Skip directly to content

XIII. XUNG ĐỘT (PHẦN CHÍNH)

[1087] Vị tỳ khưu theo đuổi sự xung đột trong khi phát biểu nơi hội chúng nên biết về sự việc, nên biết về sự hư hỏng, nên biết về tội vi phạm, nên biết về duyên khởi, nên biết về sự biểu hiện, nên biết điều trước và điều sau, nên biết việc đã được thực hiện và chưa được thực hiện, nên biết về hành sự, nên biết về sự tranh tụng, nên biết về sự dàn xếp, không nên bị chi phối bởi sự ưa thích, không nên bị chi phối bởi sự sân hận, không nên bị chi phối bởi sự si mê, không nên bị chi phối bởi sự sợ hãi, nên làm cho biết rõ về điều cần được biết rõ, nên dập tắt điều cần được dập tắt, nên xem xét điều cần được xem xét, nên tin tưởng vào điều đáng được tin tưởng, (nghĩ rằng): “Ta đã đạt được đồ chúng” không nên đánh giá thấp đồ chúng khác, (nghĩ rằng): “Ta là người nghe nhiều” không nên đánh giá thấp vị nghe ít, (nghĩ rằng): “Ta là vị thâm niên hơn” không nên đánh giá thấp vị mới tu sau, không nên nói về điều chưa được thành tựu, không nên bỏ qua điều đã được thành tựu đúng Pháp đúng Luật, sự tranh tụng ấy được giải quyết theo Pháp nào theo Luật nào theo lời dạy nào của bậc Đạo Sư thì nên giải quyết sự tranh tụng ấy như thế.

[1088] Nên biết về sự việc: là nên biết về sự việc của tám điều pārājika, nên biết về sự việc của hai mươi ba điều saṅghādisesa, nên biết về sự việc của hai điều aniyata, nên biết về sự việc của bốn mươi hai điều nissaggiya, nên biết về sự việc của một trăm tám mươi tám điều pācittiya, nên biết về sự việc của mười hai điều pāṭidesanīya, nên biết về sự việc của các điều dukkaṭa, nên biết về sự việc của các điều dubbhāsita.

[1089] Nên biết về sự hư hỏng: là nên biết về sự hư hỏng về giới, nên biết về sự hư hỏng về hạnh kiểm, nên biết về sự hư hỏng về tri kiến, nên biết về sự hư hỏng về nuôi mạng.

[1090] Nên biết về tội vi phạm: là nên biết về tội pārājika, nên biết về tội saṅghādisesa, nên biết về tội aniyata, nên biết về tội nissaggiya, nên biết về tội pācittiya, nên biết về tội pāṭidesanīya, nên biết về tội dukkaṭa, nên biết về tội dubbhāsita.

[1091] Nên biết về duyên khởi: là nên biết về duyên khởi của tám điều pārājika, nên biết về duyên khởi của hai mươi ba điều saṅghādisesa, nên biết về duyên khởi của hai điều aniyata, nên biết về duyên khởi của bốn mươi hai điều nissaggiya, nên biết về duyên khởi của một trăm tám mươi tám điều pācittiya, nên biết về duyên khởi của mười hai điều pāṭidesanīya, nên biết về duyên khởi của các điều dukkaṭa, nên biết về duyên khởi của các điều dubbhāsita.

[1092] Nên biết về sự biểu hiện: là nên biết về hội chúng từ sự biểu hiện, nên biết về nhóm từ sự biểu hiện, nên biết về cá nhân từ sự biểu hiện, nên biết về vị cáo tội từ sự biểu hiện, nên biết về vị bị cáo tội từ sự biểu hiện.

Nên biết về hội chúng từ sự biểu hiện: là (nghĩ rằng): “Hội chúng này có khả năng để giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo Sư hay là không có (khả năng)?” Nên biết về hội chúng từ sự biểu hiện là như thế.

Nên biết về nhóm từ sự biểu hiện: là (nghĩ rằng): “Nhóm này có khả năng để giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo Sư hay là không có (khả năng)?” Nên biết về nhóm từ sự biểu hiện là như thế.

Nên biết về cá nhân từ sự biểu hiện: là (nghĩ rằng): “Cá nhân này có khả năng để giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo Sư hay là không có (khả năng)?” Nên biết về cá nhân từ sự biểu hiện là như thế.

Nên biết về vị cáo tội từ sự biểu hiện: là (nghĩ rằng): “Phải chăng đại đức này kết tội vị khác sau khi đã an trú vào năm pháp hay là chưa (an trú)?” Nên biết về người bị cáo tội từ sự biểu hiện là như thế.

Nên biết về người bị cáo tội từ sự biểu hiện: là (nghĩ rằng): “Phải chăng đại đức này đã được an trú trong hai pháp: trong sự chân thật và trong sự không nổi giận hay là chưa được (an trú)?” Nên biết về người bị cáo tội từ sự biểu hiện là như thế.

[1093] Nên biết điều trước và điều sau: là (nghĩ rằng): “Phải chăng đại đức này tráo trở từ sự việc (này) sang sự việc (khác), hay là tráo trở từ sự hư hỏng (này) sang sự hư hỏng (khác), hay là tráo trở từ tội (này) sang tội (khác), hay là sau khi phủ nhận rồi thừa nhận, hay là sau khi thừa nhận rồi phủ nhận, hay là tránh né điều này bằng điều khác, hay là không có?” Nên biết điều trước và điều sau là như thế.

[1094] Nên biết việc đã được thực hiện và chưa được thực hiện: là nên biết về việc đôi lứa, nên biết về việc tương xứng đối với việc đôi lứa, nên biết phần việc xảy ra trước của việc đôi lứa.

Nên biết về việc đôi lứa: là nên biết về sự kết hợp chung lại của hai người.

Nên biết về việc tương xứng đối với việc đôi lứa: là vị tỳ khưu dùng miệng của mình ngậm lấy dương vật của vị khác.

Nên biết phần việc xảy ra trước của việc đôi lứa: là màu và không màu (của tinh dịch), sự xúc chạm cơ thể, sự nói lời dâm dật, sự hầu hạ tình dục cho bản thân, việc mai mối.

[1095] Nên biết về hành sự: là nên biết về mười sáu hành sự, nên biết về bốn hành sự công bố, nên biết về bốn hành sự với lời đề nghị, nên biết về bốn hành sự với lời thông báo đến lần thứ nhì, nên biết về bốn hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư.

[1096] Nên biết về sự tranh tụng: là nên biết về bốn sự tranh tụng, nên biết về sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, nên biết về sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, nên biết về sự tranh tụng liên quan đến tội, nên biết về sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ.

[1097] Nên biết về sự dàn xếp: là nên biết về bảy cách dàn xếp, nên biết về hành xử Luật với sự hiện diện, nên biết về hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, nên biết về hành xử Luật khi không điên cuồng, nên biết về việc phán xử theo tội đã được thừa nhận, nên biết về thuận theo số đông, nên biết về theo tội của vị ấy, nên biết về cách dùng cỏ che lấp.

[1098] Không nên bị chi phối bởi sự ưa thích: Trong khi bị chi phối bởi sự ưa thích, vị bị chi phối bởi sự ưa thích như thế nào?

– Trong trường hợp ấy, có vị (nghĩ rằng): “Đối với ta đây, (vị này) là thầy tế độ, hoặc là thầy dạy học, hoặc là người đệ tử, hoặc là người học trò, hoặc là vị đồng thầy tế độ, hoặc là vị đồng thầy dạy học, hoặc là vị đồng quan điểm, hoặc là vị thân thiết, hoặc là thân quyến đồng huyết thống” rồi do lòng thương tưởng người ấy, do sự bảo vệ người ấy rồi tuyên bố phi Pháp là “Pháp,” tuyên bố Pháp là: “Phi Pháp,” tuyên bố phi Luật là: “Luật,” tuyên bố Luật là: “Phi Luật,” tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai,” tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai,” tuyên bố điều không được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai,” tuyên bố điều được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai,” tuyên bố điều không được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã được quy định bởi đức Như Lai,” tuyên bố điều được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai,” tuyên bố vô tội là: “Phạm tội,” tuyên bố phạm tội là: “Vô tội,” tuyên bố tội nhẹ là: “Tội nặng,” tuyên bố tội nặng là: “Tội nhẹ,” tuyên bố tội còn dư sót là: “Tội không còn dư sót,” tuyên bố tội không còn dư sót là: “Tội còn dư sót,” tuyên bố tội xấu xa là: “Tội không xấu xa,” tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội xấu xa.” Với mười tám sự việc này, trong khi bị chi phối bởi sự ưa thích vị (ấy) đã thực hành không vì sự lợi ích của nhiều người, không vì sự an lạc của nhiều người, vì sự không tấn hóa, vì sự không lợi ích, vì sự khổ đau của nhiều người, của chư thiên và nhân loại. Với mười tám sự việc này, trong khi bị chi phối bởi sự ưa thích, vị (ấy) làm cho bản thân bị chôn vùi, bị tổn hại, trở thành có tội, đáng bị chê trách bởi những người có sự hiểu biết, và gây nên nhiều điều phi công đức. Trong khi bị chi phối bởi sự ưa thích, vị bị chi phối bởi sự ưa thích là như thế.

[1099] Không nên bị chi phối bởi sự sân hận: Trong khi bị chi phối bởi sự sân hận, vị bị chi phối bởi sự sân hận như thế nào?

– Trong trường hợp ấy, có vị (nghĩ rằng): “Hắn đã gây cho ta điều không lợi ích” rồi kết oan trái, “Hắn đang gây cho ta điều không lợi ích” rồi kết oan trái, “Hắn sẽ gây cho ta điều không lợi ích” rồi kết oan trái. (Nghĩ rằng): “Hắn đã gây điều không lợi ích, đang gây điều không lợi ích, sẽ gây điều không lợi ích cho người được ta thương yêu quý mến” rồi kết oan trái. (Nghĩ rằng): “Hắn đã gây điều lợi ích, đang gây điều lợi ích, sẽ gây điều lợi ích cho người không được ta thương yêu quý mến” rồi kết oan trái; do chín sự việc oan trái này, vị (ấy) trở nên thù hằn, ác cảm, giận dữ, bị chế ngự bởi sự giận dữ rồi tuyên bố phi Pháp là “Pháp,” tuyên bố Pháp là: “Phi Pháp,” ...(như trên)... tuyên bố tội xấu xa là: “Tội không xấu xa,” tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội xấu xa.” Với mười tám sự việc này, trong khi bị chi phối bởi sự sân hận vị (ấy) đã thực hành không vì sự lợi ích của nhiều người, không vì sự an lạc của nhiều người, vì sự không tấn hóa, vì sự không lợi ích, vì sự khổ đau của nhiều người, của chư thiên và nhân loại. Với mười tám sự việc này, trong khi bị chi phối bởi sự sân hận, vị (ấy) làm cho bản thân bị chôn vùi, bị tổn hại, trở thành có tội, đáng bị chê trách bởi những người có sự hiểu biết, và gây nên nhiều điều phi công đức. Trong khi bị chi phối bởi sự sân hận, vị bị chi phối bởi sự sân hận là như thế.

[1100] Không nên bị chi phối bởi sự si mê: Trong khi bị chi phối bởi sự si mê, vị bị chi phối bởi sự si mê như thế nào?

– Bị ái nhiễm, vị (ấy) chịu sự sai khiến của ái dục; bị sân hận vị (ấy) chịu sự sai khiến của sân hận; bị si mê, vị (ấy) chịu sự sai khiến của si mê; bị ô nhiễm, vị (ấy) chịu sự sai khiến của tà kiến, bị si mê, bị mê mờ hoàn toàn, bị chế ngự bởi sự si mê rồi tuyên bố phi Pháp là “Pháp,” tuyên bố Pháp là: “Phi Pháp,” ...(như trên)... tuyên bố tội xấu xa là: “Tội không xấu xa,” tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội xấu xa.” Với mười tám sự việc này, trong khi bị chi phối bởi sự si mê vị (ấy) đã thực hành không vì sự lợi ích của nhiều người, không vì sự an lạc của nhiều người, vì sự không tấn hóa, vì sự không lợi ích, vì sự khổ đau của nhiều người, của chư thiên và nhân loại. Với mười tám sự việc này, trong khi bị chi phối bởi sự si mê, vị (ấy) làm cho bản thân bị chôn vùi, bị tổn hại, trở thành có tội, đáng bị chê trách bởi những người có sự hiểu biết, và gây nên nhiều điều phi công đức. Trong khi bị chi phối bởi sự si mê, vị bị chi phối bởi sự si mê là như thế.

[1001] Không nên bị chi phối bởi sự sợ hãi: Trong khi bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị bị chi phối bởi sự sợ hãi như thế nào?

– Trong trường hợp ấy, có vị (nghĩ rằng): “Người này hoặc là cậy vào sự bất công, hoặc là cậy vào sự rối ren, hoặc là cậy vào sức mạnh, tàn bạo, thô lỗ sẽ gây nguy hiểm cho mạng sống hoặc là gây nguy hiểm cho Phạm hạnh,” do sự sợ hãi của điều ấy vị (ấy) bị hoảng hốt rồi tuyên bố phi Pháp là “Pháp,” tuyên bố Pháp là: “Phi Pháp,” ...(như trên)... tuyên bố tội xấu xa là: “Tội không xấu xa,” tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội xấu xa.” Với mười tám sự việc này, trong khi bị chi phối bởi sự sợ hãi vị (ấy) đã thực hành không vì sự lợi ích của nhiều người, không vì sự an lạc của nhiều người, vì sự không tấn hóa, vì sự không lợi ích, vì sự khổ đau của nhiều người, của chư thiên và nhân loại. Với mười tám sự việc này, trong khi bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị (ấy) làm cho bản thân bị chôn vùi, bị tổn hại, trở thành có tội, đáng bị chê trách bởi những người có sự hiểu biết, và gây nên nhiều điều phi công đức. Trong khi bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị bị chi phối bởi sự sợ hãi là như thế.

[1102]

Vì ưa thích, sân hận,
vì sợ hãi, si mê,
ai đối nghịch Chánh Pháp,
danh tiếng của vị ấy
bị hủy hoại như trăng
nửa tháng sau khuyết dần.

[1103] Thế nào là vị không bị chi phối bởi sự ưa thích?

– Trong khi tuyên bố phi Pháp là “Phi Pháp” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố Pháp là: “Pháp” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố phi Luật là: “Phi Luật” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố Luật là: “Luật” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố điều không được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều không được thực hành bởi đức Như Lai” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố điều đã được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố điều đã không được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố điều đã được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã được quy định bởi đức Như Lai” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố vô tội là: “Vô tội” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố phạm tội là: “Phạm tội” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố tội nhẹ là: “Tội nhẹ” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố tội nặng là: “Tội nặng” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố tội còn dư sót là: “Tội còn dư sót” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố tội không còn dư sót là: “Tội không còn dư sót” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố tội xấu xa là: “Tội xấu xa” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích; trong khi tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội không xấu xa” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự ưa thích. Vị không bị chi phối bởi sự ưa thích là như thế.

[1104] Thế nào là vị không bị chi phối bởi sự sân hận?

– Trong khi tuyên bố phi Pháp là “Phi Pháp” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự sân hận; trong khi tuyên bố Pháp là: “Pháp” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự sân hận; ...(như trên)... trong khi tuyên bố tội xấu xa là: “Tội xấu xa” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự sân hận; trong khi tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội không xấu xa” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự sân hận. Vị không bị chi phối bởi sự sân hận là như thế.

[1105] Thế nào là vị không bị chi phối bởi sự si mê?

– Trong khi tuyên bố phi Pháp là “Phi Pháp” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự si mê; trong khi tuyên bố Pháp là: “Pháp” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự si mê; ...(như trên)... trong khi tuyên bố tội xấu xa là: “Tội xấu xa” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự si mê; trong khi tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội không xấu xa” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự si mê. Vị không bị chi phối bởi sự si mê là như thế.

[1106] Thế nào là vị không bị chi phối bởi sự sợ hãi?

– Trong khi tuyên bố phi Pháp là “Phi Pháp” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự sợ hãi; trong khi tuyên bố Pháp là: “Pháp” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự sợ hãi; ...(như trên)... trong khi tuyên bố tội xấu xa là: “Tội xấu xa” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự sợ hãi; trong khi tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội không xấu xa” vị (ấy) không bị chi phối bởi sự sợ hãi. Vị không bị chi phối bởi sự sợ hãi là như thế.

[1107]

Vì ưa thích, sân hận,
vì sợ hãi, si mê,
vị không nghịch Chánh Pháp,
danh tiếng của vị ấy
được bồi đắp như trăng
nửa tháng trước tròn dần.

[1108] Thế nào là vị làm cho biết rõ về điều cần được biết rõ?

– Trong khi tuyên bố phi Pháp là “Phi Pháp” vị (ấy) làm cho biết rõ về điều cần được biết rõ; trong khi tuyên bố Pháp là: “Pháp” vị (ấy) làm cho biết rõ về điều cần được biết rõ; ...(như trên)... trong khi tuyên bố tội xấu xa là: “Tội xấu xa” vị (ấy) làm cho biết rõ về điều cần được biết rõ; trong khi tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội không xấu xa” vị (ấy) làm cho biết rõ về điều cần được biết rõ. Vị làm cho biết rõ về điều cần được biết rõ là như thế.

[1109] Thế nào là vị dập tắt điều cần được dập tắt?

– Trong khi tuyên bố phi Pháp là “Phi Pháp” vị (ấy) dập tắt điều cần được dập tắt; trong khi tuyên bố Pháp là: “Pháp” vị (ấy) dập tắt điều cần được dập tắt; ...(như trên)... trong khi tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội không xấu xa” vị (ấy) dập tắt điều cần được dập tắt; trong khi tuyên bố tội xấu xa là: “Tội xấu xa” vị (ấy) dập tắt điều cần được dập tắt. Vị dập tắt điều cần được dập tắt là như thế.

[1110] Thế nào là vị xem xét điều cần được xem xét?

– Trong khi tuyên bố phi Pháp là “Phi Pháp” vị (ấy) xem xét điều cần được xem xét; trong khi tuyên bố Pháp là: “Pháp” vị (ấy) xem xét điều cần được xem xét; ...(như trên)... trong khi tuyên bố tội xấu xa là: “Tội xấu xa” vị (ấy) xem xét điều cần được xem xét; trong khi tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội không xấu xa” vị (ấy) xem xét điều cần được xem xét. Vị xem xét điều cần được xem xét là như thế.

[1111] Thế nào là vị tin tưởng vào điều đáng được tin tưởng?

– Trong khi tuyên bố phi Pháp là “Phi Pháp” vị (ấy) tin tưởng vào điều đáng được tin tưởng; trong khi tuyên bố Pháp là: “Pháp” vị (ấy) tin tưởng vào điều đáng được tin tưởng; ...(như trên)... trong khi tuyên bố tội xấu xa là: “Tội xấu xa” vị (ấy) tin tưởng vào điều đáng được tin tưởng; trong khi tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội không xấu xa” vị (ấy) tin tưởng vào điều đáng được tin tưởng. Vị tin tưởng vào điều đáng được tin tưởng là như thế.

[1112] Thế nào là vị (nghĩ rằng): “Ta đã đạt được đồ chúng” rồi đánh giá thấp đồ chúng khác?

– Trong trường hợp này, có vị đã đạt được đồ chúng, đã đạt được tùy tùng, là vị có đồ chúng, là vị có người thân cận (nghĩ rằng): “Người này không đạt được đồ chúng, không đạt được tùy tùng, không phải là vị có đồ chúng, không phải là vị có người thân cận” trong khi đánh giá thấp người ấy rồi tuyên bố phi Pháp là “Pháp,” tuyên bố Pháp là: “Phi Pháp,” ...(như trên)... tuyên bố tội xấu xa là: “Tội không xấu xa,” tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội xấu xa.” Vị (nghĩ rằng): “Ta đã đạt được đồ chúng” rồi đánh giá thấp đồ chúng khác là như thế.

[1113] Thế nào là vị (nghĩ rằng): “Ta là người nghe nhiều” rồi đánh giá thấp vị nghe ít?

– Trong trường hợp này, có vị nghe nhiều, ghi nhớ điều đã được nghe, tích lũy điều đã được nghe (nghĩ rằng): “Người này nghe ít, kế thừa ít, ghi nhớ ít” trong khi đánh giá thấp người ấy rồi tuyên bố phi Pháp là “Pháp,” tuyên bố Pháp là: “Phi Pháp,” ...(như trên)... tuyên bố tội xấu xa là: “Tội không xấu xa,” tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội xấu xa.” Vị (nghĩ rằng): “Ta là người nghe nhiều” rồi đánh giá thấp vị nghe ít là như thế.

[1114] Thế nào là vị (nghĩ rằng): “Ta là vị thâm niên hơn” rồi đánh giá thấp vị mới tu?

– Trong trường hợp này, có vị là trưởng lão, có kinh nghiệm, đã xuất gia lâu dài (nghĩ rằng): “Người này mới tu, ít được biết, ít được nghe, ít hiểu biết việc đã được làm, lời nói của người ấy sẽ không được thực hiện” trong khi đánh giá thấp người ấy rồi tuyên bố phi Pháp là “Pháp,” tuyên bố Pháp là: “Phi Pháp,” ...(như trên)... tuyên bố tội xấu xa là: “Tội không xấu xa,” tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội xấu xa.” Vị (nghĩ rằng): “Ta là vị thâm niên hơn” rồi đánh giá thấp vị mới tu sau là như thế.

[1115] Không nên nói về điều chưa được thành tựu: là không nên đưa ra lời nói đã không được đưa ra.

Không nên bỏ qua điều đã được thành tựu đúng Pháp đúng Luật: là không nên bỏ qua sự việc đúng Pháp đúng Luật mà hội chúng đã được triệu tập lại vì sự việc ấy.

[1116] Theo Pháp nào: là theo sự việc có thật.

Theo Luật nào: là sau khi đã cáo tội, sau khi đã làm cho nhớ lại.

Theo lời dạy nào của bậc Đạo Sư: là với sự đầy đủ của lời đề nghị, với sự đầy đủ của lời thông báo.

Sự tranh tụng ấy được giải quyết theo Pháp nào theo Luật nào theo lời dạy nào của bậc Đạo Sư thì nên giải quyết sự tranh tụng ấy như thế: là vị xét xử nên hỏi vị cáo tội rằng: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này, đại đức đình chỉ vị ấy với lý do gì? Có phải đại đức đình chỉ với sự hư hỏng về giới? Có phải đại đức đình chỉ với sự hư hỏng về hạnh kiểm? Có phải đại đức đình chỉ với sự hư hỏng về tri kiến?”

Nếu vị ấy nói như vầy: “Hoặc là tôi đình chỉ với sự hư hỏng về giới. Hoặc là tôi đình chỉ với sự hư hỏng về hạnh kiểm. Hoặc là tôi đình chỉ với sự hư hỏng về tri kiến.”

Vị ấy nên được nói như sau: “Vậy đại đức có biết sự hư hỏng về giới không? Đại đức có biết sự hư hỏng về hạnh kiểm không? Đại đức có biết sự hư hỏng về tri kiến không?

Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi biết sự hư hỏng về giới. Tôi biết sự hư hỏng về hạnh kiểm. Tôi biết sự hư hỏng về tri kiến.

Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, vậy điều gì là sự hư hỏng về giới? Điều gì là sự hư hỏng về hạnh kiểm? Điều gì là sự hư hỏng về tri kiến?

Nếu vị ấy nói như vầy: “Bốn tội pārājika, mười ba tội saṅghādisesa, đó là sự hư hỏng về giới. Tội thullaccaya, tội pācittiya, tội pāṭidesanīya, tội dukkaṭa, tội dubbhāsita, đó là sự hư hỏng về hạnh kiểm. Tà kiến, tri kiến cực đoan, đó là sự hư hỏng về tri kiến.

Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc mà đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này, có phải đại đức đình chỉ do đã được thấy,? Có phải đại đức đình chỉ do đã được nghe? Có phải đại đức đình chỉ do sự nghi ngờ?

Nếu vị ấy nói như vầy: “Hoặc là tôi đình chỉ do đã được thấy, hoặc là tôi đình chỉ do đã được nghe, hoặc là tôi đình chỉ do sự nghi ngờ.

Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc mà đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do đã được thấy, đại đức đã thấy gì? Đại đức đã thấy thế nào? Đại đức đã thấy khi nào? Đại đức đã thấy ở đâu? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội pārājika? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội saṅghādisesa? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội thullaccaya? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội pācittiya? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội pāṭidesanīya? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội dukkaṭa? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội dubbhāsita? Và đại đức đã ở đâu? Và vị tỳ khưu này đã ở đâu? Và đại đức đã làm gì? Và vị tỳ khưu này đã làm gì?

Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do đã được thấy, tuy nhiên tôi đình chỉ lễ Pavāraṇā do đã được nghe.

Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc mà đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do đã được nghe, đại đức đã nghe gì? Đại đức đã nghe thế nào? Đại đức đã nghe khi nào? Đại đức đã nghe ở đâu? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội pārājika’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội saṅghādisesa’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội thullaccaya’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội pācittiya’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội pāṭidesanīya’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội dukkaṭa’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội dubbhāsita’? Có phải đã nghe từ vị tỳ khưu? Có phải đã nghe từ vị tỳ khưu ni? Có phải đã nghe từ cô ni tu tập sự? Có phải đã nghe từ vị sa di? Có phải đã nghe từ vị sa di ni? Có phải đã nghe từ nam cư sĩ? Có phải đã nghe từ nữ cư sĩ? Có phải đã nghe từ các đức vua? Có phải đã nghe từ các quan đại thần của đức vua? Có phải đã nghe từ các ngoại đạo? Có phải đã nghe từ các đệ tử của ngoại đạo?

Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do đã được nghe, tuy nhiên tôi đình chỉ lễ Pavāraṇā do sự nghi ngờ.” Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc mà đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do sự nghi ngờ, đại đức nghi ngờ gì? Đại đức nghi ngờ như thế nào? Đại đức nghi ngờ khi nào? Đại đức nghi ngờ ở đâu? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội pārājika’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội saṅghādisesa’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội thullaccaya’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội pācittiya’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội pāṭidesanīya’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội dukkaṭa’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội dubbhāsita’? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ vị tỳ khưu? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ vị tỳ khưu ni? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ cô ni tu tập sự? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ vị sa di? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ vị sa di ni? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ nam cư sĩ? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ nữ cư sĩ? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ các đức vua? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ các quan đại thần của đức vua? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ các ngoại đạo? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ các đệ tử của ngoại đạo?

[1117]

Điều được thấy tương tợ
với điều đã được thấy,
điều được thấy phù hợp
với điều đã được thấy,
do điều đã được thấy
bị nghi không thanh tịnh
dẫu rằng không vi phạm;
người ấy do thú nhận
lễ Pavāraṇā
nên hành với vị ấy.
Điều được nghe tương tợ
với điều đã được nghe,
điều được nghe phù hợp
với điều đã được nghe,
do điều đã được nghe
bị nghi không thanh tịnh
dẫu rằng không vi phạm;
người ấy do thú nhận
lễ Pavāraṇā
nên hành với vị ấy.
Điều cảm nhận tương tợ
với điều được cảm nhận,
điều cảm nhận phù hợp
với điều được cảm nhận,
do điều được cảm nhận
bị nghi không thanh tịnh
dẫu rằng không vi phạm;
người ấy do thú nhận
lễ Pavāraṇā
nên hành với vị ấy.

[1118] “Đại đức đã thấy gì?”là câu hỏi về điều gì? “Đại đức đã thấy thế nào?” là câu hỏi về điều gì? “Đại đức đã thấy khi nào?” là câu hỏi về điều gì? “Đại đức đã thấy ở đâu?” là câu hỏi về điều gì?

[1119] Đại đức đã thấy gì? là câu hỏi về sự việc, là câu hỏi về sự hư hỏng, là câu hỏi về tội vi phạm, là câu hỏi về sự vi phạm.

Câu hỏi về sự việc: là câu hỏi về sự việc của tám điều pārājika, là câu hỏi về sự việc của hai mươi ba điều saṅghādisesa, là câu hỏi về sự việc của hai điều aniyata, là câu hỏi về sự việc của bốn mươi hai điều nissaggiya, là câu hỏi về sự việc của một trăm tám mươi tám điều pācittiya, là câu hỏi về sự việc của mười hai điều pāṭidesanīya, là câu hỏi về sự việc của các điều dukkaṭa, là câu hỏi về sự việc của các điều dubbhāsita.

Câu hỏi về sự hư hỏng: là câu hỏi về sự hư hỏng về giới, là câu hỏi về sự hư hỏng về hạnh kiểm, là câu hỏi về sự hư hỏng về tri kiến, là câu hỏi về sự hư hỏng về nuôi mạng.

Câu hỏi về tội vi phạm: là câu hỏi về tội pārājika, là câu hỏi về tội saṅghādisesa, là câu hỏi về tội aniyata, là câu hỏi về tội nissaggiya, là câu hỏi về tội pācittiya, là câu hỏi về tội pāṭidesanīya, là câu hỏi về tội dukkaṭa, là câu hỏi về tội dubbhāsita.

Câu hỏi về sự vi phạm: là câu hỏi về sự kết hợp chung lại của hai người.

[1120] Đại đức đã thấy thế nào? là câu hỏi về đặc điểm, là câu hỏi về tư thế, là câu hỏi về sự biểu hiện, là câu hỏi về sự thay đổi.

Câu hỏi về đặc điểm: là cao, hay là thấp, hay là đen, hay là trắng.

Câu hỏi về tư thế: là đang đi, hay đang đứng, hay đang ngồi, hay đang nằm.

Câu hỏi về sự biểu hiện: là hình tướng tại gia, hay là hình tướng ngoại đạo, hay là hình tướng xuất gia.

Câu hỏi về sự thay đổi: là đang đi, hay đang đứng, hay đang ngồi, hay đang nằm.

[1121] Đại đức đã thấy khi nào? là câu hỏi về thời gian, là câu hỏi về thời điểm, là câu hỏi về ngày, là câu hỏi về mùa tiết.

Câu hỏi về thời gian: là vào lúc sáng sớm, hay là lúc nửa ngày, hay là lúc chiều tối.

Câu hỏi về thời điểm: là vào thời điểm sáng sớm, hay là thời điểm nửa ngày, hay là thời điểm chiều tối.

Câu hỏi về ngày: là trước bữa ăn, hay là sau bữa ăn, hay là ban đêm, hay là ban ngày, hay là nửa tháng sau, hay là nửa tháng trước.

Câu hỏi về mùa tiết: là trong mùa lạnh, hay là trong mùa nóng, hay là trong mùa mưa.

[1122] Đại đức đã thấy ở đâu? là câu hỏi về nơi chốn, là câu hỏi về địa thế, là câu hỏi về không gian, là câu hỏi về khu vực.

Câu hỏi về nơi chốn: là trên nền đất, hay là trong lòng đất, hay là ở bề mặt trái đất, hay là ở trên đất liền.

Câu hỏi về địa thế: là ở trên đất bằng, hay là trên sườn núi, hay là trên tảng đá, hay là trong tòa lâu đài.

Câu hỏi về không gian: là khoảng không gian phía đông, hay là khoảng không gian phía tây, hay là khoảng không gian phía bắc, hay là khoảng không gian phía nam.

Câu hỏi về khu vực: là khu vực phương đông, hay là khu vực phương tây, hay là khu vực phương bắc, hay là khu vực phương nam.

Dứt Chương Xung Đột Lớn.

Tóm lược chương này:

[1123]

Sự việc, và duyên khởi,
biểu hiện, việc trước sau,
đã làm hoặc chưa làm,
hành sự, sự tranh tụng,
dàn xếp, bị chi phối
bởi ưa thích, sân hận,
si mê, và sợ hãi.
biết rõ, và dập tắt,
xem xét, được tin tưởng,
ta đã có đồ chúng,
nghe nhiều, thâm niên hơn
chưa thành tựu, thành tựu,
theo Pháp, và theo Luật,
lời dạy bậc Đạo Sư,
là phần làm hiểu rõ
về chương Xung Đột Lớn.

*******