Nẻo Về Đạo Đức. Kì 15 (Bài 32 tiếp theo).
32. TÂM THANH TỊNH LÀ NHỜ LY DỤC LY ÁC PHÁP,
CHỨ KHÔNG PHẢI CHẲNG NIỆM THIỆN NIỆM ÁC 1- Giới luật Đọc trong kinh giới, Thầy thấy cách sống làm một con người mà Đức Phật đã dạy cho người cư sĩ rất nhiều giới luật chứ không phải có năm giới của bậc Thánh. Năm giới này người tu sĩ giữ gìn còn chưa trọn vẹn huống là cư sĩ. Thầy Tổ dạy năm giới cho người cư sĩ là quá cao. Nó là giới đức Thánh. Năm giới của người cư sĩ là năm giới đức Thánh, năm giới đức này đâu phải đức hạnh tầm thường. Cho nên hầu hết quý cư sĩ đều thọ năm giới nhưng chưa chắc ai đã giữ trọn năm giới này. Nên bây giờ Thầy dạy những giới đức làm người cho người cư sĩ là phải giữ gìn 100 giới chúng học của Phật. Những giới đức cho người cư sĩ gồm có như: phải giữ gìn vệ sinh, một nắm rác không được ném ngoài đường hoặc ném vào chỗ bụi cây, hoặc ném trên bãi cỏ thì làm cho sự sống trên đám cỏ khi bị rác đè, lá bị úa vàng chết đi. Đi đại tiểu tiện, khạc nhổ phải có nơi có chốn. Khi đi đại tiểu tiện có nơi có chốn, đó là đạo đức vệ sinh mà cũng là đạo đức lòng hiếu sinh, không có thương sự sống của loài vật khác, không có giữ vệ sinh chung là người thiếu đạo đức. Bởi vì trong sự sống của chúng ta là môi trường sống chung, mọi vật đều sống. Nếu không có đạo đức hiếu sinh và đạo đức vệ sinh thì chúng ta sẽ hủy diệt sự sống chung nhau trên hành tinh này. Tại sao chúng ta vì sự sống của mình mà hại đến sự sống của các loài vật khác. Lòng từ bi của chúng ta đâu? Chúng ta phải thương yêu sự sống, chúng ta phải bảo vệ sự sống. Một nắm rác chúng ta ném ra không biết giữ gìn vệ sinh, khi nắm rác mục nát nó trở thành một lớp bụi, lớp bụi đó nó sẽ hại chúng ta, tức là nó làm khổ mình khổ người. Do đạo đức vệ sinh giữ gìn môi trường sống trong sạch và thanh tịnh nên Đức Phật cấm chúng ta không được tiêu, tiểu, khạc nhổ, xả rác trong nước, trên cỏ, nơi đông người v.v… Bởi vì nước sẽ lôi các chất dơ ấy và làm cho môi trường sống ô nhiễm. Có nhiều người không biết nước đang bất tịnh uế trược bẩn thỉu mà ăn uống vào rất là nguy hiểm. Tiêu tiểu, khạc nhổ, những rác bẩn phải đem bỏ có chỗ nơi kín đáo hẳn hoi. Bởi vì khi mình đại tiểu tiện, khạc nhổ, ném rác bừa bãi thì mùi hơi hôi hám sẽ bay lên làm ô nhiễm bầu không khí của chúng ta không còn trong sạch nữa. Một ly nước lớn chúng ta bỏ một hạt muối vào thì không thấy mặn nhưng nó vẫn có muối trong đó chứ không phải không. Phải không hỡi quý vị? Chúng ta thường hay sợ mất công cho nên đi tiểu tiện thì cứ đi ra ngoài, chỗ nào vắng vẻ thì tiểu tiện đại, nhưng phải hiểu đó là không giữ gìn vệ sinh chung. Đối với đạo Phật không chấp nhận những hành động thiếu vệ sinh này. Đức Phật nói giữ gìn vệ sinh thì trước mặt cũng như sau lưng, luôn luôn giữ gìn vệ sinh nghiêm túc, chứ không như chúng ta trước mặt khác, sau lưng khác. Có bao giờ chúng ta thấy trong các chùa dạy chúng ta đạo đức vệ sinh không? Một trăm giới chúng học này Đức Phật đã dạy để làm gì đây? Một trăm giới chúng học là những hành động đạo đức làm người đấy các bạn ạ! Trong một trăm giới chúng học có dạy chúng ta đạo đức vệ sinh, đạo đức hiếu sinh. Đại Thừa cho những đạo đức này là những giới nhỏ nhặt nên các vị tỳ-kheo xem thường không cần giữ gìn. Những giới nhỏ mà không giữ gìn được thì những giới trọng như thế nào? Cho nên các Tổ khéo đặt ra một câu chuyện để hủy bỏ những giới nhỏ nhặt này, nói rằng: “Khi Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài dặn ông Anan những giới nhỏ nhặt sau này được quyền bỏ.” Cho nên bây giờ các tỳ-kheo đều bỏ những giới nhỏ nhặt. Những giới nhỏ nhặt này có lợi ích gì không? Chẳng hạn chúng ta giữ gìn vệ sinh như vậy có lợi ích không? Giữ gìn môi trường sống trong sạch thanh tịnh có lợi ích không? Những giới nhỏ nhặt rất có lợi ích cho đời sống con người. Thế mà người ta dám bỏ và xem thường. Những giới nhỏ nhặt là những thiện pháp, mà thiện pháp thì không làm khổ mình khổ người. 2- Đức hạnh làm người Nói về luật lệ giao thông tức là nói đạo đức giao thông. Xưa Đức Phật đã có dạy đạo đức này, tức là giới cấm không cho hai vị tỳ-kheo đi song song trên đường. Tại sao vậy? Ngày xưa đi trên đường mòn chứ đâu có đường rộng lớn tráng đá trải nhựa như bây giờ, còn bây giờ chúng ta thấy tốc độ xe cộ chạy nhanh như gió. Hằng ngày chúng ta đọc báo chí, những tin tức về tai nạn giao thông đã đem đến sự đau khổ cho biết bao nhiêu người, có những người chết, có những người bị tàn tật, cụt tay, cụt chân. Một hậu quả thương đau của xã hội do tai nạn giao thông. Đó là do thiếu đạo đức giao thông mà đã để xảy ra những tai họa khủng khiếp cho con người, đem đến cho mọi người khổ đau, khổ mình và khổ người. Cho nên khi học đạo đức của đạo Phật thì khi lái xe ra đường, người ta phải thấy trách nhiệm, bổn phận đạo đức của mình, cẩn thận khi cầm tay lái. Khi uống rượu say thì nhất định không được lái xe, lái xe không chạy quá tốc độ làm chủ của mình. Nếu ai ai cũng thấy trách nhiệm, bổn phận của mình như vậy thì ít có khi xảy ra tai nạn. Luật lệ giao thông có, theo những biển cấm các tài xế lái xe phải tuân theo luật lệ giao thông, không được chạy vào những chỗ cấm. Nơi ngã tư đường có đèn xanh đèn đỏ. Đèn đỏ chúng ta dừng lại, đèn xanh thì chúng ta chạy. Chúng ta đi đúng theo luật lệ giao thông thì làm sao xảy ra tai nạn. Những luật lệ giao thông trên đây là đạo đức mà xưa kia Đức Phật đã dạy. Thế mà người sau nói rằng đó là những giới nhỏ nhặt cần phải bỏ cho hợp thời thì thật là vô minh điên đảo. Đây, Đức Phật còn dạy chúng ta một đức hạnh nữa, một giới luật nhỏ nhặt nữa. Đức Phật đã cấm không cho đệ tử của Ngài leo cây, thế mà các Tổ cho giới này là giới nhỏ nhặt cần phải bỏ. Một người đệ tử của Đức Phật mà leo cây thì còn thể thống gì, có khác nào là một con vượn, một con khỉ, nhưng khi lỡ tay té xuống chết hay bị gẫy tay, gẫy chân thì ai chịu khổ đau này? Theo Đức Phật nói: “Con người leo cây không có cây thang để trèo đó là một loài chúng sanh, một loài khỉ, vượn, chứ không phải con người.” Muốn sống đúng tư cách của con người thì phải sống đúng đạo đức. Muốn sống đúng đạo đức, trèo lên cây thì phải có cây thang, bắc thang trèo cây chúng ta thấy nó ít nguy hiểm hơn. Lỡ chúng ta trèo cây, té xuống thì ai khổ và làm cho ai khổ, chắc chắn là chúng ta sẽ khổ, rồi gia đình, những người thân của chúng ta khổ. Nếu chúng ta trở thành người tàn phế nằm một chỗ thì đó là chúng ta đã tự làm khổ mình, khổ người, và toàn là làm những người thân thương của chúng ta khổ. Đó là chúng ta “báo đời” cho những người khác, nếu lúc bây giờ chúng ta chết đi thì tốt nhất, nhưng nó không chịu chết thì mới thật là khổ. Các con cũng nghe những người trèo cây mà có thể xảy ra tai nạn đưa đến những sự đau khổ này không? Ngày xưa Đức Phật đã cấm chúng ta những điều này, là vì sự lợi ích cho chúng ta không làm khổ mình khổ người. Đó là đạo đức. Đạo đức để biến chúng ta từ một loài động vật để trở thành một con người thật sự. Cho nên muốn trèo cây, chúng ta phải bắc cây thang, trèo cây có cây thang ít nguy hiểm hơn là chúng ta ôm cây mà trèo như trên Thầy đã dạy. Một hành động nhỏ nhặt như vậy chúng ta không nên xem thường. Đó là đạo đức làm người, đó là thiện pháp mà Đức Phật đã dạy chúng ta để ngăn ngừa những ác pháp, những ác pháp ấy có thể xảy đến cho chúng ta những tai nạn khổ ách. Đó là những điều của người cư sĩ cần phải học những đạo đức cụ thể, thực tế trong cuộc sống. Bởi đạo Phật là đạo giải thoát, giải thoát từng việc làm, từng hành động tuy nhỏ nhặt nhưng sẽ mang đến cho mọi người một sự an vui và hạnh phúc chân thật. Cái hiểu lầm của các bạn là tưởng tượng sự giải thoát của đạo Phật quá cao siêu, quá mầu nhiệm, vì thế mà từ xưa cho đến ngày nay không có ai làm được. 3- Lòng hiếu sinh Nếu dạy người cư sĩ không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, thì chưa đủ, vì một trăm giới chúng học là một trăm giới đạo đức làm người, còn năm giới cấm này thật sự quá khó giữ gìn, không phải dễ. Bởi vì cuộc sống con người đang bị ô nhiễm bởi những ác pháp mà đưa ra những giới luật cấm này thì chúng ta chỉ thọ cho có hình thức, chứ giữ trọn vẹn thì chỉ có những bậc Thánh Tăng. Nghĩa là nói cấm sát sanh thì phải nói lòng thương yêu chúng sanh. Nói đến lòng yêu thương chúng sanh là nói đến lòng hiếu sinh, lòng hiếu sinh là hiếu sự sống của muôn loài, tức là thương yêu sự sống. Nếu không dạy cho chúng ta có lòng thương yêu sự sống mà dạy chúng ta không sát sanh thì không thể nào chúng ta không sát sanh. Vì chúng ta chưa có lòng yêu thương sự sống thì chắc chắn chúng ta không tránh khỏi sự sát sanh. Lòng hiếu sinh là lòng thương yêu rộng lớn vô bờ bến đối với muôn loài. Lòng thương yêu sự sống ấy chỉ có những bậc Thánh Tăng và Thánh Ni mới thể hiện được, vì đời sống của họ ba y một bát, thiểu dục tri túc nên không hề vi phạm sát sanh, làm khổ đau chúng sanh. Nếu chúng ta là một bậc Thánh thì không nói vọng ngữ, không vọng ngữ chỉ có bậc Thánh mới làm được, chứ một con người như chúng ta khó mà làm được. Tuy rằng chúng ta nói vọng ngữ không hại mình hại người khác, nhưng đó cũng là một điều kiện làm cho chúng ta mất uy tín với mọi người, nó làm cho người khác xem thường, không tin tưởng mình. Nhưng khi chúng ta hiểu đó là đức hạnh uy tín làm người, làm Thánh. Dù lời nói vọng ngữ đó không hại ai hết nhưng chúng ta cũng không nói, huống là nói dối hại mình hại người thì lại càng không được nói. Nếu chúng ta nói thật mà làm hại người thì sao? Chúng ta có quyền không nói chứ? Không nói tức là che dấu tội ác của kẻ khác ư? Giới luật đạo đức của đạo Phật khó như vậy, vì thế chúng ta phải được học hỏi và tu tập rèn luyện dần dần mới thành thói quen đạo đức được, mới trả lời được những câu hỏi trên. Thầy thiết nghĩ, muốn đi vào con đường của đạo Phật thì phải đi vào con đường giới luật, tức là con đường đức hạnh. Khi chúng ta có đức hạnh rồi thì chúng ta mới có thiền định. Đức Phật nói: “Khi tâm ly dục ly ác pháp thì tâm định tỉnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng. Lúc tâm nhu nhuyến dễ sử dụng thì muốn nhập các định dù bất cứ định nào cũng không có khó khăn, không có mệt nhọc.” Trong các kinh Đức Phật đã xác định rõ ràng như vậy. Thế chúng ta sống giới luật không nghiêm chỉnh, ăn uống phi thời như người giàu có, danh lợi cuốn mình vào trong cái lớp áo giàu sang thì làm sao mình ly dục ly ác pháp được. Muốn ngồi thiền nhập định mà không ly dục ly ác pháp thì làm sao nhập định được. Cho nên do không sống đúng giới luật thì không bao giờ nhập định được như trên Thầy đã nói. Tóm lại, lòng hiếu sinh là một đức hạnh cao quý tuyệt vời của con đường giải thoát mà người đệ tử đạo Phật dù tu sĩ hay cư sĩ đều phải thực hiện cho bằng được, nhờ thực hiện cho bằng được thì từ đó chúng ta có một tâm hồn biết chan hoà tình thương yêu với sự sống muôn loài trên hành tinh này thì không còn làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh nữa. 4- Ngăn ác diệt ác pháp Các cư sĩ về đây muốn tu tập thì Thầy sẽ dạy cho ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Trong gia đình phải đối xử với nhau hòa thuận như nước với sữa. Cha mẹ đối xử với con như thế nào? Chứ đừng đụng chuyện gì cũng la, cũng mắng chửi rủa con cái, rốt cuộc rồi con cái của mình, tuy sống gần nhưng lại cách xa mình, nó làm những việc gì, nó không dám cho cha mẹ biết, nó đều che dấu cha mẹ. Bởi vì con cái sợ la rầy thì làm sao nó dám nói thật với mình. Làm cha mẹ nên xem nó như người bạn, còn xem nó là đứa con nít, là con của mình thì tự mình đã lìa xa con cái rồi. Như vậy bổn phận làm cha mẹ chưa tròn đạo đức. Cha mẹ cần phải học đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình khổ người. Dù nó là con mình, mình sanh ra, mình cũng không có quyền làm khổ nó. Nó cũng là một con người như bao nhiêu con người khác, phải đối xử với nó như thế nào cho đúng đạo đức. Cho nên có học đạo đức mình mới biết đối xử với con cái của mình. Còn con cái của mình có học đạo đức thì nó mới biết đối xử với cha mẹ. Nó không bao giờ làm cho cha mẹ buồn khổ. Như vậy rõ ràng chúng ta cần phải học đạo đức không làm khổ mình khổ người, tức là ngăn ác diệt ác pháp. 5- Học tập đạo đức Chúng ta tu theo đạo Phật mà không học tu tập đạo đức, lại đi học thiền định để kiến tánh thành Phật hoặc đi tụng niệm để cầu được sanh về Cực Lạc Tây phương, để cầu siêu, cầu an thì điều này có đúng không? Những điều này chỉ là ảo tưởng của chúng ta mà thôi chứ làm sao mà nhập định được khi tâm còn tham, sân, si... và làm sao có cảnh giới Tây Phương được mà cầu về đó. Phỏng chừng có cõi Cực Lạc ở Tây phương thực sự thì Đức Phật Di Đà có dám rước chúng ta về đó không? Tâm chúng ta còn dẫy đầy tham, sân, si ngút ngàn... chưa có một chút gì là đạo đức thì ai dám rước mình về. Nếu rước về nước Cực Lạc thì chắc nước Cực Lạc sẽ không còn là Cực Lạc nữa. Ví dụ: Trong nhà Thầy, hoàn toàn mọi người đang sống hòa thuận, yên ổn, bây giờ rước thêm một cô dâu về nhà. Cô dâu không phải là người hiền đức, nên mọi sự việc xảy ra rầy rà, la khóc,… Trong nhà này giống như địa ngục. Ở đây Thầy đem ví dụ để nói tâm chúng ta đang còn tham, sân, si không có đạo đức mà muốn về nước Cực Lạc thì nước đó có còn Cực Lạc nữa không như trên đã nói? Để chúng ta rõ, khi tâm chúng ta chưa hết tham, sân, si thì không có Đức Phật nào dám rước chúng ta đâu! Nên chúng ta đừng có sống trong ảo tưởng về việc cầu vãng sanh. Không được đâu các bạn ạ? Điều đó chắc chắn không ai rước mình đâu? Còn nếu mà mình sống đạo đức hẳn hoi thì Đức Phật Di Đà đến thỉnh mình, mình cũng không muốn đi nữa. Vì mình vẫn ở trong Cực Lạc rồi, không cần về nước Phật mình vẫn ở trong nước Phật. Bởi thiện pháp không làm khổ mình khổ người thì nó là Cực Lạc rồi, an vui rồi, chứ đi tìm nơi đâu nữa. Đó là một sự thực tế không có ảo tưởng. Phải không hỡi các bạn? Cho nên chúng ta sống đúng, tu tập đúng pháp ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện, sống đúng tâm hồn thanh thản, an lạc, vô sự thì đó là Cực Lạc, đó là Niết Bàn, đó là Thiên Đàng. Chính đó là tu tập Đạo Đức Làm Người. |
|||