Skip directly to content

THANH QUY TU VIỆN CHƠN NHƯ

THANH QUY TU VIỆN CHƠN NHƯ

THANH QUY TU VIỆN CHƠN NHƯ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

(00:00) Trưởng Lão: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Hôm nay, là ngày thỉnh nguyện, mỗi tháng một kỳ, tuyên đọc lại bảng nội quy để toàn chúng nghiệm xét trong nửa tháng tu học, có phạm phải kỷ luật, nội quy hay không. Nếu ai, tự thấy mình, có phạm lỗi hãy can đảm mạnh dạn, quỳ trước đại chúng, phác lồ xin sám hối để tự răn, tự sửa mình hoặc có người khác thấy chỉ lỗi dùm. Thì cũng phải can đảm, mạnh dạn, quỳ trước đại chúng, xin sám hối và tự răn, tự sửa, đồng thời phải tỏ lòng biết ơn người chỉ lỗi. Chớ không được lý luận, che đậy lỗi lầm và còn sanh tâm thù hận người ơn.

Khi đã xin sám hối, ăn năn, chừa bỏ thì từ đây cố gắng sửa sai, không để tái phạm nữa. Nếu lỗi nặng, tự giác xin quỳ hương hoặc xin tự mình đánh phạt năm roi, mười roi cảnh cáo. Có như vậy kỷ luật của Tu viện mới nghiêm túc và sự tu tập của đại chúng mới có tiến bộ.

Bây giờ, toàn chúng lắng nghe thầy đọc nội quy:

1-LỜI NÓI ĐẦU

(02:44) Trong xã hội, có nhiều tập thể, mỗi tập thể đều có một kỷ luật riêng, kỷ luật được đặt ra là để mọi người khép mình trong một khuôn khổ như: học tập, làm việc hay tu tập.

Nhờ đó sự học tập được tốt đẹp, sự làm việc được thành tựu, sự tu tập được viên mãn. Sự tốt đẹp, sự thành tựu và sự viên mãn này là nhằm đào tạo mỗi cá nhân có tài, đức và tâm hồn giải thoát, để đem lại sự lợi ích cho mình, người và xã hội. Mỗi cá nhân có đạo đức thì xã hội mới có tốt đẹp, đất nước mới phồn vinh và tôn giáo mới không còn mê tín, mơ hồ, ảo tưởng, viễn vông, v.v.

Muốn được vậy, mỗi cá nhân trong tập thể phải hết sức chấp hành kỷ luật, nội quy nghiêm túc xem đó là mạng sống của mình và lấy đó làm khuôn phép để sửa đổi tâm tánh mỗi ngày, mỗi tốt đẹp và đạo đức hơn.

Một tăng đoàn, tại Tu Viện Chơn Như trong đó có Nam và Nữ tu sĩ thì phải có một nội quy rõ ràng để bắt buộc mọi tu sĩ phải chấp hành nghiêm túc, thi hành đúng những kỷ luật mà nội quy đã đề ra. Nếu ai vi phạm:

  1. Lần thứ nhất sẽ bị toàn thể tăng đoàn cảnh cáo.

  2. Lần thứ hai người vi phạm kỷ luật phải tự giác xin quỳ một cây hương trước đại chúng.

  3. Lần thứ ba toàn thể tăng đoàn phải chấp nhận mời người đó ra khỏi Tu viện để làm gương cho người khác. Đừng vì tình cảm riêng tư mà kỷ luật bị xem thường và nội quy chỉ đặt ra có hình thức. Cũng vì đó sự tu tập của mọi người sẽ dậm chân tại chỗ, hoặc bị lùi lại. Người phá kỷ luật là người làm “động” chúng, khiến cho toàn chúng tu hành bất an, khó tiến bộ. Vì vậy, toàn thể Tăng đoàn muốn yên ổn tu hành được tốt đẹp thì cần phải loại trừ những phần tử phá kỷ luật.

Một giờ yên tịnh trong tu viện là một giờ quý báu nhất của đời sống tu hành chúng Tăng. Kỷ luật càng gắt gao thì sự tu tập của mọi người càng tiến bộ, sự giải thoát càng rõ nét, nơi tâm hồn của mọi người

2- GIỚI LUẬT

(08:03) Giới luật là nền tảng đạo đức, là cội gốc của thiền định, là bông trái của trí tuệ. Vì vậy tất cả tu sĩ ở đây lấy mười giới Sa Di làm giới trọng, lấy Lục hòa làm giới khinh, lấy ba đức, ba hạnh làm giới nòng cốt. Mười giới Sa Di làm giới trọng là:

  1. Không sát sanh: Từ con người, cho đến loài vật nhỏ nhất như con kiến, côn trùng, con sâu, bọ, muỗi, mòng, v.v, tu sĩ không được giết hại hoặc dùng miệng xúi bảo người khác giết hại, hoặc thấy người khác giết hại tâm sanh vui mừng.

  2. Không trộm cắp: Tiền bạc, vật dụng, thức ăn, nước uống của người, nếu người không cho tu sĩ không được tự tiện lấy, nếu lấy thành ra trộm cướp.

  3. Không dâm dục: Tu sĩ không được dâm dục, không tạo phương tiện dâm dục và không khởi tâm nghĩ tưởng về dâm dục.

  4. Không nói dối: Tu sĩ không được nói sai sự thật, không được nói lời độc ác, hung dữ, không được nói lời chia rẽ thù hằn nhau, không nói lời phù phiếm, vô nghĩa.

  5. Không uống rượu: Tu sĩ không được uống các thứ rượu mạnh, nhẹ, không hút thuốc lá và các thứ nghiện ngập khác.

  6. Không đeo tràng hoa, đồ trang sức và ướp nước hoa: Tu sĩ không được dùng mọi thứ trang sức làm cho thân sang đẹp, thơm tho giả tạo.

  7. Không ca hát xướng và xem ca hát: Tu sĩ không được ca ngâm, vịnh hoặc nghe ca ngâm vịnh.

  8. Không nằm giường cao, rộng lớn: Tu sĩ chấp nhận đời sống không nhà, không cửa, sống đạm bạc, không nên nằm giường cao, rộng lớn sang đẹp. Tủ, bàn ghế và tất cả vật dụng sang đẹp khác.

  9. Không ăn phi thời: Tu sĩ chấp nhận đời sống thiểu dục tri túc, nên không ăn uống phi thời, ngày chỉ một bữa đủ sống để tu hành.

  10. Không cất giữ tiền bạc, vàng ngọc: Tu sĩ chấp nhận đời sống buông xả, không có tài sản riêng tư ngoài ba bộ y áo, bình bát, thọ thực và những vật dụng cần thiết hàng ngày do Phật tử cúng dường.

3- SÁU GIỚI KHINH LỤC HÒA

(12:55) Lục hòa là nền tảng vững chắc cho toàn thể tu sĩ gắn chặt bền lâu với nhau để cùng sống, cùng tu.

  1. Thân hòa đồng trụ: Về phần thân lao động, tu hành, ăn mặc, ngủ nghỉ, tu sĩ phải sống hòa đồng như nhau, thấy việc cùng làm, giúp nhau cùng sống.

  2. Khẩu hòa vô tranh: Về phần miệng, nói, bàn, tranh luận đều trong tinh thần hòa nhã, đạo đức. Không được lớn tiếng, tranh đua, hơn thua và lời nói nặng, nhẹ nhau.

  3. Ý hòa đồng duyệt: Tu sĩ phải có tâm ý vui hòa, không có tâm ý ngang ngạnh, chống đối, thù hằn, ganh tị nhau.

  4. Kiến hòa đồng giải: Tu sĩ phải hòa hợp mọi ý kiến với nhau, làm theo ý muốn của người khác, không nên làm theo ý muốn của mình.

  5. Giới hòa đồng tu: Lấy nội quy làm khuôn phép, sống hòa hợp đồng tu.

  6. Lợi hòa đồng quân: Tất cả tài sản và phẩm vật trong tu viện là của chung, của các tu sĩ. Không có ai có quyền giữ riêng hay hưởng thụ nhiều hơn hoặc tự ý lấy cho người khác mà không được tập thể đồng ý.

4- SÁU GIỚI NÒNG CỐT

(16:00) A. Ba Hạnh:

  1. Ăn: Ngày một bữa vào giữa trưa, từ 10 giờ đến 12 giờ, ngoài giờ đó đều là ăn uống phi thời. Người tu sĩ thà chết chứ không ăn uống phi thời, vì ăn uống phi thời là nuôi tà mạng.

  2. Ngủ: Người tu sĩ phải tập ít ngủ, ngủ nhiều sanh lười biếng, mê muội, hôn ám. Ngủ nhiều sanh mất nghị lực, thiếu bền chí, thiếu lòng gan dạ.

  3. Độc cư: Người tu sĩ cần phải sống một mình, sống một mình là sống cho mình, sống nội tâm, sống tâm không bị phân tán, nhờ đó tu thiền định mới dễ dàng. Vì thế, phải hạn chế sự đi lại, không nên tiếp khách, dù là bà con thân thuộc, không nên nói chuyện phù phiếm với bạn bè đồng tu. Không nói chuyện chính trị, không bàn chuyện giặc giã, trộm cướp, v.v, chỉ có cần thiết thưa hỏi sự tu tập với Thầy.

B. Ba Đức:

  1. Nhẫn nhục: Nhẫn nhục là một đức tính hòa hợp mình trong mọi người, mọi việc, nên cần phải tu tập, rèn luyện để cùng nhau chung sống, mà thân tâm được an vui, thanh thản.

  2. Tùy thuận: Tùy thuận là một đức tính hòa mình trong mọi người, mọi việc, nên cần phải tu tập, rèn luyện để cùng nhau chung sống, tu hành mà thân tâm được an vui thanh thản.

  3. Bằng lòng: Bằng lòng là một đức tính buông xả để cho chúng ta cùng sống tu hành chung nhau mà thân tâm được bằng an, thanh thản.

5- KẾT THÚC NỘI QUY

(19:38) Phần giới luật của Tu sĩ, nếu ai vi phạm một trong những phần giới luật ở nội quy, tùy mức độ nặng, nhẹ. Nếu nặng thì tự xấu hổ, xin rút lui khỏi tu viện, còn nhẹ thì cảnh cáo hoặc tự giác sám hối quỳ hương, dù lỗi nhẹ mà phạm ba lần thì cũng tự xấu hổ, xin rút lui.

6- OAI NGHI TẾ HẠNH

Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, lễ, lạy: Người tu sĩ cũng như người cư sĩ đã xuất gia và đã Quy Y Tam Bảo, thọ giới đầy đủ thì phải hết sức giữ gìn oai nghi tế hạnh, khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói chuyện, lễ, lạy cho đúng tư cách của người đệ tử Phật.

  1. Đi: Đi phải phòng hộ sáu căn, luôn mắt nhìn xuống, không được ngó qua, ngó lại hoặc liếc xéo, liếc ngang. Đi phải nhẹ nhàng, khoan thai, không được chạy nhảy lăng xăng, người nam không được đi song song với người nữ, ngược lại cũng vậy.

  2. Đứng: Đứng phải lựa nơi chốn phù hợp, tránh chỗ đông người, nam phải tránh chỗ có phụ nữ, ngược lại cũng vậy. Đứng phải tránh chỗ đánh lộn, chỗ có người say rượu, chỗ có người điên khùng, đứng phải tránh chỗ vắng vẻ, có một người khác phái.

  3. Nằm: Nằm phải lựa nơi chốn phù hợp, không được nằm trên giường chõng, võng treo của người khác phái, người già, người bệnh và trẻ con, không được nằm ngửa, nằm sấp, phải nằm nghiêng theo kiểu kiết tường. Áo hoặc quần phải xếp ôm vào người kín đáo không được hở hang, bày da thịt. Không được nằm co hoặc nằm co một chân, không được nằm trong buồng ngủ hoặc thất của người khác phái.

  4. Ngồi: Ngồi phải lựa nơi chốn cho phù hợp, ngồi không được tréo chân, ngồi không được gác chân lên bàn, ngồi không được lúc lắc chân, rung đùi, không được ngồi gần người khác phái hoặc ngồi chung một ghế, không được ngồi chỗ vắng, có một người khác phái.

  5. Ăn: Trước khi ăn phải rửa tay cho thật sạch, phải ăn mặc tề chỉnh, phải ngồi xếp bằng ngay thẳng, phải thành tâm mặc niệm cúng dâng lên chư Phật, Tổ và Tổ tiên ông bà, cha mẹ, nhiều đời, nhiều kiếp. Và còn hết sức tỏ lòng biết ơn người đàn na thí chủ làm bằng mồ hôi nước mắt mới có thực phẩm này.

    Ăn phải giữ gìn im lặng, không được nói chuyện trong bữa ăn, trong bữa ăn không được cao tiếng, hỉ mũi, nôn ọe, khạc nhổ. Ăn không được khua chén, bát, ăn không được nhai ngấu nghiến phát ra tiếng mà phải ăn nhẹ nhàng, êm ái. Ăn không được lật đật, vội vàng, phải từ tốn, khoan thai. Trước khi ăn, phải xá chào nhau để tỏ lòng tôn kính nhau, để diệt ngã xả tâm ganh tị, ích kỷ, nhỏ nhen của mình.

    Ăn phải tùy theo đặc tính của mọi người, ai ăn xong trước, nên đem bát, chén, rửa, không chờ đợi nhau. Người ăn chậm, thì cứ tự nhiên mà ăn, không được vội vàng. Người còn sức ăn nhiều thì nên ăn no không được ăn ít, nhưng không được lấy nhiều bỏ phí thực phẩm hoặc trích thực phẩm cho chó ăn. Ăn không được bỏ thừa thực phẩm, thực phẩm nào ăn không hết thì nên để nguyên trả lại nhà bếp. Ăn không được lấy tay nạo, vét hoặc dùng lưỡi liếm.

  6. Mặc: Y áo mặc phải ngay thẳng, tề chỉnh, không được xốc xếch, nút trên gài khuy dưới, không được hở cổ. Mặc y áo phải sạch sẽ, không được dơ bẩn, hôi hám. Y áo không được vò nùi, vắt ngang, vắt dọc mà phải được xếp ngay ngắn, cất có nơi có chỗ.

    Người tu sĩ và cư sĩ đã tu theo đạo Phật không được ở trần, bày lưng, ngực, bụng, phải ăn mặc kín đáo dù trời có nóng bức, vẫn phải giữ gìn, không được ngang nhiên mặc áo lá, hoặc ở trần ngồi thiền. Người tu sĩ và cư sĩ tiểu tiện phải có chỗ kín đáo, phải ngồi xuống không được đứng. Người tu sĩ và cư sĩ tắm sông, suối, hồ phải mặc quần áo kín đáo mới tắm, không được trần truồng, tắm giặt như người thế gian.

  7. Nói: Nói là một điều rất tai hại, người xưa dạy: “Họa tùng khẩu nhập”. Nói ra lời nói mà tai họa đến thân, nói ra lời nói mà mình khổ, người khác khổ, nên phải dè dặt, cẩn thận lời nói. Vì thế người đệ tử của Phật cần phải tập ít nói, nói ra phải suy nghĩ cho thật kỹ, không dùng những lời nói thô lỗ, tục tằng, không dùng những lời nói hung dữ, nguyền rủa, trù ẻo, thề thốt.

Không tranh luận hơn, thua với ai dù bất cứ việc gì. Không chỉ trích, khen chê tôn giáo này, tôn giáo khác. Không chỉ trích pháp môn này, pháp môn khác. Không chỉ trích khen chê thầy này, thầy khác. Không được đem giáo pháp, kinh điển của Phật ra tranh luận. Không được đem giáo pháp của Phật ra thuyết giảng không đúng chỗ.

Nói phải ôn tồn, nhã nhặn, êm ái, nhẹ nhàng, từ tốn. Nói không được cướp lời người. Nói không được tranh cãi nhau.

(29:33) 8. Lễ: Đối với các bậc Chân tu Thiền đức, Giới đức không phải lễ phép bề ngoài, nể vì trước mặt mà sau lưng trong lòng lại trái hẳn. Đối với những bậc này ta phải chào hỏi một cách lễ phép, xá thật sâu, phải đứng nép qua một bên, không được đứng ngay trước mặt, xưng hô phải nhỏ nhẹ, dịu dàng. Đang ngồi, nằm, hay đang làm việc khi thấy các ngài đi qua thì phải đứng lên và dừng tay lại, phải dạn dĩ, nhưng không sỗ sàng, nhút nhát. Khi các ngài nói chuyện không được lén nghe, hay làm ồn náo.

Người có lễ độ không bao giờ nói xấu người vắng mặt huống là các bậc Tôn túc. Người có đức độ lễ phép, dù ai có thế nào cũng không tỏ lòng khinh lờn, chê bai, bài bác.

Lễ phép dạy ta không được gọi hoa danh, pháp hiệu của các ngài khi có mặt cũng như lúc vắng mặt. Lễ phép là một cử chỉ lịch sự, không những đối với các bậc Tôn túc mà còn phải đối với tất cả mọi người. Không phân biệt sang hèn, có học, hay vô học, làm nghề hạ tiện, hay làm nghề thanh cao.

Muốn vào thất Thầy thưa hỏi một điều gì nên lấy tay gõ nhẹ vào cửa 3 lần. Phàm có việc, phạm giới, lỗi lầm không được che dấu, phải cấp tốc đến trước Thầy tha thiết xin sám hối. Thầy chấp nhận thì tận tình phát lồ chân thành hối cải.

Muốn lễ bái Thầy, nếu Thầy ngăn lại thì nên thuận theo mạng lệnh của Thầy, dừng lại. Khi rời khỏi Thầy phải ghi nhớ lời giáo huấn của Thầy, không được buông lung, tự chạy theo lòng ham muốn thế gian, mà làm việc trái đạo, phá giới luật Phật.

Khi đứng đợi tụng niệm hoặc lễ bái Phật, cũng như đứng đợi chào nhau, hai tay nắm lại, để trước ngực, trụ tâm, giữ gìn sáu căn gom lại, điều hòa trong hơi thở để tâm được thanh tịnh, trong sạch. Khi tụng niệm, lễ Phật, chào người, phải chắp tay ngay ngắn để trước ngực, khi chào phải cúi thật sâu.

9. Lạy: Theo Kinh Đại Thừa có bảy cách lạy:

  1. Ngã mạn lễ.

  2. Cầu danh lễ.

  3. Thân tâm cung kính lễ.

  4. Phát trí thanh tịnh lễ.

  5. Biến nhập pháp giới lễ.

  6. Chánh quán lễ.

  7. Thật tướng bình đẳng lễ.

Bảy cách lạy này, chỉ dựa vào tánh, tướng mà dạy. Riêng Tu viện ở đây có bốn cách lạy, thực tế và cụ thể hơn:

  1. Cung kính lễ.

  2. Sám hối lễ.

  3. Tôn trọng lễ.

  4. Hối lỗi lễ.

  5. Cung kính lễ: Hai bàn tay chắp lại để nơi ngực thành tâm, rồi đưa lên trán tôn kính. Cúi xuống lạy, hai lòng bàn tay úp xuống, ngón tay hướng về phía trước, lễ người đã chết.

  6. Sám hối lễ: Hai bàn tay chắp lại để nơi ngực thành tâm, rồi đưa lên trán tốn kính. Cúi xuống lạy, lòng bàn tay lật ngửa, ngón tay hướng về phía trước lễ người đã chết.

  7. Tôn trọng lễ: Hai bàn tay chắp lại để trước ngực thành tâm, rồi đưa lên trán tôn kính. Cúi xuống lạy, lòng bàn tay úp xuống, đầu ngón tay đối diện để ngang nhau, lễ người còn sống.

  8. Hối lỗi lễ: Hai bàn tay chắp lại để trước ngực thành tâm, rồi đưa lên trán tôn kính. Cúi xuống lạy, lòng hai bàn tay lật ngửa, đầu ngón tay đối diện nhau, lễ người còn sống.

7- KẾT THÚC OAI NGHI TẾ HẠNH

(36:39) Vì lợi ích chúng sanh, vì thắp sáng ngọn đèn Phật pháp và cũng vì sự giải thoát thân tâm của mình để được thanh thản, an vui, nên chúng ta, người tu sĩ của đạo Phật phải hết sức gìn giữ oai nghi tế hạnh để tu tập.

  1. Tỉnh giác ý tứ từng hành động, mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý.

  2. Để phòng hộ tâm, tránh ngoại duyên cám dỗ.

  3. Để tránh mọi sự xảy ra khen, chê, chỉ trích của miệng đời thế gian, khiến tâm mình bất an.

  4. Để tâm không bị phân tán, tu hành thiền định dễ dàng.

  5. Để tạo duyên tốt, cho hàng Phật tử nương theo Phật pháp tu hành, đó là đền ơn Phật, Tổ, ơn sanh thành dưỡng dục, ơn đàn na thí chủ.

8- PHẦN CUỐI CÙNG

Bảng nội quy là một kỷ luật, nhu cầu thiết yếu của các tu sĩ tại Tu Viện Chơn Như. Kỷ luật giúp cho tu sĩ sống hài hòa, trong nếp sống đạo đức, khiến sự tu hành dễ dàng phát triển. Vì thế mỗi nửa tháng một lần tập hợp đầy đủ để nghe đọc lại nội quy. Tu sĩ cần ghi nhớ và kiểm điểm lại xem mình có phạm điều nào không, vì thiết tha tu hành, giải thoát các tu sĩ phải luôn luôn nhớ và giữ gìn cho trọn vẹn.

Đến đây, Thầy xin chấm dứt. Quý thầy đồng chắp tay niệm Phật ba lần.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

HẾT BĂNG.