20100502 - NỖ LỰC TU ĐÚNG PHÁP - PHẬT TỬ HÀ NỘI - THÁI NGUYÊN
20100523 - NỖ LỰC TU ĐÚNG PHÁP - PHẬT TỬ HÀ NỘI - THÁI NGUYÊN
NỖ LỰC TU ĐÚNG PHÁP PT HÀ NỘI & THÁI NGUYÊN
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Ngày giảng: 02/05/2010
1- NHỮNG LỜI TÂM HUYẾT
(00:00) Trưởng Lão: Bây giờ tất cả mấy con tập trung đầy đủ hết rồi phải không?
Phật tử: Dạ vâng, chúng con tập trung đầy đủ rồi ạ!
Trưởng Lão: Hôm nay, như mấy con đã biết rằng, chúng ta có thân là thân vô thường. Nó bữa nay thì mạnh, ngày mai đau không chừng đâu. Cho nên khi được pháp Phật rồi phải ráng tu mấy con. Chứ mấy con không tu thì chắc không ai mà tự cứu mấy con được đâu. Mấy con tu làm sao mấy con đuổi được bệnh. Mấy con tu làm sao làm chủ được cái sự chết; muốn chết hồi nào thì chết, muốn sống hồi nào thì sống. Mà phải ráng tu, chứ không ai tu cho ai được hết. Các con nhớ chưa?
Phải nỗ lực ráng, mà muốn ráng như vậy là phải tu cho đúng pháp. Bây giờ muốn đúng pháp thì mấy con đầu tiên mấy con phải khép mình. Mấy con sống độc cư ở trong một cái căn phòng, đừng có nói chuyện với ai hết. Trưa thì mấy con ăn bữa cơm thôi đừng ăn nhiều. Mình ăn nhiều là mình còn dục, mình chưa có ly. Mình ăn bữa cơm để sống, rồi ngày mai tới trưa mai mình ăn bữa cơm. Mà trong một tuần lễ mình tập, mình thấy nó được thì mình tu được. Mà một tuần lễ mà tập chưa có được, nó còn đói; nó còn buồn ngủ; nó còn đủ chuyện vọng tưởng, lo lắng cái này kia thì thôi ra thất đi. Khoan tu đã, sắp xếp lo cho con cháu đâu đó cho nó hẳn hòi rồi lần lượt mới tập. Chứ còn bây giờ trong một tuần lễ mà sống độc cư một mình mà lo lắng chuyện này chuyện kia. Thôi! Đó là duyên chưa đủ. Mấy con nhớ chưa?
(01:20) Mà khi mà nó đủ mấy con sống ở trong một tuần lễ mà độc cư trọn vẹn có tâm niệm nào khởi nghĩ thì mấy con tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Rồi nó trở về với sự tâm bất động, không có lo nghĩ buồn gì hết. Bởi vì các pháp đều vô thường. Mà lỡ mấy con chết rồi thì còn lo được không? Chắc lo không được đâu. Phải không? Cho nên vì vậy mà mình phải ráng tu. Mà tu là tu cái gì? Giữ có cái Tâm Bất Động - Thanh - Thản - An Lạc - Vô Sự. Đừng có ôm đồm bao nhiêu pháp nào hơi thở; nào là đi kinh hành; nào là pháp Thân Hành Niệm; nào là pháp Tứ Niệm Xứ; Tứ Chánh Cần đủ loại, nó nhiều quá. Nó nhiều quá là khi nào là cái cơ bản của người đó phải chi mới biết Phật pháp thì người ta tu cho biết. Còn bây giờ mấy con là người đã có tập. Mà có tập thì đã có làm quen với Phật pháp rồi. Mà làm quen với Phật pháp, thì nhất là mấy người lớn tuổi rồi, đừng có tập nhiều pháp quá thì sức khỏe không có đủ đâu. Cho nên chúng ta ngồi chơi mà tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”.
Rồi ngồi đó không có phải là cứ ôm ấp cái hơi thở để cho tâm nó không khởi niệm thì đó là ức chế tâm. Mà ngồi đó để xem coi cái tâm niệm mình, nó còn khởi niệm gì? Nó lo lắng; nó buồn phiền; nó lo cho đứa con này, đứa cháu kia, đứa nọ. Thì đó là: “Dừng xuống! Ở đây là chỗ bất động tâm chứ không phải chỗ khởi niệm nghĩ”. Mà các con bảo nó dừng thì nó dừng, nhưng mà nó dừng chưa lâu đâu, rồi nó sẽ khởi niệm nữa, và bảo nó: “Dừng đi! Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”.
(02:59) Và cứ ngày ngày mấy con giữ được cái Tâm Bất Động - Thanh -Thản - An Lạc - Vô Sự tức là mấy con tương ưng với Phật rồi. Và khi chết thì mấy con sẽ vào đất Phật rồi. Mà khi sống thì mấy con thấy có ai làm động tâm. Người ta chửi mắng mình, mình giận hờn thì mình nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Phải không? Thì tâm nó sẽ bất động, mình đâu còn giận. Mà mình giận đó là bị ác pháp chi phối tâm mình.
Các con tu tập như vậy thì mấy con sẽ được giải thoát ngay liền, không ai làm tâm mấy con động được hết. Mà gia đình ai rầy rà, ai nói: “Nay nó làm biếng quá! Ngồi không nó chơi đó”. Cũng được, họ nói gì nói, mình cứ thản nhiên, vui vẻ, không buồn phiền ai hết. Thì như vậy là mình giải thoát rồi chứ gì. Phải không? Có ác pháp nào làm động mình được đâu.
Còn mình muốn làm là làm với cái sự tỉnh thức của mình, chứ đừng có làm là vì mê công chuyện đó mà làm. Cầm cái chổi quét không phải vì cái sân sạch đó mà quét, mà vì cái tâm tỉnh thức mà quét. Các con hiểu chỗ Thầy muốn nói không? Không phải vì công việc, mà vì cái tâm của mình. Quét mỗi chổi đều rõ ràng, đưa tay quét thì biết đưa tay quét, không còn rác thì biết không còn rác, mà còn rác biết còn rác, đó gọi là tỉnh thức. Phải không? Mấy con thấy không?
Như vậy mà cái người siêng năng mà tu tập tỉnh thức thì có tâm niệm nào mà xen vô đầu họ được không? Ác pháp nào mà tác động vào họ được không? Bởi vì họ tỉnh thức. Còn mấy con mê là mấy con bị giận hờn, buồn phiền, khởi tâm lo lắng chuyện này, chuyện kia, rầu rĩ chuyện này, chuyện nọ. Phải không? Đó là cái tâm mê. Còn cái tâm tỉnh giác là cái tâm hết mê. Vậy thì muốn tỉnh giác thì đầu tiên mình tập đi kinh hành, mình biết bước đi kinh hành. Nhưng mà sau đó thì đâu phải cứ tối ngày cứ đi kinh hành hoài. Mà làm tất cả mọi công việc đều tỉnh giác trên mọi công việc, đó là tỉnh giác: Lặt rau biết lặt rau, nấu cơm biết nấu cơm; rồi quét biết quét, dọn biết dọn, rửa bát biết rửa bát; đi biết đi, đứng biết đứng, nằm biết nằm, ngồi biết ngồi. Tất cả những hành động mà chúng ta làm đều là chúng ta đều biết. Nhưng vì biết đó mà chúng ta không làm những hành động ác mà làm hành động thiện. Do biết đó mà chúng ta không nói lời thô lỗ; không nói lời to tiếng, cọc cằn làm cho mình khổ mà người khác khổ thì chúng ta tránh. Chúng ta nói lời ôn tồn nhã nhặn, khuyên lơn. Hành động chúng ta cũng vậy, nhẹ nhàng, không làm cho người khác đau khổ. Hành động của chúng ta tỉnh giác đi đứng không giẫm đạp khiến côn trùng chết. Đó là tu, là tỉnh giác. Các con thấy chưa? Đơn giản quá mà.
Còn mấy con bây giờ làm nó quên, mà nó quên thì cứ mê làm, mê làm thì nó si là không có sáng suốt; không có tỉnh thức. Cho nên làm rồi nó sẽ chuyện này, chuyện kia đụng chạm, nó làm cho mình khổ, người khác khổ. Phải không?
(05:57) Cho nên trong cái bước đường tu, Thầy chỉ dạy cho mấy con có một pháp Như Lý Tác Ý, “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Mà Tâm Bất Động - Thanh Thản - An Lạc - Vô Sự đó là cái chơn lý thứ ba của đạo Phật, là một sự thật của đạo Phật để chúng ta giữ gìn và bảo vệ nó. Để đến khi bỏ thân xác này nó không còn tiếp tục tái sanh luân hồi mà vào Niết Bàn, nơi mà chư Phật đang ở đó, đang trông chờ chúng ta từng phút giây. Nhưng chúng ta để tâm mình dao động chuyện này, chuyện kia của thế gian thì không bao giờ gặp chư Phật được.
Nghe lời Thầy thì mỗi các con, mỗi người tự phải thắp đuốc lên mà đi. Thắp đuốc lên có nghĩa là đốt lên cái trí tuệ sáng suốt, để chúng ta không làm những điều ác mà làm những điều thiện; mà làm những điều ly dục, ly ác pháp để chúng ta được bình an trong khi còn sống; đến khi chết thì chúng ta cũng bình an vào Niết Bàn. Hạnh phúc thay cho những ai biết được Chánh pháp, và hạnh phúc thay cho mấy con đã được nghe Chánh pháp. Mà không sống đó là lỗi của các con chứ không phải lỗi của Thầy nữa. Nhớ! Phật không có lỗi với chúng sanh mà chính chúng sanh lỗi với Phật. Phật thương yêu chúng sanh mà chúng sanh không thương yêu Phật. Cho nên không tu, mà không tu để cho mình khổ đau thì đó là mình có lỗi với Phật. Phật đem pháp dạy cho mình hết khổ đau mà mình lại quá mê muội ngu si, chạy theo những vật chất dục lạc thế gian, tiền bạc, danh vọng, con cái. Toàn là nhân quả, để rồi mình thọ lấy khổ. Khổ từ đời này đến đời khác. Mỗi lần sanh ra một đứa bé, khổ; lớn lên khổ chuyện khác của người lớn, khổ cho đến khi chết vẫn khổ. Đâu phải chết nằm yên đâu, chết thì lăn lộn, trăn trở rồi mới chết. Có ai mà chết nằm yên mà chết bao giờ? Có ai mà chết mà tự tại bao giờ? Cho nên nó tới chết còn khổ! Sanh ra, tưởng là đứa trẻ mới sanh ra không khổ. Ở trong bụng mẹ chật chội là khổ rồi, rồi sanh ra đi qua cái cửa hẹp hòi. Trời ơi! Cái thân thì lớn mà phải nhằn ra dài ra vầy, may là xương cốt còn non còn mềm, nó nhằn ra được. Đi qua khỏi cửa, thét lên khóc. Trời ơi, nó khổ quá trời! Có phải không?
(08:27) Rồi bây giờ được nuôi lớn khôn, cha mẹ nuôi lớn khôn xong. Trời đất ơi! Cha mẹ cực khổ, còn mình trườn bò rớt té đầu này đầu kia, đau khổ biết bao nhiêu lần mới lớn được. Mà lớn lên rồi thì cứ ham dục, chạy theo dục lạc thế gian để rồi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi nữa. Thiệt là vô minh, thiệt là ngu si! Biết Phật Pháp rồi thì ngày ngày nỗ lực, có bảy ngày đêm chứng đạo mà sao chúng ta không nỗ lực bảy ngày đêm chứng đạo cho rồi? Buông xuống hết, buông xuống hết! Các con có nghe bài kệ “Buông Xuống*”* của Thầy không?
Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi, có ích gì?
Thở ra chẳng lại, còn chi nữa?
Vạn sự vô thường, buông xuống đi!
Các con có thương yêu của cải, tài sản, con cháu bao nhiêu, khi hơi thở dừng rồi, mấy con có thấy thương yêu còn được nữa không? Có giữ được nữa không? Đương nhiên không. Cho nên hãy ráng mà nỗ lực tu đi mấy con. Thầy không tu được cho mấy con, mà Thầy chỉ biết khích lệ và an ủi để các con tu hành mà thôi. Bài pháp tuy ngắn nhưng đầy đủ những sự khích lệ, những lòng thương yêu của một vị Thầy. Các con có biết một vị Thầy, họ khóc bằng nước mắt khi mấy con khổ. Họ đâu có sung sướng gì, mà khi thấy chúng sanh đau khổ mà họ ngồi yên được mấy con. Đức Phật đã sáu năm khổ hạnh để tìm ra một cái chơn lý làm chủ sanh, già, bệnh, chết - là khổ ghê gớm vô cùng. Công ơn đức Phật quá lớn! Còn Thầy hiện bây giờ làm chủ được bốn sự đau khổ của mình rồi, nhìn thấy mấy con trôi lăn trong bốn sự đau khổ, làm sao không thương? Các con bộ tưởng quý Thầy sắt đá sao? Nó cũng con người, thấy con mình khổ… Các con làm cha mẹ thấy con các con khổ, các con có thương không? Hay các con ngồi như một cục đá. Thì những người mà tu hành giải thoát rồi, thấy chúng sanh khổ họ cũng khổ lắm mấy con. Họ thương mấy con vô cùng. Họ khích lệ, họ sách tấn. Họ viết sách, họ vắt cả đầu óc họ ra họ làm việc bởi vì mấy con. Chứ họ ngồi không họ cũng giải thoát rồi. Họ có sợ gì nữa đâu? Thích hồi nào họ làm chủ họ chết. Nhưng tại sao bây giờ họ còn ngồi đây mà họ viết từng tập sách? Từng lòng thương yêu của họ trải lên trang giấy. từng chữ, từng nghĩa như vậy. Mấy con có nhớ công ơn của họ không? Họ thương yêu mấy con vô cùng. Họ đem hết máu và nước mắt của họ để trang trải trên trang giấy, nói những cái lòng thương yêu của họ. Các con thấy chưa? Vì vậy các con hãy nỗ lực tu đi!
(11:01) Hôm nay được tập trung về đây nghe Thầy sách tấn, khích lệ, khuyên tu tập. Còn hàng trăm, hàng vạn, hàng tỉ người chưa được nghe Chánh pháp của Phật, biết đâu mà tu, cứ lo cầu cúng mãi. Làm sao ai cứu khổ họ? Chư Phật làm sao cứu họ? Họ tự làm ác, họ phải chịu chứ. Họ mắng chửi người thì người khác chửi họ, làm sao cầu Phật bảo rằng người khác đừng chửi họ. Các con thấy cái sự cầu cúng là cái sự mê tín; cái sự không chính đáng; cái sự không sáng suốt. Cho nên hôm nay chúng ta phải tự lực thắp đuốc lên mà đi. Nhớ lời Thầy nói!
Thầy tóm lược lại câu tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Có những ác pháp đến thì nhớ tác ý câu đó, để tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự là mấy con đã tự cứu lấy mình. Và hàng ngày tự cứu lấy mình như vậy thì đến khi chết thì mấy con sẽ ở vào Niết Bàn, cùng chư Phật giải thoát hoàn toàn, không tái sanh luân hồi nữa mấy con. Thôi đến đây Thầy chấm dứt bài pháp hôm nay. Mấy con ráng cố gắng tu tập. Thầy mong điều đó nhiều nhất!
2-THẦY HƯỚNG DẪN CHO NGƯỜI MỚI TU TẬP
Phật tử 1: Con thưa Thầy. Chúng con là ở trên này thì cũng không hiểu gì về pháp của Thầy cả. Vừa cả gần đây chúng con mới được xin sách của Thầy thì mới được hiểu ra. Hôm nay thì chúng con cũng muốn nhờ Thầy ban pháp về trên tỉnh Thái Nguyên xa xôi của chúng con và các tỉnh phía Bắc của chúng con.
Trưởng Lão: Thầy sẽ gởi sách ra cho. Mấy con cho cô Trang biết cái địa chỉ rồi Cô gởi sách ra cho mấy con. Mấy con sẽ phát ra cho quý Phật tử ngoài đó đọc.
Phật tử 1: Dạ! Và sắp tới chúng con xin Thầy. Có mấy người chúng con là xin vào để Thầy thuyết pháp cho chúng con ạ.
(12:54) Trưởng Lão: Phải rồi. Có người nào mà họ sắp xếp được yên ổn, vô đây rồi Thầy dạy cách thức tu tập trực tiếp, dạy cách nhiếp tâm như thế nào; tu tập xả tâm như thế nào; ngồi thiền như thế nào? Để không ở ngoài đó tập không biết, ngồi như con cóc thế mới chết được. Phải không? Con yên tâm đi!
Tổ chức một cái người nào đại diện thôi, đi vô trong này rồi Thầy dạy cho, cũng được, không có gì đâu, rồi sẵn đó rồi mang sách vở về! Còn không thì Thầy theo địa chỉ, Thầy sẽ gởi những cuốn sách mà do Thầy viết ra để mấy con đọc, mấy con biết cách tu tập. Để một người có được một cái tập sách như cái lời của Thầy dạy ở trong đó mà ( … ). Đâu có gì.
Phật tử 1: Dạ thưa Thầy! Chúng con muốn vào đây một lần nữa ạ.
Trưởng Lão: Cũng được. Đăng ký đi con. Càng tốt. Sợ mấy con tốn tiền xe chứ.
Phật tử 2: Con bạch Thầy ạ!
Trưởng Lão: Có gì không con? Cứ nói đi!
Phật tử 2: Ở đây con cảm ơn Thầy! Con ở Hải Phòng, con muốn học pháp của Thầy.
Trưởng Lão: Được mà.
Phật tử 2: Con muốn Thầy xem đặc tướng của con để Thầy đưa cho con pháp tu.
Trưởng Lão: Dễ mà. Bây giờ mấy con muốn biết đặc tướng thì cứ ở ngoài đó vô đây, Thầy chỉ cho cái đặc tướng.
Phật tử 2: Vâng! Tháng Tư, con đã vào gặp Thầy rồi.
Trưởng Lão: Con vào gặp Thầy rồi thì Thầy chỉ cái pháp mà con tu là cái đó, là đặc tướng của con nằm trong pháp đó đó.
Phật tử 2: Dạ! Vậy làm thế nào để con về truyền lại cho mọi người?
Trưởng Lão: Con không có được về con dạy người khác tu theo đặc tướng của con là không đúng! Còn họ nói con tu theo pháp Thầy dạy sao mà có kết quả, mà họ tu không có kết quả? Thì tại vì cái đặc tướng của người ta mà. Con hiểu không? Con về con cứ làm thinh, con lo con tu thôi. Thì đó là ôm cái pháp của Phật.
Rồi Thầy dặn, khi mà tu vậy trong ba tháng thì phải hỏi lại Thầy, để mà một là tiến tới tu pháp khác, chứ không có ôm cái pháp đó tu hoài.
Phật tử 2: Con đọc sách của Thầy, con thấy Thầy nói là không tu một pháp cố định mà phải kết hợp các pháp. Vậy con hỏi là, vậy hàng ngày trong cuộc sống, con nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng. Ngoài ra thì…
(15:28) Trưởng Lão: Phải rồi. Bởi vì tâm mấy con bây giờ, nó nhiều chuyện lắm. Ngồi thì nó niệm này, niệm kia khởi lung tung. Tức là loạn tưởng. Mà hễ nó không có khởi niệm thì mấy con hôn trầm, thùy miên. Có phải vậy không?
Phật tử 2: Dạ vâng!
Trưởng Lão: Vậy thì phải kết hợp nhiều pháp. Bây giờ hôn trầm, thùy miên, ngồi thì nó buồn ngủ chứ gì? Phải đi kinh hành. Mà đi kinh hành nó cũng muốn xiên xiên, nó muốn té nữa thì phải đi pháp Thân Hành Niệm.
Phật tử 2: Dạ vâng!
Trưởng Lão: Các con thấy pháp nó đủ cách chứ gì? Còn bây giờ con ngồi mà nó tỉnh táo, mà nó sanh niệm này, niệm kia thì mình phải chú tâm hơi thở. Mà ngồi sao nghe nó mỏi, đau lưng, nó nhức chân quá. Phải không? Nếu vậy thì làm sao nhiếp tâm? Phải không? Chỉ có nhiếp trên cái bước đi thôi. Cho nên vì vậy mình ngồi mà mình nhiếp tâm được thì mình phải theo cái Định Niệm của Hơi Thở mình nhiếp tâm. Ví dụ như tâm con vọng tưởng nhiều thì con tác ý: “An tịnh tâm hành, tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành, tôi biết tôi thở ra”. Mặc dù con hít vô thở ra nó còn niệm, nhưng mà cứ bền chí tác ý riết, cái nó không niệm. Mà giờ thân con ngồi đó, nó mỏi mệt, nó nhức chỗ này, nhức chỗ kia thì: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành, tôi biết tôi thở ra”. Mới đầu thì còn nhức, sau đó nó an trú được rồi thì nó hết nhức. Thì như vậy là mình nhờ cái hơi thở chứ gì? Mà mấy con phải biết vậy. Cho nên pháp Phật nó nhiều. Nhưng mà nó nhiều là với cái người mà cái đặc tướng nó chưa có hợp. Hiểu chưa? Còn đã hợp với đặc tướng của mình rồi thì tu nó dễ lắm. Tu nó dễ. Phải không?
(17:05) Bây giờ con cứ yên tâm đi. Lo mà tu, có sai gì thì bay vô trong này giùm Thầy, đừng có ở ngoài đó tu thì nó trật. Còn ngoài ấy xa xôi tốn tiền nhiều quá, không có đủ tiền thì viết bức thơ gởi vào: “Bây giờ con tu nó vậy trường hợp Thầy dạy con theo đặc tướng. Bây giờ con tu tới đó rồi. Nó được cái gì? Nó chưa được cái gì?” Viết cho kỷ như vậy, Thầy viết bức thơ, Thầy gởi ra. Thì con dựa theo bức thơ đó, con tập trong một bữa, hai bữa. Con gọi điện thoại vào: “Bây giờ con tu tập có kết quả tốt vậy thì con tiến tới tu. Mà con tập như vậy, gặp trường hợp như vậy, như vậy thì Thầy sửa lỗi giùm cho”. Thầy chỉ mấy con tu tập, mấy con mới biết chứ. Mấy con chưa tu tập, mấy con nói. Thầy biết mấy con nói vọng ngữ, nói trật.
Phật tử 2: Con cám ơn Thầy!
Trưởng Lão: Rồi rồi con.
Phật tử 2: Thưa Thầy! Có người muốn bạch Thầy ạ.
Trưởng Lão: Người nào đó cứ gặp Thầy đi con.
(18:00) Phật tử 3: Con xin được đảnh lễ với lại Trưởng Lão. Con là Nguyễn Đình Dương ạ. Con lập nghiệp ở đất Định Hóa thuộc tỉnh Thái Nguyên. Là con được biết Chánh pháp của Thầy ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Ngày xưa con có thời điểm cũng có quá giang qua đấy. Bây giờ thì tuổi đã lớn rồi. Con muốn hỏi làm sao cho cái tuổi đời còn lại mong sao được có một cái gì đấy để nó thiết thực với cuộc sống về sau hơn. Bởi vì từ giờ đến cuối tháng có thể là con chỉ mong có cơ duyên may để con vào. Xin Thầy chỉ giáo cho chúng con ở trên Thái Nguyên ạ.
Trưởng Lão: Trên Thái Nguyên hả con?
Phật tử 3: Dạ!
Trưởng Lão: Bây giờ mà mấy con tu tập thì đi vào cái sự căn bản mà tu tập.
Phật tử 3: Dạ!
Trưởng Lão: Ví dụ như chẳng hạn như bây giờ đó, thì mấy con chưa đủ sức tỉnh thức, thì mấy con nên tập đi kinh hành, Thân Hành Niệm. Đi tác ý từng hành động: “Chân trái bước, chân mặt bước”. Mấy con tu tập không phải tu tập nhiều, tu tập với cái sức khỏe của mình. Ví dụ: Sức mình đến ba mươi phút thì mình tu ba mươi phút; mười phút thì mình tu mười phút, rồi mình nghỉ khỏe, rồi mình tu tập trở lại để cho tập tỉnh thức thôi. Khi nào mình có đủ sức tỉnh thức là mình thấy hôn trầm, thùy miên, nó không còn có buồn ngủ nữa, chừng đó mình mới hỏi mình tu tới nữa. Còn bây giờ thấy mình còn hôn trầm, thùy miên; mình ngồi đâu gục đó, chưa có đi kinh hành Chánh Niệm Tỉnh Giác thì làm sao mà Thầy dạy cao cho được? Cao cũng là tu tập chơi vậy cho biết vậy thôi chứ có ích gì. Các con hiểu không?
Phật tử 3: Dạ!
(19:54) Trưởng Lão: Cho nên cái pháp là đi kinh hành, pháp Thân Hành Niệm là cái pháp mà “Muốn Chứng Đạo Phải Tu Pháp Môn Nào?” Mấy con có đọc không? Phải không? Muốn tu chứng đạo phải tu pháp môn nào? Tức là tu pháp Thân Hành Niệm. Mà Thân Hành Niệm, cái pháp nó mười ba pháp. Mà cái Pháp đầu tiên của nó thì mấy con phải tu đi kinh hành. Tỉnh thức, khi nào mấy con không thấy còn hôn trầm, thùy miên, không còn buồn ngủ. Chứ mấy con tu mà mấy con ham ngủ quá; thôi mấy con đừng tu. “Tại sao hôm nay tôi mất ngủ như thế này?” Trời đất ơi! Tu mà còn ham ngủ sao được?
Nghĩa là đối với chư Phật, đối với Thầy hiện giờ là không có ngủ. Như vậy là mới tỉnh thức chứ. Còn bây giờ mấy con ngủ một giấc đã, rồi mấy con nói: “Sao mà tui còn mê ngủ quá vậy?” Thì đúng rồi. Ham ngủ không phải mê sao? Đó là cái niệm si mà mấy con. Cho nên mấy con tập đi kinh hành nó tỉnh thức chừng nào tốt chừng nấy. Thì bây giờ cái pháp mà đầu tiên mấy con tu ở Phật tử Thái Nguyên, đầu tiên và căn bản nhất thì mấy con nên tập pháp đi kinh hành, và đồng thời kế tiếp thì pháp Thân Hành Niệm, đi kinh hành mà tác ý từng hành động.
Phật tử 3: Dạ!
Trưởng Lão: Có vậy thôi. Rồi tu tập là tỉnh thức được rồi, nó không còn.. Thí dụ như bây giờ, con cho giờ mười giờ đi ngủ đến hai giờ thức dậy. Thì mười giờ thì mấy con đi ngủ đến hai giờ thức dậy. Thức dậy tỉnh táo đàng hoàng, nó không còn lười biếng, hôn trầm, thùy miên. thì như vậy là khỏi tu pháp Thân Hành Niệm. Mà còn buồn ngủ, còn lười biếng, còn này kia thì ôm pháp Thân Hành Niệm dập đầu nó xuống. Các con hiểu không?
Phật tử 3: Dạ vâng!
Trưởng Lão: Như vậy là nó không còn buồn ngủ nữa, không còn hôn trầm, thùy miên nữa. Thì bắt đầu nó sinh pháp khác, Thầy dạy pháp khác cho. Tức là tu nhiều, lung tung quá, rồi bây giờ pháp nào cũng ôm đồm (thay cho từ Lữa mứa) hết thì nó không có kết quả gì hết. Uổng lắm con. Phải không?
Mấy con là quyết tâm tu giải thoát làm chủ sanh già, bệnh, chết thì phải tu có căn bản như vậy. Ôm pháp Thân Hành Niệm mà tu trước; đi kinh hành tu trước. Tu chừng nào mấy con hết buồn ngủ. Đừng có sợ mất ngủ, cầu cho nó mất ngủ là tốt chứ! Ở đời mất ngủ là bệnh, còn mình tu hành mất ngủ là thành Phật. Nhớ chưa? Hễ mất ngủ, mà tu hành mà mất ngủ là mình sắp sửa làm Phật rồi đó. Chứ còn tu hành mà mất ngủ thì còn quá sợ: “Thôi, chắc chắn tui phải đi bệnh viện, uống thuốc ngủ cho rồi!” Cái này đừng có làm cái chuyện đó, tốn tiền, vô ích! Nhớ kỹ nghe mấy con! Còn ngoài đời mấy con không tu, mấy con mất ngủ là có bệnh đó. Phải không? Thì đi uống thuốc thì phải. Chứ còn tu mà mất ngủ là tốt. Có bao nhiêu thôi. Nhớ pháp Thân Hành Niệm mấy con; nhớ tác ý từng hành động: “Đưa tay ra, tôi biết tôi đưa tay ra; đưa tay vô tôi biết tôi đưa tay vô”, đó là tu Pháp Thân Hành Niệm đó. Rồi đi thì “Chân trái, tôi biết chân trái; chân mặt bước, tôi biết chân mặt bước”, cứ như vậy mà tu để tập tỉnh thức con. Như vậy là xong rồi có phải không?
Phật tử 3: Dạ vâng, chúng con xin cám ơn Thầy!
HẾT BĂNG