Skip directly to content

NHÂN TƯỚNG

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thế nào là nhân tướng nội, nhân tướng ngoại và hành tướng của các pháp?

Phải tu như thế nào để khắc phục và phá các pháp bất thiện?

Đáp:Nhân tướng nội của các pháp là hình trạng và tính chất bên trong của các pháp. Trả lời như vậy khiến cho quý vị khó hiểu. Vậy nhân tướng là gì? Nội là gì? Ngoại là gì? Và các Pháp là gì?

Nhân tướng là hình tướng của nó, ví dụ: Cây có hình tướng của cây, cỏ có hình tướng của cỏ. Hình tướng của cây không thể nào giống hình tướng cỏ; hình tướng của cái nhà không thể nào giống hình tướng của cái bàn được.

Nội là bên trong; ngoại là bên ngoài. Ví dụ: Bên trong của một thân cây là giác và lõi; bên ngoài của thân cây là vỏ.

Các pháp nghĩa là tất cả vạn hữu trên thế gian này có hình tướng hoặc không hình tướng, nói cho dễ hiểu là vạn vật trong thế gian. Ví dụ: thân ta là một pháp, cái nhà là một pháp, bàn, ghế, tủ, giường, cây, cỏ, rừng, núi, sông, rạch v.v.. mỗi thứ là một pháp.

Mỗi pháp đều có hình tướng và tính chất riêng của nó. Ví dụ: cây có hình trụ thẳng đứng, cao, tính chất của nó cứng. Cỏ có hình tướng thấp, ngả nghiêng, tính chất nó mềm yếu v.v…

Nhân tướng nội của bên trong thân là: tim, gan, phèo, phổi, mật, lá lách v.v..

Nhân tướng ngoại của thân là: da, lông, tóc, móng tay, móng chân v.v..

Hành tướng của các pháp là sự rung động của các pháp.

Muốn khắc phục và phá các pháp bất thiện thì phải tu tập tâm bất động trước các pháp như Thầy đã dạy ở trên.

Tuy nhiên, Thầy đã dạy quý Thầy rất nhiều về pháp môn ngăn ác và diệt ác rất đầy đủ, nếu quý Thầy chỉ cần hiểu rõ sự ích lợi của nó thì các ác pháp không xâm chiếm vào tâm của quý vị được, ngay đó quý vị có một đời sống giải thoát hoàn toàn, đầy đủ hạnh phúc, an vui mà không tìm nơi đâu có được.

Nếu quý Thầy biết rằng, thiền định mà có được là do tâm bất động, chứ không phải do có thiền định rồi tâm mới bất động sau. Tâm bất động là nhờ giới luật chứ không phải nhờ thiền định.

Bởi, nhìn sự tu hành của quý Thầy mà biết được sự tu sai hay tu đúng, có kết quả hay không có kết quả, có giải thoát hay không có giải thoát. Chỉ vì pháp môn tu hành của Phật dạy rất rõ, phải tu tập đạo đức trước tiên, nhờ có đạo đức, thiền định mới không lầm lạc vào tà thiền, tà định.

Người tu thiền định, sống không đúng giới luật, không có đạo đức là người tu tà thiền, tà định, chẳng bao giờ có kết quả giải thoát, họ chỉ là những vị Thầy lừa đảo tín đồ bằng miệng lưỡi.