm); Kinh Song Tầm (Kinh số 19 , Trung Bộ Kinh); Kinh An Trú Tầm (Kinh số 20, Trung Bộ Kinh); Kinh Đại Kinh Saccaka (Kinh số 36, Trung Bộ Kinh)...
Qua sự giảng dạy của Ân Sư mới thấy đức Phật đã chuẩn bị đầy đủ, đã chỉ dẫn rõ ràng mọi khía cạnh, mọi trạng huống con đường tu tập. Đức Phật đã dạy rõ ràng đến chi tiết, cách thức nào để phá trừ những biến chuyển trong khi tu không đúng, hay uốn nắn, hướng dẫn biến chuyển để đưa chúng vào quĩ đạo tu hành. Trong trí vô lậu giải thoát của Ân Sư, trong mắt nhìn thấu rõ căn cơ người đệ tử, Ân Sư, bằng nhiều phương tiện tâm linh và hiển thị, giúp cho người đệ tử vượt qua các ma chướng, thông hiểu pháp hành, tăng cường nghị lực tiêu trừ nghiệp quả sâu dày để tiến về chân Phật, bóng Thầy. Khi người đệ tử đã đặt trọn hết niềm tin vào Phật, vào Thầy thì đây là phần thưởng, thì đây là phước báo, thọ hưởng vô cùng, vô tận.
Trong suốt hơn 22 năm (từ năm 1980, 10 năm sau khi Ân Sư chứng đắc Thánh Quả theo pháp môn của đức Phật dạy trong kinh sách Nguyên Thuỷ, Ân Sư mới bắt đầu tiếp nhận các hàng phật tử về đây tu tập, nhưng thật ra Tu Viện đã được thành lập từ 1971, lúc Ân Sư từ Hòn Sơn, An Giang, trở về tiếp tục tu tập theo pháp môn Tri Vọng), nhiều lượt người đã về đây tu học. Trước khi bước qua cánh cổng, lòng họ hăng say, tâm đầy nhiệt huyết; nhưng khi sống trong Tu Viện, tâm họ như bị gáo nước lạnh làm tắt dần ngọn lửa mới nhen. Gáo nước lạnh đây là giới luật Patimokkha, là hạnh sống độc cư, là đức nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng. Họ chưa hề nghe tới, chưa hề chạm trán, đừng nói là họ đã từng nếm qua. Vì thế, họ phải giũ áo ra đi, đi vào con đường hợp với sự tầm cầu của họ, không phải là sự tầm cầu giải thoát khổ đau, làm chủ sanh tử, luân hồi.
Làm chủ sanh tử luân hồi là một con đường khó khăn vô cùng cho những người không dám buông bỏ - phải buông bỏ lớn lao nhất, buông bỏ sự an lành, buông bỏ sinh mạng sống mới mong đạt được kết quả lớn lao này. Kết quả tu học đi đôi với sự buông bỏ. Buông bỏ nhỏ kết quả nhỏ. Buông bỏ lớn kết quả lớn. Buông bỏ tận cùng mới đi đến kết quả lớn lao khôn cùng tức Giải Thoát.
Như đức Phật dạy: “Đạo ta không có thời gian, đến để mà thấy”, vừa nhập tu là thấy giải thoát ngay. Tu nhiều, giải thoát nhiều; tu ít, giải thoát ít; không tu, không giải thoát. Tu mà không đi đôi với buông bỏ là không tu, tức không giải thoát. Thí dụ Giới ăn một Ngọ, không ăn phi thời mà giữ không được thì đâu có giải thoát cái ăn. Giới ba y một bát mà áo đầy rương, đầy sào thì làm sao giải thoát cái mặc, cái y áo. Giới độc cư mà hết nói chuyện với người này sang nói chuyện với người khác thì làm sao đắc tâm định tỉnh...
Giới là căn bản. Giới là pháp tu đầu tiên mà không tu được thì sao gọi là tu. Nếu không tu Giới thì chẳng qua người này chỉ thay đổi hình thức của cái “ĐỜI”.Mọi hình tướng của đời đều có thì đó không phải là tu, chưa phải là tu. Trước khi thành Đạo và suốt trong 45 năm sau, đức Phật giữ hạnh buông xả. Chúng tỳ kheo lúc đó những ai buông xả sạch thật sự, họ đều đắc Pháp, đắc Đạo. Những ai chưa buông xả sạch, chưa đắc Đạo. Lúc Phật tại thế là như vậy, sau khi đức Phật nhập diệt cũng không khác. Buông xả là một “định luật”. Không có địnhluậtnày, không áp dụng định luật này thì không có “điều kiện cần thiết” để chứng đắc Tứ Thiền và Tam Minh.
Tứ Thiền là gì? Tam Minh là gì?
Tứ Thiền và Tam Minh là thiền định và trí tuệ mà đức Phật bằng con đường tu riêng biệt do Ngài tự tìm thấy, do một mình Ngài sáng lập và thực chứng, không có trong bất kỳ tôn giáo nào khác, từ trước cũng như sau ngày Ngài thành đạo, và chỉ duy nhất con đường tu chứng Tứ Thiền và Tam Minh mới đưa hành giả vào đúng lộ trình giải thoát, làm chủ sanh tử luân hồi. Chỉ có những ai tu hành bằng con đường trong đó đầy đủ 37 Phẩm Trợ Đạo mới đạt được sự giải thoát mà đức Phật giảng dạy, mới là đệ tử Phật, mới tu đúng đạo Phật. Không có 37 Phẩm Trợ Đạo này hay không đầy đủ 37Phẩm Trợ Đạo thì đó chưa phải đạo Phật hay không phải đạo Phật.
Trong Tu Viện Chơn Như, trước Tổ Đường Tuyết Sơn, có bảng bia đá ghi:
SƠ THIỀN
1- Nói trì giới là chỉ cho tâm ly dục ly ác pháp.
2- Nói ly dục ly ác pháp là chỉ cho tâm không phóng dật.
3- Nói không phóng dật là chỉ cho tâm vô lậu.
4- Nói vô lậu là chỉ cho tâm vô dục bất động.
5- Nói vô dục bất động là chỉ cho tâm nhập “Sơ Thiền”.
Xem thế đủ thấy chỉ mới ở mức Sơ Thiền, hành giả đã phải trải qua ít nhất 5 bước công phu tu tập khác nhau. Mỗi bước công phu phải hoàn tất, phải an trú dễ dàng “không khó khăn, không mệt nhọc, không phí sức”. Mỗi bước công phu là một bước giải thoát. Không có Ân Sư, không gặp được thiện hữu tri thức (người có kinh nghiệm thực sự tu chứng), làm sao chúng ta biết đường, biết cách tu. Tất cả các từ ngữ “trì giới”; “ly dục ly ác pháp”; “không phóng dật”; “vô lậu”; “vô dục bất động” đều có trong nhiều bài kinh, nhưng đâu có ai chỉ dạy cho chúng ta cách tu phải như thế nào, phải thực hành tu tập làm sao để đạt trạng thái tâm sau cao hơn trước.
Mỗi giai đoạn tu tập, hay nói cách khác, kết quả của mỗi giai đoạn sống và tu đưa hành giả tới những nấc trạng thái tâm khác nhau. Sống đúng, tu đúng, hành giả thể nghiệm đúng đạo lộ tới Sơ Thiền Bất Động Tâm. Nếu không có vị thiện hữu tri thức hướng dẫn, người ta dễ hiểu lầm đã nhập Sơ Thiền khi ở những mức tâm chưa được bất động.
Đoạn đường để đến từng thiền định một, từ Sơ Thiền tới Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và Tam Minh, đều gồm một chuỗi trạng thái tâm, kết quả từ sự tu tập mỗi pháp môn mà trong Kinh rất ít khi nói rõ ràng, thông thường chỉ ghi tên; dường như vào lúc đó khi nghe được danh từ này thì người ta đương nhiên hiểu phải tu như thế nào.
Trải qua 25 thế kỷ, chỉ có người đã tu chứng như Ân Sư A-La-Hán Thích Thông Lạc mới thấu hiểu rõ ràng và chỉ có những ai đầy đủ phước duyên mới được Ân Sư chỉ dạy cặn kẽ. Hơn nữa, có mức thiền mà khi hành giả đạt được và ổn định rồi mới từ đó tu tập nhập nhiều mức thiền khác cao hơn kế tiếp. Chỉ có sự tu tập nhuần nhuyễn, an trú dễ dàng vào 18 đề mục trong Định Niệm Hơi Thở (Ân Sư nói đầy đủ là 22, trong khi Thiền sư Nhất Hạnh thu gọn lại chỉ còn 16) thì Thất Giác Chi (hay Thất Bồ Đề Phần) xuất hiện và hành giả sẽ dẫn tâm, đưa tâm vào Tứ Thiền, rồi Tam Minh.
Ân Sư chỉ dạy cặn kẽ cách tu từng đề mục một, hoặc xét xem người đệ tử có thể vượt qua đề mục nào, hoặc cho tập luyện trước đề mục cao hơn để tạo hộ trợ lực cho đề mục đang tu - “Thiện xảo như vậy, trí tuệ là như vậy” (Lời Ân Sư dạy). Ân Sư khuyến khích đệ tử tự mình phải thiện xảo, phải trí tuệ mới tu tập Phật Pháp được. Phật Pháp cần có trí tuệ trong khi tu mới thành công. Thiếu trí tuệ, sự thành công chỉ là ước vọng.
Thí dụ đề mục thứ 17 của Định Niệm Hơi Thở “Với tâm định tỉnh, tôi biết tôi hít vô; với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra”, là đề mục thích ứng với người có sự tỉnh giác cao, mức làm chủ ý thức mạnh mẽ, sắp hay đang có Thất Giác Chi, thế mà Ân Sư bảo người đệ tử bị hôn trầm, thuỳ miên nặng nề thay đổi đề mục đó để đưa nó vào pháp môn Kinh Hành Tỉnh Giác giúp phá hôn trầm: “Với tâm định tỉnh, tôi biết tôi đang đi kinh hành”, hay sử dụng nguyên văn vào đề mục thứ 1, thay thế hay bổ túc cho “Hít vô, tôi biết tôi hít vô; thở ra, tôi biết tôi thở ra” của Định Niệm Hơi Thở.
Không có Ân Sư chỉ dạy, làm sao chúng ta biết, làm sao chúng ta dám thay đổi, sử dụng đúng lúc, đúng thời khéo léo, thiện xảo như vậy.
Ân Sư chỉ dạy cho chúng tôi, những người mới học tu, bốn pháp Thiền Định căn bản: Kinh Hành Tỉnh Giác Định, Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu và Định Sáng Suốt (hay Tỉnh Giác với Tâm Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự nói vắn tắt là Tâm Vô Sự) và tập làm quen Thân Hành Niệm. Mỗi pháp có nhiều trình độ, cho nên Ân Sư theo căn cơ của đệ tử chỉ dạy cho người này mức pháp đúng với trình độ căn cơ của họ. Ân Sư chỉ dạy cặn kẽ từ lý thuyết đến thực hành từng pháp môn. Người đệ tử an trú được trình độ căn bản xong thì Ân Sư (khuyến khích) sách tấn tiến lên mức cao hơn. Cứ như thế, người đệ tử trong thời gian đầu được vươn tới từ từ cho đúng trình độ của mình xong thì bắt đầu chậm lại để nhuần nhuyễn các pháp được học.
Những pháp môn trên có thể giải thích tóm tắt như sau:
KINH HÀNH TỈNH GIÁC ĐỊNHđược tu tập nhằm đạt mục đích tỉnh giác, phá hôn trầm. Mọi tu sinh cần phải đánh giá sự tu tập định này tối quan trọng trong bước đầu tu tập. Ai không chịu đi kinh hành nhiều thì phá hôn trầm không được; những ai cứ chuyên ngồi thiền nhiều thì đến một giai đoạn nào đó đều bị hôn trầm đánh qụy, sinh ra giải đãi rồi tu chỉ có hình thức thôi. Ân Sư ân cần khuyên bảo mọi tu sinh ngay từ bước đầu phải đi kinh hành càng nhiều càng tốt, cho tới khi phá được hôn trầm mới nên ngồi tu Tứ Niệm Xứ để quét sạch tham ưu - giai đoạn tu rốt ráo để nhập bốn Thiền.
ĐỊNH NIỆM HƠI THỞnhằm mục đích điều khiển tâm, sử dụng tâm đạt được kết quả của từng đề mục trong tổng số 18 đề mục:
- Đề mục số 1 tập tâm tỉnh thức trong hơi thở đồng lúc gom tâm về một điểm.
- Đề mục số 2 tập luyện hơi thở cho có nội lực và để tâm nhận ra được hơi thở bình thường căn bản làm căn cứ cho hơi thở thiền định về sau.
- Đề mục số 3 giải phóng tâm ra khỏi tụ điểm để nhận thức được các chướng pháp của thân.
- . . .
Mỗi đề mục đều nhằm luyện tập tâm đạt một mục đích và tập cho tâm ngày càng có đầy đủ năng lực để đạt mục đích đó. Khi tâm có đầy đủ năng lực thì Thất Giác Chi sẽ xuất hiện để làm dụng cụ nhập các mức thiền định của Thánh Quả. Đó cũng chính là sự chuẩn bị trước cách thức đối trị với chướng ngại pháp khi chúng hiện ra trên bước đường tu tập.
ĐỊNH VÔ LẬUlàm cho tâm quán triệt các pháp thiện, pháp ác để buông xả, để tâm bất động, giải thoát tâm ra khỏi các lậu hoặc, chuẩn bị cho giai đoạn Tứ Niệm Xứ đối trị với các chướng ngại pháp trong thân, tâm.
ĐỊNH SÁNG SUỐTgiúp tâm được thư giãn, bớt căng thẳng quá sức chịu đựng của hệ thần kinh trong khi tu tập. Tu tập định này khiến cho tâm an trú vào trạng thái nhẹ nhàng của Sơ Thiền (không phải Sơ Thiền). Tu tập trạng thái tâm này phải cẩn thận để khỏi rơi vào trạng thái tâm của các định vô sắc, hoặc chỉ loanh quanh với trạng thái tỉnh giác. Đây là tiền thân của tâm tu tập Tứ Niệm Xứ. Không thành công an trú Định Sáng Suốt thì sẽ mất nhiều thì giờ và khó khăn hơn khi tu tập Tứ Niệm Xứ.
THÂN HÀNH NIỆMđược tu tập ở giai đoạn này chẳng qua chỉ là sự tập làm quen, dần dần sẽ trở thành thói quen sử dụng tâm và thân cho có sự phối hợp chặt chẽ mà Ân Sư thường dạy “trở nên một cỗ xe”; một cỗ xe thật tốt để sẵn sàng dùng trong giai đoạn tu rốt ráo của Tứ Niệm Xứ để Tâm định trên thân, thân định trên tâm.
Điều kiện duy nhất Ân Sư đòi hỏi nơi người đệ tử là phải biết nhận thức, suy luận để tu cho kỹ lưỡng, cùng với giữ gìn giới luật cho nghiêm, đừng vi phạm: Ăn một ngọ – ngủ, thức đúng giờ – độc cư, không tiếp duyên, không nói chuyện.
Ân Sư nhấn mạnh trong suốt thời gian vừa qua, những người về đây thì có một số giữ gìn giới hạnh đầy đủ lại tu tập không kỹ lưỡng; ngược lại, một số tu tập kỹ lưỡng lại không nghiêm trì giới luật. Vì thế, chưa có ai đạt được kết quả như Ân Sư mong chờ.
Theo thiển ý, mọi người đều đã bị kinh sách phát triển hướng dẫn sai lệch quá sâu dày. Mỗi khi nghĩ tới tu hành, trong trí họ hiện lên hình ảnh của người gõ mõ tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền. Tụng nhiều bộ kinh, niệm Phật hiệu hằng muôn ngàn biến, trì chú suốt ngày đêm, ngồi thiền giờ này qua giờ khác là chân chánh tu hành. Đặc biệt là tu thiền với nhiều pháp của các Tổ, những công án kỳ đặc làm mê hoặc ý thức, hay niệm chú với những thần thông xuất hiện, nên khi họ về đây, không thể nào dễ dàng bỏ được tập quán sâu dày đó. Họ bị choáng ngợp với các truyền thuyết chứng đắc của các Tổ, với những lý luận trừu tượng cao siêu của kinh sách luận giải nên thiếu niềm tin vào đường lối tu tập của Ân Sư. Bởi vậy, nếu các tu sinh trước khi về đây đã là tăng ni tu học các Tổ Sư Thiền, cũng như các cư sĩ đã nghiên cứu và thực hành theo các kinh sách này thì rất khó bỏ các kiến chấp họ đã huân tập, cho nên họ chỉ chuyên tâm ưa thích ngồi thiền và ngồi thật lâu, quên đi lời Ân Sư tha thiết thương yêu “Các con phải đi kinh hành! Đừng ngồi! Hãy mở cửa thất mà đi ra ngoài!”.
Ngoài ra còn một yếu tố khác là trong tay họ ít có người nào có đầy đủ kinh sách, băng giảng của Tu Viện lưu hành và thời gian nghiên cứu chưa được kỹ, chưa thấm nhuần, lãnh hội chưa thấu đáo. Cho nên, Tu Viện cần bổ khuyết càng sớm càng tốt một CẨM NANG TU HỌC CHÍNH THỨC hướng dẫn cho tu sinh tu tập các pháp môn ở giai đoạn đầu (mặc dù hiện có các tập Cẩm Nang của Nhóm Tu Học California (Mỹ), nhưng chưa được gọn, chưa có thứ lớp của một hệ thống chương trình). Một CẨM NANGmà bất kỳ ai, dù là tăng ni đã tu tập lâu năm bên ngoài, một khi đã về đây cũng phải tu tập những bước đầu của các pháp môn này, vì đây là các pháp môn chân chánh mà đức Phật đã chỉ dạy, đây là con đường đi tới Thánh Quả Alahán mà chỉ một mình Chân Như có mà thôi. Chính vì muốn các phật tử quay trở về tu học các pháp môn này mà Tu Viện Chơn Như được thành lập.
Tôi tin chắc trong số quí vị về đây sống tu trong thời gian ngắn hạn, có vị mãi khi trở về lại trú xứ vẫn chưa nắm vững các pháp môn tu của Tu Viện Chơn Như, vẫn nghi ngờ không biết mình thực hành đã đúng chưa vì cơ hội thưa hỏi quá ít; lại có người nghĩ chỉ cần đọc thông suốt các bộ sách lưu hành của Tu Viện là biết cách hành và hành đúng pháp, không cần phải thưa thỉnh. Nhiều khi cái hiểu này lại sai lầm vì là kiến giải cá nhân. Thí dụ cách đi kinh hành, cách thức xả tâm,... tuy trong sách đã giải thích nhiều nhưng từ lý thuyết qua thực hành vẫn có sai khác, cần nhanh chóng thưa thỉnh điều chỉnh; có khi ta lại không nhận ra được cái sai khác này. Đó là những vị may mắn có đủ sách, đủ thì giờ nghiên cứu; còn nhiều vị khác không có may mắn đó thì thật là khó khăn (vị nào ở trường hợp này, xin mời vào “thư viện” của Từ Quang ở địa chỉ http://nguyenthuychonnhu.com có hầu hết các kinh sách lưu hành của Tu Viện Chơn Như).
Tất cả các pháp môn Ân Sư dạy đều nhắm mục đích thực hiện cho bằng được “Tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản”. Mỗi pháp môn nhằm luyện tập thực hiện một hay nhiều trạng thái của tâm tối hậu trên, nên cần phải tu tập nhuần nhuyễn và tu tập phối hợp, không thể chọn tu tinh tấn một pháp môn mà lơ là các pháp môn khác. Tu như vậy khiến cho tâm bị “què quặt”, thiếu năng lực, lệch lạc, dễ đưa vào đường tà định của ngoại đạo. Những ai chỉ chuyên ưa ngồi thiền theo hướng các kinh sách phát triển do các Tổ biên soạn sẽ chẳng bao giờ nếm được mùi vị giải thoát của thánh quả Alahán; họ chỉ đi dần vào đường cùng của các định vô sắc, không định.
Khi tu tập ta sẽ dễ dàng thấy cái thiện xảo của từng pháp môn. Thí dụ tu tập Định Niệm Hơi Thở; “đề mục” nhằm tạo cho tâm có năng lực, “tác ý” làm giảm bớt sự căng thẳng thần kinh, chuyển đưa tâm từ đề mục qua hướng tâm. Hệ quả là tâm được nhu nhuyễn, dễ sử dụng, tâm không bị ức chế một hướng, khiến tâm luôn ở trạng thái tỉnh thức, không bị lạc vào tưởng thức. Càng tu tập nhuần nhuyễn nhiều pháp môn thì tâm càng được nhu nhuyễn, dễ sử dụng, các trạng thái của “Tăng Thượng Tâm” đó càng được sung mãn thì khiến cho bảy Giác Chi xuất hiện làm “lực đẩy” cho tâm nhập được các Thiền.
Nói tóm lại, Pháp Môn Chơn Như mà Ân Sư dạy cho chúng ta có nền tảng căn bản là GIỚI ĂN, NGỦ, ĐỘC CƯvà tu tập các thiền định: KINH HÀNH TỈNH GIÁC, ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ, ĐỊNH VÔ LẬU, ĐỊNH SÁNG SUỐTvà cuối cùng là TỨ NIỆM XỨvà THÂN HÀNH NIỆM.Nếu chúng ta thông suốt, thực hành chuyên cần là chúng ta đã báo đáp công ơn của Phật, của Thầy.
Con đường đã có, cỗ bàn đã được sẵn. Chúng ta chỉ cần quyết tâm đi, chỉ cần khéo léo ăn thì sẽ no; tức là đi phải đến đích, phải được an lạc, giải thoát.
Cầu mong tất cả mọi người đều thành công.
Chí thành đảnh lễ Ân Sư.
Từ Quang.
(Viết tại Tu Viện Chơn Như, ngày 11-2-2003)
----&----
HẾT TẬP VI