LẤY ÂN BÁO OÁN
LỜI PHẬT DẠY - 5 - “Hận thù diệt hận thù Đời này không thể có Từ bi diệt hận thù Là định luật thiên thu”. - 6 - “Và người khác không biết Chúng ta đây bị hại Chỗ ấy, ai hiểu được Tranh luận được lắng êm”. (Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga. |
CHÚ GIẢI:
Bài kệ thứ năm hai câu đầu là một tà tư duy giúp cho chúng ta hiểu rõ nghĩa lý sống của cuộc đời: Không thể lấy hận thù diệt hận thù được.
“Hận thù diệt hận thù
Đời này không thể có”
Lời dạy này là một chân lý không thể ai thay đổi được. Bởi vì cuộc đời này không thể lấy hận thù diệt hận thù được. Mà chỉ có lòng thương yêu của chúng ta mới diệt được hận thù. Hai câu dưới đây mới thật sự là Chánh tư duy:
“Từ bi diệt hận thù
Là định luật thiên thu”
Sự tư duy này giúp cho chúng ta thấu rõ định luật bất di bất dịch của loài người, duy nhất chỉ có lòng thương yêu mới diệt được hận thù.
Khi chúng ta tư duy suy nghĩ như vậy, giúp cho chúng ta lớn mạnh trong nền đạo đức nhân bản - nhân quả.
Một bài kệ trong kinh Pháp Cú là một viên gạch xây tòa lâu đài đạo đức nhân bản làm người. Mỗi một viên gạch Pháp Cú sẽ làm tăng trưởng tri kiến giải thoát trong ta, sẽ giúp đời sống của chúng ta gắn chặt vào nền đạo đức nhân bản - nhân quả.
Hỡi các bạn thân thương! Các bạn hãy tu tập, rèn luyện tâm mình theo kinh Pháp Cú, thì cuộc sống đạo đức của các bạn càng ngày càng thêm lớn mạnh. Và đời sống của các bạn tràn đầy sự an vui và hạnh phúc. Các bạn có tin chăng? Tin thì có lợi cho các bạn, bằng không tin thì thôi, chứ chúng tôi không có quyền cám dỗ và lôi cuốn các bạn. Chúng tôi chỉ nói một sự thật để may ra ai có hữu duyên gặp pháp bảo này sẽ giúp họ có một cuộc sống an lành thì chúng tôi cũng mãn nguyện lắm rồi.
Nhờ có pháp như thế mà sống giữa các ác pháp, tâm bất động. Vì chúng ta đã biết hận thù không thể diệt hận thù mà chỉ có lòng yêu thương mới được diệt hận thù.
Đến bài kệ thứ sáu:
“Và người khác không biết
Chúng ta đây bị hại”
Một người dùng tâm nhẫn nhục, khởi lòng thương yêu người hung dữ ức hiếp, chửi mắng, làm hại mình, thì người đời không hiểu cho rằng: chúng ta là kẻ hèn nhát, không dám ăn thua với kẻ kia. Và vì sự nhẫn nhịn như thế mà kẻ dữ hung ác kia sẽ lẫy lừng, ăn hiếp, lấn lướt chúng ta nữa. Và nếu chúng ta ăn thua đủ với kẻ hung dữ thì như vậy làm sao gọi: “Từ bi diệt hận thù”.Chính sự nhẫn nhục và lòng yêu thương đó mới gọi là “Từ Bi diệt hận thù”.
Xin thưa cùng các bạn! Những điều suy nghĩ trên đây rất đúng. Vì đã nhẫn nhịn mà còn khởi tâm thương yêu. Nhất là chúng ta còn biết chịu thua rồi chạy. Do đó, người ấy có hung ác đến bao nhiêu, họ cũng không thể hại ta được. Vì chúng ta biết nhẫn và biết thương yêu, thì hành động thân, miệng, ý của chúng ta không cho phép chúng ta làm cho người kia tức giận hơn nữa. Vì thế, cơn sân hận của họ sẽ được lắng êm.
Người ta hiểu lầm khi“lấy từ bi diệt hận thù”không có nghĩa là chịu thua, không có nghĩa là hèn nhát. Mà có nghĩa là biết sống, sống một đời sống đạo đức cao thượng tránh không làm khổ mình, khổ người. Đó mới xứng đáng là đệ tử của Phật, của người thọ trì kinh Pháp Cú.
Thời nay phần nhiều người ta đọc kinh Pháp Cú thấy nó rất hay, nhưng chẳng mấy ai biết sống như thế nào cho đúng nghĩa của nó. Vì thế, kinh Pháp Cú cũng chỉ giống như những cuốn kinh sách khác với một số ngôn ngữ răn nhắc làm điều thiện, chứ chưa ai biết thực hành như thế nào để sống một đời sống đạo đức và có thể đi xa hơn nữa là tu tập vô lậu hoàn toàn chứng quả A La Hán.
Nếu những ai có kinh nghiệm biết rõ thì kinh Pháp Cú có những pháp hành tu tập từ căn bản đến nhập các định và thực hiện Tam Minh, chứng quả A La Hán.
Những bài kinh Pháp Cú đầu tiên này là dạy chúng ta tu tập ly dục ly ác pháp. Để sống một đời sống đạo đức nhân bản - nhân quả, kế đến những bài kinh khác dạy chúng ta nhập định và thể hiện Tam Minh một cách cụ thể rõ ràng, xin các bạn vui lòng đọc tiếp những bài kinh sau này.
Từ xưa đến nay, không có người tu chứng nên không triển khai được kinh này thành một giáo trình tu tập của đạo Phật.
Kinh này dạy đạo đức rất cụ thể và thực tế. Bắt đầu học là có pháp thực hành ngay liền để tâm được giải thoát an vui và hạnh phúc.
Từ chỗ “Từ bi diệt hận thù”người ta đọc tới đây chỉ thấy nó là một lý thuyết suông của ngôn ngữ Phật giáo. Nhưng Sự thật không phải vậy: “Từ bi diệt hận thù”là pháp môn tu nhẫn nhục với tâm hồn buông xả. Muốn buông xả được thì phải khởi lòng thương yêu người hận thù mình. Khởi lòng yêu thương tức là tâm từ bi, chỉ có tâm từ bi mới nhẫn nhục mà không bị ức chế tâm. Từ bi là pháp môn chế ngự tâm, hàng phục tâm. Từ bi là pháp môn Tứ Vô Lượng Tâm. Tứ Vô Lượng Tâm gồm có: từ, bi, hỷ, xả. Nếu muốn biết rõ tu tập pháp này thì hãy đọc “Hành Thập Thiện và Tứ Vô Lượng Tâm”.
Tại sao lại phải thương yêu người hận thù với mình?
Tại vì người hận thù mình là người đang đau khổ nhất, người đang ở trong ác pháp. Biết người đang đau khổ mà ta lại làm cho họ đau khổ hơn thì ta đâu phải là con người. Phải không hỡi các bạn?
Chỉ là một con thú mới không biết điều này; mới tức giận kẻ chửi mình. Nếu oán ghét người chửi mình, từ đó hận thù chồng lên hận thù.
Bài kinh thứ 6, “Chỗ ấy ai hiểu được”
Khi một người tu hạnh nhẫn nhục biết thương yêu và tha thứ cho kẻ khác, thì khó có người khác nhận ra được điều này. Người ta chỉ thấy người nhẫn nhục là người hèn nhát, dường như người ấy sẽ bị hại, bị người khác lấn lướt, nên kinh dạy: “Mà người khác không biết”cho người nhẫn nhục bị hại, bị chà đạp: “Chúng ta đây bị hại”.
Người có hạnh nhẫn nhục, có lòng thương yêu thì chuyện to trở thành nhỏ, chuyện nhỏ được lắng êm như không có chuyện gì xảy ra, nên kinh dạy:
“Chỗ ấy ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm”
Tóm lại, bài kệ thứ 3 và thứ 5, là lời của đức Phật dạy về pháp ngăn ác pháp.
Bài kệ thứ 4 và thứ 6 là dạy về pháp diệt ác pháp. Ai biết rõ như vậy thì ác pháp không xâm chiếm tâm mình được.
Khi áp dụng vào pháp ngăn và pháp diệt ác pháp này, thì phải dùng pháp như lý tác ý, pháp quán vô lậu trong Chánh tư duy, còn diệt ác pháp thì phải dùng Định Vô Lậu tư duy quán xét để xả tâm khiến cho ác pháp bị diệt mất không còn tác dụng vào thân, tâm mình được nữa.