Skip directly to content

BÀI TRỪ TỆ NẠN CỜ BẠC, SỐ ĐỀ, XÂY DỰNG CUỘC SỐNG MỚI

Những người được học đạo đức nhân bản - nhân quả, có trí tuệ biết thương mình, thương người, không làm khổ mình, không làm khổ người, mới không mắc dính vào trò chơi đánh cờ, đánh bài ăn tiền này. Còn thì đại đa số những người trên trái đất này, có máu đam mê cờ bạc đều bị đắm nhiễm.

Biết chỗ tâm tham tiền bạc của con người và đồng tiền là mạch sống, mà ai cũng phải có, với lòng tham không đáy của con người, khi có một lại muốn có mười, có trăm, có nghìn, có vạn, v.v... do những chỗ yếu điểm này, mà các nhà kinh doanh đồng tiền từ cổ xưa cho tới nay đã nghĩ ra các trò ăn tiền này, và nó cứ phát triển lớn mạnh lên theo sự tiến hóa của loài người.

Chúng tôi xin đơn cử nêu ra một số trò chơi ăn tiền như là: trò chơi cờ tướng, trò chơi cờ vua, trò chơi cờ người, trò chơi cờ thế, v.v... Về trò chơi đánh bài có: trò chơi tổ tôm, trò chơi đánh chắn, trò chơi đánh xóc đĩa, trò chơi đánh tam cúc, trò chơi đánh ba cây, trò chơi đánh tá lả, trò chơi đánh đầu đít, xổ số, xổ số điện tử, bao lô và số đề, v.v... Về hai con vật giao đấu với nhau như: chọi gà, chọi chim, chọi cá, chọi dế v.v... và trò chơi cá cược trong trận giao đấu thể thao, nhất là những trận giao đấu tranh giải quốc tế như bóng đá. Những trò chơi ăn tiền bằng nhiều cách như vậy đang thịnh hành ở nước ta, và đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Chưa nói đến các nước khác trên thế giới này, thì còn có biết bao nhiêu trò chơi ăn tiền khác nữa.

Những trò chơi ăn tiền nhiều và đa dạng như vậy, cho nên người đời ghép lại gọi chung là “cờ bạc”.

Người ham mê cờ bạc thân thường trộm cắp, lừa đảo, gian lận, lời nói thô thiển, tục tĩu, cọc cằn, lật lọng, việc có nói không việc không nói có. Ý nghĩ thì thâm hiểm, thường nghĩ ra mưu kế sâu hiểm để lừa đảo mọi người, giành phần thắng về mình, tâm địa độc ác, giết người không gớm tay.

Tệ nạn cờ bạc đang là một nỗi lo lắng cho tất cả mọi người có lương tri, không riêng gì cho các nhà lãnh đạo đất nước.

Nó đang lan tràn khắp mọi miền đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, tận trong hang cùng ngõ hẻm.

Cờ bạc đã, đang và sẽ lan tràn vào từng hộ gia đình. Có những gia đình cả ba thế hệ (ông bà, cha mẹ và con cái) đều đánh cờ bạc bằng hình thức này, hay hình thức khác. Có gia đình không bố mẹ, thì các con đều tham gia chơi cờ bạc.

Cờ bạc trên các quán nước, các nhà hàng, người ta chơi xóc đĩa, người ta bày những bàn cờ trên vỉa hè, trên ngã ba, ngã bảy.

Cờ bạc lan tràn vào các trường học, nơi công sở, nhà máy, xí nghiệp và các lực lượng vũ trang.

Cờ bạc ở đâu cũng thấy diễn ra, không hình thức này thì hình thức khác. Trên đoàn tàu hoả Thống Nhất xuyên Bắc Nam, các nhân viên ở đây cũng đánh bạc suốt đêm.

Một lần đi trên tàu chúng tôi đã từng chứng kiến các nhân viên này ngồi chơi trò tá lả.

Thưa các bạn! Ai mà chẳng biết cờ bạc không hình thức này, thì hình thức khác.

Trong cuộc đời mình có ai chẳng từng chứng kiến những người chuyên cờ bạc có làm giàu, làm có bao giờ không? Có ai chuyên cờ bạc mà được mọi người tôn trọng và kính nể không? Hay bị mọi người khinh bỉ và xa lánh và gọi bằng cái tên “kẻ cờ bạc”.

Đất nước mất trật tự an ninh cũng từ tệ nạn này, nhiều thói hư tật xấu của con người cũng từ cờ bạc. Cướp của giết người cũng từ cờ bạc. Ăn trộm, ăn cắp cũng từ cờ bạc, v.v...

Đạo đức làm người không còn, luân thường đạo lý làm người không có. Một khi đã ngồi vào sòng bạc thì tình cha con, anh em không còn nữa, “ngoài anh em, trong cờ bạc”.

Chúng tôi xin nêu ra một mẩu chuyện để chứng minh cho lời nói trên: “Ở phố Đội Cấn, phường Cống Vị, Hà Nội ai chẳng biết ông Q., vì ông là tay nổi tiếng là người chơi cờ bạc. Một lần ông ngồi chơi xóc đĩa, có cậu con trai ngồi bên cạnh. Khi chủ xóc đĩa xong, cậu con trai bảo ông đặt tiền vào cửa cậu ta chỉ.

Ông ta không nghe, khi chủ cái mở bát thì đúng cửa cậu ta chỉ và ông ta thì thua.

Cậu con trai tức giận và chửi ông: “Đ... mẹ bảo đặt cửa này lại không nghe”. Các bạn có nghe thấy chăng? Chỗ cờ bạc cha con đối xử nhau đâu còn đạo lý tình nghĩa gì. Phải không hỡi các bạn? Tan cửa nát nhà, con cái hư hỏng cũng vì cờ bạc.

Chúng tôi lại xin nêu ra mẩu chuyện thứ hai để các bạn suy ngẫm, xem một gia đình này có cửa tan nhà nát hay không nhé! “Chúng tôi được biết ông S. ở phố Trần Nhân Tông, Hà Nội qua một người bạn. Ông S hiện đang công tác tại bộ N, và được cử đi công tác tại nước ngoài, thường bớt chi tiêu, giành giụm tiền bạc gửi về cho vợ và các con.

Nhờ số tiền đó, vợ ông lo cho con cái ăn học đỡ vất vả.

Bà vợ ông là một cán bộ y tế, đang công tác tại một bệnh viện. Tính bà rất ham mê cờ bạc, sẵn tiền ông gửi về bà lao vào số đề, bao lô, xổ số. Ngoài việc ở cơ quan ra, bà quên đi tất cả mọi việc, lao vào cờ bạc, quên luôn cả trách nhiệm làm mẹ, là phải thay chồng đi vắng nuôi dạy con cái. Đứa con gái lớn của bà không ai kiềm chế học hành, nên ăn chơi quá trớn, xa đà theo đám bạn bè hư thân mất nết, trở thành cô gái nhảy mãi dâm với người nước ngoài. Khi bà biết thì ôi thôi, chuyện đã rồi! Mấy năm công tác ở nước ngoài, nay ông S. trở về thấy cảnh vợ con như thế, cửa nhà xơ xác chẳng còn gì, chỉ còn là một căn nhà trống rỗng, lạnh lẽo, đầy khổ đau, bi đát của sự khốn cùng...” Thưa các bạn, các bạn thử hình dung xem tâm trạng của ông S lúc đó, có giống tâm trạng nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du chăng? “Cờ bạc là bác thằng bần Cửa nhà bán hết cho chân vào cùm” Câu ca dao này được truyền tụng từ ngàn xưa, từ thế hệ này đến thế hệ khác, nó được lưu truyền trong dân gian, để răn nhắc những người ham mê cờ bạc, đừng có lao sâu vào con đường cờ bạc đỏ đen, thì không sao tránh khỏi vong gia bại sản và tù tội.

Ai cũng biết cờ bạc là tai họa cho mình, thế nhưng một khi cờ bạc ngấm sâu vào máu thịt, nó kích thích tâm tham lam thèm khát, nghiện ngập như là nghiện rượu, nghiện thuốc lá, thuốc lào, thuốc phiện... không làm sao bỏ được.

Thưa các bạn! Các bạn đã chứng kiến, dù chỉ là một lần người chơi cờ bạc mà lâm vào cảnh như câu ca dao trên mà chúng tôi đã nói, thì các bạn có còn tham đắm cờ bạc nữa không? Hay mặc kệ...

Chúng tôi xin nêu ra mẩu chuyện thứ ba này nữa, để các bạn suy ngẫm tai hại lớn lao của việc mê cờ bạc: “Ở phố Trần Cao Vân, độc nhất có một ngôi nhà cao bốn tầng, nằm trong khu vực buôn bán lớn thứ hai, sau chợ Đồng Xuân, Hà Nội.

Đó là ngôi nhà của gia đình chú M., chú làm việc trong một công ty kinh doanh mà ai ở phố này cũng biết, vợ chú buôn bán tại nhà, gia đình kinh tế khá giả do tài buôn bán của vợ chú. Thấy làm ăn buôn bán của vợ kiếm tiền bạc dễ dàng và chóng làm nên, nên chú xin thôi việc ở công ty kinh doanh, về cùng buôn bán với vợ.

Mấy năm làm ăn buôn bán, gia đình chú trở nên giàu có, chú dùng đồ đạc trong nhà đều là đồ tốt, đồ “xịn”: xe gắn máy loại đắt tiền, đồng hồ Rađô Thụy Sĩ thời thượng, hút thuốc lá ba số năm, Dul Hil. Ai mời chú thuốc khác, chú bảo không hút được vì ho.

Còn vợ chú thì ăn mặc sang trọng như các bà quí phái, phấn son trang điểm cầu kỳ, mỗi khi đi đâu thì xe đưa, xe đón.

Thế rồi bặt đi một vài năm, không thấy chú đến chơi. Hôm nay thấy chú đi chiếc xe Sim Sơn của Đức sản xuất, quần áo mặc xuềnh xoàng, đầu đội mũ mềm, không còn chải chuốt nữa. Chú ghé vô thăm và nói chúng tôi biết: Hiện giờ chú không còn ở phố Trần Cao Vân nữa, mà chuyển xuống ở Thanh Nhàn và chuyển sang làm nghề xe ôm đưa đón khách, để sinh sống và nuôi các cháu. Số nhà không cho biết (chú có ý dấu).

Còn vợ chú sau khi chuyển xuống Thanh Nhàn không còn nghề buôn bán nữa, và đã chuyển sang làm nghề quốc cấm. Đó là nghề buôn bán và tiêm chích xì ke, ma túy, thuốc phiện, nên bị công an bắt và đang ở trong tù.

Nói tới đây thì có một ông khách đến thăm chúng tôi, sau khi chào hỏi nhau, chúng tôi cùng ngồi. Ông khách chìa bao thuốc lá Điện Biên đầu lọc mời chú, chú cầm một điếu trên tay, đầu cúi gục, còn tay kia cầm vành mũ kéo che mắt, vì những giọt nước mắt đang thấm ướt hàng mi...” “Lô đề ra đê mà ở”, đây là trò chơi cờ bạc đang diễn ra hàng ngày cùng với xổ số, nó chỉ nghỉ ba ngày Tết Nguyên Đán trong năm. Cờ bạc đang là tệ nạn nhức nhối trong cả nước, từ thành phố đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ người già đến các cháu nhỏ, khi biết tiêu tiền đều ham thích, đắm nhiễm. Khi đã dính mắc vào thì rất khó bỏ, vì tính hấp dẫn và lôi cuốn của cờ bạc đối với những ai có máu tham tiền, vì bỏ 1000đ được 70.000đ (số đề), bỏ 1000đ được 80.000đ (bao lô).

Ngoài ra, các nhà kinh doanh đồng tiền còn nghĩ ra những câu ca dao để kích động lòng tham lam cờ bạc của con người như:

“sáng gieo, chiều gặt”, v.v...

Thấy sự nguy cơ của tệ nạn cờ bạc, xổ số, lô đề này đang là một tác hại không nhỏ, ngày một gia tăng và đây cũng là những đầu mối của những tội ác sẽ phát sinh, đưa con người ham mê lô đề, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, cùng cực khổ đau... Cho nên, người có lương tri đã kịp thời ngăn ngừa, răn nhắc những người ham mê lô đề, nên tỉnh thức và bình tâm trở lại, bằng câu ca dao của thời hiện đại mà chúng tôi đã nói ở trên.

Thưa các bạn! Chúng tôi xin hỏi: “Trong đời mình, ai đã từng chứng kiến những người chơi lô đề, có ai làm giàu được không? Và có ai chơi lô đề phải ra đê ở chưa?” Chúng tôi xin kể ra câu chuyện thứ tư này, để các bạn suy ngẫm về việc chơi lô đề. Nếu cứ tiếp tục không biết dừng lại thì tương lai sẽ ra sao? Còn bây giờ, dừng lại thì chưa muộn các bạn ạ! “Chúng tôi có cháu gái, con ông anh, cháu lấy chồng ở gần chợ Mơ cuối phố Bạch Mai, Hà Nội. Hai vợ chồng cùng làm một xí nghiệp thuộc cục Nông Nghiệp, Hà Nội. Hai vợ chồng rất tâm đầu ý hợp, chịu khó làm ăn. Nhưng cũng rất ý hợp, tâm đầu về vấn đề cờ bạc, xổ số và lô đề. Mới đầu chỉ là chơi cho vui, sau thấy có lợi được, sinh ra ham, có lúc lại thua, sinh ra gỡ lại, và cứ tiếp tục như vậy theo ngày tháng trôi đi. Lúc đầu còn có tiền, rồi cái máu lô đề nó ngấm vào người lúc nào không biết, hết tiền thì đi vay để đánh, lúc được, lúc thua, cái bóng dáng của lô đề nó hiện, nó ẩn như ma quỉ...

Ngày qua, tháng lại nối tiếp nhau, rồi một hôm, bỗng chủ nợ xuất hiện và đưa ra số ghi nợ 5, 7 chục triệu đồng. Vợ chồng bàn nhau chỉ còn cách bán nhà để trả nợ. Và thế ngôi nhà được bán đi trả nợ. Khi trả xong nợ, số tiền còn lại cũng chỉ đủ thuê một chỗ ở trong ngõ cho bốn người. Còn chút ít, cháu làm vốn chạy chợ để nuôi sống bốn người qua ngày.

Cháu gái lớn con cháu đang tuổi đi học, còn nhỏ cũng phải thôi học để phụ giúp cho mẹ.

Cả hai vợ chồng đã không còn làm ở xí nghiệp nữa, chồng thất nghiệp, con thôi học.

Cả nhà chỉ trông vào tài xoay sở của cháu, buôn bán gì cho lại, những gì có đã làm mất đi, do ham mê lô đề. Trong lúc đạo đức con người đang xuống cấp, coi thương trường như chiến trường, giành giật đánh chửi nhau vì miếng cơm manh áo”.

Nếu vợ chồng cháu không biết dừng lại, mà còn máu mê cờ bạc lô đề, và những người ham mê còn gia tăng mỗi ngày... thì sẽ nát cửa tan nhà, đất nước bất an.

Nhà nước không có biện pháp nghiêm cấm lô đề như nghiêm cấm đốt pháo, thì đoạn đê từ cầu Thăng Long đến bến phà Khuyến Lương dài tới 20 cây số đang chờ đón... và những con đê trong cả nước sẽ chờ đón họ.

Phải không thưa các bạn? Sự mê tín nảy sinh do những con bạc và chủ đề không phải là ít. Có con bạc nào lại không đến đền nọ, miếu kia để cầu Thần, Thánh, Trời, Phật phù hộ cho trúng lô đề, trúng xổ số, dù chỉ là một lần thôi. Có chủ đề nào không đến đền nọ, miếu kia, chùa nọ, tháp kia, tháp nọ để cầu cho bản lô đề của mình ngày nào cũng trắng không? Dù chỉ là một lần? Không, các bạn ạ! Họ không chỉ một lần mà nhiều lần. Phường, xã nào trong cả nước chẳng có một vài chủ đề.

Hàng tháng cứ vào ngày mùng 1 và ngày 15 Âm lịch, họ sắm sửa lễ vật đi đến đèn kia miếu nọ, chùa nọ tháp kia để cầu Thần, cầu Thánh, cầu Trời, cầu Phật. Nhìn vào họ ai mà chẳng biết. Còn con bạc thì khỏi nói.

“Có một lần chúng tôi đến chùa Quang Hoa ở tỉnh Bắc Giang, gặp sư bà trụ trì ở đây đang gieo hai đồng tiền (xin quẻ âm dương).

Thấy chúng tôi là khách, sư bà không có ý dấu diếm. Nhìn vào cách làm của sư bà thuần thục và điêu luyện, tay trái cầm chiếc đĩa, còn tay phải, hai ngón tay được đặt lên hai đồng tiền cổ. Khi hai đồng tiền được tung lên, nó bay lượn múa may rồi rơi xuống đĩa, một đồng ngửa, một đồng xấp, cộng theo tiếng à của những người xung quanh sư bà B.

Sư bà phán: như thế này nhất âm, nhất dương, một lần xin được ngay. Các Ngài đã cho số.. cứ thế về mà đánh, hôm nay trắc là trúng rồi.

Chúng tôi biết rằng: việc xin âm dương này thường diễn ra hàng ngày. Ở đây, người đến xin đều là những con bạc lô đề, xổ số. Có một người ở cạnh chùa nói nhỏ với chúng tôi như vậy”.

Thưa các bạn! Đây là mẩu chuyện thứ năm, chúng tôi xin kể ra để các bạn suy ngẫm về sự mê tín trong cờ bạc. Nếu các bạn muốn chứng kiến cho tường tận, ở miền Bắc vào dịp đầu năm và các ngày mùng 1, 15 Âm lịch hàng tháng. Mời các bạn về thăm đền Bà Chúa Kho ở tỉnh Bắc Ninh. Bà Chúa Xứ ở tỉnh An Giang Châu Đốc và Bà Đen ở tỉnh Tây Ninh miền Nam, thì các bạn sẽ rõ sự mê tín vì cờ bạc làm hao tiền tốn của của đồng bào dân chúng quá lớn, nếu tính ra có đến hàng tỷ tỷ bạc hằng năm.

Cờ bạc mê tín không những chỉ diễn ra ở trò chơi như chúng tôi nêu ở trên, mà nó còn diễn ra trong các cuộc thi đấu thể thao, nó không chỉ lan tràn ở trong nước mà còn lan tràn khắp thế giới, tính sát phạt lẫn nhau thật to lớn và tàn bạo.

Nhất là trong các cuộc thi đấu bóng đá tranh cúp thế giới. Mỗi lần cá cược trong mỗi trận chung kết là một chiếc xe gắn máy Dream, hoặc vài ba, bốn chục triệu là chuyện bình thường. Còn ở nước ngoài thì con số cá cược không thể tính được.

Trước khi vào cuộc cá cược, các con bạc này cũng rất mê tín, họ đến các chùa đền, miếu, đình thắp nhang, đặt lễ vật rất cung kính, cầu Thần, Thánh, Trời, Phật phù hộ cho họ thắng cuộc.

Thưa các bạn! Các bạn đã có một lần chứng kiến cảnh này chưa? Chúng tôi xin nêu ra một mẩu chuyện cờ bạc cá cược trong thể thao, trong thi đấu tranh giải thế giới. Đây là câu chuyện thứ sáu để các bạn suy ngẫm và thấy cờ bạc là tệ nạn, nó không chỉ dừng ở xổ số, lô đề, mà nó còn lan tràn trong mọi lĩnh vực.

“Cháu T. nhà ở phố Khâm Thiên, Hà Nội, là con trai út của ông anh chúng tôi. Thấy cháu đi bộ đến thăm, dáng vẻ mệt mỏi và căng thẳng, chúng tôi ngạc nhiên hỏi: Xe đâu mà cháu đi bộ? Cháu chỉ cười, không trả lời và bước vào nhà. Chúng tôi mời cháu ngồi, nhưng cháu không ngồi, chỉ lẳng lặng đi đến bàn thờ Phật, rất cung kính rút ba nén nhang, châm lửa cắm vào bát nhang, rồi hai tay cháu chắp trước ngực xá lạy ba lần, rồi cầu nguyện chư Phật, Thần, Thánh, Trời phù hộ gì đó một hồi lâu, xong xá lạy lui ra. Ở chơi một lúc lâu, nhưng không thấy nói gì cả.

Thấy tâm trạng lạ lùng và bất an như vậy, nên chúng tôi cũng không hỏi. Sau đó, cháu chào chúng tôi ra về. Nhưng đêm đó cháu không về nhà. Sáng hôm sau, cả nhà phân công nhau đi tìm các nơi mà cháu hay đến.

Chúng tôi trả lời: “Ba giờ chiều hôm qua cháu có đến đây”, và kể lại cho mẹ cháu nghe những sự việc xảy ra như đã nói ở trên. Mẹ cháu đã bớt lo lắng, nhưng sự buồn rầu thì không thay đổi.

Sau khi uống một ngụm nước, mẹ cháu hỏi chúng tôi: “Chú có xem trận bóng đá trên truyền hình hôm qua không?” Chúng tôi trả lời: “Không, vì hôm qua bận nhiều công việc”.

Mẹ cháu nói: “Cứ mỗi lần có đá bóng nó lại xin tiền, khi thì vay tiền người này, người khác, rồi mang xe đi cờ bạc, cá cược. Đã 5, 7 lần rồi, tôi đều phải đi chuộc lại, ít nhất cũng 5 triệu, có lần cả chục triệu. Lần này thì chắc là chiếc xe Dream mất hẳn. Nói đến đây, như không còn kìm giữ được nữa, mẹ cháu đã khóc, những giọt nước mắt chạy dài trên má... Chúng tôi chỉ còn biết an ủi: “Thôi sự đã rồi, chị hãy bình tâm trở lại đi”.

Trong cờ bạc, ai là người được và ai là người thua? Đã là chơi cờ bạc thì ai cũng muốn là mình thắng, mình được, chứ chẳng có ai muốn mình thua, mình thất bại cả. Cho nên, người chơi cờ bạc tìm mọi cách, miễn sao mình là người thắng được. Cho dù phải gian lận, dối trá, mê tín, dị đoan đến cỡ nào cũng được. Bởi thế, trong dân gian có câu:

“cờ gian, bạc lận là thế.

Nên các con bạc thường đến đền này, miếu nọ, chùa kia, tháp ấy, để cầu xin, để cúng bái lễ lạy, để bói toán, xóc thẻ, xin âm dương (gieo tiền), xem ngày giờ tốt để đi đánh bạc, bói bài tây, bói Kiều. Người có học hành thì xem kinh dịch, v.v... cầu Thần, Thánh, Trời, Phật để cho họ chúng xổ số, lô đề, v.v...

Mỗi một con bạc thường đánh cờ bạc riêng theo ý thích, theo tính toán riêng, theo kinh nghiệm lâu năm. Cờ bạc và sự bền chí, mà ít có con bạc nào theo được.

“Ở gần nhà chúng tôi, có ông S., ông là một người sành cờ bạc, tổ tôm, chắn cạ, v.v...

ông đều biết. Nhưng xổ số, số đề thì ông thích chơi hơn. Từ khi có xổ số, số đề, tính đến nay có mấy chục năm, gần như nửa cuộc đời ông gắn liền với nó. Ông đã nghĩ ra những cách đánh số đề độc đáo, và sự bền chí của ông thì các con bạc khác không theo được, chỉ còn biết thán phục.

Ông có cách chơi số đề 10 số, trong 10 số đó ông tính toán số đầu có số từ không đến chín; số đuôi từ số chín lùi đến số 0. Trong 10 số thì có một số ông gọi là “chung thân”, chơi đến khi nào ra số đó thì ông thay số khác, và số tiền ông tăng dần lên theo số ngày đánh số đó.

Ví dụ: ông đánh số chung thân là 28, ngày đầu là 1000đ, ngày hôm sau ông tăng lên 2000đ, cứ như thế ông tăng lên cho đến khi nào ra số 28 thì ông thay số khác. Còn chín số kia ra ông thay số khác vào, ông gọi là:

“lấy ngắn nuôi dài”.

Với cách chơi số đề như vậy, nên vật chất tiện nghi trong nhà một ngày nhiều lên, ông dùng toàn đồ “xịn”... Ông đã là một con bạc vang bóng một thời, các chủ đề nhìn thấy ông đều phải kiêng nể. Nhiều khi ông ra ghi số đề, các chủ đề chỉ ghi cho ông số tiền giới hạn, không dám ghi phóng tay.

Có ước vọng sẽ mua một chiếc Dream mới, ông sẽ đi đến tất cả nhưng nơi ông đã ở và đã đi qua trong khắp các miền của đất nước, thăm bạn bè và những nơi danh lam thắng cảnh.

Với tâm trạng hồ hởi phấn chấn, ông S.

bước vào trận. Ông thay mười con số mới, con số “chung thân” mới sẽ là con số giúp ông thực hiện được ước vọng.

Ngày tháng cứ qua đi, đã qua một năm, chín con số “lấy ngắn nuôi dài” của ông đã thay thế nhiều lần, mà con số “chung thân” của ông nó chưa ra, ông không nản. Rồi năm thứ hai cũng qua đi. Đã sang năm thứ ba, con số “chung thân” vẫn chưa ra, các con số lấy “ngắn nuôi dài” của ông nó cũng ra thưa dần.

Những chiếc nhẫn trên ngón tay của ông nó cũng rời khỏi, các đồ đạc trong nhà cũng bớt đi...

Có những hôm mà con số “chung thân” của ông, chủ đề đã ghi lên đến 100.000đ và ông cứ ghi lúc lên, lúc xuống như vậy không nản chí.

Thấy ông S. quá ham mê, ngày một lao sâu, đã có người bạn thân tình nhắc khéo. Cứ cái đà này con số “chung thân” của ông còn lâu mới ra, đây chắc phải có “tiền tấn”.

Nhưng ông đâu có nghe, và đã gần hết năm thứ ba, chỉ còn một tháng là đến Tết cổ truyền, mà con số “chung thân” cuả ông vẫn biệt tăm. Ông S. hoàn toàn hoang mang, không còn đủ sức, đủ lực để theo con số “chung thân”.

Tết cổ truyền qua đi đã một tháng, và ông cũng từ biệt con số “chung thân” hơn hai tháng. Hôm nay bước sang năm thứ tư, chủ đề báo tin con số “chung thân” của ông hôm nay đã ra, mời ông ra lấy tiền (chế diễu).

Ông S. trong lòng uất hận, nuối tiếc những tháng năm vàng son đã trải qua nửa cuộc đời lao vào cờ bạc, xổ số và số đề. Hôm nay gần hết cuộc đời, đang là những chuỗi ngày còn lại dài âm u...” Thưa các bạn! Chúng tôi kể về mẩu chuyện thứ bảy này, để các bạn thấu rõ khi đánh cờ bạc, thì ai là người được và ai là người thua? Những người cờ bạc là những người bị kẻ khác lừa đảo, chứ không bao giờ người cờ bạc lừa được ai hết, người cờ bạc là người ngu nhất.

Người được 100% trong các canh bạc, bao giờ cũng là các “sòng bạc”, các “chủ chứa” và “chủ đề, chủ lô”, v.v... Còn các con bạc bao giờ cũng là kẻ thua, kẻ thất bại. Cho nên “cờ bạc là bác thằng bần”, Phải không hỡi các bạn? Người ham mê cờ bạc, xổ số, số đề, bao lô, v.v... là những người không biết sống đạo đức làm người, nên đức thương mình với những người cờ bạc thì không bao giờ có. Nên họ nói thương họ mà kỳ thực họ chẳng thương họ chút nào.

Thương mình sao lại đi vào những sòng bạc, chủ chứa, để rồi lúc nào tâm trạng cũng nơm nớp, lo sợ bị công an bắt.

Thương mình sao lại đi vào các sòng bạc, chủ chứa, để họ cầm tiền bạc của mình. Còn nếu được bạc, trong người cầm vài chục triệu đồng, thì lúc nào cũng ở trong tâm trạng phải đề phòng, có khi mất mạng.

Thương mình sao lại vào các sòng bạc, chủ chứa, để đầy đọa tấm thân, thức thâu đêm suốt sáng, ăn uống thất thường, tiêu hủy trí tuệ, tiêu hủy thời gian, để rồi chuốc tai họa vào thân, “tiền mất tật mang”.

Những người chưa thương mình mà bảo thương người khác, thì đó là một điều phi lí, làm sao tin được. Phải không hỡi các bạn? Người ham mê cờ bạc là người chuyên làm khổ mình, khổ người, “máu tham khi thấy hơi đồng là mê (truyện Kiều). Chỉ vì máu mê cờ bạc, tham lam trong phút chốc mà sản nghiệp của ông cha để lại, tiền bạc, của cải của mình làm ra bằng mồ hôi nước mắt khó khổ tan tành theo mây khói vào tay người khác. Trở về với hai bàn tay trắng, biến mình thành kẻ bụi đời gian dối, lừa đảo, bịp bợm, lưu manh, trộm cắp cướp giật.

“Cờ gian bạc lận”, lấy của cải tiền bạc sản nghiệp của người ta bằng mọi thủ đoạn đê tiện. Khiến cho gia đình người ta lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, con cái người ta đói khổ phải bỏ cả học hành.

Hôm nay thắng bạc, lấy của cải tiền bạc của người ta, gây ra tai họa cho người. Và như vậy là hành hạ làm khổ người. Rồi đây ngày mai sẽ có người khác lấy của cải tiền bạc, gây ra tai họa hành hạ mình, làm khổ mình, chứ không bao giờ tránh khỏi.

Luật nhân quả công bằng và công lý, dù cho trốn tránh nơi đâu, dù cho lấy cái chết để chạy trốn cũng không thể thoát được.

Chúng ta không thể lấy một nền kinh tế vay mượn, chắp vá, không có nhân bản như xổ số, số đề hiện đang có trên các thành phố, các tỉnh trong toàn quốc. Xổ số, số đề chỉ là một trò chơi lấy túi nọ bỏ túi kia mà thôi.

Các tệ nạn cờ bạc, cá cược, xổ số, số đề trong xã hội mà chúng tôi đã nêu ở trên, sẽ nảy sinh ra các tệ nạn khác như: trộm cắp, cướp của giết người, hoặc những tệ nạn khác nữa như: rượu chè, thuốc lá, thuốc lào, xì ke, ma túy, mãi dâm, du côn, du đãng làm mất trật tự an ninh trong xã hội.

Chúng tôi kiến nghị với Nhà nước, cần kiên quyết dẹp bỏ những gì là nơi phát sinh ra tội phạm, dù có lợi cũng cần dẹp bỏ, như chúng ta đã dẹp bỏ tệ nạn đốt pháo.