TẦM ÁC VÀ TẦM THIỆN
LỜI PHẬT DẠY - 3 - “Nó mắng tôi, đánh tôi Nó hại tôi, cướp tôi Ai ôm ấp niệm ấy Hận thù không thể nguôi”. - 4 - “Nó mắng tôi, đánh tôi Nó hại tôi, cướp tôi Không ôm ấp niệm ấy Hận thù sẽ tự nguôi” (Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga. |
CHÚ GIẢI:
Hai bài kệ đầu của kinh Pháp Cú, đức Phật đã xác định:“Tâm dẫn đầu mọi pháp”và kế đó là những câu trong bài kệ đó là chỉ cho chúng ta cái sườn tổng quát của phương pháp hành thiền của đạo Phật.
“Tâm chủ tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo”.
Đến bài kệ thứ 3 và thứ 4 thì đức Phật xác định cách thức tu tập đi vào chi tiết rất rõ ràng và cụ thể bằng phương pháp dẫn tâm:
Nếu dẫn tâm bằng ác pháp thì phải dẫn tâm như câu kệ 3 dạy.
Đây là lối dẫn tâm vào ác pháp:
“Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó hại tôi, cướp tôi
Ai ôm ấp niệm ấy
Hận thù không thể nguôi”.
Bốn câu kệ này là phương cách dẫn tâm vào ác pháp.
Đọc đến đây, chắc quý bạn thấy lối dẫn tâm của đạo Phật rất rõ ràng. Phải không các bạn?
Bốn câu kệ trên đó là lối dẫn tâm vào ác pháp để mà chịu khổ đau. Phải không hỡi các bạn?
Nếu là một người ngu si thường hay nghĩ người ta chửi mình, hại mình, ghét mình, thì đó là tự mình chuốc lấy khổ đau cho mình.
Nếu là một người ngu thường hay nghĩ người ta nói xấu mình, vu oan, làm khổ mình. Đó là tự mình dẫn tâm vào ác pháp, chuốc lấy khổ đau cho mình.
Đối với đạo Phật chỉ có người vô minh, ngu si như loài vật, mới dẫn tâm vào chỗ khổ đau như vậy, còn người có trí không thể sống như vậy được.
Bốn câu kệ này đã trở thành chi tiết của pháp dẫn tâm vào ác pháp. Nó là câu trạch pháp của“pháp như lý tác ý ác”.
Nếu đứng về pháp lậu hoặc thì nó là tầm ác, tầm ác tức là tà tư duy.
Trong Bát Chánh Đạo thì tà tư duy không được chấp nhận.
Thưa các bạn! Bốn câu kệ này được xếp loại:
1- Pháp như lý tác ý ác.
2- Song tầm thì nó là tầm ác.
3- Bát Chánh Đạo nó là tà tư duy.
4- Định Vô Lậu thì nó là Định Hữu Lậu.
Ngược lại bài kệ thứ tư:
“Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó hại tôi, cướp tôi
Không ôm ấp niệm ấy
Hận thù sẽ tự nguôi”.
Bài kệ thứ tư nếu ai thường tác ý như vậy thì thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự không bao giờ có phiền não, khổ đau, sợ hãi v.v..
Nếu gặp ác pháp mà ai cũng tư duy như câu kệ trên đây thì tâm hồn sẽ không bao giờ có khổ đau, phiền lụy, buồn khổ, v.v.. Phải không hỡi các bạn?
Người nào thường hay sống với Chánh tư duy như vậy thì chắc chắn cuộc đời của họ làm gì có khổ đau.
Đọc qua bốn bài kệ trong kinh Pháp Cú, chúng ta thấy rất rõ: Kinh Pháp Cú là một loại kinh dạy về đạo đức làm người, có pháp hành cụ thể, đưa dắt con người vào cuộc đời đầy tình thương yêu giữa mình và người; giữa người và mọi loài vật. Và ai cố gắng tu tập sẽ biến cảnh giới thế gian thành cảnh giới Niết Bàn một cách thực tế. Nếu một người muốn tìm tu giải thoát thì ngay khi bắt đầu vào bài kệ 1, 2 thì chúng ta cũng đã nhận ngay ra chỉ có con người mới có một phương tiện ý thức để phân biệt để tiến tu đến giải thoát hoàn toàn (Bài kệ 1 và 2).
Bài kệ ba và bốn là chi tiết của pháp tác ý để tiến sâu vào nội tâm giải thoát bằng Chánh tư duy hay bằng phương cách tác ý qua những câu kệ trạch pháp trên.
Nếu hằng ngày chúng ta sống với những câu kinh Pháp Cú này, thường xuyên như lý của nó mà người nào tác ý ra thì chúng tôi xin bảo đảm cùng các bạn: Người ấy là người giải thoát. Đó là con đường giải thoát của đạo Phật đang ở trong tầm tay của quý bạn. Các bạn đừng bỏ qua một pháp môn đức hạnh tuyệt vời, quý báu của loài người, rất uổng các bạn ạ!