Skip directly to content

21 - BỔ TÚC PHẦN GIỚI HẠNH VÀ GIỚI ĐỨC - TÁM GIỚI TUỆ

GIÁO ÁN 21 - BỔ TÚC PHẦN GIỚI HẠNH VÀ GIỚI ĐỨC - TÁM GIỚI TUỆ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 1997

1- BỔ TÚC PHẦN GIỚI HẠNH VÀ GIỚI ĐỨC

(00:01) Để bổ túc thêm phần giới hạnh và giới đức, quý thầy hãy lắng nghe cho kỹ ở phần này để biết mà giữ gìn và trau dồi thân, tâm đầy đủ giới hạnh và giới đức, để không còn vi phạm một lỗi lầm nhỏ nhặt nữa, để tâm trọn vẹn lìa xa lòng ham muốn và các ác pháp thế gian, để tâm sống trong cảnh giới thanh thản, an lạc mà các bậc Thánh đang thọ hưởng, đang sống thầm lặng trong cảnh giới đó, cảnh giới của giới hạnh và giới đức đã viên mãn.

1.1- TRUY TÌM GỐC TỘI LỖI VÀ ĐAU KHỔ CỦA LOÀI NGƯỜI

(00:37) Bây giờ quý thầy hãy lắng nghe những câu hỏi và trả lời những câu hỏi để truy tìm cái gốc tội lỗi, ngõ hầu để biết rõ dùng giới hạnh và giới đức đập tan tành cái gốc khổ của loài người.

Nghĩa là chúng ta phải truy tìm ra, khi mà học cái giới đức và giới hạnh xong thì chúng ta phải truy tìm coi những cái gốc khổ và cái gốc mà làm cho con người đau khổ như thế nào.

Mặc dù là trong kinh Phật có nói là do cái lòng ham muốn là đau khổ, nhưng chúng ta phải truy tìm cho nó sâu xa hơn nữa chớ không thể nói đơn là do cái sự ham muốn đó, do tâm dục mình là cái nguyên nhân sanh ra đau khổ, mà nó còn có những cái chi tiết li ti nhỏ mà chúng ta phải thấu đáo. Nếu không thấu đáo thì chúng ta không có biết đường đâu mà chúng ta dẹp.

Bây giờ đó, thì đầu tiên thì có một câu hỏi và có một sự trả lời để chúng ta theo đó mà chúng ta phăng ra coi cái lối nào mà cái tâm chúng ta nó đi đến chỗ tham dục đó:

Tại sao con người lại sanh ra oán thù và đánh đập nhau bằng dao gậy?

Đó, vào đầu cái câu hỏi đầu tiên thì chúng ta thấy cái sự đau khổ con người ở trên thế gian này là cái sự oán thù, sự đánh đập nhau bằng dao gậy

Bắt đầu để trả lời cái câu hỏi đó:

Sự sanh ra oán thù và đánh đập nhau đều do lòng tham lam và ganh ghét.

Do lòng ham muốn, tham lam của mình đó, tham cái này, tham cái kia, và cái sự ganh ghét đó nó mới có cái sự đánh đập nhau, mới có sự thù hằn nhau.

Thì chúng ta thấy nếu mà không có lòng tham lam, không có sự ganh ghét thì làm sao đánh đập nhau? Đúng không? Đó là trả lời một câu rất đúng. Không thể nào mà chúng ta phủ nhận rằng cái câu trả lời này là sai được.

Lòng tham lam và ganh ghét do đâu mà sinh ra?

Người ta lại đặt câu hỏi thêm để cho mình thấy, bây giờ mình nói bấy giờ cái sự đánh đập, cái sự thù hằn nhau là do lòng tham lam và ganh ghét, thì ai cũng chấp nhận rồi. Nhưng mà bây giờ người ta hỏi: “Vậy chớ lòng tham lam và ganh ghét này ở đâu mà sanh ra?”

Đó, thì tức là chúng ta phải truy ra thử coi nó ở chỗ nào? Thì đây là câu trả lời mà Phật đã trả lời trong kinh để chúng ta thấy rất rõ.

Lòng tham lam và ganh ghét là do thương, ghét mà sanh ra.

Có thương, có ghét thì mới sanh ra, chớ không phải là ngoài cái thương, ghét mà nó sanh ra cái lòng tham lam và ganh ghét được.

Thì người ta lại hỏi:

Thương, ghét do đâu mà sanh ra?

Thì trả lời:

Thương, ghét là do tham dục mà sanh ra.

Mình có thương, có ghét là do cái lòng ham muốn của mình mới sanh ra. Đó bây giờ mình mới thấy cái chỗ dục đó, thì từ cái chỗ mà truy ra từ cái chỗ mà oán thù, đánh đập đi đến cái chỗ tham dục thì mình mới biết rằng thương, ghét này nó do cái sự tham dục mà sanh ra.

Vậy chúng ta có thương thì cũng do tham dục, mà có ghét cũng do tham dục. Mà có thương, có ghét thì nó mới có tham lam và ganh ghét, mà có tham lam và ganh ghét thì nó mới có đánh đập và oán thù!

Đó, bây giờ mình đi ngược trở lại thì mình thấy rất rõ heng.

(03:38) Rồi bây giờ người ta hỏi:

Tham dục do đâu mà sanh ra?

Bắt đâu đó từ đó mình bắt đầu mình trở về cái gốc mà của tham dục đó, tức là Phật nói cái gốc muôn khổ đó.

Vậy thì người ta hỏi: “Vậy tham dục do đâu mà sanh ra?”

Thì trả lời: “Do tưởng mà sanh ra!”

Mình tưởng, chớ nó đâu phải có thật! Mình tưởng ra, mình ham muốn cái gì đó mình tưởng ra, chớ đâu phải khi không mà mình có ham muốn cái chỗ đó được?

Mình tưởng ra, mình tưởng ra nó đẹp, mình tưởng ra nó xấu, mình tưởng ra cái này kia, đó là do tưởng mà sanh ra! Đó, đúng không? Tham dục mình do tưởng sanh ra chớ còn không có tưởng thì chắc chắn…​

Cho nên cái người mà người ta dẹp cái tưởng rồi thì người ta có tham dục nữa không? Người ta hết tưởng là hết tham dục, mà còn tưởng là còn tham dục. Cho nên chúng ta biết rằng cái người mà tu thiền định là phải dẹp tưởng. Mà dẹp tưởng dừng thì hết dục, hết tham dục!

Tưởng do đâu mà sanh ra?

Người ta hỏi tưởng do đâu mà sanh ra? Bắt đầu đây bây giờ Đức Phật trả lời:

Tưởng do điệu hý mà sanh ra.

Điệu hý là cái gì? Các thầy hiểu hai chữ này không? Đó, điệu hý là có nghĩa là hý là vui, thích vui, mà hý, điệu hý là cái kiểu cách làm thế này, thế kia cho vui đó.

Cũng như bây giờ mình thấy người ta đá banh cái mình thấy mình thích, tức là mình bị điệu hý đó rồi, điệu hý đá banh rồi. Mình thấy người ta đánh cờ cái mình dòm một hơi cái mình cũng ngứa nghề vô đánh cờ, mình thấy người ta đánh bài bạc mình cũng ngứa nghề, mình thấy người ta uống rượu mình cũng ngứa nghề mình vô đó, gọi là điệu hý!

Phải không! Cái đó là nó vui, nó đủ cái màn cách của nó gọi là điệu hý của nó đó! Cái danh từ người ta dùng như vậy, mình hiểu như vậy là nó gợi cho mình những cái vui thích, nó gợi cho mình vui thích. Do cái sự vui thích đó nó mới có cái tưởng, phải không? Cái tưởng này nó mới sanh ra cái tham dục, nó mới có cái tham dục!

Mình tưởng cái đó là vui, phải không? Cái điệu hý đó, mình tưởng, tưởng nó do điệu hý nó sanh ra, cho nên do cái điệu hý mấy cái chuyện mà người ta làm đó, nó vui vẻ đó, cho nên mình tưởng đó là vui, cho nên cái tưởng nó mới có sanh ra.

Chớ biết đâu chừng cái chuyện đó là cái chuyện đau khổ của người ta! Đó, cho nên mình tưởng nó là - nó ngon rồi, nhưng mà không ngờ mình vào đó là thấy mệt.

Mấy thằng đá banh nó tưởng đâu là ngon lắm chớ nó đá, Thầy thấy nó thở muốn chết nó luôn, đâu có sung sướng gì đâu! Nhiều khi nó đá banh nó té, nó gãy chân, gãy giò nó nữa, coi nó muốn chết nó chớ đâu có sung sướng gì? Thế mà nó ở ngoài thì người ta vỗ tay khen, đó là điệu hý đó!

Thầy giải thích như vậy thì dùng cái danh từ đó như vậy thì quý thầy chắc hiểu nó rồi.

(06:00) Nếu người tu theo đạo Phật diệt trừ hết điệu hý…​

Cho nên Phật cấm mình không có cho vui chơi gì hết đó các thầy thấy không? Cho nên vui chơi là nó điệu hý đó, nó sẽ không an trú được đâu!

Nếu người tu theo đạo Phật diệt trừ hết điệu hý, an trú trong cảnh tịch diệt được chăng?

Đó, bây giờ có cái người mà hỏi Đức Phật: Bây giờ nếu mà nói như vậy là do cái này nó tưởng ra nó mới tham dục, bây giờ mình muốn diệt tham dục thì tức là mình phải diệt hết cái điệu hý này đi, thì chắc chắn là nó hết chớ gì?

Thì hỏi ông Phật, ông Phật nói:

Không có trừ bỏ được điệu hý mà có thể an trú cảnh giới tịch diệt…​

Nghĩa là ở câu này Thầy xin đọc lại để cho nó rõ ràng hơn:

Nếu người tu theo đạo Phật diệt trừ hết điệu hý, an trú trong cảnh tịch diệt được chăng? Hay không trừ bỏ được điệu hý mà có thể an trú trong cảnh giới tịch diệt được chăng?

Nghĩa là hai câu hỏi này nó rất rõ ràng. Một câu hỏi thứ nhất là nói mình diệt trừ hết điệu hý thì mình có an trú trong cảnh tịch diệt được chăng, mà hay là không trừ bỏ hết điệu hý này thì mình cũng có thể an trú được trong cái cảnh giới tịch diệt chăng?

Đây, bây giờ Đức Phật trả lời đây:

Tu sĩ không trừ hết điệu hý mà an trú trong cảnh giới tịch diệt thì sao được?

Phải không? Nghĩa là mình còn vui làm sao mình an trú trong cảnh tịch diệt được? Cho nên ông Phật ông trả lời một câu mà bằng cách là trả lời luôn cả hai câu.

Vì thế gian có nhiều cõi, chúng sanh đều y cứ theo loại cảnh ấy và giữ gìn chắc chắn không thể rời bỏ, đồng thời họ cho đây là thật, ngoài ra là hư dối.

Đó. Nghĩa là thế gian thì người ta chấp cứng trong những cái vui đó, cái điệu hý đó, cho nên người ta cho những cái đó là cái vui, cái hạnh phúc của họ, cho nên ngoài ra thì nó không thật và nó hư dối hết, chỉ có những cái đó là cảnh giới của họ, dục lạc của họ, thích thú của họ mà thôi.

Cho nên nếu mà cái người mà muốn được ở trong cảnh giới tịch diệt, an trú thì phải ly trừ hết những cái điệu hý thì nó mới có an trú trong cảnh giới đó được!

Vì vậy mà Đức Phật trả lời này:

Tu sĩ không trừ hết điệu hý mà an trú cảnh giới tịch diệt sao được?

Đó Đức Phật nói như vậy thì chúng ta biết rõ.

Vậy có bao nhiêu điệu hý?

Có người hỏi Đức Phật thêm đó, có bao nhiêu cái điệu hý đó?

Có ba điệu hý: Một là về khẩu, hai là về tưởng, ba là về mong cầu.

Đó. Quý thầy thấy ông Phật ổng dạy chúng ta từng cái chi tiết nhỏ để chúng ta hiểu biết được, đó là chúng ta phăng ra để mà chúng ta diệt cái lòng tham dục của chúng ta.

Một người mà còn vui theo, thì tức là mình còn thích nói chuyện với nhau là còn vui theo chớ gì? Mà còn vui theo tức là điệu hý rồi! Nghe người ta thuật lại chuyện đông, chuyện tây mình cũng khoái lắm chớ! Nghe người ta thuật lại chuyện cổ tích rồi mình cũng nghe cũng thích chớ!

Đó thì tức là mình còn đang ở trong cái chỗ điệu hý. Nó không phải. Đó là điệu hý về khẩu.

(09:14) Về khẩu hành thì có ba điệu hý:

Một là hại mình.

Nói, đó, mình - cái sự vui chơi đó nó làm cho mình có hại. Rồi:

Hai là hại người.

Cái chuyện mà vui chơi đó nó có thể làm hại người đó, cái điệu hý đó nó có thể làm hại. Và:

Ba là hại cả hai.

Nghĩa là hại mình mà hại người nữa. Trong cái điệu hý đó nó có xảy ra về khẩu, thì một là mình nói ra mà hại mình, hai là mình nói ra hại người, ba là mình nói ra là hại cả hai, cả mình và cả người.

Đó là Đức Phật phân tích cho chúng ta thấy là về cái khẩu thì mình có những cái điều kiện đó.

Nếu mà xả bỏ lời nói hại mình, hại người, hại cả hai, và nói đúng lời nói chân thật, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, thì chuyên niệm không tán loạn thành vô lậu.

Đó, Đức Phật nói mình nói ra cái lời nói về miệng của mình, mình nói ra cái lời nói mà hại mình thì không nên nói, đó là điệu hý thứ nhất. Điệu hý thứ hai là nói ra lời nói mà hại người thì không được nói. Mà cái điệu hý thứ ba là nói ra lời nói mà hại mình, hại người thì không được nói.

Cho nên mình phải nói như thế nào, nói như thế nào để cho đúng cách:

Nói lời nói đúng như thật, không hại mình, không hại người mà không hại cả hai thì chuyên niệm không tán loạn thành vô lậu.

Vậy thì mình nói lời nói mà không hại ai hết thì cái đó nói làm sao quý thầy thấy chưa? Là không nói! Phải không? Không nói là độc cư thì nó đâu có hại ai, cho nên bây giờ nó chuyên niệm chớ gì? Cho nên tâm không tán loạn. Còn mình nói là tán loạn.

Rõ ràng heng! Đó là mình diệt trừ cái điệu hý thứ nhất về khẩu của mình đó! Có đúng không?

Đó, thì nhờ vậy là chúng ta biết rằng diệt điệu hý tức là chúng ta sẽ diệt lòng tham của mình chớ gì? Đi từ cái gốc nhỏ đó mà chúng ta diệt ra chớ gì? Vậy thì chúng ta sống độc cư, không nói thì tức là không hại mình, không hại người mà không hại ai hết. Do đó là tâm không tán loạn, thành ra vô lậu!

Đó thấy chưa? Thấy cái mà nội cái miệng của mình nó có được cái vô lậu rồi đó!

Về phần tưởng cũng có ba: Tưởng hại mình, tưởng hại người, tưởng hại cả hai.

Nếu xả bỏ tưởng ấy và dùng tưởng như thật, không bị hại mình, hại người, hại cả hai thì chuyên chú, nhớ mãi không quên, sáng suốt, thành vô lậu.

Không tưởng, thì các thầy nghĩ Đức Phật dạy như vậy thế nào? Nghĩa là ngồi đừng có tưởng tầm bậy! Mà không tưởng tầm bậy thì nó có hại ai đâu? Phải không? Mà không hại người, không hại mình, mà không hại cả hai thì lúc bấy giờ có tưởng nữa không?

Mà không tưởng vậy thì nó chuyên chú, nhớ mãi cái gì các con biết không? Nó nhớ mãi có một cái tâm của mình thanh tịnh, yên lặng, thanh thản đó thôi. Cho nên sáng suốt thành vô lậu, đúng không!

Ông Phật dạy rất đúng! Như vậy là mình phá cái tâm tham dục của mình rất là dễ dàng đâu có gì khó!

Đó, biết cách là như vậy, vì vậy cho nên bây giờ ngồi đừng có tưởng, ngồi đây mà tưởng về nhớ nhà thì cái đó là như thế nào? Điệu hý rồi còn cái gì đâu? Phải không? Nhớ cái này, nhớ cái kia là điệu hý rồi.

Bởi vậy ông Phật ông dạy để chúng ta biết rất rõ những cái điều kiện mà chúng ta ngồi một tâm niệm chúng ta biết rằng nó là thuộc về cái loại nào rồi!

(12:18) Cho nên ở đây nếu mà Thầy không giảng cái này ra thì Thầy thấy thiệt là cái lời ông Phật dạy là phí cho ổng, ổng mệt mỏi quá rồi! Ổng giảng ra cho chúng Tỳ Kheo trong thời đó mà bây giờ người ta cứ bỏ cái này đi, người ta nói cái gì mênh mông ở trên trời đất mà không dạy cho chúng ta biết từng cái chút này để mà chúng ta ly để mà chúng ta được cái tâm vô lậu.

Mà thấy cái này rồi chúng ta biết cái tâm tư của mình: Bây giờ nó ở trong tưởng nè, tưởng điệu hý nè, phải không?

Bây giờ nó - miệng mình đang nói gì đó mình biết đây là khẩu điệu hý nè, đó mình biết mình nói như vậy là hại mình, hại người, mà hại cả hai nữa. Thôi nhất định là không nói! Như vậy là mình ở trong cái chánh niệm của mình rồi. Đó, tức là nó thành vô lậu!

Thì cái tưởng nó cũng như vậy cho nên nó cũng thành vô lậu.

Về mong cầu cũng có ba:

Sự mong cầu của mình mà, mình ngồi mình mong cầu, cũng có ba cái điệu hý của nó:

Hại mình, hại người và hại cả hai.

Nếu xả bỏ sự mong cầu ấy và mong cầu đúng cho thật, không hại mình, hại người, hại cả hai thì mong cầu đúng như thế sẽ chuyên chú, nhớ mãi không quên thành vô lậu.

Mà sự mong cầu mà không hại mình, không hại người, không hại cả hai hết, thì cái sự mong cầu đó mong cầu cái gì quý thầy biết không?

Đó, tức là mong cầu sự giải thoát nơi tâm của mình, thành ra không có ai dính dấp vào trong tâm mình được hết, cho nên nó thành vô lậu! Có gì đâu mà khó khăn. Khi mà nó mong cầu một cái gì khác hơn thì mình biết liền, mà nó không mong cầu thì tức là nó ở trong thanh thản rồi, nó ở trong cái tâm rất là an ổn rồi, thì đó là vô lậu. Tâm niệm của mình chút nào là mình biết nó ở trong cái chỗ nào rồi.

Thì như vậy là chúng ta đã thấy được những cái điệu hý của nó rồi.

Như vậy là biết được cái nguồn gốc để mà chúng ta tu về cái Định Vô Lậu để cho nó quét sạch vô lậu, để cho nó quét sạch cái tâm tham dục của chúng ta.

1.2- BA CÁCH XẢ THÂN CỦA BẬC THÁNH HIỀN

(14:06) Bậc Thánh Hiền xả thân có ba:

Bây giờ cái thân của chúng ta có xả ba cái cách của nó. Bây giờ - hồi nãy là chúng ta do cái điệu hý, mà bây giờ chúng ta lại xả về cái thân của chúng ta.

Một là hỷ thân, hai là ưu thân, ba là xả thân.

Đó, bây giờ đến cái giai đoạn của những bậc Thánh Hiền tu tập, hồi nãy là những bậc phàm phu đó là chúng ta có những điệu hý, còn bây giờ bậc Thánh Hiền có vui nữa không? Có vui điệu hý như chúng ta nữa không? Không! Hết rồi!

Vậy thì bậc Thánh hiền có xả thân có ba: hỷ thân, ưu thân và xả thân.

Trong cái thân của chúng ta coi vậy chớ nó còn cái hỷ nè, còn cái ưu nè, rồi còn cái xả của nó nữa nè. Bây giờ chúng ta về bậc Thánh rồi, chúng ta đã xa lìa những cái tham dục của thế gian rồi, bây giờ còn cái phần thân của chúng ta để nó như thế nào đây? Cho nên bậc Thánh nó có ba phần này.

Hỷ thân cũng có ba: Hại mình, hại người và hại cả hai.

Bởi vì, khi mà mình đã đứng vào ở trong những bậc Thánh Hiền rồi thì mình coi chừng cái thân của mình nó cũng có thể làm hại mình, hại người và hại cả hai người hết.

Nếu xả bỏ hỷ ấy, chỉ dùng hỷ đúng như thật, không hại mình, hại người và hại cả hai, nhờ đó chuyên chú mãi không quên, đây là thọ cụ túc giới.

Đó. Bây giờ đó mới là một cái vị bậc Thánh Hiền, mới là gọi là thọ cụ túc giới đây, chớ không phải như hồi nãy là vô lậu đâu mà đây là thọ cụ túc giới, nó mới đầy đủ cái giới đầy đủ của cái vị tu sĩ đây.

Nếu mà chúng ta dùng cái hỷ, mà cái hỷ đó nó như là chúng ta tu về cái Hỷ Vô Lượng Tâm đó. Cái Hỷ Vô Lượng Tâm đó nó sẽ giúp chúng ta xả được không hại mình, hại người mà hại cả hai, cho nên chúng ta biết cái hỷ đó là hoan hỷ, vui theo với mọi sự, mọi vật, thì do đó chúng ta không làm hại người nào hết, không làm khổ ai hết, không làm khổ mình, khổ người nữa.

Do đó mà chúng ta đã thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm thì chúng ta thấy cái hỷ này rất là cần thiết cho cái sự tu tập của chúng ta. Do đó thì chúng ta nhớ mãi không quên do cái lòng hỷ này, thì đó là chúng ta mới thọ cụ túc giới.

Về ưu thân cũng có ba: Hại mình, hại người, hại cả hai.

Chữ ưu đây là cái sự buồn khổ đó, buồn khổ trong cái thân của mình. Thân mình nhức cái chỗ này, thân mình đau chỗ kia, lói chỗ nọ đó, là cái sự buồn khổ của cái thân đó.

Nếu xả bỏ ưu thân này, dùng ưu thân đúng như thật, không hại mình, không hại người, hại cả hai, đây gọi là thọ cụ túc giới.

Nghĩa là chúng ta dùng cái ưu thật, nghĩa là đừng có lấy cái đau khổ của mình mà làm cho mình khổ sở đó, là cái sai.

Mà lấy cái đau khổ phiền toái của chúng sinh mà làm cái chỗ mà thương xót, thì đó là chúng ta đã thọ cụ túc giới đó, như Thầy dạy Từ, Bi, Hỷ, Xả đó, quý thầy tu tập về cái lòng thương yêu của mình đó, đó là cái chỗ mà về ưu thân có ba đó, là không hại mình, hại người, hại cả hai, tức là thực hiện tâm Từ Bi của mình đó.

Đó là gọi là xả về cái ưu thân của mình, đây gọi là thọ cụ túc giới thứ hai.

(17:27) Về xả thân cũng có ba.

Mình xả, có cái mình xả mà hại người, có cái mình xả hại mình, có cái mình xả hại cả hai.

Cho nên mình phải xét cái nào mình xả, mình bỏ ra mà hại người khác, cũng như bây giờ mình tính thôi bây giờ mình bỏ đi, mình bỏ mình đi tu đi, mình xả bỏ hết của cải, tài sản đi, bỏ luôn cả vợ con đi. Lúc bấy giờ vợ con không ai nuôi, không ai làm cho nó sống hết, nó khổ sở.

Đó, mình xả kiểu đó mình xả kiểu mà hại người ta đó, chết đó! Bây giờ con mình mới sanh ra, nó chưa có ai mà chăm sóc, chưa ai lo lắng mình cũng xả bỏ con đi đi, thì lúc bấy giờ ai nuôi nó? Đó là mình xả như vậy là sai!

Vì vậy cho nên chúng ta khi mà xả những cái gì mà ở trong thân của chúng ta cũng như xả một cái gì đó thì chúng ta phải sáng suốt, khéo léo.

Cũng như bây giờ, cái thân của chúng ta như thế này, thôi bây giờ mình chặt cái đầu nó chết đi, nó là vô thường đi, mình xả bỏ nó đi mình cho nó không khổ nữa. Cái điều đó là mình xả ngu rồi chớ không phải là xả đúng.

Cho nên vì cái sự xả đó mà làm khổ mình đó, hại mình đó, thì cái đó là Phật nói xả kiểu đó là xả thân mà hại mình thì đừng có làm cái chuyện đó.

Cho nên có một thời Tỳ Kheo mà nghe quán cái thân bất tịnh, rồi họ thấy cái thân này ghê gớm quá, họ mướn người khác đâm cho họ chết đi, thì một lúc sau Đức Phật hay được, cấm không có cho làm cái chuyện đó, không phải là cái chỗ như vậy.

Đó thì, chúng ta thấy trong cái bước đường nói về xả thì chúng ta phải sáng suốt: xả mà không hại mình, không hại người mà không hại cả hai.

Chớ có nhiều người mà ham tu cái xả, cái bỏ gia đình, chồng con: “Trời ơi! Tức tối gần chết! Vợ con gì nói nó không biết nghe, nó bỏ đi tu vậy, thiệt là! Cái ông thầy chùa nào mà quyến rũ như vậy, tao đốt chùa!”

Bởi vậy ở trong cuốn Diệu Thiện đó, mà cái cô Diệu Thiện cổ đi tu đó, ông cha ông giận quá ông đốt chùa đó, các con không nghe! Ổng nói ông thầy quyến rũ con ổng, công chúa đi tu ổng giận đốt chùa, cho ớn, cho ghét!

…​ đây gọi là thọ cụ túc giới.

1.3- VỀ CÁC CĂN ĐÁNG VÀ KHÔNG ĐÁNG THÂN CẬN

(19:21) Về các căn, đầy đủ trong luật nghi của Hiền Thánh có chừng bao nhiêu tâm?

Có người hỏi: Về các căn mà được đầy đủ trong luật nghi của Thánh Hiền có chừng bao nhiêu căn?

Đó thì, Đức Phật cũng giải thích cho chúng ta thấy rằng về luật nghi mà đối với các căn của chúng ta được đầy đủ của Thánh Hiền.

Về mắt thấy sắc, Ta nói có hai:

Nghĩa là đối với mắt thì ta thấy cái sắc, thấy các pháp đó thì ta thấy phải có hai, để cho cái luật nghi của giới Thánh Hiền nó phải như thế nào đúng ở trong cái chỗ căn đó, cho nên đối với mắt thì nó có hai.

Một là đáng thân cận, hai là không đáng thân cận.

Đó thì, các thầy thấy khi chúng ta thấy một cái vật đó mà chúng ta đáng thân cận, mà khi chúng ta thấy vật đó mà chúng ta không đáng thân cận, thì chúng ta phải thấy khi con mắt thấy cái vật đó mà chúng ta thân cận, mà thấy cái vật đó mà chúng ta không nên thân cận, thì cái này nó là luật nghi của Phật đó, cái luật nghi của Phật.

Mình thấy một cái gì đó mà gợi cái tâm dục của mình lên là không nên đáng thân cận, mà thấy cái đó mà tâm dục mình không có gợi lên, không có ham thích đó, thì cái đó là đáng thân cận.

Đó. Cũng như bây giờ các thầy vô đây ăn ngày bữa cơm mà không cho quý thầy ăn phi thời thì cái đó là quý thầy đáng thân cận. Thấy thực phẩm ở đây mà bắt đầu mà cho quý thầy không thấy thèm, thấy khát cái gì hết đó, thì đó là đáng thân cận, mà thấy các thầy mà thấy còn thèm ăn, còn này kia thì không nên đáng thân cận, vì cái chỗ đó là không phải chỗ tu.

Cho đến tai nghe cũng vậy, mà mũi ngửi mùi cũng vậy, lưỡi nếm vị cũng vậy, thân xúc chạm cũng vậy, ý duyên pháp cũng vậy.

Nghĩa là cũng có hai pháp, hai pháp vậy, lúc thì cái mũi, cái mùi của mình, mà cái tai nghe tiếng của mình thì cái tiếng nào đáng thân cận.

Cũng như nghe Thầy thuyết giảng thì các con nghe cái tiếng đó là đáng thân cận, mà nghe ca, nghe hát, nghe mấy cô đào ở thành phố mà phát đài đó, các con mở đài ra nghe ca hát: “Trời du dương quá!” - tám câu vọng cổ, mười câu vọng cổ nghe trữ tình dữ tợn đó, nghe nó muốn xiệu hết đó, thì các con nên dẹp cái thứ đó đi, cái đó là không có đáng nghe! Cái tiếng đó không có được nghe!

Đó thì những cái vậy. Còn những cái mùi thơm, mùi này, mùi kia, mùi mà làm cho chúng ta gợi lên cái thích ăn rồi thích mà gần gũi, thì những cái mùi đó dẹp đi! Những cái mùi vị của đạo thì nên là gần gũi, mà cái mùi vị mà của thế gian thì không gần gũi.

Còn cái lưỡi nếm vị cũng vậy: vị ngon, vị đắng, vị này kia tất cả, xa lìa nó đi, đừng có nếm những cái vị đó, nó không có được! Phải nếm cái vị Cam Lồ của sự tu hành của chúng ta mà thôi!

Thân xúc chạm cũng vậy, ý duyên pháp cũng vậy, cho nên nó cũng có hai. Đó là quý thầy nhớ kỹ để mà chúng ta nỗ lực tu hành.

(22:02) Như thế nào mắt thấy sắc mà thiện pháp tổn giảm?

Nghĩa là Đức Phật nói: Khi con mắt chúng ta thấy một cái hình ảnh đó mà cái thiện pháp nó bị làm giảm xuống đi, mà bất thiện pháp nó tăng trưởng thì không nên thân cận cái đó. Các thầy hiểu chưa?

Mà bây giờ mắt thấy sắc đó mà cái thiện pháp nó tăng trưởng, bây giờ thấy - thí dụ như có người ăn mày đi sang qua đường của mình, đi ngang trước ngõ mình, mình thấy cái người đó đói khổ quá tội nghiệp, mình lấy gạo mình cho người đó, hay lấy cơm cho người đó, hay lấy thực phẩm cho người đó, hay lấy tiền cho người đó, thì cái đó là mình thân cận cái đó!

Còn mình thấy một cái người uống rượu mà mình nhào vô mình uống rượu với họ, thì thôi thôi, đừng đừng! Thấy cái này thôi thôi để mình - nó là ác pháp nó tăng trưởng rồi đó, mà thiện pháp nó giảm xuống thì mình tránh xa cái bọn uống rượu đi! Thì như vậy đó là mình mắt thấy sắc mà thiện pháp nó tổn giảm thì ngay đó là mình lui đi.

Thấy người ta bài bạc thôi đừng có rớ vô vì đó là cái ác pháp rồi. Bất thiện pháp nó sẽ tăng trưởng lên mà thiện pháp nó giảm, vì vậy cho nên mình tránh xa đi!

2. Mắt thấy sắc mà thiện pháp tăng trưởng, bất thiện pháp tổn giảm thì nên đáng thân cận. Đây là các căn đầy đủ luật nghi Thánh Hiền.

Đó thì, quý thầy thấy chưa?

Bởi vì mình muốn cho cái luật nghi của Thánh Hiền mình, cái oai nghi, cái tế hạnh của luật của mình đầy đủ thì mình có con mắt, mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình đối với cái pháp nào mà đáng thân cận mà pháp nào không đáng thân cận, hễ thiện pháp tăng trưởng thì thân cận, mà ác pháp tăng trưởng thì mình không được thân cận.

Đó Phật dạy cho mình từng chút để mình giữ oai nghi, cái luật nghi tế hạnh của mình ở trong những cái chỗ mà mình có thể tiếp xúc. Chớ đâu phải là Đức Phật dạy luật nghi mà không có cái hiểu biết như vậy thì quý thầy sẽ bị phạm hết sao!

Cho nên trong cái dạy về giới luật, Thầy dạy rất kỹ về cái vấn đề này để cho quý thầy thấy được cái chỗ tu tập của chúng ta trong cái giới hạnh cho nó nghiêm chỉnh, biết nó được cái nào là đúng, cái nào là sai ở trong cái oai nghi, chánh hạnh của bậc Thánh Hiền.

1.4- BA LOẠI CỨU CÁNH

(24:09) Có bao nhiêu cứu cánh?

Ở đây có người hỏi Đức Phật: “Có bao nhiêu cứu cánh?”

Bị ái làm khổ thân, tâm mà diệt được thì gọi là cứu cánh.

Đức Phật trả lời đó! Bị ái tức là bị thương ghét, bị ham muốn làm khổ thân, tâm của mình mà diệt được cái đó là cứu cánh!

Vậy thì cứu cánh có bao nhiêu?

Có ba cứu cánh:

Đó, Đức Phật phân tích cho chúng ta thấy nó có ba cứu cánh. Bây giờ chúng ta diệt ái mà nó sạch rồi thì thân, tâm của chúng ta không còn khổ được nữa, thì nó gọi là cứu cánh, chớ không phải là cứu cánh có một cảnh giới nào khác lạ hơn là cái chỗ mà chúng ta diệt cái lòng ham muốn của chúng ta.

Do đó, khi mà cái lòng ham muốn nó hết đó là gọi là cứu cánh. Nhưng mà nó có mấy loại cứu cánh? Ở đây Phật nói có ba loại cứu cánh.

1. Cứu cánh Phạm hạnh;

Cứu cánh Phạm hạnh tức là giới hạnh đó, các con thấy, giới hạnh đó. Vậy thì cứu cánh Phạm hạnh, một người mà còn làm nghề nông nè, còn làm thư ký nè, còn làm thầy thuốc nè, thì cái đó có Phạm hạnh không? Không có Phạm hạnh!

Cho nên nó còn bận tâm lo là đi vào rừng đào rễ cây về vạt, rồi mới là hốt, mới bằm, sắc, sao, rồi đốt hay hoặc là tẩm rồi chế cái này, chế kia ra rồi mới hốt cho họ thành thang để họ trị bệnh, thì như vậy họ có cứu cánh không? Hay hoặc là họ đang bận công việc?

Họ đâu có giải thoát đâu mà gọi là cứu cánh. Cho nên không thể nào gọi là cứu cánh Phạm hạnh được, mà cứu cánh Phạm hạnh thì gọi là giới hạnh.

Cái thứ hai là:

2. Cứu cánh an ổn;

Cứu cánh an ổn gọi là giới đức.

Một người tu mà ngồi thiền định mà nhập từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền, có an ổn không quý thầy? Rất an ổn, hỷ lạc rất tràn đầy, lúc bấy giờ ngồi như là ở trên cái cảnh giới Thiên đàng chớ đâu phải là ngồi dưới đất này đâu! Cho nên vì vậy đó gọi là giới đức.

3. Cứu cánh vô dư.

Đó là cái cứu cánh vô dư, đó là giới tuệ. Cái cứu cánh vô dư đó là giới tuệ.

Các thầy thấy: Ba cái cứu cánh này nó ứng với ba cái giới mà chúng ta đã học, giới hạnh, giới đức, giới tuệ.

Đó thì, qua những cái bài học như vậy thì chúng ta đã thấy, biết được rằng con đường mà chúng ta tu tập nó phải đi từng bậc nào để mà đi vào trong những cái giới luật mà chúng ta đã học.

Tiếp tục Thầy giảng thêm cái phần này để chúng ta thấy được con đường tu tập giới luật của chúng ta nó thực hiện như thế nào để mà chúng ta biết được cho nó rõ ràng hơn để mà chuẩn bị cho cái sự bước qua một cái giai đoạn giới tuệ cho nó thông suốt. Chớ còn nếu không mà bước qua giới tuệ thì tức là chúng ta thấy như mình ở trên trời xanh chớ chưa phải là ở dưới đất đâu!

1.5- NĂM PHÁP KHIẾN DỤC LẠC TĂNG TRƯỞNG

(26:38) Có năm pháp khiến dục lạc tăng trưởng:

Hồi nãy chúng ta nói dục đó, tham dục đó, thì bây giờ nó về dục lạc mà khiến cho nó tăng trưởng, có năm pháp khiến cho dục lạc tăng trưởng.

Người tu sĩ Phật giáo phải xem năm pháp này là dây xiềng xích, lòi tói trói chặt người tu sĩ, không có vẫy vùng, khó mà vẫy vùng ra khỏi.

Nghĩa là phải thấy năm pháp mà khiến cho cái dục lạc của thế gian nó tăng thịnh ở trong tâm của chúng ta. Vậy đó năm pháp đó là gì?

Những sắc pháp do mắt cảm nhận khả ái, mỹ miều, thích thú, hấp dẫn, câu hữu với dục lạc, ái lạc.

Đó, thì cái pháp nào, lẽ ra thì Thầy đã giảng ở trong cái chỗ Ngũ Dục Lạc, rồi sáu cái dục lạc sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đó, nhưng mà Thầy lướt qua cái chỗ đó đi. Cho nên bây giờ Thầy nghĩ rằng nếu mà không nhắc lại sơ cái này, coi như lược sơ, thì quý thầy - không có giảng cái phần đó thì coi như là hơi thiếu.

Thay vì phải giảng cái phần đó thì nó cũng quá nhiều cho nên Thầy không giảng, nhưng ở đây Thầy chỉ lược sơ để cho quý thầy thấy được cái chỗ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đó, đó là nó lôi hút, nó cám dỗ chúng ta cũng dữ lắm!

Nhưng ở đây, để xuyên qua trong cái phần giới luật của giới tuệ thì chúng ta nhắc lại cái phần này để chúng ta thấy được cái chỗ mà chúng ta tiến vào con đường của đạo Phật.

Những sắc pháp do mắt cảm nhận, nó làm cho chúng ta thấy khả ái, mỹ miều, thích thú, hấp dẫn, câu hữu với dục lạc và ái lạc.

Đó, thì những cái pháp đó đó, chúng ta phải - nó là những cái sợi dây xiềng xích, lòi tói mà trói chặt chúng ta lắm đó! Coi chừng những cái hình ảnh, cái sắc pháp đó nó sẽ cám dỗ chúng ta mạnh lắm đó!

Những tiếng pháp do tai cảm nhận…​

Những cái âm thanh, cái tiếng pháp đó, coi chừng nó cũng có thể - nó cũng là những sợi dây xiềng xích, lòi tói, nó trói chặt chúng ta lắm đó!

(28:41) Những hương do mũi cảm nhận…​

Những hương thơm do mũi cảm nhận, nó cũng là sợi dây xiềng xích, lòi tói trói chặt chúng ta đó!

Những vị do lưỡi cảm nhận…​

Tức là những cái ngày mà chúng ta ăn cái món ăn ngon, ăn dở, coi chừng à nó trói chúng ta chặt lắm đó! Nó là sợi dây xiềng xích, lòi tói rất là chặt đó!

…​ do xúc thân cảm nhận.

Đó thì, những cái điều kiện đó nó là những cái sợi dây trói chặt.

Năm pháp này khiến cho con người chấp trước, mê đắm, bị trói buộc, không thấy nguy hiểm của chúng, không nhận thức sự không thoát ly chúng.

Nếu mà chúng ta không nhận nó được thì nó sẽ trói buộc chúng ta rất chặt chớ không phải là đơn giản đâu. Thường thường là chúng ta xem thường nó lắm, nhưng mà rồi chúng ta sẽ bị nó trói chặt!

Cho nên ở đây, Phật chỉ nêu lên năm cái pháp để mà nó lôi cuốn, nó trói chặt chúng ta. Nhưng chúng ta còn quên có một cái pháp nữa, tức là cái pháp thứ sáu đó, do cái ý.

Ở đây nói nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý - thân thì có xúc, mà ý thì nó có khởi ra các pháp, cho nên cái pháp nó làm cho chúng ta trở thành những cái kiến chấp, nó cũng ghê gớm vô cùng, nó trói chặt chúng ta.

Biết cái pháp của mình là sai chớ chưa dám bỏ đâu, khi mà mình nghĩ rằng: “Con đường thiền của tui tu đây là đúng của Phật rồi!” - mà trật, sự thật ra nó trật lất à, nó không có đúng, mà họ nói đó là đúng rồi, họ bỏ không có được.

Cũng như họ tu tập thiền xuất hồn, họ nói đây là xuất hồn, tui có xuất hồn được rồi, cho nên từ đó họ không bỏ được. Đó là cái pháp, cái pháp làm cho họ dính mắc, nó cũng cám dỗ dữ lắm!

Khi mà đọc được một cái bài nào đó họ thích thú, cũng chẳng hạn là như có người đọc sách của ông Krisnamurti: “Trời ơi nó hay quá, quá chừng hay!” Do đó mở miệng ra thì cứ Krisnamurti không ở trỏng à, mà cuối cùng thì ông ta chỉ có miệng không à, chớ không có giải thoát như Krisnamurti chút nào hết.

Cho nên cuối cùng thì cái đó gọi là cái kiến chấp của pháp, mà cái đó nó lôi cuốn cũng mạnh lắm! Hở ra chút nào thì ông ta vươn cổ lên mà khạc ra ba cái thứ đó. Nó không phải là con đường giải thoát mà là con đường tà kiến, một con đường sai, mà lý luận nó nghe nó siêu việt dữ lắm, cho nên từ đó chúng ta bị cái lầm chấp đó, chúng ta thấy nó hay cho nên chúng ta bị dính nó rồi! Nó cũng làm chúng ta thích thú, cũng say mê, cho nên nó trói buộc chúng ta rất chặt.

Cho nên ở đây thì Phật nói năm chứ sự thật nó là sáu: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà! Chớ đâu phải là cái thứ thường đâu!

1.6- NĂM TRIỀN CÁI

(31:09) Bây giờ tiếp tục, chúng ta sẽ học cái phần này. Bởi vì chúng ta nghe triền cái rồi nghe nào là kiết sử mà chúng ta không hiểu nó thì chúng ta biết ở đâu mà chúng ta dẹp những cái triền cái này? Bắt đầu chúng ta phải học cái này.

Có năm triền cái được gọi là chướng ngại, được gọi là màn che, triền phược trong giới luật của bậc Thánh.

Nghĩa là năm cái này nó làm cho chúng ta - nó làm cho che mất cái giới luật nghi của các bậc Thánh, nó làm cho chúng ta không giữ trọn được các bậc Thánh là năm cái triền cái này.

Cho nên một cái người mà học về giới luật mà không thông được năm cái triền cái này thì chúng ta bị nó che. Bởi vì “cái” là cái màn che, nó che ngăn, nó làm cho chúng ta không có thấy được, cho nên chúng ta phạm giới chớ không phải gì hết. Còn chúng ta thấy được thì chúng ta không phạm giới.

Cho nên trong cái luật của bậc Thánh Hiền mà khi mà chúng ta rõ được năm triền cái này thì chúng ta không còn bị nó che mất cái luật của chúng ta đi. Còn nếu mà không rõ thì nó bị che mất đi, nó làm chúng ta phạm giới.

1. Dục cái;

Tức là tham cái đó.

2. Sân cái;

3. Hôn trầm - thùy miên cái;

4. Trạo hối cái;

5. Nghi cái.

Đó là năm cái được gọi là Ngũ Triền Cái đó! Năm cái triền cái, năm cái sự ngăn che làm chúng ta mờ mịt, làm chúng ta phạm giới của bậc Thánh Hiền đó, thì đó là năm cái này.

Dục cái hay là tham cái tức là cái lòng ham muốn của chúng ta, nó ngăn che, nó làm chúng ta phạm giới.

Bởi vì mình ham muốn, thí dụ như mình thấy cục đường hay hoặc là cái miếng kẹo hay cái bánh, cái mình thèm ăn rồi, thì bắt đầu mình lấy mình bỏ vô miệng mình nhai nuốt đi, thì tức là cái lòng tham muốn của mình đó đó mà nó che đi, làm cho mình phạm giới phi thời, phải không? Quý thầy thấy rất rõ không?

Cho nên chỉ một chút xíu thôi là mình bị phạm giới thôi, chỉ một chút cà, nó ham muốn cái đó thì nó bị che cái giới luật đi thì cái đó là mình bị phi thời mất.

Sân cái tức là cái tâm sân hận của chúng ta. Giận dữ lên thì nó làm chúng ta phạm vào những cái giới luật, lời ăn, tiếng nói chúng ta thô lỗ, tức là nó phạm vào cái giới luật đó rồi!

Nó chửi mắng người ta, nó nạt nộ người ta, nó làm dữ tợn, thì nó là phạm phải là cái giới luật về khẩu nghiệp của chúng ta. Đó, cho nên chúng ta nó phạm vào cái giới.

Ba là hôn trầm - thùy miên cái. Hôn trầm là ngủ gục, thùy miên là ngủ. Những cái người mà ngủ này họ thường thường là họ bị phi thời. Cho nên trong cái vấn đề mà hôn trầm - thùy miên này nó mới sanh ra cái si, mà cái si thì si cái đó, tức là cái ngu si, cái vô minh đó, thì gọi là hôn trầm - thùy miên cái tức là gọi là si.

(34:01) Cho nên gọi là tham, sân, si đó, nó là ba cái độc, thì hôn trầm - thùy miên là cái trạng thái của cái người ngu si, mà ngu si thì nó làm cho người ta vô minh, người ta không có thấy cái đúng, cái sai, cái nào là hại, cái nào không hại, cái nào là đúng chân lý, mà cái nào không đúng chân lý. Vì cái si mà, làm sao đúng được, cho nên do đó nó bị lầm chấp.

Cũng như bây giờ mình chấp một cái pháp nào đó, mình cứ cho nó đúng, tức là do cái si mê của mình, bị cái kiến chấp. Cũng như mình lầm chấp cái thân của mình có cái ngã ở trong này, có cái thật ở trong này, đó là cái lầm chấp, mà cái lầm chấp đó gọi là si, si mê.

Mà cái si mê đó nó hiện ra cái tướng hôn trầm - thùy miên, tức là cái người mà ngu si là cái người ham ngủ. Cái người mà ham ngủ, ngủ gà, ngủ gật là mấy người đó ngu si lắm! Họ không có thông minh.

Mặc dù là họ thông minh cái gì kệ họ, nhưng mà đối với Phật Pháp, đối với sự giải thoát, tu hành, họ là người ham ngủ thì họ là cái người ngu si, họ không sáng suốt được, họ không thấy được cái chân lý đúng là cái chỗ giải thoát.

Mà họ, cái người mà ngu si mà hôn trầm - thùy miên đó là cái người đó họ luôn luôn là - những hạng người đó họ chạy theo dục chớ không bao giờ mà họ thoát ra khỏi dục.

Bốn là trạo hối cái. Trạo hối cái là những cái loạn tưởng, những cái vọng tưởng nó liên tục, nó từ cái này đến cái khác, nó làm cho họ nhớ, tiếc thương cái này, nhớ, tiếc thương cái kia. Ngồi đây mà nhớ chuyện quá khứ không đó thì cái chuyện đó là trạo hối của họ, gọi là trạo hối cái, nó che làm cho họ không có thấy được cái tâm của họ đang dày vò, đang đau khổ, đang nhớ cái này, đang tiếc cái kia đó, gọi là trạo hối!

(Mất tiếng) …​ mình thế này, cũng như mình đến mình học với ông thầy nào đó dạy mình, nghi ông thầy: “Ổng chưa có tu chứng” như thế này, như thế khác, “thôi mình học ít bữa bỏ đi.”

Như mình thấy cái vị đó tu hành, mình đâu có hiểu được họ như thế nào, trong một ngày, hai ngày đâu làm sao thông họ được?

“Cái ông thầy này ổng ở bẩn quá, không có thể được!” Rồi mình ở với ông thầy này: “Ông thầy này ổng khổ hạnh quá, mình ở cũng không được!” - “Ông này ổng ăn uống ngày có một bữa như vậy, sống sao nổi mà tu!” - “Ông thầy này ổng làm cái kiểu cách ổng chớ chưa chắc đã là chứng!”

Do đó mình nghi ổng đi. Mình nghi ổng tức là mình phải bỏ ổng thôi, mình không làm sao mình tu. Cho nên, những cái nghi đó là nó che mờ mà mình không thấy được cái điều kiện.

Hoặc là ông thầy ổng thể hiện qua cái ổng thử thách người đệ tử, cái người đệ tử tưởng là: “Ông thầy này ổng còn phàm phu quá! Thấy kiểu cách của ổng không thấy ổng là bậc Thánh!

Nhưng mà không ngờ là người ta thử thách mình, nhưng mà cuối cùng thì mình bị người ta gạt mình, rồi mình đâm ra mình nghi ông thầy. Từ đó mình sẽ mất cái chỗ đứng của mình mình tu tập.

Bởi năm triền cái này mà người tu sĩ bị che khuất, bị trói buộc, bị triền phược, bị chướng ngại khiến cho người tu sĩ phạm giới.

Đó, thì năm cái triền cái đó nó sẽ làm cho cái người tu sĩ phạm giới, đều là do năm cái triền cái đó.

1.7- NĂM HẠ PHẦN KIẾT SỬ

(36:50) Đó thì chúng ta đã biết được năm cái triền cái rồi thì bây giờ chúng ta học thêm năm cái hạ phần kiết sử.

Bởi vì về kiết sử thì nó có năm hạ phần kiết sử và năm thượng phần kiết sử. Nếu mà chúng ta không học thì chúng ta làm sao biết được, do đó chúng ta thấy triền cái nó cũng giống, mà lại là kiết sử nó cũng giống, nó cũng giống như nhau, nó không khác nhau, là chỗ nào là kiết sử, mà chỗ nào là cái? Chúng ta phải phân biệt được cái chỗ này!

Năm hạ phần kiết sử:

1. Tham;

2. Sân;

3. Si;

4. Mạn;

5. Nghi.

Đó. Tham tức là hồi nãy là dục cái đó, chúng ta thấy, hễ nói về nó che ngăn, nó làm cho chúng ta không thấy, gọi là cái, mà nó làm cho chúng ta bị trói buộc, bị dính mắc đó, thì đó là kiết sử.

Kiết sử có nghĩa là nó trói chúng ta, rồi nó sai chúng ta, nó làm cho chúng ta chạy theo nó, gọi là kiết sử. Đó cho nên, khi mà chúng ta bị một cái tâm tham mà nó kiết sử thì chúng ta bị nó trói chúng ta, rồi nó sai chúng ta, gọi là kiết sử.

Mà khi mà cái tâm tham của chúng ta nó bị mờ ám, nó làm cho chúng ta phạm giới đó, thì cái đó là dục cái. Chúng ta không rõ cho nên do cái tâm ham muốn đó mà nó xảy ra, nó làm chúng ta phạm giới thì đó là dục cái.

(38:13) Chẳng hạn là như bây giờ đó, mình bị che mờ, mình thấy một cái cô phụ nữ đi ngang qua, trong tâm mình khởi lên có cái tâm dục, thì do đó là mình bị cái tâm dục mình nó che đi, tức là cái tâm tham dục đó nó che đi, do đó cái ý mình khởi lên thấy cô ta đẹp, chớ mình chưa khởi gì hết, thấy cô ta đẹp thì ngay đó là mình bị che mờ đi, do cái ý đó mình đã bị phạm giới.

Đó. Còn bây giờ thì kiết sử thì nó lôi chúng ta chạy theo cười cợt, nói chuyện với cô ta rồi đó, thì cái chuyện đó là kiết sử!

Bây giờ nó lại gần hơn đó, hồi đó nó che chúng ta, rồi chúng ta không thấy, chúng ta khởi, mới khởi ý thích thôi, thì bắt đầu cô này ngó mình một cái, cái liếc cái rồi mình cũng ngó theo, mình liếc theo. Bắt đầu bây giờ đi theo gót cô ta tìm cách gợi chuyện nói, thì như vậy đó là mình đã bị kiết sử nó trói mình đó.

Sân nó cũng vậy.

Mà si, ở đây chỗ si mà gọi là năm hạ phần kiết sử thì Phật còn có gọi một cái tên là giới cấm thủ.

Giới cấm thủ nghĩa là cái si nó làm cho mình dính mắc, giữ gìn cái đó trở lại, nó làm cho mình không có thấy cho nên mình không có buông ra được, mình không có ly ra được. Đó, mình chạy theo hoài mà không có biết mệt mỏi. Đó gọi là Si, cho nên Phật còn gọi là giới cấm thủ.

Mạn - tức là ở đây Phật còn gọi chữ mạn đó là thân kiến. Thân kiến nghĩa là mình chấp cái thân của mình.

Cái phần năm hạ phần kiết sử này là thay vì mạn là ngã mạn, là kiêu mạn, thì ở đây Phật - cái mạn của năm cái hạ phần kiết sử này thì Phật cho là thân kiến, tức là mình chấp cái thân của mình là có thật, ở trong cái thân Tứ Đại này nó có cái thật ở trong này, cho nên đó gọi là thân kiến hay là kiến chấp. Thân kiến tức là chấp cái thân có thật.

Cho nên chữ mạn đây là chỉ cái thân kiến chớ không phải là mạn là ngã mạn, cao ngạo, mà đây là thân kiến. Cho nên năm hạ phần kiết sử đây, mình chấp cái thân mình do có - vì vậy mà có những vật chất xung quanh là cái năng sở của nó, nó trói buộc mình, nó làm cho mình bị cái mạn này.

Nghi thì chắc chắn là hồi nãy Thầy có giảng ở nghi cái rồi, bởi vì cái nghi này nó nghi rồi bắt đầu nó cứ theo dõi nó này kia nọ, nó đủ cách nó lôi cuốn mình đó, gọi là nghi. Mà nó - cái kiết sử thì nó lôi mình đi theo cái sự nghi đó mà nó không bao giờ mà rời, gọi là kiết sử. Cho nên đây gọi là năm hạ phần kiết sử.

1.8- NĂM THƯỢNG PHẦN KIẾT SỬ

(40:47) Năm thượng phần kiết sử thì như thế nào:

1. Sắc tham;

2. Vô sắc tham;

3. Mạn;

4. Trạo cử;

5. Vô minh.

Vô minh ở đây chúng ta phải hiểu nó là si đó, là hôn trầm, thùy miên như hồi nãy đó, là ở trên cái cái kia. Còn chữ si ở chỗ năm hạ phần kiết sử này là giới cấm thủ tức là bị dính mắc, nó không rời ra được, nó giữ chặt, bị nó trói buộc ở trong cái vật chất, cái giới đó rồi, nó làm cho chúng ta chặt ở trong đó.

Cho nên cái si này nó bị mờ mịt, nó không thấy, nó vô minh không thấy mà cứ chính cho đó là cái chấp của mình, như mình bây giờ thân kiến, mình chấp cái thân này thật mà mình bị giới cấm thủ của cái si cho nên mình coi nó là thật, ai nói gì mình cũng chẳng nghe hết, tức là mình bị si, tức là giới cấm thủ đó!

Còn ở đây, còn ở năm thượng phần kiết sử này, sắc tham nghĩa là có một cái hình ảnh, có một cái sắc tướng nào đó làm cho mình chạy theo cái sắc đó, trói buộc mình chạy theo sắc đó tức là sắc tham.

Vô sắc tham tức là mình ngồi, mình tưởng tượng ra cái hình sắc này, hình sắc kia, mình thấy thích thú ở trong đó, đó là kiết sử nó vô sắc tham.

Ba là mạn. Mạn là mình - tức là ở chỗ mạn này là cao mạn, kiêu mạn đó, chớ không phải là mạn là thân kiến nữa đâu, nghĩa là nó coi mình là trên hết đó. Thì cái mạn cũng có nghĩa là thân kiến, mà cũng có nghĩa là cao ngạo, mà cũng có nghĩa là chấp ngã.

(42:18) Trạo cử - trạo cử như hồi nãy mà ở chỗ trạo hối đó. Trạo cử là nó lăng xăng, nó nghĩ chuyện này đến chuyện kia, lung tung đó. Đó là năm thượng phần kiết sử, thì cái triền miên của cái tư tưởng mà nó nối tiếp nhau nó gây chúng ta có cái sự liên tục, trói buộc nhau ở trong sự triền miên suy nghĩ đó, thì cái đó gọi là trạo cử của kiết sử - năm thượng phần kiết sử.

Vô minh tức là si. Thì si vô minh thì nó cũng giống như những cái si kia, nhưng mà cái si này nó thể hiện qua cái chỗ vô minh, mờ không thấy rõ năm cái thượng phần kiết sử này, là không thấy rõ cái chân lý giải thoát của đạo Phật.

Còn cái si hồi nãy đó là cái hôn trầm, thùy miên, đó là cái, là cái sự ngu si của một cái mất tỉnh thức, nó không sáng suốt.

Còn cái chỗ vô minh này nó có minh, người này có thể là một - cái chỗ vô minh của thượng phần kiết sử này, là cái người đó có thể là một nhà bác học, có thể là một nhà tiến sĩ học rất thông minh, thông minh mọi mặt của thế gian, nhưng mà họ không có thông minh cái con đường giải thoát của họ, họ không có trí tuệ hiểu biết chân thật như bốn cái chân lý của Phật là Khổ - Tập - Diệt - Đạo, cho nên họ không giải thoát được họ, thì vậy gọi là cái vô minh này gọi là si.

Họ không thấy được cái chân lý giải thoát mà họ thấy toàn là chạy theo cái danh lợi, chạy theo cái danh của thế gian, cái lợi của thế gian, cái sắc của thế gian, cái ăn, cái uống, ngủ của thế gian. Họ làm cái gì họ cũng lo phục vụ cho những cái đó thì họ gọi là vô minh.

Chớ họ thông minh lắm chớ không phải! Họ làm ông giám đốc, bà giám đốc không chớ đâu phải làm nhỏ đâu. Họ làm ông lớn không đó chớ không phải là làm nhỏ, nhưng mà họ vẫn vô minh là vì họ không giải thoát.

Cho nên chữ si của năm thượng phần kiết sử thì chúng ta phải hiểu chữ si này nó nằm ở chỗ nó là chạy theo những cái thông minh của dục lạc chớ không phải là si theo cái kiểu buồn ngủ mà như mấy thằng làm biếng đó đâu, như là triền cái đó đâu!

Đó thì phải hiểu như vậy thì chúng ta mới hiểu được những cái danh từ ở trong kinh điển của đạo Phật để chỉ cho cái tên của nó như thế nào.

1.9- BẢY KIẾT SỬ

(44:20) Và về phần kiết sử mà gọi chung thì Đức Phật có cho nó là bảy cái kiết sử. Nghĩa là hồi đó thì năm cái hạ phần kiết sử, rồi năm cái thượng phần kiết sử, tức là mười cái kiết sử. Nhưng mà Đức Phật tóm lại thì cho chúng ta biết rằng có bảy kiết sử. Đó là:

1. Ái kiết sử;

2. Sân kiết sử;

3. Kiến kiết sử;

4. Nghi kiết sử;

5. Mạn kiết sử;

6. Hữu tham kiết sử;

7. Vô minh kiết sử.

Đó, thì chúng ta thấy nó rõ ràng là bảy cái kiết sử này mà gồm chung nó là mười cái kiết sử kia là năm hạ phần kiết sử và năm thượng phần kiết sử, gồm lại thì nó chỉ có bảy kiết sử, tắt lại thì nó có bảy kiết sử mà thôi.

Ở đây thì những kiết sử cũng là - ái kiết sử tức là dục kiết sử hay là tham kiết sử thôi chớ không có gì; sân thì biết rồi; kiến thì thân kiến thì biết rồi; nghi thì quý vị cũng biết rồi; mạn thì cũng biết rồi; hữu tham kiết sử: Hữu tham kiết sử là các vị cũng biết rồi; mà vô minh kiết sử thì cũng biết rồi.

Hữu tham tức là có khởi một cái lòng ham muốn. Hữu là có mà, có khởi cái lòng ham muốn tức là có kiết sử liền tức khắc.

Đó như vậy là chúng ta đã rõ hết bảy cái kiết sử.

1.10- BẢY TÙY MIÊN

(45:37) Vậy thì rõ biết bảy kiết sử thì chúng ta phải rõ thêm bảy tùy miên.

Tùy miên đây không phải thùy miên. Thùy miên là buồn ngủ, còn tùy miên: Tùy là theo, miên là liên tục, theo liên tục. Cho nên cái này gọi là theo liên tục đó, thì gọi là bảy tùy miên.

Cho nên có nhiều người không hiểu, thấy trong kinh sách có chỗ sao để thùy miên, rồi có chỗ sao để tùy miên, họ không hiểu!

Họ không hiểu cái danh từ chỗ người ta dùng, và người ta cũng không hiểu bởi vì chữ “tùy” với chữ “thùy” nghe nó - gần như là cái âm nó gần giống nhau, nhưng mà cái nghĩa nó cách xa lắm! Chữ “thùy” là nó ngủ, mà chữ tùy là nó theo!

Đó phải hiểu như vậy để rồi chúng ta mới thấy được cái chỗ bảy tùy miên này. Nó có bảy tùy miên chớ không phải có thùy miên, hôn trầm, thùy miên không, cái kia là ngủ nghỉ, ngủ gục thôi, nó khác.

Cho nên bảy tùy miên này nó như thế nào?

Một là dục ái tùy miên. Nghĩa cái lòng mà tham ái, tham dục của mình nó miên man, nó thích thú ở trong đó, nó kéo dài chúng ta nó thích lắm, nó kéo dài cái thời gian miên miên ở trong đó đó.

Cái người mà có cái tâm dục nó miên man ở trong những cái hình ảnh của các cô gái mà khiêu gợi họ đó, họ không bao giờ quên những hình ảnh đó. Cho nên nó làm cho họ miên man ở trong cái chỗ thích dục đó!

Sân tùy miên cũng vậy. Người ta chửi mình cái bắt đầu suốt ngày đó nó cứ ở trong lòng, nó cứ liên tục nó phiền não, phiền não hoài đó, gọi là tùy miên sân đó, đó là mình phải hiểu cái chỗ đó.

Ngay sân rồi thì mình dứt đi liền, không, để nó kéo dài từ ngày này đến ngày khác, ba bốn bữa mới cười cười được chút, chớ cái mặt héo xào à! Đó là nó bị tùy miên sân đó!

Kiến tùy miên cũng vậy, luôn luôn lúc nào mình cũng chấp những cái ý nghĩ của mình, cái gì của mình đúng luôn luôn mình cứ cho đúng, luôn luôn liên tục hoài cái gì cũng cho đúng đó. Coi chừng cái đó nó kéo dài mình mà nó không bao giờ cho mình thoát ra khỏi những cái tà kiến nữa!

Nhiều khi những cái tà kiến của mình mà mình cứ cho mình đúng, rồi mình cứ miên mật, luôn liên tục ở trong cái chỗ đó mình cho nó rằng đúng, đúng, đúng, đúng không bao giờ sai hết, ai nói gì cũng trật, chỉ có mình là đúng thôi! Thì cái đó là cái tùy miên đó, tùy miên - kiến tùy miên.

Nghi tùy miên cũng vậy. Nghi người nào nghi chết thôi à, không có chịu suy nghĩ coi người ta có đúng hay sai, người ta có ăn trộm hay không, mà cứ nghi người ta ăn trộm, cứ để nghi ăn trộm hoài, mà người ta có ăn trộm đâu! Đó là tùy miên - nghi tùy miên.

(47:50) Mạn tuỳ miên cũng vậy. Ngã mạn, cống cao, luôn luôn lúc nào hở ra cũng nghênh mặt ở trên trời, đi thì không ngó dưới đất mà ngó lên trời coi thiên hạ không ra gì, coi người ta như kiến cỏ đó. Đó là mạn tùy miên!

Hữu tham tùy miên - lòng ham muốn của chúng ta, có cái gì cũng ham muốn liên tục ở trong đầu, thấy cái gì cũng ham, thấy cái gì cũng ham, gọi là hữu tham tùy miên. Thấy vật gì nhỏ, lớn gì cũng tham hết, cũng đem nhét cất hết, đó là tham tùy miên đó.

Vô minh tùy miên là luôn luôn lúc nào cũng không thấy hiểu biết cái gì hết à! Cái gì cũng chấp, cái gì cũng dính, cái gì cũng mắc hết đó, lúc nào nó cũng miên mật ở trong cái đầu của người đó hết, thì đó gọi là vô minh tùy miên, không có hiểu cái gì hết. Cái gì cũng bị dính mắc hết!

Đó là những cái phần mà chúng ta học về những cái từ để chúng ta biết được những cái trạng thái của tâm chúng ta nó rơi vào ở trong những cái trạng thái nào: của kiết sử, của năm triền cái, của bảy cái tùy miên. Chúng ta biết được những cái chỗ đó để mà chúng ta biết được cái tâm niệm của mình nó đang ở cái dạng nào mà chúng ta diệt trừ nó, chớ không có để.

Nói như vậy nó quá nhiều, quý thầy cũng khó nhớ, do đó quý thầy cũng cần phải đọc đi, đọc lại nhiều lần để nhớ những cái này. Khi cái tâm chúng ta khởi ra, chúng ta biết nó nằm ở trong cái kiết sử nào, cái dục cái nào như thế nào thì chúng ta mới loại trừ nó ra được, còn nếu không thì chúng ta khó mà loại trừ ra được nó!

Bây giờ Thầy đọc lại chỗ tùy miên con, để cho các con kiểm tra lại. Bảy hả con?

1. Dục ái tùy miên;

2. Sân tùy miên;

3. Kiến tùy miên;

4. Nghi tùy miên;

Nghi tuỳ miên phải không các con? Ừ thiếu nghi tuỳ miên. Nghi là nghi ngờ đó.

5. Mạn tùy miên;

6. Hữu tham tùy miên;

7. Vô minh tùy miên.

Đủ rồi phải không?

2- GIỚI TUỆ PHẢI ĐI TỪ NỀN TẢNG GIỚI ĐỨC, GIỚI HẠNH

(49:51) Để tiếp tục cái chương trình giáo án này, quý thầy học đến giới tuệ. Sau thời gian đã qua, đã được học giới hạnh, giới đức và bây giờ là học giới tuệ.

Giới tuệ phải được đặt trên nền tảng của giới đức, nếu không đặt trên nền tảng giới đức thì khó mà xây dựng ngôi nhà giới tuệ được. Nghĩa là không tu tập xong giới đức thì không thể nào tu tập giới tuệ được. Cũng như các thầy không tu tập giới hạnh được mà vội tu giới đức thì khó mà tu tập được.

Ví như trường học ngoài đời có ba cấp, một là Tiểu Học, hai là Trung Học, ba là Đại Học. Nếu học chưa xong Tiểu Học thì làm sao lên Trung Học học được? Nếu học chưa xong Trung Học mà lên Đại Học thì làm sao học được?

Vì vậy quý thầy muốn tu theo đạo Phật thì quý thầy phải tu tập lớp Sơ Thiện tức là giới hạnh. Khi đã tu tập lớp này xong mới tiến lên lớp Trung Thiện - giới đức. Sau khi đã tu tập xong lớp Trung Thiện xong quý thầy mới tiến lên lớp tu tập Hậu Thiện là giới tuệ.

Đó thì quý thầy thấy nó phải có từng bước, từng bước.

Cũng như bây giờ thí dụ như cái lớp Sơ Thiện là cái lớp giới hạnh, mà cái lớp giới hạnh thì quý thầy biết rằng đó là cái lộ trình của người tu sĩ. Mà bây giờ quý thầy còn ở trong chiếc áo của cư sĩ, còn gia duyên còn làm những công việc, còn bao nhiêu nghề nghiệp để sinh sống thì thử hỏi quý thầy không có thực hiện cái lớp đó mà bây giờ quý thầy ngồi cái lớp giới đức để tu thiền định thì có được không?

Như vậy là quý thầy không có học lớp Tiểu Học mà nhảy lên Trung Học học thì ngồi đó chỉ ngó thôi chớ làm cái gì? Người ta cho bài ra chỉ còn có nước cắn ngòi bút chớ làm sao mà làm?

Đó thì quý thầy thấy cái điều đó là một cái điều mà quý thầy đã lạc ở trên con đường tu tập.

Cho nên cái ba y, một bát mình vẫn chưa xong mà mình vội mình ngồi tu thiền thì chẳng qua là mình đi vào cái hang thiền quỷ thôi chớ làm sao mà thiền gì đúng được?

Bởi vì đức hạnh của con người là cái giới hạnh, là phải dẹp tất cả cái đời sống của thế gian mới đi vào con đường này được!

Bởi vậy đến giới tuệ, quý thầy mới thấy cái lực của giới tuệ nó tuyệt vời không có thể nào tưởng tượng được. Là vì người ta phải dẹp hẳn cái thế gian, cái cuộc sống của thế gian, người ta hoàn toàn là người ta thực hiện cái đời sống của bậc tu sĩ rồi, thì do đó mới đến cái giới tuệ này chúng ta mới thấy nó là cả một cái sự siêu việt của con người chớ đâu phải là tầm thường!

Cho nên muốn đi được vào cái chỗ này mà quý thầy còn sống ở trong thế gian thì thử hỏi làm sao mà quý thầy được! Cho nên cái lớp Sơ Thiện mà không được thì làm sao mà cái lớp Đại Học - cái lớp giới tuệ được, cái lớp Hậu Thiện được? Đâu có phải chuyện dễ đâu!

Lẽ ra người dạy đạo tu hành không thể dạy mênh mang như thế này được…​

(52:57) Nghĩa là đối với Thầy là một người mà dạy đạo thì không bao giờ mà dạy mênh mang như này.

…​ nhưng vì cái giáo án tu tập của Đức Phật đã có sẵn mấy ngàn năm.

Nghĩa là cái giáo án của Đức Phật đã để lại trong kinh sách của chúng ta mấy ngàn năm rồi chớ không phải là ít. Hai ngàn năm trăm bốn mươi mốt năm chớ đâu phải ít? Thế mà đến bây giờ chưa có ai sắp xếp lại được những cái thứ lớp này!

Cho nên ở đây thì, vì vậy mà Thầy phải dạy mênh mang như vầy chớ còn lẽ ra mà dạy đạo là tùy theo mỗi căn cơ của mọi người.

Bây giờ đến đây là phải sống đúng cái hạnh của người tu. Nghĩa là phải bỏ hết của cải, tài sản, dẹp hết những nghề nghiệp, đến đây chỉ ôm bát đi xin mà thôi, thì cái đó là cái giới hạnh thứ nhất!

Cho nên chấp nhận được thì vô tu, mà chấp nhận không được thì thôi, chớ còn tu lơ mơ mà như thế này thì tốn của đàn na thí chủ có ra ích gì đâu? Nó có đi đến chỗ nào được đâu? Cho nên khi mà chấp nhận cái đời sống xuất gia tu hành rồi thì phải ba y một bát rồi.

Đó là cái giới hạnh!

Về cái giới đức thì bắt đầu bây giờ mình đã ly được rồi thì ngay đó cái giới đức mình có thể mình tiếp tục mình tu được rồi, đâu có gì khó đâu! Đó thì quý thầy thấy cái điều kiện tu tập nó phải rõ như vậy.

Còn bây giờ mà Thầy dạy mênh mang như thế này thì thử hỏi cái lớp mình có ai dứt được chưa? Chưa! Phần nhiều là chúng ta còn đang ở trong những lưng chừng chứ chưa phải là rõ nét đâu, khó lắm chớ không phải dễ!

…​ nhưng vì giáo án tu tập của Đức Phật đã có sẵn mấy ngàn năm nhưng chưa ai sắp xếp có lớp lang, có kỹ thuật, thấp cao cho rõ ràng để người tu tập được dễ dàng. Vì thế Thầy phải sắp xếp có lớp lang, có kỹ thuật nên mới dạy mênh mang như thế này.

Vả lại nếu Thầy không làm điều này thì nhìn trước nhìn sau còn có ai làm được và làm sống lại giáo lý của Đức Phật?

Nghĩa là bây giờ nhìn trước nhìn sau thì Thầy thấy chưa có một vị thầy nào, chưa có một người nào mà có thể gánh vác cái trọng trách này được, cho nên buộc lòng Thầy phải dạy cách thức mênh mang như thế này nè, chuyện mà các thầy chưa tu tới mà phải nói đó, gọi là dạy mênh mang đó, thay vì phải tu tới đâu là dạy tới đó chớ không phải dạy như cái kiểu này được.

Cho nên ngày xưa Đức Phật dạy đệ tử của Ngài cũng vậy. Khi tu đến đâu thì Ngài dạy tới đó, mà người nào chưa tu tới đâu thì Ngài chưa có dạy tới những cái mà chưa có thể mà dạy cho họ được.

Còn bây giờ vì những cái điều kiện, nó có những cái điều kiện cần phải làm cho nên Thầy phải làm mà thôi. Chớ dạy như thế này nhiều khi gieo vào trong tâm tư của quý vị những cái tưởng giải trong đó không à, rồi những cái tưởng tượng của các vị trong đó không à, chớ không phải là cái tốt lành gì hết.

(55:35) Cho nên Thầy không có mong muốn làm cái điều này. Cho nên từ cái ngày mà Thầy tu hành xong Thầy ra thất, Thầy không bao giờ Thầy muốn viết một bài kinh nữa. Thầy đã hiểu biết cái lầm lạc đó, vì viết bài kinh là giết người ta chớ chưa phải là độ người ta đâu!

Bởi vì người ta - khi mà người ta hiểu nó hay thì người ta bị dính nó rồi. Rồi người ta - khi mà người ta chưa tu tới đó, người ta tập chưa có căn bản, đầu chưa có mà người ta tập, người ta thấy cái hay đó, người ta bắt đầu người ta tập cái đó, thì cái tưởng người ta nó sanh ra. Mà nó sanh ra thì nó là ma chướng của họ chớ đâu phải là chuyện dễ!

Cho nên cái viết kinh sách là một cái tai hại! Cho nên thời Đức Phật Ngài không có viết kinh sách, và người nào dạy tới đâu là tu tập tới đó, rồi sai thì Ngài nhắc nhở chớ cũng không cho ai mà lấy lá buông hay hoặc là lấy lá thốt nốt mà ngồi mà viết chữ trên đó hết để mà ghi nhớ lại như bây giờ đâu!

Còn bây giờ chúng ta ghi nhớ vậy nó làm cho đầu óc của chúng ta không có sống độc cư, không có sống trầm lặng được!

Thường thường là chúng ta hay quên, mà chúng ta tu tập, vốn tu tập chớ không phải vốn để nhớ, tu tập để giải thoát chớ không phải nhớ một cái bồ chữ đó đâu, một cái tủ đựng kinh sách đó đâu!

Cho nên chúng ta vốn để nhớ, nhớ mà nó trở thành - cái tâm của chúng ta trở thành một cái tủ đựng kinh sách, từ đó cái giải thoát nó không có mà nó chỉ toàn là có cái tri kiến mà thôi.

Đó là cái tai hại mà khi mà Thầy dạy đạo Thầy biết cái này rất là rõ ràng, không có phải là một cái chuyện đơn giản.

Vì vậy mà vì vấn đề giáo lý của nhà Phật bây giờ phải sắp xếp, mà nhìn trước, nhìn sau thì ai mà cái người mà làm cái này, cho nên Thầy phải buộc lòng mà làm, làm với cái sự bất đắc dĩ của mình, chớ không phải là làm với cái sự mà cầu danh, cầu lợi ở trong này đâu.

Thầy chỉ mong có người tu hành chứng đạo chớ không phải mong cho người ta có kiến thức hiểu biết như thế này đâu.

Cho nên cái viết ra là một cái tai hại rất lớn, cái nói ra mà khi người ta chưa tới là một cái điều rất tai hại cho tư tưởng, làm hư hoại tâm hồn của họ, làm hư hoại cái tư tưởng của họ.

Họ hiểu rồi, nó dính mắc ở trong đó, nó khó mà giãy giụa, cho nên họ đâu còn cái thanh thản được. Họ bị cái lời nói của Thầy, họ bị những cái dòng chữ của Thầy làm cho họ bị chi phối tâm hồn của họ. Cho nên họ đâu còn là một cái tờ giấy trong sạch nữa, họ bị Thầy gạch mực ở trên đó quá nhiều ở trong đó rồi.

Cho nên những cái điều này là cái điều bất đắc dĩ mà Thầy phải làm thôi.

3- TÁM GIỚI TUỆ

3.1- GIỚI TUỆ THỨ NHẤT: CHÁNH TRÍ, CHÁNH KIẾN

(57:44) Bây giờ quý thầy bắt đầu tu học, tập giới tuệ.

Khi tu tập giới đức xong thì toàn thân của quý thầy chỗ nào cũng được thấm nhuần, thuần tịnh, trong sạch.

Nghĩa là khi mà tu tập giới đức rồi đó, thì thân tâm của quý vị nó thuần tịnh, nó thấm nhuần, rất là trong sáng và thanh tịnh, rất là sáng suốt.

Nghĩa là lúc bấy giờ mà khi mà giới đức mà thực hiện xong rồi thì nó thuần tịnh lắm, tâm hồn của quý vị nó không còn ô nhiễm một cái chút gì thế gian hết, nó không còn có khởi một cái sự ham muốn dục lạc của thế gian, mặc dù là có bao nhiêu cái sức cám dỗ của nó cũng không lôi cuốn được quý vị nữa.

Cho nên nó gọi là thuần tịnh, thấm nhuần, thuần tịnh, trong sáng. Đó, thì bắt đầu bây giờ quý vị mới học cái giới tuệ thứ nhất của cái tâm này đây.

Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy…​

Nghĩa là lúc bấy giờ cái tâm của quý vị nó đang ở trong cái trạng thái như vậy đó.

Những cái danh từ mà Thầy chỉ giải, chỉ đọc ra đây để cho quý thầy nghe được cái tâm của mình như vậy đó, Thầy đọc lại một lần nữa để quý thầy xét cái tâm của mình khi mà đã tu cái giới đức xong thì luôn luôn cái tâm của quý vị bao giờ nó cũng ở trong cái trạng thái này này:

Với tâm định tỉnh - rất là định tỉnh, không có gì làm cho nó chao động được hết.

Thuần tịnh - thuần là thanh tịnh đó, nó không có còn mà bị một cái gì nhơ bẩn ở trong đó.

Cho nên nó không cấu nhiễm - không phiền não.

Nhu nhuyễn - nhu là nó mềm, nhuyễn là nó mềm dẻo.

Dễ sử dụng - cái tâm của quý vị bây giờ nó dễ sử dụng, sai sao nó làm vậy hết, nó không bao giờ có cái chỗ mà nó cứng đầu cứng cổ như bây giờ đâu.

Vững chắc - nó luôn luôn nó rất là vững chắc, cái sự nhu nhuyễn đó nó mềm dẻo vậy chớ nó rất là vững chắc, nó không có bị chao động.

Nó bình thản - nó thản nhiên, nó thanh thản, nó không một cái gì mà làm cho mất cái sự bình thản, thản nhiên của nó được.

Đó là lúc bấy giờ các vị đã học tu tập được cái giới đức rồi thì cái tâm của quý vị nó đến ở mức độ này. Mà nó đến ở mức độ này quý vị mới tập luyện được cái giới tuệ, chớ còn nếu nó không thì quý vị không bao giờ mà thực hiện được cái giới tuệ này đâu.

Lúc bấy giờ vị Tỳ Kheo dẫn tâm hướng đến Chánh Trí, Chánh Kiến…​

(01:00:13) Đó. Bây giờ đó chúng ta mới dẫn cái tâm. Tâm nó được thanh tịnh như vậy rồi thì quý vị mới dẫn cái tâm của quý vị đến Chánh Trí - tức là cái trí chân chánh của quý vị, rồi cái Chánh Kiến - cái hiểu biết chân chánh của quý vị.

…​ thì vị ấy biết rất rõ:

Nghĩa là cái người đó mà dẫn cái Chánh Trí, Chánh Kiến của mình thì biết rất rõ:

Thân này của ta là do sắc pháp, do bốn đại mà thành, do cha mẹ sanh mà có, do nhờ cơm cháo nuôi dưỡng mà lớn, nhưng nó lại vô thường, biến hoại, phiền toái, đoạn diệt, hoại diệt. Trong thân này chỉ có thức uẩn là bị trói buộc, là bị quên mất.

Nghĩa là khi mà cái người đó mà có cái sức định tỉnh của tâm như vậy rồi thì mới hướng cái tâm đến Chánh Trí, thì bây giờ mới nhìn thấy cái thân này nó rõ ràng như vậy, và biết được cái thức nó đang bị trói buộc ở trong những cái thân này, nó đang bị trói buộc ở trong đó, và nó bị như lãng quên mất đi, và bây giờ nó đang hiện ra được.

Đó, thì bây giờ mới thấy được cái chỗ mà Thức Thức nó đã từ lâu - chúng ta nói thân Ngũ Uẩn của chúng ta mà, Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức đó - thì cái Thức này từ lâu nó nằm ngủ yên đó, nó bị trói buộc, nó cột chặt, nó không có làm việc gì được hết. Tất cả mọi thằng khác thì làm việc, còn riêng nó thì nó nằm im lìm đó, nó như là ngủ quên vậy, như người ta không có nhớ nó được vậy đó.

Thì đó là khi mà chúng ta dùng cái sức định tỉnh của tâm chúng ta mới nhìn thấy được cái Thức của chúng ta nó đang bị ngủ quên, bị trói buộc từ lâu tới giờ vậy đó.

Bây giờ là lúc cần thiết dùng đến nó, nó sẽ làm các phận sự mà ta sai bảo trong khi tu tập giới tuệ.

Đó, bây giờ mình nhìn nó mình thấy từ lâu nó bị trói buộc, nó bị bỏ quên lãng đi, vì vậy bây giờ đó mình mới cần thiết mình dùng nó để cho mình sai nó làm những cái phận sự sau này, cho nên mình sai nó cái gì nó cũng nghe theo hết.

Đó thì, như vậy là khi mà chúng ta dùng được cái Chánh Kiến, Chánh Trí chúng ta mới quan sát lại nó, khi mà tâm chúng ta đã ở trong cái thanh tịnh, cái thuần tịnh này thì chúng ta mới có sai được cái Thức thức của chúng ta, nó mới dậy nó làm việc ở trong cái giới tuệ của nó mới được.

Ví như một hòn ngọc lưu ly bảo châu đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Một sợi dây được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hoặc màu nâu, chúng ta đều nhìn thấy rõ sợi dây ấy màu gì, rõ ràng, không sai một chút nào.

(01:02:48) Nghĩa là Đức Phật ví như lúc mà cái tâm chúng ta mà thuần tịnh như vậy mà chúng ta hướng đến cái Chánh Trí và Chánh Kiến, mà thấy cái Thức của chúng ta bị trói buộc, bị bỏ quên, giống như là chúng ta xỏ một cái sợi dây qua một cái hòn ngọc bảo châu mà nó trong suốt, cho nên cái sợi dây màu vàng là chúng ta thấy vàng, màu xanh chúng ta thấy xanh, màu đỏ chúng ta thấy đỏ, nó không có thấy cái màu khác, mà không có mờ mịt chút nào hết.

Đó là Đức Phật đem cái ví dụ như vậy để chúng ta thấy rằng:

Cái tâm mà chúng ta thuần tịnh rồi thì chúng ta mới dùng cái tri kiến và cái Chánh Kiến và cái Chánh Trí của chúng ta, chúng ta thấy được cái Thức của chúng ta, thấy được cái thân này vô thường, biến hoại, nó luôn luôn là nó không có cái - nó luôn luôn là nó bị hoại diệt, nó luôn luôn là bị thay đổi, nó làm cho chúng ta phiền toái, nó làm chúng ta đau khổ.

Và đồng thời cái mà chúng ta đang cần dùng nó thì nó bị bỏ quên đi, đó là cái Thức Thức của chúng ta bị bỏ quên đi, nó chúng ta không thấy, nó bị trói buộc, nó bị bỏ quên đi, nó không có làm việc gì được hết.

Bây giờ là lúc chúng ta cần thiết phải đánh nó dậy, phải dùng nó dậy để sai bảo nó làm công việc trong cái sự tu tập của giới tuệ của chúng ta.

Nghĩa là chúng ta muốn mà tu tập giới tuệ thì chúng ta phải đánh Thức Thức của chúng ta dậy thì chúng ta mới tu tập được giới tuệ. Còn cái Thức Thức chúng ta không có dậy thì chúng ta không có tu tập được giới tuệ. Đó, quý thầy hiểu chưa?

Mà khi đó chúng ta phải thực hiện thiền định rồi thì chúng ta mới đánh thức nó dậy. Mà thiền định tức là giới đức, mà giới đức xong thì mới có được cái này. Còn nếu mà giới đức chưa xong thì thử hỏi làm sao có được?

Đó thì hôm nay quý thầy đã thấy từng cái chỗ mà chúng ta vô cái đoạn đầu chúng ta đã đánh thức được cái Thức Thức của chúng ta bằng cái Chánh Trí, bằng cái Chánh Kiến của chúng ta.

Ví như một hòn ngọc…​ - cái này rồi.

Đó là giới tuệ thứ nhất trong giới luật của Đức Phật, mà cũng là một kết quả tu tập thiết thực hiện tại của vị ấy.

Nghĩa là cái vị ấy mà tu được tới chỗ này là cái giới tuệ của vị đấy đánh thức được cái Thức Thức dậy rồi đó, đó là một cái kết quả thiết thực, hiện tại của vị ấy, cái kết quả rất là vi diệu.

Đó là cái giới tuệ thứ nhất. Đánh thức được cái Thức đó, là lúc bây giờ đó mới dùng cái Chánh Trí và cái Chánh Kiến mà đánh thức nó dậy, làm cho nó bật dậy bằng cái gì? Bằng cái pháp hướng.

Đó thì, đó là cái giới tuệ thứ nhất mà chúng ta phải tiếp tục ở trên con đường tu tập để đánh thức cái Thức Thức của chúng ta dậy, để sai cho nó tiếp tục ở trên con đường mà thực hiện những cái giới tuệ của nó, tu tập những giới tuệ của nó.

3.2- GIỚI TUỆ THỨ HAI: DÙNG Ý TẠO RA MỘT THÂN KHÁC

(01:05:25) 2. Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỳ Kheo chú tâm hướng đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra.

Vị ấy tạo ra một thân khác từ thân này, cũng là sắc pháp, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào, cũng ví như người rút một cây lao ra khỏi vỏ lao; cũng ví như người rút thanh gươm, thanh kiếm ra từ bao kiếm; cũng ví như người lột xác một con rắn.

Đó, thì khi mà chúng ta đến đây chúng ta thực hiện cái giới tuệ của chúng ta, mà cái giới tuệ thứ hai này là chúng ta sai cái Thức Thức của chúng ta phải làm việc.

Bây giờ đó, từ ở trong một cái thân này phải biến ra một cái thân khác, hiện ra một cái thân khác, mà làm cho được đầy đủ cái thân đó cũng là sắc tướng cũng vậy, rồi các căn nó cũng vậy, lớn nhỏ gì nó cũng mắt, tai, mũi, miệng nó cũng y như cái thân của chúng ta, mà nó hiện ra nó ngồi y như hai người ngồi như là một, thì như vậy là chúng ta đã thực hiện được cái giới tuệ của chúng ta thứ hai này.

Đó là cái phần thứ hai để nói lên cái sức mà làm chủ, sai khiến của cái trí tuệ của chúng ta, lúc bấy giờ điều khiển thân và tâm của chúng ta nó phải thể hiện qua cái trí tuệ của chúng ta chớ không còn mà làm sai khác được cái ý của chúng ta.

Đó là giới tuệ thứ hai trong giới luật của Đức Phật, mà vị ấy đã đạt được một kết quả tu tập thiết thực, hiện tại, vi diệu và thù thắng.

Các thầy nghĩ coi bây giờ từ cái chỗ thiền định mà nhập Tứ Thiền rồi mình ngưng các hành trong thân của mình rồi, mình ngưng hơi thở mình rồi, thì bắt đầu cái tâm của mình nó thuần tịnh rồi, thì bắt đầu mình dùng tri kiến mình đánh thức cái Thức Thức của mình dậy.

(01:07:21) Mình đánh Thức Thức mình dậy rồi bắt đầu mình sai khiến nó, bắt đầu mình dùng nó. Bây giờ nó sử dụng cái thân này phải biến ra một thân nữa y như nhau, cũng có các căn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý đàng hoàng, mặc y áo đồ giống nhau, thì nó ra nó ngồi đây một cái thân nữa.

Thì lúc bấy giờ quý thầy thấy cái giới tuệ nó như thế nào? Có thù diệu không? Có vi diệu không? Mà nó thiết thực, nó cụ thể, nó hiện tại chớ không phải là nói cái chuyện mù mờ, vu vơ đâu!

Lẽ ra cái này khi nào mà quý thầy tu tới đây Thầy mới giảng, và đồng thời giảng thì phải có một người thực hiện cho được. Còn cái này thật ra thì đây là xếp thành một cái giáo án chớ nó chưa phải là quý thầy tu tới. Chớ trong thời Đức Phật nói ra là có chứng minh liền tức khắc, chớ không phải nói vu vơ như thế này.

Còn bây giờ mà Thầy làm trò xiếc cho mấy thầy coi thì cái điều đó là cái điều quá là ngu si chớ chưa phải là cái người biết Phật pháp. Cũng như bây giờ thí dụ như nói về Tẩu Hỏa Nhập Ma thì phải có một người bị thì cái đó là chứng minh cho cụ thể, còn bây giờ nói như thế này…​

Hồi nãy Thầy đã nói lẽ ra thì không được giảng mênh mông như thế này mà chỉ giảng cái nào người ta tu tập mà thôi. Còn giảng mênh mông như thế này nhiều khi nó làm cho người ta bị lạc hướng mất đi, người ta tưởng tượng quá nhiều.

Nói đến cái giới tuệ này thì Thầy thấy nó là siêu việt, nó không thể mà cái người thế gian mà lường được, thành ra Thầy nói tới đây người ta dường như là người ta nói Thầy nói láo. Nhưng mà nó là một cái sự thật, nó không phải là nói láo đâu!

Bởi vì kinh sách của Phật còn đặt, nhưng mà bây giờ cái người mà thể hiện ra thì chưa có ai thể hiện, cho nên người ta vẫn nói đó là cái Phật cũng nói láo chớ chưa phải là không nói láo. Nhưng mà Thầy đã biết cái điều nói láo hay không nói láo, Thầy biết chớ làm sao ai biết được.

Cho nên hôm nay vì cái giáo án mà buộc lòng Thầy phải giảng hết những cái gì mà Phật đã dạy ở trong kinh, không thể nào mà thiếu một cái gì mà bỏ một cái gì được.

Vì đây là một cái đường đi của đạo Phật đã để lại cho chúng ta là một cái gia tài rất quý báu mà không giảng hết thì Thầy thấy có một cái lỗi của mình là nhìn tới, nhìn lui không ai làm được cho nên phải nói.

3.3- GIỚI TUỆ THỨ BA: DỤC NHƯ Ý TÚC

(01:09:15) Bây giờ về cái phần giới tuệ thứ ba.

Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỳ Kheo dẫn tâm hướng đến Dục Như Ý Túc.

Bây giờ đó tới cái Tứ Như Ý Túc đó, bây giờ Dục Như Ý Túc đó, cái phần Dục Như Ý Túc đó.

Vị ấy chứng được Dục Như Ý Túc: một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân.

Trước thì Đức Phật chỉ cái giới tuệ đầu tiên Đức Phật - một thân này hiện ra một thân, các căn mắt, tai, mũi, miệng đều y, quần áo đều mặc y giống nhau không khác. Đó là mới có biến ra một thân mà thôi. Thì các thầy thấy phải đi tuần tự chớ không thể nào mà nghe nói cái biến ra nhiều thân một lần được đâu!

Chúng ta phải tập tuần tự, cho nên khi mà chúng ta hướng ra một thân biến ra một thân được rồi thì bắt đầu bây giờ mới tới cái giai đoạn là chúng ta một thân biến ra nhiều thân. Bây giờ nó mới tới Dục Như Ý Túc đó!

Chớ hồi đầu thì nó chưa phải Dục Như Ý Túc đâu! Chúng ta mới tập luyện cho cái Thức Thức chúng ta sống dậy nó biết điều khiển mà thôi. Đó, nó mới biết điều khiển mà thôi chớ nó chưa phải là hoàn toàn là nó đủ cái Dục Như Ý Túc đâu!

Bây giờ bắt đầu chúng ta mới tới nữa thì chúng ta mới thấy tới cái giới tuệ thứ ba này chúng ta mới thấy một thân nó hiện ra nhiều thân.

Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân…​

Nhiều thân nó gồm lại một thân rồi một thân nó hiện ra nhiều thân.

…​ hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách đá, qua tường, qua núi như đi ngang qua hư không; độn thổ, trồi lên ngay qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm rờ mặt trăng, mặt trời, những vật có đại oai lực, có đại thần lực như vậy.

Nghĩa là Đức Phật ví dụ như mặt trăng mặt trời nó cao xa, nó lớn như vậy đó, mà bàn tay chúng ta với tới chúng ta rờ mặt nó được. Kiểu này chắc rờ mặt trời chắc cháy tay chớ không chơi!

…​ có đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm Thiên.

Lúc bấy giờ cái người đó có thể bay đến cõi Phạm Thiên được.

Ví như một người thợ gốm khéo tay với đất sét, khéo nhồi nhuyễn, có thể làm các loại đồ gốm tùy theo sở thích.

Đức Phật ví như người mà tu tới cái giới tuệ thứ ba này họ cũng như một cái người thợ đồ gốm mà khéo tay, với cục đất sét mà nhồi rất là nhuyễn rồi thì cái người đồ gốm này muốn làm cái chum, cái chén cái gì, tất cả cái gì họ làm cũng được hết, thậm chí họ nắn cả tượng Phật hay hoặc là bình sứ cái gì, bình bông gì, họ làm cũng muốn làm cái nào là họ khéo tay họ làm được hết.

Thì ví dụ như chúng ta tu tới đó, bấy giờ chúng ta muốn làm cái gì cũng được hết, không phải bảy mươi hai phép biến như là Dương Tiễn, cũng như là Tôn Ngộ Không đâu, có bảy mươi hai à! Còn ở đây nó vô lượng chớ đừng có nói!

Đó thì, quý thầy phải hiểu rằng cái đường lối của đạo Phật nó không phải tập luyện có bảy mươi hai cái phép biến đâu, mà đây là chúng ta muốn cái gì được cái nấy hết, chớ không phải!

Cho nên ví như một ông - một người thợ đồ gốm mà ông với cục đất sét mà ông nhồi rất nhuyễn rồi bây giờ ổng chỉ còn nắn, ổng muốn nắn con bò, con trâu, con voi, con ngựa gì cũng được hết à. Thì đó là một cái người mà đạt đến chỗ này thì họ muốn nắn cái gì cũng được hết như vậy đó!

Ví như một người thợ ngà voi khéo tay với ngà voi đẽo, dũa, có thể làm các loại đồ ngà tùy theo sở thích.

Nghĩa là cái người thợ đó nó khéo tay thì lấy cái ngà voi đó họ làm cái gì đủ cách, họ tiện ông Phật chút chút vậy đeo cổ người ta cũng được nữa, không có cái gì mà khó khăn đối với ổng hết.

(01:12:48) Ví như người thợ vàng…​

Thợ kim hoàn đó.

…​ khéo tay với vàng khéo tinh luyện, có thể làm tất cả đồ trang sức bằng vàng tùy theo sở thích.

Đó là Đức Phật ví dụ như những người mà làm ra những cái điều đó thì cũng như là chúng ta đang ở trong một cái tâm định tỉnh như vậy mà chúng ta dùng cái thần lực của chúng ta, cái oai lực của chúng ta, chúng ta có thể làm tất cả những cái gì cũng được hết chớ không có khó khăn gì hết.

Đó là giới tuệ thứ ba trong giới luật của Đức Phật.

Đây là cái giới tuệ thứ ba thôi chớ chưa phải là nó hết những cái giới tuệ của Phật đâu! Mới bắt đầu, nghĩa là bước qua đầu cái giới tuệ là chúng ta đã thấy có những sự vi diệu tuyệt vời rồi đó.

Đó là giới tuệ thứ ba trong giới luật của Đức Phật, mà vị ấy đã đạt được kết quả tu tập thiết thực, hiện tại, thù thắng, vi diệu, khó nghĩ lường.

Bây giờ chúng ta - cái đầu óc của chúng ta bây giờ nghĩ không có được ra cái này đâu! Thầy nói bây giờ mấy người nghĩ làm sao mà cái thân này biến ra ngàn thân, mấy người nghĩ đi! Cách thức nào làm cho được đi! Thì nghĩ sao cho ra không?

Mà thế mà người ta đạt được đến cái mức độ này người ta làm ra được, nó đâu phải là cái chuyện đối với cái chuyện đó là chuyện khó đâu. Nhưng mà bây giờ lấy cái đầu óc phàm phu mà nghĩ thì chắc chắn là không có được rồi, không có nghĩ làm sao ra. Cho nên khó nghĩ lường.

Ở đây nó vi diệu, thù thắng, mà thiết thực, hiện tại, chớ không phải là đợi ngày mai, ngày mốt đâu! Bây giờ - muốn bây giờ là bây giờ được, mà ngày mai muốn là ngày mai được. Muốn hồi nào là được hồi nấy chớ không phải là!

Bởi vậy Phật lại nói thêm: “Tu tập thiết thực, hiện tại, thù thắng, vi diệu.”

Đó trong cái thời gian hiện tại mà thiết thực, cụ thể chớ không phải là nói mơ hồ như cái bóng ma, như bóng khói, như cái đám mây mờ mờ ảo ảo đâu! Nó là cái sự thật như vậy.

3.4. GIỚI TUỆ THỨ TƯ: THIÊN NHĨ THÔNG

(01:14:30) 4. Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản, như vậy Tỳ Kheo dẫn tâm đến Thiên Nhĩ Thông. Tỳ Kheo với Thiên Nhĩ Thông thanh tịnh, siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng nói của chư thiên và của loài người dù ở xa, ở gần cũng đều nghe rõ không sai.

Ví như một người đang đi qua đường nghe tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiếng loa, tiếng xập xả, tiếng kèn, tiếng kiểng, người ấy nghe biết rõ ràng. Cũng vậy, vị Tỳ Kheo tâm định tỉnh hướng tâm Thiên Nhãn Thông nghe thấy rõ ràng cũng vậy.

Đó là giới tuệ thứ tư trong giới luật của Đức Phật, mà vị ấy đã đạt được kết quả tu tập thiết thực, hiện tại, thù thắng, vi diệu, khó nghĩ lường.

Đó thì, quý thầy thấy, khi người ta tâm như vậy người ta dẫn tâm người ta đến Thiên Nhãn Thông hoặc là Thiên Nhĩ Thông, hoặc là Tha Tâm Thông, tất cả những cái này đều là những cái điều kiện mà cái vị đó đã tu tập ở trong cái giới tuệ mà họ đạt được.

3.5- GIỚI TUỆ THỨ NĂM: THA TÂM THÔNG

(01:15:44) 5. Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị Tỳ Kheo dẫn tâm và hướng tâm đến Tha Tâm Thông.

Thì ở đây Thầy nhắc nhở quý thầy hai cái danh từ: dẫn tâm và hướng tâm. Dẫn tâm là như thế nào? Và hướng tâm như thế nào? Sau này Thầy dạy về tới các pháp Thầy sẽ giải thích cái chỗ này ra. Còn bây giờ thì chúng ta học suông qua thôi.

…​ đến Tha Tâm Thông.

Bây giờ hướng dẫn đến Tha Tâm Thông đây:

Tỳ Kheo sau khi dẫn tâm đi sâu vào tâm chúng sanh…​

Đó, mình dẫn tâm của mình đi sâu vào - hướng tâm, dẫn tâm mình đi sâu vào tâm chúng sanh.

…​ của loài người, với tâm thuần tịnh, trong sáng, vị ấy biết được như sau: Tâm của chúng sanh có tham, biết là có tham; tâm không có tham, biết là tâm không có tham. Tâm của chúng sanh có sân, biết là tâm của chúng sanh có sân; tâm không có sân, biết là tâm không có sân. Tâm của chúng sanh có si, biết là tâm có si; tâm không có si, biết là tâm không có si. Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú; tâm tán loạn, biết là tâm tán loạn. Đại hành tâm, biết là đại hành tâm; không phải đại hành tâm, biết là không phải đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng, biết là tâm vô thượng. Tâm thiền định biết là tâm thiền định; tâm không thiền định biết là tâm không thiền định. Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát.

(01:17:24) Đó thì quý vị - khi mà được cái giới tuệ thứ năm này thì quý vị làm cái gì, tu tập đúng sai thì cái vị Thầy người ta đều biết hết, nhưng mà người ta không nói ra thôi, người ta lần lượt người ta điều khiển, người ta hướng dẫn cho quý vị tu đúng thôi, chứ người ta biết quý vị còn ở trong cái tâm nào người ta biết hết chớ không phải là người ta không biết.

Người ta sử dụng được cái tâm của người ta cho nên người ta phải thông suốt quý vị hết. Chớ còn nếu mà người ta không sử dụng được cái tâm người ta thì làm sao người ta biết quý vị?

Nhưng người ta không muốn làm quý vị bất mãn, không muốn làm cho quý vị trái ý, người ta tùy thuận quý vị, nhưng mà người ta lần lượt người ta hướng dẫn nhỏ nhẹ để cho quý vị sửa lần lần để đi vào cái con đường đúng mà thôi.

Bởi vì cái người mà tu người ta hiểu biết cái kiến chấp của quý vị nó rất nặng, nó không phải dễ mà một ngày, một bữa mà nó cởi ra được, mà phải tuần tự người ta khéo léo mà để giúp cho quý vị cởi ra.

Ví như một người đàn bà soi mặt mình trong một tấm gương trong sáng suốt, nếu mặt có tì vết liền biết mặt có tì vết, nếu mặt không có tì vết thì biết là không có tì vết; da mặt trắng biết là da mặt trắng, da mặt đen biết là da mặt đen; mặt có nốt ruồi biết là mặt có nốt ruồi, mặt không có nốt ruồi biết là mặt không có nốt ruồi; mặt có vết thẹo biết là mặt có vết thẹo, mặt không có viết thẹo biết là không có vết thẹo.

Đó thì Đức Phật ví dụ như một người đàn bà cầm cái gương soi vầy, thấy cái mặt mình như thế nào thì biết rõ, thì cái người mà người ta có được cái giới tuệ thứ năm này thì người ta dẫn cái tâm vào tâm của chúng sanh, vào tâm của các thầy, các thầy tu như thế nào người ta biết hết à, chớ không phải là người ta không biết đâu.

Đó là như là chúng ta soi một cái gương cũng như người phụ nữ mà soi cái gương trên mặt vậy đó, họ biết họ như thế nào cũng rõ như vậy, thì cũng ví một cái người mà người ta đã có được cái giới tuệ thứ năm này thì người ta thấy cái tâm chúng sanh nó cũng như vậy đó!

Đó là giới tuệ thứ năm trong giới luật của Đức Phật, vị này đã đạt được kết quả tu tập thiết thực, hiện tại, vi diệu, thù thắng, khó nghĩ lường.

Đó thì, chúng ta thấy tới cái giới tuệ thứ năm chúng ta đã thấy được thông suốt được những cái tâm sai khác của chúng sanh như thế nào, tu được - không được người ta biết hết, tu đúng - tu sai người ta biết hết chớ không phải là người ta không biết.

3.6. GIỚI TUỆ THỨ SÁU: TÚC MẠNG MINH

(01:19:43) 6. Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, thanh thản, như vậy vị ấy dẫn tâm hướng đến giới tuệ Túc Mạng Minh.

Đó bây giờ mới hướng đến Túc Mạng Minh đây:

Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ như: một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp.

Vị ấy nhớ rõ ràng sanh tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp trong xã hội như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này; sau khi chết tại chỗ kia ta được sanh ra tại chỗ nọ, tại chỗ ấy ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp trong xã hội như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này; sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây.

Như vậy vị Tỳ Kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và chi tiết rất rõ ràng.

Đó, thì Đức Phật ví dụ như mà chúng ta dùng Túc Mạng Minh thì chúng ta thấy nhiều đời nhiều kiếp mình như vậy đó chớ không là thấy ít đâu.

Ví như một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này trở về làng của mình, người ấy nghĩ: Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này, từ nơi làng nọ ta trở về làng của ta.

Đó là trí tuệ thứ sáu trong giới luật của Đức Phật, vị ấy đã đạt được kết quả tu tập thiết thực, hiện tại, vi diệu, thù thắng, khó nghĩ lường.

Đó thì, quý thầy thấy người ta thấy nhiều đời, nhiều kiếp người ta, như là mình đi từ làng này đến làng khác rồi mình trở về làng mình như vậy đó. Nghĩa là thấy từ cái quá khứ rồi trở về với cái hiện tại là cái vị đó cũng như mình ngồi tu đây, bắt đầu mình trở về quá khứ nhiều đời nhiều kiếp…​ (Mất tiếng)

Bây giờ bắt đầu chúng ta tiếp tục cái bài học vừa rồi thuộc về giới tuệ.

Đó là giới tuệ thứ sáu trong giới luật của Đức Phật, vị ấy đã đạt được kết quả tu tập thiết thực, hiện tại, vi diệu, thù thắng, khó nghĩ lường.

3.7- GIỚI TUỆ THỨ BẢY: THIÊN NHÃN MINH

(01:22:26) Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, thanh thản như vậy, vị Tỳ Kheo dẫn tâm, hướng tâm đến giới tuệ về sanh tử của chúng sanh, tức là Thiên Nhãn Minh.

Vị ấy với Thiên Nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống, chết của chúng sanh, vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do nghiệp của chúng tạo ra.

Này các con! Người thường hay làm điều ác hạnh về thân, lời nói và ý nghĩ do vô minh, không rõ theo tà kiến, phỉ báng xuyên tạc giới luật và pháp môn của các bậc Thánh Hiền, chạy theo tà kiến, tạo các tà nghiệp, nuôi sống tà mạng, những người này sau khi hết phước báu hiện tại, khi thân hoại mạng chung để lại cho thế gian chứng nghiệm một sự đau khổ của các vị ấy, cực kỳ đau khổ! Đến khi mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục. Hiện giờ họ đang phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của đàn na thí chủ.

Còn ngược lại những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời nói và ý nghĩ, không theo tà kiến, luôn luôn theo Chánh Kiến của Phật dạy nên không phỉ báng, thêm bớt giới luật và giáo pháp của Đức Phật, thường theo giới luật của Phật, không làm khổ mình, khổ người, không làm các tà nghiệp, không nuôi dưỡng bằng những thực phẩm bất tịnh, có ác pháp, có sự chết chóc, đau khổ bằng sinh mạng của chúng sinh, những người này sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, cõi trời, cõi người, hưởng đầy đủ phước báu, không có thiếu thốn một vật gì cho cuộc sống.

Với Thiên Nhãn Minh thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh rất rõ ràng. Ví như một người ở trên tòa lầu đài có thượng đài giữa ngã tư đường, một người có mắt nhìn xuống thấy rất rõ, sẽ thấy những người đi vào nhà, từ nhà đi ra, đi qua, đi lại trên đường, ngồi ở giữa ngã tư đường, hay trèo lên đài thượng, rất rõ ràng không thiếu một chi tiết nào hết.

Đó là giới tuệ thứ bảy trong Giới luật của Đức Phật, vị ấy đã đạt được kết quả giới tuệ này thiết thực, hiện tại, vi diệu, thù thắng, khó nghĩ lường.

3.8. GIỚI TUỆ THỨ TÁM: LẬU TẬN MINH

(01:25:30) 8. Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, thanh thản như vậy, vị Tỳ Kheo dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu Tận Trí.

Vị ấy biết như thật đây là khổ, biết như thật đây là nguyên nhân của khổ, biết như thật đây là khổ diệt, biết như thật đây là con đường đưa đến khổ diệt, biết như thật đây là những lậu hoặc, biết như thật đây là nguyên nhân của những lậu hoặc, biết như thật đây là sự diệt trừ các lậu hoặc, biết như thật đây là con đường đưa đến diệt trừ các lậu hoặc.

Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu, đối với tự thân đã giải thoát. Như vậy, sự hiểu biết khởi lên một cách rất rõ ràng: “Ta đã giải thoát, Sanh đã tận, Phạm hạnh đã xong, việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại này không còn có đời sống nào khác nữa!”

Đó là cái tuệ thứ tám của cái vị này mà nó hiện ra đó, thì đó là chứng đạt được cái lý Tứ Diệu Đế.

Cho nên trong cái Ngũ Lực thì Đức Phật có nói là cái Tuệ Lực là cái gì? Tuệ Lực là Tứ Diệu Đế. Cho nên thấy thật, chứng thật, thấy rõ.

Khi mà chúng ta nghe nói Tứ Diệu Đế chúng ta nói nghe khổ, đời là khổ, rồi nguyên nhân khổ, rồi cái cảnh giới thoát khổ, rồi tám cái nẻo để đưa đến cái cảnh giới thoát khổ đó, thì chúng ta hiểu biết như vậy, đó chúng ta mới ngộ được cái chân lý của đạo Phật mà thôi.

Còn ở đây khi mà cái giới tuệ của chúng ta thực hiện được cái Lậu Tận Minh thì chúng ta sẽ thấy được cái nguyên nhân khổ, khổ thật, chớ không phải là ngộ mà đây là chứng cái lý khổ.

(01:27:54) Cho nên Phật mới dạy là khi mà cái trí tuệ đó, cái giới tuệ đó mà nó hiện ra thì chúng ta thấy: Đây là khổ, đây là chứng thật cái sự khổ, chớ không phải đây là nói là khổ như chúng ta biết nó khổ thường thường đâu, mà đây là cái sự chứng thật, biết như thật.

Biết như thật tức là biết thật sự, thấm cái lý ở trong đó, do sau những ngày tu tập cái Định Vô Lậu mà nó thấm nhuần, nó mới thấy như thật được.

Thì đây là nguyên nhân của khổ thật, chúng ta biết rõ là lòng ham muốn khổ thật, nhưng bây giờ chúng ta hiểu nó là biết được cái nguyên nhân khổ là lòng ham muốn, nhưng mà chúng ta đoạn trừ không được, nhưng mà thời gian chúng ta nghiền ngẫm, đặt cái niệm đó trước mặt mà chúng ta nỗ lực thực hiện cái niệm đó bằng cái pháp hướng, tùy theo cái pháp mà chúng ta nỗ lực thực hiện, tâm chúng ta nó thấm được cái lý đó, nó chứng được cái lý đó, cho nên gọi là bây giờ đó mới là cái trí tuệ vô lậu nó thực hiện ra, chúng ta mới thấy nó như thật, biết nó như thật như vậy!

Cho nên mới biết đây là khổ thật, đây là nguyên nhân khổ thật, đây là cái nơi hết khổ, đây là cái chỗ mà chấm dứt khổ, và đây là con đường dẫn đến hết khổ.

Và kế đó thì Đức Phật lại nhắc lại thêm cho chúng ta thấy bốn cái Khổ Đế này rõ ràng, nhưng mà Đức Phật xác định cho chúng ta thấy bốn cái Khổ Đế nó nhằm vào bốn cái - những cái lậu hoặc của chúng ta để chúng ta thật thấy nó.

Biết như thật đây là những lậu hoặc, biết như thật đây là nguyên nhân của những lậu hoặc, biết như thật đây là diệt trừ các lậu hoặc, biết như thật đây là con đường đưa đến diệt trừ các lậu hoặc.

Đó, thì chúng ta sống ở trong cuộc sống chúng ta hàng ngày là chúng ta phải thấy cái mấu chốt của lậu hoặc là nó như thế nào.

Đó, nếu mà muốn cho lậu hoặc nó, muốn cho cái lậu hoặc - đó là cái khổ, phải không? Mà cái nguyên nhân mà có lậu hoặc thì đó là cái lòng ham muốn của chúng ta, mà diệt hết cái lòng ham muốn thì nó sẽ là hết cái lậu hoặc, mà hết cái lậu hoặc đó là con đường - là Niết Bàn - là cái cảnh hết khổ.

Mà muốn được như vậy thì chúng ta phải thấy được cái con đường đưa đến hết cái khổ đó tức là đoạn diệt cái lòng ham muốn, thì con đường đó thì chúng ta thấy muốn cho hết cái lậu hoặc hết ở trong tâm của chúng ta thì cái con đường đó là Bát Chánh Đạo - tám cái nẻo mà chúng ta cần phải tu tập.

(01:30:20) Cho nên ở đây cái giới tuệ nó giúp cho chúng ta biết rằng - chỉ bảo cho chúng ta biết rằng con đường nào sẽ đưa chúng ta đi đến tận diệt cái lậu hoặc, đó là chúng ta sẽ học.

Sau khi mà học xong giới luật thì bắt đầu chúng ta sẽ học đến tám cái nẻo này, và tám cái nẻo này thì chúng ta phải biết từ cái Chánh Kiến cho đến Chánh Định, mà từ cái Chánh Kiến đó chúng ta phải tu như thế nào, phải tập luyện như thế nào ở trong những cái Chánh Kiến.

Bắt đầu chúng ta phải tu cái định gì đối với cái Chánh Kiến đầu tiên. như bây giờ chúng ta tu - nói ví dụ như bây giờ chúng ta bắt đầu tu thì chúng ta phải tu trong Chánh Kiến, phải phòng hộ cái Chánh Kiến của chúng ta.

Phòng hộ Chánh Kiến chúng ta tức là phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình, tức là Phật gọi là Thánh phòng hộ sáu căn.

Như vậy là mới đầu vô mà được Chánh Kiến là phải phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng của mình, cho nên tâm của chúng ta bây giờ nó không bị nhiễm trước, không bị đắm trước các đối tượng, các pháp, cho nên khi phòng hộ nó thì chúng ta đâu thấy vật nào!

Sau đó thì chúng ta phải dùng cái - trên cái mắt, tai, mũi, miệng của chúng ta - chúng ta phải tu tập cái sức tỉnh thức để khi mà chúng ta nhìn mọi vật mà chúng ta thấy không có cho cái tâm của chúng ta làm cái duyên, trở thành cái sự dính mắc của vật đó, thì đó là chúng ta phải tu Chánh Niệm Tỉnh Thức.

Cho nên phòng hộ thì trước tiên, mà đây là mới có tu một cái nẻo Chánh Kiến mà chúng ta phải phòng hộ nó rồi.

Rồi đến tu cái - đến khi mà để cho mắt chúng ta mà nhìn các vật được - trước đó phòng hộ để cho chúng ta luyện tập cái sức tỉnh thức, sau khi tập luyện sức tỉnh thức được thì chúng ta mới cho mắt chúng ta nhìn các vật, do đó chúng ta thấy nó tỉnh thức trong mọi vật cho nên nó đã làm cho tâm chúng ta nó không còn khởi ham muốn mọi vật nữa.

Vì vậy mà lúc bấy giờ chúng ta đã tu hai cái định, và hai cái định đó để giúp chúng ta ở trong Chánh Kiến, và bây giờ chúng ta mới quét sạch - trong cái nhìn của chúng ta nó sẽ sanh ra lậu hoặc, do đó chúng ta phải tu cái Định Vô Lậu nữa.

Từ đó nó còn những cái khó khăn của nó vi tế nữa, cho nên chúng ta phải đi đến cái Định Hiện Tại An Lạc Trú để chúng ta quét sạch lậu hoặc, chứng được Tam Minh mới quét nó ra được.

Cho nên con đường đi chúng ta phải ba bốn thứ định trong một cái Chánh Kiến. Rồi từ cái Chánh Kiến rồi thì Chánh Tư Duy thì cũng phải tu như vậy, rồi Chánh Niệm - cho nên Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Niệm, Chánh Định chúng ta cũng phải tu trong mấy cái định này chứ đâu phải là tu có một cái không.

(01:32:40) Rồi còn phải tu trong cái hành tướng, cái nhân tướng, rồi cái đặc tướng của cái Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Định, Chánh Tinh Tấn, chớ đâu phải là có một cái không!

Cho nên giảng về Tứ Diệu Đế đâu phải là đơn giản mà nói suông suông được. Cho nên nó còn rất nhiều điều mà Thầy cần phải nói để cho quý thầy biết rằng con đường của đạo Phật rất là kỹ lưỡng trên bước đường hướng dẫn cho một người tu để đạt đến cái chỗ giải thoát hoàn toàn của tâm họ.

Chớ đâu phải là dạy sơ sơ trên cái nhân tướng là nói mình phải thấy đúng, hiểu đúng, như thế này, thế khác bằng thiện pháp, như Thầy dạy cách thức đơn giản thì người ta chỉ có được một chút ít nào giải thoát mà thôi, làm cho tâm hồn họ được an ổn mà thôi, chớ không thể nào mà như một vị tu hành phải hiểu cho rõ, cho đúng.

Đến đây là cái giới tuệ thứ tám mà chúng ta nhận ra được những cái lậu hoặc chúng ta còn hay là hết.

Ví như tại dãy núi lớn có một hồ nước thuần tịnh, trong suốt tận đáy hồ, không cấu nhiễm, một người có mắt đứng trên bờ hồ sẽ nhìn thấy con hến, con sò, con ốc, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi lội qua lại hay đứng lại một chỗ, rất rõ ràng không có mờ mịt chút nào, không có chỗ nào còn che giấu được mắt họ.

Đó Đức Phật ví dụ khi mà cái tâm của chúng ta mà cái Lậu Tận Minh nó hiện ra rồi thì cái tâm của chúng ta bây giờ nó thuần tịnh, nó trong, cũng như là cái nước hồ trong suốt mà chúng ta đứng ở trên cái hồ rồi nhìn xuống dưới cái đáy hồ thấy tất cả những vật ở dưới đáy hồ rất rõ ràng.

Phật ví dụ tâm chúng ta đến cái chỗ giới tuệ thứ tám này thì nó trong suốt như vậy đó. Nó thanh tịnh trong suốt như vậy, nó không còn một chút tham dục nào trong đó, nó không còn một chút bất tịnh nào trong đó, cho nên nó trong suốt như vậy.

Khi tu đến đây rồi thì cái tâm chúng ta dễ sử dụng tất cả mọi thứ, điều khiển nó như thế nào thì nó làm được tất cả như thế nấy.

Đó là giới tuệ thứ tám trong giới luật của Đức Phật, vị ấy đã đạt được kết quả giới tuệ này thiết thực, hiện tại, vi diệu, thù thắng, khó nghĩ lường./.

HẾT BĂNG