THAM TIỀN BẠC VÀ VẬT CHẤT
Tiền bạc và vật chất là cuộc sống của con người. Có người bảo rằng: “Tiền bạc là huyết mạch của con người”. Lời nói này không sai, nhưng tiền bạc phải làm ra bằng mồ hôi nước mắt của mình, bằng trí óc, bằng sức lao động, thì tiền bạc ấy mới xứng đáng là huyết quản trong cơ thể chúng ta.
Còn tiền bạc làm bằng những thủ đoạn gian xảo, lừa đảo, ăn đút lót, bắt chẹt sức lao động của người khác, cân non, đo thiếu, lường lận, v.v... để có nhiều tiền bạc, để cho cuộc sống của mình trở thành đế vương trên mồ hôi nước mắt và sức lao động của mọi người, thì tiền bạc và vật chất đó sẽ làm hại mình và không biết bao nhiêu tai hoạ sẽ đến với mình mà không ngờ và không đề phòng được.
Dù tham tiền bạc bằng sức lao động của mình, nhưng cũng vẫn phải làm khổ mình rất nhiều, cần nên phải lưu ý: Vốn lòng tham không đáy, do đó tiền bạc có biết bao nhiêu cho vừa, cho đủ. Vì chưa biết đủ, nên phải cố gắng đem hết sức lao động bằng trí óc hoặc bằng chân tay ra làm. Do tham tiền bạc nên đã tự làm khổ mình mà không biết. Tham tiền bạc này không xấu, nhưng phải biết dừng, không biết dừng thì chúng ta trở thành tên nô lệ cho tiền bạc.
Còn tham tiền bạc do mánh khoé thủ đoạn gian xảo, lừa đảo, trôm cắp, cướp giật, ăn đút lót, bóc lột sức lao động, v.v... là đáng lên án. Tham tiền bạc theo kiểu này là làm hại mình rất lớn.
Ví dụ: Minh Phụng, Trần Đàm, Năm Cam... đều do tham tiền bạc, dùng đủ loại mánh khóe thủ đoạn để cướp của nhà nước, của nhân dân và giết người bịt đầu mối, nên bị tù tội chung thân, án tử hình. Tham tiền bạc như vậy đưa đến những tai hại rất lớn cho đời sống của mình, của gia đình và cả xã hội đất nước.
Một người lính cảnh sát kinh tế bị móc ngoặc hoặc ăn đút lót hối lộ, cho hàng lậu thuế vào trong nước, gây nên kinh tế đất nước bị xáo trộn. Nếu ăn đút lót hối lộ cho thuốc phiện, xì ke ma túy vào trong nước thì gây tác hại cho thanh niên, thiếu niên. Đó là một tai hại rất lớn cho đất nước. Một đất nước mà thanh niên và thiếu niên nghiện ngập thì tương lai đất nước ấy không còn sáng tỏ. Đó là do tham tiền mà tạo ra sự khổ cho nhiều người, nhiều gia đình. Nếu sau này bị phát giác ra được thì phải tù tội chung thân, mang án tử hình không thể tránh khỏi.
Một cảnh sát giao thông ăn đút lót hối lộ để người lái xe phạm luật đi đường, gây tai nạn giao thông, có khi mình chết người khác chết; có khi bị thương trở thành người tàn tật và tài sản bị hư hao nặng, khiến cho nhiều người khổ đau.
Người cảnh sát hải quan ăn đút lót hối lộ cho nhập vào những văn hóa phẩm đồi trụy, sách vở phim ảnh khiêu dâm đã gây ảnh hưởng không tốt cho tuổi trẻ, làm thanh thiếu niên hư hỏng, trụy lạc, khiến cho nền đạo đức quê hương lần lần thoái hóa. Đó là một tai hại rất lớn cho đất nước, mà người cảnh sát tham tiền bạc đã gây tạo nên những sự xấu xa cho quê hương, Tổ quốc.
Những người cảnh sát này sau khi bị cấp trên phát hiện sự ăn hối lộ như vậy, thì họ đồng rủ nhau đi ở tù. Những hành động làm sai này khiến tâm hồn của những người cảnh sát luôn luôn sống trong lo sợ phập phồng.
Chính tâm hồn lo lắng, sợ sệt là nỗi khổ đau.
Cho nên, tham tiền bạc là một hành động làm hại mình.
Tham tiền bằng cách lừa đảo người, cân non đo thiếu, đồ tốt tráo đồ xấu. Đó là những hành động làm hại mình mà không biết.
Việc làm non thiếu, tráo trở như vậy làm sao tránh khỏi tai họa cụt tay, cụt chân. Chỉ một tai nạn giao thông xảy ra là có thể thiếu hụt tay chân một cách dễ dàng.
Có khi bệnh tật xảy ra khiến đui mù, hoặc tai điếc làm cho sáu căn không đầy đủ. Người không tật nguyền trở thành người tật nguyền. Đôi khi người tham không xảy những tai họa trên, nhưng lại chính người thân trong gia đình họ như con cái sanh ra tật nguyền, chân dài, chân ngắn, chột mắt, gù lưng... Đó là hành động gian tham tiền bạc mà sảy ra tai họa như vậy.
Từ hành động làm tiền không chân chánh, tưởng có nhiều tiền là hạnh phúc, là trên hết. Nhưng nào ngờ luật nhân quả không tha thứ cho một ai. Làm những điều không phải thì phải gánh lấy sự không hay. Đừng tưởng có tiền là mua Tiên cũng được. Không đâu, có tiền nhiều là có tai họa nhiều. Người xưa có lời khuyên bảo chúng ta: “Tiền bạc là con rắn độc, cần nên tránh xa nó”. Nhưng người đời có mấy ai tránh xa nó đâu. Thấy tiền bạc là lao đầu tới.
Cho nên, tham tiền bạc nhiều là làm hại mình nhiều, làm hại mình nhiều thì cũng làm khổ mình nhiều.
Lòng tham tiền bạc nhiều thúc đẩy chúng ta làm những điều gian xảo bất chánh, khiến tai họa đến làm cho đời sống chúng ta càng khổ nhiều hơn. Tâm hồn lúc nào cũng bất an, vì sợ mọi người biết việc làm bất chánh.
Dù chúng ta tham tiền bạc chân chánh, thì cũng còn phải ra công sức làm việc ngày đêm mới có tiền bạc. Đổi lấy tiền bạc bằng sức lao động cực nhọc như trên chúng tôi đã nói.
Cho nên, càng tham tiền bạc nhiều thì càng phải cực nhọc và lo lắng nhiều.
Vì tham tiền bạc nên tâm trí đâu được nghỉ ngơi, đâu được có những phút giây an lạc thanh thản, vô sự của tâm hồn.
Vì thế, tham tiền bạc là làm hại mình.
Làm hại mình như vậy thì không bao giờ có đức bi tâm.
Tham tiền bằng cách cướp giật của người bằng cờ bạc gian lận. Hàng ngày chúng ta đọc báo chí trong nước, có nhiều băng nhóm cướp giật của người khác, hoặc tổ chức cờ gian, bạc lận hàng tỷ bạc. Nhưng những băng nhóm này có tồn tại mãi đâu. Cuối cùng thì rủ nhau đi ở tù và lãnh án tử hình. Của cải tài sản bị nhà nước tịch thu.
Như vậy tham tiền là làm hại mình. Các bạn có thấy đúng không? Có tiền bạc nhiều ăn ngủ không yên giấc vì lo sợ trộm cướp; có tiền bạc nhiều ăn ngủ không yên giấc vì con cái phá hoại của cải, tài sản; có nhiều tiền bạc thì tâm dục sinh nên ăn chơi, cờ bạc, rượu chè be bét, v.v...
Các bạn suy nghĩ những điều này có đúng không? Có của cải tài sản nhiều cũng là một nỗi khổ, nhưng không có của cải tài sản cũng là một nỗi khổ. Cho nên giàu sang cũng khổ, mà nghèo đói cũng khổ. Đó là một quy luật của cuộc đời, làm người không ai tránh khỏi.
Chỉ có những người biết sống đạo đức nhân bản - nhân quả thì mới thoát ra khỏi quy luật này.
Ở đây chúng tôi nói về lòng tham tiền bạc là làm hại mình, làm khổ mình. Thế mà trong đời có mấy ai hiểu điều này để mà tự ngăn chặn lòng tham tiền bạc, để không làm hại mình. Người hiểu được điều này rất ít, nhưng người làm được điều này lại càng không có.
Bởi khi chúng ta muốn làm một điều gì thì phải cân nhắc kỹ lưỡng, để tránh hậu quả làm khổ mình, làm hại mình. Nhất là về tiền bạc, vì nó là nguyên nhân mang đến cho ta nhiều sự khổ đau.
“Ngày xưa, có một nhà tu hành, khi nhìn thấy vàng bạc châu báu ở dưới một góc ruộng lúa, thì họ vội vàng tránh xa nơi đó. Có người hỏi nhà tu hành:
Sao ông thấy vàng bạc châu báu mà vội vàng rời bỏ nơi đó. Vậy có ý nghĩa gì? Nhà tu hành đáp:
- Đó là loại rắn độc nhất ông ạ!” Chúng ta hãy suy nghĩ lời nói này, tiền bạc càng gần chúng ta thì tai họa và sự khổ đau càng nhiều.
Vì cuộc sống, chúng ta phải cần lao để sống, không nên ăn bám vào người khác, chứ đừng nên tham muốn tiền bạc nhiều, nó sẽ đưa chúng ta vào chỗ làm hại chúng ta, nó sẽ đưa chúng ta vào con đường tội lỗi.
Đạo đức không làm khổ mình không chấp nhận lòng tham muốn tiền bạc. Vì thế, người có đạo đức nhân bản - nhân quả thì phải sống trong đức bi tâm, có sống trong đức bi tâm thì mới không làm hại mình, không tham muốn tiền bạc.
Trong xã hội loài người, lòng ham muốn tiền bạc chắc ai cũng không tránh khỏi, nhưng nếu chúng ta để lòng ham muốn tiền bạc sai bảo chúng ta, thì sẽ có những điều tội lỗi mà chúng ta không thể từ chối được.
Một bác sĩ móc ngoặc với bệnh nhân về phòng mạch của mình. Đó cũng là lòng tham tiền.
Một thầy giáo móc ngoặc với học sinh về mở lớp dạy thêm cũng là cách thức tham tiền.
Tham tiền bạc như ông bác sĩ và ông thầy giáo đã đánh mất lương tâm nghề nghiệp cao quý của mình.
Thật ra trên đời này, lòng tham tiền bạc đã đánh mất giá trị đạo đức làm người.
Một người phụ nữ vì tham tiền bạc, phải lấy ông già tuổi hơn cha mẹ, như vậy là đạo đức gì? Một cô gái vì ham tiền bạc phải bán thân làm nghề mãi dâm, thì giá trị đạo đức làm người đã bị đánh mất. Những cô gái Việt Nam vì tham tiền bạc nên lấy chồng ngoại quốc, nhưng không ngờ cuối cùng lại làm nô lệ, tôi tớ lau chùi, quét dọn nhà cửa và chăm sóc cho một ông già bệnh bán thân. Tham tiền bạc đã đưa con người đi đến những nơi cơ cực, phũ phàng của kiếp làm người, mất hết cả quyền sống tự do.
Một dấu ấn tham tiền bạc trong đầu mọi người, nhất là người phụ nữ này, họ đáng “thương hại” hay đáng “khinh bỉ”. Thưa các bạn? Một nhà làm tôn giáo vì tham tiền bạc, đã biến tôn giáo ấy thành một nghề nghiệp làm ra tiền như bao nghề nghiệp khác trong xã hội. Nghề làm tôn giáo trông có vẻ tôn kính, oai nghiêm, trịnh trọng hơn tất cả các nghề khác, nhưng lại tệ hại hơn các nghề nghiệp khác. Là vì làm nghề tôn giáo là nghề nghiệp phi đạo đức, vì gieo rắc trong đầu óc mọi người một thế giới siêu hình ảo tưởng, một sự mê tín ngàn đời đã trở thành một nếp nhăn khó bỏ trong đầu của mọi người, khiến cho con người chết cứng trong thế giới ấy. Còn một tai họa ghê gớm hơn nữa, đó là gieo vào lòng mọi người một đam mê huyền lực siêu việt (thần thông). Đến giờ này, hễ ai nói đến tôn giáo là người ta liên tưởng đến thần thông.
Thực tế, thần thông chẳng đem lại lợi ích gì cho con người cả, chỉ là một trò ảo thuật giải trí, chứ không áp dụng làm lợi ích cho sự sống của loài người.
Vậy mà các nhà làm tôn giáo thường biểu diễn thần thông, để thu hút tín đồ. Đó là một thủ thuật lừa đảo con người.
Thật sự, thần thông chỉ là một năng lực của tưởng uẩn trong ngũ uẩn của một con người, khi một nhà làm tôn giáo thường tập luyện làm cho năng lực tưởng phát triển, để dùng nó tạo ra thế giới siêu hình và những trạng thái lạ lùng. Nhờ đó lừa đảo, dụ dỗ người khác tin tưởng, gia nhập theo tôn giáo của mình. Lấy số tín đồ đông đảo tạo cho mình một thế lực để đương đầu với mọi thế lực khác. Thế lực chỉ phục vụ danh và lợi cho cá nhân của giáo chủ. Chẳng bao giờ chúng ta thấy sự bình an chân thật trong các tôn giáo, mà chỉ là một sự bình an ảo tưởng trong tinh thần của chúng ta mà thôi.
Ví dụ: có bao giờ một tôn giáo đem thần quyền ra dẹp giặc ngoại xâm bao giờ chưa? Hay phải biết bao máu xương của người dân nước ấy đổ xuống kiên cường chông ngoại xâm. Lịch sử của mỗi dân tộc đã chứng minh điều này.
Đất nước Tây Tạng huyền bí tập trung về những thần thông kỳ lạ ở xứ này. Nhưng khi giặc đến xâm chiếm đất nước này, thì chính Phật Sống Lạt Ma đã chạy bỏ nước đi lưu vong xứ người.
Phật giáo Tây Tạng là thần thông đệ nhất. Sao các nhà sư không đem ra giải cứu quê hương của mình. Vậy những người tu tập theo Phật giáo Tây Tạng có thần thông để làm gì? Xem thế chúng ta biết, rằng thần thông chỉ là một trò ảo thuật biểu diễn giải trí, chứ chẳng có lợi ích gì cho dân, cho nước. Phải không hỡi các bạn? Đạo đức nhân bản - nhân quả không chấp nhận những trò lừa đảo, bất cứ những sự lừa đảo nào, dưới những danh hiệu nào? Một khi ngầm chứa bên trong một điều phi đạo đức thì lần lượt nhân quả sẽ làm tan vỡ những tấm bình phong, để mọi người thấy rõ bản chất gian xảo, lừa đảo của tôn giáo.
Tóm lại, tham tiền bạc, vật chất sẽ thúc đẩy chúng ta làm những điều gian xảo và tội lỗi, gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho chính bản thân mình. Nhất là điều quan trọng, chúng ta đã đánh mất lương tri, lương tâm đạo đức làm người. Khiến chúng ta giống như một loài ác thú, chỉ còn biết làm ra tiền bạc để phục vụ ăn uống là trên hết.