Skip directly to content

Nẻo Về Đạo Đức. Kì 22 (33) tiếp theo: 5; 6

33. HÀNH MƯỜI THIỆN (tiếp theo)

            5- DUYÊN HỢP VÀ DUYÊN TAN

          Lúc bấy giờ tôn giả Tu Bồ Đề trả lời: “Lành thay! Lành thay! Này Kiều Thi Ca! Pháp pháp tự sanh, pháp pháp tự diệt; pháp pháp loạn động, pháp pháp tự vắng bặt.” (Tăng Nhất A-Hàm).

          Đứng về phương diện triết lý Nhân Quả của Phật giáo thì vạn hữu do duyên hợp sanh ra, chớ không phải do một đấng vạn năng nào sanh. Vì thế sự đau khổ, bệnh tật, tai nạn của chúng sanh không do một tác nhân nào khác gây ra mà chúng sanh tự tạo cho mình. Hội đủ điều kiện, vạn hữu mới được thành hình, nếu thiếu một nhân duyên thì cũng không thể sanh ra được.

          Ví như cây đèn, có tim, họng, ống khói, bầu dựng dầu, mà chỉ thiếu dầu thì đèn cũng không cháy được. Cho nên tất cả bệnh khổ của chúng sanh đều do duyên hợp mà có, chớ không thể tự nhiên hoặc do may rủi. Sự thật hiển nhiên, tất cả các pháp trong thế gian phải hội đủ nhân duyên mới hình thành vạn vật. Kinh Tăng Nhất A-Hàm dạy: "Pháp pháp tự sanh".

           Khi quán xét cho kỹ về luật tuần hoàn sanh diệt trong vũ trụ, có sanh tức có tử, có tử tức có sanh; hạt giống sanh tử này chính chúng ta tự tạo.
Kẻ tác bệnh, tác khổ cho chúng sanh không ai ngoài chúng ta. Thế mà mỗi khi có điều gì quá đau khổ, tai nạn quá hiểm nghèo thì chúng ta chỉ còn biết cầu nguyện Trời, Phật, Thánh, Thần. Nhưng làm sao những bậc ấy cứu khổ cho chúng ta được?

          Cầu nguyện chỉ là một phương pháp trấn an tinh thần chớ các Ngài không giúp ta được. Kẻ làm ra cảnh khổ này chính là chúng ta thì chúng ta phải lãnh thọ. Hết duyên, vạn hữu tự hoại diệt chớ không phải do ngẫu nhiên. Tất cả đều do duyên cớ chớ không phải muốn chết là chết được, cũng như muốn sống là sống được.

          Ví dụ như một cơn giông to gió lớn làm cây cối nhà cửa sụp đổ, người và vạn vật đều chết, đó là duyên tan. Duyên hợp thì sanh, duyên tan thì hoại diệt; vạn hữu thành hoại đều do duyên cả. Kinh Tăng Nhất A-Hàm dạy: "Pháp pháp tự diệt".

          Quán cho cùng lý mới thấy rõ vạn hữu thế gian toàn là duyên hợp và duyên tan, tạo thành rồi hoại diệt. Không có một sắc tướng nào của vạn hữu trong vũ trụ có một thực thể riêng biệt, toàn là các duyên thành và hoại, chứ không một ai diệt và tạo ra nó.

          Bởi thế khi Đức Thế Tôn tu đã thành Phật nhưng vẫn không cứu khổ chúng sanh được. Ngài chỉ nhắc nhở, răn cấm khéo léo khiến cho chúng sanh tự tu hành: “Này các con! Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, ta không đi thay thế cho các con được con đường ấy.”

Đọc đến đoạn kinh này chúng ta phải ý thức lại chúng ta; sự ý thức này giúp cho chúng ta thoát khỏi muôn vàn sự đau khổ của tâm hồn. Vạn hữu do duyên hợp tự sanh, cũng do duyên hợp tự diệt. Chỗ tự sanh tự diệt là chỗ động, vì thế vạn hữu luôn sống trong động, vì có động nên sinh ra vô số chúng sanh và cũng chính tư tưởng động của chúng sanh mới sinh ra dính mắc, chấp trước, chấp ngã. Thế nên cuộc sống con người mới có đau khổ, phiền lụy.

          Ví như mình không có lòng tham thì làm gì có chửi mắng nhau, nếu không có sự hơn thiệt chửi mắng nhau thì làm gì có sự giận hờn. Rõ thấu như vậy thì ngăn được cơn sân, tâm hồn được thư thái an nhiên.

          Đủ duyên hợp lại trong ngoài mới có giận hờn, đau khổ. Nếu trong không, ngoài có hoặc trong có, ngoài không thì không có cơn giận hờn. Ngược lại, ngoài có trong cũng có thì giận hờn tất phải sanh ra. Đó là tâm trạng chung của chúng sanh. Bởi vậy một sự kiện gì xảy ra đều phải do hội đủ nguyên do. Cuộc đời là một trường duyên hợp, duyên tan, vì thế tâm hồn chúng ta luôn luôn chịu nhiều đau khổ, giận hờn, thương ghét, biệt ly và sanh tử.

          Hành giả phải chịu khó gắng công nỗ lực quán xét, suy tư cho thấu suốt lý nhân duyên và phải nắm vững bản thể của vạn hữu vốn nó tự vắng bặt. Ai đã trở về tư tưởng tịch lặng vắng bặt thì sẽ chấm dứt ngay khổ đau phiền não và sanh tử. Khi tu đến trạng thái này gọi là giải thoát hoàn toàn.

        Đường về bản thể vắng lặng của vạn hữu, chúng ta cần biết pháp đối trị và còn phải đem hết ý chí dũng mãnh thực hiện cho bằng được thì chắc chắn vạn hữu không còn là chướng ngại trong tâm. Hầu hết chúng sanh đều có tâm hồn đau khổ, không việc này thì sự kiện khác. Hơn nữa cơ thể thường hay bệnh tật nhưng nặng nhẹ có khác. Người tu hành phải rõ lý nhân quả, tức là lấy cái không bệnh tật, cái không phiền não đối trị lại cái có bệnh tật, có phiền não.

          Ngày xưa tại núi Nga Mi, ông Văn Thù Sư Lợi sai đồng tử đi hái thuốc, ngài bảo: “Con hãy ra rừng hái thứ thuốc nào không phải là thuốc thì mới trị được bệnh không phải bệnh.” Tu Bồ Đề dạy: “Này Kiều Thi Ca! Cũng như có thuốc độc thì phải có thuốc trừ độc.”  (Tăng Nhất A-Hàm).

          Tư tưởng của chúng sanh vốn mang chất độc, thường giết chúng sanh mà chúng sanh nào hay biết. Thuốc trừ độc có rất nhiều, nhưng phương thuốc đầu tiên là phương thuốc Mười Thiện. Nếu chúng sanh không chịu dùng thuốc này trừ bệnh độc phiền não thì sao giải độc được.

          Nếu một ý tưởng khởi nghĩ đến (một sự kiện do tâm tham, sân, si chủ động) ngay lúc đó ta phải biết là tà niệm và phải có sự suy tư khác để đối trị ngay. Đó là dùng chánh niệm diệt tà niệm, có nghĩa là lấy tư tưởng chánh đập tan tư tưởng tà. Người tu hành biết quán như vậy liền phá tan được tâm tham, sân, si. Quán càng sắc bén bao nhiêu thì phá tan mây mờ đau khổ trong lòng bấy nhiêu.

          Bát Chánh Đạo là con đường giải thoát, lấy chánh diệt tà, quét sạch rác rưới tham, sân, si và giữ tâm hồn chúng sanh được bình thường, an lạc.

          Tôn giả Tu Bồ Đề dạy: “Này Thiên Đế Thích! Pháp pháp loạn động, pháp pháp tự vắng bặt, pháp pháp thường sanh pháp.”  (Tăng Nhất A-Hàm).

          Từ mọi sự kiện này sanh ra mọi sự kiện khác, từ cơn sân của người này sanh ra cơn sân của người khác và của nhiều người, từ lòng sầu não của người này làm gợi lên lòng sầu não của kẻ khác. Như vậy không phải: "Pháp pháp thường sanh pháp" sao?

          Vạn hữu trong vũ trụ lúc nào cũng động. Tư tưởng của chúng sanh cũng vậy, từ suy nghĩ này đến suy nghĩ khác, suốt cả một đời người không bao giờ có được những phút giây dừng lặng, ngoại trừ lúc ngủ say. Kinh A-Hàm dạy: "Pháp pháp loạn động".

          Tâm chúng sanh vốn không giận hờn đau khổ, không tham lam chấp trước, rất thanh tịnh vắng lặng, nhưng vì sự tương quan tương giao với vạn hữu khiến nó phải động.  Kinh A-Hàm dạy: "Pháp pháp tự vắng bặt".

          Duyên hợp cũng như duyên tan rất sống động, do động nên sanh ra vạn hữu. Thế nên mỗi một chúng sanh đều có hai phần động rõ rệt, tinh thần và vật chất. Vạn vật thiên nhiên trong vũ trụ đều động, chúng ta là một vật trong vạn vật thì làm sao bất động được. Vì bất động chẳng được nên tâm khởi phân biệt, do phân biệt mới có đối đãi, mới có đau khổ, giận hờn thương ghét...

          Biết rõ tâm chúng sanh vốn thanh tịnh, nên chúng ta dùng tư tưởng chánh diệt tư tưởng tà, nhờ thế tâm hồn mới được an vui, bản thể thanh tịnh mới lần hồi hiện tiền.

Kinh A-Hàm dạy: "Lấy pháp trắng trị pháp đen tức là lấy tịnh diệt động". Nghĩa là khi tư tưởng tham, sân, si khởi lên, đó là tà kiến tà niệm khiến cho tâm tư chịu nhiều đau khổ, sầu muộn, giận hờn, thương ghét ... thì liền đó ta khởi nghĩ theo chánh pháp tức là tư tưởng chánh (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ...). Nó giúp cho chúng ta trở về với trạng thái an vui thanh tịnh và phá tan được tâm tư phiền muộn đau khổ.

          Chúng ta lập lại một lần nữa để ghi nhớ lời dạy trong Kinh A-Hàm: Này Kiều Thi Ca! Pháp pháp loạn động, pháp pháp tự vắng bặt; pháp pháp thường sanh pháp; pháp đen dùng pháp trắng trị, pháp trắng dùng pháp đen trị.”

          6- THỂ HIỆN MƯỜI THIỆN

          Kinh A-Hàm dạy: “Bệnh sắc dục dùng bất tịnh trị.” Thực vậy, đứng trước sắc, khi tâm tham dục khởi ta phải dùng quán bất tịnh để đối trị. Nghĩa là phải suy tư quán xét cho thấu đáo tất cả vạn hữu đều có sắc tướng bất tịnh, dễ ô nhiễm, sinh ra mùi hôi thúi ghê tởm, dù cho chúng có những sắc tướng khêu gợi khiến cho tâm tham sắc dục dễ nổi lên.

          Muốn làm chủ được tâm tham sắc dục không có pháp môn nào để chế ngự hơn là kinh nghiệm bản thân. Phải trực tiếp mắt thấy tai nghe mũi ngửi mùi, tay sờ mó vào sắc tướng của đối tượng đang phơi bầy trước mắt ta những hình ảnh ghê tởm uế trược, hôi thúi và còn nhiều bất tịnh khác nữa. Nhờ có trực tiếp như vậy nên khi vừa thấy sắc là ta thấy ghê tởm ngay.

          Muốn chế ngự và hàng phục tâm sắc dục, điều tối quan trọng là phải thông suốt: Ở đâu có khoái lạc, ở đó có khổ đau. Sự đau khổ nhắc cho chúng ta thức tỉnh trong sự mong cầu khoái lạc.

          Xét về thân và tâm của mình, từ xương răng da tóc, đờm nhớt, máu mủ, thảy đều bất tịnh. Về phần tinh thần, ta cũng dễ bị ô nhiễm, dính mắc các sắc tướng vạn hữu; vì thế chúng ta càng khởi tâm tham dục lạc thì càng thọ vô lượng thứ đau khổ.

          Người tu Mười Thiện phải thể hiện đúng mười điều lành của Phật dạy và còn phải nhìn thấu suốt thực chất sắc tướng của vạn hữu đang vây quanh chúng ta.

          Người mang bệnh sân hận nặng muốn đối trị phải dùng từ tâm, nghĩa là chúng ta phải biết đem lòng từ bi tha thứ và thương xót những kẻ lầm lỗi, những người hung ác, gian tham, tật đố, v.v... Tại sao? Vì họ là người thiếu giáo dục đạo đức, không được ánh sáng chân lý soi chiếu vào tâm tư họ nên đời sống họ luôn luôn bám chặt vào vật chất chịu nhiều thứ đau khổ.

          Chúng ta là người hành Mười Thiện phải thấu rõ lý nhân quả, thường dùng chánh kiến và luôn thực hiện lòng từ bi đối với mọi người. Nhờ vậy lòng đau khổ, sự giận hờn mới chấm dứt. Ý thức được sự ích kỷ nhỏ mọn của mình là thuốc độc giết chết tâm hồn, chỉ có lòng từ bi mới cứu chúng ta sống.

          Muốn trị bệnh ngu si mà không chịu học Phật pháp thì không làm sao có trí tuệ giải thoát, không thể làm chủ được tư tưởng của mình và thấu suốt được vạn hữu. Vả lại người ngu si không thể nào biết áp dụng phương tiện của Đức Phật dạy. Kẻ ngu si không đủ trí hiểu biết luôn luôn sống một đời đầy đau khổ sân hận, lúc nào cũng nô lệ cho vật chất.

          Người hành Mười Thiện phải biết dùng pháp môn quán của Đức Phật đã giảng dạy suốt con đường A-Hàm tức Nhị Thừa. Pháp môn này dùng để đối trị tất cả tư tưởng phiền não. Khi thấu suốt con đường quán của Nhị Thừa, chúng ta mới thấu rõ là tất cả hiện tượng vạn vật thiên nhiên trong vũ trụ đều do duyên hợp tạo thành chớ không do một đấng vạn năng nào biến hóa ra.

          Xét cho cùng tột về cuộc sống của chúng ta, ta mới thấy ngã không, người không và vạn hữu đều không. Kinh A-Hàm dạy: “Này Thích Đế Hoàn Nhơn! Như vậy tất cả hiện tượng đều quy về không; không ta, không người, không thọ mạng, không sĩ phu, không hình tướng, không nam nữ.”

          Ở đây chúng ta nghe Đức Phật dạy tất cả hiện tượng trong thế gian đều quy về không; không ta, không người, không thọ mạng, không sĩ phu, không hình tướng, không nam nữ, thế mà mọi vật trước mắt chúng ta sờ sờ mà bảo là không thì hóa ra lời dạy kia phi lý và mâu thuẫn với chính nó hay sao?

           Muốn rõ lý sắc không, chúng ta phải có sự tư duy cho tường tận mới thấy vạn hữu là không. Ví dụ muốn dựng một cái nhà phải do nhiều thứ hợp lại như kèo, cột, vách, lá, phên, cửa, đòn dông hợp lại tạo nên một cái nhà. Nếu lấy một cây cột mà bảo đó là cái nhà thì không đúng.

          Câu chuyện vua Malinda hỏi tỳ-kheo Nagasena trong Kinh Malinda:
          “- Thưa Đại Đức! Quý danh Ngài là gì?
          - Tâu bệ hạ! Người ta gọi tôi là Nagasena, nhưng không có thật tôi.
          Nhà vua hỏi:
          - Nếu không có thật ngã thì ai cúng dường, ai truyền giáo, ai tham thiền, ai thực hành giáo lý và ai tu chứng Niết Bàn? Vậy cái gì mới thực là Nagasena? Hay tóc trên đầu là Nagasena chăng?
          - Tâu bệ hạ! Không phải tóc là tôi.
          - Lông nơi thân là Nagasena chăng?
          - Tâu bệ hạ cũng không.
          - Vậy thì sự cảm xúc, sự nhận biết vui buồn là Nagasena chăng?
          - Tâu bệ hạ cũng không.
          - Vậy thì ngũ uẩn, tứ đại là Nagasena chăng?
          - Tâu bệ hạ cũng không.
          - Như thế ngoài thân còn cái gì là Nagasena chăng?
          - Tâu bệ hạ cũng không có cái thân nào khác ngoài Nagasena.
          Vua Malinda hỏi xong, Nagasena hỏi lại:
          - Tâu bệ hạ! Ngài đến đây bằng gì?
          - Bạch Đại Đức! Trẫm đến đây bằng xe.
          - Vậy bệ hạ có thể giải thích xe là gì chăng? Có phải gọng là xe chăng?
          - Không phải thế.
          - Cái trục lăn có phải là xe chăng?
          - Bạch Đại Đức không.
          - Hai bánh có phải là xe chăng?
          - Cũng không.
          - Vậy nhà vua nói các thứ đó có cái gì là xe không?
          - Cũng không.”

          Câu chuyện vua Malinda cho chúng ta thấy rõ ràng Phật giáo chủ trương con người không có bản ngã. Sinh mạng của con người chỉ kết hợp do tứ đại và tâm thức. Hay nói một cách khác hơn, con người do duyên hợp bởi đời sống vật chất và tâm lý. Đời sống vật chất gọi là sắc uẩn, đời sống tâm lý gọi là thọ, tưởng, hành, thức uẩn; gọi chung là Ngũ Uẩn.

          Đứng về phương diện không gian, vạn hữu trong vũ trụ vốn giả hợp; còn về phương diện thời gian thì vạn hữu vốn sanh diệt không ngừng; cho nên thân ngũ uẩn tạm có gọi là sanh mệnh chúng sanh, khi ngũ uẩn tan rã thì gọi là sanh mạng chúng sanh chấm dứt hay chết.

          Vạn hữu mượn danh mà đặt tên, chớ không có thực tên, cũng như cái chúng ta thấy gọi là xe thì nó đâu có một bản thể chính yếu, ngoài các bộ phận như gọng, bánh, trục, căm, v.v... thì xe không thành hình được. Xe chỉ là một danh từ để chỉ sự kết hợp của các bộ phận ấy mà thôi.

Tôn giả Tu Bồ Đề còn giảng những ví dụ giải thích cho chúng ta thấy vạn hữu do duyên hợp tạo nên, khi hết duyên thì duyên tan, nó sẽ hoại diệt. Ví như cây cổ thụ xum xuê tàn lá, một cơn gió to cành lá phải xác xơ. Một vườn cây đang kết hoa nẩy nụ làm quả, một trận mưa đá, tuyết rơi làm hư hoại tất cả. Đó là duyên tan. Một cơn mưa to trút xuống, các cây cành đang héo úa gặp mưa liền đâm chồi nẩy tược. Đó là duyên hợp.

          Khéo quán xét chúng ta đào sâu vào tự thể của vạn hữu, ta mới thấy rằng bệnh tật không từ đâu sanh, chẳng phải thân sanh mà cũng chẳng phải ý sanh. Vì thế bệnh tật không phải do thân hay do ý, mà chính là duyên hợp tạo nên. Pháp do duyên mà có, duyên hợp là động, động thì pháp sanh.

          Pháp pháp tự diệt, nghĩa là hết duyên thì pháp tự hoại diệt, tự trở về bản thể của nó. Kinh A-Hàm dạy: Này Thích Đế Hoàn Nhơn! Pháp pháp loạn động, pháp pháp tự diệt. Ta trước kia mắc bệnh đau đớn khổ sở, ngày nay đã trừ được, không còn bệnh khổ.”

Lời dạy của tôn giả Tu Bồ Đề, chúng ta nhận thức như thế nào? Có phải chăng khi suy tư quán xét liền thấu rõ cội nguồn của bệnh tật là hết bệnh chăng? Hay một duyên cớ gì mà ông Tu Bồ Đề bảo bệnh ông đã hết?

          Khi dùng pháp Quán để thấu suốt cội nguồn của bệnh tật, để rõ được nguyên nhân này chỉ do duyên hợp nhiều đời và cũng như ngay trong đời hiện tại đang tạo tác. Nhờ thấu rõ cội nguồn của bệnh tật nên tâm tư không còn lo ngại sợ sệt, thường nhìn thẳng vào bệnh tật, lòng không chút sợ hãi lo lắng. Đủ duyên hợp lại thành bệnh tật, khổ đau vui buồn, thương ghét giận hờn... Hết duyên tất cả phiền lụy đều tan hết.

          Thấu suốt được lý này, hành giả phải chấp nhận bệnh tật, hoặc tai nạn. Không bao giờ sợ hãi và tìm cách trốn tránh. Lúc nào cũng vui vẻ trả nghiệp và luôn luôn tạo thiện nghiệp. Do lòng an vui chấp nhận các nghiệp khổ mà tinh thần dũng mãnh, can đảm chịu đựng những thử thách để rồi vượt qua, nghiệp khổ dần dần tan biến.

          Nói đến duyên hợp, duyên tan mà không nói đến nhân quả là một điều thiếu sót quá lớn. Nhơn quả là do nghiệp lành, ác mà có. Muốn đối trị quả khổ thì phải thấu lý nhơn quả, tức là biết rõ quả thiện ác đang chủ động tác động vào đời sống con người, khiến cho con người cực khổ thất điên bát đảo.

          Vậy chúng ta phải thường hằng hành Thập Thiện, cố gắng gieo nhân lành. Khi nhân lành đầy đủ thì sự phiền não đau khổ sẽ chấm dứt. Muốn cứu nguy bệnh tật của thân, mưu tìm chơn hạnh phúc cho gia đình thì phải hành Mười Thiện. Hành Mười Thiện là chuyển từ nghiệp ác thành nghiệp thiện, chuyển điều dữ thành điều lành, khiến cho đời sống chúng ta hoàn toàn được thuận duyên. Nhờ đó mà cuộc hành trình về xứ Phật không còn trở ngại nữa.

          Muốn hành Mười Thiện mà thiếu trí tuệ thì không bao giờ thực hiện được việc này. Muốn có trí tuệ chúng ta phải học Phật pháp, nhờ học Phật pháp trí tuệ mới sáng suốt, chánh kiến giải thoát của Phật mới thấm nhuần. Nhờ đó tâm hồn xuất sanh lòng từ bi, nhờ lòng từ bi mới dễ nhẫn nhục, nhờ có nhẫn nhục chúng ta mới thể hiện Mười Thiện dễ dàng. Chỉ có hành Mười Thiện thì quả ác mới chấm dứt, cuộc sống mới được an vui hạnh phúc.

          Tóm lại, con người muốn thoát khỏi bệnh tật khổ đau, tai nạn hiểm nghèo thì không có phương tiện hay pháp môn nào mau chóng bằng pháp môn Mười Thiện. Dù thuốc hay thầy giỏi cũng không tránh khỏi thân bệnh, dù bậc vua chúa hay các y-sư giỏi nhất cũng không thoát khỏi bệnh tật và phải chịu chung luật sanh tử.

          Thế nên học Phật pháp mà biết khôn khéo áp dụng vào đời sống hằng ngày thì thân bệnh sẽ không còn nữa và tâm thường được an vui. Chúng ta hãy nghe bài kệ của tôn giả Tu Bồ Đề để gắng công tu tập Mười Thiện:

          “Hãy nói như lời này
          Căn bản thấy đầy đủ
          Người trí được an ổn
          Nghe Pháp dứt các bệnh.” (Kinh Tăng Nhất A-Hàm).
          Chúc quý vị tu tập thành công để luôn luôn sống an vui hạnh phúc.