CÁC NHÀ HỌC GIẢ DẠY NHẬP SƠ THIỀN
Câu hỏi của Diệu Quang
Hỏi:Kính thưa Thầy! Phương pháp nhập Sơ Thiền của nhà học giả dạy: “Muốn nhập Sơ Thiền, thì mười ác pháp đi lui, năm thiện pháp đi tới. Vậy mười ác pháp là gì?
1- Mắt đắm sắc
2- Tai đắm tiếng
3- Mũi đắm hương
4- Lưỡi đắm vị
5- Thân đắm xúc
Cộng năm thứ ngăn che (tham, sân, si, mạn, nghi) kể trên là 10 pháp ác.
Năm pháp thiện là gì? Đó là:
1- Tầm
2- Tứ
3- Hỷ
4- Lạc
5- Nhất tâm
Kính thưa Thầy, nhà học giả dạy như vậy có đúng không?
Đáp:Ở đây nhà học giả dạy theo kiểu tưởng giải, chứ không đúng ý của Phật dạy.
Ác pháp gồm chung có rất nhiều, nhưng giới cư sĩ Phật dạy chỉ có: Thập thiện và thập ác. Thập thiện và thập ác là các pháp căn bản gốc đạo đức của đạo Phật để chỉ cho luật nhân quả thiện ác, tạo ra do ba hành động thân, miệng, ý. Từ đó sanh ra vô lượng pháp ác và pháp thiện.
Nhà học giả, kể ra mười pháp ác cũng đúng, nhưng lại sai, vì lấy ngũ triền cái, cộng với pháp phòng hộ sáu căn, bỏ bớt một căn để thành năm pháp ác. Đó là sự nghĩ tưởng của nhà học giả, chấp nối sai lạc kinh sách của Phật.
Nhà học giả dạy tu hành ở giai đoạn này là giai đoạn ly dục, ly ác pháp, nó còn để không xảy ra bệnh tật thần kinh tưởng. Nếu là giai đoạn tu tập thiền định và Tam Minh thì không tránh khỏi tai họa lớn cho hành giả. Cho nên, nhà học giả kết hợp dạy như vậy, thì chỉ có giết người, chứ không phải dạy tu thiền định như vậy.
Phật dạy: “ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền”, chứ không có dạy“ly 10 pháp ác, nhập Sơ Thiền”. Biết rằng trong 10 pháp ác có dục là tham muốn, nhưng không phải vì vậy mà gọi là ly dục. Dạy theo kiểu học giả thì người ta không biết đâu ly 10 pháp ác. Đọc đoạn kinh này ta thấy nhà học giả không có thực hành pháp tu, chỉ nghĩ tưởng ra nói suông mà thôi, chứ không thấy trách nhiệm lời nói của mình đối với đoàn hậu thế mai sau.
Kinh điển, đức Phật đã dạy rất rõ ràng: “Mắt đắm sắc, tai đắm âm thanh, mũi đắm mùi hương, lưỡi đắm vị, thân đắm xúc, ý đắm pháp”. Đó là pháp dạy phòng hộ sáu căn, tức là pháp giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý, không cho dính mắc sáu trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Phật không có dạy đó là ác pháp, nhưng chúng ta phải hiểu khi mắt đắm sắc, tai nhiễm âm thanh, mũi thích mùi hương, lưỡi ưa thích vị, thân đắm xúc, ý chấp pháp. Từ chỗ đắm, nhiễm, ưa, thích, dính mắc, chấp kiến pháp đó, mới sanh ra có thương, ghét, giận, hờn, phiền não, đau, khổ v.v.. Các pháp thương ghét, giận, hờn, phiền não đau khổ, mới chính là ác pháp, chứ không phải mắt thấy sắc, tai nghe âm thinh, mũi ngửi mùi... là ác pháp.
Nhà học giả đã giảng dạy theo tưởng giải của mình, khiến cho mọi người lầm chấp, tưởng đó là lời Phật dạy thật, nên sự hiểu biết vô minh lại càng vô minh hơn, sự sai lệch càng sai lệch hơn.
Nhà học giả, dạy Sơ Thiền, không có pháp hành “Mười pháp ác đi lui, năm thiện pháp đi tới”. Nghĩa là làm cách nào tu tập, để mười ác pháp đi lui và năm thiện pháp đi tới? Ở đây nhà học giả chỉ có nói suông, không có cách thức hay pháp hành tu tập cụ thể rõ ràng.
Nói về pháp thiện và pháp ác, Đức Phật đã dạy rõ ràng: “Thập thiện và thập ác”, thì không có người Phật tử nào không biết, còn thiện ác của nhà học giả viết ra, khiến cho người Phật tử khó hiểu, lại thấy đạo Phật có thêm mười pháp ác lạ.
Như vậy, nhà học giả không dựa vào lời dạy của đức Phật, tự tưởng giải theo sự hiểu biết của mình giảng ra, khiến cho sự tu tập theo đạo Phật không còn đơn giản, rối rắm bởi nhiều danh từ, nghe thì rất kêu, nhưng làm mất ý nghĩa pháp hành, thành ra rỗng tuếch.
Dạy như vậy, đi từ cái sai này đến cái sai khác. Từ đó, kinh sách của các nhà học giả đã biến Phật giáo, thành một giáo phái ngôn luận, lý thuyết suông, khiến cho các thầy Tỳ Kheo tu hành theo kinh sách này chỉ nói được mà không làm được.