Skip directly to content

Nẻo Về Đạo Đức. Kì 14 (32).

32. TÂM THANH TỊNH LÀ NHỜ LY DỤC LY ÁC PHÁP,
CHỨ KHÔNG PHẢI CHẲNG NIỆM THIỆN NIỆM ÁC

            Pháp thoại Chơn Như

          Các nhà học giả cho bài kinh Pháp Cú “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo” có hai phần:

          1- Tu thiền quán.
          2- Tu thiền định.

         Như vậy có đúng không? Qua bài pháp thoại này chúng tôi sẽ giảng để quý độc giả và quý phật tử được rõ ràng, không lầm lẫn.

        Thưa quý vị!

          Dục và các ác pháp làm cho tâm quý vị động chứ đâu phải không động, khi tâm bị động thì mình phải quán xét. Quán xét thì phải dựa theo lời Đức Phật dạy: phải ở trên Định Vô Lậu quán xét để đẩy lui những chướng ngại pháp ấy ra khỏi thân, thọ, tâm, pháp của mình, thì gọi là ly dục, diệt ác pháp. Vừa ngăn dục, vừa diệt dục; vừa ngăn ác, vừa diệt ác xong thì mới nhìn thấy được tâm mình thanh thản, an lạc và thanh tịnh. Tâm thanh thản, an lạc và thanh tịnh là thiền định, chứ đâu phải mình ngồi thiền, ức chế tâm cho hết vọng tưởng là thiền định, là tâm thanh tịnh đâu?

          Cho nên bài kệ trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Chư ác mạc tác; Chúng thiện phụng hành; Tự tịnh kỳ ý; Thị chư Phật giáo.

          Bài kệ này các nhà Đại Thừa tự phân ra làm hai vế:

          Vế thứ nhất họ cho rằng: “Chư ác mạc tác; Chúng thiện phụng hành” là mình tu theo pháp thiện, nhờ pháp thiện mà mình diệt được ác pháp, giữ gìn được thiện pháp, do giữ gìn được thiện pháp mà chính mình bị dính mắc vào thiện pháp đó. Vì thế tâm ý của mình chưa thanh tịnh, vì còn pháp thiện. Hai câu này họ cho đó là tu “thiền quán.

          Vế thứ hai họ cho rằng: “Tự tịnh kỳ ý” là pháp môn “thiền định.” Muốn tu thiền định thì mình phải tu một pháp khác hơn là pháp “ngăn ác diệt ác pháp” thì tâm mới được thanh tịnh, mới được định. Vì hiểu như vậy nên các nhà Đại Thừa mới chế ra một pháp môn khác để tu tập thiền định như: đếm hơi thở, theo hơi thở, phình xẹp nơi bụng, niệm Phật, niệm chú, chăn trâu tri vọng, công án tham thoại đầu v.v… Tất cả các pháp khác đó là pháp giữ tâm để tâm mình không có niệm thiện niệm ác, không có niệm thiện niệm ác thì tâm mới thanh tịnh.

          Đó là những sự nghĩ tưởng của các nhà học giả. Vì vậy câu kinh Pháp Cú này họ đã hiểu sai. Họ hiểu sai đã khiến cho nhiều người hiểu sai. Do đó Phật pháp đã biến thành tà pháp.

          Qua kinh nghiệm tu hành của chúng tôi thì bài kệ chỉ có một ý, chứ không thể chia làm hai ý được.

          Lưu ý: “Chư ác mạc tác; Chúng thiện phụng hành” nghĩa là: Các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện.

          Hai câu trên là chỉ cho pháp hành, tức là gieo nhân thiện, diệt nhân ác. Gieo nhân thiện, diệt nhân ác tức là hằng ngày phải sống bằng những hành động thiện. Sống bằng những hành động thiện như thế nào? Luôn suy nghĩ những điều thiện và ngăn chặn những ý niệm điều ác; luôn nói những lời lành và ngăn chặn những lời nói ác; luôn làm những việc lành và ngăn chặn làm những việc ác. Có thường xuyên huân tập như vậy mới có lợi ích rất lớn cho đời sống.

          Câu dưới “Tự tịnh kỳ ý” là chỉ cho kết quả của hai câu pháp hành ở trên. Có nghĩa là khi không làm và không sống trong các ác pháp và thường làm, thường sống trong các pháp thiện thì tâm ý của mình tự nó thanh tịnh. Do mình sống trong các pháp thiện này thì cái ý của mình nó thanh tịnh chứ không cần phải tu một pháp khác nào cả. Bây giờ Thầy đặt lại vấn đề cho nó rõ ràng và dễ hiểu hơn, để thấu lý của bài kệ pháp hành này trong kinh Pháp Cú.

          Đức Phật dạy Mười Thiện, tức là dạy mười điều lành. Chúng ta không nói đến thiện nhiều mà chỉ cô đọng gom lại mang đầy đủ tính chất của gốc thiện, theo như Đức Phật đã dạy mười điều lành trên. Mười điều lành là mười điều thiện gốc, từ mười điều lành gốc đó mà phát sanh ra muôn vạn điều lành khác. Cho nên chúng ta giữ gìn được mười điều lành này là giữ gìn được muôn vạn điều lành khác.

          Ví dụ: Mười điều thiện trên đây mà Thầy chỉ mới có tu được năm điều thiện, còn năm điều thiện nữa chưa tu xong, năm điều thiện chưa tu xong tức là còn năm điều ác. Năm điều ác là đối tượng của năm điều thiện này. Nếu Thầy chấp giữ năm điều thiện này để tu tức là để diệt các đối tượng của nó là năm điều ác. Và như vậy thì Thầy còn bị kẹt trong năm điều thiện này. Cho nên Thầy phải cố gắng tu năm điều này cho nó toàn thiện, cho nó không còn ác pháp nữa, nếu nó còn ác pháp thì nó chưa phải là toàn thiện. Khi Thầy tu thiện rồi thì nó hết sạch các ác pháp, tức là tâm Thầy không còn có đối tượng đối đãi của tâm thiện nữa, thì lúc bây giờ tâm thiện đó nó còn thiện nữa hay không hỡi quý vị?

Còn có ác thì còn có thiện, lúc ác hết sạch thì thiện vẫn là thiện, nhưng vì không có ác nên chúng ta vẫn thấy không có thiện. Có phải vậy không quý vị? Cho nên nó không còn cái đối tượng đối đãi thì thiện ấy mới thật sự là thiện toàn diện. Thiện toàn diện thì tâm ý nó thanh tịnh. Nên kinh dạy: “Tự tịnh kỳ ý.” Phải không quý vị?

Cái ý của mình nó thanh tịnh là do mình sống trong thiện pháp, toàn thiện, không còn một chút xíu các ác pháp. Còn bây giờ mình mới sống được phân nửa thiện, còn phân nửa là ác. Còn có ác pháp là còn đối tượng của thiện nên thiện chưa toàn thiện, chưa trọn vẹn thiện thì còn kẹt trong pháp thiện. Nếu chúng ta kiến giải, tưởng giải ra bài kinh Pháp Cú này phân làm hai vế, và như vậy chúng ta đã làm lệch ý của Phật, do đó dẫn đến chúng ta tu hành sai lạc. Do hiểu sai lệch này chúng ta rơi vào thiền tưởng mà không biết, thấy tướng tưởng mà cho là định tướng, cũng như gặp ma mà cho là Phật.

          Còn bây giờ chúng ta đang giữ thiện, ly ác pháp nên tâm chưa toàn thiện, tâm chưa toàn thiện thì tâm còn đang kẹt ở giữa cái thiện và ác, vì thế tâm chúng ta chưa thanh tịnh như trên chúng tôi đã dạy. Thiền định của đạo Phật chính là tâm toàn thiện. Tâm toàn thiện là tâm định chứ không phải thân định, xin quý vị lưu ý đừng hiểu tâm định và thân định giống nhau. Vì thế Đức Phật xác định cho chúng ta hiểu rõ: “Tâm định trên thân, thân định trên tâm” là hai loại thiền định rõ ràng:

          1- Tâm định (Chư ác mạc tác; Chúng thiện phụng hành; Tự tịnh kỳ ý. Kinh Pháp Cú).
          2- Thân định (Không thở ra thở vào; Tâm trú vào thiền định. Kinh Tương Ưng).

          Người kiến giải sai lệch câu kinh này nên dùng pháp khác để tu tập cho nó thanh tịnh, bằng cách ức chế tâm của mình, không cho nó khởi niệm thiện, niệm ác. Và khi niệm thiện, niệm ác không khởi thì chắc chắn nó sẽ thanh tịnh chứ gì? Tu như vậy, sự thật nó không đúng nghĩa ở trong bài kệ của kinh Pháp Cú. Tu theo đạo Phật chúng ta phải hiểu rằng: tu là phải xả tâm, có nghĩa là ly dục ly ác pháp.

          Đức Phật đã nói: “Ta nói giới luật, tức là nói ly dục ly ác pháp.” Chỉ có người sống đúng giới luật thì mới ly dục ly ác pháp được. Bây giờ Thầy lấy một ví dụ khác: như ngày ăn ba bữa cơm: sáng, trưa, chiều thì thử hỏi Thầy có ly tham chưa? Nếu một người sống phá giới thì luận rằng: “Tôi ăn tôi biết tôi ăn vậy chứ tôi đâu có cần nghĩ đến tham hay không tham?

Đó là lý luận suông của những nhà học giả. Nhưng thật sự ra sáng và chiều không ăn thì người ta cảm thấy muốn ăn, thèm ăn, cảm thấy đói. Và như vậy là không tập sống ly tham dục. Không tập sống ly tham dục thì làm sao gọi là ly dục. Còn muốn ăn, thèm ăn, còn đói bụng tức là còn tham dục.

          Một người ngày ăn một bữa thì buổi sáng người ta ly tham được buổi sáng. Người ta không ăn buổi chiều thì người ta ly tham được buổi chiều. Vì thế người ta chỉ còn ăn để sống trong một ngày, chỉ có ăn vào buổi trưa mà thôi. Nhiều khi buổi trưa đôi lúc chúng ta thấy đồ ăn ngon mà chúng ta ráng ăn nhiều cho no căng thì đó chúng ta vẫn chưa ly dục. Chưa ly dục ly ác pháp, tức là chưa giải quyết tâm tham, sân, si. Cho nên ngon hay dở chúng ta chỉ ăn để sống mà thôi. Khi tâm mà đang còn tham ăn, mặc dù ăn ngày một bữa nhưng còn tham, chứ đâu phải hết tham. Cho nên Đức Phật dạy: phải quán thực phẩm bất tịnh để sanh ra tâm nhàm chán.

          Nếu chúng ta quán thấy thực phẩm hoàn toàn bất tịnh, thì chúng ta ngán ngẩm và sợ hãi, chúng ta ít muốn tham ăn. Còn nếu chúng ta dùng tưởng quán thực phẩm bất tịnh, khi quán sâu quá thì chúng ta không muốn ăn do đó cơ thể chúng ta sẽ bị bệnh. Bởi vì không ăn thì cơ thể phải bệnh chứ gì? Nên khi quán thực phẩm bất tịnh đến mức độ vừa đủ để nhàm chán thì dừng lại, chứ không được quán đến ghê tởm để không muốn ăn thì sai. Cho nên Phật pháp mà không có người dạy kinh nghiệm tu hành thì chúng ta tu quán cũng vẫn sai.

          Quán đến mức độ chúng ta tưởng ra thực phẩm quá ghê tởm là tự giết mình trước lúc thành đạo. Cũng như quán thân vô thường, quán đến mức độ thấy cái thân này vô thường hoàn toàn thật sự thì chừng đó mình cầm dao đâm mình mà không có chút sợ hãi. Thì đó là mình đã tu sai pháp Phật.

Cũng như bây giờ Thầy cho ví dụ: Một đống rác đang ở trước mặt các phật tử, các phật tử khởi ý muốn hốt đống rác cho sạch, nhưng vì Thọ Bát Quan Trai nên không hốt rác. Không hốt đống rác tức là quý phật tử đang bị ức chế tâm. Chỉ một hành động nhỏ như vậy là chúng ta đã tu sai. Pháp của Phật là pháp xả chứ không phải pháp ức chế, thấy đống rác muốn hốt mà nghĩ rằng mình là người tu thiền, chỉ biết có thiền chứ không khởi niệm đống rác, đó là bị ức chế tâm, không có xả. Trái lại, một người muốn xả tâm thì ngay đó người ta đi hốt đống rác là xả tâm. Bởi vì, tâm mình đã phóng ra đống rác, muốn xả niệm đó thì phải xả đống rác cho sạch.

Xả xong bây giờ tâm sẽ nhẹ nhàng, thoải mái. Cũng như khi mình ngồi thiền hai chân bị tê thì đó là bị chướng ngại pháp rồi, bây giờ chúng ta nói còn tu 30 phút nữa mới hết giờ thiền, ta hãy ráng ngồi cho đúng giờ. Và như vậy, rõ ràng mình đã ức chế thân của mình. Pháp tu như vậy đối với đạo Phật là sai, cho nên ta hãy xả hai chân bị tê đi, xả hai chân bị tê thì nó đem lại sự an lạc giải thoát bình thường cho ta chứ gì?

Muốn chân hết tê, chúng ta tháo chân tréo ra và xoa bóp, rồi đứng dậy đi thì thấy hết tê liền, đó là hoàn toàn cách tu xả. Cái gì làm khổ chúng ta là chướng ngại pháp, là ác pháp. Đạo Phật là đạo giải thoát ngay liền khi chúng ta tu theo pháp Tứ Niệm Xứ. Còn bây giờ chúng ta cứ ngồi ức chế thân tâm làm cho thân tâm của chúng ta khổ đau thế này hay bằng thế khác mà gọi là tu theo Phật giáo thì quý vị đã lầm.

          Bây giờ quý vị ăn ngày ba bữa đã thành thói quen mà bắt buộc quý vị ăn ngày một bữa, tức là quý vị đã bị ức chế thân tâm rồi đó, quý vị sẽ bị bệnh và khổ đau. Đức Phật dạy: Các cư sĩ muốn tu thì nên tu tập Thọ Bát Quan Trai. Một tháng chỉ một ngày, một ngày đó thật sự mình có ức chế thân tâm, nhưng chỉ ức chế thân tâm cho nó quen dần.

Tập dần cho nó quen chứ chưa tu tập gì hết mà vội xuất gia thì mình sẽ bị ức chế thân tâm trong giới luật. Và như vậy mình sẽ bị bệnh, không bao giờ mình tránh khỏi. Xuất gia tu hành để cầu giải thoát, cớ sao mình lại tạo cho mình thêm khổ, chứ có giải thoát gì đâu. Chỉ có một ngày Thọ Bát Quan Trai mà chúng ta còn cảm thấy khổ thật. Ngày ăn có một bữa, ngồi dưới đất ăn, không được nghe hát, trang điểm, cái ham muốn của mình bây giờ bị dừng lại hết, nó không còn ham muốn được cái gì cả, cho nên nó rất khổ.

          Chỉ mới có một ngày Thọ Bát Quan Trai. Rồi ta so sánh như cuộc sống thế gian và cuộc sống trong ngày Thọ Bát Quan Trai thì thấy khổ, quá khổ. Nhưng sau ngày Thọ Bát Quan Trai, mình tư duy suy nghĩ: sáng mình khỏi ăn, trưa mình mới ăn, rồi chiều tối mình cũng không ăn, mình thấy thực sự rảnh rang, vô sự, sung sướng thật, chứ không có khổ cực gì cả. Từ sự suy nghĩ đó mình mới thấy được sự giải thoát trong ngày Thọ Bát Quan Trai của đạo Phật.

Cuộc sống ngoài thế gian hằng ngày bận rộn suy tư chuyện này, chuyện nọ, tính toán buôn bán ngày kia, ngày nọ, quá cực khổ, lao tâm, tổn trí. Ngày Thọ Bát Quan Trai mình bỏ xuống sạch, chỉ ôm bát đi xin ăn như Phật, thật là hạnh phúc. Trong lúc Thọ Bát Quan Trai, mỗi tâm niệm gì khởi lên thì mình quán xét đẩy lui nó hết, khiến cho tâm mình thanh thản, an lạc và giải thoát. Như vậy là giải thoát thật sự phải không?

Tại sao có sự tham dục? Tham ái cái này cái kia, tham nói chuyện này, chuyện kia. Đó là tâm phóng dật, do phóng dật tâm mới lăng xăng, tâm lăng xăng chúng ta mới có cảm thấy khổ.

          Như vậy, từ chỗ tư duy mình mới thấy rõ và hiểu biết. Đây thật sự là con đường giải thoát. Có Thọ Bát Quan Trai tu tập một ngày thì mới thấy được sự giải thoát của ngày đó, thân và tâm của mình mới thanh thản, an lạc và vô sự. Cho nên mình thích thú và ham tu. Mình nghĩ rằng sau ngày Thọ Bát Quan Trai mình xin tu thêm một ngày nữa. Mình thọ rồi mình ước nguyện giải thoát và có sự giải thoát thật sự.

          Nhờ tu tập như vậy, tâm không có động, không có ai làm động tâm mình được và không thấy mình có khởi niệm tham, sân, si, phiền não, bất toại nguyện gì trong ngày này hết. Ngày đó mình sống như Phật, mình làm như Phật, mình thấy tâm mình rất an ổn, từ đó mình suy tư và nói: “À đúng rồi, sau này mình sẽ tập hai ngày, ba ngày liên tục.” Bởi vì có thích tập tu, cảm thấy có thoải mái dễ chịu. Nếu mình không thích tu tập sẽ thấy khổ sở. Còn ép buộc tu tập thì nó không thích, nó không thích thì tâm bị ức chế, tâm bị ức chế thì sự tu tập sẽ dễ đổ vỡ.

          Cho nên mình càng tu mình càng thích, càng hăng hái tu thì tu đúng. Bởi vì tu hành là phải tìm thấy kết quả của sự giải thoát. Cho nên càng ngày càng sống đúng giới luật, sống đúng giới luật tâm càng ham thích, do đó không bao giờ phạm giới. Trái lại không có tu tập, không có rèn luyện đúng cách mà cứ ôm giới giữ gìn thì bị ức chế tâm. Đến khi không còn giữ gìn được nữa thì bắt đầu lén lút làm những chuyện không đúng giới luật.

Ví dụ: Ăn ngày một bữa mà không tập Thọ Bát Quan Trai cho quen, ép mình vô tu, ăn ngày một bữa như những người tu lâu đã thuần quen thì mình chịu không nổi, nên bắt đầu mình lén lút để lại bánh trái, ăn uống phi thời. Ăn uống phi thời là một tội lỗi rất lớn, tội đọa, rồi bây giờ lại thêm một cái tội nữa là ăn lén lút, đó là tội gian xảo dối trá không thật. Cho nên ở đây, thật sự ra có một số người nói tôi cũng ăn cơm ngọ, chứ sự thật lại ăn phi thời. Trước mặt khác, sau lưng khác. Trước mặt với phật tử thì nói là tôi ăn ngọ, nhưng mà sau lưng không phải ăn ngọ. Đó là điều tệ hại trong Phật giáo hiện nay.

          Có một số tu sĩ sáng còn ăn bánh mì uống sữa, hoặc không ăn chỉ uống sữa, nước ngọt, nước trái cây, v.v… cũng bảo rằng mình ăn ngọ. Đó cũng là một sự dối trá trong đạo Phật mà chúng ta đã từng thấy và nghe trong các chùa.

          Chúng ta ăn ngọ thì biết đó là lối sống của các bậc Thánh, lối sống như vậy gọi là Thánh hạnh. Hạnh của một bậc Thánh Tăng. Hạnh đó là hạnh ly tham, thế mà người tu sĩ theo Phật giáo lại không muốn ly tham thì còn tu hành cái gì? Cho nên chúng ta sống đúng hạnh đó, trước mặt cũng như sau lưng không bao giờ làm sai, có nghĩa là ngày một bữa không ăn uống lặt vặt phi thời. Những giới luật của Phật dạy chúng ta cách sống Phạm hạnh làm một bậc Thánh, và cách sống làm một con người có đạo đức. Nhờ sống có ly tham thì chúng ta mới vào được thiền định. 
                                                                                                     (Còn tiếp).