Nẻo Về Đạo Đức. Kì 07
14. NHIỆT TÂM
Hỏi: Kính bạch Thầy, nếu không có nghị lực dứt khoát từ bỏ thì tu Định Vô Lậu và tu tập pháp Hướng Tâm, theo sự nhận xét của con trong sự tu tập thì con thấy cũng không có hiệu quả, có phải vậy không thưa Thầy?
Đáp: Con đường tu theo đạo Phật nếu không có quyết tâm dứt khoát từ bỏ, nhất là thiếu nghị lực thì không thể nào tu Định Vô Lậu và dùng pháp Hướng Tâm có hiệu quả được. Người ta biết thuốc lá, thuốc phiện và rượu gây bịnh tật, tai hại cho cơ thể nhưng không quyết tâm dứt khoát từ bỏ thì vẫn phải chịu bịnh nghiện và con người luôn luôn ương gàn như một con thú vật, họ không biết đạo đức là gì.
Nhiệt tâm là một điều quan trọng hết sức cho bước đường tu tập xả tâm, nếu không có nhiệt tâm thì nhất định không bao giờ có xả tâm được. Định Vô Lậu là một danh từ, nếu chúng ta chỉ dùng danh từ để quán xét và nói suông thì chẳng có nghĩa gì là vô lậu. Nói vô lậu tức là nói không còn đau khổ, nói không còn đau khổ tức là nói không còn chướng ngại pháp trong tâm, nói chướng ngại pháp trong tâm tức là nói ác pháp .
Do đó Đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” là để thoát khổ, nếu người không có nhiệt tâm ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp thì khó mà giải thoát được.
Bởi nhiệt tâm là một việc làm tích cực hết sức của một người quyết chí đi tìm đường giải thoát, nếu người quyết chí đi tìm đường giải thoát mà không có nhiệt tâm thì sự tu hành cũng chỉ hoài công vô ích mà thôi. Muốn bỏ một điều ác nào thì chúng ta phải thông suốt điều ác ấy.
Vậy phải thông suốt như thế nào?
Thứ nhất, phải thông suốt lý nhân quả thiện và ác.
Thứ hai, phải thông suốt lý duyên hợp.
Thứ ba, phải thông suốt lý các pháp vô thường, khổ, vô ngã.
Thứ tư, phải thông suốt Bát Chánh Đạo, tức là tám lớp tu tập để được giải thoát như:
Lớp 1 Chánh Kiến.
Lớp 2 Chánh Tư Duy.
Lớp 3 Chánh Ngữ.
Lớp 4 Chánh Nghiệp.
Lớp 5 Chánh Mạng.
Lớp 6 Chánh Tinh Tấn.
Lớp 7 Chánh Niệm.
Lớp 8 Chánh Định.
Thứ năm, phải thông suốt ba lậu như: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.
Thứ sáu, phải thông suốt Ngũ triền cái và Thất kiết sử.
Thứ bảy, phải thông suốt Năm hạ phần kiết sử và Năm thượng phần kiết sử.
Thứ tám, phải thông suốt Thập thiện và Thập ác.
Thứ chín, phải thông suốt bốn loại định: Định Sáng Suốt, Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu và Định Chánh Niệm Tĩnh Giác.
Thứ mười, phải thông suốt Tứ Thánh Định.
Thứ mười một, phải thông suốt pháp Như lý tác ý và pháp Tác ý.
Thứ mười hai, phải thông suốt phóng tâm và phóng dật.
Trong khi đã thông suốt mười hai pháp môn này mà thiếu nhiệt tâm dứt bỏ tu hành thì trở thành một vị giảng sư, vị giảng sư là người nói được chứ không làm được, người nói được mà chưa làm được là người nói láo. Người nói láo bằng thuyết giảng là người lừa đảo người khác bằng kinh sách.
Vốn đạo Phật không phải là một tôn giáo nói láo nên khi đã thông suốt các pháp thì phải nỗ lực xả bỏ, ly tham đoạn diệt ác pháp cho chính mình, để được ra khỏi cuộc đời đầy khổ đau chứ không phải thông suốt lý đạo để đem ra dạy đời bằng những lý thuyết suông, trong khi mình tu tập chẳng ra gì mà lại dạy người tu thì hóa ra lừa đảo người. Đừng dùng những ngôn từ trong kinh Đại Thừa để che mắt thiên hạ “Y pháp bất y nhân” có nghĩa là y nơi pháp mà tu hành, còn đừng y vào các thầy, vì các thầy tuy dạy như vậy mà chưa có tu hành được như trong kinh đã dạy.
Đối với con đường tu hành theo đạo Phật, nếu không có nhiệt tâm nồng cháy quyết dứt bỏ những chướng ngại pháp trong tâm như những lời dạy của Đức Phật trong thời khóa tu tập lúc Đức Phật còn tại thế thì không bao giờ làm chủ được sanh, già, bệnh, chết. Nếu không có nhiệt tâm nồng cháy sửa đổi những lỗi lầm của mình trong những thói hư tật xấu thì chẳng bao giờ trở thành những con người tốt trong xã hội được. Những con người có đạo đức, nếu không có nhiệt tâm nồng cháy ly dục ly ác, sửa đổi tánh hư tật xấu thì không bao giờ có ly dục ly ác pháp được.
Không ly dục ly ác pháp thì không bao giờ nhập được thiền định, nếu không nhập được thiền định thì không bao giờ thực hiện được Tam Minh, nếu không thực hiện được Tam Minh thì không bao giờ chấm dứt tái sanh luân hồi.
Xem thế chúng ta mới thấy nhiệt tâm là một điều quan trọng hết sức trong việc tu hành theo đạo Phật, vì có nhiệt tâm mới có giải thoát. Chúng ta biết, có nhiệt tâm mới có nghị lực để chiến đấu với nội tâm của mình, không nhiệt tâm thì không nghị lực, người không có nghị lực làm việc gì người ấy đều gặp thất bại, huống là công việc tu hành thì lại còn thất bại nặng nề hơn.
Cho nên, người tu Định Vô Lậu cũng như sử dụng pháp Hướng Tâm mà không có nhiệt tâm dứt khoát từ bỏ thì sự tu tập chỉ có hoài công vô ích và uổng phí một đời tu hành, chẳng bao giờ có giải thoát đối với những người này.
Theo sự nhận xét của con trong sự tu tập của chính mình thì con đã rút ra được những kinh nghiệm bản thân, nếu không có nhiệt tâm xả bỏ thì sự tu tập cũng chỉ hoài công vô ích và uổng phí một đời tu hành chẳng bao giờ có giải thoát. Với những ai tu chơi thì chẳng bao giờ có nhiệt tâm, không có nhiệt tâm thì đừng nên tu theo đạo Phật, đã chẳng ích lợi cho mình mà còn hại đạo Phật thêm, khiến cho người đời khinh chê và phỉ báng vì phạm giới cấm của Đức Phật.
Theo sự nhận xét của con trong sự tu tập của chính mình thì con đã hiểu biết được những kinh nghiệm bản thân, “nếu không có nhiệt tâm xả bỏ thì sự tu tập không có hiệu quả.”
Đúng vậy! Đúng vậy! Lời nói này là cả một kinh nghiệm bản thân. Nếu trên đường tu tập mà ai không có nhiệt tâm xả bỏ xa lìa ác pháp và lòng ham muốn của mình thì kết quả chẳng ra gì như trên đã dạy.
Nếu một người tu hành theo đạo Phật mà sống không đúng Phạm hạnh của đạo Phật thì người ấy không bao giờ có nhiệt tâm với sự tu tập của mình. Người có nhiệt tâm là người sống đúng giới luật Phạm hạnh. Nếu tu tập mà không có kết quả thì sự nhiệt tâm sẽ mất dần và cuối cùng lòng tha thiết nhiệt tâm tu hành giải thoát không còn nữa.
Bởi vậy, kẻ nào tu sai, nhiệt tâm sẽ bị mất, nhiệt tâm mất thì nghị lực cũng không còn, tu như vậy chỉ mang tiếng tu mà thôi. Đây là một vấn đề quan trọng trong sự tu hành, quý thầy và quý phật tử phải bảo vệ và giữ gìn nhiệt tâm của mình, đừng nên để nó mất, nó mất đi cuộc đời tu hành của quý vị sẽ trở thành đen tối và âm u. Người tu hành theo đạo Phật, nhiệt tâm là hàng đầu của người xuất gia, nó sẽ giúp cho quý vị tu tập đến nơi đến chốn, quý vị nên nhớ kỹ và khắc ghi mãi trong lòng hai chữ “Nhiệt tâm”. Nhiệt tâm còn là còn sự tích cực, nhiệt tâm mất là tiêu cực đến.
15. ĐƯỜNG ĐẠO VÀ ĐỜI
Hỏi: Kính thưa Thầy! Có phải đường đời và đường đạo là hai ngả cách ngăn không sao dung hòa được phải không thưa Thầy? Con thường nghe người ta nói: Khi một người thành công trên đường đời thì không thành công trên đường đạo. Có phải vậy không?
Đáp: Lời nói này không đúng con ạ! Người ta đứng trên góc độ những tôn giáo mê tín mà nói thì đời đạo là hai ngả, còn đứng trên góc độ những tôn giáo đạo đức, không mê tín thì đời đạo là một ngả.
Tại sao vậy? Bởi tôn giáo mê tín là tôn giáo lừa đảo mọi người nên đời đạo cách xa như hai ngả đường, còn tôn giáo không mê tín là tôn giáo đạo đức, tôn giáo đạo đức là đời sống của con người nên đời đạo không hai. Nếu đời sống con người không đạo đức là đời sống của loài thú vật, đời sống đau khổ, đời sống u tối như bóng đêm. Còn đời sống có đạo đức là đời sống tôn giáo như đạo Phật Nguyên Thủy, đạo Ông Bà, đạo Nho giáo.
Cho nên tôn giáo nào không chứng minh được rõ ràng mục đích, thường chứng minh không cụ thể, không thực tế, mơ hồ ảo tưởng là tôn giáo mê tín, còn tôn giáo nào chứng minh được rõ ràng mục đích cụ thể, không mơ hồ, ảo tưởng thì tôn giáo đó là tôn giáo đạo đức của con người. Vì thế đạo đức của con người thì làm sao gọi là đời đạo hai ngả? Nếu đời sống không đạo đức là đời sống của loài thú vật. Có đúng như vậy không các con? Còn đời sống có đạo đức là đời sống có tôn giáo, chứ không phải theo tôn giáo mới gọi là có tôn giáo. Các con có hiểu ý này không?
Thành công trên đường đời mà không thành công trên đường đạo là thành công trên đường ác. Thành công trên đường đời mà thành công trên đường đạo là thành công trên đường thiện, cho nên đời có đạo là đời thêm tươi, thêm hạnh phúc cho mình và cho muôn người, muôn vật, còn đạo không đời là không phải đạo.
Ví dụ: Một người giàu có mà không đạo đức là người bóc lột mồ hôi công sức của những người khác. Đây là thành công trên đường đời mà không thành công trên đường đạo. Cho nên đời thì phải có đạo, mà đạo thì phải có đời, đời mà không có đạo là đời sống của loài thú vật như trên đã nói, còn đạo mà không có đời thì làm đạo cho ai? Đến đây các con đã hiểu đời như thế nào là đời đúng, là đời sai. Và đạo như thế nào là đạo đúng, là đạo sai.
16. NGƯỜI HOÀN HẢO
Hỏi: Đến nay con gặp được Phật pháp chân chánh của Thầy, con rất mừng như người chết đuối giữa dòng nước vớ được cọc. Khi gặp được Phật pháp chân chánh là con đã có gia đình vợ dại con thơ. Để sống đúng lời dạy của Thầy “không làm khổ mình khổ ngưòi” thì con phải nuôi dạy cháu đến trưởng thành, sau đó mới có thể đi tu được, đó là cái thiệt thòi của con. Con biết có nhiều người đã quy y Tam Bảo từ lâu, song cả đời họ chẳng có một ngày sống mà giữ gìn một giới trong năm giới cấm dành cho người cư sĩ.
Con thì không muốn vậy, con muốn rằng một khi đã quy y Tam Bảo thì phải thực hiện Tam Quy Ngũ Giới nghiêm chỉnh, thì phải sống đúng một cuộc sống của người cư sĩ đệ tử chân chánh của Đức Phật, còn nếu vì bất cứ một lý do gì mà thấy không làm được thì thôi chứ không nên sống nửa đời nửa đạo như Thầy đã nói, vì điều đó cũng làm khổ mình khổ người, vì sẽ làm vợ con hoang mang buồn khổ, cuộc sống gia đình nghi kỵ lẫn nhau, hiểu lầm nhau, đó là điều con không muốn. Chính vì vậy mà đến nay con vẫn chưa quy y.
Đáp: Tu theo đạo Phật đâu cần phải quy y, xưa có một Bà La Môn khi nghe Đức Phật sống một đời sống phạm hạnh giải thoát như vậy, ông liền bắt chước sống theo, đến khi gặp Phật ông chẳng biết Phật là ai. Lúc bấy giờ Đức Phật lấy làm lạ sao lại có một Bà La Môn sống y như mình nên Đức Phật hỏi:
- “Thầy của Hiền giả là ai?
Vị Bà La Môn trả lời:
- Thưa Hiền giả, Thầy của tôi là Đức Phật Gotama.
Đức Phật hỏi tiếp:
- Có bao giờ Hiền giả đến gặp Đức Phật Gotama chăng?
Vị Bà La Môn trả lời:
- Thưa Hiền giả, chưa bao giờ tôi gặp Thầy tôi cả, vì Thầy tôi ở tận nước Xá Vệ tại tịnh xá Kỳ Hoàn.
Đức Phật hỏi tiếp:
- Phỏng chừng hiện giờ gặp Đức Phật Gotama, Hiền giả có nhận ra chăng?
Vị Bà La Môn đáp:
- Thưa Hiền giả, làm sao tôi có thể nhận ra được Ngài?
Thấy thế Đức Phật rất thương tâm. Ngài bảo rằng:
- Chính ta là Đức Phật Gotama đây.”
Trên đây là một mẩu chuyện để thấy người tu theo đạo Phật đâu cần phải quy y Tam Bảo mà chỉ sống đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình khổ người tức là sống đúng phạm hạnh Tam Bảo, là quy y Tam Bảo rồi. Bởi vậy thời nay có hằng vạn người quy y Tam Bảo, nhưng sống làm khổ mình khổ người thì quy y Tam Bảo có nghĩa lý gì mà còn làm thêm tội cho Phật pháp. Vì thế Đức Phật bảo rằng: “Chỉ có những người đệ tử của Ta mới giết đạo Ta chết.”
Tu theo đạo Phật không có nghĩa là phải vào chùa hay phải vào rừng sâu núi thẳm để xa lánh thế tục, ngồi thiền, tụng kinh, niệm chú, niệm Phật hoặc lạy hồng danh sám hối cho tiêu tai giải nghiệp, hoặc được chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ.
Tu theo đạo Phật là phải tu tập đúng như lời Đức Phật đã dạy: “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành” có nghĩa là người muốn tu tập theo đạo Phật thì phải tập sống làm một con người hoàn hảo tức là không còn mang bản chất của loài cầm thú nữa.
Một con người hoàn hảo là một con người có đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh. Vì thế trong cuộc sống hằng ngày đối với ông bà, cha mẹ, anh em, chị em, vợ chồng, con cái, bà con quyến thuộc, bạn bè thân hữu, chòm xóm láng giềng v.v... luôn luôn phải đối xử với nhau biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng và còn phải biết tha thứ thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, nhờ đó mới không làm khổ mình khổ người.
Những hành động sống này chính là tu theo đạo Phật, đạo giải thoát thật sự ngay liền, một bằng chứng cụ thể đó là giải thoát đời sống con người, khiến cho con người có một đạo đức nhân bản – nhân quả cao thượng tuyệt vời. Đây là giai đoạn tu tập giải thoát thứ nhất mà người cư sĩ và tu sĩ đạo Phật nào muốn cầu giải thoát thì cũng đều phải tu tập cho viên mãn, nếu giai đoạn này tu tập chưa xong mà muốn tìm cầu sự giải thoát cao hơn như ngồi thiền nhập định, tịnh chỉ hơi thở thì đó chỉ là một sự mơ mộng viển vông mà thôi.
Khi nào trong cuộc sống đã giữ gìn được đạo đức nhân bản – nhân quả, tự sống không làm khổ mình khổ người thì mới xin bước vào tu hành ở giai đoạn hai. Nếu trong cuộc sống còn làm khổ mình khổ người thì đừng nên tu tập thêm bước thứ hai, và cũng đừng xin tu Tứ Niệm Xứ, vì Tứ Niệm Xứ là ở giai đoạn tu tập Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo nên nó là giai đoạn thứ hai. Nếu ham tu tập ở giai đoạn hai thì thiếu căn bản nên kết quả chẳng có gì.
Vì thế tu hành chỉ hoài công vô ích mà thôi. Khả năng không đủ mà tu tập vượt lớp như vậy đôi khi sẽ bị ức chế, khiến cho thân tâm thành bệnh, có khi rối loạn thần kinh hoặc tẩu hỏa nhập ma, điên khùng.