Skip directly to content

VẤN ĐẠO 27-TU ĐÚNG PHÁP-ĐÚNG ĐẶC TƯỚNG

VẤN ĐẠO 27-TU ĐÚNG PHÁP-ĐÚNG ĐẶC TƯỚNG

VẤN ĐẠO 27

TU ĐÚNG PHÁP - ĐÚNG ĐẶC TƯỚNG

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Sư Tuệ Tĩnh và sư Phước Nhẫn

Thời lượng: [46:07]

Thời gian: 2002

Tên cũ: 14B-TuDungDacTuongPhaiDiTuDucHanhToiThienDinh

Pháp âm: https://thuvienchonnhu.net/audios/van-dao-27-tu-dung-phap-dung-dac-tuong.mp3

1- TU ĐÚNG PHÁP, ĐÚNG CÁCH, ĐÚNG ĐẶC TƯỚNG

(00:08) Câu hỏi thứ nhất: Kính bạch Thầy, cho phép chúng con được thưa hỏi về giáo lý, đường lối tu tập của đạo Phật. Kính thưa Thầy, Thầy có dạy chúng con hằng ngày phải tu cho đúng pháp, đúng cách, đúng căn cơ, đặc tướng. Song con vẫn chưa thấu triệt lắm. Kính mong Thầy chỉ dạy cho con để được thông hiểu Phật pháp và giải thoát thân tâm.

Trưởng lão: Tu về đặc tướng của mình, mình muốn biết căn cơ đặc tướng của mình không khó. Hiện giờ đối với cái nhìn của Thầy, người nào cũng phải từ đức hạnh để đi vào Thiền Định chứ không đi ngang xương được. Cho nên hầu hết tại vì chúng ta ảnh hưởng giáo pháp của Đại thừa, Thiền đông độ, cho nên chúng ta đi vào là chúng ta lo Thiền định mà không thấy tu tập, sống cho đúng đạo đức. Do thiếu đạo đức, tức là giới luật của Phật nên chúng ta tu sai căn cơ, đặc tướng của mình.

Vì con người chúng ta, ai cũng là phàm phu hết, chưa phải là Thánh, bản chất của loài cầm thú còn trong con người chúng ta chứ chưa thoát ra được. Thế mà chúng ta nhào vô tu hành là muốn mong làm Phật liền, mong có được sự giải thoát liền thì không thể được, mà chúng ta phải tập từ cái ăn, cái ngủ, cái đi, đứng, nằm, ngồi; tất cả mọi cái ở trong giới luật - tức là Đạo Đức Làm Người. Khi chúng ta học tập, tu tập những điều đó, là đi từ căn cơ của mình chứ gì.

(02:01) Bởi vì căn cơ của chúng sinh là căn cơ rất thấp, nói thấp vì chúng ta chưa phải là những bậc Thánh. Tại sao ngày xưa khi đức Phật tu chứng rồi hướng dẫn chúng Tỳ kheo tu rất nhanh chóng chứng đạo vì hầu hết những người được đức Phật chấp nhận trong thời bấy giờ, họ đều là những người tu sĩ giữ gìn giới luật, đức hạnh nghiêm túc. Trước đức Phật đã có những tôn giáo như Bà La Môn dạy họ tu giới luật, đức hạnh của người tu sĩ rồi.

Còn bây giờ, mình bị ảnh hưởng của kinh sách Đại thừa viết, luận thế này, thế khác, phá giới, không chấp giới. Ví dụ như: "Đói ăn, khát uống, mệt ngủ, tự tại vô ngại” như vậy là giải thoát. Cho nên chúng ta chấp nhận những lời nói như vậy, do đó mà chúng ta phá giới. Như Thiền tông dạy chúng ta: "Thõng tay vào chợ" thì hình ảnh vị sư thõng tay vào chợ đó lại uống rượu, thịt, cá. Hình ảnh như vậy gọi là: "Tự tại vô ngại".

Rồi kế đó chúng ta thấy những gương hạnh tệ hại nhất của Phật giáo mà người ta gọi là Phật sống như Tế Điên Hòa thượng hay Tế Công Hòa thượng, Phật Sống chùa Kim Sơn - những người được người Trung Hoa ca ngợi là Phật Sống lại sống không đúng phạm hạnh của một vị Tăng. Thế mà người ta gọi là Phật Sống. Chỉ có một chút ít thần thông tưởng nào đó thể hiện, người ta cho đó là Phật.

Mà thực ra khi nhìn vào vị tu đúng thì người ta phải là người đức hạnh hoàn toàn từ cái ăn mặc cho đến đức hạnh làm người thì như vậy mới là đệ tử của Phật, là một vị Thánh Tăng. Còn như này chỉ biết có thần thông, biết chuyện quá khứ, vị lai là thiên hạ đã coi như người đó là Phật. Cho nên hình ảnh của những người Phật Sống của Thiền đông độ, của Đại thừa là những hình ảnh sa đọa của Phật giáo. Cho nên nói chúng ta dựa vào đó để tu cho đúng căn cơ, đặc tướng của mình để được giải thoát chắc chắn là mình tu ngang xương, không đúng pháp.

Cho nên tu đúng cách là bắt đầu vào tu là khép mình trong khuôn khổ giới luật của đức Phật. Còn mình tu như bây giờ là tu sai, không đúng căn cơ. Không đúng căn cơ thì không thể đúng đặc tướng vì người có đặc tướng riêng biệt của người thế này, người thế khác. Mình không đi từ lớp một, mình nhào vô lớp Thiền định để tu, cứ ngồi để giữ tâm cho hết vọng tưởng thì căn cơ nó đã sai rồi.

Rồi đến đặc tướng của mình không thể nào ức chế nó vậy được. Tướng mình có tướng trời đi nữa mà ngồi ức chế cũng bệnh chứ đừng nói người phàm phu như mình mang cái thân nhân quả. Cho nên đó là những cái tu sai, không phải là tu đúng căn cơ đặc tướng. Căn cơ của mình là từ lớp một; từ cái bản chất của loài động vật, chúng ta phải tu tập, rèn luyện, sống đúng cách để chúng ta thoát ra khỏi bản chất của loài thú vật. Khi thoát ra khỏi bản chất của loài vật là chúng ta đã tu đúng căn cơ. Còn bây giờ hầu hết quý thầy, cư sĩ tu là có hình thức tu chứ không có người nào tu đúng căn cơ, đặc tướng. Đó là trả lời cho câu hỏi thứ nhất.

2- LỢI ÍCH VÀ CÁCH TU TẬP PHÁP NHƯ LÝ TÁC Ý

(5:47) Câu hỏi thứ 2: Kính bạch Thầy, cho phép chúng con thưa hỏi về pháp hướng tâm Như Lý Tác Ý - Tự kỷ ám thị. Con biết pháp môn có hiệu quả, lợi ích rất lớn cho đường tu tập. Đó là giúp cho trí tuệ nhạy bén, khai sáng; tâm thanh thản, an lạc; năng lực siêu việt không thể nghĩ lường. Ngày xưa đức Phật hành đạo và ngày nay, Thầy nhập được Tứ Thánh Định và Tam Minh cũng nhờ đến pháp này. Chúng con xin nhờ Thầy chỉ dạy cách thức hướng tâm, rèn luyện pháp này như thế nào để thành tựu giải thoát.

Trưởng lão: Về Pháp Như Lý Tác Ý, dùng pháp này để hướng tâm. Thứ nhất như ở trong Thất Giác Chi, Phật gọi là Trạch Pháp Giác Chi tức là chọn lựa một câu nào cho hợp với mình. Ví dụ như ý mình muốn tu để tâm mình hết tham, sân, si thì mình nghĩ đến đất hoặc nước là chất không có tham, sân, si.

Do đó mình muốn tâm mình như đất hoặc tâm mình như nước. Vì vậy trạch câu đó ra: "Tâm như đất". Mình lấy câu đó là lý của đạo để hàng ngày mình hướng tâm, nhắc tâm mình phải thực hiện như đất. Đó là câu pháp hướng cho nó hợp lý, hợp tâm lý của mình để cho mình thích thú câu đó thì mình dùng pháp hướng đó sẽ có hiệu quả.

Khi mới tu tập để cho nó có hiệu quả, chúng ta nhắc tâm mình câu pháp hướng như vậy thì mình phải thực hiện làm cho đúng lời đó. Nếu mình mới tu, mình nhắc câu pháp hướng, mình không thực hiện đúng theo lời của pháp hướng thì như vậy mình làm trái ngược với lời mình hướng tâm. Ra lệnh, như mình ra lệnh bảo người khác làm một cái gì đó mà mình không làm đúng điều mà mình bảo người khác thì người ta sẽ không nghe lời mình. Tâm chúng ta nó cũng như vậy. Chẳng hạn, mình ăn ngày một bữa, dự định dùng câu pháp hướng nhắc tâm mình: "Thân tâm phải chấp nhận ăn ngày một bữa, không được ăn phi thời!" Mình hướng tâm mình nói như vậy nhưng sáng mình vẫn ăn, trưa mình vẫn ăn, chiều mình vẫn ăn thì câu pháp hướng không có kết quả.

Tóm lại muốn cho câu pháp hướng có hiệu quả, mình nhắc tâm câu pháp hướng như vậy thì nhất định mình phải ăn ngày một bữa, nghĩa là trưa ăn thôi mà không có nên ăn lặt vặt, sáng ăn, chiều ăn thì câu pháp hướng có hiệu quả, tạo cho mình có nghị lực. Mặc dù hiện giờ khi chúng ta cố gắng khắc phục mình, ăn ngày một bữa nhưng chúng ta vẫn còn thấy đói, vẫn còn thích ăn nhưng chúng ta nhắc khi tâm khởi lên ý thích, thấy món ăn mà muốn ăn thì nhất định chúng ta nhắc: "Tâm phải ăn một bữa, phải giữ đúng không được sai, không được thèm ăn nữa!" Hướng tâm nhắc như vậy thì lần lượt tâm nó không có dao động trước cám dỗ của món ăn làm cho chúng ta chạy theo tâm tham ăn.

(09:35) Do cái sự hướng tâm mà chúng ta thực hiện bằng cái sống của chúng ta cho đúng với lời pháp hướng đó thì thứ nhất là nó trở thành thói quen, thứ hai nó trở thành lực sau này hễ chúng ta nhắc cái gì thì tâm chúng ta nó làm theo. Đó là hiệu quả của pháp hướng tu. Chứ còn nếu chúng ta nhắc mà chúng ta cứ không làm thì không có hiệu quả gì của pháp hướng đó.

Thí dụ như bây giờ mình đang buồn ngủ mà giờ này chưa phải là giờ mình ngủ cho nên mình nhắc mình hướng tâm, mình nói: "Thân tâm không được hôn trầm, buồn ngủ, thùy miên nữa, phải tỉnh táo, sáng suốt, không được gục tới, gục lui!". Mình hướng tâm, mình nhắc như vậy, mà lúc bấy giờ mình cứ ngồi đó thì chắc chắn nó sẽ gục tới, gục lui hoài. Mình nhắc như vậy, cho nên mình phải xả cái này cho được. Làm gì thì làm, rửa mặt, đi tắm hay là mình đi kinh hành, hoặc là mình lấy một cuốn kinh sách mình đọc. Hoặc lấy một bài kệ, bài thơ mình đọc, mình nghiên cứu một đoạn kinh nào đó. Như vậy là mình dùng đối tượng khác để mình phá nó bằng câu pháp hướng bảo nó.

Sau này mình không cần dùng nữa mà mình chỉ dùng pháp hướng Như Lý Tác Ý: "Hôn trầm, thùy miên, buồn ngủ phải đi đi!"; không cần phải đi rửa mặt, tắm, rửa gì nữa. Đó là pháp hướng đã có hiệu quả. Còn khi chúng ta mới tu tập mà luyện tập pháp hướng, bảo nó như vậy, ngay đó chúng ta liền đi kinh hành, hoặc rửa mặt, hoặc đi tắm hoặc làm vài động tác, mở một cuộn băng nghe, đọc một đoạn kinh để nghiên cứu thì nó làm cho chúng ta tỉnh táo trở lại. Sau này thì chúng ta không cần làm những việc này mà chỉ cần tác ý điều chúng ta muốn: "Đừng có hôn trầm nữa!". Đó là tu tập cho đúng cách như vậy sẽ có hiệu quả rất lớn.

Cho nên mới đầu chúng ta tu tập thấy pháp hướng chưa có hiệu quả nhưng mỗi lần chúng ta nhắc thì chúng ta phải làm cho đúng như câu pháp hướng của mình. Mình trạch câu đó ra để phá một đối tượng, chướng ngại pháp nào khởi trong tâm của mình, ngay đó dùng pháp hướng để nhắc nó. Mình phải tìm mọi cách để phá cho được chứng ngại pháp đó. Đừng có để chướng ngại pháp đó còn kéo dài mãi. Mình dùng pháp hướng mà mình trơ trơ không có chịu xả thì pháp hướng không có hiệu quả. Không được trì hoãn, phải quyết tâm.

Cho nên phải biết cách thức tu, trạch pháp là điều rất quan trọng của pháp Như Lý Tác Ý. Mình không biết mà tu tập pháp này không đúng cách thì nó sẽ không có hiệu quả. Cho nên thậm chí khi người ta nhập Tứ Thánh Định và Tam Minh, người ta đều dùng Pháp Như Lý Tác Ý này để thành tựu chứ không phải ai làm được điều này cả, vì đó là cái lực của pháp hướng này, mà nó điều khiển được cái tâm, dẫn cái tâm hướng đến Tam Minh hoặc đưa vào Thiền Định.

(13:15) Cho nên vì vậy khi pháp hướng có lực thì chúng ta mới có thể tu Tứ Như Ý Túc. Bởi vì Tứ Như Ý Túc là pháp môn đức Phật đưa ra để chúng ta tu, nhưng trước khi tu Tứ Như Ý Túc, chúng ta phải thực hiện được pháp Như Lý Tác Ý, nó có lực của đạo để dẫn dắt chúng ta đi vào Thiền Định cũng như Tam Minh thì chúng ta mới thực hiện được. Lúc bấy giờ dẫn dắt đi vào Bốn thiền, Tam Minh là chúng ta đang thực hiện Tứ Như Ý Túc chứ không phải là gì khác.

Khi chưa có lực, hiệu quả của pháp Như Lý Tác Ý thì Tứ Như Ý Túc không bao giờ ai tu được hết. Cho nên Định Như Ý Túc, chúng ta muốn nhập cái định nào thì chúng ta phải có lực của pháp hướng, pháp Như Lý Tác Ý đó, thì chúng ta mới tu được Định và Tam Minh. Chứ còn không có thì không thể nào nhập định được.

Cho nên người ở đời bây giờ người ta tu sai, người ta nghĩ rằng ngồi cho hết vọng tưởng là nhập định. Đó là nhập định ma, định tưởng chứ không phải Tứ Thánh Định. Đó là cách thức tu sai không có lực vào định, có khi được khi không, có khi ngồi nghe nó an ổn, có khi ngồi nó bị phân tán. Đó là cái tu sai của người hiện giờ họ không có kinh nghiệm tu tập theo đạo Phật. Không có kinh nghiệm thì hay đẻ ra những sai lệch làm cho con đường tu tập của người sau rất khó khăn.

Bởi vì không có thông suốt, không có hiểu được pháp Như Lý Tác Ý, cho nên hầu hết hiện giờ Đại thừa và Thiền Đông Độ dạy không có pháp Như Lý Tác Ý. Mà không có Pháp Như Lý Tác Ý thì họ chỉ ngồi chờ đợi để mà nhập định cũng như người chờ sung rụng để mà ăn. Như người ngồi dưới cây mà chờ trái cây rụng xuống mà ăn. Điều đó may rủi chứ không bao giờ có. Mà may rủi nếu mà đúng thì không nói gì, mà may rủi mà cây nó lại rớt trái chín thúi xuống thì có ăn được cái gì. Đó là cái may rủi sai chứ không phải cái may rủi đúng. Bởi vì có hành mà không có đủ sức lực để điều khiển vào định thì cái hành đó không bao giờ mà đi đúng được.

Cho nên tu sĩ hiện giờ nói nhập định đều là định của tưởng chứ không phải định đúng - Định Như Ý Túc, tức là mình muốn định nào là nhập được, muốn hồi nào là được hồi nấy. Còn bây giờ ngồi có khi được khi không, đó là định ma chứ không phải loại định làm chủ. Cho nên muốn nhập định, đi đến Tam Minh thì pháp Như Lý Tác Ý là công thức tu tập để chúng ta đạt được kết quả. Nói chung đó là bí quyết để chúng ta nhập Định và Tam Minh. Nó rất quan trọng nên người hiểu được pháp Như Lý Tác Ý mới thấy kết quả rất lớn sau này khi chúng ta thực hiện, là kết quả rất lớn cho con đường tu tập của chúng ta để đạt Thiền Định và trí tuệ Tam Minh.

(17:09 Ngay cả khi chúng ta thực hiện giới luật cho nghiêm túc để được thành tựu Phạm hạnh, đức hạnh của một vị Thánh Tăng thì pháp Như Lý hỗ trợ chúng ta rất lớn. Khi chúng ta muốn sống một giới luật cho nghiêm chỉnh thì không đơn giản đâu. Đừng nghĩ rằng chúng ta cứ giữ nó là được liền. Không phải đâu.

Với cái thân và cái khẩu của chúng ta thì có thể giữ được đó nhưng có ý của chúng ta không thể giữ được giới luật. Cho nên pháp Như Lý Tác Ý giúp chúng ta giữ được giới luật, làm cho tâm chúng ta thanh tịnh. Bây giờ chúng ta muốn giữ được giới không dâm dục, không dâm dục thì thân của chúng ta không dâm dục, khẩu chúng ta không nói lời dâm dục nhưng ý chúng ta thoáng thấy người phụ nữ thì nó khởi dâm dục đó. Cho nên muốn làm chủ nó thì chúng ta nhắc nó liền.. Khi thấy người phụ nữ, nó khởi ý dâm dục thì chúng ta tác ý: "Dâm dục là đem đến sự đau khổ không những cho một người mà cho nhiều người. Dâm dục là bẩn thỉu. Ta phải tránh xa dâm dục". Hàng ngày, chúng ta nhắc nó như vậy, lúc nào chúng ta cũng cảnh giác, nhắc nó như vậy, làm cho tâm ta thấm nhuần, làm cho chúng ta nhàm chán, không có ưa thứ dâm dục đó. Từ đó, người phụ nữ đến với chúng ta, chúng ta xem như bình thường, không khởi ý nữa. Tức là chúng ta mới thanh tịnh được cái giới không dâm dục. Không đơn giản đâu.

Chúng ta đừng nghĩ rằng…​ Không có pháp Như Lý Tác Ý thì chúng ta sẽ bị phạm giới này. Tất cả tu sĩ chúng ta đều phạm giới này. Do đó mà hiện giờ nhìn cái giới của tu sĩ, dù là vị Hòa thượng hiện giờ tám mươi tuổi, đừng nghĩ rằng các vị già mà tâm các vị không dâm dục. Sự thật ra tâm quý vị còn dâm dục chứ chưa phải hết dâm dục. Nếu quý vị không có pháp Như Lý Tác Ý thì chắc chắn giới này các vị không thanh tịnh.

Dù các ông già, ngoài người ta gọi các ông là Hòa thượng, người ta kính trọng đảnh lễ các ông nhưng sự thật ra tâm các ông chưa hẳn đã thanh tịnh giới luật. Giới luật muốn thanh tịnh, đầu tiên chúng ta tu pháp Như Lý Tác Ý là pháp trợ giúp chúng ta rất lớn trên con đường thanh tịnh giới luật. Đừng nghĩ rằng chúng ta sắp sửa chết là chúng ta hết dâm dục. Không, dâm dục nó liên tục, cơ thể chúng ta thì nó có giảm đi sự dâm dục nhưng cái tâm chúng ta vẫn y như lúc chúng ta còn trẻ.

Nếu chúng ta không tu pháp Như Lý Tác Ý này thì cái giới dâm dục chúng ta sẽ không thể nào chiến thắng được nó và chúng ta không thanh tịnh được tâm chúng ta đâu. Đó là phần quan trọng của pháp Như Lý.

(20:32) Từ khi bước đầu vào tu theo đạo Phật để giữ gìn giới hạnh, để lìa xa bản chất của loài ác thú trong thân tâm chúng ta, mà không có pháp Như Lý Tác Ý thì chúng ta không lìa xa được bản chất của loài cầm thú. Đạo Đức Làm Người chúng ta chưa thực hiện được chứ không nói là Đạo Đức Làm Thánh. Cho nên tu pháp Như Lý Tác Ý không những lợi ích cho Thiền Định, Tam Minh mà nó còn lợi ích cho chúng ta tu tập giới luật, đức hạnh nghiêm chỉnh.

Đây là pháp rất độc đáo mà chỉ có trong kinh sách Nguyên Thủy của đạo Phật mới thấy, còn toàn bộ kinh sách Đại thừa, Thiền đông độ chúng ta không thấy có, không thấy nhắc cái pháp này. Nhiều khi chúng ta đọc kinh sách, chúng ta nghiên cứu kinh sách, thấy kinh sách có pháp hành mà có loại kinh sách chỉ lý luận suông mà không có pháp hành. Như kinh sách Đại thừa thì không bao giờ có pháp hành. Lý luận rất cao, rất hay nhưng pháp hành không có.

Còn kinh sách Nguyên Thủy, chúng ta thấy pháp hành nó rõ ràng, cụ thể. Ngay bước đầu vào tu là chúng ta thấy có những điều chúng ta phải tập luyện, rèn luyện pháp đó ngay liền như pháp Như Lý Tác Ý. Đó là lợi ích rất lớn như vậy cho nên người tu sĩ phải thấy đây là pháp giúp cho chúng ta trên con đường tu cho đến khi thành tựu viên mãn đạo giải thoát.

3- GIỚI LUẬT MẤT LÀ ĐẠO TA MẤT

(22:16) Câu hỏi thứ 3: Đây là câu hỏi thứ ba. Kính bạch Thầy, đạo Phật có duy nhất một pháp môn đưa đến giải thoát khỏi đau khổ, ra khỏi sinh tử luân hồi. Đó là pháp môn: Giới - Định - Tuệ. Song hiện nay, chúng con thấy phần lớn tu sĩ không tu về giới luật, oai nghi tế hạnh, sống phạm giới quá nhiều tức là họ không đi đúng đường lối pháp môn của đức Phật. Vậy chúng con xin Thầy chỉ dạy những tu sĩ này có lợi gì cho Phật giáo, cho xã hội và ngược lại?

Trưởng lão: Câu hỏi này chúng ta thấy rõ ràng, người tu sĩ hiện giờ phá giới, phạm giới, đúng như Đức Phật đã nói: "Giới luật còn thì đạo Ta còn, giới luật mất thì đạo Ta mất." Nghĩa là đức Phật nói người tu sĩ mà còn giữ gìn giới luật dù là một người thôi thì đạo Phật vẫn còn, mà tu sĩ bây giờ có hàng vạn, triệu người mà phá giới, phạm giới, làm những điều kỳ lạ lừa đảo người khác bằng hình thức như có những vị sư người Tây Phương cũng như người Trung Hoa, họ đi ba bước lạy một lạy để cầu cho hòa bình thế giới hay thế này thế khác. Những hành động không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không có đạo đức mà làm những hình thức như vậy mà cho là Phật giáo còn thì không phải. Đó là thứ ngoại đạo, không thật, không đúng cách đâu.

Trái lại những tu sĩ giữ gìn giới luật nghiêm túc thì Phật pháp còn, những người tu sĩ không giữ gìn giới luật thì Phật pháp mất. Phật pháp mất là mất đi một điều lợi ích rất lớn cho con người trên hành tinh này, không chỉ riêng ở Việt Nam mà tất cả các nước ở trên thế giới. Phật giáo còn là còn một nền đạo đức vì toàn bộ giới luật Phật giáo là dạy về một nền Đạo Đức Làm Người. Nếu Phật giáo mất thì những đức hạnh làm người và làm Thánh không còn nữa. Không còn nữa thì những hành động suy đồi của những người không có đạo đức, chỉ như loài cầm thú, ma quỷ. Cho nên những hành động lừa đảo, gian xảo để ngồi mát ăn bát vàng, lừa gạt người ta bằng cách này hay cách khác, tiền mất mà tật mang. Đó là cách thức của những người tu sĩ Phật giáo của chúng ta hiện giờ, phá giới, chạy theo dục lạc thế gian, lừa đảo bằng mọi cách để sống trong dục lạc của thế gian. Giới luật của Phật còn gì?!

(25:15) Như vậy làm sao những tu sĩ này có lợi ích cho Phật giáo được, những tu sĩ này là trùng trong lông sư tử đang giết Phật giáo chết đó. Phật giáo mất là vì những tu sĩ như vậy. Cho nên hiện giờ người ta tin Phật mà người ta không thể tin quý thầy, mặc dù quý thầy là Hòa thượng, Thượng tọa, mà khi ngồi trên giảng tòa thuyết pháp, nhiều ông còn hút thuốc thì còn cách nào gọi là giới luật, đức hạnh nghiêm chỉnh. Một vị Hòa thượng, Thượng tọa của Phật giáo mà ăn uống phi thời như là người thế gian thì còn nghĩa lý gì là một vị Thánh Tăng. Nằm trong hàng giáo phẩm to như vậy, mà ngày ăn ba bữa mà nuốt được, không biết họ là Thánh gì. Đó là những điều rất sai của Phật giáo.

Cho nên Phật giáo lấy đạo đức để dạy người chứ không phải lấy mê tín mà dạy người. Phật giáo lấy cái thiện, làm lợi ích lớn cho con người là tự con người phải thực hiện những hành động thiện để đem lại quả an vui, phước báu thiện do họ làm thì họ hưởng, chứ không phải phá giới, phạm giới. Phá giới, phạm giới là sống trong ác pháp, mà sống trong ác pháp thì chỉ có quả khổ của ác pháp đó.

Người tu sĩ không làm gương hạnh đạo đức, giới luật như vậy thì lấy gì mà cho người noi theo để thực hiện Đạo Đức Nhân Quả- Đạo Đức Không Làm Khổ Mình, Khổ Người.

Cho nên ở đây, khi phạm giới luật như vậy thì ngoài họ hô hào rằng làm lợi ích cho Phật giáo, làm lợi ích cho xã hội, bằng hình thức này hay hình thức khác, gây sự mê tín làm hao tài, tốn của của người khác mà thực chất trong đó không lợi ích cho ai hết. Không lợi ích cho đất nước mà còn làm tổn hại cho đất nước này nữa bằng một số người tu hành không đúng giới luật Phật làm tê liệt cả Phật giáo, làm tê liệt đất nước.

(27:34) Những nhà lãnh đạo đất nước, người ta không dám động đến tôn giáo nhưng người ta cũng ngẩn ngơ trước những hành động của quý thầy hiện giờ. Phá giới, phạm giới như vậy, không có đức hạnh như vậy, làm sao mà người lãnh đạo đất nước, người ta không ngẩn ngơ, không lo lắng nhưng bây giờ người ta làm sao đụng đến quý vị là điều rất khó chứ không phải dễ. Đó là một điều từ nhiều năm tháng, từ nhiều thế kỉ chứ không phải mới đây. Cho nên người lãnh đạo người ta thấy nhưng người ta không làm sao người ta nói được.

Chúng ta là những người tu sĩ chúng ta phải thấy được nhiệm vụ, trọng trách của mình để lợi ích cho Phật giáo, lợi ích cho con người, lợi ích cho xã hội và cả thế giới nữa. Chúng ta phải sống đúng, sống đúng Giới - Định - Tuệ. Vì đức Phật chỉ duy nhất một pháp môn: Giới - Định - Tuệ là Đức Hạnh - Thiền Định - Trí Tuệ siêu việt của người tu sĩ.

Còn chúng ta sống phá giới, nghĩa là không có đức hạnh thì làm sao chúng ta có Thiền Định, trí tuệ siêu việt được. Chúng ta chỉ có Thiền Định tưởng, Thiền Định ma, Thần thông tưởng, ma để lừa đảo người khác để người ta ham mê. Đó là cái sai không đúng.

Cho nên chúng ta phải đề cao cảnh giác nếu chúng ta muốn tu theo đạo Phật mà các vị thầy của chúng ta sống không đúng giới, tức là không có đức hạnh thì chúng ta nhất định là không theo vị đó. Những vị đó sẽ tu giáo pháp của ngoại đạo, phá giới, phạm giới, làm những điều mê tín. Đó là trả lời câu thứ ba.

4- TU SĨ PHẬT GIÁO CHÂN CHÁNH

(29:26) Câu hỏi thứ tư: Kính bạch Thầy, đời sống phạm hạnh của một tu sĩ Phật giáo như thế nào? Làm sao để biết người nào là tu sĩ Phật giáo, người nào là tu sĩ giả dạng tu sĩ Phật giáo để chúng con khỏi bị lừa?

Trưởng lão: Trước hết chúng ta nhìn vào đời sống của một tu sĩ phá giới và một tu sĩ không phá giới; một người tu sĩ phạm giới và một người tu sĩ không phạm giới, chúng ta phân biệt rất rõ ràng. Dễ dàng lắm, chúng ta đến một ngôi chùa thấy các tu sĩ ăn uống phi thời thì biết ngay những người này là tu sĩ của Bà La Môn, của ngoại đạo chứ không phải là tu sĩ Phật giáo. Đó là chúng ta thấy nội cách ăn của họ đã thấy không đúng rồi.

Huống hồ là chúng ta nhìn thấy tất cả các hành động. Ví dụ như một vị tu sĩ Phật giáo thì ba y một bát, còn họ của cải tài sản nhiều thì chắc chắn không phải là vị tu sĩ của Phật giáo rồi. Đức Phật lấy một đời sống đi xin ăn mà các vị này tự nấu nướng ăn uống là đã không đúng rồi. Giới luật xác định một người tu sĩ Phật giáo và một người tu sĩ của ngoại đạo rất dễ dàng và rõ ràng.

Người tu sĩ Phật giáo thì không ca hát và không nghe ca hát, còn người tu sĩ ngoại đạo thì nghe ca hát và thích ca hát. Cho nên chúng ta đến một ngôi chùa mà thấy ti vi truyền hình rồi máy cassette, băng nhạc ca hát, mặc dù là những nhạc đạo nhưng vẫn là ca hát, âm thanh vẫn còn trầm bổng, nhẹ nhàng cám dỗ lòng người. Thích nghe những âm thanh trầm bổng đó thì là những người tu sĩ ngoại đạo chứ không phải tu sĩ Phật giáo.

(31:25) Tu sĩ Phật giáo là sống một đời sống ăn mặc không se sua nghĩa là đức Phật nói phải lượm vải bó thây ma, vải chim tha, vải bỏ chúng ta xin lượm vải đó về giặt sạch kết làm y áo chúng ta mặc đi xin ăn thì như vậy mới đúng. Còn những tu sĩ ngoại đạo thì ăn mặc phải là vải ngoại quốc, vải đẹp mới mặc, còn vải xấu thì không mặc, đòi hỏi những thứ tốt đẹp như người thế gian thì đó là tu sĩ của ngoại đạo, của Bà La Môn chứ không phải là tu sĩ Phật giáo.

Cho nên muốn biết là tu sĩ thật của Phật giáo hay tu sĩ giả thì chúng ta nhìn vào giới luật đức hạnh của vị tu sĩ để xác định đúng hay sai. Cho nên quý vị cứ nhìn vào giới tu sĩ của Phật giáo hiện giờ là biết ai là tu sĩ Phật giáo, ai không phải là tu sĩ Phật giáo, nó rõ ràng lắm. Mặc dù họ xưng là tu sĩ Phật giáo nhưng sự thật họ là tu sĩ của Bà La Môn. Như quý vị biết rõ ràng vì theo đức Phật dạy trong kinh Nguyên Thủy: một vị Bà La Môn họ phải thông suốt kinh điển Vệ Đà nghĩa là kinh điển Vệ Đà, họ phải học thuộc làu hết, bùa chú họ phải thông suốt, cúng tế họ phải thông suốt. Hiện giờ, một người tu sĩ có cấp bằng cao chưa hẳn là một người tu sĩ của Phật giáo đâu. Cấp bằng cao chứng tỏ đó là tu sĩ của Ba La Môn bởi vì họ phải học các bộ kinh Vệ Đà, phải thông suốt. Cũng như bây giờ quý vị phải học thông suốt Tam tạng kinh điển của Đại thừa mới chấp nhận đó là một người tu sĩ. Điều đó là điều sai.

Ngày xưa đức Phật đã bác những điều này, đức Phật không chấp nhận sự tụng niệm, cúng bái. Tu sĩ Phật giáo bây giờ quý vị thấy rất rõ ràng, họ cúng bái tụng niệm, bày ra đủ thứ không phải một thứ, như cúng bái tụng niệm, cầu siêu cầu an, làm tuần làm tự, coi ngày giờ tốt xấu, đó là hành động của Bà La Môn. Còn trong giáo lý, lời dạy của đức Phật, người tu sĩ của đạo Phật không được hành những nghề này. Họ hành những nghề này là họ hành những nghề của Bà La Môn. Họ học cho có cấp bằng cao, Cao đẳng Phật học hay Tiến sĩ Phật học như đức Phật đã xác định họ là Bà La Môn chứ không phải đạo Phật.

Đạo Phật không cần có bằng mà cần sự giải thoát, cần sự làm chủ, cần con người có Đạo Đức Làm Người, Đạo Đức Làm Thánh cho nên Giới-Định-Tuệ đã xác định được điều đó. Cho nên nhìn vào việc xuất gia của các thầy bây giờ, chúng ta thấy rõ quý thầy đang là tu sĩ của Bà La Môn chứ không phải là tu sĩ Phật giáo. Vậy nên chúng ta biết rất rõ hiện giờ đi tìm một người tu sĩ Phật giáo rất hiếm, không có nữa, rất khó chứ không phải dễ.

(35:18) Đức Phật đã xác định cho chúng ta rất rõ ràng: Giới- Định- Tuệ. Ai là người sống đúng giới luật? Không có. Chúng ta nhìn tu sĩ Phật giáo bây giờ từ cấp lãnh đạo lớn của Giáo Hội Phật Giáo cho đến tu sĩ mới vào tu, một chú Sa di, chúng ta thấy Giới Luật không có vị nào nghiêm chỉnh.

Kế đó chúng ta nhìn đến giai đoạn của Định thì thấy không có một tu sĩ nào nhập định đúng của đạo Phật thì sao gọi là đạo Phật được. Bởi vì định của đạo Phật là từ Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Bốn Thiền Định này xác định được là người tu sĩ của đạo Phật. Ai đã ly dục, ly ác pháp chưa? Chưa có người nào ly dục, ly ác pháp làm sao gọi là nhập Sơ Thiền. Đến Tứ Thiền là thiền thứ tư, ai đã tịnh chỉ được hơi thở? Nếu không tịnh chỉ được hơi thở, người đó không bao giờ được gọi là nhập được thiền của đạo Phật. Cho dù bây giờ mấy ông có ngồi thiền bảy, tám ngày, một năm, hai năm…​mà cứ ngồi đó thoi thót mà thở thì cũng chưa phải nhập thiền thứ tư của đạo Phật.

Ai thực hiện được Tam Minh, ai có được Lậu Tận Minh? Nhìn lại tu sĩ của chúng ta bây giờ, Giới - Định - Tuệ mà đức Phật đã nêu ra rõ ràng ba giai đoạn tu tập này thì không có vị tu sĩ thực hiện đúng được. Ngay cả giai đoạn thứ nhất là Giới Luật đã là không được thì làm sao gọi là Thiền Định cho được. Mà Thiền Định không được thì làm sao mà có Tuệ được. Cho nên không có người tu sĩ Phật giáo nào hiện giờ được gọi là tu sĩ Phật giáo được mà là tu sĩ của Bà La Môn, của ngoại đạo.

Cho nên cái lý luận, cái nói của họ thì rất hay nhưng cái đời sống tu sĩ Phật giáo của họ không bao giờ có.

Đây là câu hỏi thứ tư đã hết, tạm đủ để chúng ta hiểu được cái sai, cái đúng để chúng ta nương theo con đường của Phật pháp, tu cho đúng Giới - Định - Tuệ để thực hiện được một đời sống giải thoát trong một kiếp này. Không nên để cho thân tâm của chúng ta mất đi rồi, khó mà chúng ta tìm lại như đức Phật đã nói: "Được thân người rất khó, khó hơn con rùa mù tìm bọng cây giữa biển". Vả lại, pháp môn của đức Phật bây giờ rất khó vì bao nhiêu kinh điển Đại thừa đã che khuất giáo pháp chân chánh của đức Phật: Giới -Định - Tuệ, đã bị mất đi, cho nên chúng ta không còn lối để đi vào nẻo giải thoát đạo Phật nữa.

Hôm nay chúng ta phải cố gắng, phải tu tập, phải nghiên cứu kỹ những gì đức Phật đã dạy mà trong kinh Nguyên Thủy của đức Phật đã được Hòa thượng Minh Châu dịch lại. Chúng ta hãy đọc lại bốn bộ kinh Nikaya, nghiên cứu kỹ lại những lời của đức Phật dạy gọi là còn nguyên chất, nguyên thủy của nó. Còn tất cả rừng kinh sách của Phật giáo hiện giờ đều là tà giáo, ngoại đạo xen vào làm giàu để lừa đảo tín đồ của Phật giáo, mượn danh của Phật giáo để lừa đảo người khác chứ không phải chân chánh.

(39:02) Tám năm trời chúng tôi mở Tu viện Chơn Như chẳng tìm thấy một người cầu pháp chân thật. Toàn là thứ ăn hại của đàn na thí chủ, phá hoại Phật pháp, làm những điều tồi tệ, trái với giới luật, cống cao ngã mạn, dương dương tự đắc, coi mình là bậc thầy tổ của thiên hạ. Xét lại họ chỉ là những con mọt của kinh sách. Tăng, ni và Phật tử đối với Phật pháp còn biết bao nhiêu điều sai trái nhưng không đủ thì giờ cho phép chúng tôi ghi ra đây hết được.

Khi nào đủ duyên, Diệu Quang mở khóa tu Đạo Đức Giải Thoát thì chúng tôi sẽ giảng dạy cho quý vị.

Kính thưa quý vị Phật tử!

Chúng tôi biết rằng lời thật mất lòng nhưng chúng tôi phải nói, nói vì sự tồn vong của Phật giáo. Dù biết rằng chúng tôi nói thì không có chùa để ở, không có y áo để mặc, không có cơm để ăn thì chúng tôi vẫn phải nói. Nói để cảnh tỉnh tăng, ni và quý vị, nói để quý vị sửa sai, nói để quý vị không bị đọa địa ngục, nói để quý vị hiểu Phật pháp đúng cách, không có nghĩ như thế này nữa.

Kính thưa quý vị Phật tử!

Ở đây quý vị phải hiểu, chúng tôi không có ý chỉ trích, phê phán ai hết. Ai muốn tu pháp môn nào cũng được. Chúng tôi chỉ biết nêu lên những ý này để quý vị đừng hiểu sai đạo Phật, đừng nhầm đường lạc lối tu hành của đạo Phật và biết rõ mục đích của đạo Phật để không phí uổng thời giờ quý báu của quý vị.

Kính thưa quý vị!

Chúng ta tu hành theo đạo Phật mà không tu hành pháp môn của đạo Phật lại tu hành theo pháp môn của các tôn giáo khác mà cứ tự nhận mình tu theo đạo Phật. Sự lầm lạc này khiến cho Phật giáo không có người tu chứng, không có người giải thoát thực sự. Hiện giờ được xem như Phật giáo đã mất gốc, chỉ còn cành lá mà thôi. Vì thế chúng tôi phải gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh quý vị, để nhắc nhở quý vị, còn nghe hay không là quyền của quý vị. Chúng tôi chẳng có ý nào khác hơn, tu đúng, tu sai là quý vị nhờ, chứ chúng tôi chẳng có ích lợi gì trong đó cả.

(41:26) Chúng tôi kính mong quý vị tỉnh ngộ quay về với con đường tu hành chân chánh của đạo Phật để có lợi ích thiết thực và cụ thể hơn. Những điều quý vị đã tu hành và những việc làm của quý vị đều tốt và thiện, nhưng tốt và thiện đối với những tôn giáo khác còn đối với Phật giáo thì quý vị đã lầm lạc.

Bởi quý vị đã không tu giới luật mà còn phá giới luật, làm những điều sai trái, phạm giới luật của đạo Phật. Trong khi giới luật là ông Thầy của quý vị mà quý vị đã từ bỏ không chịu tu theo. Chúng tôi chẳng biết nói với quý vị như thế nào nữa cho đúng. Nếu đi tu mà không nghe lời dạy, không nương tựa vào ông Thầy của mình thì quý vị sống với ai, tu tập cái gì?

Nếu chúng tôi tu giới luật, thiền định, trí tuệ của đức Phật mà chẳng có kết quả như ngày hôm nay thì chúng tôi chẳng dám nói lên những điều này. Vì có kết quả quá rõ ràng nên chúng tôi cho nổ lên tiếng sấm sét để quý vị tỉnh cơn mơ mộng trong các kinh sách thời nay, trong các pháp tu thời nay.

Kính thưa quý vị Phật tử!

Quý vị hãy cùng chúng tôi triển khai những điều mà quý vị không biết đã làm sai từ lâu. Hãy chấm dứt. Đừng vì những lợi ích ích kỷ nhỏ mọn, cá nhân của quý vị mà đưa Phật giáo lạc đường. Vì thế bây giờ quý vị tìm khắp nơi trên thế giới làm sao có được một vị chân tu giải thoát như đức Phật. Trong khi Phật giáo bây giờ có hàng vạn, triệu người tu theo đạo Phật từ Đông sang Tây mà không có một vị tu chứng.

Vì sao? Vì hiểu sai Phật pháp nên tu sai. Do đó phá hoại Phật pháp mà tưởng là bồi đắp, xây dựng, chấn hưng Phật pháp. Đến đây chúng tôi xin tạm ngừng nghỉ, ăn cơm. Buổi chiều lúc một giờ, chúng ta tiếp tục lại câu chuyện. Bây giờ, quý vị chắp tay lên, cùng chúng tôi hướng về đức Phật, cúi đầu chào nhau, tạm biệt:

“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”

5- LƯU Ý KHI ĐẾN TU VIỆN

(43:40) Kính thưa quý vị Phật tử!

Khi đi đến chùa tăng, quý vị là nữ cư sĩ hay là ni cô thì quý vị phải đi từ hai người trở lên, không nên đi một mình vào Tu viện nam. Ngược lại là cư sĩ nam hay là chư tăng khi đi đến chùa ni hay tịnh thất của cư sĩ nữ thì phải đi hai người trở lên chứ không thể đi một người vào đó được.

Đi vào chỗ tu hành, quý vị không nên đi xông pha mà phải theo người hướng dẫn. Khi đi không được nói chuyện, nhẹ nhàng để giữ sự thanh tịnh cho những người tu hành tại đó. Khi cần gặp người quen thì nhờ người tiếp khách gọi hộ chứ không được tự động đi đến chỗ của người quen trong Tu viện. Người thân đang tu hành tại Tu viện cũng không được đưa dắt bạn bè thân thuộc đi tham quan, làm động chúng tu hành. Đó là một điều làm sai, xin quý vị lưu ý.

Một cư sĩ nữ hay một ni cô khi đến chùa tăng mà tự do đi lại thì phải biết đó là người thiếu đức hạnh, cần phải sửa lại. Ngược lại một cư sĩ nam hoặc một tu sĩ nam cũng vậy, không được ngang nhiên đi vào nơi tu hành của nữ, của những người tu sĩ nữ.

Vậy xin lưu ý quý vị khi đến nơi tu hành thì quý vị phải cẩn trọng, không được xem thường chỗ tu hành, như chỗ du lịch, tham quan.

HẾT BĂNG