41 - GIỚI ĐỌA 02 - QUÁN VÔ LẬU PHẢI QUÁN CHO THÔNG
GIÁO ÁN ĐƯỜNG LỐI TU TẬP ĐẠO PHẬT 41 - GIỚI ĐỌA 02 - QUÁN VÔ LẬU PHẢI QUÁN CHO THÔNG
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh
Thời gian: 1997
1- CHÍN MƯƠI GIỚI ĐỌA - PHẦN 2
[Phần 1 ở Giáo án 40]
21) GIỚI TỰ ĐI DẠY BẢO NI
(00:00) 21. Giới tự đi dạy bảo ni.
Vì sao Phật kiết giới này?
Khi Phật ở tại vườn ông Cấp Cô Độc, bà Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni thỉnh cầu Phật cho phép các Tỳ Kheo vì ni mà giáo giới thuyết pháp. Đức Phật bảo ông A Nan theo thứ tự mời vị Thượng tọa đến giáo giới, vì ni nói pháp.
Khi ấy theo thứ tự nên mời Tôn giả Bàn Đà đến dạy, song Tôn giả chỉ thuộc một bài kệ, nên đến nơi, ba phen chỉ nói một bài kệ, mỗi lần nói xong liền vào Đệ Tứ Thiền.
Tức là nói xong thì ông nhập Tứ Thiền, chớ còn không nhập Tứ Thiền, người ta hỏi, ông biết đâu ông nói! Ông thuộc có bốn câu kệ thôi chớ ông làm sao ông nói, cho nên hễ ông nói bốn câu kệ rồi thì ông nhập vô Tứ Thiền, ông ngồi im re đó.
Các La Hán Ni đều rất hoan hỉ, còn Lục Quần Ni thì lại kêu giọng giỡn cợt, chê bai. Tôn giả liền thăng lên hư không, hiện ra các thần thông biến hóa, nói pháp mà đi.
Lúc khi ấy, Lục Quần Tỳ Kheo tự tiện đến giáo hóa, nói bao nhiêu chuyện khác, không nói Chánh Pháp, chỉ nói các chuyện thế tục trong thế gian, Lục Quần Ni rất là hoan hỉ. Bà Đại Ái Đạo biết, đến bạch Phật. Ngài bảo: “Các Tỳ Kheo này… Từ nay về sau, tăng phải bạch Nhị Yết Ma sai người đến giáo thọ ni.”
Lúc ấy, Lục Quần Tỳ Kheo bèn ra ngoài giới, cùng nhau sai đến. Các Tỳ Kheo bạch Phật. Phật dạy: “Tỳ Kheo nào thành tựu 10 pháp, về sau mới được giáo thọ Tỳ Kheo Ni.” Nhân đó Phật kiết giới này.
Nghĩa là cái ông Bàn Đặc thì ổng thuộc có bốn cái câu kệ thôi chớ ông không có thuộc nhiều, cho nên ông A Nan sắp xếp cho ổng đi giảng ở cho bên ni, thì ổng đến đó ổng nói bốn câu kệ rồi ông nhập Tứ Thiền, thì những người ni mà đã chứng quả A La Hán thì họ rất là tán thán về cái sự thuyết giảng của ông, còn trái lại thì những người ni, Lục Quần Ni Tỳ Kheo thì lại chê bai ông nói không hay.
Cho nên sau đó thì ông thấy các vị đó chê như vậy, ông không có đến thuyết giảng nữa. Do vì vậy mà sau này Lục Quần Tỳ Kheo mới tự tiện mình, mới thay phiên nhau đến thuyết giảng cho bên ni.
Thì trong lúc đó, chắc ông A Nan ổng ở đâu không biết, chắc ông ngủ quên rồi chứ sao, chớ không lẽ mà ông A Nan không phái mà mấy ông này dám đến thuyết như vậy, thì Thầy thấy đây là những cái chuyện mà bịa đặt, nó không có lý đâu.
Phật đã sai ông A Nan sắp xếp những người nào mà đi thuyết giảng cho bên ni thì nó phải có người chớ? Còn đằng này không có sắp xếp Lục Quần Tỳ Kheo, thế mà mấy ông này tự nhiên đi mà ông A Nan ổng không biết à?
(02:51) Bữa nay là ông Bàn Đặc đi nè, thì ông Bàn Đặc ít ra ông về ổng cũng trình lại ông A Nan: “Tui đến tui thuyết giảng như vậy, mà bên ni họ được nghe vậy, và đồng thời họ không có hiểu được cái thâm ý của tui là muốn chứng tỏ rằng cái chỗ mà nhập Tứ Thiền là cái chỗ vi diệu nhất, chỗ giải thoát nhất, để cho các người đó nương cái câu kệ của tôi đã học được Phật đó, thì bắt đầu lấy cái câu kệ đó mà tu để được giải thoát, làm như chính tui đã làm, nhưng mà các vị đó không có hiểu. Vậy thì ông A Nan phải phái cái người khác thay tôi để trong cái ngày mai đó đến giáo giới cho bên ni.”
Bởi vì ông này ông thấy bên ni có người chứng quả A La Hán rồi thì họ đâu có cần, họ rất là tán thán rồi, còn những cái người mà còn mê muội chưa chứng thì cần phải có cái người giảng như thế nào để cho hiểu. “Chứ nhè tui mà tui giảng như vậy, tui đọc có bốn câu kệ rồi cái bắt đầu tui nhập Tứ Thiền rồi thì họ tiêu hết, họ làm sao họ hiểu! Vậy thì ông hãy phái người khác đến!” Thì do đó ông A Nan phái.
Đằng này ông ta về cũng chằng nói gì. Một bậc Thánh Tăng như ông mà ông không biết nói cái điều gì đó thì như vậy là quá phỉ báng ông rồi. Bởi vì cái nhiệm vụ, cái trọng trách mà khi được mình nhận lãnh cái trọng trách mình đi giảng người ta, dạy người ta để tu tập thì cái nhiệm vụ trọng trách mình có chớ!
Nhưng mà mình thấy người ta không có nhận được, cho nên vì vậy đó mình thấy cái duyên nó không có thì mình về báo lại cho ông A Nan biết, để ông A Nan ổng sắp xếp cho cái người khác người ta thay mình để mà người ta giảng, thì như vậy mới đúng cái lý của Phật pháp chớ!
Không lẽ là mình không giảng là mình nghỉ à? Mình nghỉ rồi mấy cái ông này thừa nước đục mà thả câu á, kêu là thừa nước để mà đi vào đó để dạy tầm bậy tầm bạ cho bên nây, cho nên bên kia, mấy cô mà thích ăn thích ngủ nghe mấy cái ông Lục Quần Tỳ Kheo này nói, nào là giới này giới kia đồ, Phật chế rộng rãi rồi, bây giờ mình ăn thỏa thích đi, mình đi coi hát cũng được nè, mình mua radio, ti vi đồ hay hoặc là video về, mình chiếu phim đồ lên mình coi thỏa thích đi, thì mấy bà đó là phải khoái rồi chớ gì?
Mà gặp Lục Quần Tỳ Kheo này là còn thích nhất nữa. Gặp cái thời đại chúng ta, trong cái thất, trong cái cốc của mấy ông đó, chắc để đầy đủ máy móc hết rồi, không có thiếu cái gì cả hết.
Cho nên ở đây, theo Thầy thiết nghĩ là nó đặt cái giới nó không có hợp lý. Cho nên làm sao có những người mà am tường, hiểu biết được cái giới luật của Phật để chúng ta soạn lại cái bộ kinh giới, nó đầy đủ hơn, nó đúng với cái nghĩa của nó hơn, để cho cái người mà người ta giữ giới mà người ta được ly dục, ly ác pháp, người ta được giải thoát, là cái nhiệm vụ và trọng trách, chớ không thể nào những cái bộ kinh giới như thế này mà lưu hành ra thì toàn bộ là tai hại cho tu sĩ chúng ta, phá giới hết chớ không còn nữa.
(05:24) Chúng ta phải biết được cái bộ kinh nào nó đem đến cái sự lợi lạc cho con người tu hành sau này, và cái bộ kinh nào nó sẽ tai hại, chớ không phải. Bởi vậy Thầy đọc toàn bộ kinh từ Đại Thừa đến Tiểu Thừa mà Thầy viết ra một cái bộ sách gọi là Đường Về Xứ Phật, cái bài kinh nào đúng của Đức Phật là Thầy để, mà bài kinh nào không đúng của Phật Thầy bác ra hết, Thầy quét sạch ra hết.
Cả một cái hệ thống mà toàn cả cái tạng kinh của Phật, mà Thầy hết sức công phu viết. Nhưng mà Thầy thấy đem ra cái này cũng là một cái điều rất là đau khổ cho cái người thời nay, cho nên Thầy chẳng bao giờ mà Thầy cho ai đọc hết.
Và cuối cùng thì hôm nay Thầy giảng như thế này, thật sự ra từ lâu tới giờ Thầy có học giới thật sự, nhưng mà Thầy lo tu chớ Thầy không có nghiên cứu ba cái này đâu, giữ gìn mình đúng trong những giới hạnh mình tu. Đến khi mà đọc để giảng cho quý thầy, Thầy thấy toàn là tan nát hết rồi. Mấy cái ông ba lăng nhăng này viết tầm bậy tầm bạ cũng gọi là tổ này tổ kia dữ tợn!
Thật sự Thầy nói, tội Thầy đọa địa ngục Thầy chịu chớ Thầy chẳng có thấy cái giới luật của Phật như thế này mà Thầy chấp nhận được. Bởi vì Thầy hiểu biết cái giới luật của Phật là ly dục, ly ác pháp chớ không phải là cái thứ giới mà như thế này được!
Đây là 10 cái pháp:
1. Giới luật đầy đủ;
2. Học rộng hiểu nhiều;
Thông suốt hai bộ kinh;
Hai bộ giới đó, tăng và ni đó.
4. Quyết đoán, không nghi ngờ;
5. Thuyết pháp khéo léo;
6. Xuất thân từ chủng tộc cao;
7. Dung mạo đoan trang, thấy liền hoan hỉ;
8. Có khả năng thuyết pháp khiến Ni hoan hỉ;
9. Không vì Phật xuất gia mặc pháp phục mà phá các trọng cấm;
10. Đã đủ 20 hạ trở lên.
Thì 10 cái điều kiện nêu ra cho một vị thuyết pháp bên ni là phải như vậy, nhưng có những điều mà có thể chúng ta thấy nó không hợp đâu. Nhưng nói nhiều quá, động chạm mấy ông này hết, thôi Thầy chẳng thèm nói làm gì, vạch ba cái này ra nữa thì chịu không có nổi rồi.
Khi nào mà Thầy có dịp rảnh Thầy soạn ra rồi Thầy mới kết lại như thế nào mà đúng một cái người đi thuyết giảng cho bên ni, cái Phạm hạnh như thế nào mới được thuyết giảng cho bên ni, bên nữ, còn không đúng thì không có nên mà đến đó. Đến đó mà tâm chúng ta còn yếu, cái hình sắc, cái nụ cười, cái hình tướng của cái người nữ nó làm cho chúng ta…
Và đồng thời thì mấy cái cô này nó cũng chưa tới đâu đâu, gặp một cái ông thầy mà nói có duyên rồi thì mấy cô đó mai mốt mấy cô đến phòng rồi đem cái này kia biếu, câu như là câu cá đó, thì cái điều đó là cái điều còn tai hại lắm, chớ không phải là thường cho cái sự tu hành, mà làm nó càng ngày càng sa đọa trong cái giới tu hành của Phật giáo.
Cho nên ở đây, khi mà có dịp mà Thầy được rảnh Thầy soạn lại cái bộ kinh giới. Mặc dù Thầy không phải giới sư đâu, nhưng mà Thầy phải soạn để lại cho đời sau có một cái giáo án của Phật, đường lối tu tập từ dễ đến thấp, có cái lý pháp và cái hành pháp nó rõ ràng, và đồng thời thì phải có một cái bộ giới luật rất là cụ thể rõ ràng cho mỗi giới đều là có một cái pháp để chúng ta tập luyện ly dục, ly ác pháp, để chúng ta đi thẳng vào con đường giải thoát của đạo Phật.
Chứ giới luật như thế này Thầy thấy nó không phải là cái pháp ly dục, ly ác pháp đâu, mà nó còn có thể nuôi lớn những cái tâm dục của chúng ta bằng cách nhỏ giọt làm cho chúng ta ham thích theo cái dục lạc của thế gian thêm nữa.
22) GIỚI DẠY BẢO NI ĐẾN CHIỀU TỐI
(8:36) 22. Giới dạy bảo ni đến chiều tối.
Vì sao Phật kiết giới này?
*Đức Phật vẫn ở tại vườn ông Cấp Cô Độc, khi ấy, tôn giả Nan Đà được tăng sai đến giáo thọ ni chúng. Tôn giả âm thanh tốt, nói pháp người nghe ưa thích nên đến mặt trời lặn ni chúng…* (Mất tiếng)
Cửa thành đã đóng, phải ngủ bên ngoài. Sáng, thành mở cửa, vào trước mọi người. Các trưởng giả thấy, chê hiềm, hủy báng ni chúng cũng cùng Tỳ Kheo ngủ đêm. Nhân đó Phật kiết giới này.
Ở đây cái câu chuyện đặt ra như vậy, là tại vì cái ông này thuyết giảng hay quá cho nên quá giờ rồi mà chúng ni không có ra về, cho nên về tối rồi cửa thành bị đóng, vì vậy mà ở ngoài cửa thành mà ngủ, sáng ra thì mới vào, thì các vị cư sĩ ở trong thành người ta thấy ni sao mà ở ngoài thành?
Có lẽ là trong cái thời Đức Phật mà đọc qua cái chỗ này thì chúng ta thấy có lẽ cái tổ chức của Phật ngày xưa thì bên ni - bên nữ á, thì cái tịnh xá hay hoặc là cái nơi mà các ni ở thì nó ở trong thành, còn tăng thì ở ngoài thành, ở trong cái khu rừng nào đó.
Cho nên các ni thì thường thường là đến nghe Phật thuyết pháp, thì bữa hôm đó thì cái ông Nan Đà này ổng thuyết pháp, và ông thuyết pháp quá hay làm cho các cô ni này quên về đi, vì vậy mà cuối cùng thì ở ngoài cửa thành.
Thật sự ra, trong khi mà có cái sự tổ chức như vậy, Thầy thấy cái nhiệm vụ của cái ông giảng sư, không có nghĩa là ông Nan Đà mà ổng để cho mấy bà này ở lại nghe cho tới tối rồi mới về đâu, không phải đâu. Nghĩa là đúng giờ cho mấy người về mấy người còn vô thành.
Bởi vì mình ở gần bên thành mình biết mà, là đóng cửa nào, lúc nào mà đóng cửa, lúc nào mở cửa mình biết, cho nên giờ này là quý cô hãy về, không được ở lại, về để vào kịp ở trong tịnh xá mà nghỉ, không được ngủ ở ngoài đường ngoài xá, nhất là thân nữ. Cho nên đâu có lý do mà chế cái giới này kỳ cục như vậy. Cho nên ở đây nhiều cái Thầy nói, nó nhiều cái mà không có thể nào tưởng tượng được hết!
Cũng như bây giờ Thầy giảng các con này, buổi chiều nè, Thầy giảng cho các thầy nghe nè, mà bây giờ các thầy không có được ở đây mà ở ngoài Trảng Bàng nè, phải về ngoài đó, thì lúc bấy giờ khi mà Thầy thấy đúng giờ Thầy phải cho về liền để cho về kịp chớ đâu có lý nào mà để ở lại đây?
Ở lại đây không có chỗ ngủ làm sao ở lại được? Do vì vậy đó mà tới giờ là phải nghỉ thôi, không có thể nào mà không cho nghỉ, thì như vậy làm sao có cái chuyện mà xảy ra như vậy được!
… trừ dạy tụng kinh hoặc việc khác, phạm Ác Tác.
Nghĩa là ở đây còn gạnh thêm cái chỗ “trừ tụng kinh” nữa. Bởi vì tụng kinh 7 giờ tối mà, cho nên cửa thành đóng mất rồi làm sao? Cho nên còn thêm là cái trừ tụng kinh mới không có phạm cái tội. Nghĩa là ở lại tụng kinh chứ nghe pháp là phạm tội. Nghe pháp nó phải còn hay hơn là cái tụng kinh không?
(11:23) Cho nên ở đây Thầy thấy đặt cái giới chỗ này là đã không có cái nghĩa rồi. Cái người mà thuyết pháp không phải không biết được cái thời gian. Cũng như bây giờ, Thầy nói bây giờ Thầy thuyết pháp nè, dù Thầy có ráng đi nữa thì chắc chắn là cũng 5, 10 phút chớ không thể nào mà hơn cái giờ mà chúng ta ăn cơm được, cũng phải đình chỉ lại à, chớ không thể nào hơn được.
Thì quý thầy thấy đó là cái bổn phận của người giảng, còn quý thầy có nghe hay là quý thầy có thích nghe đi nữa, Thầy đình là Thầy đình thôi chớ không làm sao mà nói: “Bây giờ con thích nghe, Thầy cứ nói thêm nữa đi” hay “giảng thêm nữa đi!” Đâu có được! Giờ này không phải là giờ ngồi đây mà còn… Giờ chúng ta sắp sửa ăn cơm rồi thì phải đình, phải không? Cho nên giờ mà mấy cô phải về thì mấy cô phải về.
Mà vả lại Thầy biết rằng khi Đức Phật sai một cái vị Tỳ Kheo thuyết giảng cho cái bên ni tu tập thì chắc chắn là phải có cái định giờ giấc hẳn hòi, chớ bên ni nó lộn xộn lắm. Nó tối rồi đây bắt đầu nó ngủ ở trong cái chùa của mình là tiêu tan hết chớ không phải lơ mơ đâu, rồi đây là mang tiếng cả đám nhau: “Tăng, ni nó ngủ chung nhau đó!” Đâu có phải chuyện dễ đâu!
Cho nên mình dạy rồi bắt đầu: “Mấy cô tới giờ này phải đi chớ không có được ở đây!” Phải nói thẳng à, ở đây nó mang tiếng lắm. Tăng, ni phải đâu ra đó. Cho nên do cái chỗ hướng dẫn nghiêm chỉnh như vậy thì cái Giáo đoàn, Tăng đoàn nó mới có thanh tịnh.
Chớ đâu phải tối rồi, giờ này tối rồi mà còn ngồi ở đây, ngồi đống đống ở đây, rồi tăng đi qua đi lại, nó thấy mấy cô nó khoái lắm, nó đi qua đi lại như diều, cho nên như vậy làm sao mà cái tâm người ta thanh tịnh người ta tu được, làm sao người ta tu, ác pháp, bao nhiêu cái hình ảnh nó gợi trong ý.
Rồi tăng thì cũng đi qua đi lại, mặc áo đẹp đẽ, ủi láng coóng, đi tới đi lui, làm cho mấy bà ngồi đó cũng điêu đứng hết, ngồi mà không dám nhúc nhích! Thì tất cả những cái này là cái làm cho tâm người ta quá rối loạn, điêu đứng.
Cho nên ở đây chúng ta tu hành, chúng ta không thấy cái bóng dáng hình nữ thì chúng ta thấy cái tâm càng ngày nó càng thanh tịnh, mà thấy cái thứ đó rồi nó khó lắm, nó khó móc ra lắm chớ không phải dễ đâu. Nuốt vô thì được chớ ói ra nó khó lắm chớ không phải dễ!
23) GIỚI CHÊ BÁNG TỲ KHEO KHÁC DẠY BẢO NI
(13:27) 23. Giới chê báng Tỳ Kheo khác dạy bảo ni.
Vì sao Phật kiết giới này?
Đức Phật vẫn ở tại vườn của ông Cấp Cô Độc, khi ấy các Tỳ Kheo Ni nghe thầy giáo thọ đến nên ra nửa do tuần đón rước, phòng xá thoải mái, thức ăn, chỗ ngồi tốt, chỗ tắm rửa khang trang.
Lục Quần Tỳ Kheo không được tăng sai, sanh lòng tật đố, nói: “Các thầy Tỳ Kheo không có chân thật, chỉ vì ăn uống nên mới giáo thọ ni chúng.” Các Tỳ Kheo bạch Phật. Phật nhân đó mà kiết giới này.
Thầy nói thật sự đây, những cái này viết nó rất sai nè. Các thầy thấy nè, một vị tu sĩ, tăng mà đến thuyết giảng nơi của người nữ ở đó, thì cái sự tiếp đón họ mình phải công nhận rồi, phòng xá chỗ mà giảng dạy thì nó phải rồi, thức ăn, chỗ ngồi tốt thì đúng rồi, còn cái chỗ tắm rửa khang trang nữa thì ai mà vô cái phòng tắm của người ni mà tắm bao giờ?
Các thầy thấy không? Ở đây mà nó dám viết cái điều đó! Thầy bây giờ, mời Thầy một trăm ngàn lần mà vô cái phòng tắm của người ni, Thầy chả thèm vô, dù ở đó bây giờ cái phòng có sang gì Thầy cũng không thèm nữa. Thầy nói thật á! Làm cái gì mà vô cái phòng tắm của họ, Thầy đâu có thèm!
Bởi vậy, ở đây nhiều cái nó nói Thầy thấy vô lý thiệt vô lý. Một ông tăng mà tu cái tâm thanh tịnh rồi không bao giờ họ thèm đến cái chỗ phòng tắm của người nữ đâu, họ chẳng bao giờ mà vô cái phòng ngủ của người nữ đâu, nói thật sự đó!
Thầy nói đúng cách của một cái người giới luật thanh tịnh rồi, họ không bao giờ mà có thể nói rằng… Từ cái chỗ họ biết như thế nào, như cái lý như thế nào của pháp rồi thì họ biết cái chỗ nào là bất tịnh mà chỗ nào là không bất tịnh họ biết rồi, họ đâu có bao giờ họ ngu si mà họ đem cái thân, cái tâm của họ vô cái chỗ bất tịnh đó để mà họ nhồi nhét nó thêm đâu! Họ thoát ra được, họ bỏ ra được họ bỏ, chớ đâu có lý nào!
Bởi vậy viết giới mà sao không thấy cái chỗ này? Cái ông mà viết giới này ổng cũng muốn vô phòng tắm của phụ nữ rồi, cho nên ổng mới viết như vậy đó, để rồi mình thuyết giảng rồi bắt đầu…
Phòng tắm của phụ nữ nào là xà bông thơm nè, nào là dầu thơm nè, rồi kiếng soi mặt nè, vô trong đó rồi soi mặt ra rồi cái mặt của mình nó đẹp đẽ lên, cho nên mấy ổng cũng khoái lắm.
Còn cái phòng tắm của tăng coi, nó kèm hèm, rác rến, cỏ rác tùm lum, nó đâu có bằng bên ni đâu. Thì như vậy là, viết như vậy là Thầy thấy thiệt là nó cũng, nó không có cái lý đúng của một cái sự tu tập, cái chỗ mà ly dục, ly ác pháp của cái người tu.
24) GIỚI CHO Y TỲ KHEO NI KHÔNG PHẢI BÀ CON
(16:00) 24. Giới cho y Tỳ Kheo Ni không phải bà con.
Vì sao Phật kiết giới này?
Đức Phật cũng vẫn ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong thành có một Tỳ Kheo khất thực, oai nghi đầy đủ. Khi ấy, có một cô ni thấy và thường xin được cúng thức ăn, vị Tỳ Kheo ấy không nhận.
Nghĩa là, trong cái thời Đức Phật có nói như thế này nè: Câu chuyện của bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo, trong khi đó đó, là trong cái khu vực nó bị hạn hán, nó bị đói khổ, rồi bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo bả đi xin, bà được cái thực phẩm, do đó có cái vị Tỳ Kheo đi tới, thì vị Tỳ Kheo nói: “Bà có xin được thì bỏ vô bát tui đi!”
Bà này thì - bởi vì bên cái giới ni mà Bát Kỉnh á, thì khi như vậy thì bà trút hết cái bát của đồ bả xin ăn cho cái vị Tỳ Kheo này. Vị Tỳ Kheo này mang bát đồ ăn của bà xin được đem về ăn.
Còn bà này thì đi hồi sáng tới bây giờ kiếm được có một bát à, rồi đâu có kiếm được nữa, bởi vì người ta nghèo đói hết mà, thất mùa mà, cho nên bà đó ngất xỉu, bà ngất xỉu, bà nằm ở dưới đường bà đi, bởi vì đói mà. Cho nên hôm trưa hôm qua ăn tới bữa nay mà xin được có nhiêu đó, ông này ông trút bát ông sớt ông đi rồi, cũng như con quạ, con vạc mà bóp cổ con cò ói ra con cá nó ăn vậy mà.
Cho nên do cái hành động đó đó, vì vậy mà chúng ta thấy rằng cái vấn đề Bát Kỉnh này nó quá sai. Cái ông Tỳ Kheo mặc dù ít ra thì người nữ người nam cũng có cái sự bình đẳng giống nhau, Bát Kỉnh là kỉnh ông ta thôi, để cho mình có cái lòng cung kính thôi. Cái này cung kính đến - có phải cái ông Tỳ Kheo ổng cũng chơi khôn đó, ổng chờ cho mấy bà ni đi khất thực xong rồi về cái kêu bả đó: “Trút vô bát tui đi!” Chơi kiểu đó chơi cha!
Các con thấy không, cái giới luật gì mà đặt kỳ cục cái kiểu này, mà Thầy nói thiệt ra đọc Thầy thấy nó bực mình vô cùng lận! Nó không có chơi cái kiểu đó được.
Cho nên cái bà này, bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo bả xin, bả không có được ăn rồi bả mệt bả đói, bả đi không nổi nữa, thì có một vị trưởng giả đó, đi cưỡi con ngựa đi ngang qua, thấy sao cái bà ni này sao lại nằm mà gần chết vậy? Mới xuống, mới đỡ bà ta, mới đem về nhà, mới cho ăn cho uống bà mới tỉnh lại, mới hỏi ra cái duyên sự như vậy, do đó mới đến trình Phật. Phật mới chế cái giới này ra.
Thì đây là cái giới này, thì như vậy là ở đây cũng có một cái sự kiện như vậy mà mới chế cái giới này ra. Thì thiệt ra Thầy thấy những cái điều kiện mà chế giới của Phật ở trong này, từ khi mình chế cái Bát Kỉnh ra, nó không biết thế nào mà gọi là Bát Kỉnh, người ta không hiểu như thế nào, rồi người ta bóp cổ người ta, người ta lấy thức ăn ở trước miệng của người khác.
Người ta đi xin cực khổ, mà trong khi mà nó dễ dàng thì không nói, mà nó khó khăn thì xin được miếng cơm đâu phải chuyện dễ. Thế mà mấy ông Tỳ Kheo này ngon lắm, cứ ngồi núp ở trong rào thôi, đợi cho mấy bà ni đi, đi xin mà có đầy bát thì mấy ổng ra! Thì cái kiểu đó khỏi mình đi chứ gì? Cái giới luật gì mà kỳ cục, Thầy chẳng biết sao nói là Bát Kỉnh.
Cho nên đọc lại cái chỗ Bát Kỉnh Thầy thấy không có cái điều đó, mà mấy ổng lại đặt ở trong cái giới này là có những cái sự kiện xảy ra như vậy, do đó Phật mới chế giới ra, thì thiệt ra thì cái chuyện họ đặt ra, họ đặt làm sao cũng được! Khó mà có thể lường được cái tâm con người.
25) GIỚI MAY Y CHO NI KHÔNG PHẢI BÀ CON
(19:23) 25. Giới may y cho ni không phải bà con.
Vì sao Phật kiết giới này?
Khi Đức Phật còn tại vườn Cấp Cô Độc, bấy giờ có cô ni muốn may đại y đem đến trong chùa. Ca Lưu Đà Di nhận may và thêu hình nam nữ hành dâm.
Ông này chơi, may cái y của mình mà may nam nữ, hay hoặc là Thầy nói thôi thêu trái tim thôi cũng thấy chết được rồi chớ đừng nói chi mà thêu cái hình nam nữ! Thì cái đó là cũng là một cái nói tầm bậy tầm bạ, không bao giờ có cái chuyện đó được hết à!
Cô ni đến nhận y, dặn: “Không được tự tiện…”
Khi mà cô này đến nhận y thì cái ông thầy đó dặn, cái ông Ca Lưu Đà Di này dặn - ở chùa mình chắc cũng có nhiều chùa cũng may y lắm á, mà cái ông này cũng chơi cắc cớ cái chuyện đó.
Dặn: “Không được tự tiện trải y ra xem, khi nào mà có đông chúng rồi mới trải y ra. Cũng không được cho người nào xem, khi nào đến giờ mới mặc mà đi sau chúng.”
Thì cô ni kia làm theo cái lời dặn, cư sĩ thấy mới vỗ tay cười! Cô này cũng đâu có để ý được, cái ông thầy này chơi cắc cớ, kêu là giễu cợt chơi như vậy đó, may y cho người ta mà diễu cợt như vậy đó. Phá, kêu là phá đám.
Các ni bạch Tỳ Kheo, Tỳ Kheo bạch Phật. Phật mới kiết giới này: “Nếu Tỳ Kheo may y cho Tỳ Kheo Ni mà làm cái kiểu đó là phạm Ba Dật Đề.”
Thì các con thấy đâu có cái chuyện mà… Bởi vậy Thầy nói có nhiều thầy họ làm hề, làm này làm kia, thì cái ông này cũng cái kiểu mà chọc phá trời đất đó chớ không phải tay thường đâu. Cái kiểu này là cũng là cái kiểu quậy trời quậy nước á! Nghĩa là mấy bà ni này đến nhờ may y cái ổng may y, ổng may y rồi ổng thêu tầm bậy, ổng dặn người ta như vậy để rồi cho người ta cười chơi.
Thì Thầy thấy những cái chuyện tiếu lâm, những cái chuyện cổ dân gian có nhiều cái chuyện mà người ta làm những cái chuyện gọi là làm mắc tức cười. Nhưng mà sự thật ra một người tu sĩ của đạo Phật đâu có những cái hành động đó.
Cho nên Thầy thấy khi mà nhìn cái cuộn phim nào ở Thường Chiếu lần đầu tiên đó, Thầy thấy có một ông thầy ngồi ôm cái đầu gối mà làm cây đờn mà kêu là cây đờn cò, ò e ò e đó, Thầy trời đất! Lấy cái đầu gối mình làm cây đờn mà gảy cho chúng cười lộn gan lộn ruột lên, thiệt là mình làm hề, làm giễu cho người ta thì cái giới hạnh, cái oai nghi của mình còn ở chỗ nào đâu?
Cách thức đó là cách thức phá giới, phá Phật pháp bằng cách đó. Thì cái ông thầy này, ông Ca Lưu Đà Di này cũng là cái loại đó đó, cái loại kêu là phá Phật pháp á. Mà phá ngay bên ni nữa chớ mới độc!
Đó thì cái giới mà chế ra như vậy Thầy thấy hầu hết là cái số mà giễu cợt này, từ khi vô thì Đức Phật đã nhắm vào cái số mà có hai cái trò phá đời như vậy đó, thì ít ra thì phải nói rằng ông Phật ổng phải sửa những cái người này ngay từ lúc đầu: “Mình là người tu hành phải nghiêm chỉnh, không có được giễu cợt, mà giễu cợt thì đâu phải là cái người tu!” - thì đâu cần phải chế cái giới này làm gì?
26) GIỚI CÙNG VỚI NI NGỒI CHỖ KHUẤT
(22:31) Giới 26: Giới cùng với ni ngồi chỗ khuất.
Vì sao Phật chế giới này?
Đức Phật cũng ở tại vườn Cấp Cô Độc, Ca Lưu Đà Di đến nơi cửa ngoài của Thâu Nan Đà Tỳ Kheo Ni cùng ngồi một chỗ. Cư sĩ chê hiềm. Các Tỳ Kheo bạch Phật. Nhân đó Phật kiết giới này.
… bốn chúng dưới phạm Ác Tác.
Không phạm: có bạn, có người trí, không đui, không điếc, hoặc đi ngang qua xỉu té, bệnh liệt, bị nhốt trói, mạng nạn, bị thế lực lôi kéo.
Ở đây Phật chế cái người tu sĩ cùng ngồi với người ni ở chỗ khuất thì bị phạm. Đúng vậy! Mình một cái người nam và một cái người nữ, nhất là tu sĩ nữ, mà có hai người mà ngồi ở chỗ khuất, như bây giờ mình ngồi đây nè, ở bên cái thư viện của Thầy, có một ông thầy ngồi nói chuyện với một cô ni, thử hỏi các thầy nghĩ sao với cô đó không? Với ông thầy đó không? Tức là phải phạm tội rồi.
Bởi vì mình muốn nói là phải có phòng khách, phải có nơi có chốn, mà nói phải có hai người, ba người, chớ không có thể mà có một mình với cô ta được. Mà hầu như là người ta không có hiểu cái giới này vì đó là giữ cái Phạm hạnh của chúng ta, vì cái tâm của chúng ta ngồi riêng với một người khác phái nó hay sanh cái dục.
Chúng ta đâu phải Phật, chưa phải Phật mà, chưa ly hết dục mà, làm sao chúng ta hết được! Thế mà chúng ta không có thấy được cái quan trọng đó mà chúng ta thấy thích, thích với người nữ, thích với cái người ni, cho nên gặp thấy người ni là muốn nói chuyện à.
Rồi người ni họ cũng thích người nam, họ cũng thích như vậy chớ đâu phải không, mà trong khi thích thì họ muốn nói chuyện một mình chớ họ đâu có muốn nói chuyện với nhiều người, vì nhiều người đâu có dám cười tình, cười với nhau được, đâu có dám là háy huýt với nhau được!
Còn một mình đó, hai con mắt nó đá lia lịa, rồi cái lời nói, nó lại nói những cái gì nó có thể, nó cũng không có sợ hãi, còn có người này người kia thì đâu có dè dặt được.
Cho nên đúng là cái nghĩa của cái người tu sĩ Phật giáo là chúng ta phải sống độc cư, cắt ly không có bao giờ mà nói chuyện với người nữ. Không phải là chúng ta sợ. Ngay bây giờ chúng ta là những người mới tu, chúng ta còn yếu, chứ khi mà chúng ta đã đạt thành được cái sức làm chủ rồi, tâm bất động rồi thì mặc tình chúng ta gặp.
Nhưng mà lúc bấy giờ chúng ta cũng chẳng thèm gặp làm gì nữa. Đi thì mắt ngó xuống, có đâu mà chúng ta ngó qua ngó lại. Còn khi mà chúng ta ngồi nói chuyện, làm gì mà chúng ta cười tình với người nữ được, cái tâm dục nó đâu còn mà cười tình với họ được? Cho nên chúng ta chẳng còn sợ nữa.
Còn bây giờ coi chừng á, cái tâm của chúng ta khởi lên với cái nụ cười nè, với cái ánh mắt của chúng ta nè, coi chừng nó liếc tình, nó cười tình với nhau đó, rồi nó gây cho chúng ta không bao giờ tu tới đâu được hết.
Cho nên ở đây, giới luật đó cấm là đúng. Thầy công nhận, những cái nào đúng Thầy công nhận, mà những cái nào không đúng, Thầy thấy rằng chế giới đó chế ra không có đúng cách.
27) GIỚI HẸN VỚI NI CÙNG ĐI MỘT ĐƯỜNG
(25:27) 27. Giới hẹn với ni cùng đi một đường.
Vì sao Phật kiết giới này?
Khi đó Phật ở nước Xá Vệ, Lục Quần Tỳ Kheo với Lục Quần Ni du hành trong dân gian. Cư sĩ cơ hiềm. Nhân đó nên Phật kiết giới.
Cũng như bây giờ Thầy nói như thế này nè. Bây giờ chúng ta có hai cái tu viện nè, một cái tu viện nữ nè, một cái tu viện nam nè. Rồi bắt đầu quý thầy mới rủ ở bên nữ đi, hôm nay mình đi Vũng Tàu chơi này nghen, tổ chức đi một cái xe. Rồi bắt đầu ở bên nữ cũng đi, bên nam cũng đi ra ngoải.
Bởi vì mình nghĩ rằng mình một thầy mà, các trò đều là một thầy mà, cho nên cứ việc xả láng với nhau đó, thì cái điều đó là cái điều mai mốt cái tu viện nó tan nát hết, không còn gì hết.
Đó là những cái sai. Chúng ta chưa phải là Thánh, nhưng mà khi Thánh rồi chúng ta cũng không bao giờ mà có những cái chuyện mà đi chơi với người nữ như vậy.
Cho nên Thầy thấy hầu như các tu viện thiền á, hầu như có cái dịp mà rảnh rang, bên ni với bên nam họ rủ nhau đi chơi. Điều đó là họ tổ chức họ đi du ngoạn, họ đi chơi, họ đi tham quan chỗ này chỗ kia, họ đi tùm lum tà la, rồi họ cặp nhau họ nói chuyện tầm bậy tầm bạ, cuối cùng về Thầy thấy hai, ba cặp ra đời hết. Cái chuyện đó là cái chuyện thường thôi!
27. Giới hẹn với ni cùng đi một đường.
Vì sao Đức Phật kiết giới này?
Khi Đức Phật ở nước Xá Vệ, Lục Quần Tỳ Kheo cùng với Lục Quần Ni du hành trong nhân gian.
Cái này rồi phải không các con?
Khi ấy Tỳ Kheo không hẹn mà trên đường đi gặp ni, vì cẩn thận, sợ nên không dám đi. Phật dạy: “Không hẹn thì không phạm.” Ngài kiết giới này thêm. Cùng hẹn…
Khi ấy Tăng, Ni hai chúng đều muốn đến nước Tỳ Xá Ly. Do không cùng đi nên các ni phải đi sau nên bị giặc cướp. Đức Phật lại kiết giới thêm: “Trừ trường hợp đặc biệt.”
Nghĩa là khi mà cấm cái giới này ni với tăng không cùng đi được, do đó ni không dám đi với tăng, cho nên đi sau, bị trộm cướp lấy hết đồ đạc, mấy ông tăng đi trước không có ai mà bảo vệ cho mấy người ni, cho nên Phật kiết giới trở lại.
Thật sự ra ở đây Thầy nói, khi mà muốn đi trên cái đường vắng như vậy thì không phải là ni nó không có cái lực lượng của nó đâu. Thầy cho một vài bà ni có võ nghệ coi, ba thằng ăn cướp nó bẻ đầu hết chớ nó làm gì mà dám hiếp đáp!
Thì trong cái giới ni đâu có phải là - khi mà họ xuất thân mà họ vô tu, có nghĩa là họ ở ngoài đời họ cũng là có những người rất là thông suốt chớ phải không, cho nên họ đi đâu phải đi một mình, họ muốn đến cái tu viện, muốn đến thăm Phật thì ít ra họ phải đi từ mười người, hai chục người, thì làm gì cái bọn cướp ăn hiếp họ được? Cho nên đâu cần phải tăng che chở họ.
(28:11) Do vì vậy đó, thì cấm cái giới này thì cấm cùng đi là đúng, nghĩa là Thầy nói cùng đi là đúng. Họ có thể bảo vệ tự họ được, đừng có nghĩ rằng đàn bà họ yếu đuối đâu. Họ cầm súng họ bắn giặc được thì tức là họ cũng làm cái gì cũng được, họ làm tổng thống được chớ đâu phải họ làm không được. Họ cũng lãnh đạo chúng ni cũng hẳn hòi còn hơn tăng mình nữa.
Thầy thấy bây giờ mấy cái chùa ni coi, đông trùng trùng điệp điệp, còn chùa tăng loe hoe có mấy ông à, chưa bằng họ chút nào đâu. Họ tổ chức cất chùa cũng vĩ đại, cũng không thua gì mấy ông tăng đâu, chùa nào họ cũng cất kiên cố.
Thí dụ như sư cô Diệu Hoa, đệ tử của sư bà Huyền Ngọc, trên đường đi xuống dưới Hóc Môn, các thầy có thấy cất cái chùa ở Vĩnh Phước không? Quá chừng đồ sộ chớ đâu phải! Cô cũng đâu có thua gì bên tăng bao nhiêu đâu. Thầy Nhật Quang làm bao nhiêu cô cũng làm hơn nữa chớ thua đâu.
Đó mà thầy Nhật Quang có sự ủng hộ của Hòa thượng, còn cô ta có Hòa thượng ủng hộ đâu, cô cũng làm cái chùa cũng vĩ đại chớ đâu có thường. Đó thì thấy như vậy đâu có nghĩa là bên ni họ thua chúng ta chỗ nào đâu, nói về xây cất thì họ đâu có thua.
Nhưng mà về cái sự tu hành thì họ cũng đâu có thua gì, trong những Thánh Ni mà chúng ta đọc, chúng ta thấy rằng đâu có thua kém gì bên tăng chúng ta đâu, cho nên đâu có nghĩa là mấy cô đó sợ ăn cướp đâu mà phải nương nhờ mấy ông tăng. Bộ mấy ông tăng mạnh lắm sao, đi lớ quớ ba thằng ăn cướp nó cũng xỏ đầu mấy ông hết chứ ở đó! Cho nên Thầy thấy ni nó cũng có trí tuệ, nó cũng có đủ sức của nó, nó phải chiến đấu chớ nó đâu có phải!
Ở đây chúng ta cứ bắt ni nó phải thường nhường nhường, là tại vì nó có cái bản ngã dữ tợn, nó cũng có tài có ba, bản ngã nó lớn, nó có tình cảm nó cũng sâu, cho nên chúng ta phải - Đức Phật mới đặt ra Bát Kỉnh để cho nó khép cái mình nó trong khuôn khổ để cho cái ngã của nó dẹp xuống, chớ còn nếu mà để cho nó lừng lên đó thì thử hỏi mấy ông thầy nó vuốt đầu hết á.
Thiệt ra Thầy nói mà, cô Thủy hồi đó đó, như thầy Thông Quả đó với mấy chú nhỏ nhỏ vầy nè, thầy Thông Quả nói cái kiểu mà cô Thủy cổ muốn vuốt đầu mấy chú nhỏ hết. Như thầy Thông Không vầy đó, còn nhỏ nhỏ đó, cổ muốn rờ đầu mấy chú đó coi như là em út, coi như là con cháu cổ không đó. Như vậy là mấy vị đó thọ Tỳ Kheo rồi mà cổ còn vuốt đầu thì mấy thầy biết à!
Thầy Thông Quả nói với Thầy mà, chớ đâu phải là không có đâu, thầy nói cái kiểu cô Thủy cổ vuốt đầu mấy cái thầy nhỏ nhỏ này hết. Mấy thầy này thọ Tỳ Kheo rồi chớ cổ đâu có quỳ kỉnh đâu, cổ thò tay cổ muốn rờ đầu hết!
Đó, thì như vậy là cái ngã của bên ni dữ lắm. Mà khi đó các thầy thấy cô Thủy cô thuyết giảng ai cũng ca ngợi cổ hết, thì bây giờ cổ phải là bậc đại sư rồi còn gì nữa, cho nên cổ vuốt đầu mấy ông nhỏ này là phải lắm chớ đâu có thường!
Phải hiểu được cái tâm trạng của người ni như vậy, cho nên Phật chế Bát Kỉnh là để dằn cái ngã của họ xuống. Họ là những người mà tu chưa chứng thì cái ngã họ dữ tợn lắm. Thì trong cuộc đời chúng ta, chúng ta cũng thấy được cái chỗ đó chớ đâu phải không thấy, mà thấy được như vậy là mới thấy Bát Kỉnh của Phật.
28) GIỚI CÙNG NI ĐỒNG ĐI MỘT THUYỀN
(31:04) 28. Giới cùng ni đồng đi một thuyền.
Vì sao Phật kiết giới này?
Khi Đức Phật ở tại nước Xá Vệ, Lục Quần Tỳ Kheo Ni đi trên thuyền ngược dòng và xuôi dòng. Cư sĩ chê hiềm, nên Phật chế giới này.
Khi ấy Tỳ Kheo không hẹn mà gặp ni, cẩn thận sợ, không dám đi, Phật dạy: “Không hẹn thì không phạm.”
Bởi vì mình không có hẹn thì làm sao phạm? Bây giờ mình lên xe, đụng cô ta ở đâu Tây Ninh, cô ta ngồi đó sẵn trên đó rồi. Bắt đầu thấy mặt cô ta cái mình nhảy xuống xe: “Không đi, không đi, không được!” Làm quá, thấy cô ta như quỷ sứ vậy sao? Đâu có chuyện đó, cô với mình đâu có quen biết.
Đừng có ngồi sát lại tìm cách gợi chuyện: “Cô cũng đầu tròn, tui cũng đầu tròn…” rồi ngồi nói chuyện với nhau thì không có được. Do đó mình lên xe thì mình thấy cô ta ngồi cái băng đó thì mình ngồi lút ở băng sau, hoặc ngồi trước ở sau, thì cô - mình cách làm sao cho đừng có nói chuyện với nhau đó là điều tốt.
Còn cái này mình sề lại gần bên đó mình kiếm chuyện nói với cô ta thì cái kiểu đó, làm quen, hỏi cô ở chùa nào, ở đâu này kia, mai mốt tui có rảnh, tui dịp tui về thăm chùa, thăm cô này kia… đó là mình kết bạn kết tình như vậy là sai.
Nó gợi tình gợi cảm như vậy đó là mình không có ly dục, ly bất thiện pháp. Mình biết nó là rắn độc thì mình nên tránh. Còn đằng này, mình thấy rắn độc mà mình cứ đến nó để cho nó quấn đầu mình thì mình ráng chịu.
Còn ở đây thì mình thấy như vậy không có nghĩa là Phật cấm cái giới đó rồi cái mình bước lên xe đò cái mình vừa thấy cô ni ngồi trên đó cái mình lật đật nhảy xuống: “Không được, không được mấy ông, tui đi xe sau chớ xe này tui không đi!” Mấy ông lơ hỏi: “Gì vậy? Ở đây còn chỗ mà, sao thầy không đi?” Nói: “Không không, ở đây có rắn độc, tui không dám đi!” Thì như vậy là mình nói tầm bậy rồi. Đó là cái sai, cái không đúng.
Cho nên ở đây, thật sự ra khỏi cần chế đi nữa Thầy cũng nói mình không hẹn là không có tội lỗi gì hết, mình cứ đi nhưng mà đừng có nói chuyện với họ thôi. Bởi vậy khi mà Đức Phật dạy đó, lỡ mình gặp thì đừng có nói, lỡ mình gặp thì đừng có nhìn, mà lỡ mà có nhìn rồi thì đừng có nói chuyện.
Thì Đức Phật đã dặn mình trước rồi, bây giờ mình lỡ mình thấy nó rồi thì mình đi ra lại chỗ khác, mình đừng có nhìn nó nữa, và mình đừng có nói chuyện nó thì đâu có sao? Tới chừng mình tới chỗ mình xuống, còn tới chỗ nó nó xuống, khỏi cần ai nói chuyện ai hết. Đó là cái phòng hộ sáu căn của mình ngay từ cái đó đó, đó là những cái pháp mà Phật đã dạy phòng hộ sáu căn.
Đó thì những cái giới này có chế đi nữa, mà có chế qua chế lại đi nữa, hẹn thì tức là lỗi rồi đó, mà không hẹn thì làm sao có lỗi được? Cho nên vì vậy mình cứ mặc nhiên, không có gì mà lo. Đó là những cái đó khỏi cần phải chế những cái giới làm chi cho mất công, cho nó nhiều, để rồi mất ngày giờ mà tụng giới hay học thì nó mất thì giờ.
29) GIỚI NI KHEN NGỢI, ĐƯỢC THỨC ĂN NGON
(33:24) 29. Giới ni khen ngợi, được thức ăn ngon.
Vì sao Phật kiết giới này?
Khi Đức Phật ở tại nước Xá Vệ, bấy giờ trong thành có một cư sĩ thỉnh ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên dùng cơm. Thâu Lan Nan Đà Ni đến trước nhà kia, nói với cư sĩ rằng hai Tôn giả là người hà tiện lắm, khen Đề Bà Đạt Đa là một bậc rồng, một loại rồng lớn. Khi đang nói thì hai Tôn giả đến, cô ta liền đổi lại, nói là bậc rồng trong loài rồng đã đến.
Cô này khéo miệng dữ lắm!
Hai Tôn giả thọ trai rồi về bạch Phật. Phật quở trách bè đảng của Đề Bà Đạt Đa cho Ni đi khuyến hóa để được ăn. Nhân đó Phật kiết giới.
Sau đó có Tỳ Kheo trước không biết là do Ni khuyến hóa ăn rồi cầu sám hối. Phật dạy: “Không biết, không phạm.” Phật kiết giới này, lại thêm chữ “biết” thay chữ “sai”.
Lúc ấy trong thành La Duyệt có một trưởng giả là bạn thân của tôn giả Lê Sư Đạt, nghĩ rằng: “Nếu Lê Sư Đạt đến, ta sẽ vì Tôn giả từ đầu đến cuối cúng dường cho chúng tăng.” Một cô ni biết việc đó nên thấy Tôn giả đến thành liền báo cho trưởng giả hay để sắm phẩm vật cúng dường. Tôn giả cho đó là phạm giới, do lời khen của ni mà được ăn, nên không dám ăn.
Phật dạy: “Nếu đàn việt có định trước thì không phạm.” Phật kiết giới này là một lần nữa mới hoàn thành.
Thì cái giới này thì các con thấy, hầu hết là cái giới ni nó hay làm môi giới lắm, nó đến Phật tử. nó đến nói: “Ông thầy đó tu vậy vậy đó, nên cúng dường cho ông ta. Bữa nay mà ổng đến đây mà ổng đến thăm gia đình thì phải làm cái gì cúng dường cho xứng đáng!” Nó giới thiệu này kia để cho ông thầy đó. Tức là nó có cái tình cảm với ông thầy đó nó mới giới thiệu như vậy, nó mới làm cái chuyện như vậy.
Do những cái chuyện như vậy đó mà Phật chế cái giới là khi cái người ni mà giới thiệu như vậy thì ăn chúng ta cũng không ăn nữa, mà lãnh cái gì mà cúng dường, nhận không có lãnh, còn nếu lãnh thì phạm tội.
Thì do như vậy là Đức Phật cấm cái điều mà khi mình đến để cho tự nhiên người ta cúng dường mình, hơn là có người giới thiệu rồi mình đến thì người ta cúng dường mình bằng cách là thực phẩm ngon, bằng cách là đồ đạc tốt, dược phẩm tốt, thì cái điều đó là có cái người giới thiệu, thì họ phải sắm sửa cái tốt.
Còn tự nhiên mình đến, họ thình lình, họ cúng dường mình với cái tư cách là họ không có đặt trước, không có nghĩ trước, cho nên nó không có phải sắm sửa trước. Vì vậy đó là giới của Phật để chúng ta đến một cách rất tự nhiên và tu một cách rất tự nhiên.
30) GIỚI HÓA THỌ CÚNG MỘT BỮA
(36:07) 30. Giới hóa thọ cúng một bữa.
Vì sao Phật kiết giới này?
Xưa Phật ở tại nước Xá Vệ, lúc ấy ở nước Câu Tát La có một cư sĩ ở nơi không có trú xứ của Tăng, thường cung cấp cho Tỳ Kheo một bữa ăn. Lục Quần đến nơi đó tham đắm thức ăn ngon, ở lại đến đêm thứ hai, do không chịu đi, cư sĩ chê hiềm. Đức Phật vì vậy mà kiết giới này.
Khi ấy ngài Xá Lợi Phất đến đó rồi mắc bệnh, sợ phạm giới này, ngài liền phải dời đi, do vậy mà bệnh nguy kịch. Do nhân duyên đó mà Phật kiết giới lại, thêm vô chữ: “vô bệnh”.
Cái giới này là tại vì khi du tăng khất sĩ trong cái thời Đức Phật họ đến cái chỗ này vài ba bữa, rồi họ xin rồi họ đi chỗ khác, còn mình thấy ở chỗ này cúng dường đồ ăn ngon rồi ở miệt ăn đó, thì cái người cư sĩ họ ngày nào họ cũng cung cấp mình, riết họ thấy họ bực mình, họ nói: “Mấy ông này nghe nói du tăng khất sĩ chớ ổng có du tăng gì! Ổng ở đây ông ăn được rồi ông cứ ăn riết hoài, không có chịu đi!” Đó là do cái chỗ đó mà Phật chế giới này.
Vì vậy mà khi đó ông Xá Lợi Phất ổng đến cái chỗ đó mới có một bữa, hai bữa à, mà bây giờ ổng gặp bệnh, do vì vậy đó mà ổng cũng phải đi chớ không dám ở. Ở người ta nói mấy ông này du tăng khất sĩ mà cứ ở miệt đây ăn hoài thì mang cái tiếng, cho nên vì vậy đó mà ông Xá Lợi Phất bị bệnh mà đi, cho nên Phật mới chế trở lại: Vô bệnh thì đi mà có bệnh thì ở lại. Đó là như vậy.
Thì trong cái giới này Thầy thấy đó là cái đời sống Phạm hạnh. Đúng vậy, chúng ta ở một chỗ nào thì chúng ta tiêu phí bao nhiêu cái mồ hôi nước mắt của người khác, mà ở lâu thì người ta nghèo đói, cho nên chúng ta phải đi chỗ khác, không có ở một chỗ.
Vì vậy mà khi đó, người ta cúng dường mình một ngày, hai ngày là người ta đã thấy cái ngân quỹ gia đình của người ta cũng quá kém khuyết rồi, mình đi chỗ khác để nhờ người khác nữa, chớ còn ở một chỗ thì người ta phải kiệt quệ, gia sản người ta phải tiêu vì cái lòng ngưỡng mộ Phật pháp mà người ta cúng dường mình.
Cho nên cái đoàn du tăng khất sĩ của Phật có lẽ là qua một cái bài này, Thầy nghĩ rằng người ta ở đó chắc cao lắm cũng chừng năm ngày, mười ngày là hết sức chớ không có ở lâu mà đi chỗ khác.
Mà với một cái số lượng đông như vậy mà gặp cái chỗ nghèo thì càng đi mau, có thể ở đó chừng một ngày, rồi xin được bữa ăn rồi họ đi chỗ khác, vì thấy nghèo quá. Còn chỗ nào mà trù phú, đầy đủ gạo thóc thì chắc có lẽ ở đó lâu, hoặc là an cư kiết hạ đó ba tháng. Chớ còn ngoài ba tháng an cư kiết hạ là lâu nhất, chớ còn chắc ở chỗ này chừng vài hôm, năm mười hôm rồi đi chỗ khác.
Đó là trong cái đời sống du tăng khất sĩ của Phật, khi đọc qua những cái mẩu chuyện của Thánh Tăng và những cái mẩu chuyện mà ở trong kinh giới thì chúng ta thấy cái đời sống nó rất là phù hợp cho cái sự giải thoát của sự tu hành của mình.
31) GIỚI CÙNG PHỤ NỮ ĐỒNG ĐI MỘT ĐƯỜNG
(38:55) 31. Giới cùng phụ nữ đồng đi một đường.
Vì sao Phật kiết giới này?
Khi Phật vẫn ở tại nước Xá Vệ, bấy giờ Tôn giả A Na Luật trên đường đi. Có một phụ nữ cùng với mẹ chồng cãi lộn, muốn về lại phía ngoại, bèn đi theo cùng đường với Tôn giả. Người chồng của bà ta rượt theo, gọi Tôn giả dụ vợ mình cùng đi trốn, bèn đánh Tôn giả gần chết.
Tôn giả liền đứng qua một bên đường nơi chỗ vắng, ngồi kiết già nhập hỏa quang tam muội. Người đàn ông kia sanh thiện tâm, đợi Tôn giả xuất định đảnh lễ sám hối. Tôn giả vì ông mà nói diệu pháp cho nghe rồi đi. Khi về chùa nói lại cho các Tỳ Kheo nghe, các Tỳ Kheo bạch Phật. Phật nhân đó mà kiết giới.
Thật sự ra cái câu chuyện này đặt cái giới này, Thầy thấy một vị tu sĩ như ông A Na Luật là có thiên nhãn siêu nhiên thuần tịnh, mà thế mà không hiểu được cái nhân quả hay sao?
Cùng đi trên một cái đường - có một cái người nữ đi cùng bà mẹ chồng, mà bây giờ đó, vì cái hiềm hận nào đó mà bà ta bỏ bà mẹ chồng, đi qua cái nẻo khác với ông A Na Luật, thì lúc bấy giờ ông A Na Luật ổng điên gì mà ổng đi cùng với bà ta sao?
Ổng là một người trí tuệ, là một cái người hiểu biết nhân quả, thì ổng biết rằng bây giờ đi với bà ta, cái chuyện này, hồi nãy là cái bà này - bà mẹ bả chửi cái bà dâu này dữ tợn rồi, bà này bả buồn bả bỏ đi, mà bây giờ mình cứ đi chung với cái bà này thì biết đâu chừng cái bà mẹ nghi rằng mình dụ cái con dâu của người ta, phải nguy hiểm không?
Đây là cái hình ảnh mà - hành động đi ở trên đường mà tỉnh thức, chúng ta vẫn xét qua nhân quả, chúng ta vẫn biết có thể tai họa đến cho chúng ta.
Một người ngu si như Thầy nè, mà Thầy làm cái việc gì Thầy cũng nghĩ đến cái hậu quả của nó, đến cái sự suy nghĩ của nó như thế nào để đem đến cái tốt hay cái xấu chớ. Mỗi một lời nói ra Thầy còn phải suy nghĩ bây giờ lời nói đó nó nằm ở trong cái nhân nào, cái quả nào chớ! Không lý là ông A Na Luật là một bậc Thánh Tăng, là đệ tử của thời Đức Phật, ông không hiểu đường đi nhân quả hay sao, ông không biết sao?
Để tới chừng mà ông chồng ổng theo ổng đập ông gần chết rồi ổng mới ngồi ổng nhập định hỏa quang tam muội để ổng phục hồi ổng lại, thì thiệt là ông này đợi cho tới chết rồi ổng mới có chuyện làm đó, làm cho ông kia hoảng hồn mà đảnh lễ ông. Thì đây là muốn nói chuyện về thần thông chơi chớ có cái nghĩa lý gì?
Chứ ngay từ đầu là cái người tu sĩ người ta đã ý tứ rồi, người ta biết là cái bà này là như thế nào rồi, con người này như thế nào rồi, người ta biết ngay cả cái tâm trạng. Mà có thiên nhãn như vậy rồi thì làm sao không biết, tâm tham biết tâm tham nè, tâm sân biết tâm sân nè, tâm gì biết của người khác hết rồi, thì đâu có lý nào mà không rõ nhân quả?
(41:36) Cho nên kiết giới như vậy là kiết giới để hạ những bậc A La Hán trong thời Đức Phật đó, Thầy nói thẳng! Xem người ta là những bậc Thánh Tăng, phải chi mà đưa cái ông nào khác ra như Đề Bà Đạt Đa hay hoặc là cái ông Tỳ Kheo nào thì Thầy cũng cho - Lục Quần Tỳ Kheo đi cũng được đi, đằng này xách cái ông A Na Luật ra mà đưa vô chỗ này thì thiệt ra là hạ các bậc A La Hán trong cái thời Đức Phật, những bậc Thánh Tăng mà chúng ta thường phải là tán thán và ca ngợi những cái hạnh tu.
Các thầy nhớ ông A Na Luật mà sống với ông Kim Tôn giả, ông Nan Đà Tôn giả, ba vị sống chung nhau một cái nhà mà độc cư hoàn toàn là không nói, ba năm mà không nói chuyện, cái hạnh đó chúng ta đâu có phải là dễ làm sao? Sống chung nhau mà không nói! Người nào cũng trình bày như này: “Con sống con tùy theo cái tâm của huynh đệ con, con không sống cho cái tâm của con.”
Cái câu nói đó Thầy thấy người mà sống tùy thuận ở tâm người ta, ở ý kiến của người ta để sống thì làm sao mà lại không có thấy được cái nhân quả? Người ta thấy được cái nhân quả cho nên người ta sống với ý kiến của người khác, người ta không sống ý kiến của mình là người đã hiểu nhân quả.
Còn cái người mà chưa hiểu nhân quả sống với ý của mình không à, cho nên đem lại bao nhiêu cái sự khổ. Còn cái người mà người ta - bởi vì Thầy dạy tùy thuận nè, nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng nè. Mà cái tùy thuận đó là chúng ta sống ở trong những cái ý của người khác.
Mà ông A Na Luật đã trình bày cho Phật: “Con sống giữ được cái độc cư, sống không nói chuyện với nhau là con đã sống tùy thuận ở ý của các Tôn giả khác, của hai Tôn giả kia, cho nên chúng con sống rất là an ổn.” Rồi hỏi hai Tôn giả kia, thì hai Tôn giả kia cũng trình bày: “Con cũng sống tùy thuận lại cái ý của các Tôn giả khác, cho nên con rất an ổn, không có gì.”
Thiệt ra thì, chúng ta bây giờ ở trong Tu viện chúng ta mười mấy vị nè, mà chúng ta sống tùy thuận với ý của người khác, làm sao chúng ta có nghịch ý không? Tại vì mình không có tùy thuận được ý người ta, cho nên mình mới sống không có…
Mà lại, ở trong luật này lại lôi cái ông này ra thì Thầy thấy, qua cái hạnh ổng là tuyệt vời, tức là ổng đã sống trong nhân quả rất rõ. Tùy thuận, tùy thuận tức là chúng ta đã dừng cái ác, cái con đường, cái nhân quả ác, mà chúng ta sống ở trong cái con đường thiện rồi.
Rõ ràng là chúng ta phải thông suốt được cái chỗ sống này mà chúng ta biết được là mấy ông này là những cái bậc mà thông suốt nhân quả. Bởi vì cái đường đi nhân quả nó vẽ cho chúng ta thấy rất rõ ràng, cái sống của người nào, chúng ta biết là cái người đó đã rõ.
Vậy mà lôi ông này ra, đợi tới chừng mà đập gần chết ổng rồi ổng mới ngồi nhập cái định hỏa quang tam muội để rồi phục hồi cái sự sống ổng lại, làm cho ông kia thấy cái định, hoảng hồn mới sám hối, thì cái chuyện đó là lấy thần thông dọa người ta chớ người ta có sợ ông đâu: “Ông là cái người mà dẫn vợ tui thì tui đập ông chứ tui có tha ông đâu, bây giờ ông làm bộ ông hiện thần thông, ông niệm chú gì đây, ông làm cho tui sợ!”
Thì rõ ràng là chỉ biết lấy cái thần thông để mà dọa người ta chớ không phải lấy cái nhân quả để mà sống đúng. Cho nên giới luật như vậy là Thầy thấy chỉ có người sau mới làm cái chuyện này mà phỉ báng những bậc Thánh Tăng trong cái thời Đức Phật. Qua một cái giới là đã thấy họ đã phỉ báng Phật pháp chúng ta rồi.
32) GIỚI LẦN LƯỢT ĂN
(44:25) 32. Giới lần lượt ăn.
Vì sao Phật kiết giới này?
Đức Phật ở thành La Duyệt, do chuyến du hóa nhân gian, có Sa Nậu Bà La Môn chở 500 chiếc xe thực phẩm thức ăn, trải qua mùa đông đến mùa hạ, bên cạnh Thế Tôn, chờ đợi được cúng dường mà không có ngày nào mà không có người cúng.
Người ấy đến nói với Tôn giả A Nan thay mặt bạch Phật, muốn dùng thức ăn này trải nơi đất để Đức Phật và tăng đi qua, gọi là nhận sự thọ dụng cúng dường. Đức Phật bèn cho phép nấu cháo, làm bánh cúng chư tăng, sau khi ăn sẽ thọ thời thực.
Khi ấy nước Tần Già có một đại thần có một chút lòng tin, sắm những thức ăn ngon mời tăng, song tăng cũng dùng cháo đặc nên không thể ăn nhiều được, đại thần chê hiềm. Phật chế không cho phép ăn cháo đặc.
Cái đó là cái sai! Ông Phật mà chế như vậy là Thầy thấy là quá sai rồi, không có cho ăn cháo đặc, bây giờ có đồ ăn của ông quan đại thần đó cúng ngon quá rồi chế giới cấm không cho ăn cháo đặc, cháo dở.
Do cái lòng cúng dường của người ta, mà như vậy Thầy thấy thật sự cái lòng cúng dường của người cư sĩ này họ kéo 500 cái cỗ xe đến, bây giờ chỉ còn nấu cháo đặc ăn, nhiều đồ ăn quá rồi ăn không hết rồi nấu cháo đặc để cho mấy người này ăn, thì như vậy mà tới chừng có cái vị đại thần cúng thì lại cấm không có cho ăn cháo đặc nữa, đem phí bỏ cái của mà 500 cỗ xe thực phẩm của cái người này đi, thì như vậy ông Phật là cái gì? Thầy thấy cái đó là trật.
Bây giờ ông A Nan vô nói: “Bây giờ có một vị cư sĩ đó, họ kéo 500 cỗ xe đến để cúng dường trong cái mùa hạ này cho chư tăng ăn”, thì như vậy là Đức Phật phải phân bố: “Bây giờ các ông chưa cúng dường là các ông chưa được nấu!” Phải không, các con thấy không? “Đây là người ta kéo từ xa người ta đến đây rồi, người ta có cái lòng. Bây giờ mấy ông xin cúng dường, ngày hôm nay mấy ông dừng lại.
Tôi chấp nhận cho cái vị cư sĩ này nè, đem những cái thực phẩm này nấu nè, hoàn toàn là 1200 vị Tỳ Kheo này thọ dụng của cái ông này, cái lòng của ông đó từ hôm ấy đến nay ổng chờ cả tháng nè, bây giờ bắt đầu cho ổng đặng ổng cúng dường rồi ổng về, chớ không lẽ mà ổng cứ neo ổng ở hoài đây? Còn mấy vị ở đây thì tuần tự mấy vị sẽ cúng dường, không có lật đật gì hết!” Cái đó lẽ đương nhiên là Đức Phật phải truyền lệnh rồi.
Ông Phật gì đến đỗi mà không thấy gì hết, rồi bắt đầu bây giờ mới cho người ta nấu cháo để mà đổ trên đất để cho các vị Tỳ Kheo đi ở trên đó là đủ rồi, để mà coi như là thọ dụng cúng dường rồi, rồi trong khi ăn đồ ăn lại thọ thêm mỗi người một bát cháo để cho chứng minh vậy thôi. Có phải phí của người ta không? Mồ hôi nước mắt người ta làm ra, ông Phật mà như vậy là ông Phật là thứ gì?
Cho nên đối với Thầy, nếu mà cái giới này mà ông Phật đặt ra là Thầy cũng quật ông Phật luôn xuống nữa chớ đừng nói chuyện Thầy tha. Của mồ hôi nước mắt người ta làm ra mà, thì ít ra bây giờ người ta có cái lòng người ta tưởng mình đến cúng, thì mình ngăn mấy người này đi:
“Mấy người khoan nấu đã! Ngày mai này tôi chấp nhận cho 500 cỗ xe bò này cho 1200 vị Tỳ Kheo này thọ dụng cái của này nè, cái lòng cúng dường của họ nè, thì ngày mốt quý vị sẽ bắt đầu quý vị sẽ tiếp tục cúng dường.” Đó là cái lệnh của Đức Phật mà, đâu có làm cái chuyện đó được, vì vậy mà cần phải chế gì cái giới này?
Đó thì, Thầy nói đó như vậy là chúng ta phải thấy được cái tổ chức của chúng ta có cái nghiêm chỉnh, hẳn hòi, đàng hoàng, chớ đâu phải là bây giờ người ta cúng nhiều quá rồi cái mình đem đổ đồ ăn xuống để mình đi ở trên đó để coi như mình thọ dụng. Phí quá vậy! Đâu có được cái chuyện đó đâu. Đó là cái giới đó.
33) GIỚI RIÊNG CHO CHÚNG MÀ ĂN
(47:42) 33. Giới riêng cho chúng mà ăn.
Vì sao Phật kiết giới này?
Khi Đức Phật ở tại núi Kỳ Xà Quật, Đề Bà Đạt Đa bị tiếng xấu truyền khắp, phương tiện sống bị chấm dứt, bèn cùng năm Tỳ Kheo nhà nhà khất thực. Phật nhân đó mà kiết giới này: “Nếu Tỳ Kheo biệt chúng thực, phạm Ba Dật Đề.”
Khi ấy có Tỳ Kheo bệnh, không dám biệt chúng thực, Phật dạy cho phép Tỳ Kheo bệnh được ăn riêng.
Khi ấy tự tứ xong, trong tháng Ca Đề, khi may y có Ưu Bà Tắc sợ Tỳ Kheo vất vả, không ăn được nên mời ăn. Các Tỳ Kheo nói: “Chỉ thỉnh ba vị ăn, chúng tôi không được biệt chúng thực.” Phật dạy: “Cho phép khi may y được phép thọ biệt chúng thực.”
Ở đây Thầy thấy cái chế giới như vậy là quá lợi dưỡng cho cái người sau này người ta lợi dụng cái giới luật của Phật mà người ta làm không có đúng cái cách những cái giới như vậy.
Thí dụ như bây giờ đó, Đức Phật chế ra cái giới là cái người biệt chúng tức là bị phạm cái giới nào đó, người ta cho biệt chúng cái người đó là ở một cái nơi nào đó, thì cái người đó họ vẫn đi khất thực hàng ngày họ sống chớ, tại sao không cho họ đi khất thực, rồi ai đem cơm cho họ ăn? Đó là cái riêng.
Rồi bây giờ khi mà họ bệnh thì lại cho họ ăn riêng ra. Họ bệnh thì họ cũng ăn một bữa, rồi chừng nào, khi nào mà họ thấy rằng bữa trưa họ ăn không được, do đó họ cần phải uống thuốc hay cái gì đó để họ ăn thêm hay hoặc cháo gì đó cho họ khỏe, thì họ khai cái giới ra, chứ cần gì mà phải chế ra như vậy, nó luộm thuộm, nó đủ cách như thế này?
Thành ra những cái chế giới như vậy nó không có đúng cách. Bởi vì khi - thí dụ như bây giờ mình bệnh thì ngày hôm nay mình uống thuốc, ngày mai nó bớt thì mình cứ giữ Ngọ mình ăn, mình đâu có gì mà phạm mà phải chế tới chế lui?
(49:36) Cho nên chế như vậy đó, để rồi người ta lợi dụng bệnh người ta ăn riêng, người ta ăn hai ba bữa, người ta bị bệnh phải ăn cho nó mau khoẻ! Sự thật ra không phải đâu. Ở đây là mấy vị sau này bày đặt ra đủ thứ để mà phá giới của Phật đó, phá giới ngày ăn một bữa.
Bởi vì chính nó ăn một bữa là ly dục, vì vậy mà dù chúng ta có uống thuốc, có gì đi nữa thì chúng ta cũng chỉ khai giới ra, bây giờ trong cái buổi chiều này mình không có ăn nè, mình khai giới ra, mà mình vì uống thuốc đó nó sẽ cào bao tử mình nè, mình khai cái giới ra.
Khai rồi bắt đầu mình lấy cái ly sữa hay gì đó, mình uống thuốc với cái ly sữa đó, xong rồi thì coi như mình giá lại liền, tức là từ đây về sau không có ăn uống phi thời nữa, vì mình uống thuốc rồi, và cái ly sữa nó bảo đảm cho cái bụng của mình không bị cào, thì do đó mình khai ra, mình khai rồi mình đóng liền.
Như vậy là đúng rồi, còn bày đặt chế làm thế này cho ăn riêng! Ăn riêng tư để rồi lát nữa ăn nữa, lát nữa ăn nữa! Cái bụng của mình, cái tham dục của mình mà, biết chừng nào mà cái miệng của mình nó mới dừng lại được? Nó khoái ăn lắm.
Mà cho nó cái giới riêng biệt như vậy rồi bắt đầu nó lợi dụng cái đó nó ăn lia lịa, rồi bắt đầu nó cứ nằm dật nằm dựa đó nó bệnh hoài đó đặng nó ăn. Cái đó là cái bệnh ăn chớ đâu phải là bệnh!
Còn người ta bệnh thật là người ta khai ra rồi người ta uống thuốc rồi người ta giá lại liền, người ta đóng lại liền. Đó là những người bệnh thật, mà người ta biết trì, phạm, khai, giá cho đúng cách của nó, thì đó là chúng ta đâu có cần gì phải phạm mà phải đem ra xử phạt tội này tội kia?
Đó thì như vậy là chúng ta thấy được những cái điều kiện mà chúng ta cần phải học giới. Đến chỗ này thì Thầy xin dừng lại, chiều nay chúng ta sẽ học tiếp nữa.
[Phần 3 ở Giáo án 43]
2- CHẾ GIỚI LUẬT PHẢI ĐẠT MỤC ĐÍCH LY DỤC LY ÁC PHÁP
(51:13) Bây giờ Thầy tiếp tục giảng cho mấy con nghe tiếp tục về cái giới bổn. Và trước khi mà nghe giới bổn thì Thầy cũng nhắc nhở cho các con thấy con đường tu theo đạo Phật.
Vừa rồi buổi sáng, trước khi mà học về cái giới bổn thì Thầy cũng tóm lược lại cho các con thấy rằng mới bước đầu chúng ta phải tu cái gì, tập luyện cái gì, rồi sau đó chúng ta mới tập tới những cái xa hơn.
Thầy có cho về cái định Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, thì Thầy có nêu ra 10 cái điều kiện mà tu tập cái Chánh Niệm Tỉnh Giác Định. Và cái Định Vô Lậu thì Thầy cũng có nêu ra 10 cái điều kiện để mà chúng ta tu cái Định Vô Lậu.
Nếu mà Thầy ngồi mà Thầy soạn ra cho các con tu thì cái định Chánh Niệm Tỉnh Giác Định nó không phải 10 điều đâu, cả hai ba chục điều kiện để mà chúng ta tu hàng ngày chớ không phải là ít. Và cái Định Vô Lậu cũng rất nhiều chớ không phải ít, bởi vì các pháp, mà các pháp nó làm cho chúng ta sanh ra lậu hoặc, do đó chúng ta phải tùy theo các pháp mà đặt niệm để mà tu cái Định Vô Lậu quét sạch.
Cho đến bây giờ thì chúng ta khi mà nghe được cái giới bổn thì hầu hết các giới đều là có cái sự vô lý hết sức, đặt vô lý, và cái người mà phạm giới thì chỉ có một cái số quanh quẩn, có một số rất ít. Mà tại sao khi những cái người đó phạm giới như vậy mà không tống cổ họ ra khỏi tu viện để cho cái tịnh xá nó bị tiếng tai thế này thế khác? Cũng có bấy nhiêu người đó mà thôi!
Cho nên vì vậy muốn thanh tịnh, muốn không có chế cái giới bổn thì chúng ta đã có những cái giới kinh, thì cái giới kinh là những cái bài pháp mà chúng ta tu học, thì nó đã giữ gìn cái thân và cái tâm của chúng ta nó thanh tịnh, nó ly dục ly ác pháp rồi, thì cần gì mà phải chế giới bổn?
Mà nếu mà có chế giới bổn đi nữa thì cũng phải chế như thế nào để cho nó phù hợp, nó làm cái hàng rào, hay hoặc là làm một cái tường đồng để ngăn chặn những cái điều, các pháp ở bên ngoài có thể xâm chiếm vào tâm của người tu sĩ, để trở thành người tu sĩ rất khó khăn để ly dục ly ác pháp, thì như vậy mới chế giới bổn. Còn chế giới bổn gì mà còn rộng rãi, rồi còn thêm, còn bớt để cho…
(53:25) Cũng như là bây giờ chúng ta ly dục, thì ly thì thiệt ly đi, còn không thì còn nhỏ giọt, nhỏ giọt. Cũng như bây giờ chúng ta ăn ngày một bữa, mà rồi chế giới để bớt đi, để sáng rồi chúng ta còn ăn tiểu thực, rồi chiều chúng ta còn uống sữa, uống cà phê hay hoặc là uống nước sinh tố, trái cây gì đó.
Làm như vậy cũng như là - thôi thà là chúng ta sống ở ngoài dục lạc thế gian đi, chúng ta ăn uống ăn cho đã đi, rồi tu thì tu cho thiệt tu đi, còn đằng này cứ nhỏ giọt, nhỏ giọt, nó thèm thấy mồ à! Uống một ly đâu có đã, nó muốn uống năm ba ly chớ đâu phải uống một ly mà cứ nhỏ từng giọt như vậy thử hỏi có ghẹo gan không? Thì như vậy là làm sao mà tu hành?
Thầy nói thật sự. Thà dứt là dứt mà không dứt thì thôi, còn cho bày đặt uống buổi chiều. Uống buổi chiều, uống nhiều thì không dám, sợ no bụng ngồi thiền không được, hôn trầm, uống ít ít. Ít ít nó cứ thèm hoài! Người ta uống, uống đã, nó không thèm, còn mình uống ít ít nó cứ thèm hoài, nó muốn uống hoài à, do đó coi như là ghẹo gan cho dục lạc nó dẫn dắt chúng ta chớ làm cái gì?
Cho nên Thầy thấy chế giới kiểu đó là chế riết mấy ông tu sĩ phạm giới hết là phải. Bởi vậy những cái người sau họ chế tầm bậy tầm bạ, họ làm cho cái người đời sau tu không có được, phạm giới hết.
Do vì vậy đó mà hôm nay thì trước khi học thì Thầy muốn hỏi các con, cũng như bên nam, thì ai có điều gì thưa hỏi Thầy? Bởi vì cái thời gian Thầy thấy nó quá ngắn rồi, nó còn có mười mấy ngày nữa, mà nó hết cái mùa hạ rồi, hôm nay là 28, 29 rồi, thì còn 14, tức là tới ngày 14 là Thầy giải hạ để cho quý thầy còn về chùa cúng rằm đồ chớ để không cái chùa người ta vắng hoe, không có ai cúng quảy gì hết, thì nói đi tu thiền riết rồi cái chùa bỏ… (Mất tiếng)
để về cúng bái trong cái ngày rằm. Vậy thì bây giờ các con có ai hỏi thì cứ hỏi con! Con xích lại gần đây đi con!
3- QUÁN VÔ LẬU PHẢI QUÁN CHO THÔNG
3.1- TU SINH HỎI VỀ ĐỊNH VÔ LẬU VÀ HƠI THỞ
(55:14) Tu sinh Diệu Hồng: Mô Phật! Bạch Thầy!
Con tu Định Vô Lậu, trước kia thì con tu như mấy cái bài Thầy dạy mấy vị Thánh Ni hồi trước thời Đức Phật á, thì tu Định Vô Lậu như định Bốn Sự Thật với định Tứ Bất Hoại Tịnh, con quán hai cái đề tài đó con tu, rồi con ngồi con đặt niệm trước mặt, con ngồi 30 phút, rồi con quán thân vô thường, rồi các pháp cũng vô thường, vô ngã, không có thật… Con quán đủ thứ hết để mà con cho thấu triệt được cái lý đó, và con xả bỏ, và con quét sạch nó ra.
Con tu như vậy thời gian một tuần lễ thì thấy cái sự kết quả nó không có được khả quan lắm, cho nên rồi con đổi lại con tu.
Bởi vì thường thường tối con nằm ngủ con theo dõi hơi thở đó, rồi con để cái ý con theo dõi hơi thở thì thấy cái tâm nó yên lặng lắm, rồi con mới đổi lại con ngồi thử, con ngồi ghế dựa hay là con nằm rồi con quán tâm, con quán xét tâm con á Thầy, coi nó khởi nghĩ những cái gì.
Nếu nó khởi nghĩ ra, nó khởi nghĩ rồi con xét coi nó nghĩ nó lọt gì nằm, cho nên khi mình tham, sân, hay là thương ghét, hay là si mê, những cái gì dục lạc ở thế gian đó, thì con cũng dứt bỏ nó. Rồi con cũng thường đem cái tâm ý con quán như vậy đó, thành ra cái tâm nó được yên ổn, rồi nó không có còn lăng xăng như hôm trước, vì cái tưởng thưa Thầy, cái ý mà mình không có làm việc thì cái tưởng nó ưa xen vô.
Còn mấy hôm mà con quán về tâm thì cái ý thức nó làm việc thường xuyên đó, khi con ngồi con thở bình thường thì con cũng theo dõi hơi thở, rồi cái ý nó cũng nương theo đó mà nó quán xét cái tâm coi nó nghĩ cái gì, nó khởi cái gì, mà hễ nó khởi nghĩ lên thì con đoạn dứt nó. Mà khi con quán như vậy thì nó ít có khởi nghĩ lắm, nó cứ theo dõi cái hơi thở bình thường đó thì nó yên ổn. Đó.
Rồi như hôm trước thì Thầy dạy con tu tác ý để cho hơi thở ngừng nghỉ đó, thì sau này con nghe Thầy dạy như thầy Thiện Thuận mà thầy tu rồi thầy tịnh chỉ được hơi thở mà âm thanh còn nghe, với thầy bị tẩu hỏa nhập ma đó, thành ra con sợ khi mà âm thanh còn nghe là mình tịnh chỉ nó, tịnh chỉ rồi sợ tẩu hỏa nhập ma.
Cho nên con không dám ám thị tịnh chỉ nữa mà con chỉ ám thị cho dừng âm thanh đó, dừng âm thanh cho nó không có tác động vô. Cũng như con biểu cái nhĩ căn nó quay vô trong nó nghe hơi thở đi, thì hôm rày con quán như vậy chớ con không có ám thị mà biểu tịnh chỉ.
(58:32) Rồi con ám thị như vậy thì nó có hiệu lực lắm, nó quay trở vô liền Thầy! Con vừa ám thị nó gom chặt thật chặt cái nó quay trở vô, thì cái âm thanh đó thì, những tiếng động nhỏ con cũng không nghe, như là heo kêu, giết heo mà kêu đó con cũng không nghe nữa. Nó gom thật chặt, nó gom cứng lại luôn, mà con giờ bảo “Quay vào trong nghe!” - nó quay vô liền! Đó, thì con thấy nó rất là hiệu quả hơn trước nhiều lắm.
Đó thì hôm rày con tu như vậy, với con tu về hơi thở chậm nhẹ đó thì con kêu “Chậm, nhẹ!” - thì ban đầu vô thì nó cũng chừng hai chục giây, rồi từ từ… Mới vô tu thì con thở ba giây bình thường, con thở chừng năm phút thì con thở chậm nhẹ, chậm nhẹ chừng hai chục giây, lần lần rồi chừng ba mươi phút cái nó nhẹ hơn, nó nhẹ thật nhẹ, rồi nó chậm thật chậm đó, thì con thở được cỡ chừng chắc gần một phút đó Thầy, hơi thở á, thì thấy hơi thở nó rất là nhẹ, rất là chậm, mà con không biết là nó mấy giây, chắc có lẽ cũng gần một phút.
Như vậy thì con thấy cái tâm con nó rất là yên lặng, nó tỉnh thức là nhờ mấy bữa rày con tập cái hơi thở, mà con ngủ con cũng theo dõi cái hơi thở thưa Thầy, cũng để ý, lưu ý theo hơi thở bình thường đó, rồi cái tâm mình nó tỉnh thức lắm, với cái tưởng thức nó cũng ít có đánh vào nữa, với khi tu thì cũng nhờ cái hôm rày, mấy bữa mà nó rất là kết quả, nó ít có tưởng vô.
Lúc trước thì con có trình với Thầy, con mới ngồi thở có mấy hơi thì tưởng nó vô, con đưa ra nó dập một cái, cái nó đi luôn cả tiếng đồng hồ không có thở vô được đó Thầy, thì con tin rằng cái đó là tưởng, cho nên nghe thầy Thiện Thuận mà tịnh chỉ được thì con hiểu rằng chắc cái đó là do tưởng chớ không phải là do sức định thật, cho nên hôm rày con không có dám ám thị.
Nếu mà con không trình Thầy, Thầy không có dạy con thì hôm rày chắc con cũng có là tịnh chỉ được cái đó rồi đó, nó là do tưởng chớ không phải do định thật, tưởng nó vô thật lẹ.
Đó, thành ra con tu như vậy, rồi con trình Thầy coi có thể như vậy được hay là… Thầy chỉ dạy cho con! Dạ!
3.2- PHÒNG HỘ SÁU CĂN LÀ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT KHI MỚI TU TẬP
(01:01:00) Trưởng lão: Bây giờ Thầy sẽ trả lời cho cô Diệu Hồng, cũng là trả lời chung cho các con để các con chuẩn bị cho cái sự tu tập của mình cho nó đúng cách.
Coi vậy chớ trong cái sự tu tập nó không có đơn giản, còn Thầy ở đây thì các con có nghe cái lời thuyết giảng của Thầy thì có Thầy còn sửa, mà nếu mà không có Thầy thì khi đó thì các con không có biết đâu mà sửa hết.
Mặc dù cái lời giảng của Thầy, nhưng mà tới dù sao đi nữa Thầy thấy cái trách nhiệm của Thầy mà giảng cái giáo án này thì đến cái giới hành - tức là cái hành động tu tập hàng ngày của các con đó là cái điều rất quan trọng.
Cho nên Thầy đặt thành cái vấn đề là phải trọng yếu cho cuộc đời, bỏ hết cuộc đời, chỉ còn có cái giới hành này mà dẫn các con đi đến nơi đến chốn hay là không đến nơi đến chốn là cái chỗ này.
Còn từ hôm rày Thầy giảng cái giáo án để biết được cái đường lối của đạo Phật, tu tập như thế nào đúng như thế nào sai, cái gì đúng cái gì sai của đạo Phật, Thầy đã dựng lại cho nó đúng của đạo Phật. Chớ hầu hết là bởi vì người ta đã dùng những cái pháp khác mà người ta đã ném cái đường lối pháp môn của Phật quá xa, làm cho người ta bây giờ không biết cái đường của đạo Phật tu như thế nào hết.
Vì vậy thì đến cái giai đoạn mà cái giới hành là cái vấn đề rất quan trọng, và cũng đồng thời những cái buổi học tập như thế này, các con được thưa hỏi để mà rút tỉa những cái kinh nghiệm, và đồng thời để bổ túc sau những cái bài học giới hành mà Thầy sắp sửa dạy, thì các con cũng biết được những cái sai cái đúng của mình.
Như vừa rồi cô Diệu Hồng có trình bày cho Thầy thì có những cái định mà tu tập nhưng nó không có rõ ràng và cụ thể. Đây Thầy nói để cho các con thấy cái tu tập, tu tập cái định nào thì nó phải ra cái định nấy, nó rõ ràng lắm.
Thứ nhất là cái Định Sáng Suốt, cái định mà giữ cái tâm thanh thản của mình đó, để cho chúng ta ở trong cái trạng thái thanh thản đó mà chúng ta biết rằng lúc bấy giờ tâm của chúng ta đã vô lậu, đã ly dục ly ác pháp chưa, nó được thanh thản như thế nào.
Thì cái kết quả mà đầu tiên của cái người tu thiền định của đạo Phật, theo đạo Phật, thì cái mục đích của nó mà chúng ta giữ gìn cái giới hạnh, ăn ngày một bữa, sống mà ít ngủ, độc cư không nói chuyện, hoặc là lao tác những cái chuyện nhẹ nhẹ để cho nó khuây khỏa trong cuộc sống của chúng ta đó, thì cái mục đích nhắm của nó đó là làm sao chúng ta đạt được cái chỗ mà ly dục ly ác pháp, đó là cái đầu tiên.
(01:03:37) Tiếp thì, các con hầu hết là không có lưu ý ở trong cái Định Sáng Suốt này, cái định này là định rất cần thiết. Nhưng nếu mà muốn đạt được cái Định Sáng Suốt này, cái tâm luôn lúc nào cũng được thanh thản á, thì nó không phải là chỉ có giữ cái tâm này mà được thanh thản lâu dài đâu. Do vì vậy mà chúng ta phải tu cái định Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, cái mà Thầy đã nêu lên 10 cái điều kiện mà chúng ta phải tu tập nó.
Còn cái Định Niệm Hơi Thở mà hiện giờ mấy con mà đang tu tập cái hơi thở đó, thì cái này nó chờ cái thời gian sau cà, nó mới có tới cái giai đoạn của nó, nhưng vì chúng ta đã từng tu tập quen rồi, bây giờ chúng ta biết được thì chúng ta nên mỗi ngày một đêm vậy đó thì chúng ta chỉ tu tập một lần mà thôi, mỗi lần thì chừng 30 phút thôi, còn chúng ta dồn những cái công phu cho những cái định khác.
Bởi vì đây là một cái giáo án cái đường lối của đạo Phật nó hẳn hòi rồi, chớ không còn mờ mịt như trước kia cho nên chúng ta cứ nghĩ tưởng rằng mình ngồi mình tập trung cho hết vọng tưởng rồi sẽ nhập định này hay hoặc nhập định khác để làm chủ cái thân tâm của mình, chấm dứt cái luân hồi bằng cái sức ức chế cái tâm của mình nó hết vọng tưởng, hết Tầm hết Tứ.
Bây giờ chúng ta đã hiểu nó không phải vậy đâu, mà chính là cái đường đi của đạo Phật á, cái bắt đầu thì nó là cái định Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, mà nó bắt đầu hơn nữa thì nó lại là cái Thánh phòng hộ sáu căn, cách thức chúng ta phải giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình, mà trong ba cái đức mà cái giới luật nòng cốt của Tu viện ở trong cái thanh quy đó là nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.
Các con hiểu cái giới luật nòng cốt đó, đó là cái phòng hộ sáu căn, giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng của mình là bằng ba cái đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng đó.
Cho nên chúng ta có mắt - khi một người mà bước vào tu theo đạo Phật, có mắt như không có mắt, có lỗ tai như không có lỗ tai, vì vậy tâm của chúng ta mới đạt được yên ổn, mới tu cái Định Chánh Niệm Tỉnh Thức nó mới có đủ sức tỉnh thức. Còn không phòng hộ sáu căn, đụng đâu nó dính đó thì tỉnh thức không nổi đâu.
Các con thấy, khi tâm chúng ta đụng chuyện gì chúng ta cũng dễ phiền não, buồn giận thì lúc bấy giờ chúng ta còn tỉnh thức cái chỗ nào nữa? Còn phiền não, buồn giận thì làm sao mà chúng ta tỉnh thức đâu, cho nên rất khó.
Vì vậy mà chúng ta phải biết phòng hộ sáu căn là một cái điều kiện tiên quyết cho cái sự tu tập của cái người mới tu. Và kế đó thì là Chánh Niệm Tỉnh Thức, sau đó mới là Định Sáng Suốt hay là giữ tâm thanh thản, giữ tâm vô sự.
Đó thì các con thấy, từng cái bước đi của chúng ta tu tập nó có những cái bước đi, rồi trong đó nó có những cái trạch pháp, những cái câu để mà trạch ra, để mà dùng cái pháp hướng, để mà nhắc đi nhắc lại tâm mình cho nó thấm cái lý. Đó.
3.3- QUÁN VÔ LẬU PHẢI QUÁN CHO THÔNG
(01:06:33) Còn riêng phần cô Diệu Hồng thì Thầy thấy, về cái phần Định Vô Lậu thì con quán lung tung, coi như quán nhiều, quán đủ thứ quá. Quán rồi nó xả, nó không xả thì cũng đành chịu thôi, chỉ còn có giữ cái tâm trong hơi thở, rồi cho nó có cái niệm nào đó thì dừng nó lại liền để rồi cứ nương hơi thở thì nghe nó thoải mái dễ chịu, nó không có còn lo lắng thương nhớ nữa.
Còn ngồi mà quán lung tung, nó quán một hơi rồi nó nhớ nhà quá trời quá đất, nó muốn đi về. Tại vì ghẹo nó, nó hiện ra, cho nên nó nhớ cái này nó nhớ cái kia, thành ra cái đó là sai.
Khi mà đặt một cái niệm mà tu cái Định Vô Lậu thì chúng ta phải… Bởi vì Thầy đưa ra 10 cái điều kiện tức là 10 cái đề mục đặt cái niệm.
Bây giờ tâm của chúng ta đang nó có một cái - thường nó hay sanh những cái vọng tưởng, khởi cái niệm, thí dụ như con bây giờ con đang… thường thường mà khi mà xả thiền ra không còn ở trong pháp tu, thì nó có cái tâm nó nhớ mấy đứa nhỏ con của con, không biết là làm ăn như thế nào, sao, hôm đó nghe nó làm vậy mà không biết nó có thất bại hay là sao, hay là nợ nần nó còn mà nó chưa trả hết? Tuy vậy chớ cái tình cảm của mẹ con nó vẫn còn, chưa phải ly đâu.
Cho nên khi mà cái niệm nó khởi như vậy đó thì chúng ta mới đem cái niệm đó đặt ra trước mặt của mình, trạch ra một cái câu rồi quán xét, đứng ở trong cái lý nhân quả mà tìm hiểu, từ chỗ chúng ta không hiểu nhân quả mà chúng ta suy ra, tìm ra, thì cái tri kiến giải thoát của chúng ta nó phóng ra, nó tìm hiểu lý nhân quả: Nó do đâu mà có mẹ có con, nó do đâu mới có sự dính dấp như thế này, nó đâu mà nó có nhân có quả như thế này?
Từng đó chúng ta phá từng cái mảnh của cái nhân quả, từng cái nghiệp mà nó đã tạo thành một cái cuộc sống giữa mình với người khác để thành ra thương, ghét, giận, hờn.
Đó, chúng ta phải đặt cái niệm. Mà cái đó nó - khi mà đặt cái niệm đó nó chưa rồi, nó quán chưa thông, thì một lát nữa hay hoặc là buổi tối mình đặt niệm đó trở lại.
Rồi mình quán cũng chưa thấy được, chưa thông, nó cũng còn đây, cái niệm nó cũng còn đây, nó cũng còn nhớ đây, nó chưa có hết, do đó mình đặt nữa, mình đặt chừng nào mà nó hết nhớ thì mình mới thôi.
Còn cái này quán lung tung, quán lung tung nó lại nhớ nhiều… Nó cũng vô vậy à. Coi như là mình nhai lại cái bã mía của Phật, bây giờ nó cũng là vô thường, cũng khổ, cũng không, cũng vô ngã, cũng bất tịnh, mình nói tùm lum một số danh từ vậy, trời ơi nó nhiều quá mà, thành ra đâu biết cái nào là nó vô thường, cái nào nó không, cái nào nó khổ, cứ theo ba cái đờm dãi của người xưa mình nhai riết.
Nhai một hơi nó lạt bách cái miệng, không có chút ngọt nào hết, cái nhả bỏ đi. Bỏ đi cái nghe nó nhào vô, nhào vô cũng nói nữa: Mày là vô thường, khổ, vô ngã gì đủ thứ tùm, quán riết, rồi nghỉ. Nghỉ cái thấy nó cũng nhào vô nữa. Trời! Sao mà lại nó không hết? Hễ buông ra là nó nhào vô.
Bởi vậy Thầy mới nói khi mà chúng ta ngồi không, không có pháp tu mà chúng ta thấy nó có thì biết rằng nó chưa có hết lậu hoặc, nó còn nữa, do đó chúng ta mới đặt cái niệm chúng ta tu nữa.
Tu chừng nào mà ngồi không mà chúng ta thấy tâm nó thanh thản, nó không có nghĩ gì hết, nó cũng không thương không ghét thì biết là lúc bấy giờ nó ly dục ly ác pháp rồi, cho nên nó ở trong trạng thái Sơ Thiền đây, rõ ràng là cái tâm thanh thản vô sự của mình.
(01:09:53) Còn bây giờ các con ngồi không một hơi nó suy nghĩ cái này suy nghĩ cái khác thì đó là chúng ta biết lậu hoặc còn, mà không suy nghĩ thì nó sanh ra chuyện: “Bây giờ cái thất của mình phải cột cái sợi dây này lại!” Cột lại rồi nó nói: “Khiêng cái bàn này để qua, và cái giường để lại!” Nó cứ dời, dọn đặng cho nó quên chuyện, còn hễ nó ngồi không một hơi nó nhớ nhà. Phải không?
Các con thấy không, hễ nó làm lắt xắt lắt xắt thì không nhớ. Thầy thấy như cô An Tịnh đó, cô lo trồng cây này cây kia đồ vậy, cô không nhớ ai hết, mà hễ cô ngồi không cái cô nhớ nhà, không có trật!
Bởi vì cái Vô Lậu chúng ta phải biết, khi mà nó nhớ như vậy là khi tới cái giờ tu chúng ta đặt cái niệm đó, chúng ta làm sao chúng ta phóng ra những cái tri kiến giải thoát.
Bởi vì chúng ta phải biết chúng ta có cái tri kiến, cái tri kiến đó là cái sự mà chúng ta dùng nó để hiểu những cái lời Phật dạy, các tổ dạy, các thầy dạy cho biết các pháp là vô thường như thế này thế kia nhưng đó là cái tri kiến mà thôi.
Vì vậy mà chúng ta phải đặt cái niệm đó để rồi tuần tự chúng ta phóng ra những cái tri kiến giải thoát, từng đó chúng ta phải có cái sự hiểu biết riêng của mình, cho nên nó phá vỡ từng cái mảnh.
Mà Thầy nhắc các con: Những cái sự liên hệ, thương ghét của gia đình của mình đều là nó nằm ở trong cái lộ trình của nhân quả, do đó chúng ta đặt cái nhân quả mà chúng ta quán xét thì chúng ta thấu triệt được. Cho nên từ đó chúng ta không còn khởi cái niệm thương ghét hay lo lắng cho mấy cháu nữa hết, chúng ta yên. Bây giờ chúng ta có lo gì thì nó cũng vậy thôi.
(01:11:10) Cũng như bây giờ Diệu Hồng con ở đây con lo con tu thì phải tốt hơn không, mà ngồi đây mà lo tụi nó thì con có phỏng chừng có ở gần bên nó cũng coi con nó thôi chứ có làm gì hơn là lo cho nó được, đâu có ra mà gánh vác cái chuyện buôn bán đó được đâu! Già rồi, chỉ coi con coi cháu nó để cho nó đi bán đi buôn hay hoặc nó làm ăn thôi chứ có làm gì khác hơn?
Cho nên thay vì bây giờ mình tu thì có lợi ích hơn. Đã chăm, đã nuôi nấng tụi nó cho bây giờ lớn khôn rồi, bây giờ còn phải làm đầy tớ đặng coi con nó nữa sao? Mà coi con nó mình ngồi không mình ăn cơm không có được! Nó kỳ vậy, cái nghiệp báo, cái nhân quả nó vậy đó, các con cứ thử nghĩ đi.
Bây giờ nè, như Từ Đức nè, như Diệu Hồng nè, như An Tịnh nè, các con có con cái nè, rồi các con cứ về trụ xứ của mình ở đi, rồi cũng có giờ thì mình cũng tu vậy, nhưng mà sao mình bỏ không có được, thấy cháu thì thấy mặt nó cũng thương à! Bởi vì cái thứ dòng họ của mình mà, bỏ không có được.
Đó là những cái mà chúng ta phải tu cái Định Vô Lậu, tu hết sức tu, chớ không phải là tu lơ mơ đâu! Tu cho thấm nhuần, tu cho chứng được cái lý của nó cà, nó mới thấy được cái đường đi nhân quả, từ đó tâm chúng ta mới thanh thản, mới vô sự được, chớ không nó hữu sự lắm, nó ngồi lại thì nó có sự có việc à, còn không thì nó bắt thân của quý vị chạy Đông chạy Tây ra ngoài, nào nhổ cỏ, nào làm cái này kia đủ thứ để cho nó quên, còn không thì nó nhớ.
Cho nên vì vậy mà khi tu hành chúng ta biết được cái vô thường, khổ, không, vô ngã, nhưng mình chứng được cái lý vô thường, khổ, không, vô ngã là cả một công phu tu tập chớ không phải ít đâu.
Nhưng mà đến cái thiền định hơi thở, thì khi mà cái tâm nó tịnh rồi, nó không còn lậu hoặc rồi thì chừng đó các thầy, các con mà nhập tới Bốn Thiền nó không còn khó nữa, các con chỉ cần ra lệnh là nó nghe. Bởi vì tâm chúng ta đã thanh tịnh rồi thì nó có cái lực của nó rồi.
Để tới chừng mà Thầy dạy các cái giới hành, thì Thầy dạy Ngũ Căn, Ngũ Lực, tới cái Ngũ Lực thì các con biết rằng, bước đầu vào cái Ngũ Lực thì các con biết nó rất rõ.
Cũng như vừa rồi thì Thầy chưa dạy các con tu cái pháp Tứ Bất Hoại Tịnh, vì Tứ Bất Hoại Tịnh là pháp bắt đầu cho cái người mà thọ Tam Quy, học giới bổn xong thì người ta mới niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, mà niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng thì người ta mới tu Tứ Bất Hoại Tịnh, bốn cái pháp làm cho tâm chúng ta thanh tịnh mà không bị hoại diệt, thanh tịnh đó, thì Thầy mới dạy.
Nhưng ở đây Thầy chưa dạy mà con vội tu sớm quá, không biết tu cái nào đây cho nó thanh tịnh.
4- HIỂU CHI TIẾT TỪNG PHẦN ĐỂ TU TỨ BẤT HOẠI TỊNH
Phật tử:… (Không nghe rõ)
(01:13:57) Trưởng lão: Ờ, thì nghe nói vậy đó là cái lý, cái pháp lý chớ không phải là cái pháp hành. Cho nên nói thì một lẽ, nhưng mà khi mà nói ra cái pháp hành thì bắt đầu nó phải chỉ ra từng cái phần nhỏ chớ không thể nào mà nói tổng quát.
Bây giờ nói giống ông Phật, bây giờ tui giống ổng chỉ có chút là tui ăn được ngày một bữa à, còn tui ngủ, tối tui ngủ tui đâu có ngủ như ông Phật được, ít ra tui cũng còn chiêm bao còn ông Phật ổng hết chiêm bao rồi mà ổng đặt niệm trước mặt ông nằm, ổng đâu có ngủ! Còn ông Phật thì thân ổng - ổng nhập định thì ổng thần thông đủ cách, còn mấy con thì nhập định tưởng hết ráo rồi, thành ra đâu có giống ổng chút nào đâu?
Cho nên bây giờ mà nói thân niệm Phật, hay là tâm niệm Phật, hay là thọ niệm Phật thì nhiều khi các con đau cái chân, hai cái chân đau hay cái gì đau, các con méo miệng, còn ông Phật thì ổng ngồi không có đau gì, ổng đau ổng không có méo miệng chút nào hết, còn mình thì đau chịu không nổi rồi.
Do đó vì vậy mà nói về cái thân, cái thọ, tâm và các pháp mà niệm Phật thì chúng ta phải đi từ cái pháp hành, cái giới hành để chúng ta thực hiện cái nào trước cái nào sau, để tuần tự cái thân của chúng ta nó phải niệm Phật như thế nào đúng như thế nào sai, rồi cái thọ của chúng ta thì niệm Phật như thế nào đúng, như thế nào sai, rồi cái pháp niệm Phật như thế nào đúng, như thế nào sai, rồi cái tâm của chúng ta niệm Phật như thế nào đúng, như thế nào sai.
Cũng lần lượt từng chút mà chúng ta đi vào thì lúc bấy giờ chúng ta lại có sự phân ra, chúng ta biết rằng chúng ta đang ở cái nẻo nào ở trong Bát Chánh Đạo mà niệm Phật. Bây giờ mình niệm Phật mà mình phải ở cái nẻo nào? Bởi vì tám cái nẻo lận chớ đâu phải một nẻo.
(01:15:34) Tám cái nẻo đó mà lấy cái thân này niệm Phật, mà trong cái nẻo thứ nhất là Chánh Kiến thì nó phải làm sao đây? Phải tập luyện như thế nào, phải hành như thế nào ở trong cái Chánh Kiến này, cái nẻo này, để cho thân của chúng ta cho giống ông Phật? Ông Phật thì ổng - cái thân ổng thì ổng ở trong cái Chánh Kiến thì Chánh Kiến nào?
Cho nên bây giờ hỏi con cũng nói là tu Tứ Bất Hoại Tịnh chớ không biết là cái thân của mình nó sao, rồi cái thân ông Phật ở Chánh Kiến ở chỗ nào hết thì chưa có biết.
Cho nên tới đó thì Thầy sẽ giảng cho các con nghe để rồi các con phải hành, từ bắt đầu chúng ta mà khi quy y Tam Bảo, tức là thọ ba cái giới đầu tiên Phật - Pháp - Tăng, kế đó là học giới bổn nữa là bốn cái đối tượng để mà chúng ta niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới.
Mà bây giờ thì cái giới bổn nó chưa hết cho nên lần lượt thì Thầy dạy cho hết cái giới bổn để mà chúng ta có cái giới để từng đó bắt đầu vô Tứ Bất Hoại Tịnh.
Tứ Bất Hoại Tịnh còn một cái tên gọi là Tứ Kỉnh Pháp - bốn cái pháp cung kính, bốn cái pháp tỏ lòng cung kính của mình gọi là Tứ Kỉnh Pháp. Nhưng mà Tứ Bất Hoại Tịnh nó còn có một cái tên nữa là Tín Lực. Các con thấy trong Ngũ Lực thì Tín Lực là đầu tiên, mà Tín Lực là Tứ Bất Hoại Tịnh, hay hoặc là Tứ Kỉnh Pháp.
Phải không? Cái kia các con nghe khi mà Đức Phật chế Bát Kỉnh Pháp cho bên ni là cái giới chớ gì, bây giờ đó hay là cái này là giới hành của mọi tu sĩ tăng và ni cho nên gọi là Tứ Kỉnh Pháp chớ không phải Bát Kỉnh Pháp nữa.
Từ lâu tới giờ các con đâu có nghe, nhưng bây giờ Thầy nói thì các con mới thấy được cái tên này. Rõ ràng là trong kinh đã nói cái tên này, nhưng mà người ta không có để ý cái tên này, người ta coi là quá thường.
Cho nên bây giờ vạch ra các con thấy: Giới luật của Phật chế Bát Kỉnh Pháp cho ni nhưng mà chế cho tăng và ni đều là tu tập Tứ Kỉnh Pháp, thấy chưa? Mà Tứ Kỉnh Pháp là Tứ Bất Hoại Tịnh, phải không? Mà Tứ Bất Hoại Tịnh tức là Tín Lực, cái sự tin tưởng rất là dũng mãnh, cái lực, lòng tin của chúng ta.
Cho nên tu làm sao mà đạt được cái lòng tin? Phải có những cái kết quả mới có tin chớ, còn không kết quả làm sao chúng ta tin được!
5- GIỚI BỔN PHẦN NHIỀU DO NGƯỜI SAU CHẾ
(01:17:47) Bây giờ như các con đã thấy, một số giới luật mà Thầy đã dạy trong giới bổn thì các con đã thấy rằng có quá nhiều cái sai.
Đọc một số giới bổn vừa rồi, ta nhận thấy người sau chế giới không phải Phật chế.
Nghĩa là toàn bộ giới bổn, phần nhiều là cái người sau chế chớ không phải là trong cái thời Đức Phật chế đâu.
Bởi vì chế qua chế lại, chế rồi gia giảm, làm cho cái dục lạc của tu sĩ nó theo cái nhỏ giọt của dục lạc để làm cho người ta rộng rãi mà người ta sống được ở trong giới, nhưng cuối cùng là người ta phá giới. Bởi vì chế như vậy cái kiểu đó là đưa người ta đi đến chỗ…
Thay vì thí dụ như chế cái giới, rồi nói cái người lạ thì không có được xin y, mà cái người cư sĩ bà con của mình thì xin y, mà xin y tốt của bà con thì được mà xin của cái người cư sĩ lạ thì không được xin y tốt được. Ông Phật mà chế giới kiểu đó để cho mấy người nhà giàu họ vô họ tu, bà con họ cho y tốt, y đẹp thì mấy ông thầy đó còn tu cái thứ gì nữa, phải không?
Các con thấy chế giới kiểu đó là chế giới người sau chế, không phải ông Phật chế đâu. Đạo Phật là đạo ly dục thì người nghèo cũng như người giàu, phải ly hết chớ, chế gì mà kỳ cục vậy! Cho nên hầu hết là mấy cái ông sau này bày đặt. Gặp Thầy, Thầy đập xuống như vậy đó, gặp ba cái giới bổn này đập xuống cho sạch thiệt là mệt Thầy vô cùng!
(01:19:05) Từ lâu thì Thầy hồi đó Thầy có học nó, nhưng mà trong lúc học mình cũng không để ý, nói giới nào thì mình hay vậy thôi, nhưng bây giờ khi mà tu rồi mà soạn ra, tới bây giờ mà Thầy dạy về giới Thầy thấy thiệt là sai.
Bây giờ mà Thầy ngồi lại mà Thầy soạn ra cái bộ giới bổn này để cho người sau, mà đúng là cái giới để ly dục ly ác pháp thì tất cả những cái giới này Thầy quét ra hết, Thầy soạn cái khác.
Thầy dựa vào ở trong kinh giới của Phật, ở trong kinh Thầy soạn ra thì đúng cách, rất là đúng, rất là hợp. Hợp vừa kinh giới, mà lại hợp vừa cái kinh bổn, làm cho cái người mà người ta lấy kinh bổn người ta làm cái hàng rào, người ta giữ gìn rồi người ta ly dục ly ác pháp.
Còn cái này giữ hàng rào gì? Muốn cái y cho đẹp cái lại bà con của mình cư sĩ xin cái y, Phật chế cái giới cho như vậy thì đâu có phải lỗi đâu, cho nên cứ làm bừa vô, thì cuối cùng… Hoặc là tiền bạc không cất giữ, giao cho bà con mình cất giữ đi, rồi ít bữa xì ra: “Bà con đứng ra cất chùa giùm tui đi!” Cũng tiền của ông thầy đó chớ ai vô đó! Làm cái chuyện kêu là che mặt người ta, trong cái giới luật làm như vậy là sai, quá sai, làm sao mà ly được?
Còn giới bổn chế tới chế lui, cho Tỳ Kheo sống rộng rãi để chạy theo những dục lạc thế gian. Giới bổn giống như điều lệ, hiến pháp, pháp luật của một đất nước, của một xã hội, một tập thể.
Xưa tập thể của Đức Phật 13 năm không có giới điều.
Nghĩa là khi mà Đức Phật độ năm anh em Kiều Trần Như, độ những cư sĩ đầu tiên, không có chế giới ra mà tới 13 năm người ta không có phạm một cái pháp gì hết, từ nơi pháp của Phật dạy là giới luật rồi, người ta ly dục ly ác pháp rồi, người ta không có còn phạm, mà tới sau này nhận ba cái ông Lục Quần Tỳ Kheo rồi Thất Tỳ Kheo Ni, rồi mấy cái bà mấy ông này đưa vô để mà làm cho phá giới rồi mới đặt ra.
Sự thật ra cái người tu theo đạo Phật mà ngay từ lúc đầu mà khép chặt, như mấy con mà vô đây Thầy khép chặt chắc chắn là - đúng là cách thức mà tổ chức mà Thầy khép chặt, các con chưa phạm cái lỗi nào đâu, mà chưa có thể nói rằng phải chế giới này, chế giới kia nữa. Còn cái này để lỏng lẻo để rồi người ta mới làm cái chuyện này chuyện khác, nó bậy bạ, nó làm cho không có đúng cách.
(01:21:24) Xưa tập thể của Đức Phật 13 năm đầu không có giới điều. Tại sao? Tại vì tâm các Tỳ Kheo đều sống ở trong tinh thần ly dục ly ác pháp nên ai cũng thấy mình giải thoát hoàn toàn, thoát ra khỏi dục lạc.
Vì thoát ra khỏi dục lạc là không bị sự cám dỗ của dục lạc thì đó là con đường của đạo Phật, cho nên ai cũng thấy giải thoát hết, còn ai mà ham nữa!
Cũng như bây giờ, không lẽ bây giờ Thầy ăn ngày một bữa Thầy Thấy giải thoát rồi, mà bây giờ người ta đem cái bánh hay gì ngon, hoặc ly nước sữa gì ngon: “Thầy uống đi cho nó khỏe, Thầy thấy ốm quá!” Họ nói thì nói mặc họ chớ, Thầy uống quyền Thầy chớ, phải không các con? Đâu có điên gì mà Thầy đi phạm.
Mà Thầy thấy cái đồ đó đâu phải là đồ ngon. Đối với thế gian thì họ cho ngon, đối với Thầy nhìn nó là Thầy thấy đồ bất tịnh, phải không? Cái đồ mà không có thể mà Thầy chấp nhận được. Bởi vì tâm hồn của Thầy nó ly dục ly ác pháp, nó có một trạng thái hỷ lạc cao tuyệt hơn cái đó rất nhiều.
Để Thầy nhắc lại cho các con nghe: Xưa nhà vua mới hỏi: “Tôi là một vị vua đó, thì cái hỷ lạc của dục lạc thế gian tui đầy đủ, tui muốn cái gì cũng có hết!”
Ông Phật hỏi: “Vậy thì cái dục lạc của ông, ông đem một cái mâm đồ ăn của ông này nè, ông ngồi ông ăn đây nè, bắt đầu bây giờ ông ngồi ông ăn đi, cái dục lạc ngon cái miệng ông nó có tới sáng được không? Ông bỏ vô khỏi cổ nó hết ngon rồi. Phải không, ông làm sao nó ngon tới sáng được?
Còn tui mà ngồi thiền, thì bây giờ tui ngồi thiền nè, mà tới sáng mai cái dục lạc mà ly hỷ, ly dục lạc nó vẫn là đầy đủ. Nghĩa là tới sáng nó liên tục nó có cái ly hỷ dục lạc nó đầy đủ.
Còn bây giờ ông ngồi ông ăn đi, ông bỏ cái miếng ăn này ông ăn riết một hơi ông ớn, ông thấy dục lạc còn không? Như vậy đâu có dục lạc đâu mà ông nói rằng ông đầy đủ, ông muốn cái gì nó có dục lạc đâu? Dục lạc của ông nó chỉ cấp thời, nó có đó rồi nó sẽ mất đi, làm sao mà được một ngày một đêm như tui được. Đó là tui nói ít đó.
Còn bây giờ ông nói cái dục lạc gì ở trên thế gian này đi, ông thấy nó là hạnh phúc nhất của ông đi, kéo dài một ngày một đêm, ông chưa có, còn cái dục lạc mà do ly dục ly ác pháp nó kéo dài bảy ngày bảy đêm!”
(01:23:32) Các con thấy, ông Phật ông nói rõ ràng, nghĩa là liên tục, thời gian liên tục tui ở trong cái trạng thái ly dục, liên tục tui thấy có một cái sự an lạc rất là thanh tịnh, an lạc rất là vĩ đại, nó kéo dài mãi bảy ngày bảy đêm chưa hết!
Các con có ngờ không? Các con ăn cái bánh đó các con ngọt, bỏ vô miệng nghe nó ngon quá, nuốt vô khỏi cổ rồi còn không? Còn ngọt, còn chỗ nào đâu chỉ cho Thầy xem coi, cái lạc đó còn không?
Thì các con thấy cái dục lạc nó chớp thời, nó chớp mắt, nó không có kéo dài được thì cái đó là nó vô thường, còn cái này người ta kéo dài từ đêm này đến ngày kia đêm nọ, bảy ngày đêm vậy, liên tục như vậy, có phải là nó thường không?
Vậy thì chúng ta đi tìm cái gì chớ, còn đi tìm cái đồ mà giả dối, đồ đó làm cái gì mà chúng ta ham! Thế mà Phật pháp đưa ra cái pháp để chúng ta ly những cái lạc tầm thường đó mà chúng ta lại không thấy, bây giờ còn lại thấy người ta đem đồ ăn lại thích ăn, thích uống nữa, thì có phải ngu không? Các con thấy, cái đó là cái quá ngu, phải không!
Đó thì hôm nay lẽ ra thì Thầy sẽ tiếp tục Thầy giảng về cái giới cho các con nghe, nhưng mới có trả lời được có một mình cô Diệu Hồng thôi.
Sửa soạn con phải chuẩn bị tu lại, chớ không khéo tu như kiểu đó thì cái tâm vô lậu nó không vô lậu được đâu. Rồi chỉ dùng cái định Hiện Tại An Lạc Trú là cái định hơi thở để cho nó yên ổn ở trong cái yên lặng của cái đó mà tránh né nó, rốt cuộc rồi hễ khi ngồi bình thường rồi nó cũng lại nhớ ra, nó đâu hết lậu hoặc, nó đâu có ly được ác pháp ly được dục!
Do vì vậy đó mà con phải nhớ kỹ, sắp xếp lại, trạch pháp những cái câu, bởi vì nó khó là cái Định Vô Lậu, nó khó là phải trạch pháp câu cho đúng cách, gọi đúng tên để mà chúng ta xả được cái lậu hoặc của nó thì nó mới có kết quả, còn nếu xả không được thì nó không có kết quả.
Đến đây Thầy xin chấm dứt, các con tiếp tục nghe băng./.
HẾT BĂNG