Nẻo Về Đạo Đức. Kì 04
8. THOÁT KHỎI TRẦN LAO VIỆC CHẲNG THƯỜNG
Trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên dạy: “Nếu duyên Sanh có thì duyên Ưu bi sầu khổ bịnh chết có, nếu duyên Sanh không có thì duyên Ưu bi sầu khổ bịnh chết không có.” Biết như vậy thì người tu theo đạo Phật phải đoạn dứt duyên sanh thì ưu bi sầu khổ bịnh chết sẽ đoạn dứt. Ưu bi sầu khổ bịnh chết đoạn dứt là giải thoát, là Niết Bàn.
Thông hiểu như vậy, biết rõ như vậy, muốn chấm dứt ưu bi sầu khổ sanh tử luân hồi thì không còn cách nào khác hơn là phải đoạn dứt duyên “sanh.” Con đường giải thoát duy nhất của đạo Phật bắt đầu tu tập để trở thành một vị tỳ-kheo (tu sĩ) là phải đoạn lìa duyên “sanh”. Nếu không đoạn lìa duyên sanh thì không thể trở thành một tỳ-kheo được.
Do không hiểu sự giải thoát của đạo Phật nên người ta xuất gia tu hành theo kiểu hình thức tu sĩ (chiếc áo, đầu trọc). Học hỏi giáo lý thông suốt để trở thành một bậc thầy thuyết giảng gọi là tỳ-kheo, nhưng thật ra những vị tỳ-kheo này không thọ hưởng sự giải thoát chân thật của đạo Phật mà chỉ thọ hưởng danh lợi, dục lạc thế gian như bao nhiêu người khác. Như ở trên đã dạy đoạn dứt duyên “sanh” thì ưu bi sầu khổ bịnh chết không có, trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên, Phật dạy: “Muốn chấm dứt sanh tử luân hồi, ưu bi sầu khổ bịnh chết thì phải dứt bỏ, từ giã, từ khước, xa lìa, viễn ly, từ bỏ, buông xuống duyên “sanh.”
Sanh ở đây quý thầy và các quý phật tử phải hiểu là “sanh y.” Sanh có nghĩa là sanh sống, cuộc sống, đời sống, nương tựa vào để sống, chớ không có nghĩa như sanh đẻ, đản sanh. Các nhà học giả thường dựa theo trong những bài kinh Tương Ưng hoặc kinh A Hàm mà giải thích sanh là sanh đẻ, đản sanh, nên các ngài luận: “có sanh tức có tử.” Giải thích như vậy không đúng nghĩa của kinh Thập Nhị Nhân Duyên. Vì mười hai nhân duyên này hợp lại chỉ thành ra một con người; thành một con người tức là sai. Tuy rằng kinh sách Tương Ưng và A Hàm là kinh sách Nguyên Thủy nhưng giải thích nghĩa như vậy chúng tôi không chấp nhận, vì nghĩa như vậy không đúng nghĩa thế giới quan của Thập Nhị Nhân Duyên, cho nên “sanh” có nghĩa sanh đẻ, đản sanh, là không đúng.
Còn nghĩa của chữ “sanh” trong Thập Nhị Nhân Duyên chỉ là một duyên với các duyên kia để hợp lại tạo thành hay sanh ra một thế giới khổ đau. Đó là một thế giới quan của Phật giáo chứ không phải là một nhân sanh quan như các nhà học giả và các kinh sách giải thích. Đây là một sự lầm lạc rất lớn của các nhà học giả xưa và nay.
Vì muốn cho con người hết khổ, chấm dứt luân hồi sanh tử, Đức Phật đưa ra một triết thuyết “Mười Hai Nhân Duyên” nối tiếp nhau không kẽ hở “sanh diệt” tiếp diễn mãi “diệt sanh” theo định luật nhân quả trả vay, vay trả nên trong các kinh Đức Phật thường xác định nhắc đi nhắc lại Mười Hai Nhân Duyên này hợp lại thành thế giới khổ đau như trên đã giảng.
Làm cách nào? Tu như thế nào? Để Mười Hai Duyên này tan rã? Đọc hết giáo lý kinh Nguyên Thủy, Đức Phật đã chọn duyên “sanh” làm vị trí cho chặng đường đầu tiên của người tu sĩ phải thực hiện, đó là giai đoạn thứ nhất của một vị tỳ-kheo phải tu tập cho bằng được, tức là đoạn dứt duyên sanh.
Muốn trở thành một vị tỳ-kheo của đạo Phật thì “sanh y” phải đoạn dứt, người nào chưa đoạn dứt sanh y thì không thành tỳ-kheo nghĩa là không thành đệ tử xuất gia của đạo Phật.
Như ở trên đã giải thích “sanh” là sanh sống, “y” là nương tựa vào để sống. Vậy, sanh y có nghĩa là nhà cửa, tài sản, tiền bạc, châu báu, cha mẹ, anh chị em, vợ con, bà con quyến thuộc nội ngoại, bạn bè thân thiết, chùa to tháp lớn, phật tử đông, đó là sanh y.
Tu chưa xong mà lo độ người khác là mê muội, ngu si, tự mình chôn mình vào mồ danh lợi để mà chết trong khổ đau cũng chẳng khác như một người nhà giàu kia vậy, đó là sanh y.
Người xuất gia tu theo đạo Phật thì phải đoạn dứt sanh y, có đoạn dứt sanh y mới sống đúng đời sống Phạm hạnh trọn vẹn và tu tập thiền định đạt được kết quả. Nếu chúng ta tu hành không đoạn dứt sanh y, còn tình cảm thương ghét, ngồi trong chùa mà tâm hướng về cha mẹ, vợ con, bạn bè, quyến thuộc, của cải, tài sản v.v... nhớ mong, thương tiếc thì con đường tu hành giải thoát làm sao đạt được.
Hiện giờ người nào cũng có hai tay, một tay thì ôm đời, một tay thì ôm đạo. Tay nào quý vị cũng nắm hết. Đời quý vị không bỏ, đạo quý vị muốn thêm. Như vậy, quý vị làm sao nắm trọn được con đường tu hành. Ví như, có một người đi thuyền, hai chân đứng trên hai chiếc thuyền, đứng như vậy làm sao thuyền đi được? Nếu muốn tìm đường giải thoát ra khỏi cảnh khổ của cuộc đời thì quý vị phải bỏ tay đời, rồi dùng tay đó cùng với tay kia sẽ ôm chặt con đường đạo, lúc bấy giờ quý vị sẽ thấy ngay liền có giải thoát tức khắc.
Đức Phật đã dạy: “dứt bỏ sanh y thì Phạm hạnh mới xong.” Lời dạy này rõ ràng và cụ thể, xác định dứt khoát “có dứt bỏ thì có giải thoát.” Nếu đời không muốn bỏ mà muốn tu theo đạo Phật thì chỉ tu tập “thiện pháp” mà thôi, không thể tu cao hơn được nữa, không thể nhập Vô Lậu Định và Tứ Thánh Định được.
Người thời nay do chỗ tu hành không đúng, không hiểu rõ Phật pháp, còn bắt cá hai tay nên một số cư sĩ tu theo đạo Phật không lượng sức mình, không rõ pháp môn nên ngày đêm tụng kinh, ngồi thiền cũng siêng năng nỗ lực tu hành, lại còn đi nghe các giảng sư, thiền sư thuyết pháp, dạy cách ngồi thiền. Họ có công tu tập nhưng lại không dám bỏ vợ, bỏ con, không dám cắt lìa tài sản, lúc nào cũng lo làm ra tiền, ra bạc thì thử hỏi sự tu tập của họ sẽ giải thoát chỗ nào? Sẽ đi về đâu? Họ còn được các vị thiền sư ấn chứng là đã kiến tánh thành Phật. Kiến tánh của những vị này là kiến ngôn, kiến ngữ, giỏi tài đối đáp chứ không phải thấy tánh, chỉ giỏi tài lý luận tưởng vô minh mà thôi.
Hỡi quý thầy và quý vị cư sĩ đang ngồi đây nghe chúng tôi thuyết giảng, đến chỗ này quý vị nghĩ sao?
Có xả bỏ Đời đi theo Đạo được không?
Có xả bỏ tình cảm gia đình được không?
Có xả bỏ của cải tài sản được không?
Đó là con đường đoạn dứt sanh y, các bạn có làm được hay không? Nếu chọn Đạo làm con đường giải thoát kiếp sống lầm than đau khổ của mình thì Đạo có gian khổ cách nào ta cũng không chùn bước, thà chết, chết trong Đạo, chết trên bồ đoàn chứ không thể chết dưới bồ đoàn, chết trong sự giải thoát nhân quả chứ không thể chết trong tình cảm trói buộc của gia đình, của cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc v.v... không thể chết vì của cải, tài sản, sự nghiệp mà phải chết vì Đạo, vì sự chấm dứt luân hồi, đau khổ của đời người.
Có cương quyết, gan dạ đi theo Đạo giải thoát chúng ta mới bỏ hết, dẹp hết, viễn ly, xa lìa tất cả những gì gọi là cuộc sống thế gian. Chúng ta chấp nhận đời sống xuất thế gian nghèo nhưng không khổ, chỉ chọn lấy một nghề duy nhất, đó là nghề ăn xin, nghề hèn hạ nhất trong xã hội nhưng chính nhờ có tu tập và nuôi sống thân mạng bằng nghề này mới giải quyết được bản ngã ác vĩ đại, mới xô đổ và đập nhẹp nó xuống được.
Người đi tu theo đạo Phật không còn làm ra tiền bạc nữa, không còn đi cày ruộng trồng rau để mà ăn nữa. Ngày một bữa, đói xin cơm ăn, không xin tiền, khát xin nước uống hoặc xuống suối uống, không có thuốc thang đành chịu, không than thân trách phận, không bỏ cuộc tu hành, y áo rách xin y áo mặc, không có vẫn vui lòng chấp nhận để xả hết mọi pháp thế gian để thoát ly những vật chất trói buộc làm khổ đau con người muôn đời muôn kiếp.
Đến với đạo Phật là để trở thành người tu sĩ xuất gia thì đời sống vật chất thiếu thốn mọi mặt gần như không còn gì hết. Nếu người nào không có quyết tâm, không thấu rõ đời sống con người là khổ, khổ thật sự thì khó mà chấp nhận đời sống Đạo. Đời sống Đạo phải hoàn toàn đoạn lìa không còn mang một chút gì của đời trong tâm hồn thì sự tu hành mới dễ dàng. Đừng ngồi đây mà lo đời nghĩ nhớ cái này cái kia hoặc lo toan thứ này thứ nọ.
Đối với phật tử, họ chỉ là cái nhân để cho quý thầy tạo duyên tu hành cho họ về sau chớ đừng khuyến khích họ xuất gia tu hành ngay liền bây giờ hoặc bày vẽ kêu gọi họ cúng dường, làm từ thiện, xây chùa, xây tháp hoặc trai tăng tứ sự v.v... Đó là biến họ trở thành sự trói buộc quý thầy. Cũng vì chuyện cúng dường, xây chùa tháp làm từ thiện v.v... mà quý thầy đã ngã quỵ trên đường tu hành của mình, quý thầy đã trở thành những người phục vụ cho nhu cầu tinh thần của cư sĩ chứ không còn là một vị tu sĩ chân chánh.
Khi quý thầy làm trụ trì một ngôi chùa nào đó, hầu hết quý thầy ít bị gia đình trói buộc mà bị phật tử trói buộc. Họ cúng dường quý thầy cái này để quý thầy thỏa mãn nguyện vọng làm phật sự thì họ cũng đòi hỏi quý thầy ở cái kia, mặc dù cái kia không phải là giáo pháp của Đức Phật quý thầy cũng phải làm cho vừa lòng họ.
Người tu sĩ lìa khỏi cuộc sống thế gian thì lại bị sai khiến trong cuộc sống xuất thế gian. Chúng ta lìa bỏ đời để đi tìm mục đích giải thoát nhưng không khéo lại bị đời sai khiến làm lệch Đạo. Vượt thoát cuộc sống thế gian là một việc làm khó, thế mà vượt thoát đời sống không đúng của đạo Phật lại còn khó hơn. Vì những điều lệch lạc và không đúng của đạo Phật đã ăn sâu vào tâm não của mọi người, nó đã trở thành những phong tục tập quán truyền thống sâu sắc vào đời sống dân gian (mượn danh là Phật giáo).
Thời đại chúng ta có những tiêu chuẩn pháp hành cụ thể, rõ ràng, chánh thống của đạo Phật, vậy mà người ta xem thường, xem những pháp hành đó chẳng ra gì. Bởi vậy, muốn giải thoát khỏi cảnh lầm than thế tục và còn phải vượt thoát những tà thiền tà giáo của ngoại đạo thì chúng ta phải noi gương Đức Phật, buông xuống, buông xuống hết. Chỉ còn duy nhất những pháp nào Ngài đã thực hiện được giải thoát sanh, lão, bệnh, tử, thì chúng ta phải lấy đó hành trì không nên biếng trễ để trở thành người giải thoát hoàn toàn.
Thoát khỏi trần lao là một việc rất khó, khó vô cùng, nhưng đã vượt ra khỏi mà lại tu không đúng pháp của Phật thì rất uổng cho một đời người; vượt ra khỏi mà không nghe lời dạy của những người có kinh nghiệm đi trước mà cứ tu theo kiến giải của mình, tưởng là mình đã hiểu đúng, nào ngờ đó cũng là một sự lầm lạc còn lớn hơn nữa, tu như vậy chỉ là tu mù, phần đông những người tu sĩ này chịu ảnh hưởng tà giáo ngoại đạo nhất là ảnh hưởng Đại Thừa và Thiền Đông Độ.
Đoạn dứt sanh y tức là sống đúng đời sống Phạm hạnh, sống đúng đời sống Phạm hạnh tức là hành trì giới luật nghiêm túc, giới luật nghiêm túc tức là trí tuệ như trong kinh Trường Bộ Đức Phật dạy: “Chỗ nào có giới luật nhất định chỗ ấy có trí tuệ, chỗ nào có trí tuệ nhất định chỗ ấy có giới luật…” Như vậy, đoạn dứt duyên sanh tức là trí tuệ, trí tuệ tức là “minh”. Ở đâu có minh thì ở đó không có vô minh.
Ở đây chúng ta thấy rất rõ, do Vô Minh sanh Hành, do Hành sanh Nghiệp … mới tạo ra thế giới đau khổ của loài người, nếu có Minh thì Vô Minh không có, không có vô minh thì không có hành, không có hành thì không có nghiệp, không có nghiệp thì không có thế giới đau khổ của loài người, nhưng minh ở đây là đời sống phạm hạnh giới luật. Đức Phật đã xác định như vậy chứ không phải do học tập thông suốt Tam Tạng Thánh Điển là Minh.
Muốn đập tan Mười Hai Nhân Duyên này thì chúng ta phải có minh, muốn có minh thì phải đoạn dứt sanh, muốn đoạn dứt sanh thì phải sống đúng Phạm hạnh, muốn sống đúng Phạm hạnh thì phải trì giới luật nghiêm túc, trì giới luật nghiêm túc tức là minh. Minh ở đây không phải là trí tuệ Tam Minh. Minh ở đây là tri kiến và giới luật “Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật.”
Tu hành theo đạo Phật mà hiểu sai một li thì tu sai ngàn dặm. Các tu sĩ Phật giáo hiện giờ tu sai nên chẳng tìm thấy sự giải thoát, do đó luôn luôn sống trong dục lạc thế gian, sống rất giàu sang, chùa to Phật lớn, cuộc sống đầy đủ vật chất hơn người thế gian. Hằng ngày ăn uống ngủ nghỉ phi thời, vui chơi nghe ca hát và tự ca hát. Vả lại các sư thầy còn cất giữ tiền bạc, đó là duyên sanh chưa lìa, duyên sanh chưa lìa thì hình sắc đầu tròn áo vuông của quý thầy là chửi rủa Phật giáo. Chính các thầy xuất gia mà không lìa duyên sanh. Vì thế các thầy vô tình tự mình đã diệt Phật giáo nhưng các thầy có bao giờ biết.
9. TỨ NIỆM XỨ VÔ LẬU THÁNH ĐỊNH
VÀ TỨ THÁNH HIỆN TẠI AN LẠC TRÚ ĐỊNH
Cũng vì đời sống thế gian không bỏ được nên hầu hết tu sĩ Phật giáo khắp nơi trên thế giới, cả năm châu không có ai nhập Tứ Niệm Xứ Vô Lậu Thánh Định và Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định được, họ chỉ còn lý thuyết kiến giải loanh quanh “Tứ Niệm Xứ” bằng một cái tên “Minh Sát Tuệ, Trái Tim Thiền Định, Bốn Lãnh Vực Quán Niệm v.v...”
Tứ Niệm Xứ Vô Lậu Thánh Định là một loại Thiền định của đạo Phật, hành giả chuyên cần tu tập sẽ quét sạch lậu hoặc đưa tâm con người ly dục ly ác pháp, giải thoát hoàn toàn, chấm dứt được sự tái sanh luân hồi. Nhưng quý vị đừng hiểu theo tưởng giải của các nhà học giả mà tu hành chẳng đi đến đâu, họ lý luận đủ loại nhưng cuối cùng chỉ ức chế tâm chứ không có khắc phục tham ưu được chút nào.
Muốn thực hiện thiền định này mà quý vị không chịu rời bỏ “duyên sanh” thì làm sao thực hiện được. Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định cũng vậy, “duyên sanh” mà không lìa bỏ thì hành giả đừng nên tu tập đến nó, vì có tu tập quý vị cũng chẳng đạt đến đâu mà còn làm rối loạn thần kinh vì ức chế tâm, chẳng ích lợi gì, còn có tai hại hiểm nguy khác là rối loạn thần kinh, điên khùng.
Tứ Niệm Xứ Vô Lậu Thánh Định và Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định, từ khi Đức Phật và các vị Thánh Tăng đã nhập diệt, lần lượt về sau không còn ai tu tập và thực hiện nhập được nên được xem như hai loại thiền định này đã mất gốc, không còn ai biết đường tu tập đúng pháp.
Nhìn cuộc sống của tu sĩ Phật giáo hiện giờ, phần đông sống trong danh lợi, ăn ngủ phi thời, cách thức ăn mặc và lối sống như vua chúa thời phong kiến, chùa xây cất như cung vàng điện ngọc to lớn đồ sộ vĩ đại. Thấy cách thức sống xác định tâm họ lậu hoặc còn đầy dẫy, ham thích cái này cái nọ tốt, sang, đẹp và chú trọng đến danh tiếng. Vì thế Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định không có một vị nào nhập được, chỉ còn là những danh từ suông trong kinh sách Nguyên Thủy. Không còn có một vị nào có kinh nghiệm tu tập được.
Hầu hết các tu sĩ Phật giáo Bắc Tông hiện giờ đang trụ khắp nơi trên thế giới đều cho Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định là thiền định ngoại đạo, thiền phàm phu, thiền Tiểu Thừa, Nhị Thừa. Theo quan niệm Phật giáo Đại Thừa hiện giờ họ cho Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định là thiền ngoại đạo của các tôn giáo khác. Vậy, chúng ta nên tìm tôn giáo nào có bốn loại thiền định này:
1- Yoga.
2- Hồi giáo.
3- Bà La Môn giáo.
4- Ấn Độ giáo.
5- Thiên Chúa giáo.
6- Tin Lành.
7- Thiền Đông Độ.
8- Cao Đài giáo.
9- Hòa Hảo.
10- Bửu Sơn Kỳ Hương.
11- Lão Tử.
12- Trang Tử.
13- Mặc Tử.
14- Khổng giáo.
15- Lat Ma giáo.
16- Khí công..
17- Nội công.
18- Trường Sinh Học.
19- Khoa Học.
20- Lục Sư ngoại đạo.
Trong thời Đức Phật chỉ thấy trong kinh có ghi lại 62 luận thuyết của ngoại đạo mà không thấy nói đến Tứ Thánh Định.
Xét tận cùng, từ xưa đến nay các tôn giáo hiện có mặt trên thế gian này, trong kinh sách của họ không thấy có dạy tu tập “Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định” chỉ có kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy mới có day. Nhưng xét cho kỹ, trước Đức Phật thì loại thiền định này cũng đã có nhưng là của ngoại đạo (lối bốn thiền ức chế tâm) nên khi lúc còn bé Đức Phật ngồi dưới cội cây jam bu hướng tâm ly dục ly ác pháp.
Hiện giờ hầu hết các tu sĩ Phật giáo và ngoại đạo đều không có người nào nhập được Tứ Thánh Định.
Các nhà học giả xưa và nay nghiên cứu đến thiền định này họ chẳng triển khai nổi các pháp hành, chỉ dựa vào một số danh từ đã có sẵn trong kinh sách giảng dạy không rõ ràng, lờ mờ như người đi đêm không đèn, không đuốc, nhất là cố tránh né lướt qua, không dám đụng đến nó.
Tại sao chúng ta biết không có người nhập được thiền định này?
1- Toàn bộ kinh sách hiện giờ đang được lưu hành dạy về thiền định không thấy có kinh sách nào dạy tu tập thiền định này (Thiền Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định).
2- Rất ít kinh sách xưa cổ nói về bốn loại thiền định này, dù có nói đến như kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy, nhưng các nhà học giả không có tu hành và nhập được các loại định này nên cũng chỉ nói sơ sài qua loa, nói theo tưởng, không có kinh nghiệm, không có pháp hành cụ thể.
3- Khắp trên thế giới chưa có tin tức người nào nhập được thiền định này .
4- Khắp trên thế giới chưa nghe có người nào nhập Tứ Thiền, tịnh chỉ hơi thở từ một tháng, hai tháng, ba tháng cho đến một năm, hai năm, ba năm không ăn, không uống mà không chết.
5- Nhập các loại định này, hơi thở và các hành trong thân đều phải ngưng nghỉ.
6- Sau khi nhập định xong từ một tháng, hai tháng, ba tháng cho đến một năm, hai năm, ba năm, khi xuất định vẫn phục hồi sự sống lại như thường.
Đó là những loại thiền định khó thấy ở thế gian này và khó tu tập hơn các loại thiền định khác. Người nào không chịu moi đầu động não để nghiên cứu Tứ Thánh Định mà chỉ dựa vào thiền định này của ngoại đạo, đó là những người vuốt đuôi kẻ khác chẳng có trí tuệ.
Qua sự sưu tầm và nghiên cứu nhiều loại kinh sách, chúng ta quả quyết xác định “Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định và Tứ Niệm Xứ Vô Lậu Thánh Định” chỉ có Phật giáo mới có mà thôi và kinh sách Nguyên Thủy đã dạy rất kỹ từ những phương pháp nhỏ nhặt và dễ dàng nhất đến để thực hành cho có kết quả ngay liền, cho đến những phương pháp khó nhất để tịnh chỉ hơi thở làm chủ sự sống chết.