Skip directly to content

LỜI CĂN DẶN CỦA TRƯỞNG LÃO KHI SỬ DỤNG GIÁO ÁN NÀY

(BBT:CĐ,14A,B00:06:24)(BBT:BN,13,B00:49:40)

Bây giờ Thầy tiếp tục buổi giảng này bằng những các pháp để nhắc nhở cái tâm của Thầy như thế nào sau các buổi học tập, tu tập những cái pháp mà Thầy đã giảng trạch.

Này các thầy, Thầy dạy giáo án này là nhằm phục hồi giáo pháp chơn chính của đạo Phật, có đầy đủ lý pháp và hành pháp để giúp cho mọi người tự thắp đuốc lên mà đi, không còn lạc đường lạc lối, nếu họ tự có quyết tâm tìm đường giải thoát khổ đau và chấm dứt luân hồi. Ở đây Thầy dạy cái pháp này nhằm để cho chúng ta thấy được con đường đi, thấy được cách hành trì để cho chúng ta chấm dứt đau khổ, chấm dứt luân hồi. Ở đây các thầy đừng nghĩ rằng Thầy thuyết giảng giáo án này là để thu hút các đệ tử của người khác, là khiến cho họ trở về quy y với Thầy. Quý thầy chớ hiểu như vậy. Bổn sư của quý thầy thì quý thầy hãy giữ nguyên vị bổn sư ấy cho quý thầy. Không khéo rồi quý thầy nghe Thầy thuyết giảng rồi ở đâu cũng ùn ùn tới xin thầy quy y hết. Thầy không có mơ ước điều đó đâu. Mà Thầy chỉ mong vị bổn sư mà quý thầy nương vào theo Phật pháp mà tu hành thì bây giờ các vị thầy đó vẫn là những vị thầy của quý thầy chứ đừng có lấy Thầy mà làm thầy. Mà Thầy chỉ đem cái giáo án để cho quý thầy biết được đường đi, tu cho đúng mà thôi. Chớ đừng có bỏ họ, nghĩ họ là như thế này thế khác. Điều đó là điều sai quấy.

Vì vậy mà hôm nay Thầy mới nhắc nhở điều này để cho quý thầy thấy hiểu. Ở đây Thầy cứ theo lời Phật dạy trong kinh mà can ngăn, vứt bỏ chứ Thầy không có ý bài bác người này, bài bác người kia. Cho nên cái bài này Thầy muốn nhắc để cho quý thầy hiểu cái lòng của Thầy như thế nào trên con đường xây dựng giáo án này.

Quý thầy cũng đừng nghĩ rằng Thầy giảng giáo án này là để quý thầy từ bỏ những kinh sách của quý thầy. Quý thầy chớ hiểu như vậy, quý thầy hãy giữ nguyên kinh sách của quý thầy. Nghĩa là quý thầy học kinh sách nào,họcđạo nào thì quý thầy cứ giữ nó chứ quý thầy đừng có bỏ. Nghĩa là quý thầy thấy đường lối giáo án mà Thầy dạy theo đạo Phật đã dạy có lợi ích cho quý thầy thì quý thầy cứ tập luyện cho nó có lợi ích, có giải thoát cho quý thầy thôi. Chứ quý thầy đừng có ném kinh sách này là không đúng, sai; quăng, đốt đó là cái sai; cái đó là cái làm không đúng.

Cho nên ở đây Thầy nhắc nhở quý thầy. Bây giờ các thầy có cả một tủ kinh sách của các tôn giáo khác các thầy cũng không được ném. Cho nên các thầy đừng có xem nó là thường, mà các thầy có cái gì thì cứ để nguyên nó, đừng có phê phán nó bằng cách này, bằng cách khác là quý thầy đã sai. Các thầy chỉ biết giáo án Thầy đã nêu ra đây để giúp cho quý thầy, để các thầy đi trên con đường thiện, để giải thoát cho quý thầy được cái nhân ác, để giúp các thầy hưởng được phước báu, giải thoát. Chứ không phải các thầy coi thầy mình không ra gì, coi kinh sách mình đang học không ra gì thì cái điều đó là điều không đúng.

Quý thầy cũng đừng hiểu Thầy giảng giáo án này là muốn cho quý thầy từ bỏ gia đình, sống không gia đình; từ bỏ tài sản lớn tài sản nhỏ, từ bỏ bà con quyến thuộc lớn quyến thuộc nhỏ để xuất gia tu hành. Quý thầy chớ có hiểu như vậy, tất cả những cái gì của quý thầy thì quý thầy hãy giữ nguyên như vậy, nghĩa là tình cảm thương yêu gì quý thầy cứ giữ nguyên như vậy. Rồi quý thầy cứ tu tập đến chừng nào đó nó ly thì nó ly.Chứ quý thầy đừng có nghe Thầy nói, bảo như vậy rồi quý thầy tìm mọi cách cách ly gia đình mình bằng cách này cách kia. Bởi vì Thầy hiểu tâm trạng của quý thầy là tâm trạng không có hiểu rõ, không có thông minh. Mà ở đây Thầy nhằm khai triển ra để thấy cái pháp đúng để cho chúng ta thực hiện con đường giải thoát, chứ không phải nghe như vậy rồi về nạt nộ vợ con tụi bây là báo này kia nọ, nhà cửa tài sản là oan gia tội báo nó làm cho tao dính mắc thì cái đó là cái sai. Phải hiểu tất cả những cái đó là cái sai, chúng ta đừng có vội vàng, chúng ta hãy thực hiện những pháp này, rồi chúng ta trau dồi lần lượt rồi tự nó nó thấy cái đúng cái sai, chứ đừng có về mà vội vàng xua đuổi hoặc bằng cách khác, thì điều đó là điều sai.

Quý thầy cũng đừng hiểu Thầy giảng giáo án này là dạy quý thầy từ bỏ các phong tục tập quán, tụng kinh, cúng bái, cầu siêu cầu an, mê tín coi sao bói quẻ, coi ngày tốt xấu hoặc bỏ phế tất cả các nghề nghiệp, quý thầy đừng có hiểu như vậy mà hãy giữ nguyên như cũ. Nghĩa là quý thầy cứ hoàn toàn giữ nguyên như nó, đừng có chê bai nó. Hầu hết quý thầy nghe rồi mượn cái chỗ giáo án của Thầy mới chỉ trích người này cúng bái cầu siêu đều là bậy, coi sao bói quẻ đều là sai, hay coi ngày tốt xấu đều là bậy. Đừng có nói cái điều đó, chúng ta đừng có nói cái điều đó mà chúng ta hãy tu. Chúng ta biết đó là những pháp ác, đem đến cho chúng ta khổ đau thì chúng ta không làm nó mà thôi. Quý thầy cứ nghĩ quý thầy bây giờ quý thầy làm cái nghề gì đó mà quý thầy giết hại chúng sanh, làm đau khổ chúng sanh thì quý thầy không làm chứ không phải quý thầy bác, đừng có nói. Ai người ta có nghiệp nấy, người ta làm. Còn mình nói là coi chừng mình bị phạm đó. Đó là cái chỗ thầy cảnh giác, khi mà nghe Thầy giảng rồi quý thầy dễ lầm lạc lắm.

Cũng như nghe Thầy dạy tu Tứ vô lượng tâm, tâm từ tâm bi của mình mà hốt cơm cho chó ăn, hốt cơm cho kiến ăn thì điều đó là điều sai. Cơm của đàn na thí chủ người ta làm bằng mồ hôi nước mắt, còn con vật thì nó là nghiệp báo của nó. Tại sao chúng ta lại hốt mồ hôi nước mắt của người khác trong khi chúng ta đang ăn nhờ của người khác. Chúng ta vô lượng tâm từ, đó là từ sai, từ không trí tuệ. Các thầy đừng hiểu một cách bây giờ chùa mình không có chó mà Phật có nuôi chó bao giờ, thế mà gặp con chó nào cũng đem cơm cho ăn, cái chùa chúng ta bây giờ một bầy chó vô ở. Bởi vì chỗ đó có ăn nó phải đến chứ gì. Thầy thấy mấy cái thất nào có bỏ cơm cho chó ăn thì cái thất đó chó lảng vảng hoài, còn cái thất nào không cho chó ăn thì cái thất đó không có chó lảng vảng. Mình quyến rũ người ta, mình tạo cho người ta cái nghiệp nợ. Mình ăn cơm của đàn na thí chủ, mình biết mình trả được cái nợ này chưa. Cái nợ này rất lớn, tu hành chưa xong thì cái nợ này biết ngàn đời trả cho hết. Thế mà bây giờ lại lấy lòng từ, lòng từ của mình phải từ mồ hôi nước mắt mình làm ra cho thì mới gọi là lòng từ chứ. Còn cái này lấy của người ta cho người khác. Mình mượn hình thức của tu hành để lấy của người ta mình cho người khác ăn. Thì như vậy mình có từ không. Người ta làm bằng mồ hôi nước mắt người ta dành ra. Đó là những cái hiểu sai, cái lầm lạc.

Cho nên cái bài này để Thầy vạch ra cho các thầy thấy sai lệch của các thầy. Khi nghe nói đến từ bi hỷ xả thì các thầy tưởng làm như vậy là đúng. Không đúng đâu, phải đúng như thế nào mới đúng. Cho nên nghe giáo án của Phật nói như vậy, phải trắng bạch như vỏ ốc về chúng ta làm cách này cách khác, làm cho gia đình tan nát, khổ sở. Có nhiều người đã hiểu qua lời dạy của Thầy về làm đau khổ gia đình hết mà không thấy sự giải thoát, mà thấy địa ngục trước mắt. Đó là những cái hiểu lầm lạc lời Thầy dạy. Nếu mà Thầy không có lời cảnh giác này thì chắc chắn là đạo Phật đưa đến khổ đau cho thế gian này chứ chưa phải là hạnh phúc cho ai hết.

Quý thầy cũng đừng hiểu Thầy giảng giáo án này là muốn cho quý thầy từ bỏ gia đình, Thầy nhắc lại cái đoạn đó. Quý thầy cũng đừng hiểu Thầy giảng giáo án này để quý thầy từ bỏ các phong tục. Nghĩa là Tết nhứt, mùng năm, cúng bái giỗ quảy này kia thì kiểu này về bác sạch hết, không ai cúng bái hết. Thì cái đó là cái sai, cái không đúng. Cho nên chúng ta phải giữ nguyên như cũ. Ai làm gì làm, ta biết cái đó là pháp ác thì chúng ta không làm. Bây giờ trong nhà mình đến ngày cúng bái, người ta giết heo giết bò thì người ta giết mặc ta, không có được cản. Mình đừng nên giết, đừng nên ăn thịt là đúng; là mình biết đó là pháp ác. Chứ mình chưa có đủ sức độ ai hết, đừng có học ở đây mình đem ra mình nói người này, nói người kia, nói đó là làm ác này kia. Cái đó là cái phong tục người ta đã quen rồi, để cho người ta làm. Cho nên có nhiều người hỏi Thầy, bây giờ con là người nội trợ ở trong nhà bếp, ngày tư ngày Tết mà trong nhà còn ăn thịt chúng sanh thì phải làm thịt này kia, phải làm thực phẩm từ chúng sanh như vậy thì con biết ăn chay thì con làm sao. Hỏi một cách Thầy nói rất là ngu ngơ thiệt, hổng biết gì hết. Nghĩa là mình phải làm cho mọi người vui ở trong gia đình của mình. Bây giờ mọi người ta đang ở trong cái phong tục như vậy, người ta quen như vậy. Thì mình là cái người dâu con trong nhà mình phải làm cho người ta vừa lòng. Thì mình làm cho mọi người vui lòng, cái tâm của mình mình biết như vậy mình đừng có ăn thịt chúng sanh. Mình biết như vậy mình đừng có mua con gà sống mình về cắt cổ, mình hãy mua con gà chết người ta làm sẵn. Mình phải khéo léo linh động để bớt đi bàn tay đẫm máu của mình. Và mình biết trong thiện pháp cũng từ từ tập chứ không lẽ bây giờ đùng một cái mình không làm gì hết. Ví dụ giờ nấu chay đậu hũ đi; nhà người ta mọi người không bằng lòng thì mình làm chuyện đó sao được. Đó là cái tu chứ không phải cái là thành Phật liền. Nghe cái như là mình thành Phật rồi, từ bi dữ lắm rồi. Bao nhiêu kiến cũng đổ cho ăn, cho ăn xong nó cắn mình gần chết. Đó là quá ngu, Phật gì mà ngu quá ngu.

Quý thầy đừng nghĩ rằng Thầy giảng giáo án này là Thầy dạy quý thầy bỏ chùa to, tháp lớn, bỏ giáo hội, bỏ phế sự giảng dạy kinh sách, bỏ phế các pháp yết ma, bỏ phế các pháp thiền định mà quý thầy đang tu tập. Quý thầy đừng có nghĩ như vậy mà hãy giữ nguyên tất cả. Nghĩa là mình thấy, mình xét thấy các pháp thiền này nó không đúng thì mình tu chứ không được bỏ, mình bỏ là mình bài bác. Nghĩa là mình thấy không đúng thì mình tu còn ai chưa hiểu thì người ta tu gì người ta tu không được nói một lời nói nào. Nói anh tu như vậy là sai thì cái đó không phải là Phật, cái đó là bài bác người ta, tức là có sự tranh luận chống trái nhau.

Cho nên ở đây Thầy cảnh giác vấn đề này, qua bài pháp này để cho quý thầy hiểu được tâm trạng của Thầy không muốn có sự chống trái nhau ở trên con đường tu tập theo đạo Phật, dù là giáo pháp của ai cũng đều quý trọng hết. Họ có đi tới được hay không đi tới được mình không động chạm. Chứ không phải mình thấy tu tập giới luật mình được rồi bắt đầu mình chê rề họ. Đó là cái sai, là cái pháp ác chứ không phải là pháp đúng đâu. Ai làm gì thì mặc người ta, chúng ta làm sao cố gắng làm cho tâm chúng ta giải thoát được trong pháp thiện, đem lại an vui hạnh phúc cho chúng ta trước, rồi sau chúng ta làm gương hạnh sống để người ta thấy đúng để người ta theo. Chứ không phải bảo người ta, dạy người ta bằng cái miệng lưỡi mà người ta theo đâu.

Quý thầy đừng nghĩ rằng Thầy giảng giáo án này là muốn quý thầy từ bỏ những gì mà các Tổ đã truyền thừa, Tổ Tổ truyền nhau. Quý Thầy đừng nghĩ như vậy. Tất cả những gì mà các Tổ đã truyền cho quý thầy, quý thầy hãy giữ nguyên như cũ. Nghĩa là ông thầy đó dạy mình cúng bái, tụng niệm, kệ ngâm hoặc gì đó bây giờ cũng làm y như vậy hết. Nhưng mình thấy cái điều đó nó không đem đến thiện pháp thì mình lần lần mình tự sửa lấy mình. Rồi mình dần dần tu tập cho mình đi vào con đường thiện pháp mà đức Phật đã nêu ra. Chớ không nói thầy Tổ mình làm cái đó sai, cái đó trật, cái đó là mê tín; không được nói cái điều đó. Đó là cái ý của Thầy muốn giảng cái bài này là như vậy đó.

Quý thầy đừng nghĩ rằng Thầy giảng giáo án này là Thầy muốn quý thầy từ bỏ nghề thầy thuốc trị bệnh, làm việc từ thiện, bố thí, v.v.. quý thầy chớ nghĩ như vậy. Tất cả những gì làm lợi ích cho mọi người, cho xã hội thì quý thầy hãy giữ nguyên. Nghĩa là quý thầy biết được những các pháp ác để quý thầy tu tập cái tâm của mình, trau dồi cái tâm thương yêu của mình. Còn những việc làm kia thì quý thầy hãy giữ nguyên mà làm chứ đừng lấy cái đó mà quý thầy bỏ, quý thầy xiên qua một góc độ nào đó. Thì cái ðó không phải là cái ý của Thầy giảng giáo án này đâu.

Quý thầy cũng đừng nghĩ Thầy giảng giáo án này là muốn cho quý thầy không viết kinh, soạn sách, dịch kinh, viết sách. Quý thầy chớ có nghĩ như vậy.Tất cả những điều mà quý thầy đã làm có tính cách phổ biến mọi đường lối tu tập thì quý thầy cứ giữ nguyên. Nghĩa là mọi đường lối đó đều có thể là tốt chứ không xấu đâu, nó không giúp ích cho người ta cái này thì nó cũng giúp ích cho người ta cái khác. Cho nên cứ giữ nguyên mà làm nhưng quý thầy cứ sửa những cái điều không tốt, điều ác trong tâm của mình, điều hành động ác, hành động không tốt trong tâm của mình để sửa dần theo cái giáo án của Phật để quý thầy được giải thoát.

Quý thầy cũng đừng hiểu Thầy giảng giáo án này là chống trái, bài bác quý thầy phá giới, phạm giới mà tất cả những gì quý thầy đang sống quý thầy cứ giữ nguyên. Nghĩa là đừng có nghĩ rằng Thầy dạy giáo án này ra là chống trái với những thầy phá giới đâu, không phải đâu. Nghĩa là quý thầy đó làm những gì thì mặc quý thầy, cứ giữ nguyên chứ không phải bắt buộc quý thầy đó phải giữ gìn, ngày ăn sống ngày một bữa giống như Thầy, hoặc ngủ ít, hoặc độc cư, hoặc là nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng ai hết. Thầy không bắt buộc họ, tất cả giáo án này là không bắt buộc người nào hết. Miễn là cái người đó nhận ra cái pháp ác, cái pháp thiện. Pháp ác thì họ dứt, mà pháp thiện thì họ tăng trưởng, thì họ hưởng được sự giải thoát. Có như vậy thôi, giáo án này ra đời là nhằm mục đích như vậy. Ai thấy được cứ thực hiện, ai thấy không được thì thôi. Chứ không được cái chỗ giáo án này mà bài bác người ta đúng hay sai, điều đó là không được.

Quý thầy cũng đừng hiểu Thầy dạy giáo án này là bắt buộc quý thầy phải tu theo Giới – Định – Tuệ của đức Phật, mà bây giờ quý thầy đã tu theo giới định tuệ nào thì quý thầy cứ giữ nguyên. Nghĩa là mình tu theo giới định tuệ nào, của kinh điển nào thì mình cứ giữ nguyên. Còn mình thấy được Giới – Định – Tuệ của đức Phật đúng thì mình cố gắng mình khắc phục dần dần theo đó. Còn những giới định tuệ nào mà không đúng, nó có ác pháp trong đó, có những cái phi thời trong đó thì chúng ta lần lần chúng ta dứt. Chứ chúng ta không nói nó là đúng nó là sai. Chúng ta từ từ chúng ta dứt chứ không phải là chúng ta dứt được đâu. Giờ có quý thầy cũng nói tu Giới – Định – Tuệ nhưng mà một ngày ăn hai ba bữa thì đó là phi thời, mà mình không nói là phi thời mà mình biết là Giới – Định – Tuệ của Phật dạy ngày ăn một bữa mới không phi thời thì mình biết đó dần dần mình sửa. Bởi vì mình còn đang ăn ngày ba bữa nên mình sửa lần cho mình ăn ngày một bữa. Đó là đi vào thiện pháp không phi thời nữa. Còn quý thầy người ta chưa hiểu biết hoặc người ta hiểu biết mà người ta sống khắc phục chưa được thì mình không được nói, không được phê bình họ, không được nói giới định tuệ đó là giới định tuệ sai. Giới định tuệ đó là của Đại thừa chứ không phải giới định tuệ của Tiểu thừa. Mình đừng có nói điều đó, nói điều đó là điều không tốt.

Này quý thầy, Thầy giảng giáo án này là chỉ quý thầy biết nó những pháp bất thiện. Nghĩa là dạy cho biết đó là những pháp bất thiện mà chưa được từ bỏ, làm cấu uế đưa đến tái sanh luân hồi, đem lại khổ đau, đưa lại quả khổ, đem lại già chết trong tương lai. Thầy dạy giáo án này mục đích của nó là cho quý thầy biết pháp nào là bất thiện, pháp nào là thiện. Và pháp bất thiện mà quý thầy chưa từ bỏ thì quý thầy hãy cố gắng từ bỏ vì pháp bất thiện đó nó làm cho cấu uế, đưa đến tái sanh luân hồi, làm khổ đau, đưa lại quả khổ, đem lại già chết ở trong tương lai của chúng ta. Nghĩa là giáo án Thầy dạy để quý thầy biết pháp thiện, pháp bất thiện để cho quý thầy tu tập dứt bỏ nó chứ không phải đem ra để quý thầy thấy cái sai cái đúng của thế gian. Phải hiểu như vậy mới biết được cái tâm trạng của thầy khi giảng giáo án này. Tại sao từ xưa Thầy không giảng giáo án này. Là tại vì Thầy thấy nó chưa có đủ duyên, đồng thời Thầy nói ra thì sợ người ta không hiểu mình. Thầy giảng ra thì nói Thầy có ý chống báng các pháp này của mọi Phật pháp trên thế gian.

Thầy giảng giáo án này có những pháp thiện mà quý thầy chưa được trau dồi như Thầy giảng giáo án Tứ vô lượng tâm thì trau dồi tâm từ tâm bi tâm hỷ tâm xả. Thì quý thầy chưa bao giờ được trau dồi, bây giờ Thầy giảng cách thức để cho quý thầy biết, để trau dồi tâm mình để nó đi vào thiện pháp. Đó là mục đích của Thầy là như vậy.

Thầy giảng giáo án này, có những thiện pháp mà quý thầy chưa được trau dồi để thanh tịnh, không làm cấu uế, chấm dứt tái sanh luân hồi, hết sự đau khổ, đưa đến quả lành, không già bệnh chết.Thì mục đích của thầy giảng giáo án này để quý thầy trau dồi để thân tâm mình thanh tịnh, để không còn cấu uế, không còn ô nhiễm nữa chấm dứt sự tái sanh luân hồi đau khổ, đưa đến những quả lành và thoát khỏi già bệnh chết. Đó là mục đích của giáo án chứ không phải mục đích như hồi nãy nói ở trên cho nên các thầy đừng hiểu như những cái ở trên đó là sai. Những pháp ấy Thầy đã giảng dạy trong giáo án để cho quý thầy thực hành theo đúng lời giảng dạy của Thầy, thời các pháp cấu uế, bất tịnh, bất thiện pháp của quý thầy chưa được diệt trừ, các pháp thiện thanh tịnh được tăng trưởng và quý thầy sẽ tự chứng biết, chứng ngộ và đạt đến an trú ngay trong hiện tại, trí tuệ cụ túc viên mãn, chấm dứt sanh tử luân hồi, làm chủ sự sống chết. Đó là những cái pháp mà Thầy giảng trong giáo án này là để quý thầy chứng nghiệm được sự tu tập của quý thầy và quý thầy sẽ được an trú ngay trong hiện tại của sự giải thoát đó. Nơi quý thầy, quý thầy sẽ chứng minh cụ thể cho sự giải thoát đó. Chớ không phải nói một cách mà không có trạng thái đó, không có sự giải thoát đó gọi là vô sở đắc đó đâu, nó có sự an lạc, có sự giải thoát thật sự, có tâm thiện thực sự, có lòng thương yêu thật sự để chứng nghiệm qua cái sự tu tập của quý thầy, qua sự trau dồi của quý thầy. Bằng cách là quý thầy siêng năng tu tập ngay trong hiện tại, ngay trong khi tu tập đã có sự chứng nghiệm đó rồi. Thì như vậy quý thầy mới tin giáo án mà thầy vạch ra nó có kết quả thực sự như vậy, đem lại hạnh phúc cho con người thật sự như vậy thì quý thầy mới tin.

Đến đây, qua phần này thì quý thầy đã thấy rằng Thầy đã dạy giáo án này là ý như vậy. Chứ không phải để cho quý thầy hiểu rồi không có cảnh giác, không có răn nhắc quý thầy thì quý thầy không hiểu, để cho quý thầy lấy cái chỗ này để quý thầy bài bác chống đối người ta, hoặc thế này thế khác thì điều đó là pháp ác chứ không phải pháp thiện nữa.

Các thầy nhớ kỹ như vậy, các thầy nói đúng chứ không phải sai, nhưng mà người ta đứng trong góc độ người ta hiểu thì người ta thấy quý thầy là những người ác pháp chứ không phải người thiện pháp đâu. Bởi vì nói cho người ta tức tối, người ta giận dữ. Người ta còn kiến chấp, người ta còn lầm chấp, còn ôm chặt cho nên người ta đau khổ, người ta tức tối, người ta giận dữ, người ta tranh luận với quý thầy. Thì lúc đó quý thầy tự đem cái thiện pháp mà biến cái thiện pháp trở thành ác pháp với mọi người. Thì điều quý thầy nói là quý thầy đã làm sai không đúng lời dạy của Thầy.

Cho nên khi mà nghe được lời dạy của Thầy rồi thì quý thầy phải âm thầm mà nỗ lực tu hành, không được đem cái giáo án này mà dạy người khác. Tại sao vậy? Chỉ khi nào có những người, người ta có quyết tâm tu để tìm giải thoát thì chúng ta thấy họ có sự tha thiết, sống đúng cái hạnh của người quyết tu. Người ta muốn xả bỏ thì mình cho người ta đọc, hoặc người ta nghe. Còn những người ta sống phi thời, sống theo dục lạc thế gian thì đem sách này ra người ta tìm mọi cách chống đối, người ta bị tội lỗi với Phật pháp. Vì Phật đã dạy chứ đâu phải của Thầy, Thầy chỉ là người khai triển lại những lời của Phật chứ không phải pháp này là của Thầy. Thầy đâu phải là đức giáo chủ của đạo Phật mà Thầy có giáo pháp, triết, đường lối của đạo Phật đâu, Thầy chỉ khai triển lại cái đường của đức Phật mà để cho người ta lầm chấp, người ta đang say mê ở trong dục lạc thế gian thì tức là người ta phải có sự tranh luận, sự bài bác cái pháp này, tức là người ta bài bác cái pháp của Phật. Và vì vậy làm cho người ta tội lỗi hơn, và người ta sẽ trôi lăn trong lục đạo sáu nẻo, biết khi nào người ta gặp Phật pháp.

Cho nên chúng ta phải biết thương người, biết thương người là biết ngăn ngừa tội lỗi của họ. Cũng như mình biết ngăn ngừa tội lỗi của thằng ăn cắp thì mình để cái xe, cái vật dụng gì mình phải cảnh giác. Vì cảnh giác cho nên thằng ăn cắp nó không lấy được nên nó không tội lỗi. Cũng như mình biết thương người thì mình phải cảnh giác đừng để cho những cái pháp rơi vào những người mà đang sống trong dục lạc. Vì đang sống trong dục lạc họ phải có những lý luận để che đậy những điều đó, do đó họ thành ra phỉ báng Phật pháp. Mà phỉ báng Phật pháp thì họ tội vô lượng. Cho nên vì vậy mà họ bị đọa địa ngục cho biết đến kiếp nào mà họ gặp Phật pháp.

Cho nên vì một cái duyên không tốt thì đời đời kiếp kiếp họ không gặp được Phật pháp. Được thân đã khó, được gặp Phật pháp còn khó hơn. Thế mà hôm nay chúng ta vô tình đã làm cho họ rơi vào cái vô lượng kiếp mà không gặp Phật pháp thì đó là cái tội quá tội. Chúng ta phải biết thương người. Cho nên vì thế mà khi học được giáo án này rồi thì quý thầy cẩn thận mà truyền pháp chứ không phải đụng đâu phô ra hết hoặc là đăng trên báo chí, hoặc in thành sách bán ở các hiệu sách, điều đó không phải.

Pháp này là pháp quý giá, pháp này đem đến cho mọi con người được giải thoát, sống được an vui, được thương yêu nhau, đùm bọc lấy nhau trong mọi hình thức. Pháp này phải được xem là cái pháp quý nhất trong đời sống của nhân loại, của con người. Vì thế pháp này được đem bố thí, được đem làm tài liệu học tập cho những con người biết tìm đường giải thoát. Và cái pháp này không được bán, cái pháp này luôn luôn được trao đến một người quyết tìm con đường giải thoát. Còn những người không quyết tìm con đường giải thoát, chạy theo dục lạc thế gian, ham thích dục lạc thế gian thì những người đó chưa đủ duyên, chúng ta chưa nên trao. Chờ khi nào họ chạy theo dục lạc thế gian, đâm đầu vào cái khổ; chừng nào họ thấy đời là khổ thật, họ than thở đời là không có gì là hạnh phúc thì chúng ta mới đem cho họ xem, đưa cho họ biết để cho họ thức tỉnh. Còn họ đang say trên đống tiền, trên danh lợi, trên sắc dục thì thôi chúng ta khoan đã, hãy dừng lại đối với những người này. Cho nên muốn trao pháp phải trao cho người có đủ duyên. Trao cho những người không đủ duyên thì họ càng làm thêm tội ác.

Đó là những lời cảnh giác, những lời khuyên của Thầy đối với quý thầy. Cho nên Thầy không muốn dùng cái pháp này để tạo cái danh của mình, mà chỉ dùng cái pháp này để làm lợi ích cho chúng sanh. Cho nên đâu cần phổ biến cho rộng rãi, đâu cần quảng bá cho nó rộng lớn. Rộng lớn bao nhiêu mà có bao nhiêu người tu được. Thà là âm thầm xem xét xem người nào đủ duyên, vì đủ duyên thì đâu họ cũng có gặp, còn không đủ duyên thì dù bày bán giữa chợ họ cũng không thèm mua. Cho nên ở đây chúng ta sống trong pháp nhân duyên của Phật thì chúng ta đã hiểu rõ, và sống trong pháp nhân quả của Phật thì cũng đã rành. Cho nên chúng ta ngồi đây mà chờ người có đủ duyên thì mới đem pháp trao chớ không phải đem đi bán pháp để độ người. Độ người kiểu đó là độ danh, độ lợi chứ không phải độ người. Cho nên khi quý thầy khi trở về quê hương của mình mà có đủ duyên in được sách này thì cần phải trịnh trọng. Người nào có tâm thành đến để đảnh lễ pháp ta mới bố thí cho họ. Người nào không đảnh lễ dù có bỏ hàng triệu bạc cũng không cho, hàng tỷ bạc cũng chẳng cho chứ nói gì năm ngàn, mười ngàn thì pháp bảo của Phật coi quá rẻ. Đó là những lời nói nhắc nhở quý thầy và cũng là những lời nói sau cùng khi Thầy trao cái giáo án này ra./.(BBT:BN,13,B00:74:40)(BBT:CĐ,14A,E00:31:23)